chan_dung-ke_si

TRANH TẾT - Truyện ngắn Nguyễn Phan Hách

19-11-2023

Lượt xem 1252

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Nguyễn Phan Hách

TRANH TẾT - Truyện ngắn Nguyễn Phan Hách

Nhà văn Nguyễn Phan Hách (1944-2019)

Nhà văn người Thuận Thành, Bắc Ninh Nguyễn Phan Hách có truyện ngắn đăng Báo Văn nghệ từ năm mới học lớp Năm. Ông được độc giả biết tới nhiều qua tiểu thuyết nổi tiếng Cuồng Phong in năm 2008. Ngoài văn, Nguyễn Phan Hách còn có một số bài thơ được phổ nhạc và được nhiều người yêu thích như Làng Quan Họ Quê Tôi (nhạc Nguyễn Trọng Tạo), hay "Ngày xưa tôi thầm yêu một nàng thiếu nữ, tóc em dài như gió mùa thu" trong bài Mối tình đầu (nhạc Thế Duy)

Viên quan hai Léc rất điển giai, vẫn được bạn bè gọi là con gà sống tốt mã của cánh đồng nho Léc nói sõi tiếng Việt, giỏi mỹ thuật, và rất chú trọng tìm hiểu phong tục Giao Chỉ. Được về làm sếp bốt Ngã tư Hồ, hôm trước, hôm sau Léc đã tha thẩn dẫn bọn lính vào làng. Hắn được biết ở đây người ta làm nghề vẽ tranh tết, và lúc này đang là mùa in tranh. Khi đi trên bờ sông Đuống Léc để ý có những chiếc thuyền dọc đỗ nép vào bờ đun nấu khói nghi ngút. Một tên lính cho Léc biết đó là thuyền ở xa đến chờ mua tranh tết. Hắn cau trán hầm hừ cái gì không rõ trong cổ họng. Léc đến đầu làng, cảm thấy mùa xuân xứ này đang đến, mưa chăng như mạng nhện; và khóm lá giong - thứ lá dân bản xứ gói bánh chưng tết - thì xanh rờn, run rẩy trong gió rét. Để tỏ thái độ thiện cảm, Léc cố giữ bộ mặt vui vẻ thậm chí còn gật đầu chào những người qua lại, mặc dầu họ có một ánh mắt mầu đen phương Đông đáng sợ, đang nhìn hắn như nhìn quân ôn dịch. Qua chiếc cổng làng có dòng chữ Trung hoa, Léc bước thanh thản trên con đường gạch. Con trai lão quận trưởng đi bên Léc, tên thông ngôn này rất được Léc yêu, vì hắn vẫn là cố vấn về các vấn đề phong tục và địa phương cho Léc, giải thích:

- Thưa ngài, con đường chúng ta đang đi, có lịch sử kỳ thú của nó. Tôi muốn nói là những viên gạch này mang nhiều ý nghĩa. ở vùng đây mỗi cô gái đi lấy chồng, theo tục lệ, phải lát cho làng một đoạn đường gạch. Kết quả là những lớp gạch cũ, mới cứ nối nhau chạy dưới rặng tre xanh thế này...

Léc cười thích thú, hắn gượng nhẹ gót giày uốn éo nhún nhẩy. Những cô gái mắt xếch của phương Đông ơi (thực ra không có ai mắt xếch) - hắn nói - tôi đang đi trên những kỷ niệm của các cô:

Tên thông ngôn đưa Léc ngoặt vào chiếc cổng tre:

- Đây là nhà một lão khắc tranh giỏi nhất làng - hắn nhấn mạnh - Ngài sẽ được xem họ làm việc như thế nào.

Léc nhìn thấy một ông già râu tóc trắng xóa, vận áo cúc vải, đang ngồi chăm chú ngoài hiên với bộ dao khắc và tấm gỗ vàng hươm.

- Chào ông già, quan đến xem làm tranh, có thế thôi, ông cứ làm việc bình thường - tên thông ngôn nói.

ông cụ dừng tay, gương mặt đỏ hồng thoáng tái một chút rồi cúi xuống. Đôi tay với những ngón xương xẩu lại cử động một cách tinh tế, sử dụng bộ "ve" khắc thuộc lòng trên mặt gỗ. Léc chăm chú ngắm, chụp ảnh, tỏ ra là người có văn hóa. Bọn lính đi theo rất chán ngán, chúng ngáp, rậm rịch bước quanh sân, mắt lơ láo ngó chuồng gà. Léc nhìn vào trong nhà thấy một bà cụ già, mấy đứa trẻ con, và những người khác đang bỏ việc, đưa mắt cho nhau nghi ngại.

- Các người cứ làm việc bình thường, bà lão kia nghe rõ chửa, quan đến xem, không bắt bớ gì - tên thông ngôn nhắc lại.

 

Mấy người cúi xuống, bà lão lại đều đều chấm chổi lông vào chậu điệp phết lên từng tờ giấy dó và vứt la liệt sau lưng. Mầu điệp trong trắng vàng vàng như sắc ngà voi, óng ánh chiều sâu làm Léc hết sức ngạc nhiên.

- Thưa ngài, đó là một thứ vỏ sò mục nát - tên thông ngôn giải thích - người ta nghiền ra hòa với một chất keo gì đó.

- Một thứ vỏ sò, tôi hiểu - Léc gật đầu.

Ở góc nhà bên kia là hai đứa trẻ thò lò mũi, một đứa quệt mầu lên khuôn gỗ; một đứa đặt giấy, Léc thấy như là chúng đang chơi trò của trẻ con thì đúng hơn là in tranh. Những người bên cạnh chấm bút vào các chậu mầu và tô lên rất nhanh. Chỉ một loáng tranh đã hoàn thành và được đem ra sân phơi. Léc đưa một bức lên ngắm nghía. Hắn thấy một cây dừa châu á, một người đàn ông hóm hỉnh, mặt mũi tràn trề hạnh phúc, đóng khố, mình trần, vú nổi to như lực sĩ ném đĩa Hy Lạp đang trẩy quả vứt xuống. Dưới gốc dừa, một người đàn bà hai tay trần kéo váy lên hứng. Người đàn bà rất đẹp... Léc kinh ngạc nhìn ông già râu trắng ngoài cửa, nhìn những đứa trẻ con và sau rốt, hắn khuấy ngón tay vào chậu mầu; hắn không thấy những mầu này có trên các bức danh họa phương Tây.

- Thưa ngài, những chất liệu này lấy trong cây cỏ tự nhiên - tên thông ngôn tỏ ra am hiểu - chẳng hạn mầu xanh này lấy ở một thứ lá rừng. Và thứ lá kia lại có một mầu hồng kín đáo đến nỗi các cô gái có thể nhuộm móng tay. Mầu đen này là lá tre đốt đi ủ nước. Còn mầu vàng có thể từ hoa hòe, loại hoa để uống nước có tên khoa học là Sophora japonica, hoặc một thứ cây thuộc họ cà-phê gọi là giành giành theo tên địa phương. Còn như mầu trắng lấm chấm tựa những vì sao kia là vỏ trứng giã nhỏ trộn với chất dính.

- Nhưng còn cái này - Léc băn khoăn - tôi chưa hiểu, cái mầu xanh lam sâu đậm và óng ánh đến là lạ.

- Hình như đó là một thứ gỉ đồng, ngài có trông thấy gầm giường kia có những chiếc mâm đồng, dưới tác dụng của a-xít trong quả gì đó, lên gỉ. Người ta trộn nó với nhựa thông, phết lên tranh rồi mài cho nhẵn và trong.

Léc gật đầu khâm phục. Hắn nhìn hết lượt các bức tranh thấy những con gà, con lợn, cóc, chuột... dường như đang cử động. Những người trong tranh đang cưỡi ngựa, cưỡi voi, cầm đao giương cung rất hào hùng. Léc thấy sợ sợ cái gì, có lẽ là sự lầm lì của ông già râu trắng, những người đàn bà hai đứa trẻ kia...

Khi viên quan hai Léc trở ra, hắn cầm bản khắc của ông già lên xem. Hắn thấy một con gà trống lạ lùng, tấm thân đường bệ kiêu hãnh, cái mào và đôi chân hiên ngang; con gà như sắp gáy lên. Chao ôi, con gà dân gian Giao chỉ!... Léc máy mắt, hắn không dám nhìn lâu, tưởng cái mỏ kia có thể mổ vào mắt hắn.

- Ông già! Nếu ông bằng lòng bán cho ta bản khắc này, ta sẽ trả ông số tiền mà ông muốn.

Ông già lắc đầu.

Léc gặng:

- Năm mươi đồng?... Một trăm đồng, chắc ông ưng?

Ông già vẫn lắc đầu, trán nổi gân. Léc thấy thất vọng; nhìn gương mặt ấy, hắn biết khó lòng mà toại nguyện trừ giả giở trò cướp bóc.

- Ông lão này lạ thật - tên con lão quận trưởng xẵng giọng - Ông lấy bao nhiêu tiền thì nói lên.

Ông già đứng dậy giành lấy bản khắc trong tay tên sếp bốt, điềm tĩnh:

- Thưa quan đồn, cái này không có giá.

Thấy cuộc mua bán lôi thôi, những tên lính trố mắt ngạc nhiên. Quan hai mua làm gì? Giá tiền cao thế sao lão già không bán?

Ông già đưa "ve" sửa vài nét ở cựa gà, không nói năng gì. Léc gật đầu, gương mặt hằn lên những đường gân xanh nanh ác, nhưng môi lại nở nụ cười:

- Thôi đừng ép ông già. Đó là tác phẩm của ông, là tâm hồn của ông.

Hắn quay ra và nụ cười tắt ngay, chỉ còn luồng mắt xanh lè như mắt ma đưa loang loáng. Bất chợ Léc đứng sững lại, nhìn thấy một bản khắc cũ bỏ đi, được dùng vào việc đậy cửa chuồng gà. Léc đưa mắt cho tên thông ngôn. Tên này khá thông minh, hiểu ngay, nhanh nhẹn tiến đến nhặt lấy và đi thẳng ra cổng.

*  * *

Gió tháng chạp lùa qua trấn song sắt nhà giam giá buốt. Tiếng ồn ào của những người đi chợ ngoài đường vọng vào càng làm ông lão buồn rầu. Chúng nó bắt giam ông đã một tuần nay, hằng ngày cho ăn cơm thịt bò, nhưng lại để mặc ông với bức tường - mà không hỏi han gì. Về đêm, ông lão không sao ngủ được, đôi tay buồn bực chỉ biết vuốt râu. Mùi gỗ thị, và mùi giấy mới hồ thơm thơm, chao ôi, sao mà ông nhớ nó thế. Nhiều lúc ông mệt thiếp đi nhưng lại sực tỉnh ngay. Những hình vẽ trong tranh cứ chập chờn trước mặt. Làm sao mà ông không nhớ cho được khi cả đời ông gắn bó với nó. Kỷ niệm hồi nhỏ của ông là những lần bị bố đánh sưng tay vì vô ý chệch một đường "ve". Nhưng chính từ hồi ấy ông khắc đã được nhiều người khen. Theo các cụ dạy, trước khi bắt tay vào tranh, bao giờ ông cũng mặc áo dài, sửa lễ cầu ông tổ nghề tranh run rủi cho khí thiêng nhập vào người. Có thế khắc mới đẹp. Khi cầm đến "ve" đến gỗ, cứ mê đi mà làm. Ông nhớ hồi trẻ khi nhắc lại bộ Tố nữ, ông đã mải miết đến ba tháng trời. Suốt ngày ông nằm bò ra sửa từng ly từng tý đường nét trên cái cổ "kiêu" ba ngấn, đuôi gà tóc, đuôi mắt có tua... Vợ ông đã điên tiết lên, nghi ông điểm bùa vào tranh; in được tờ nào, bà lấy kim biêm mắt hết lượt rồi mới bán. Ông lão nhớ những đôi mắt một mí hiền lành của chú bé tay ôm con vịt trong tranh "Vinh hoa", nhớ cái khoáy âm dương trên lưng con lợn ăn cây dáy... Rồi chính ông cũng bật cười nghĩ đến vẻ vênh váo của chú Trạng Chuột trong đám rước dâu; vẻ cong cớn của chị vợ tay cầm kéo, búi tóc ngược, đánh ghen; dáng lụ khụ của thầy đồ Cóc giữa đám môn sinh... Ông thuộc lòng từng khuôn mặt người trong tranh như khuôn mặt láng giềng đến nỗi nhắm mắt có thể đưa "ve" lên gỗ được. Những người trong tranh rồi đến cả con gà con lợn ở đấy cũng thành bè bạn của ông rồi!...

Ấy thế mà bây giờ chúng bắt ông phải xa tất cả vô cớ giam ông vào đây.

Vào một ngày cuối tháng, tên sếp bốt cho gọi ông lão lên nhà. Hắn mời một cốc rượu vang đỏ rồi nhún vai:

- Thật đáng tiếc, trong những ngày ta đi vắng, người ta đã bắt giam nhà họa sĩ dân gian này. Nhân tiện đây ta ngỏ lời muốn ông thoả mãn những yêu cầu thẩm mỹ của ta - điều ta đã nói với ông lần trước, ông bán cho ta, tất cả số bản mà ông đã khắc từ xưa đến nay.

- Thưa quan đồn, tôi không có - ông già nói; một lát giọng dịu hơn - tôi chỉ có vài bản để in, bán đi lấy gì sinh sống.

- Ta sẽ trả tiền ông, rất nhiều, đừng lo.

Ông lão xòe bàn tay, vẻ thành thực:

- Quả tình tôi không có: Tôi già rồi, khắc chậm chạp, được bản nào là bán cho bà con cả.

- Ta không biết, lão làm thế nào có cho ta thì làm. Chẳng hạn như từ giờ trở đi, lão sẽ bắt tay vào khắc lại tất cả, và dạy ta cách khắc của lão.

- Thưa quan đồn, tôi không làm được việc ấy.

- ông không tốt với ta - viên quan hai nhún vai, bỏ vào nhà trong.

Tên lính vừa đẩy ông lão xuống nhà giam vừa càu nhàu:

- Sao thằng già ngu thế? Lão bán cho mọi người được thì bán cho quan Tây cũng được chứ sao? Ông ấy mà nổi cáu thì lão mất đầu.

Ngày hôm sau vào phiên chợ Chằm, những người đi bán tranh tết bị lính cướp giật từng bó. Họ hốt hoảng, tắt đồng vào chợ. Chợ vỡ mấy lần vì người ta co kéo giành lại tranh bị cướp. Dân các tổng mua tranh vội vã giấu xuống dưới thúng hàng. Tin dữ về "vận hạn" tranh tết năm nay làm xôn xao. Ban ngày thoáng thấy bóng thằng lính nào lảng vảng về làng, người ta báo nhau cất giấu hết. Bọn lính nhiều lần sục vào cướp giật bản khắc đều không được. Dân làng chửi rủa chúng và đôi khi lo lắng, nhưng tranh in ra vẫn cứ nhiều như mọi năm. Người ta có đủ cách giấu giếm, chuyển đi các nơi. Chuyện ấy đến tai tên quận trưởng. Vì tò mò, hắn thân hành sang hỏi Léc. Viên sếp bốt mỉm cười:

- Chẳng có liên quan đến ông đâu. Nhưng nói chung những bức tranh này không có lợi cho chúng tôi. Nó kích động lòng kiêu hãnh của dân bản xứ về quê hương đất nước của họ. Càng ngày số tranh bán ra càng nhiều quá đáng, tôi muốn hạn chế đi. Đấy là chưa kể những tranh gây tác hại trực tiếp, ông xem đây - Léc đẩy ra một bức tranh trong đó có con mèo già mắt xanh lè độc ác - Có phải đây là sự ngụ ý sâu xa nào chăng? Tôi lại còn nghe ở làng này, người ta in cả truyền đơn và cờ Cộng sản. Thật tai hại, ngài quận trưởng ạ - Léc ngừng một lát rồi tiếp - ông có thể mua cho dân chúng "nghiện" tranh của xứ này những bức vẽ hình đàn bà váy ngắn, từ bên Pháp bán sang rất nhiều mà ông đã thấy...

Tên quận trưởng về rồi, Léc lại gọi ông già râu trắng lên:

- Ông đã đủ thời gian suy nghĩ chưa? Vì lý do gì ông không thể giúp ta điều ấy?

Ông già ngồi trầm ngâm, đôi má hóp lại. Ông không thể làm xấu cái nghề của tổ tông. Ông nhớ lại chuyện cụ tổ mấy đời làng này từng bị giặc Minh bắt đi khắc tranh cho chúng; cụ cắn lưỡi tự tử chết chứ không chịu. Bây giờ đến lượt ông đây, ông không thể làm thẹn mặt tổ tiên. Nhìn đôi mắt ông già, Léc lại thấy thất vọng, hắn bực bội giậm chân trở vào. Ông già nhìn thấy một thằng Tây say đi ra. Hắn đập vỡ cổ chai rượu vang nốc ừng ực:

- Lão... già... chết!...

Những sợi râu trắng trên ngực ông già run run. "Khắc tranh cho giặc là bán nghề cho giặc, làm tuyệt đường sinh sống của con cháu! Dòng dõi ông sẽ bị dân làng nguyền rủa mà lụn bại! Ông sẽ phải chịu tội với ông tổ nghề tranh!...".

Mặt ông đỏ bừng lên, vầng trán hằn giận dữ đến nỗi thằng Tây say loạng choạng phải chăm chú:

- Khà! Tao sẽ chặt cái ngón tay khéo léo của thằng già nếu thằng già không nghe lời ông Léc.

Ông lão rùng mình. Chòm râu dựng nhô ra. Giấu hai tay sau lưng, ông lùi lại sát tường lấy thế đứng tấn như lên đài vật.

- Thằng già nghe rõ chưa?

Nghe câu hỏi, mặt ông lão lại cháy bừng, cái búi tó củ hành xổ tung. Ông nhìn ra cửa, không thấy một khe hở nào. Mắt ông đảo vào chiếc bàn vuông. Nếu chúng động đến, ông sẽ nâng cái bàn này quật vào mặt chúng rồi cắn lưỡi tự tử.

Thằng Tây say đập nốt cái vỏ chai còn lại, ngồi xuống ghế im như chết, thậm chí có một lúc hắn nhắm nghiền mắt lại. Ông lão nhìn ngón tay mình hốt hoảng, bất thình lình, thằng Tây vùng dậy, ném con dao sáng loáng lên bàn và vồ lấy ông như con mèo đói. Ông lão vùng vẫy kịch liệt. Mấy thằng lính khác vào giúp sức, chúng ôm chặt lấy ông đặt lên ghế. Vừa cười sằng sặc, thằng Tây say vừa kéo tay ông già lên bàn. Hắn dứ dứ con dao, dằn giọng:

- Thằng già có khắc tranh cho quan đồn không?

Năm ngón tay gầy khô xòe rộng trên bàn. Trong khi ấy ở phòng bên, viên quan hai Léc nghe thấy tiếng dao chặt cộc cộc hai nhát rất mạnh. Hắn nhún vai bóc lá thư của một người bạn họa sĩ từ Pháp mới gửi sang:

"Léc. Chúng mình đã nhận được bản khắc tranh con gà mà Léc sưu tầm được ở vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam. Chắc Léc không tưởng tượng được niềm vui của chúng mình. Thật là một tác phẩm vô giá".

 

Đông Hồ 12-1969

 

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.