chan_dung-ke_si

THẰNG CUNG - Truyện ngắn Lê Văn Thảo

23-10-2023

Lượt xem 2233

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Lê Văn Thảo

THẰNG CUNG - Truyện ngắn Lê Văn Thảo

Từ trái qua: Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà văn Lê Văn Thảo, nhà văn Lê Quang Trang, ba đời chủ tịch Hội nhà văn TP. Hồ Chí Minh.

Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Lê Văn Thảo (1939-2016) tham gia kháng chiến từ khi còn là sinh viên đại học và thoát ly ra chiến khu từ năm 1962, bắt đầu sáng tác từ giai đoạn này.

Sau năm 1975, ông giữ cương vị Phó tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2000 – 2010, Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam khóa VII (2005 – 2010).

Nhà văn Lê Văn Thảo được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật năm 2007. Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật năm 2012 cho các tác phẩm Con đường xuyên rừng, Tuyển tập truyện ngắn.

Về Long Xuyên thăm nhà tôi hỏi thăm thì nghe tin chú Cung đã mất.

Tôi nhẩm tính : vậy là chú Cung đã già lắm rồi. Đây là lần đầu tiên tôi tính đến tuổi chú Cung. Từ lâu trong tâm trí tôi - và chắc cả mọi người trong làng - chú Cung như người không có tuổi. Tôi nhớ hồi tôi còn rất nhỏ, chú Cung đã là người già rồi, lưng chú hơi cong cong, người ốm ròm, mặt đen sạm, dáng đi tất bật, lầm lũi, cứ như sắp đổ về phía trước. Chú già như thế rồi không già nữa, mọi người gọi chú là "Thằng Cung", bọn trẻ chúng tôi cũng gọi là "Thằng Cung". Chú là người hơi ngớ ngẩn, người ta nói vậy, riêng tôi chỉ thấy chú có tật lầm lỳ ít nói, đúng ra không thấy chú mở miệng bao giờ. Quanh năm chú bận một bộ đồ bà ba đen bạc phếch được mạng vá cẩn thận, tóc để dài bới lại thành một búi nhỏ phía sau ót. Hằng ngày chú đi rảo khắp làng nhưng không ai biết chú ở đâu, có lẽ chú không có nhà cửa gì cả, tiện đâu ngủ đó thôi. Còn công việc của chú thì như thế này : chú nhớ hết các ngày giỗ trong làng, hoặc ngày đám cưới đám gả, ngày đoạn tang, trước đó một ngày chú đến nhà có đám xách nước đổ đầy hết các lu hũ để ngày hôm sau được "đãi" một bữa ăn dọn riêng ở một góc sau bếp, đồ dư thừa còn lại của bữa tiệc. Thuở đó tôi chưa tính được giữa công gánh nước của chú với bữa ăn đó trị giá hơn kém nhau như thế nào. Nhưng tôi thấy rõ, thật kỳ lạ nhưng cũng hợp lẽ thông thường, tuy mọi người đối xử tệ với chú nhưng ai cũng thương chú. Bởi chú quá hiền lành, bảo gì làm nấy chớ chẳng cãi lại ai bao giờ. (Chú có nói gì đâu mà cãi). Hơn nữa việc làm của chú tuy hèn mọn nhưng cần thiết, thử hỏi tìm được ai làm thay công việc ấy ?

Tôi nhớ rất rõ những lần chú đến nhà tôi, không ai trong nhà màng gì tới chú cả, chó cũng không sủa, chú lẳng lặng đi mau ra sau bếp lấy chiếc đòn gánh với đôi thùng chú đã biết rõ chỗ, chú đi xuống con sông nhỏ cách nhà hơn trăm thước gánh đổ đầy hàng lu sau sàn nước ước chừng hai chục cái. Chú gánh suốt buổi, ngồi đợi một chút cho mấy bà mấy cô làm gà làm vịt, cười nói, xài nước thỏa thích rồi lại tiếp tục gánh nữa. Đến giữa khuya, việc nấu nước rửa ráy đã xong chú mới ra đi, cũng lặng lẽ như lúc đến, không ai chào hỏi hoặc mời mọc gì cả. Sáng hôm sau cuộc tiệc linh đình, ra vào tấp nập. Đến chiều khách đã no say ra về hầu hết, lúc đó dì Hai tôi như mới sực nhớ hỏi :

- Thằng Cung đâu sao không thấy tới cà, đồ ăn còn dư nhiều quá đây nè ?

Nói vừa dứt lời thì chú Cung tới, đi thẳng ra sau bếp chọn một chỗ quen thuộc của chú là một góc nhỏ sau sàn nước. Người ta bưng cho chú một tô cơm lớn và một dĩa thức ăn gồm các món đổ chung với nhau, chú đón lấy rồi cứ ngồi xồm như vậy mà ăn. Chú ăn rất mau, gần như chỉ một loáng là xong, bưng luôn tô dĩa đi rửa tồi tức thì biến mất.

Suốt bao nhiêu năm chú Cung như một cái bóng xám xịt trong làng, không nói gì tới ai và cũng không ai quan tâm tới chú.

Có lần tôi hỏi dì Hai tôi :

- Sao "Thằng Cung" nhớ ngày giỗ nhà mình mà tới hả dì ? Có thấy nó ghi chép gì đâu ? Mà nó đâu biết chữ mà ghi chép ?

Dì Hai tôi không giải thích được điều đó. Mọi người khác cũng vậy. Đâu có ai biết gì về chú, và đâu thấy cần phải biết.

Bọn trẻ tụi tôi hay tìm cách chọc chú Cung, thấy chú ở đâu chúng tôi chạy theo sau la lớn : "Thằng Cung ! Thằng Cung !". Chúng tôi còn giở nhiều trò tai ác đến nỗi nhiều lần má tôi phải rầy tôi :

- Con không được chọc ghẹo Thằng Cung. Nó không phải là người xấu đâu, chỉ phải khờ quá thôi.

Tôi không thấy chú Cung "khờ" ở chỗ nào, nhưng thấy những đứa khác chọc thì tôi chọc. Chúng tôi lén cột dây vào sau lưng áo chú, bắn ống thụt trái bố vào người chú, chỉ riêng việc xua chó sủa là chúng tôi không làm được. Giống chó có giác quan tinh nhạy thế nào mà không chịu sủa chú Cung bao giờ.

Thường đáp lại những trò đùa của chúng tôi, chú Cung chỉ cười, chúng tôi có hơi quá quắt lắm chú chỉ nghiêm nét mặt nhìn chúng tôi với ánh mắt buồn buồn, không hề la rầy quát mắng chúng tôi hoặc méc bảo với người lớn.

Tin chú Cung mất khiến tôi bàng hoàng, cảm thấy như mất mát một cái gì. Tôi dành ít phút ra ngoài bờ sông ngồi nhớ lại chú.

Thật ra là tôi nhớ lại thời thơ ấu của tôi. Năm đó tôi mười hai hay mười ba gì đó, một buổi sáng tôi nghe dì Hai tôi nói :

- Thằng Cung sao chưa thấy tới cà ?

Tức thì tôi mừng rỡ reo lên :

- A, vậy là ngày mai đám giỗ bà ngoại !

Chút sau, nắng lên khỏi ngọn cây một chút, thấy chú Cung đến, con Vện chạy xồ ra rồi đứng lại gương mắt nhìn chú, không ngoắc đuôi mừng cũng không sủa. Chú đi vòng ra sau lấy chiếc gánh đôi thùng đi xuống sông gánh nước. Tôi định chạy theo chú buộc dây vào lưng áo chú nhưng sực nhớ hôm nay có hẹn với cô bạn gái của tôi nhà ở bên kia sông. Thủy Tiên - tên cô bạn gái - cũng trạc tuổi tôi nhưng tính tình nhiều lúc hơi kiêu kỳ, làm ra vẻ như người lớn, hay giận hờn, cô ta chơi thân với tôi và cũng chơi thân với nhiều bạn trai khác nữa. Hôm nay chúng tôi hẹn nhau đi câu tép dọc theo bờ sông. Mùa nước đang lên, nước ngập tràn bờ đục ngầu phù sa. Tôi đã vót sẵn một mớ cọng lá dừa, đầu trên buộc một đoạn sợi chỉ, đầu sợi chỉ cột miếng mồi trùn. Tôi và Thủy Tiên chỉ việc đem cắm những cần câu đó dọc theo mép nước, đặt miếng mồi trùn dưới nước độ gang tay, rình chờ thấy cần câu run run là lấy cái rổ xúc, sẽ được một con tép bạc bằng ngón tay trắng như miếng cơm dừa. Tôi chạy ra bờ sông nhưng không thấy Thủy Tiên đâu cả. Tôi ngồi lên gốc cây dừa quì, ngó thấy con chim trao trảo đang ăn trên cây me nước gần đó. Chú Cung gánh đôi thùng đi xuống cầu vục thùng múc nước , ngước nhìn tôi, nhìn hàng cần câu tủm tỉm cười rồi còng lưng quảy đôi thùng đi lên, chân giẫm lạch bạch trên mặt đất. Có tiếng mái dầm khua nước bên kia sông. Tôi nhìn sang, thấy Thủy Tiên đang lao chao bơi xuồng đi qua. Nắng lấp lóa trên mặt sông, trên mái tóc vừa mới chấm dài của Thủy Tiên. Xuồng cập bến, Thủy Tiên đưa cao hai tay nghiêng người bước lên, khi đến gần tôi cô vấp một chiếc rễ dừa xuýt té phải níu vào người tôi. Tôi cảm thấy mái tóc mềm dịu của cô xõa qua mặt tôi, một mùi hương kỳ diệu thoảng qua thơm nồng. Tôi định bụng cự cô ta một chập nhưng không hiểu sao tôi đâm bối rối, nói cụt ngủn :

- Thôi mình đi câu tép đi !

Thủy Tiên cắm cần câu không ra làm sao cả, cần thì chúi xuống nước, cần thì chổng lên trời, đang cắm giữa chừng bỗng bỏ chạy theo con chim thằng chài ở đâu sà xuống đậu trên cây dầm cắm ở mũi xuồng. Cô ta lại còn cười nói huyên thuyên, kể chuyện gì đâu đâu, khiến tôi nhiều lúc cũng đâm rối trí. Tôi nói :

- Thôi để tôi cắm câu cho, Thủy Tiên xúc tép đi. Kìa con tép đang ăn mồi kìa !

Thủy Tiên cầm rổ xúc, lóng nga lóng ngóng chỉ xúc được cái rổ không. Cuối cùng tôi nói :

- Thủy Tiên cầm giỏ đi để tôi xúc cho.

Chú Cung vẫn đều đặn xuống bến gánh nước, mỗi lần chú đều dừng lại một chút nhìn chúng tôi. Trông mặt chú có vẻ buồn buồn, như muốn nói với chúng tôi điều gì nhưng không diễn tả được thành lời.

Tép càng lúc càng ăn mồi rộ, bỗng Thủy Tiên quăng chiếc giỏ nói :

- Thôi không xúc tép nữa, ta đi bắt bướm đi.

Bướm ở đâu mà bắt ? Tôi không ghét trò gì bằng trò bắt bướm, lại còn bày trò ép vào quyển vở, ghi chú những câu thơ có trời mới hiểu nổi. Tôi nói :

- Bướm mùa này không có đâu. Thôi ta câu tép chút nữa rồi đi hái mận.

- Em không ăn mận.

- Thì đi bắt chim. Tôi sẽ bắt cho Thủy Tiên một con chim nhỏ xíu.

- Em có nuôi một con chim rồi nhưng nó không chịu ăn, em thả nó cũng không chịu bay nữa.

Tôi đâm bực :

- Vậy làm gì bây giờ ?

Tức thì Thủy Tiên dậm chân, nước mắt trào ra một cách dễ dàng :

- Vậy thì thôi... Vậy mà anh nói ...

Tôi không nhớ tôi có nói gì, nhưng cãi lại Thủy Tiên lúc này sẽ sanh lắm chuyện phiền toái nên tôi nói :

- Thôi được, đi bắt bướm đi, nhưng đừng ép vào vở ghi thơ mất công lắm.

Tôi đi theo Thủy Tiên một đoạn chợt nhìn thấy thằng Hữu Sún lò dò đi theo sau, lén chìa hộp lon mủ mít cho tôi coi. Mủ mít tôi mê lắm, làm được nhiều chuyện như bẫy chim chẳng hạn. Tôi cũng mê thằng Hữu Sún nữa, nó là bạn thân của tôi thường hay bày nhiều trò cho tôi cùng chơi chung. Nó thì thào với tôi :

- Đằng cây me đằng kia có đám sáo thường tới ăn trái, ta leo lên bôi mủ mít bắt nó đi.

Mủ mít rất dính, chỉ cần bôi một ít lên các cành cây, chim đậu xuống sẽ bị dính chân cứ trèo lên bắt thôi. Nhưng còn Thủy Tiên và đám bướm của cô ta thì sao ? Tôi nhướng mắt nhìn về phía Thủy Tiên ra ý hỏi thằng Hữu Sún. Nó nhìn Thủy Tiên rồi làm thinh. Tôi biết thằng Hữu Sún cũng sợ Thủy Tiên lắm, không biết tại sao vậy, nó vốn tính ngang tàng không biết sợ ai.

Vừa lúc đó dì Hai cho người đi gọi tôi về để làm lễ cúng.

Làm lễ cúng có nghĩa là lạy. Tôi ngán lạy lắm. Tôi không biết mặt bà ngoại tôi nhưng năm nào tôi cũng phải lạy trước bàn thờ có tấm hình lạ hoắc đó. Thằng Hữu Sún bày cho tôi :

- Mày cứ vô lạy trước đi rồi đi bắt chim sáo với tao.

Má tôi nghe được, quát :

- Lạy trước là sao ? Thằng Hữu Sún bày tầm bậy phải không ?

Thằng Hữu Sún lủi mất, chút sau tôi thấy nó ngồi vắt vẻo trên cây khế với lon mủ mít trong lòng. Nó khuyên tôi :

- Thôi chút nữa lạy cũng được, giờ chơi trò này đi.

- Trò gì ?

Nó nhướng mắt chỉ tay về hướng chú Cung đang gánh nước, thì thào vào tai tôi ...

Có tiếng má tôi kêu tôi vào làm lễ cúng. Tôi vào quì lạy, thằng Hữu Sún cũng nhào vô lạy chung cho vui. Rồi hai đứa chúng tôi ngồi vào bàn ăn giỗ. Má tôi nói :

- Con Thủy Tiên đâu sao không kêu nó vô ăn với ?

Tôi bỏ đũa xuống chạy đi tìm nhưng không thấy Thủy Tiên đâu cả. Chắc cô ta ghét thằng Hữu Sún, bỏ đi rồi. Tôi chạy trở vào nhà nói dối :

- Thủy Tiên đau bụng, không ăn được.

Chúng tôi ăn thật mau rồi đi ra sau bếp. Chú Cung đang ngồi xổm ở đó chờ cuộc tiệc xong, người ta dọn cho chú ăn. Chúng tôi cũng ngồi đợi, cảm thấy buồn ngủ. Cuộc tiệc trên nhà trên kéo dài mãi, nhưng cuối cùng cũng xong, mọi người ra về hết, và một mâm cơm được đưa đến cho chú Cung. Chú Cung nhổm người lên đón lấy mâm cơm, thằng Hữu Sún nhanh như chớp thòi ra chiếc ghế con có trét mủ mít nhét dưới đít chú Cung. Chú ngồi xuống, ăn thật mau, rồi đứng lên. Tức thì chiếc ghế cũng "đứng dậy" theo, dính tòng teng dưới đít chú. Mọi người cười rộ lên. Chú Cung lúng túng và khi chú gỡ được chiếc ghế ra, một miếng vải quần của chú cũng dính theo luôn. Mọi người càng cười lớn hơn nữa. Má tôi đi xuống thấy cảnh đó cũng cười nhưng rồi sau chợt hiểu ra liền đi lùng hai chúng tôi. Thằng Hữu Sún nhanh chân trốn mất, còn tôi thì bị hai roi đau điếng.

Tôi buồn bã đi xuống bờ sông. Thủy Tiên không thấy đâu cả, hàng cần câu nằm chỏng chơ, vắng lặng. Tôi đi dọc theo bờ sông tới một bụi tầm vông chợt thấy có bóng người trong đó. Chính là chú Cung, chú đang ngồi giữa bụi tầm vông vừa vá chiếc quần vừa khóc. Tôi chưa thấy người đàn ông khóc bao giờ nên lấy làm lạ đứng nhìn một lúc rồi mới bỏ đi. Tôi tìm gặp thằng Hữu Sún và bày nhiều trò chơi nhưng không còn thấy hứng thú gì. Hình ảnh chú Cung ngồi khóc trong bụi tầm vông choáng chật hết tâm trí tôi. Tôi bỏ thằng Hữu Sún đi đến bụi gừa mọc de ra sông và gặp Thủy Tiên cùng đám bạn trai của cô, trong đó có thằng Hùng Mập tôi ghét cay ghét đắng. Nó cũng ghét tôi nữa và được dịp là tìm cách làm thân với Thủy Tiên. Nó đang ngồi vắt vẻo trên một nhánh gừa thè lưỡi ra với tôi :

- Ê, thằng bị đòn !

Thủy Tiên ngồi ở một nhánh gừa kế đó, cũng nói hùa theo :

- Bị đòn thật đáng, ai biểu chơi trò tầm bậy.

Tôi tức điên người, thách thằng Hùng Mập :

- Mày "chơi" với tao không ?

- "Chơi" gì ?

Tôi chỉ hai nhánh gừa de song song ra mặt sông nói :

- Tao với mày leo ra đó, coi thằng nào leo xa hơn.

- Được thôi.

Thằng Hùng Mập to xù vậy mà leo trèo nhanh nhẹn lạ thường, tôi leo tới đâu nó leo theo ra tới đó, không chịu thua một bước. Tôi nóng cả mặt, đã vậy Thủy Tiên còn khuyến khích nó :

- Leo ra nữa đi anh Hùng.

Tôi tức mình leo rướn ra và "rắc", nhánh gừa ngã gục, tôi té đùng xuống nước.

Nước chảy xiết, tôi cố lắm mới lội tấp được vào bờ. Thủy Tiên đang đứng đợi tôi ở đó. Tôi lóp ngóp bò lên, người ướt sũng, lạnh run, nhưng nhìn lên mặt Thủy Tiên tôi còn hoảng sợ hơn. Mặt cô ta lạnh băng khiến tôi nhớ tới chiếc ghế trét mủ mít và cảnh chú Cung ngồi khóc trong bụi tầm vông, tôi cảm thấy có cái gì đổ vỡ trong lòng. Tôi không dám nhìn Thủy Tiên nữa, cũng không biết làm gì, hết cởi áo ra vắt rồi lại bận vào. Thủy Tiên cũng quay ngó nhìn ra chỗ khác. Không biết tình trạng như vậy sẽ kéo dài tới bao lâu nếu sau đó không có chú Cung đi tới.

Để chuộc lại lỗi của tôi, má tôi đã kêu chú vào nhà cho hai đòn bánh tét, giờ đây chú vắt hai đòn bánh tét trên vai đi ra, vẫn với dáng đi lầm lũi, tất bật. Chợt nhìn thấy chúng tôi, chú đứng lại một lúc ngẫm nghĩ rồi ra vẻ như đã hiểu mọi chuyện , chú đặt hai đòn bánh tét xuống xăng xái đi lại chỗ hàng cần câu đang nằm chỏng chơ dưới mép nước, không quan tâm gì tới chúng tôi, làm bộ như say mê chuyện câu tép này lắm, chú Cung huơ tìm cái rổ, ngó kỹ hàng câu, dốc hết tâm trí vào việc dò tìm trên mặt nước dấu hiệu con tép đang ăn mồi. Rồi chú xúc một cái, một con tép bạc nhảy loi xoi trong rổ. Chú lại xúc một cái nữa, reo lên mừng rỡ, hí hửng bỏ hết con tép này tới con tép kia vào giỏ. Tôi tò mò bước lại coi chú xúc tép, Thủy Tiên cũng bước lại theo. Hai chúng tôi đứng sát vào nhau. Chú ngẩng nhìn hai chúng tôi, cười rạng rỡ, ra dấu, chỉ chỏ, nhường chiếc rổ cho tôi và chiếc giỏ cho Thủy Tiên bước ra sau tiếp tục chỉ cho chúng tôi cách xúc tép. Chúng tôi xúc tép theo cách bày của chú, cảm thấy vui vì được nhiều tép hơn và vì chúng tôi làm hòa với nhau, cho đến lúc quay ra sau không còn thấy chú đâu nữa.

Sau lần đó tôi lên tỉnh học, rồi lên Sài Gòn, tôi không còn gặp lại chú Cung nữa. Rồi tôi đi kháng chiến, suốt những năm ở trong rừng, tôi vẫn nhớ về chú Cung, và hình ảnh chú cứ ẩn hiện giữa những giọt nước mắt và nụ cười của Thủy Tiên.

Sau ngày giải phóng, trong những lần về thăm nhà có một lần, tôi gặp lại chú Cung. Chú đã già lắm rồi, tóc bạc trắng, dáng đi càng còng hơn, đi đứng không còn nhanh nhẹn và cũng không còn đủ sức gánh nước nữa. Tuy vậy chú vẫn nhớ ngày nhà tôi có đám giỗ mà đến. Dì Hai tôi mời chú lên ngồi nhà trên, suốt buổi chú cứ lặng lẽ, không nói gì nhưng cứ đảo mắt nhìn hết mọi người, lắng nghe hết mọi câu chuyện. Thủy Tiên dắt con bơi xuồng qua thăm tôi, tôi nhắc lại chuyện cũ, chú Cung tỏ vẻ không nhớ ra, còn Thủy Tiên thì mắc cỡ quay mặt đi.

Nhân lúc hai đứa con của Thủy Tiên ra chơi ngoài sân, tôi hỏi nhỏ Thủy Tiên :

- Nếu bữa hôm đó chú Cung không trở lại Thủy Tiên giận tôi luôn phải không ?

Thủy Tiên lắc đầu nói giọng buồn buồn :

- Không biết, không biết nữa... Chuyện lâu quá rồi mà!...

Tôi bơi xuồng đưa mẹ con Thủy Tiên qua sông. Cây dừa quì không còn nữa nhưng dòng sông thì vẫn chảy như ngày nào.

12 - 1990

 

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.