chan_dung-ke_si

TRĂNG MUỘN - Truyện ngắn Phan Thanh

15-07-2023

Lượt xem 951

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  truyện ngắn hay phan thanh

TRĂNG MUỘN - Truyện ngắn Phan Thanh

 Truyện ngắn Phan Thanh

   Người y tá phòng trực bệnh viện huyện rê cây bút bi trên trang sổ ghi tên bệnh nhân, rồi gióng giả gọi:

   - Quách Thị Bầu, lĩnh thuốc.

   Tôi rời hàng ghế băng ngoài hiên chật chỗ ngồi, tập tễnh tới bên bàn.

   - Cô là con gái bác Bầu à?

   Ðám người ngồi chờ trong phòng và cả ngoài hè đều hướng cái nhìn tò mò về phía tôi, tiếng xì xào nổi lên, làm tôi bối rối:

   - Dạ không... em là Bí, lên đây trông nom chị em từ chiều hôm qua.

   Cái người ngồi sau bàn kia thừa biết, do vô tâm đã đẩy tôi vào tình huống khó xử. Nhưng rồi cũng không vì thế mà con người vô tâm vô tính chuyển thái độ. Dẫu sao tôi cũng không trách chị. Cũng chả dám trách ai, chỉ thương thân. Tôi sống vậy mãi đã quen. ở đây, ở chợ, hoặc bất cứ nơi nào cũng đều thế cả. Trước mặt thì chả sao. Hễ tôi quay đi là mọi người xúm vào bàn tán. Cũng chỉ tại gương mặt và đôi chân tôi mà ra hết. Câu nói bâng quơ của mọi người, tôi cứ thấy như đá ném sau lưng. Thật trớ trêu. Mặt thì đẹp, còn đôi chân lại khèo. Hẳn như bà mụ nặn cho tôi gương mặt sần sùi xấu xí để hợp với đôi chân tàn tật có phải hay biết bao nhiêu. Cho tôi được an phận một bề, tôi sẽ phải biết mình, kìm bớt lòng ham muốn, tự nguyện tránh sang bên để nhường bước cho tất cả...

   Ngày bé, mỗi bận bố tôi bế tắm cho ở cầu ao, vừa vớt nước kỳ cọ, bố tôi vừa khen: "Con gái riệu của bố đây..." tôi thích chí khanh khách cười, đu mạnh người trên cánh tay bố, làm mặt nước vỡ ra từng vòng từng vòng, chạm vào chùm hoa súng nổi lềnh bềnh, chạm vào vạt bèo tây tốt xanh như rừng, rồi lặn mất. Nhưng cũng có hôm ông nói với tôi như đang nói chuyện với ai: "Ðường làng là đường chung. Ðường đời mới là đường riêng của con, con gái ạ. Phận con gái mai sau lắm nỗi nhọc nhằn chứ chả chơi đâu..."

   Bố tôi lạ lùng thật. Ông gốc gác nông dân. Song không thuộc hàng lão nông thuần phác. Mẹ tôi kể rằng một dạo ông đã bỏ nhà, bỏ vợ con gần năm năm, đi làm chân đập đá. Khi ông về mới sinh tôi. Lúc đó gia cảnh vẫn còn khốn khó. Món tài sản lớn nhất ông mang về gia đình chính là con người tôi và cách nói năng ý vị như những câu hát đồng dao rơi vãi đó đây.

   Do đâu mà ông tiên đoán được quãng đời tôi chưa đi tới? Không tài nào giải thích nổi. May ra chỉ bố tôi mới có câu trả lời. Nhưng ông đã mất sớm, trước cả khi tôi bị mắc bệnh quai bị, sinh biến chứng. Thế lại hóa hay. Trong mắt ông, tôi mãi mãi là đứa con ngoan, xinh xắn, lành lặn. Tôi luôn nghĩ vậy, mong làm sao vui vong linh bố tôi đang ngày đêm đi mây về gió.

   Từ năm bảy tuổi, tôi đã phải mang đôi chân tàn tật. Hai nỗi buồn lớn liên tiếp ập xuống đầu mẹ tôi làm sức lực và ý chí của mẹ hoàn toàn suy sụp. Mẹ quẩn quanh trên nhà, dưới bếp vật vờ như cái bóng. Kiếm miếng cơm, manh áo nuôi cả nhà lúc này trông hết vào tay người chị cả, chị Bầu. Bầu thường dành cơm không độn phần tôi, cho tôi bao lời dạy bảo, cho tôi tình thương, cho tôi nhiều thứ... Trời phú cho chị là người đàn bà nhớn nhao, có sức lực, có đức hạnh, hiếu thảo, quý con, chiều chồng. Chị lấy chồng cách nhà một con sông. Tuy chị xa nhà, mọi việc vẫn như có sự sắp đặt của chị. Từ vườn tược, đồng áng, cho chí mớ rau, con lợn, con gà. Cách một đôi ngày chị lại về, khi có chồng đi cùng, khi thì chị về một mình. Lúc đã có một, hai cháu bé rồi, bên nhà chồng bận bịu, chị qua nhà có phần thưa hơn. Hai chị gái trên tôi, chị Chanh, chị Bưởi, và tôi luôn kính trọng chị. Chị nói điều gì, lập tức chúng tôi cứ răm rắp. Chính chị ngày chưa lấy chồng đã thu xếp cho tôi làm nghề dệt chiếu. Ngỡ rằng chị yêu quý tôi, sợ tôi buồn nên đã tìm một việc làm hợp hoàn cảnh cho đời vui lên. Dè đâu một cái go dệt đã làm bạn với tôi trong suốt đời người.

*   *   *

   Trưa hôm ấy, tôi ngồi chọ cói ngoài bậc thềm, hóng tai vào trong nhà nghe mẹ tôi và chị Bầu nói chuyện. Giọng mẹ trầm trầm. Thường mẹ ít nói. Hay mẹ tôi cố tình làm ra tươi tỉnh để chị khỏi suy nghĩ. Mẹ tôi quý trọng chị hết nhẽ. Ðã có mấy người con gái bước chân về nhà chồng gần hai chục năm vẫn lo toan, quán xuyến việc nhà đỡ đần mẹ đẻ như chị Bầu tôi! Chị ốm đận ấy người vàng bủng. Bốn tháng trời, ra viện, cả nhà chăm bẵm phục sức cho da dẻ nom đỡ xanh. Cũng nhờ kinh tế nhà bên ấy dư dật, chứ rơi vào cảnh neo đơn khốn khó thì có mà nằm chờ chết. Cả mấy chị em trong nhà, chỉ có mình chị giống bố tôi nhất. Từ nét mặt hơi to, thô, rộng rãi, đến dáng đi, dáng đứng. Tính chị vốn xởi lởi, mau mắn, sao về nhà hôm nay chị im tiếng thế. Hay là có chuyện gì? Bao nhiêu năm chả khi nào thấy gia đình vợ chồng anh chị xô xát. Quá nửa đời người rồi, con cái lớn ngộc, cả hai anh chị vẫn xưng hô "mình mình, em em" cứ như vợ chồng mới cưới. Tuy vậy, nhìn vào cung cách của chị ngày hôm nay, tôi dám chắc phải có chuyện. Một lần, ngày chị vẫn đang nằm viện, mẹ nói với ba chị em tôi, giọng có bề nuối tiếc:

   - Thế là mẹ Bầu nó không còn sinh nở được nữa...

   Chị Bầu tôi có bốn con, tất cả là gái: Hay vì sinh toàn con gái mà bên anh chị đâm lục đục. Tôi dừng tay nghe thật chăm chú. Trong nhà ắng lặng lúc lâu, rồi tiếng mẹ tôi chầm chậm:

   - Cũng vì vậy, ngày xưa bố mày mới bỏ đi mấy năm giời...

   - Ðiều mẹ nói con nghĩ đã lâu lắm.

   - Thế vợ chồng mày bàn bạc kỹ chưa?

   - Chúng con đã thống nhất với nhau rồi. Phần con... Nói thực với mẹ, con không muốn của nả trong nhà chạy sang tay người hàng xứ...

   - Ðiều này thì mẹ biết, vì mẹ đẻ ra mày... Nhưng mẹ vẫn thương nó út ít, lại phận hèn...

   Tôi nghe rõ giọng mẹ tôi nghẹn lại. Rồi khác hẳn mọi bận, ngay lúc ấy, chị Bầu tất tả ra về, để lại biếu mẹ tôi rất nhiều quà.

   Nhân lúc nhà vắng người, mẹ gọi tôi vào, nhìn tôi chằm chằm, rồi mới ướm lời:

   - Mẹ Bầu nó muốn đón con về bên ấy trông nom cửa nhà cho nó. Con nghĩ thế nào?

   Tôi vô tư hỏi lại:

   - Anh chị ấy muốn con sang trông nhà hộ, lâu không hả mẹ?

   - Bao lâu, ấy là ở con... Con sang bên ấy sinh cho chồng nó một thằng con giai... Rồi con muốn gì được nấy.

   - ối...

   Tôi suýt ngã ngửa vì quá bất ngờ. Chị Bầu xin mẹ cho tôi về làm lẽ anh Quàng, chồng chị ư? Tự dưng tay tôi rời nắm cói đang cầm. Sao lại thế? Trong đời tôi đã dệt hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lá chiếu trải giường hạnh phúc cho các đôi trai gái sống bên nhau. Trong khi bản thân tôi chưa một lần nghĩ mình sẽ lấy chồng. Bảy tám năm trước, hồi đó tôi mới hăm hai tuổi, cái tuổi đầy mơ mộng xa xôi. Ðược biết tờ báo nọ mở mục kết bạn. Tôi đã gửi vài dòng thổ lộ tâm tình cùng bức ảnh mầu chụp nửa người, ngồi nghiêng, môi đỏ mọng, mặt tươi tắn, rạng rỡ. Sau đấy, tôi thấp thỏm đợi chờ. Và tôi nghiệm ra sự đợi chờ cũng là một niềm vui, một hạnh phúc. Con người ta sống mà lại không có gì để nhớ mong, để chờ đợi thì thật buồn tẻ... Trong đầu tôi luôn có ý nghĩ lá thư của mình đang bay lượn đâu đó với những lời lẽ mong kết bạn. Chỉ kết bạn thôi, chắc chắn báo đăng, và người bạn chưa quen nào đấy sẽ đón nhận...

   Có điều hơi buồn, thực trạng đã đi quá mức tôi mơ tưởng. Một buổi chiều giống như bao buổi chiều bình thường khác, tôi đang ngồi dập go dệt chiếu, hai thanh niên lạ mặt dắt hai chiếc xe đạp Mifa mới vào tận sân tìm tôi...

   Hóa ra trong cuộc sống, cái xa vời, không thực, đôi khi lớn hơn, cần thiết hơn cái có thực. Giá tôi cứ bằng an sống với thế giới thực của riêng mình hẳn tâm tư được thảnh thơi mát mẻ. Ðừng ai hỏi tôi thêm nữa. Sự thật bao giờ cũng là sự thật. Tôi ngồi rũ ra như con chim gẫy cánh, không đủ can đảm đứng lên tiếp khách. Cuối cùng thì hai người con trai lạ ở huyện bên cũng biết tình trạng thật của tôi. Họ lịch sự chào từ biệt và không bao giờ còn quay trở lại...

   Từ đấy tới nay tôi không muốn nghĩ gì ngoài go dệt chiếu, cũng không muốn nhìn cái gì xa hơn ngoài bờ rào bờ dậu nhà tôi. Vì rốt cuộc rồi ai cũng phải sống bằng chính cái mình đang sống. Không thể khác. Ðiều cần quan tâm hiện tại thuộc về phía chị tôi. Chị đã thay mẹ nuôi nấng dạy dỗ tôi. Cũng chính chị là người đã tiếp máu cứu sống tôi trong trận ốm mới cách đây gần một năm. Dạo ấy bên chân bệnh tật của tôi tự dưng phù to như cái lọ. Ðưa cấp cứu bệnh viện tuyến trên, và phải mổ. Các thầy thuốc chuẩn đoán chân tôi do di chứng căn bệnh cũ tái phát. ở nhà, chỉ có chị Bầu đủ điều kiện tiếp máu cho tôi. Phần chị hợp nhóm máu, phần chị cao to, sức lực. Hiện trong số máu đang nuôi cơ thể tôi, có một phần máu của chị. Cả thời gian tôi nằm chữa bệnh, anh Quàng, chồng chị dành cho tôi sự chăm sóc đặc biệt. Anh đã từng nâng giấc, bế ẵm tôi. Thì tôi vẫn coi anh như anh trai mình, chứ có gì đâu. Giờ ngồi nhớ lại, tôi thấy nóng râm ran khắp người...

*    *    *

   Mẹ tôi ở lại, chỉ có chị Chanh, chị Bưởi, dăm người họ hàng, cùng mấy đứa bạn gái thân thiết đưa tôi sang sông. Từ trong nhà bước xuống sân, tôi ngoái nhìn, đã thấy mẹ lên giường, kéo chăn đắp. Chiều lấm tấm mưa, trời se lạnh, nhà vắng vẻ quá. Ra đi lấy chồng, tôi cứ nghĩ mình đang rơi vào quãng đời không thực, tâm trạng bồng bềnh như say. Mái nhà lợp lá mía từng che nắng che mưa cho tôi ngần ấy năm, giờ bỗng cách xa; mé đầu hồi nhà, mấy buồng chuối tiêu quả lớn vập vạp, xanh ngắt; đàn gà lang thang bới giun bắt dế góc cầu ao...

   Vậy là đã một lần tôi được thấy mâm cỗ cưới mình, giữa chiều thu, nguội ngắt. Ðám cưới không dàn nhạc, không phòng hoa. Chỉ có lòng lợn bưng lên từng rổ và rượu ngang chảy thì thùm...

   Khi ăn uống xong, mọi người ra về, còn trơ lại một mình, tôi bỗng thấy lo sợ. Rồi tôi lấy lại can đảm. Ðám con chị Bầu xưa nay vẫn quý mến dì Bí, giờ hẳn cũng vậy thôi. Dường như chúng nhận thức được rằng tôi là chỗ ruột thịt với mẹ chúng, rằng tôi đến ở không phải để cướp đi những gì mà chúng đang có trong tay. Mấy việc nồi niêu, bát đĩa đã đâu vào đấy, các cháu, chúng đều đi ngủ. Tôi chuẩn bị một ít việc riêng của mình. Một ngày yên ả sắp qua đi.

   Việc riêng của tôi tại nơi ở mới chưa có gì nhiều. Tôi ngồi xuống cầu ao, tắm, giặt... Sau còn đi ra, đi vào chán chê. Rồi vòng lại cầu ao rửa ráy, cứ một mình, cùng cây đèn nhỏ. Chắc đã khuya lắm. Tôi thấm mệt vì hôm nay đi lại quá nhiều. ở với mẹ, chập này tôi đã được giấc ngủ ngon. Thế nhưng bây giờ tôi không hề buồn ngủ, do đầu óc quá căng thẳng. Tại cửa buồng của tôi và anh Quàng - bộ cánh cửa bằng gỗ xoan mới đóng - cũng có cây đèn dầu khêu bấc cao, rất sáng, soi rõ người đàn bà ngồi khâu áo ngay trên ngưỡng cửa. Ðó là chị Bầu. Chị đem thúng khâu ngồi chắn lối ngay từ lúc nhà bắt đầu yên ắng. Tôi biết. Nhưng tôi không hiểu vì sao chị ngồi ở đấy lâu đến vậy. Tôi chỉ còn cách quẩn quanh mé nhà ngang, không dám bước chân vào buồng. Hẳn anh Quàng đang nằm trên chiếc giường màn mới trong buồng cũng thừa hiểu rằng rôi không thể. Khi gà gáy canh một, chị vẫn ngồi khâu... Gà gáy canh hai, chị khêu cao bấc đèn... Canh ba, chị ngồi lặng lẽ, tay buông xuôi. Tôi nhìn kỹ vào quầng sáng nơi cửa buồng, thấy chị xọm đi nhanh quá. Một người  sức lực là thế quay đi quay lại đã sắp thành bà già. Rồi cuối cùng tôi cũng nhận ra, chị đang cố sức ngồi canh gác ngôi đền... Tôi cúi gập người, trút hơi thở mạnh. Chị ruột tôi đấy, đồng thời cũng có thể ví chị như người mẹ thứ hai của tôi. Chị là người tôi có phận sự mãi mãi phải kính trọng.

   Tôi lẳng lặng xách túi quần áo ra ngõ, tập tễnh về mé bến đò. Phải lúc lâu nữa trời mới sáng. ánh trăng vàng vọt lấp ló ngọn tre. Trăng muộn. Sao mãi giờ mới thấy trăng lên.

6-1995

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.