chan_dung-ke_si

TIỀN CỦA ÔNG - Truyện ngắn Bùi Bình Thi

19-05-2023

Lượt xem 1917

Đánh giá 2 lượt đánh giá

Chia sẻ

  truyện ngắn hay Bùi Bình Thi bùi thạc chuyên

TIỀN CỦA ÔNG - Truyện ngắn Bùi Bình Thi

Nhà văn Bùi Bình Thi (1939-2016)      

Nhà văn Mai Quốc Liên từng viết về truyện vừa "Tiền của ông" như sau: "Bùi Bình Thi là cái típ người của phố xá, của thành thị Hà Nội, anh phải quan sát, sống và nghĩ ngợi nhiều lắm mới có thể dựng một câu chuyện như thế. Tuy rằng nó bình đạm nhưng trong cái cốt lõi của nó, nó có nhiều ý nghĩa, nhiều sức gợi tỏa. Và tự đáy sâu của truyện, người ta thấy hiện lên cuộc sống không rạng rỡ, không hùng tráng nhưng mà thấm đẫm tính nhân văn. Bùi Bình Thi đã làm được việc đó một cách thật nghệ sĩ nhưng không ồn ào: anh đã tới cái tuổi mà kinh nghiệm sống đủ lắng để có thể viết một cách giản dị, chân thực mà vẫn hấp dẫn".  

 

Tên ông là Giản. Nhà ông có ba con số tại giữa một đường phố lớn và dài ở Hà Nội. Tôi được biết ông cách đây đã hơn ba chục năm. Dạo ấy vào khoảng giữa năm 1966, tôi bắt đầu làm quen rồi đâm mê một cô gái. Ðang thời buổi chiến tranh, dân thành phố đi sơ tán, tôi đạp xe về thăm người chị ruột của cô gái ấy, chị là cô giáo dạy học tại một trường cấp ba, ở nhờ một xã vùng bán sơn địa của huyện Tiên Phong, Bắc Ninh. Lúc tôi đang trò chuyện với mấy cậu bé con của chị để chờ chị về, thì một ông trạc ngoài năm mươi, với chiếc xe đạp cà khổ hiện ra ngoài đầu hè. Tôi ngước nhìn ông, trong tiếng chào của lũ con trai cô giáo. Ông lão ngồi thụp xuống ôm choàng lấy đám trẻ con và sau đó ông đứng lên gỡ chiếc cặp lồng to treo tòng teng trên ghi đông xe, gọi tên một cô bé lớn nhất cái đám trẻ ấy, ông bảo cô bé đem ra một đĩa sắt tráng men to và đôi đũa, ông lại ngồi bệt xuống hè, mở cặp lồng cầm đũa gắp từng miếng thịt đặt gần vành đĩa. Ông gắp đến miếng thứ hai, thứ ba, rồi thứ tư, thứ năm, năm miếng thịt đặt đều đặn theo vành đĩa. Và cứ thế ông gắp tiếp, lặng lẽ nghiêm túc, cẩn thận cho kỳ năm suất thịt mỗi suất sáu miếng. Sau đấy, ông lại bảo cô bé lấy ra một cái bát ăn cơm và gắp vào bát hai miếng để tách riêng ra hai bên và mỗi bên đủ năm miếng thịt. Ông ngẩng lên, nhìn đăm đăm vào mặt năm đứa trẻ bốn trai một gái rồi giọng ông trong và nhẹ như hơi thở:

   - Ông cho năm cháu năm suất thịt. Mỗi miếng ăn dè làm hai bữa, vị chi là sáu ngày. Còn hai suất trong cái bát thì cho bố mẹ các cháu đủ ăn trong năm ngày tới. Ðến ngày thứ sáu ông lại về cho nốt bố mẹ mày một suất nữa cho đủ sáu suất và ông sẽ cho các cháu mỗi đứa hai miếng bằng những miếng này, để các cháu ăn trong ngày chủ nhật, rõ chưa?

   Bọn trẻ con dạ ran...

   Chứng kiến, tôi hết sức ngạc nhiên hình dung ngay ra một lão với tính cách hà tiện kiệt sỉ. Mặc dù những năm tháng đó tìm cho ra một miếng thịt cũng không phải là chuyện dễ. Nhưng, tôi lại không thể nghĩ được rằng, trên đời này, còn có một ông như ông này. Tôi chăm chú hơn khi ông đứng lên, tra cặp lồng vào ghi đông của chiếc xe Xít-téc-ling không chuông, phanh, không gác-đờ-bu, gác-đờ-sen. Và tôi chợt nhận ra, cách ăn mặc của ông, tôi cũng gặp là lần đầu. Ông đạp xe đầu trần. Ðầu ông, tôi chỉ vừa mới ngước lên nhìn, tức khắc có ngay một cảm giác, ông có cái đầu vừa to vừa hết sức rắn chắc, như bằng đá được gọt nhẵn láng. Trời nắng chang chang cái đầu rắn như đá của ông khinh tất cả các loại mũ nón. Ông mặc một chiếc áo sơ mi màu cháo lòng. Vạt trước và vạt sau vá nhiều miếng, bên trái có một túi áo to, miệng túi cài hai kim băng, thoạt nhìn tôi tưởng đó là một miếng vá nữa. Dưới cái áo ấy là chiếc quần lửng vốn do từ quần âu dài cắt ra và khâu gấp lên một đường gấu mũi kim to, nhìn đến một cái người ta hiểu ngay đây là đường kim đàn ông. Ông Giản chậm rãi dắt chiếc xe ra, lúc ông nhấc bánh trước lên tam cấp, tôi vội hỏi:

   - Giờ bác về Hà Nội?

   Ông lão quay lại, vẫn giọng trong vắt nhẹ nhàng:

   - Thưa ông, tôi còn đi thăm hai mốt gia đình các cháu như thế này nữa, mà mỗi gia đình đều cũng đông. Bảy giờ tối, tôi mới về đến Hà Nội.

   Tôi dặn ông:

   - Cụ nhớ chú ý máy bay nhé...

   Ông Giản gật nhẹ, lại cúi đầu chào tôi một lần nữa mới quay ra dắt xe, chạy chầm chậm nhảy lên yên, y như kiểu lên xe đạp của người thời những năm trước 1945 vậy. Ông lão đi khuất, tôi được biết ông là ông nội của sắp nhỏ, bố chồng của cô giáo, mẹ của mấy đứa trẻ và là chị của cô gái mà tôi đang theo đuổi.

   Sau này, tôi với cô gái ấy thành gia thất. Lẽ đương nhiên, lịch tích của ông lão, tôi thường xuyên được nghe bởi những người bà con bên vợ kể lại. Thế rồi, đến Tết năm nọ, tôi còn được một vinh dự nho nhỏ, tháp tùng bà mẹ vợ đến thăm ông ngày mồng một. Biết về ông, nghe phong phanh về ông kể cũng đã lâu, đến hôm ấy tôi mới thực sự giáp mặt ông, ngồi trò chuyện với ông. Vì là ngày Tết, trời lại rét nên ông mặc một chiếc áo Pa-đờ-xuy đã rách xơ và cuốn ngộn trên cổ một chiếc áo len cũ, hai tay của chiếc áo len thắt lại trước ngực. Ông tiếp chuyện tôi bằng một vẻ lịch sự, thân mật, cởi mở. Mỗi lần câu chuyện chuyển đoạn, ông lại nhìn vào mắt tôi thoắt lặng im. Ðôi lông mày thưa cong và dài hơi nhướng lên dưới một vầng trán phẳng và dựng đứng, khuôn trán rộng và cao ấy gặp mảng đầu hói một vẻ rắn chắc và bóng láng, trông thật đáng nể. Ngắm nhìn ông, với đôi mắt to và đuôi mắt đầy vết chân chim, sống mũi cao và thẳng, chóp mũi tròn tỏa ra là hai cánh mũi dày và cặp môi mím chặt mỗi khi chợt đăm chiêu, tôi hình dung có lẽ ở thời trai trẻ, ông hẳn là một trang nam nhi sáng giá.

*        *        *

Tốt nghiệp trường cao đẳng kế toán tài chính Ðông Dương khoa thuế quan, Giản được người Pháp ưu đãi ngay những năm tháng đầu tiên làm viên chức chỉ vì anh học rất giỏi và đỗ thủ khoa. Hai mươi bảy tuổi Giản đã thành đạt. Ðến năm ba hai, ba ba, ông viên chức quan thuế này đã nhà cửa tòa ngang dãy dọc cho thuê, không kể hai dinh cơ lớn của hai bà vợ. ở cái thời Tây đô hộ, rất hiếm người làm quan thuế mà lại giàu có như ông Giản. Ông giàu và làm giàu rất nhanh, đến nỗi những ai quen biết ông, nghe kể về sự giàu có của ông đều phải bàng hoàng, sửng sốt. Bởi họ đều biết thằng Tây đâu có ngu mà để cho một anh An-na-mít toòng làm nghề thu thuế mà lại giàu được. Làm nghề thu thuế mà giàu chỉ có đi ăn cắp đục khoét. Nhưng trò đời, của ăn cắp không bền. Sướng đấy mà khổ đấy. Nhà đá luôn luôn chờ đón. Vậy ông Giản giàu bằng cách gì. Vâng, ông giàu có nhờ vào ban thưởng của quan Tây, về tất cả những vụ ông chống lậu thuế. Ông có biệt tài về chống đủ các kiểu lậu thuế. Trong đó, một biệt tài rất ít người có, hễ thằng cha nào có hành tung lậu thuế, ông chỉ gọi đến cho ngồi trước ông, ông vặn vẹo mấy câu là người đối diện cứ phải khai ra. Và khoản ông được tiền thưởng nhiều hơn cả là những vụ ông chủ động nuôi béo những kẻ lậu thuế. Sao lại nuôi béo được những kẻ lậu thuế? Vâng có đấy. Trong vùng buôn bán nơi ông quản lý, ông ngầm thống kê, theo dõi những thằng cha nào có máu mặt và đang máu mê kiếm lời. Chỉ ngó qua số hàng mà ai đó đang buôn hay đang bán, ông đã nhẩm tính được giá trị mà hắn ta nộp thuế. Thế là ông sai bọn đàn em đến thu, bằng một linh cảm tuyệt diệu, ông biết chắc chắn nó đã giấu, đã khai man bao nhiêu tiền thuế, trong khi kẻ ông sai đến không thể nào có được khả năng như của ông. Sau đó, ông cứ vậy mà giả vờ "quên" đi "lơ" đi, quãng thời gian "quên" này càng xa bao nhiêu càng tốt, cho đến ngày ông biết, ông làm vụ truy thu này sẽ được sếp thưởng là bao nhiêu, nhất là khi số tiền ông sẽ hưởng ấy, đủ để ông mua được một tòa nhà, hay một miếng đất béo bở, bấy giờ ông mới ra đòn. Lúc ấy, con mồi chỉ có nước nộp xong số thuế truy thu rồi thì chọn lấy một trong hai ngả. Nhẩy xuống cầu sông Cái hoặc bán xới tuyệt tăm dạng.

*        *        *

   Cuối năm 1946. Kháng chiến bùng nổ. Dân Hà Nội tản cư. Ông Giản đem vợ con theo đường số 3 ngược lên Việt Bắc. Trước khi đi ông Giản còn kịp mang hết số vàng và tiền Ðông Dương trong két sắt nhà ông chia cho hai bà vợ giắt lưng, còn đâu thì ông giữ, để phòng lúc cơ nhỡ phải lưu lạc xa vợ con chẳng hạn.

   Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn. Ông và hai bà vợ một lũ con, cùng đám dân thị thành luồn rừng sâu, sống nhờ vào dân bản vùng cao, rau củ lần hồi. Tây rút về xuôi, nghe ngóng binh tình đã thấy yên, Tây mũi lõ không thể bén mảng được chiến khu Việt Bắc, ông Giản với bấy nhiêu người lại trở ra tìm đến những vạt rừng bằng phẳng ven theo quốc lộ 3, gần những nơi trước đây là huyện, là thị trấn. Lâu nay ông luôn nghĩ đến chuyện phải mở quán để buôn bán nhì nhằng có cái mà sinh sống. Muốn thế, không bao giờ làm nhà ở một cái nơi không một ai hay qua lại miền này biết đến. Người ta chỉ nhớ đến những địa chỉ quen thuộc. Những năm tháng ấy, đông đảo dân buôn, dân xe thồ, cán bộ, bộ đội thường ngược xuôi đi đi về về trên con lộ 3, đều thuộc lầu một câu vè như thế này: "Qua Ðu, tới Ðuổm, sang Trào. Ăn cơm phố Ngữ, đi vào chợ Chu...". Ông Giản cùng đám dân thành thị đã lập hẳn một dãy phố tre nứa lá, nép dưới chân rừng rậm ven đường gần địa danh Ðuổm.

   Một dãy phố đẹp rất khang trang mà lại kín đáo. Máy bay khu trục Hen-cát, Bê-vanh-xít có nghiêng ngó xăm xoi cũng như mù. Một năm sau, quán ông Giản và dãy quán xá dọc theo phố Ðuổm người ngược kẻ xuôi ghé qua tấp nập, mùa nào thức ấy, chẳng thiếu một thứ gì.

   Thời gian này dưới xuôi trong khi không ngày nào là không râm ran tiếng súng Tây mở ra những cuộc càn quét khốc hại, và quân đội cùng du kích của ta quyết liệt chống càn, thì trên vô vàn các nẻo đường, các lối mòn giữa đồng, giữa ruộng hoang, ven ao chuôm, trên sông, ven vùng tề từng tốp từng nhóm người, ấy là dân buôn đêm đêm kìn kìn mang vác đủ mọi thứ hàng hóa tỏa lên mạn ngược trên này bày bán.

   Những đoàn người, dân buôn tứ chiếng ấy dù đi nẻo nào, cũng thảy đều hợp lưu thành dòng trên con lộ 3. Tốp buôn lên đến Ðuổm thì cũng đều một kiểu, dạt cả vào rừng bên dãy phố Ðuổm này nghỉ ngơi, xuống sông Cầu tắm giặt, nằm ngồi ngả ngớn quanh những gốc cây cổ thụ rợp mát. Ðây là một chặng nghỉ, nơi tụ bạ duy nhất của miền rừng Việt Bắc này. Sau cái chặng rất quan trọng đó, họ lại chất hàng lên lưng ngựa. Ðoàn ngựa thồ lông đẫm mồ hôi, gõ móng côm cốp trên mặt đường đá tróc hết nhựa, đi ngược lên một vài thôi đường, dăm bảy ngày mươi hôm và rồi tỏa về những nhánh liên huyện, liên xã, cỏ mọc um tùm phủ mặt đường. Gắn bó với đám dân buôn nhiều nhất là ông Giản. Khi họ còn đang giấc ngủ vùi vì mệt nhọc, thì ông cắp tay sau đít, len lỏi vào giữa những bao, sọt, túi, bị lặng lẽ ngắm nghía. Ðến lúc họ thức, bắt đầu trò chuyện râm ran, thì ông lại xáp vào ngồi với họ, lắng nghe không thiếu một lời nào. Những khi ấy, trong đầu ông luôn luôn dằn vặt  một câu hỏi: "Số hàng hóa này, nhiều lắm, có đủ mọi thứ, trong đó hàng xa xỉ cũng không ít. Vậy, thuế má ra sao đây. Ðương nhiên là chính quyền kháng chiến phải đánh thuế. Nhưng đã áp dụng chưa. Và đánh thuế từ đâu. Bao nhiêu là hàng hóa, mà chủ hàng hóa chẳng phải nộp một đồng thuế, thì rồi sẽ ra sao đây. Hỏi ai bây giờ... Cơ quan ủy ban kháng chiến của tỉnh này đóng ở đâu. Mình phải biết, mình nhất định mò tới đưa kiến nghị... Ðể thế này phí phạm quá".

   Thế rồi ông Giản bắt chuyện với đám dân buôn từ hôm qua tới giờ nằm ngồi chật như nêm trên bãi đất mát rượi đằng sau nhà ông. Ông đưa ánh mắt sắc và sáng như đèn lướt qua bấy nhiêu người:

   - Này, xin lỗi các ông các bà, bây giờ các ông các bà cho tôi hỏi, vậy từ khi vượt tề thồ hàng lên đến đây, đã có quãng nào các ông các bà phải dừng lại nộp thuế cho Chính phủ Kháng chiến?

   Mọi người chen nhau đáp:

   - Từ vùng tạm chiếm ra vùng tự do thì phải tự do đủ các kiểu chứ ông, sao lại còn phải thuế nữa. Thuế má làm gì, trong cái lúc đất trời loạn lạc.

   Bệnh nghề nghiệp của ông Giản đã bắt đầu thôi thúc:

   - Không được đâu các ông các bà ơi... Các ông các bà không đóng thuế, Chính phủ không thu thuế thì Chính phủ lấy đâu tiền mà nuôi quân, mua vũ khí đánh Tây?

   Tiếng một người đấu dịu:

   - Vâng, ông nói chí phải. Chúng em có trốn thuế đâu... Mà có muốn trốn cũng không có lối trốn. Ðường độc đạo, hai bên toàn rừng thiêng nước độc, trốn đằng trời... Nhưng cũng chưa thấy Chính phủ cử người đứng ra thu thuế quãng nào?

   - Nếu Chính phủ Kháng chiến có sắc lệnh thu thuế, các ông các bà đồng tình nộp thuế chứ? - Ông Giản hỏi mọi người...

   Tất cả đều biểu đồng tình với ông Giản. Mấy tháng sau, ông Giản đã bắt liên lạc được với ủy ban Hành chính kháng chiến của huyện, rồi của tỉnh. Ông Giản tường trình một cách cặn kẽ về bản thân và cái nghề mà ông đã làm từ hồi còn trai trẻ. Thế rồi ông cũng tường trình luôn thể những dự kiến của ông về việc thu thuế hàng hóa đang được dân buôn khuân kìn kìn từ vùng địch tạm chiếm lên Việt Bắc theo ngả đường quốc lộ số 3 và số 2 ngoài kia. Cấp trên hỏi ông vì sao ông lại nắm vững địa lý và đường sá đến vậy. Ông Giản trả lời rằng những điều ông vừa nói, ấy là kiến thức ông có được hồi ông học trường Cao đẳng Tài chính kế toán Ðông Dương khoa Quan thuế. Các thầy giáo ở trường này đã nhồi vào cái đầu cực kỳ thông minh của ông như sau: "Một viên chức thuế quan phải biết một cách chắc chắn và thông tỏ đường ngang ngõ tắt của một địa phương mà anh ta quản lý, có như vậy anh ta mới không để lọt kẻ trốn thuế, đương nhiên rồi, mà còn biết được ngả đường nào, loại đường nào, dân buôn trốn thuế hay qua lại". Anh sinh viên Giản đã chẳng những thuộc lầu ý tưởng ấy, lại còn vẽ được đầy đủ hệ thống đường sá của mấy tỉnh huyện miền thượng du Bắc Kỳ.

   Thế rồi, một điều ông hoàn toàn không một chút nào dự kiến hoặc nghĩ tới đã đến với ông. Cấp trên giao cho ông đứng đầu cơ quan Thuế quan của tỉnh mà con lộ 3 này đi qua.

   Ông Giản vào cuộc thật là hào hứng và khẩn trương. Ông những tưởng chiến tranh, ông tản cư lên Việt Bắc, vậy là mãi mãi ông không còn làm cái nghề mà cứ như có sẵn từ khi nào trong con người ông.

   Ông Giản lên hẳn một bản những mặt hàng cần thu thuế, và thu bao nhiêu thì đủ, và những mặt hàng miễn thuế, giảm thuế. Ví như: Thuốc chữa bệnh, muối, vải vóc, vải diềm bâu và chúc bâu v.v... không một cắc thuế nào.

   Sau mấy năm làm việc này, ông Giản được cấp trên khen thưởng đều đặn, giấy khen, rồi bằng khen. Cấp trên còn khen ông là một cán bộ thuế phụ trách hàng trăm nhân viên, lập thêm hàng chục trạm thuế vụ, vậy mà từ lúc ông bắt đầu nhận công tác, đến lúc ông xin thôi, tiền nong chi thu rất là rành rọt. Ông Giản không tơ hào lấy một đồng, nhân viên của ông cũng vậy, không một ai bớt xén bỏ túi một hào tiền công quỹ.

   Hôm ấy, ông Giản đi họp trên tỉnh về thì nhận được một tờ thiếp, mời ông đến dự tiệc cưới. Xem kỹ tấm thiếp, ông nhận ra một dòng họ tên ông mới quen: Ðại tá Trần Dụ Châu. Ông đại tá này mời ông Giản đến chung vui một hôn lễ của viên sĩ quan do ông ta đỡ đầu: Lê Sĩ Bửu.

   Trời tối, ông khoác chiếc áo đại cán đã cũ, con trai cả của ông vừa tặng ông cách đây hai hôm, khi anh dẫn quân về xuôi góp lính cho một chiến dịch.

   Ông Giản đến một nơi có hàng rào, cổng, lính gác. Qua cổng, lối đi dẫn ông tới một hội trường lớn. Vừa đặt chân đến cửa, nhìn vào, ông Giản hoảng hồn. Trước mặt ông, những dãy bàn dài trên mặt bàn chi chít hàng nến trắng to bằng cổ tay cao đến hai gang thắp sáng tưng bừng, dưới chân nến để kín những đĩa chim quay, gà tần, giò chả bê thui. Vây xào su hào, bóng nấu chân giò, và vô vàn những chiếc ly cao chân bằng pha lê, đứng quây quần bên những chai rượu vang boóc-đô màu đỏ và những chai sâm banh. Tiếng đàn réo rắt.

   Trông thấy ông, Trần Dụ Châu oai vệ trong bộ quân phục đại tá ra bắt tay ông, hoan hỉ mời ông vào. Trong hội trường, các tân khách ngồi đã gần đông đủ. Ông Giản đáp lễ đại tá Châu, và ông cảm thấy hối hận thật sự. Nếu biết trước ông sẽ không đến. Thế rồi, ông Giản cứ cật vấn lương tâm, ông tự hỏi: "Ðang lúc chiến tranh ác liệt, thiếu thốn đủ đường, vậy mà cái nhà ông đại tá này lại có thể tổ chức được một tiệc cưới không thiếu một thứ cao lương mỹ vị nào như thế này, thì ông ta thật là to gan...". Nghĩ ngợi, ông Giản bỗng thấy xót xa, với câu hỏi vừa chợt đến. "Không biết để có được vô vàn các món ăn quí tộc này, cái nhà ông đại tá kia có xà xẻo tiền thuế của ủy ban Hành chính kháng chiến góp cho quân đội để mua súng đạn? Phải, có thể lắm chứ".

   Ông ngồi dự một cách chiếu lệ, rồi lẻn ra về khi các tân khách bắt đầu nghiêng ngả bên những ly rượu cô-nhắc, mác-tanh thơm phức và đàn sáo vang lừng.

   Ðêm đó ông thức luôn tới sáng, tiết trời rừng núi càng thâu đêm, càng giá lạnh. Ông đã cố ngủ mà không thể chợp giấc vì trong đầu ông cứ luẩn quẩn một câu hỏi: "Cái thằng cha đại tá ấy nó làm cách nào mà có được nhiều tiền đến thế. Nhất là lại trong những năm tháng khó khăn này... Phải, nó đã khoắng được tiền Nhà nước bằng cách nào? Ðời ông, tiền ông cũng cầm cả tỉ bạc  trong cái thời thằng mũi lõ đô hộ, ông quá biết, chỉ với những qui định do sở thuế bên mẫu quốc gửi sang, không thể có cái thằng cha nào mà xà xẻo được, dù chỉ một cắc bạc. Ðến bây giờ bên ta... cái thằng cha đại tá ấy..." Ông Giản cứ càng nghĩ càng kinh hãi... và ông tự nhủ, để dứt bỏ cái ý nghĩ đã làm ông khổ sở. "Lòng dạ tim gan cái thằng ấy, nó phải được chế tạo bằng thép inốc".

   Tết âm lịch năm 1950 - 1951, ông Giản xin cấp trên cho thôi việc, để ông lại đem gia đình hồi cư Hà Nội. Trước hôm chia tay với cơ quan, một người về ngồi vào cái chức thay ông, hỏi ông: "Hay là anh bất mãn vì có công mà không được trên đối xử cho tương xứng". Ông Giản lắc đầu ngay, chỉ nói lý do là vợ con ông thấy nhiều người đã về thành, nên cũng muốn về. Cũng có một lý do khác thúc bách ông. Nhưng ông tự thề là sẽ chôn chặt đáy lòng... "Ðã có một thằng Châu thế này, thì rồi sau này đâu lại chỉ có một... Mình không thể cúc cung tận tụy mà lo đi tìm mọi cách thu gom tiền thuế để nộp vào một chỗ nào đó, cho những cái loại như thằng cha ấy mưu kế thò tay khoắng được một cách dễ dàng...".

   Ông Giản còn trịnh trọng hứa với cấp trên rằng ở trong thành tuy sống trong lòng giặc Tây, nhưng ông sẽ tìm mọi cách để có thể giúp đỡ cho kháng chiến được chóng đến ngày thắng lợi.  

   1954, thời gian 300 ngày, đủ chán cho những ai muốn di cư vào Nam. Ðám con ông bốn người, lũ em ông và họ hàng gần xa, họ đông lúc nhúc và phát rồ lên vì ông không nhúc nhích. Hỏi vì sao, ông im lặng. Lũ chúng, đứa nào muốn đi, ông cấp vàng, kim cương để sang đất mới mà có vốn làm ăn sinh cơ lập nghiệp. Rồi đến năm phong trào cải tạo tư sản ở Hà Nội. Ngay trong thời gian còn đang dịp phát động, ông đã đến ủy ban xin hiến tất cả những nhà mà con ông bỏ đi. Họ hàng, gia tộc ông mãi về sau này vẫn có người không quên hỏi vì sao, ông không di cư vào Nam, ông mới thủng thẳng trả lời: "Tao là trưởng họ, tao cắp theo mồ mả ông bà tao vào Nam, qua Pháp, qua Mỹ được sao, mà tao đi...".

   Thế rồi họ thấy ông năm năm tháng tháng, ngày nào cũng như ngày nào, ông dậy từ sớm, mùa hè thì trên chiếc áo mầu cháo lòng tay cộc đến nách đầy những mụn vá, còn dưới thì quần soóc lửng, mùa đông thì chiếc pa-đờ-suy của sĩ quan Pháp mầu cứt ngựa, tay xách một túi nhỏ, ông ra đi. Có hôm ông đi từ tinh mơ và cũng vậy tận tối mịt ông mới về, có hôm thì ông cưỡi chiếc xe đạp Xít-téc-linh ấy, và nhiều hôm ông đi bộ, thì họ rất băn khoăn. Ðã băn khoăn thắc mắc, các chất chứa cần được giải đáp. Nhân một chủ nhật, biết chắc ông ở nhà, họ kéo đến. Trong câu chuyện, chợt một người hỏi ông: "Thế từng ấy năm tháng chúng tôi thấy ông cứ đều đặn đi bộ từ sáng sớm đến tối mịt, chúng tôi bảo nhau ông ấy không thể chỉ đi chơi... Vậy?". Câu hỏi mới có đến thế, ông Giản đã đỡ lời, ông bảo ông đi kiếm ăn. Vậy, ngày bác kiếm được bao nhiêu, có thì bác cứ giấu, bọn tôi không thóc mách, nhưng là bác kiếm ăn độ nhật là bao nhiêu. Ông Giản cười mỉm, khẽ thưa, thong thả, rằng ông kiếm đủ ăn. Chỉ có người trong nhà và một vài anh con trai thì am tường cái việc mà ông gọi là đi kiếm ăn đó. Cái sự này tóm tắt gọn lỏn một câu, như ông nói với mấy thằng con ông rằng ở Hà Nội này khi nào còn người buôn kẻ bán, thì đó chính là nguồn sống của ông. Ðúng là ông không thiếu việc. Tỉ như thế này, bà chủ sạp hàng khô nọ ở chợ Hôm hỏi ông, bà buôn món gì và bán món gì thì sạp hàng của bà tiêu thụ được. Rồi tiền thuế nữa, bà phải nộp là bao nhiêu. Lúc ấy ông Giản đăm chiêu giây lát và ông trả lời cho bà ấy rất đầy đủ, cho kỳ bà ấy thỏa mãn, hết tiệt các câu hỏi mới thôi. Và sau khi ông trả lời xong, như đã thành nếp, bà ấy lần tay trong hầu bao bồi dưỡng ông một vài đồng, những năm sau đổi tiền rồi thì dăm nghìn, một chục. Ông lão cho tiền vào túi cài kim băng, chỉ được vài bước lại có một bà chủ sạp khác vẫy ông lại ghé tai ông, lặp lại những câu hỏi muôn thuở ấy, ông lại dừng và trả lời cặn kẽ, xong xuôi bà ta lại dúi vào tay ông mấy nghìn. Ông vừa ngoặt sang chỗ hàng khác thì một bà chủ sạp nữa lại ngoắc ông tới, và hỏi một câu thường nhật khác: "Ông ơi, chỗ hàng này tiền thuế của con là bao nhiêu, xin ông "cố vấn" cho con, để con chuẩn bị nộp". Ông nghe xong khẽ gật đầu và mắt ông lướt trên sạp hàng của bà ta, ít phút sau ông cho bà một đáp số mà đã nhiều lần bà làm theo với một cán bộ thuế đứng đắn, thì đâu như số tiền phải nộp chỉ chênh có vài nghìn đến mươi nghìn là cùng. Nghe giải đáp xong, bà ta lại đưa cho ông ít nghìn bạc gọi là tiền trà thuốc. Xong xuôi ông đi thẳng đến quỹ tiết kiệm. Từ ngày ấy cho tới tận bây giờ ông Giản vẫn chỉ gửi tiền ở một quầy. Quầy tiết kiệm ấy thay bao nhiêu cô chủ, ông đều am tường là bởi vì, cứ dăm bữa nửa tháng, ông lại tới, nói với cô ngồi sau quầy đưa cho ông sổ ghi số tiền ông gửi, cầm lấy, ông moi cuốn sổ của ông ra so sánh. Dạo đầu, cô trông coi quỹ tiết kiệm chưa hiểu đầu đuôi ngọn ngành, đã bẳn gắt ông mỗi khi ông quấy rầy như vậy, sau thì cũng đâm nhàm. Dần dần, cô ta để ý cứ mỗi lần như thế, ông Giản lại ngắm nghía kỹ lưỡng một hàng những con số ghi bằng số và ghi bằng chữ của hai số. Thế rồi trên khuôn mặt ông đang mồ hôi mồ kê bỗng tươi rói lên, thì cô ta mới vỡ nhẽ, rằng ông chỉ đến để mà gửi tiền để mà chiêm ngưỡng số tiền ông tích cóp, tính ông vậy...

*    *    *

bui-binh-thi-bui-thac-chuyen

Nhà văn Bùi Bình Thi và con trai Bùi Thạc Chuyên

Ông Giản có hai vợ, hăm nhăm người con. Con bà hai cả trai lẫn gái đều thành đạt. Tại sao vậy? Cái thứ con cái lẽ mọn thì hòng gì trông vào của gia bảo, nên bà mẹ mới dặn các con phải gắng mà học hành cho nên người, không có chữ nghĩa thì chỉ là phường trộm cướp. Còn đám con bà cả, được mỗi ông trai trưởng, người điềm đạm, có học hành đến đầu đến đũa. Thời còn đi làm anh cũng là một ông giáo dạy rất giỏi, học trò của anh đều đỗ đạt, và sau này đều ở cương vị đáng nể trọng cả. Chỉ có mấy anh thì phát tán, chơi bời cờ bạc, lêu lổng, trừ bốn người di tản. Trong hàng các con, hết thảy trai gái của bà cả, bà hai, dù đang hiện tình ra sao, mỗi cô cậu nếu còn tá túc, làm ăn ở Hà Nội thì cứ rất đều đặn tuần một lần ông tới, và câu đầu tiên ông hỏi, - câu hỏi ấy được nói ra rất nhỏ vào tai thằng con trai hoặc cô con gái ông: "Nào, tuần sau anh góp tiền nuôi bố mấy đây, thì anh đưa đi". Tay ông chìa ra, anh con trai hoặc cô con gái dù tính tình có đến thế nào, cũng đều lấy tiền lễ phép đưa cho ông. Xong xuôi lộ trình, ông lại từ nhà anh con trai ấy, nhà cô con gái ấy đến quầy tiết kiệm. Gửi tiền xong, ông chỉ để trong túi đúng cái số tiền ông dự định chi trong hai ngày hoặc ba ngày. Từ quầy tiết kiệm ông về nhà, bấy giờ sâm sẩm chiều, và ông dừng lại ngay trước cô con gái ở với ông và vợ ông, ông đưa cho cô ta tiền chợ ngày mai. Và số tiền chợ ấy cũng được ông tính sít sao. Tỉ dụ: Ngày mai cô ta đi chợ mua những món gì và món đó giá bao nhiêu tiền, ông vừa đưa cho con gái ông số tiền khuýp khuỳm khuỵp, vừa nói giá từng món một, mà con gái ông phải mua, và ông cũng không quên tổng cộng tất tần tật là bao nhiêu. Ðến nỗi, cô ta đã quá quen với tính chắt bóp của ông và khi cho tiền vào túi rồi, cô vẫn cứ phải lườm xéo ông bố già một cái, cho bõ bực. Trong cái lệ ông giao cho các con ông phải nhất nhất tuân theo đó, chỉ có anh trai trưởng, anh em đồng hao với tôi là làm theo một cách riêng. Cứ đầu tháng anh lại sai thằng con hoặc thằng cháu cầm một phong bì trong đó đựng một số tiền đúng với số tiền ông Giản hẹn, và kẹp một tờ biên lai. Ông Giản nhận phong bì, giở ra đếm tiền và ký vào tờ biên lai rồi đưa thằng cháu hoặc thằng chắt đem về cho bố nó cho ông nó.

*     *     *

   Vào một ngày lạnh giá cuối năm, ông Giản đi thẳng đến nhà anh con trai trưởng. Mọi lần, ông nhẩm đường trong đầu, nhà người con nào xa, ông đến trước, sau đấy ông dịch dần về gần, cuối cùng là nhà anh con út, chỉ cách nhà ông một ngã tư cùng phố.

   Anh Tiến đang dạy thằng cháu nội học tiếng Anh, thì nghe tiếng gõ cửa của bố, cộc cộc thật là đều chừng dăm ba cái. Ông Giản vào, ngồi xuống ghế. Thằng chắt buông bút chạy ra, rồi như đã thành nếp, nó đứng trước cụ nó, hai tay khoanh trước ngực, vừa từ từ cúi đầu chào vừa dõng dạc.

   - Chắt chào cụ ạ.

   - Ngoan lắm, cụ chào chắt - Ông Giản đáp lại và để nguyên cho thằng chắt quay về bàn học.

   Ông Giản quay sang Tiến. Anh đang rót trà xuống hai chén nước và đưa một chén mời bố.

   Ông Giản đón chén nước uống luôn một ngụm, chép miệng một cái:

   - Này, anh cho bố hỏi, anh chị về hưu được mấy năm rồi nhỉ?

   - Ðược sáu năm rồi, bố ạ.

   - Thế à... - Ông chậm rãi gật đầu, - cái đầu bóng láng không một sợi tóc. Ông hướng cái nhìn trong veo sang anh con trưởng - Kỳ này, bố sẽ bớt ba mươi phần trăm số tiền anh chị đóng góp nuôi bố.

   - Ðáng bao nhiêu mà bố phải làm thế - Anh Tiến cười vui vẻ - Vả nữa, vợ chồng con hồi này cũng đỡ bấn, vì các cháu bên kia chúng nó đã gửi tiền về chi viện rồi bố ạ.

   Ông tiếp giọng nhỏ nhẹ:

   - Bố cũng bớt cho anh Thuần mười phần trăm

   - Mới đấy mà chú ấy cũng hưu được hai năm - Anh nghĩ ngợi.

   Ông Giản đến sau lưng thằng chắt nhìn xuống hai trang vở mở và thằng bé thì đang hì hụi tô mấy nét chữ tiếng Anh.

   Ông Giản nói nhỏ:

   - Chắt tôi thật là ngoan... - Rồi ông thong thả đi ra cửa, trong tiếng chào với theo của thằng chắt nội.

   Anh Tiến tiễn bố:

   - Con cũng vừa nhận được thư của các cháu bên ấy, chúng nó nói kỳ này có người về, chúng sẽ góp tiền gửi về biếu ông.

   Ông Giản mở một cánh cửa bước ra ngoài:

   - Anh nhớ dặn mấy đứa trẻ, cố mà dành dụm phòng những khi thất nghiệp.

   Ông lại thong thả leo lên chiếc xe đạp Xít-téc-linh không chuông, không phanh, không bọc xích, chắn bùn.

   Bây giờ, ông Giản đến nhà người con trai thứ ba. Ðây là thằng con mà cứ mỗi lần trên đường đến, là ông lại không sao dẹp được cái cảm giác vừa ngán ngẩm vừa thương hại. Triển khác hẳn mấy anh chị trong nhà. Anh ta máu mê cờ bạc, đề đóm... Những lần ông đến, chỉ cần xéo con mắt nhìn vào cái rổ nhựa mầu đỏ để trong tủ kính cạnh bàn, thì hiểu ngay thằng con ông đang ở tình cảnh nào. Vợ chồng Triển chỉ đựng tiền trong cái rổ nhựa đó. Hôm nào rổ đầy tiền thì vợ chồng con cái mặt mũi tươi mởn, hai bữa mâm cơm như mâm cỗ. Còn khi nào mà ông thấy trong cái rổ ấy chỉ loáng thoáng vài tờ, thì y như rằng chúng nó vợ chồng cắn xé nhau, đám trẻ khóc như ri.

   Cửa nhà Triển mở toang. Anh ta nằm ngay trên nền nhà ngáy như kéo bễ. Mới ba giờ chiều mà đã ngủ lăn lóc thế này, thì lại chỉ có say rượu. Ông Giản ngồi trên ghế, chống hai tay lên đầu gối, nhìn xuống cái mặt đẫm mồ hôi tai tái, hai mắt nhắm tịt, dằn giọng:

   - Dậy ngay! Dậy, dậy, Triển!

   Lập tức Triển nâng mặt lên nhìn ông bố bằng hai con mắt đỏ sọng như mắt cá chày. Rồi anh ta từ từ ngồi dậy:

   - Bố cho con khất hôm khác... Ðấy, bố nhìn trong cái rổ nhựa ấy thì biết.

   - Lại thua bạc hả? - Tiếng ông như sống dao vằm xuống mặt thớt. - Anh chìm đắm trong cái khốn nạn này cho đến bao giờ? - Ông rút cuốn sổ tay bé bằng cỗ bài tú lơ khơ ra, ghi vào đấy thêm một lần nữa Triển thiếu nợ với ông.

   - Sáng nay chúng nó lôi đi nhậu - Triển lầu bầu, giọng nhão nhoẹt.

   - Hôm nào trả được cho tôi thì anh nói đi.

   Mặt Triển dày bì, lang lổ những chấm đỏ, hai mắt đóng thẳng ra cửa, giọng khê đặc:

   - Cho con sáng thứ năm tuần sau... Nhà con nó sẽ mang đến nộp cho bố.

   - Hừm! Tôi đã giao hẹn với anh thế nào?

   - à không, con mang... con mang...

   Ông Giản lừ đừ đi ra cửa. Ðúng ngày hẹn, Triển đến thật. Anh ta để tệp tiền nhàu nát, quăn queo trên bàn trước mặt ông bố, rồi uốn giọng thẽ thọt:

   - Con nộp đủ tất cả là sáu lần đấy bố ạ.

   Ông Giản cầm xấp tiền, nhìn Triển bằng ánh mắt sắc lạnh và ông hiểu ngay thằng con ông lần này đưa tiền, lại giở cái giọng phường chèo. Ông gỡ sợi dây cao-su, chấm ngón tay trỏ xuống chỗ nước trong khay, rồi vừa đếm vừa vuốt từng tờ một. Ðến tờ cuối cùng, ông nhẹ nhàng cầm xấp tiền thẳng cánh tay đặt sang phía Triển, giọng ông bỗng thật nhỏ:

   - Nếu anh chưa thể kiếm được cho đủ thì đừng có mang đến.

   Triển cười cười:

   - Con xin bố vài ngàn đi mua mấy cái vé số thôi mà.

   Triển vừa khép miệng, tức khắc ông Giản cầm tệp tiền đập một cái thật mạnh xuống giữa mặt bàn, xẵng giọng:

   - Thế thì cầm về! Cầm về!... Cút! Cút ngay với xấp tiền của anh!

   Triển như một quả bóng xì hơi, mặt tái dại, tay lập cập xục vào túi áo ngực. Rút một xếp tiền mỏng nữa vuốt lại cho thẳng, rồi gỡ vòng sợi cao-su của tệp tiền trên bàn, gộp với xấp tiền ấy cho đủ số.

   - Con xin lỗi bố... Con xin... Con xin... - Triển khom lưng đứng lên, vừa thều thào vừa cum cúp đi ra.

   Trong đám con bà cả, còn một anh nữa na ná như cái nhà anh này. Chẳng hiểu ra làm sao, Hiệp, con trai hơ hớ đi quơ lấy một cô vợ hơn hẳn mười lăm tuổi, vốn là hạng gái nhẩy thay chồng như thay áo. Hết thời, giờ cô ta xoay ra bán tạp hóa, quần áo siđa ngoài chợ. Hiệp bị tật nói lắp. Lắp khổ lắp sở. Vì vậy ông Giản mới cho anh ta đi học cái nghề kẻ biển. Nghề này, suốt ngày đối mặt với mặt tôn mặt gỗ, chẳng cần phải giao thiệp với ai, tuy vậy làm ăn chăm chỉ thì cũng hái ra tiền. Nhất là từ cái ngày phố xá cửa hàng, cửa họ, kẻ mua người bán tấp nập. Nhưng rồi, cũng lại chẳng hiểu ra làm sao, Hiệp chuyển qua cái nghề đánh trống trong tốp nhạc hát rong cho mấy cái tòa "Hầu-theo". Sau mỗi lần biểu diễn, đám hát ấy lại lôi thôi, lếch thếch đi tìm quán phở đêm nào đó.Vợ chồng Hiệp lấy nhau trong hoàn cảnh ấy. Con vợ Hiệp đanh đá cá cầy có hạng. Rất nhiều lần, khi thấy chồng thu xếp tiền nong để nộp cho bố, thị đã chỉ mặt Hiệp: "Này, anh thôi ngay cái trò nộp thuế ấy đi nhé! Anh còn chịu để cho cái ông lão dơ dáy, áo quần như thằng ăn mày, mò đến bóc lột anh đến bao giờ? Ðời tôi, tôi chưa thấy cái nhà nào gia phong lại mạt hạng đến như cái nhà này. Ông bố, cứ tháng tháng đi đến tất cả nhà con cái mà nã tiền. Có thiếu vài đồng cũng không được với cái lão ấy".

   Hiệp vẫn ngậm miệng, đến cái lần ấy thị đang ra rả điệp khúc này thì ông Giản đến. Chợt trông thấy bố chồng, lập tức thị im bặt, môi mím chặt, mặt tái như đổ chàm, quay phắt, lủi mất. Ông Giản đã nghe thấy đủ lời cô con dâu nanh nọc. Nhưng ông không thèm chấp. Ông đã không thèm chấp thì cũng đúng như thể là ông không nghe thấy. Ông từ từ tựa lưng vào lưng ghế, nếu hôm ấy mà Hiệp chưa sẵn tiền thì ông lại dịu dàng:

   - Anh chưa đủ thì cứ khất. Còn nếu vẫn muốn đưa bố, thì có bao nhiêu anh đưa bấy nhiêu, rồi trả sau. Miễn là hẹn cho đúng hạn, trả cho đủ số.

   Hiệp làm theo lời bố anh. Lần nào mà Hiệp có đủ, thấy bố đến, anh mời ông vào, rót nước, rồi lấy trong ngăn kéo số tiền anh đã sắm sẵn. Ông Giản chìa tay nhận, giây lát ông đưa lại cho Hiệp tờ biên lai. Những tờ biên lai của ông Giản cỡ mẫu giống y như ta vẫn thấy bày bán ngoài thị trường, rất đàng hoàng, cũng đánh số thứ tự, cũng ghi đầy đủ ngày, tháng, năm và chữ ông ký hẳn hoi. Xong xuôi ông ra về.

   Thấy ông đã thực sự khuất xa, con vợ Hiệp mới dám từ dưới bếp thò mặt lên, nhìn tờ biên lai chặn dưới một chiếc chén, thị lại ngấm nguýt, bĩu dài môi rồi xì ra một tiếng như lốp xe đạp cán phải đinh: "Rõ thật, mạt, mạt. Làm bố mà lại phải đi thu thuế của con cái. Lão ấy đúng là tàn dư thực dân đế quốc".

   Vào những năm kinh tế thị trường, chợ búa, quán xá, hàng hóa bày la liệt. Dân chúng muốn gì có nấy. Và, cái công việc mà ông Giản đang làm một cách lặng lẽ đều đặn từ bao nhiêu năm tại mấy khu chợ trong cái quận ông ngụ cư ấy, cũng dần dần mỗi ngày một nhiều lên gấp bội. Tiếng lành đồn xa, công việc của ông Giản cũng loang đi rộng dần, xa dần đến tận cả chợ Ðồng Xuân, Bắc Qua, Long Biên thôi thì không còn sót một chợ nào. Ông đã phải tăng thêm giờ làm việc. Vậy mà hôm nào cũng cứ tám, chín giờ tối ông mới về đến nhà. Nghỉ ngơi, tắm táp xong, ông pha một ấm trà ngon, rồi vừa nhấp ngụm trà, ông vừa kiểm tiền, đếm và xếp riêng ra từng loại một, để rồi vẫn cứ nhất định vào cái ngày cuối tuần đó, ông đem ra quầy tiết kiệm. Như hàng tháng cũng đúng vào cái tuần ấy, ông lại đi một lượt qua tất cả nhà lũ con trai, con gái là con của bà cả. Sau đó, tới lũ con trai con gái là con của bà hai.

   Hôm nay, như mọi hôm, ông Giản đặt chân lên bậu cửa nhà anh con trai đầu của lũ con bà hai, thì khác hẳn với mọi lần, tiếng reo của đám đông con cái, cháu, chắt từ trong nhà vang ra râm ran chào đón ông. Năm anh con trai, bốn chị con gái người nào cũng học hành hẳn hoi, đỗ đạt; người nào cũng gia thất trọn vẹn, công kia việc nọ đàng hoàng:

    Hưng đon đả mang ra một chiếc ghế mời bố ngồi:

   - Chúng con nhớ là hôm nay ngày bố đến, nên các em con bèn bảo nhau tụ tập ở đây, để bố khỏi phải đi từng nhà.

   Ông Giản ngồi giữa chín đứa con, một lũ cháu chắt. Nhà đầy những người là người. Ông đặt cả hai tay xuôi lên đùi, vẻ mặt mãn nguyện, rồi thở một hơi thật dài. Hưng mở tủ cầm ra một xấp phong bì đựng tiền, chín chiếc. Anh lễ phép đặt ra bên mặt bàn trước ông. Các em anh, người thì rót nước, người thì gọt táo mời ông xơi.

   Hưng nói với bố:

   - Bố ạ, con xin báo cáo với bố một tin thật là vui: Con này, em Phương, em Tiếp, em An, em Huy và em Nga nữa. Chúng con đều cùng được lên lương trong đợt này, nên chúng con bảo nhau tăng thêm mỗi suất là hai mươi phần trăm để đưa bố, bố ạ - Vừa nói, Hưng vừa mở từng chiếc phong bì, lấy một tờ giấy mỏng có chữ in sẵn đưa cho bố anh.

   Ông Giản cầm tờ giấy có tiêu đề: "Biên lai", ông thấy bên dưới mé trái hai con số là chữ ông thì đã có một nét gạch chéo qua; và bên phải là hai con số khác, trị số to hơn được viết một cách rõ ràng.

   Ông Giản gật gật nhẹ, nói nhỏ với một giọng thật trong trẻo:

   - Bố cảm ơn các con... Cảm ơn các con... - Ông lần lượt ký tên ông vào từng tờ biên lai, phía dưới tờ giấy có hàng chữ in: "Người nhận".

*
*     *

   Bỗng nhiên cái tuần đầu của tháng sáu năm nay, ông Giản đến hết thảy nhà của đàn con ông và dặn, ngày thứ mấy, thứ mấy của tuần sau tháng ấy, ông sẽ đến lần nữa và lúc ấy ông cần có một trong hai vợ chồng phải chuẩn bị, để đi cùng với ông. Sự kiện đột ngột này đã gây bàng hoàng trong đại gia đình ông Giản. Ðám con cái dâu rể cháu chắt của ông hoàn toàn không thể hiểu được vì sao ông lại làm như vậy. Họ bèn tìm những cô cậu vốn vẫn được ông yêu mến để thăm dò. Nhưng không kết quả gì. Ông kín như bưng, chỉ riêng con trưởng là bằng chân như vại, vì không hề hay biết chuyện này.

   Và, ông Giản bắt đầu cái cuộc đó từ gia đình ông con trưởng. Ông đến, vẫn giọng nhỏ nhẹ ông nói với cả hai vợ chồng: Nào cô trưởng đi với tôi. Bà con dâu ông đã chuẩn bị đâu vào đấy, giờ chỉ còn cum cúp theo ông. Ông lững thững đi trước, vẫn chiếc áo mầu cháo lòng hai ống tay cụt đến nách và cái quần nâu cắt lửng đến đầu gối. Trông thấy thế này rất nhiều người tưởng ông hôi hám lắm. Lầm to, ông rất sạch sẽ. Ông Giản đến trước quầy tiết kiệm thì dừng lại, chờ bà con dâu (gọi là bà, vì anh chị đằng nhà vợ tôi đã về hưu từ lâu) ông Giản vẫn giọng trong veo, chậm rãi:

   - Vào đây, tôi bảo cô thế nào thì cô cứ theo thế, rõ chưa.

   Bà con dâu vâng một tiếng. Ông Giản vừa đặt chân lên bậc trên cùng thì mấy cô trong quầy tiết kiệm đã reo lên chào ông, chào con dâu ông.

   Ông Giản tỳ tay lên quầy, bàn tay xòe ra và giọng nhỏ nhẹ:

   - Cô đưa cho cô con dâu tôi ký đi.

   Trước khi một trong ba cô nhân viên quầy tiết kiệm đưa cho bà con dâu ông, cô ta đặt vào tay ông tờ giấy hồng hồng có mấy chữ "Sổ tiết kiệm". Ông lão lấy kính ngó một lát, rồi chìa tờ giấy trước mặt bà con dâu:

   - Tôi cho vợ chồng cô và các cháu 10 triệu đồng, cô ký vào đây, rồi giữ lấy sổ này, rõ chưa... Phải nhớ mà chi tiêu cho nó tiết kiệm. Cái gì đáng chi thì dù tiền triệu cũng cứ phải chi. Cái gì không đáng chi thì một chinh cũng không. Rõ chưa nào?

   Bà con dâu vâng một tiếng ngồn ngột, rồi bỗng thấy hai tai ù đặc, mắt hoa và tim đập dồn, trong tâm trí bà một tiếng nói se sẽ: "Giời ạ, thầy cho vợ chồng mình... những mười triệu, hở giời...! Giá như bây giờ mà được nhìn thấy tiền mặt...".

   Rồi cứ thế lần lượt, mười triệu một, mười triệu một cho đến gia đình đứa con thứ hai mươi mốt, từng đứa cháu một, và hết thẩy đám chắt, chắt trai, chắt gái mười một cô cậu nữa của ông.

   Ðúng hai tuần sau, ông qua đời.

   Trước ngày tang lễ ông Giản, anh con trưởng nhận được từ tay bà mẹ phong thư di chúc của ông.

   Tiến bóc phong bì, một tờ giấy vở học trò cắt đôi gấp tư, hiện rõ dòng chữ của ông Giản: "Anh Tiến, tôi về với tổ tiên, anh nhớ thay tôi răn dạy lũ em, lũ con, lũ cháu chắt; phải luôn coi tiền như là người bạn quý đồng hành của mình. Trong cuộc đời chỉ coi tiền là phương tiện thì sẽ không bị đồng tiền nó đè, nó đánh chìm, nó mê hoặc. Tôi còn bốn mươi hai triệu đồng nữa. Ðây là số tiền dành để anh làm tang cho tôi. Tiền hậu sự của mẹ anh cũng có rồi. Tiền hậu sự của bà hai tôi cũng cho rồi. Giản ký".

Hà Nội 1995

Bài liên quan
  • KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ký sự Cao Lạng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được ghi nhận là một trong những tác phẩm dài hơi đầu tiên của nền văn học kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp, đại diện xuất sắc cho thể loại ký sự trong văn học sử Việt Nam thời hiện đại. Tác phẩm như một thiên sử thi, ghi lại những diễn biến lần đầu tiên Quân Đội Nhân Dân Việt Nam tiến công quân xâm lược Pháp, do đích thân Hồ Chủ Tịch ra trận chỉ đạo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đảm nhận trọng trách chỉ huy trưởng chiến dịch. Ký Sự Cao Lạng cùng với một số tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh (giải thưởng diễn ra 5 năm một lần) trong lần đầu tiên giải thưởng này được tổ chức năm 1996.
  • MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mùa Gụ là truyện ngắn trong tập Ngày mai sẽ nắng của nhà văn Trần Tâm, Nxb Kim Đồng in năm 2002.
  • ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chuyện của nhà văn gốc Cà Mau, về miền sông nước...
  • CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    Chuyến xe lửa đêm ra Bắc hôm nay có vẻ hấp tấp vội vàng như người đi trốn nợ. Thỉnh thoảng đầu xe lại thét vội giữa quãng đồng không, xa xa. Nghe như hơi thở của đêm vắng.
  • LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Làn gió chảy qua là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016.
  • THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Tháng Bảy là truyện không ngắn như những truyện ngắn khác mà nhà văn Phan Thị Vàng Anh thường viết, nó dài hơn hẳn. Truyện được viết khi tác giả tham dự chương trình viết văn của Đại học Iowa, Mỹ, đăng trên TTCT năm 1996.
  • HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn quê gốc Chợ Gạo Trần Kim Trắc, còn được biết đến với tên gọi Ông Thiềm Thừ, theo tên một truyện ngắn xuất sắc của ông, là một trong những cây đại thụ của văn chương Nam Bộ. Truyện nào của ông, cũng như gieo những cơn mưa Nam Bộ, thấm đẫm từng trải và bạt ngàn vốn sống lên văn đàn.
  • ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn Đảo của dân ngụ cư của nhà văn Đỗ Phước Tiến in trên báo Văn học và Dư luận năm 1992, ngay lập tức đã gây chú ý  tới đông đảo độc giả yêu mến văn chương. Năm 1994, Đảo của dân ngụ cư đã được dịch sang tiếng Pháp với tựa Terre des éphémères và được lấy làm tên cho một tập truyện xuất bản ở Paris. Truyện cũng được dịch sang tiếng Anh với tựa The Way Station trong tuyển tập Night, Again xuất bản tại New York năm 1996. Đến năm 2016, tại Việt Nam, nó được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên do Hồng Ánh đạo diễn.
  • THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH của Nhà văn Cà Mau Nguyễn Trọng Nghĩa in lần đầu trên báo Tuổi trẻ chủ nhật sau đó in trong tuyển tập Truyện ngắn hay Tuổi Trẻ Chủ Nhật, nhà xuất bản Trẻ 2005.
  • ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Nguyễn Đình Tú đến với văn chương từ cuộc thi Tác Phẩm Tuổi Xanh của Báo Tiền Phong năm 1995, với giải thưởng cho truyện ngắn Niềm vui của một dòng họ. Nhưng phải tới khi đạt giải nhì cuộc thi văn chương của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1999, anh mới chính thức rẽ vào làng văn và trở thành một trong những nhà văn thế hệ 197x viết nhiều và đa dạng thể loại thành công nhất hiện nay.