Nhà văn Nguyễn Văn Thọ
Bây giờ là tháng 12. Sau Noel, tất cả, cả thời gian, dường như đóng đông lại bởi nhiều ngày lễ và nguyên nhân chính là thời tiết quá tồi tệ. Mặt sông, hồ đanh cứng một lớp băng trong suốt. Và gió xoáy thổi ào ào những hạt trắng rắn cứng như cát, suốt từ sáng qua đêm, ngày lại ngày. Mọi năm ấm hơn, thời điểm này hoa Forytchia(1) đã bắt đầu xé vỡ băng giá, xé toạc lớp vỏ khô rộp vì bỏng lạnh, khoe những mầm tơ để ít bữa rực hoa rộn ràng như nắng hạ.
Trước đó ba tháng, tại vùng hắn ở có đứa bạn bị những người đồng hương đột vòm(2). Bọn chó hoang tha đi của gia chủ, bạn gái vợ chồng hắn 15 ngàn Euro tiền hàng.
Hắn bình tĩnh dặn thằng con riêng của vợ: "Tao ở nhà thì không nói gì. Nhưng đi vắng bọn trộm có lọt vào, cứ cho nó lục. Đừng sợ, đừng chống cự. Chẳng thằng nào trên đời này đẩy cửa là bắn luôn, hay chém phăng đầu chủ nhà. Còn nếu nó đông mà tao ở nhà, con chỉ có trách nhiệm gọi điện cho cảnh sát. Còn lại là việc của tao". Đứa trẻ vừa mười tám tuổi, đứng trước hắn, bấy lắm! Nếu ai hơi tinh đời, nhận ngay ra nó như một chú dê tơ, vừa nhu nhú mầm sừng và đối diện là con sói già. Nó nhìn bố dượng nó không chớp và "dạ" nhẹ. Thực ra, thằng bé cũng từng nếm trải. Năm còn ở Hà Tây với ông cậu, cũng từng lang thang trốn nhà đi bụi mấy tháng. Còn khi bà ngoại và ông cậu tống nó ra khỏi nhà, chút xíu nữa nó đã trở thành bụi đời chuyên nghiệp trên sân ga Hàng Cỏ. Nhưng quả thực, nó chưa thấy ai như "lão già" này. Cái gì cũng không lọt khỏi mắt lão dù một lời nói dối xâu vừa lỗ kim.
Tuy nhiên, ở đời không thể chủ quan được! Đừng khi nào để mình rơi vào cảnh huống bị động! Hắn nghĩ vậy và tìm cách giấu tiền. Tổng số 25 ngàn Eu. Hắn đếm hai lần số tiền trước khi niêm phong chiếc phong bì chống ẩm, lại viết số tiền lên mặt phong bì, cẩn thận ghi ngày tháng. Hắn để tiền trên hốc nóc tủ ngoài hành lang, nơi có hộp công tắc(3) lõm vào. Hắn nghĩ, giấu chỗ này, tưởng sơ sài nhưng sẽ gây bất ngờ. Hắn chặn hai cuốn địa chỉ điện thoại nặng chịch lên cái gói tiền. Tại đó có cái hốc nhỏ, nếu ai kéo cuốn điện thoại, túi tiền sẽ rơi ngay xuống đó mà chạy xuống đằng sau chiếc tủ cao nặng đã bị phích bằng hai bộ ốc vào tường. Việc giấu tiền thực hiện sau ngày bạn hắn bị đột vòm: Ba tháng rồi!
Hôm ấy là chúa nhật. Gió thổi khốc liệt hơn. Lạnh tới mức hắn và vợ nghỉ hai buổi chợ. Thời gian ngày nghỉ như dài ra, trôi chậm lại. Hai buổi chợ mất đứt hai trăm Eu là ít! Đúng vào tuần lương của Đức: Đúng ngày sát Noel! Vợ hắn cứ đi ra lại đi vào. Luôn chép miệng và ngó ra ngoài trời.
- Năm nay việc buôn bán thực quá tồi tệ. Mình đã ăn lẹm vào vốn cái. Bù vào tiền ăn của nhà ta, chi nước thải, nước nóng trội ra, và điện, chi chữa xe, tiền bảo hiểm sức khỏe, từ năm thêm thằng con em, bảo hiểm ép tăng nữa. Tất cả hơn tám ngàn.
Hắn nói với vợ. "Vâng, em biết. Từ khi đổi tiền mới, cái gì chẳng tăng giá. Tốn kém!". Người vợ đang nhặt nhạnh mấy túi ni lon bao bì gấp xếp cẩn thận, để dùng cho việc lặt nhặt trong nhà, mà nhẽ ra phải chi mấy chục cent từng tháng.
- Đồng US lại tụt rồi! - Hắn nhả khói thuốc lên trần nhà. Tách một cái, mẩu thuốc bay lên lọt đúng vào cái gạt tàn để cách hắn hai tầm với. Màn hình nhoang nhoáng chuyển từ tin tài chính sang tin Mỹ mang lính đi chuẩn bị choảng nhau. Khuôn mặt hắn bị ánh sáng hắt ra, nhợt nhạt, hơi lạnh. Cái đi văng cũ, da mềm màu huyết dụ, vừa là chỗ ngủ của hắn vừa là nơi tiếp khách, phát ra tiếng kêu ọt ẹt. - Ông xem thế nào. Kỳ phép này của ông, mang US về mà chi. Em tính, để Euro lại, sau này có giá đấy. - Tiếng người vợ nói vọng vào.
- "Ừ, sẽ mang tiền US về. Cô ở lại khi tuyết, gió quá đừng tham mà ra chợ. Bây giờ hai đứa đã có tuổi. Có giàu thì giàu rồi. Ngộ nhỡ, cô ốm lăn ra thì chả bõ. Tôi thu xếp xong mọi việc ở Hà Nội sẽ sang ngay với ba mẹ con". Hắn nhẩn nha.
Cái câu có giàu thì giàu rồi mỗi lần gã nói làm người đàn bà đau thót tim. Chị vẫn thế. Số tiền hơn bảy chục ngàn US gửi mẹ đẻ của chị ở Hà Tây đã tiêu tan trong một năm. Mẹ chị đã dùng tiền ấy đầu tư cô em bà ở Sài Gòn. Bà dì chị phá sản, tiền tan như khói. Chị đau xót cắn môi mỗi khi nghĩ lại. Không tin mẹ thì tin ai? Dầu khi ấy hắn đã can, chị biết gửi ai giữ tiền hơn mẹ chị. Hai đứa chưa lấy nhau, chia tiền sòng phẳng xong, phải gửi về nhà. Hắn nam giới chôn tiền ở đâu chả được. Chị nữ nhi, chắc nhất là gửi mẹ. Thôi thì cơ sự đã như vậy, chả nhẽ con lại cắn xé, ăn thịt mẹ trở lại. Chị chỉ trách mẹ một điều, vì tham lãi to mà tự động sử dụng số tiền ấy. Vỡ lở rồi cũng không dám nhận lỗi về mình, lại chửi chị, thành người mang tiếng. "Con cái gì, nó là hạng chỉ nghĩ tiền mà quên tình mẹ con!". Phải rồi, ở quê, ai cũng nghĩ chị giàu có, tiền như nước. Về phép, cả họ có quà. Có ai biết cái nỗi tha hương, mặt gục vào tuyết giá, nhịn ăn nhịn tiêu, nhịn cả tình cảm, sự ấy diễn ra lâu rồi. Khổ quá, chị biết mẹ tiêu dùng thế nào, vặn hỏi cho rõ từng khoản, lập tức đứa con chị bị đuổi khỏi nhà! "Chị nhiều tiền, nuôi lấy nó, kẻo mang tiếng tôi là ở nhà trông cậy vào tiền ở nước ngoài. Tôi là con ở nuôi anh em chị. Bây giờ lại là vú già nuôi con chị ư?". Trời ơi, người chứ có phải là cục đá mà gói mang con đi ngay được. Anh ấy nghe tin, khẩn cấp bay về, "Gia đình tôi sẽ nuôi nó!". Chị vẫn biết ơn chồng khi hắn đón thằng bé về nhà bố đẻ rồi lại tìm cách đưa được sang với chị. Đôi khi chị không hiểu được thời cuộc bây giờ. Người chồng cũ không nói làm gì. Gã coi chị là kẻ thù là nhẽ thường tình, có thể hiểu được. Còn mẹ chị? Chính là con người chị tin tưởng nhất ở cõi đời sau những tan nát của cá nhân chị. Cũng tưởng đi nước ngoài kiếm tiền thì an ủi cho cái thân phận mình. Thế mà chính cuộc đi kiếm tiền này, lại là cuộc ly loạn của bao nhiêu điều mà một người đàn bà như chị chẳng bao giờ mong muốn mang tiền ra đánh đổi!
*
Hắn chợt bật dậy. Thế là chỉ còn hơn tuần nữa hắn lại được trở về Hà Nội. Nghĩ mà khoái. Có lẽ phải tính toán lại số tiền mang về chi cho việc bốc xây mộ song thân...
Hắn đi ra hành lang. Chợt nhìn lên nóc tủ nơi hắn giấu tiền. Cuốn sách hơi lòi ra ngoài. Hắn chột dạ. Nhảy phắt lên, luồn tay vào.
Có đường lạnh chạy dọc sống lưng. Hắn giật tung hai cuốn sách nặng. Cái hốc trơ trọi. Một con nhện hoảng hốt chạy từ nóc trần sát đó và những sợi tơ mầu khói chăng ra cả tay hắn.
- Mẹ nó cầm tiền ở đây à? - Hắn giật giọng hỏi. Người vợ từ bếp chạy ra:
- Tiền nào? - Tiền tôi giấu đây này. Đâu? - Người vợ hoảng hốt mặt tái xám đứng như trời trồng giữa hành lang căn hộ.
Gần hai chục phút sau, cái tủ bị tháo vít khênh ra: Nhìn rõ dăm con gián nhỏ xíu chạy hốt hoảng.
*
Cả nhà bị lật, rũ tung từng thước thảm. Những cuốn sách và toàn bộ giường tủ, quần áo. Những chậu cây, đáy ti vi và cả đằng sau những bức tranh.
Đã bốn tháng nay hắn có ngó ngàng gì tới số tiền đâu. Công việc làm ăn quá hối thúc hàng ngày cũng chả để hắn và vợ thở nữa là ngó vào cái thứ coi là nguồn vốn dự trữ kia. Trời ơi, đây là toàn bộ số tiền sau hơn mười lăm năm còn lại từ bàn tay chai cứng như thép của hắn. Có thể đùa được đâu! Mười lăm năm xa quê, lang thang ba bốn nước, bao nhiêu chuyện xảy ra. Bao người thân yêu nhất mất đi mà hắn chẳng thể có mặt để dẫu là chỉ khóc. Gia đình cũ tan nát. Gặp người đàn bà cũng có sự đau đớn tương tự, gắn bó. Tưởng xây dựng được tổ ấm mới. Tiền đã mất hơn bẩy mươi ngàn rồi. Còn lại khoản cuối này, khoản từ ngày cha hắn mất, hắn tổng động viên tiền quay lại Đức.
*
Hắn đi đi lại lại không nói. Nhưng thực ra trong hắn biết bao câu hỏi. Ai? Ai đã lấy số tiền này.
Hắn cố gắng bình tâm. Cách đây hơn hai tháng, lần ấy hai nhà Việt Nam nữa ở liền khu hắn sống, bị bọn trộm cùng một lúc chờ gia chủ ra khỏi nhà đã cậy cửa tự nhiên khuân đi tất cả cái gì có giá trị. Hắn có bàn với vợ di chuyển số tiền xuống hầm. Rồi sau đó vì công việc, hình như không làm việc ấy. Nói chính xác hơn là vợ chồng có bàn, rồi sự làm ăn túi bụi của vụ Noel làm cả hai không kịp tiến hành thay nơi cất tiền xuống hầm nhà. Hay là vợ hắn? Hắn hỏi lại vợ lần nữa. Người vợ yên lặng một lát, rồi ngửng lên nhìn vào đứa con gái đang đứng nép bên cánh cửa: "Không, em hoàn toàn không tự động làm việc ấy".
Họ vẫn kiên nhẫn lục lại lần nữa khắp các phòng.
Đứa con gái sáu tuổi đứng tựa vào cánh cửa, giờ bước tới ngã vào lòng mẹ. Nó không hiểu việc gì đã xảy ra. Nó thấy khuôn mặt rất Boese(4) của cha nó. Nó thấy bộ mặt sợ hãi tái nhoét của anh nó. Từng ấy với nó, một đứa bé sinh ra ở Đức, là cả một sự ghê gớm quá rồi. Nó khóc.
Hắn lôi tuột đứa trẻ vào phòng ngủ của hai mẹ con, ấn xuống giường. Ngủ đi! Bố sẽ tìm thấy tiền, ông già Noel sẽ tới gửi nhiều quà Noel cho. Con bé sợ hãi nhìn cha nó. Ôm cổ cha nó mà hôn rối rít. Bình thường chả mấy khi nó làm vậy. Sự sợ hãi vốn là bản năng của con người ta? Cũng chẳng thể hiểu ai đã dạy loài người điều đó ngay từ khi chập chững vào đời, hay là cuộc sống luôn bất trắc đã ngấm từ máu cha mẹ vào tận nhau thai? "Con đừng sợ. Ngủ đi". Hắn hôn vào má con bé như cắn.
Đêm, không ai chợp mắt tới sáng. Hắn đi đi lại lại, hết bật nhạc lại xem ti vi. Rồi yên lặng, rồi hét lên. Chỉ có câu hỏi duy nhất miết xoáy lên trần chạy vang cả ba phòng trong căn hộ: "Tiền! Tiền ấy ai lấy? Trộm? Đứa nào? Ai? Sao nhà không có vết cậy cửa? Sao chúng không khuân cái đầu DVD thu phát mode nhẹ tênh, có bán lại ở chợ Việt Nam cũng được cả ngàn? Ai?". Họ không tìm ra câu trả lời. Suốt ba tháng qua, không có khách ngủ lại. Vô lý, vô lý! Chỉ có tao và mẹ mày biết. Mày có biết không? Nó ở đâu?
Cứ như thế tới khi mặt trời soi rõ những con gió vẫn quất mạnh ném tuyết ngập tới nửa mét trên thị xã, trên cánh đồng.
Bữa ăn nguội buổi sớm thực yên lặng. Nghe rõ tiếng bánh mì khi bẻ ra thả vào sữa. Tiếng nuốt sữa của đứa trẻ. Một lát, hắn nói chậm, nhưng gằn:
- Một mất mười ngờ. Bây giờ chỉ có ba người. Không ai ngoài chúng ta. Tao? Mẹ mày hay mày? Chả nhẽ tao lại ăn cắp tiền của tao? Mẹ mày thì không rồi. Mẹ mày không thể phản bội lại tao. Điều ấy mày chắc hiểu.
Hắn nuốt một ngụm Netcafe rồi nhìn vào mặt thằng bé.
- Mày nghĩ kỹ đi. Tao không khẳng định mày lấy. Nhưng tao hỏi mày, mày có vô tình thấy nó mà giấu đi không? Mày biết tính tao đấy. Tao căm thù nhất trên đời tính ăn cắp. Nhặt được của cải, không phải của mình làm ra cũng là sự ăn cắp. Là phản bội, nhất là bây giờ mày biết số tiền ấy là của tao, của mẹ mày, của chính cả mày và em mày. Nhưng tao thề có tổ tiên tao, nếu mày thú nhận, tao sẽ tha thứ. Đừng nói dối và giấu tao điều gì. Đừng trách tao nghi mày. Nghĩ kỹ đi. Mày thiếu trung thực với tao, dẫu là khi mới bước chân sang đây tao đã nói cả trăm lần về điều ấy. Mày luôn trốn học đi chơi. Mày bỏ đi cả tuần kỳ tết năm trước sang nhà chú Tâm khi tao và mẹ mày về Việt Nam. Vậy sao tao có thể tin mày? Mày hứa với tao học chăm chỉ. Tất cả chỉ là hứa suông. Mày thích chơi điện tử, vào nét hơn là rèn luyện để trở thành người đàn ông đủ tài mà chống chọi với cuộc sống!
Người vợ ngồi né mặt, với nhìn sang đứa con gái nhỏ. Thằng bé thì cúi gầm mặt xuống. Tất cả những điều ấy không sai với nó:
- Nhưng con không lấy và không biết số tiền ấy. Con thề!
- Thề! Tao thề được như mày. Vậy ai đã lấy tiền? - Hắn chau mày. Giọng nhỏ, đanh sắc và cặp mắt sáng tóe lửa như mũi mác phóng vào mắt thằng nhỏ.
- Con thực không biết! - Thằng bé lé mắt lên yếu ớt nhìn dượng nó. Nó hiểu, con người này đã đối xử với nó rất tốt. Tốt hơn cả cha nó. Nó từng nói với bà giáo Hega trong kỳ nghỉ đông vừa qua: "Dượng tôi rất được, ông ta biết tôi ốm. Biết tôi bất kỳ ở đâu khi cha đẻ tôi không bao giờ biết tôi đang ở đâu từng ngày. Chỉ tội dượng tôi tính nóng hơn lửa. Ông ấy rất thương mẹ con tôi?". Nó lí nhí: "Quả thực con mải chơi. Con từng ăn cắp ở nhà. Nhưng từ ngày sang đây con không ăn cắp. Con biết bố rất ghét và con đã thề với bố về điều ấy rồi! Còn con có lỗi là còn hay nói dối. Con sợ bố mẹ mà nói dối chứ con không muốn nói dối!".
- Mày sợ. Mày sợ nên để con chim mà mày luôn mồm kêu yêu nó, chết rét trong lồng, khi mày chạy đi chơi suốt cả tuần lúc tao và mẹ mày vắng nhà. Mặc kệ băng giá hành hạ con vật. Vậy ai tin mày? Nếu mày là con đẻ tao, tao sẽ đập chết hiểu chưa.
- Bố ơi! Con xin bố tha! - Đứa con gái cất tiếng, nó sắp khóc. Nó chạy từ lòng mẹ nó tới bên anh. Tự nhiên người đàn bà nước mắt chảy lã chã. Thằng bé cũng âm thầm khóc.
Yên lặng.
Hắn dịu giọng:
- Mày nghĩ kỹ đi. Ai cho mày ngày hôm nay? Tao đã quỳ xuống van nài bố tao, chị tao nuôi mày khi mày đói gầy trên sân ga. Tao lại chạy ngang chạy dọc đưa mày sang đây cho mày hết cái cảnh có mẹ mà như không. Tao cũng từng như van mày, hết ngọt tới sẵng rằng là đàn ông thì phải kiêu ngạo mà tự tay mình làm ra tiền. Mày nghĩ lại đi con. Tao với mày chả ruột thịt gì. Sao tao lại cắn răng nhớ thương con tao ở quê hương để chăm cái đứa chẳng máu mủ như mày? Mày thấy nó rơi ra mà nhặt được thì đưa cho mẹ mày. Tao thề, hai thằng đàn ông, thề có hương hồn cha mẹ tao, rằng tao sẽ không trừng phạt...
Hắn nghẹn lại vì xúc cảm thực sự. Không khóc, nhưng giữa ngực hắn có một dòng chì chảy nóng rẫy bò ngoằn ngoèo trong từng đường gân mạch máu. Hắn cố giữ mặt lạnh:
- Thôi tao nói vậy là đủ. Cho mày suy nghĩ từ giờ tới tối - Hắn cười gằn. - Tao sẽ lại làm lại từ đầu. Tuy là mày biết đấy, cơ hội kiếm tiền chẳng bao giờ như ngày hôm qua. Tao già rồi. Nhưng tao sẽ không sợ. Tao yêu thương tất cả, nhưng tao căm thù sự phản bội và không sợ bất cứ khó khăn nào, nhất là nó tới từ kẻ thù của tao ở đời. Tao chống cự đến cùng! - Mắt hắn đột nhiên tóe sáng.
*
Bóng tối bắt đầu trùm lên thị xã. Ngoài kia, tuyết vẫn trùng trùng rơi.
Con bé bám tay vào thành cửa sổ. Nó nhìn sang dãy nhà bên kia đường. Tại đó có mấy người đi lại thấp thoáng trong gió. Ở nhà nó đang xảy ra điều gì? Bằng giờ này mà vẫn chưa thấy ông Noel tới. Chắc năm nay ông ấy giận gia đình nó mà không tới. Muốn ông Noel tới, phải học giỏi và không được cáu kỉnh. Bố nó nói vậy. Nó thì học tốt rồi, vậy thì chỉ tại bố mẹ nó đang cáu kỉnh mà ông Noel không tới thôi. Nó hỏi: Tại sao bây giờ ông Noel chưa tới, papa? Mẹ nó nhìn đứa con cố nói nốt một câu với chồng: "Em nhục lắm rồi. Em van anh đừng tống nó về Việt Nam. Cho nó tới Muenchen đi vặt lông gà vậy. Nó về nhà chắc nghiện như thằng anh nó. Thế thì em tự vẫn!".
Hắn ôm con gái vào lòng, vuốt tóc đứa con gái. Mọi năm giờ này hắn đã đóng bộ ông già tuyết từ hầm đi lên giả giọng ồm ồm, xì xồ tiếng Đức, phát quà cho con hắn. Bây giờ thì bụng dạ nào mà làm việc ấy. Hắn nói dối: "Con à, năm nay bão, xe hươu của ông ấy hỏng bánh rồi, ông ấy cũng già hơn cả ông nội con, không tới được đâu!". "Thực không papa? Ai nói cho papa biết xe ông ấy bị hỏng?". Hắn ôm đứa nhỏ vào lòng: "Bố gọi điện hỏi rồi mà. Ông Noel tốt lắm. Bây giờ ngủ đi".
Tuyết vẫn ù ù đập vào cửa cho tới sáng. Phòng thằng lớn vẫn lom dom cái đèn học. Ánh sáng chiếu qua khe cửa hở một vệt như mũi lao đâm sang nơi hắn ngồi hút thuốc suốt đêm. Hắn ôm mặt muốn khóc mà chẳng thể.
Hắn nhớ lại cả cuộc đời hắn. Những ngày trôi dạt bên Nga. Cái phòng nhỏ khói a-xít lơ lửng, dày đặc quyện che kín cả trần nhà. Cuộc di dời đầy mạo hiểm qua nhiều biên giới. Hắn chưa khi nào thua ai cả. Vậy mà tại đây hắn mất mát bao nhiêu mà cuối cùng lại bị phản bội. Trời ơi. Giá mà hắn biết rõ ai lấy số tiền này. Sự nghi ngờ bao giờ chả là nghi ngờ! Hắn không phải là loài người làm điều không có bằng cớ. Cuộc sống cũng bao lần oan uổng ở quân ngũ, ở cơ quan, ở đời, nên hắn thận trọng. Hắn đau đớn chừng nào bởi như vậy không chỉ là mất tiền! Hắn nhớ tới ngày xin gia đình hắn đón thằng nhỏ về nhà, cha hắn là con người của ngày xưa thủng thẳng: "Dây bầu đeo lấy quả bầu. Thế gia tộc hai đằng của nó đâu?". Hắn quỳ xuống, đây là con của người đã chia sẻ bấy nay với con ở bên đó. Con không thể bỏ rơi bè bạn khi hoạn nạn. Con sẽ lấy cô ấy làm vợ. Nó là người. Cha hãy vì con mà thương nó. Thế mà bây giờ thằng ấy dám phản bội lại hắn. Hắn giận dữ miết tay xuống cạnh bàn. Ngón tay cái hắn ứa máu. Hắn chả thấy đau. Thản nhiên liếm.
Hắn đau khổ tới cùng cực.
Thực ra, con người như hắn thật đáng thương. Khuôn mặt hắn có vết sẹo dài trên trán. Đấy là vết thương của chiến tranh, ngày hắn đánh vào giải phóng thị xã Tuy Hòa. Còn cái vết sẹo to như con giun ngoằn ngoèo chạy từ bả vai tới xuống tận cổ tay trái là nhát dao kỷ niệm của đám thợ hoàn kim tại Nga, vừa là ân nhân vừa tí nữa là kẻ thù của hắn. Ân nhân vì khi nước Nga sụp đổ, hắn mất hết cả tiền sau chuyến đi tận Cáp Ca đổ bột nghệ bị đám cướp lạ dí súng vào đầu mà lột sạch. Đang lang thang ngoài ga, đói tưởng chết thì gặp họ lôi về nhà cho ăn, cho mặc và cho cả chân giúp việc tách vàng trong cái phòng ngột ngạt. Tí nữa là kẻ thù vì bữa tiệc cuối năm, say, cả lũ say mèm vì hơn mười chai vốt ca. Thỏi vàng vừa cô lại trong túi quần hậu của tay nhóm trưởng không cánh mà bay sau giấc ngủ trên thảm, giữa đám vỏ chai và thức ăn bừa bãi. Thế mà chúng kéo hắn, cái thằng vô gia cư bị nghi ngờ nhất vừa mới quen chưa đầy ba tuần lên, với sợi dây dù trói ngược cánh tay, treo lơ lửng trong phòng bếp. Hắn có chôm đâu mà khai? Con dao bếp Nga sắc đã lướt nhẹ từ vai tới cổ tay để máu rỏ lõng võng như cắt tiết gà xuống nền bếp. Người ta lại lập tức hạ hắn xuống cấp cứu và theo luật giang hồ hắn được tặng lại nhát dao ấy cho kẻ cứa hắn, khi thằng mất vàng tìm thấy thỏi vàng nửa ký rớt ra sau bồn cầu toa lét hồi đêm trong trạng thái say xỉn. Có thể sự oan uổng ấy, làm hắn thận trọng hơn với thằng bé trong vụ này. Thận trọng thôi, chứ khả năng nó chôm là nhiều. Bởi hai trường hợp khác nhau. Hắn hư đốn giang hồ nhưng không có tiền sử trộm vặt. Hắn giang hồ cũng vì biết bao điều của cuộc đời mà thực ra hắn sẽ giữ được bộ mặt không tới nỗi nào khi được sống trong ăn học tử tế và đừng đói nghèo. Hắn bất giác sờ tay lên đôi má sọp lại. Giá đầy đặn hơn. Giá xóa đi nét phong trần, con mắt sáng và cái mũi thẳng, đôi môi trái tim hồng lại, phải là một khuôn mặt đẹp của đàn ông!
Tiếng đồng hồ vẫn tích tắc từng giây đủ cho cả ba con người trong ba phòng nghe rõ. Chỉ có đứa con gái nhỏ là ngủ. Nó mê gì? Môi son hé cười và đôi tay hồng nắm lấy búp bê cô Công Chúa Tuyết.
*
Tôi đồng ý. Ngay sau tết Tây thằng con bà sẽ đi xuống phía Tây chỗ bọn thằng Tuấn Tanh nhổ lông gà. Để cho thằng Tuấn Tanh trị nó, cho nó biết thế nào là lễ độ. Mười tám rồi. Ở Đức này, mười tám là phải tự lập. Các bà mẹ như cô không học ra điều gì về đại bàng sao? Đại bàng mẹ lấy cánh đủn con xuống vách đá, khi con chim nhỏ vừa đủ lông. Con chim non chấp chới, sợ hãi đập cánh và nó nhao vào luồng khí bay lên! Muốn con bà thành đại bàng hay mãi mãi như con gà nhép nép vào cánh mẹ? Vả lại khi hai thằng đàn ông phản bội nhau, không tin nhau, thì sống cạnh nhau tất có ngày có hậu hoạ. Tôi không sợ nó, nhưng tôi sợ chính tôi! Còn ở lại với tôi. Không thể được! Tôi cũng nhắc lại với bà là nếu tôi phát hiện chính xác, nó đã lấy tiền của tôi, thì bà liệu tìm nó. Tôi sẽ biết, trước và sau sẽ biết. Số tiền ấy không thể là cái kim mà giấu được. Nó phải tiêu. Phải mua xe mới chẳng hạn...!
Hắn và vợ bỗng đồng loạt thở. Tiếng thở hắt ra, nhưng ở hai người đều có ý nghĩa khác nhau tới đối nghịch.
Bên ngoài có tiếng chuông.
Thằng bé ra mở cửa. Đó là bạn gái vợ chồng hắn. Một người đàn bà tứ tuần, quắt queo như trái quéo héo.
- Em nghe tin hai bác có việc không may! Có mỗi mình em ngủ lại đêm ấy. Anh chị ơi, em cũng bị đập hộp, mất tiền sao mà nỡ lòng nào nhặt được tiền của hai bác!
Chưa đặt đít đã đặt mồm - Hắn nghĩ - Ai bảo cô nhặt tiền?
Người đàn bà sà tới bên thằng nhỏ: "Cô mong cháu lên làm, mà nhà có việc không đi làm sao không báo cô? Cô không gọi điện cho mẹ cháu thì sao cô tìm ngay người khác thế chân cháu. Khổ quá anh ạ. Quán ế ẩm cả năm, bây giờ tụi nó mới đi mua sắm. Thôi, cháu còn nghỉ đông có hai tuần. Việc xảy ra đã rồi. Để cháu lên làm tiếp với em xem sự thể ra sao. Ấy, hay năm nay chị cũng sao Thái Bạch chiếu như em nhỉ?
Người đàn bà kéo đứa con trai và vợ hắn vào phòng nhỏ. Từ đó vọng ra tiếng rì rầm. Hắn yên lặng hút thuốc tại phòng khách và nửa tiếng sau, lòng hắn đau thắt, rối bời khi nghe tiếng thét của thằng con vợ trong phòng:
Con sẽ tự tử, con sẽ chết để chứng minh cho cô và dượng là con không biết gì!
Dẫu sao, hắn vẫn là tên giang hồ có gốc gác của một gia đình tử tế. Hắn nhảy bổ như cắt, bay vào phòng thằng nhỏ. Hắn nhìn rõ, thằng bé nước mắt lưng vực. Người đàn bà đang ôm lấy đứa trẻ và vợ hắn lại ôm lấy vai người đàn bà.
Hắn quay ra ngoài. Ôm lấy đầu gục xuống mặt đệm sa-lông. Lấy cái gối úp lấy mặt.
Nửa tiếng sau. Hắn ra chốt cửa, sau khi người đàn bà và thằng bé lí nhí chào hắn. Từ hành lang vọng lên liếng bàn bạc rì rào.
Hắn hình dung ra chiếc xe của họ bò loằng ngoằng trượt trên con đường còn nhầy nhụa giá băng. Trời lại sắp tối rồi và tuyết vẫn không ngừng rơi.
*
Mười một giờ đêm. Chỉ còn tiếng nữa là sang ngày Noel.
Con bé đã ngủ. Người vợ hắn giấu mặt xuống gối, nhưng thực ra không ngủ. Thế là đã ba đêm hắn không ngủ. Hắn rất mệt. Hắn tới bên bàn thờ thắp một nén hương cho cha mẹ hắn và bật nhạc. Tiếng nhạc giao hưởng làm thần kinh hắn dịu lại. Hắn uống một cốc vita tổng hợp và dựa lưng vào đi-văng.
Bóng người mở cửa rón rén vào hành lang. Bóng đen tới cửa nhìn hắn. Hắn nín thở vẫn giả vờ ngủ. Bóng đen tới bên chỗ hắn giấu tiền và trèo lên bậc gờ tủ. Hắn bật ra nhanh như tia chớp giật tóc và tung đầu gối lên. Hắn giáng tay chém như máy vào gáy đối thủ tới khi chỉ còn là cái xác mềm nhũn. Hắn cười. Rút con dao bấm ấn nút và cứa mạnh đứt rời bàn tay như vết đạn cắt mà hắn nhìn thấy ở đâu. Sợi gân giật làm hắn tối mắt. Cái mặt bị lật ngửa và hắn nhận ra khuôn mặt quen thuộc của đứa con dượng. Hắn thét lên, không thể như vậy!
Tiếng thét làm người vợ choàng tỉnh. Chị chạy ra, chồng chị vẫn đang vật vã trên đi-văng và nói gì ú ớ. - Anh! Tỉnh dậy, tỉnh dậy! - hắn choàng tỉnh. Ngơ ngác ngồi dậy. Mồ hôi rỏ đầm đìa trên khuôn mặt phong trần của hắn.
Đèn bật sáng trưng. Mười hai giờ kém bốn phút. Bây giờ là sắp sang ngày 25 tháng cuối cùng của năm. Hắn để vợ quay lại với con. Ra vốc nước lạnh vỗ vào mặt. Tự nhiên sau giấc ngủ, hắn thấy nhẹ lòng, dẫu buồn tê tái. Hắn tới bên con trong phòng ngủ. Tự nhiên hắn nhìn vào cái tủ đựng đồ chơi của con. Những ngăn kéo xếp nhiều đôi tất xình xinh và những con giống xinh xinh. Như có một ma lực xui khiến, hắn mở ngăn kéo sát đất, mò tay vào cái hộc bé dưới thanh gỗ vừa rộng đúng bàn tay dài sáu chục phân.
Bàn tay hắn đụng vào hai tập giấy. Cái sức nóng ở tiền hay cảm giác của máu sói làm hắn giật thột.
Đây rồi!
Hắn giật ra, ánh điện chiếu sáng hai gói tiền. Mà tại sao hai gói tiền? Cái gói của hắn, dày hơn, bên trong. Giấy còn nguyên niêm phong và dòng chữ hắn ghi. Cái gói mỏng hơn, bên ngoài. Tung ra một sấp tiền Mỹ và Euro. Không hiểu sao hắn bình tĩnh đến thế. Hắn quay người lại giơ hai tập tiền lên: "Ai giấu tiền vào đây? Lại cả tập tiền này nữa?".
Người vợ lật sấp người lại, nhao lên:
- Trời ơi! Tiền à? Thấy rồi à? Trời ơi, con ơi. - Chị líu cả lưỡi.
Hắn lạnh lùng:
- Hãy giải thích ngay lập tức vì sao bà phản tôi. Tiền này ở đâu ra? - Hắn quăng tập tiền mỏng một cách khinh bỉ xuống đất! Người vợ òa khóc. Chị quỳ xuống thảm.
*
Hãy cho em nói. Anh hãy giết em đi, nhưng cho em nói lời cuối! Đây là tiền em bớt của hai chúng ta giấu riêng. Nó là hai ngàn bảy trăm US và hai trăm rưỡi Euro. Hôm qua, chính hôm qua em sợ quá giấu vào đó. Vâng, mỗi ngày em lấy ra năm ba chục và cất riêng. Còn em không biết tại sao số tiền kia ở đấy. Anh và em cũng có lần bảo giấu nó vào đấy nhưng có ai làm đâu nhỉ? - Chị suy nghĩ một lát rồi trở nên bình tĩnh. - Sau đó anh bảo mang xuống hầm! Hãy giết em đi. Chỉ từng kia tiền ăn bớt, em đủ tội chết vì phản bội anh. Vâng, em đã phản bội. Từ ba năm nay, anh luôn cáu mỗi khi em gửi tiền về cho con trai em. Vâng nó nghiện, nó láo với anh, nó khốn nạn, nhưng nó là con em. - Tự nhiên giọng người vợ rất chậm và rành rọt. Chậm cùng với những giọt nước mắt chậm đổ xuống mặt thảm. - Em hy vọng nó sẽ hết nghiện. Anh đã thù nó tới xương tủy khi nó chửi anh. Anh đã nuôi thằng em nó và dạy nên người. Nhưng chắc anh sẽ chẳng bao giờ cho nó một đồng sau này, nếu nó có vợ và con.
Anh là đàn ông, anh tỉnh táo hơn và chỉ ra biết bao điều em lầm lỡ, nhưng anh ơi, anh không biết trái tim của em đau đớn cực khổ ra sao, khi nghĩ dù thoáng tới hòn máu của em, dẫu nó là hòn máu khốn nạn. Vì thế em quyết định chuẩn bị riêng cho nó... Hãy giết em đi. Em ích kỷ phản bội anh, con gái và... Nhưng bốn năm nay không làm ra tiền, em sợ, sợ tới ngày nào đó chúng ta sẽ không còn một đồng dự trữ. Chúng ta còn có xã hội ở đây. Không sợ rét và đói. Thằng bé em nó sẽ lớn lên đi làm và không lo gì. Còn thằng kia. Giọt máu của em?
Người đàn bà bò lết tới chân hắn. Nước mắt ngập đầy hốc mắt của đôi mắt mà bao lần hắn đã thương xót hôn vào... Ngay khi đó con bé gái thức giấc. Nó bật ngay ra lao vào mẹ nó và ôm ghì lấy cổ mẹ. Mẹ, mama, mami! Nó rối rít gọi.
Hắn đứng như trời trồng.
Khi ấy, từ đâu như có trăm ngàn mũi mác cắm sâu và ngoáy mãi, tàn nhẫn vào con tim hắn. Khuôn mặt câm lạnh. Nhưng thái dương hắn, sợi máu rần rật vì biết bao điều, chớp mắt phanh phui, đan nhau: chà đạp, hành hạ, cởi phá những điều trong u tối, với cả sự hoan lạc tới điểm cuối cùng của kẻ biết được bí mật của sự thật.
Không hiểu sao, dẫu là còn mong manh tơ vò điều chưa tỏ, hắn chợt nhớ tới khuôn mặt đẫm máu của thằng con vợ trong mơ. Hắn ngắt lời vợ:
- Thôi câm đi! Gọi ngay điện cho con. Nó là người đầu tiên phải biết rằng chúng ta đã tìm thấy tiền. Điều ấy quan trọng nhất. Còn tôi và bà sắp chết cả rồi. Hiểu chưa? Đồ ... hắn nghẹt lại.
Nói rồi hắn quay phắt ra phòng khách. Ngồi xuống ghế. Lần đầu tiên sau hơn 15 năm lưu lạc; hắn khóc. Lòng hắn có một điều mênh mang rất buồn mà hắn, và chỉ hắn biết lý do của nó.
Người vợ chạy từ phòng sang. Đứa con gái lon ton sau mẹ.
- Gọi eng gọi eng về! Nó nói tiếng Việt thực ngọng nghịu dễ thương.
- Con nó về từ hơn một tiếng rồi! Cửa hàng đã đóng cửa.
Hắn nhíu lông mày. Đầu hắn vọt ra câu hỏi: Hơn một tiếng sao chưa về tới nhà?
Hay là? Hay là không có bus? Hay là nó còn đang lê trong đường tuyết đường rừng từ bến bus về nhà?
Hắn vơ vội áo lông dày, vọt xuống cầu thang, không nói với vợ nửa lời. Hắn chạy ra ô-tô. Nổ máy. Trời lạnh, tiếng kin kít của máy đề, mãi mới nổ được càng làm cho hắn sốt ruột. Đừng, đừng, mọi sự đừng xấu nhé! Hắn nhấn ga cho chiếc xe chồm lao hệt như viên đạn bay xé gió, tuyết về con đường rừng vắng tanh. Hắn bật đèn pha cháy rực cả con đường trắng xóa.
Tới mười phút sau, không chính xác, chiếc xe quay một vòng bên bìa rừng cạnh một bóng nhỏ ngồi im như tạc bằng đá trên một thân cây gỗ nằm ngã xuống bìa rừng từ đầu cơn bão tuyết vụ đông khi ấy. Hắn hối hả mở cửa xe, hối hả lao như con sói vào đứa con non của sói. Hắn nhìn thấy khuôn mặt thằng bé. Đôi mắt vẫn nhắm. Trên vai áo khoác dạ, những bông tuyết trắng muốt, tinh khiết, sáng rực dưới ánh đèn pha ô-tô. Hắn ôm choàng lấy đứa con. Thọc tay vào ngực đứa trẻ xoa lấy xoa để...
Nửa giờ sau. Hắn và người vợ ngồi bên đứa trẻ được xoa tuyết toàn thân, rồi ủ chăn ấm đã tỉnh dậy. Ngơ ngác nhìn.
Hắn cười. Nụ cười sau bốn ngày chết nay lại hồi sinh. Nụ cười làm khuôn mặt hắn đẹp lạ lùng. Cái đẹp của người đàn ông giang hồ từng trải và đau khổ khi được cười hạnh phúc.
- Con ơi thấy tiền rồi!
Thằng bé nhỏm dậy. Nó ngơ ngác và, chợt hiểu. Ba con người, đúng hơn là bốn con người ôm chầm lấy nhau và họ đều im lặng để nước mắt người này quyện với nước mắt người kia.
Những ngày sau đó, không ai lục vấn số tiền lớn kia, hắn hay vợ hắn hay con hắn, đã cất. Làm sao mà nhớ ra trong mấy ngày tuyết gió có bao nhiêu trận tuyết? Vả lại mọi điều quan trọng nhất đã sáng tỏ. Đấy là hắn nghĩ vậy.
Cũng thực kỳ lạ, cái lão trời già lắm chuyện. Gió như thế, bão như thế mà thoắt một cái, băng lại tan và mặt đất hiện ra. Mặt đất đen tuyền nhưng không lạnh.
Ven đường, nơi cạnh chỗ thằng bé ngồi hơn một giờ trong đêm, có bụi hoa Forytchia, cành chua chúa vươn mãi. Mới ấm một tẹo thôi mà đã chi chít mầm vàng chói. Màu non ấy, ai nhìn kỹ đều cho là nắng sớm đọng vào đó báo hiệu xuân sẽ về...
24-12-2002, Nước Đức
-------------
(1) Forytchia - Một loại cây hoa, mọc báo xuân ở Châu Âu. Hoa như bông mai nhưng chín, dầy đặc nở trên cành không lá, rực vàng, rất ấn tượng.
(2) Đột vòm - tiếng lóng chỉ hành vi đột nhập vào nhà lấy cắp trộm. Vòm: nhà. Nơi ăn nghỉ của đạo tặc cũng được gọi là Vòm.
(3) Hộp đường dẫn nước, điện, ga, thường chạy suốt từ hầm lên mọi tầng nhà.
(4) Boese - Giận dữ, căng thẳng. Còn có nghĩa là ma quỷ
Cùng tác giả:
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com