chan_dung-ke_si

TRĂNG TRÊN THUNG LŨNG SEO SẢO - Truyện ngắn Trung Trung Đỉnh

25-10-2023

Lượt xem 1035

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Trung Trung Đỉnh

TRĂNG TRÊN THUNG LŨNG SEO SẢO - Truyện ngắn Trung Trung Đỉnh

Tôi thực lòng không hiểu vì sao chị Nhính lại cứ khăng khăng không cho thằng Liểng đưa anh Tính, bạn tôi, là một nhà hang động học vào núi Seo Sảo khám phá cái hang đá mà chính chị nói với tôi, thuở nhỏ chị đã cùng chúng bạn tới đó, không đứa con gái nào dám theo anh chui vào trong hang, nhưng chị thì dám.

"Chị dám vì có anh chứ gì?".

Tôi nói vui.

"Không phải đâu, mày sai bét rồi".

Chị đắc ý nhìn tôi nghiêm nghị, tiếp:

"Anh dám vì có chị đấy".

"Ôi dà, hai ông bà yêu đương, đưa nhau vào hang đá, đẻ được thằng cu con, đặt tên là Seo Liểng, giờ ích kỉ không muốn cho con đưa các chú vào hang nghiên cứu, để giữ làm của riêng, em biết tỏng gan ruột chị rồi".

"Thật là cái nhà chú này học cho lắm chữ để cái đầu nó đặc lại, nói năng chả ra làm sao!".
Chị đem ấm rượu vừa hâm nóng trong bếp ra khi thấy tôi ngồi một mình ở ngoài hiên, và chị nói như nói với chính mình:

"Rượu nóng không chỉ uống khi lạnh".

Bản người Mông này vừa cheo leo lại vừa lẩn khuất trong cái khe núi đá dựng đứng, cách đường ô tô nửa tiếng đi bộ, từ đó lên Cổng Trời hai tiếng chạy xe đít vuông của thập niên tám mươi thế kỷ trước. Thuở ấy, thời còn trai trẻ của tôi, tôi đã lên đây cùng anh Liểu, chồng chị. Mấy chục năm rồi, vậy mà bản nghèo thế nào bây giờ vẫn nghèo như thế, chỉ khác có thêm con đường đá dăm phía ngoài thung đi lại rộng và êm hơn, đường vào bản cũng không lắt lẻo rậm rì như xưa. Phía trước nhà chị Nhính là một rừng đá xanh um giữa những vạt ngô viền quanh thung lũng cũng xanh um. Những dãy mơ mận đào cũng lại xanh um tùm, cái thứ màu xanh sung mãn của mùa mưa gối lên màu xanh sung mãn khí trời thành ra những lớp màu xanh xanh mờ mờ ảo ảo đậm dần sâu dần. Mới đó mọi vật còn rõ mà chỉ nhoáng một cái đã thành nhoè mờ lễnh loãng, một thứ lễnh loãng níu kéo da diết quyến rũ đến mụ người. Tôi chợt tỉnh khi nhận ra có loài hoa gì đỏ chói chấp chới bay trong mang mang khói hay là sương chiều, từng cụm, từng cụm, rải rác theo nếp gấp của núi đá đẹp lộng lẫy như những lẵng hoa khổng lồ xếp chồng lên nhau. Bây giờ chỉ còn sương mù dày đặc, cảm giác mát lạnh hun hút, trên các triền thung xa xa nhập nhoè những đốm sáng nhỏ nhoi lúc ẩn lúc hiện, chị Nhính bảo người ta đốt đuốc đi chơi bên nhà ông trưởng bản có đám. Tôi nghe thoang thoảng như trong sương gió tiếng lục lạc rung, tiếng mõ lóc cóc, tiếng vó ngựa gõ đều đều đâu đó, tiếng người gọi nhau không ra gần cũng không ra xa, nó cứ vời vợi thế nào. Chiều và tối sao xuống nhanh thế? Chị Nhính hạ tấm phên che sương thấp hơn rồi đem cái chậu than to tướng đặt trước mặt tôi, bật diêm nhóm lửa. Những tảng than còn nguyên hình cành cây được chị đổ một ít dầu hoả cho bén nhanh phựt phựt bốc mùi khét lẹt. Chị vừa quạt vừa kéo lê cái chậu xích ra ngoài đón luồng gió quen, theo cách nói của chị. Chậu than hồng rực lên rồi đượm dần, nổ lách tách tung huơ ríu rít những chùm hoa cải múa may rõ là vui mắt trong giây lát rồi lại tắt lịm, toả mùi thơm thoang thoảng như trầm hương. Không phải trầm hương. Đó là mùi của hoang sơ, chất phác và nồng nàn, không tài nào định rõ được.

"Hang động học là cái gì, chú?"

Chị Nhính kéo xích chậu than rực đỏ lại chỗ tôi, lấy tấm tôn cong che hai phần để che gió, đoạn cầm bát rượu bốc khói tôi đưa, hỏi.

Tôi trả lời qua quýt:

"Hang động học là một môn khoa học chuyên nghiên cứu các loại hang hốc trong núi và cả ngoài biển khơi nữa".

"Tôi nghĩ chú làm nghề hang động học có khi thích hợp hơn, sao lại còn thơ thơ thẩn thẩn nữa làm gì?".

Chị Nhính gần như không để ý tới thái độ của tôi, nói với giọng hết sức bình thường, giống như ta đang bàn chuyện làm ăn vậy.

"Chị không thích đọc thơ à?".

"Không phải không thích đọc thơ mà chỉ là không thich đọc thơ của chú thôi".

Chị vẫn thản nhiên, không sợ tôi mếch lòng, mặc dù tôi rất buồn.

Tôi hỏi:

"Chị chê thơ em dở sao?"

"Không không phải thế... nhưng".

"Chị để em đọc chị nghe bài thơ em mới làm về đá nhé. Lạ lắm!".

Không ngờ chị phản ứng ngay:

"Thôi, thôi. Không lạ đâu. Đá thì có gì mà lạ".

Chị nhấp một ngụm rượu rồi nhìn tôi vẻ giễu cợt, tiếp:

"Hồi tôi học đại học sư phạm Việt Bắc, cứ thấy mấy đứa bên khoa văn làm thơ, viết văn, mới đầu phục lắm, sau làm quen thấy chúng nó tâng bốc nhau, một thời gian sau lại thấy chúng nó chê nhau, nói xấu nhau, tôi chả hiểu ra làm sao cả. Chú có thế không?"

"Dạ có...à không".

Tôi chột dạ vì cảm thấy cái nhà chị Nhính tinh quái này đang bắt nọn mình, hoặc cũng có thể chị nói thế chỉ là để nhắc lại một kỷ niệm.

"Đã làm khoa học sao lại còn thơ thẩn xen vào đây?".

Chị nói gay gắt thực sự.

"Chú yêu cái nào hơn?".

"Tất nhiên, cả hai", tôi khẳng định nhưng không giấu được lúng túng vì bị bất ngờ bởi câu nói nghiêm trang của chị.

"Hai vợ à?", chị cười rúc rích khiến tôi cảm thấy vui.

"Hai vợ - tôi nói. - Một vợ là hang động, một vợ là nàng thơ, lúc ở với bà này thì quên bà kia đi, thế thôi".

Chị Nhính cười giàn giụa rồi uống cùng tôi hết bát rượu đầy.

"Không phải chị không muốn cho thằng Liểng đưa hai chú vào hang nghiên cứu đâu - chị vừa xoay xoay cái bắp ngô đang nướng trên que cời vừa nói nhỏ nhẹ - Năm nay chị đã sáu mươi tuổi rồi. Chú cũng tới năm mấy chứ ít gì?"

"Vâng" - tôi buồn bã nói. Năm mấy hay sáu mấy thì đã sao? Quy luật của trời đất sinh lão bệnh tử có chừa ai ra đâu. Nhưng đúng là cái nhà chị Nhính này, tôi nghĩ vui vẻ, đã tỉnh lẻ lại còn nhà quê, đã nhà quê lại còn nhà quê miền núi, đã miền núi lại còn về hưu, đã về hưu lại còn rất hay đả kích thằng em dưới xuôi đang một công hai việc này. Bảo cho thằng Liểng đi theo các chú có khi kiếm được việc làm lâu dài, nếu dự án khai thác nước hang Seo Sảo thành công.

"Chú đừng buồn, chị đã về tới đây rồi, chỉ thích được yên lành thôi".

Anh Liểu chồng chị không hiểu sao lại đoản mệnh thế? Chưa tới bốn mươi tuổi mà đã vội khuất núi vì căn bệnh hiểm nghèo, để chị một mình nuôi thằng Liểng khôn lớn đến giờ bằng lương giáo viên cấp ba, rồi cấp hai, và bằng tình yêu không bao giờ nguôi được của chị. Tôi thuở mười tám thi trượt đại học, theo phong trào thanh niên tình nguyện lên đây làm cán bộ văn hoá tăng cường xuống xã, ăn dầm nằm dề nhà anh chị cả năm trời. Trưa nãy chị lấy những tấm ảnh thời ấy chụp ngoài phố huyện ra cho tôi xem, mặt ai cũng sáng bừng, mắt ai cũng long lanh, chị bảo thuở chị em mình ít chữ mặt sáng, bây giờ có chữ nhiều mặt tối rầm rầm. Anh Liểu dẫn dụ được chị bằng một đống vỏ kèn lá ngoài thung, chị theo tiếng nhạc anh heo hút cả đêm ngoài hang đá. Rồi anh mở lối vào hang, không phải bằng rìu bằng búa mà bằng trí tò mò tuổi trẻ, bằng cả cái nhìn thách thức và khuyến khích của chị trước chúng bạn bản xa bản gần. Hang Seo Sảo cửa chồng ba lớp đá, chỗ rộng nhất vừa thân người lách qua, càng vào được trong càng thấy cái bụng nó phình ra, lượn vào, căng mắt nhìn qua ánh sáng đèn pin chỉ thấy hun hút những chùm đá nhẵn thín phẳng lì như những mảng vây rồng uốn lượn, lại có chỗ lô nhô như một dãy đầu sư đang cúi tụng kinh niệm Phật, càng bước sâu vào trong càng thấy nhiều những ngóc ngách thăm thẳm đá trơn, trên vòm hang từng chùm từng chùm thạch nhũ, nước chảy nghe rõ tiếng kêu róc rách vẳng lại mà chưa ai tìm được nước ở chốn nào! Các cụ già bảo thuở xưa đại hồng thuỷ xứ này là xứ danh lam, nơi ăn chơi của vua Thuỷ Tề, nhưng rồi vì mải vui chơi cưỡi rồng giỡn sóng, quên mất thần dân đang ngập lụt khốn khổ trăm bề khiến Trời giận làm cho khô hạn, Thuỷ Tề cưỡi rồng chui vào hang trốn và rút về thâm cung dưới lòng sông Nho Quế, vì thế hang này nước ăn trong lòng đá, ai mà tìm gặp nước trong hang là lập tức bị Thuỷ Thần bắt về cung làm lính hầu. Người ta còn đồn, anh Liểu đoản mệnh cũng vì dám bỡn cợt với thần linh, nay chị không cho thằng Liểng theo cánh tôi lên hang hoá ra là vì lẽ đó.

"Em hiểu", tôi nói. "Chị chả cần phải nói thêm nữa mà".

"Là chị nói ra để chú không giận".

"Vâng".

"Chú uống đi kẻo nguội".

Tôi cụng bát với chị rồi uống một hơi cạn. Đêm cao nguyên gió quất phù phù ngoài vách đá. Những chấm sao li ti trên chỏm núi dường như cũng đang phiêu du tới cõi khôn cùng nào mà chúng cứ xúm xít vào nhau tạo nên vẻ đẹp vu vơ tôi không tài nào diễn đạt được. Li rượu ngô nóng toả lan khắp cơ thể khiến tôi chợt cảm hứng muốn đọc thơ cho chị Nhính nghe quá. Nhưng chị Nhính lại đứng lên vào nhà thắp hương cho anh Liểu.

Tôi đành tự rót thêm cho mình một bát nữa.

Bỗng có tiếng ngựa hí giật lên và tiếng vó ngựa dồn phía sau nhà. Chị Nhính hớt hải cầm đèn pin chạy ra. Tôi chạy theo sau chị. Có ba người đàn ông vừa phi ngựa tới, họ đang nói gì với chị Nhính ở bãi ngô. Tôi lại gần thì ba người đàn ông đã phốc lên ngựa, biến mất.

"Có chuyện gì không chị?", tôi hỏi.

Chị Nhính ngồi trở lại chỗ cũ, rót thêm rượu vào bát cho tôi. Rượu tràn cả ra ngoài. Nét mặt chị thoả thuê giống như ta vừa làm xong việc gì lớn lắm.

"Ba ngày nay thằng Liểng dẫn chú Tính lên huyện chơi, nó làm mối chú Tính cho cô giáo Bay của nó, nghe nói hai người ưng nhau lắm".

Thôi chết tôi rồi. Cậu Tính này là chúa ham trò giăng gió. Công việc chưa đâu vào đâu, sao cậu ấy lại làm thế nhỉ.

"Chú yên tâm, tôi đã ra lệnh cho bọn trẻ kéo nhau lên núi đào đá lấp cửa hang, lấp cả đường lên hang rồi, không có chuyện nghiên cứu của các chú nữa đâu".

Chị nói và nhìn tôi lạnh lùng.

Tôi vừa cầm bát rượu lên tay cảm thấy rụng rời, hoa cả mắt, bát rượu rơi xuống đất.

"Chú đánh rơi bát rượu này là chú Bình nhà thơ hay chú Bình hang động đấy?".

Chị Nhính nhặt bát lên, rót tràn ra ghế, nói giễu tôi rồi lại âu yếm đua bát rượu cho tôi.
Tôi cầm bát rượu nhìn ánh mắt khuyến khích của chị rồi ngửa cổ uống sạch sành sanh. Tôi muốn uống hết cả nước ở cái thung lũng toàn đá này quá. Thật đấy!

"Chú uống nữa đi".

Chị Nhính rót tiếp vào bát cho tôi, lạnh lùng:

"Tôi thấy chú uống rượu còn hay hơn cả làm thơ, thật hơn cả làm thơ, chứ còn cái món "hang động học" của chú thì tôi không biết, nhưng tôi tin chắc nó cũng dở như những bài thơ của chú là cùng".

Nói rồi chị uống cạn bát với tôi.

Hai chị em ngồi như thế cho đến khi trăng ngằn ngặt trên thung lũng từ lúc nào không hay.

 

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.