Nhà văn TchyA
Chân Dung Kẻ Sĩ: TchyA là bút danh của nhà văn Đái Đức Tuấn (1908-1969). Tác phẩm của ông chủ yếu là truyện ngắn, tiểu thuyết ma quái kinh dị. Văn nghiệp của TchyA gắn liền với tờ Phổ thông bán nguyệt san - Nhà xuất bản Tân Dân của ông Vũ Đình Long. TchyA là nhà văn đã từng có một thời gian dài bị quên lãng. Mãi cho đến năm 2015, cuốn Ai hát giữa rừng Khuya, một trong những tác phẩm hay nhất của ông mới quay trở lại với độc giả. Truyện Thần Hổ dưới đây, cũng là một trong những truyện xuất sắc nhất của TchyA.
CHƯƠNG 1
N
Người ấy không phải là một người Mường. Nhưng họ hàng anh ta di cư lên ở huyện Thạch Thành đã khá lâu, nên dần dà, chịu ảnh hưởng của thuỷ thổ, của hoàn cảnh, của phong tục, người ấy cũng hoá ra Mường.
Tên anh ta là Lầm Khẳng. Đèo Lầm Khẳng.
Cả biết trước kia, ông tằng tổ khảo anh ta họ gì - xem trong gia phả nhà Lầm Khẳng chỉ thấy chép dòng họ anh ta vốn nòi người "dưới chợ", - song vì đâu Lầm Khẳng mang một tính danh Mường, cái đó anh ta không rõ. Có kẻ bảo - kẻ ấy là ông nội Khẳng: họ Đèo xưa kia là họ Trịnh, - một chi nhánh họ Trịnh, - sau khi nhà Trịnh bị nạn diệt vong là chú Trịnh Khải cắt cổ tự tận, sợ quân Tây Sơn lùng bắt nên vội vã chạy vào Thanh Hoá, lên ẩn nấp trên miền thượng du, và đổi tên họ để khỏi lo hậu hoạn. Đấy chỉ là một lời phỏng đoán, song lời phỏng đoán đó có nhiều lẽ khiến ta phải tin là đúng sự thực. Sở dĩ gia phả họ Đèo không chép dòng họ đó là dòng quý phái, là họ Trịnh cải đi, bởi lẽ những tổ tiên Lầm Khẳng sợ có kẻ thù theo đuổi nã tróc, không dám lộ chân tính, phải giữ bí mật hòng bảo tồn lấy dòng giống sau này.
Từ năm sáu đời nay, họ Đèo an cư lập nghiệp trên một chiếc đồi con, thuộc về huyện Thạch Thành. Chỗ đó phần nhiều là rừng núi, ít người kinh thành đến ngụ, chỉ có toàn dân Mường sinh hoạt mà thôi. Đáng lẽ Lầm Khẳng cũng theo ý chí tổ tiên, không bao giờ rời bỏ nơi đã chôn rau cho chàng, nhưng chàng hiện nay đương bị một kẻ thù độc ác dữ dội theo đuổi, chàng không thể yên thân được nữa, bất đắc dĩ phải bỏ làng lên tỉnh thành nương náu ngõ hầu tránh sự hiểm nghèo.
Nếu kẻ thù của Khẳng là người, thì chàng đã không sợ lắm, sức chàng khỏe mạnh và chàng lại thông minh, tự lượng có thể đối chọi với đồng loại được. Tiếc thay kẻ thù của chàng không phải là người, nó là một con vật, một con vật đã thành tinh, mà dân huyện Thạch Thành kinh sợ như một vị thiên thần tái thế. Không nhà nào không đặt hương án thờ con hổ đó: người Mường nào cũng tin rằng hễ thờ nó, nó sẽ không làm hại đến và sẽ phù hộ cho làm ăn, cày cấy, được phát đạt dễ dàng. Mỗi năm bốn kỳ, họ mua trâu, dê, bò, lợn đem vào rừng cúng tế, rồi trói những con vật sống, bỏ nơi sườn núi vắng cho con hổ kia đến tha về tổ ăn dần. Tín ngưỡng của dân Mường, tuy vô lý, nhưng dựa vào kinh nghiệm: họ xét rằng, năm nào, vì sao nhãng, dân làng không cúng vái hoặc mua lễ vật biếu Thần hổ, năm ấy tự nhiên mất mùa và hay có thiên tai. Bởi lẽ đó họ thờ phụng con hổ sống kia như thờ một vị Thành hoàng, tuyệt nhiên không ai dám cả gan ngạo mạn hay láo xược với nó.
Họ tin rằng những con cọp thường là những vật "thiên lý nhĩ", nghe được ngàn dặm, ai nói gì động tới chúng nó, chúng nó đều biết cả. Nhưng trời lại phú cho cái tật hay quên, hễ đụng tai vào một cành cây, vào một chùm lá, là quên bẵng hết, không nhớ gì nữa. Duy có Thần hổ thì không thế.
Thần hổ hiểu hết, nghe hết, biết hết.
Ai nói gì động đến nó, nó báo thù ngay. Láo xược vừa vừa, thì nó bắt một con lợn hay một con bò cho biết tay; chửi rủa hay khinh nhờn nó quá, nó sẽ rình chờ, rồi cắn chết. Nó là một con hổ xám, da không vàng như da các con hổ khác. Nó lại to hơn các vật đồng loại, mình nó thì vằn trắng và đen. Trên trán có lượt bờm lông trắng xoá; hai mắt sáng quắc như điện, vuốt dài và rất nhọn, tiếng kêu lại lanh lảnh như chuông, không trầm trầm và vẩn đục như các hổ vàng. Đồn rằng tai nó thường hay vểnh lên lắng nghe thiên hạ bàn tán về nó: trong lỗ tai nó có hơn trăm vết đỏ, chứng rằng nó đã ăn thịt hơn một trăm người. Phàm già trong loài hổ, tục truyền rằng mỗi lần bắt được một người, trong tai lại có thêm một vết đỏ; con nào bình sinh gồm đủ trăm vết, thì sẽ được thành tinh, và nếu có phúc phận, sẽ sống lâu đến vài trăm tuổi. Từ sắc vàng, hổ yêu sẽ thay lông ra sắc xám, khi nào sắc lông trắng toát, ấy là lúc được làm chúa các loài hổ trong rừng.
Lầm Khẳng, không may, là một kẻ thù của thần hổ xám. Vì thế, chàng không dám ở lại Thạch Thành nữa, phải bỏ quê hương đi trốn nạn ở phương xa. Mối thù của Lầm Khẳng đối với hổ xám, cũng như mối thù của quái vật ấy đối với chàng, là một mối tử thù, một mối thù "bất cộng đái thiên". Nguyên nhân mối thù đó rất lạ lùng bí hiểm.
Con hổ xám kia ngày nay bị chột mất một mắt, và - xin lỗi các bạn độc giả - bị cụt mất đương vật. Sở dĩ nó hoá ra tàn tạ, cũng bởi tổ phụ Lầm Khẳng, một nhà thiện xạ giỏi săn bắn, đã làm cho nó trải qua một phen "thập tử nhất sinh". Câu chuyện này kể ra rất dị kỳ, mà cũng tức cười vỡ bụng. Nguyên quan huyện sở tại cùng phu nhân là một đôi vợ chồng mộ đạo, hay đi lễ bái ở các đền chùa. Gần huyện Thạch Thành có Phố Cát là chỗ thờ tự rất thiêng, mà phong cảnh lại ngoạn mục. Nhưng đường đi sang Phố Cát rất gập ghềnh, hiểm trở, thuở xưa đường chưa mở rộng cho xe cộ và ô tô qua lại, nên đường bộ phải đi ngựa, đi cáng và đường thuỷ phải đi thuyền. Một lần cùng phu nhân tới Phố Cát, quan huyện bị một phen kinh hồn táng đởm, vì giữa đường,, cách ngài cùng cáng phu nhân đó hơn mười bước, một ông "ba mươi" ngồi chễm chệ vẫy đuôi chơi. Con hổ ấy lại rất lớn, da nó nửa vàng, nửa xám trông rất đẹp, nó ngồi trên một chiếc cầu nhỏ bắc ngang qua suối, quay lưng lại phía quan quân. Quan huyện lúc bấy giờ luống cuống không biết làm thế nào. May sao có một tên lính lệ can đảm, bảo phu đỗ lại rồi vội chạy vào bụi chặt một cây vầu dài và lớn, vạt cho hết lá và cành nhỏ, dùng cây vầu ấy làm một ngọn roi quất vào đít hổ. Đánh đuổi hổ như thế là một sự rất nguy hiểm, vì lỡ ra, nếu hổ ngoái đầu lại trông thấy người, tất điên tiết xông vào vồ, thì có kẻ thiệt mạng. Vì thế quan huyện bèn nghĩ ra một chước lạ; ngài cho hai tên lính khiêng trống cái đứng lên mé trên (quan đi đến đâu vẫn thường có tiền hô hậu ủng), rồi một tên nữa cầm dùi trống đợi sẵn. Xong đâu đấy, kẻ cầm cây vâu và roi rón rén lại sau lưng hổ. Còn cách độ năm sáu thước tây nữa, kẻ ấy giơ thẳng tay giáng vào lưng mãnh thú một roi. Liền lúc ấy, ba tiếng trống kinh thiên động địa làm cho hổ phải giật mình kinh khủng, không có thì giờ quay đầu trông lại, chỉ kịp nhảy chồm lên rồi cúp đuôi chạy thẳng vào rừng.
Thế là quan huyện thoát nạn. Nhưng cách đấy mấy tháng sau, ngài một mình cưỡi ngựa sang Phố Cát, đến gần chỗ đầu cầu, lại vẫn gặp con hổ cũ ngồi chắn ngang đường, trên dòng suối. Ngựa thấy hổ cuống lên rúc đầu vào bụi, chân sau cứ đá ngược lên, suýt nữa làm ngã quan huyện. Lần này quan đi không có nhiều lính theo sau hộ vệ, không có chiêng trống như mọi khi, nên bất đắc dĩ quan phải quay ngựa, rồi phi nước đại, trở về. Quan gặp phải hai lần sợ hãi nên rất lấy làm tức bực; không những tức, còn sợ thay cho tính mệnh nhân dân. Ngài bèn đem chuyện ấy kể lại cho một ông bạn thân của ngài, nhà thiện xạ Đèo Văn Bỉnh.
Ông Bỉnh vốn là một nhà hào phú trong huyện. Vừa có óc thông minh lỗi lạc, ông vừa có sức khỏe hơn người, và, thêm nữa, ông thạo đủ các món võ nghệ, lại lành nghề săn bắn những ác thú trong rừng. Nghe quan huyện phàn nàn về nỗi hổ hay chặn đường lên Phố Cát, ông Bỉnh tình nguyện làm mất hẳn sự nhũng nhiễu ấy đi. Rồi ông cáo từ lui ra.
Về nhà, trước tiên ông cho gia nhân đi dò xem con hổ kia hay đến ngồi trên cầu vào khoảng giờ nào, và nó đến đấy để làm gì. Nửa tháng sau, tên đầy tớ về báo rằng con mãnh thú ngày nào cũng đến ngồi trên dòng suối, ngoảnh đầu về phía núi trước mặt, từ cuối giờ Mùi đến quá giờ Dậu. Nó đến đấy, cốt để rình một đàn sơn dương ẩn nấp trên đỉnh núi, thường hay lởn vởn xuống chân núi kiếm ăn và xuống suối uống nước lúc mặt trời sắp lặn.
Biết rõ ràng như thế, ông Bỉnh bèn nai nịt gọn gàng, vác súng đi sang Phố Cát.
Gần đến chỗ hổ phục, ông lên một gò đất cao, ẩn mình trong bụi rậm, ngồi rình. Quả nhiên đến cuối giờ Mùi, con hổ từ từ tiến lại bờ khe, bước lên cầu, ngồi chễm chệ nhìn lên sườn núi. Ông Bỉnh ngồi cách con ác thú ấy chừng non hai mươi thước tây, nó không trông thấy ông, vì nó nhìn về phương Bắc còn ông nấp ở phương Tây. Nếu ông bắn, hòn đạn sẽ trúng nó dễ dàng, nhưng chỉ xuyên vào mang tai, vào cạnh sườn hay mạng mỡ. Khẩu súng hoả mai ông đeo trên vai không phải là súng tốt, bắn đến ba mồi chưa chắc đã giết được con hổ nếu những viên đạn không trúng vào các chỗ hiểm trên đầu. Có bắn cũng chỉ tổ làm cho con vật hăng tiết, nhảy xổ lại chỗ ông ngồi để cấu xé ông. Chỗ ấy không có cây to, chỉ toàn những đám sậy thấp. Thế đất đã không được lợi, mà loài hổ kia lại một con thú to lớn, mạnh mẽ vô cùng. So với các hổ thường, nó phải liệt vào hàng chúa tể, vì thân hình nó trông lực lưỡng và béo tốt hơn đồng loại của nó nhiều. Đến lông lá nó cũng khác. Nó tất phải là một con hổ đã già, đã lão luyện, bởi lẽ lông nó gần xám cả, không vàng như lông các hổ thường. Suy đi tính lại, ông Bỉnh không dám hạ thủ ngay, ông đi bắn đã sành nên biết rằng đối với một con cọp gần thành tinh (như con cọp ông định giết), ông phải cẩn thận lắm, phải dùng mưu kế và thủ đoạn mới có thể mong toàn thắng được. Kẻo nếu lỡ tay, đã không hại được nó, mà chỉ tổ làm cho nó thù ông, tìm cách hại ông và họ hàng nhà ông nữa. Như những người Mường khác, ông Bỉnh tin rằng giống cọp thiêng lắm; nó cũng như voi, như rắn, biết nhận được kẻ hại mình, rồi đối với kẻ ấy, hoài bão một mối thù rất sâu xa và tàn ác, thế nào cũng tìm cách hoặc tìm dịp báo thù cho kỳ được mới nghe. Bởi thế ai lỡ phạm đến oai hổ - nhất là Thần hổ xám vừa linh, vừa lắm mánh khoé hại người - ắt sẽ bị con ác thú ấy thù rất sâu, và làm cho phải chịu nhiều nỗi thương đau điêu đứng.
CHƯƠNG 2
N
Nghĩ vậy, không dám đánh bạo hấp tấp, ông Bỉnh đành nén giận, lủi thủi vác súng trở về. Về đến nhà, ba ngày ba đêm, ông mất ăn mất ngủ; không phút nào ông không nghĩ kế trừ mối hại cho dân hàng hạt được bình yên. Mãi đến ngày thứ tư, một buổi sáng sau khi ngắm nghía hết sức kỹ càng địa thế của trường đấu chiến, sau khi đứng trên bờ suối nhìn kỹ tấm cầu tre đến hơn mười lượt, ông Bỉnh mới vỗ trán một cách sung sướng và đắc chí: ông đã tìm ra một kế tuyệt diệu, phi thường.
Vội về nhà, ông cho gọi con trai lớn của ông là Đèo Thắng Mãnh, một trang thiếu niên khôi ngô tuấn tú, lực lưỡng và đỏ xạm như đồng đen. Ông Bỉnh thì thầm vào tai con mấy câu: cậu cả Mãnh nghe xong thì phớn phở ra đi, vừa đi vừa cười tủm tỉm. Ông Bỉnh lại gọi đứa con rốt của ông - ông vốn chỉ có hai con trai, không có con gái - là Đèo Lầm Phá, cũng to lớn lực lưỡng như anh, năm ấy mới hai mươi mốt tuổi. Ông dặn Phá vài lời quan trọng, thấy Phá cũng hớn hở ra đi. Xong đâu đấy, ông thay quần áo, mặc một bộ y phục màu lam, bó chẽn lấy thân thể; ông lại vào lục dưới đáy hòm bục (tức là cái giường vừa dùng làm rương để đồ đạc ) lấy ra ba con mã tấu ngắn, đem mài sáng quắc, rồi ông quấn một vòng khăn đầu rìu, thắt một chiếc dây lưng màu đỏ sặc sỡ, xỏ chân vào một đôi giày Tàu tết bằng cỏ, ông lại lấy ra một chai nước gì không hiểu, đổ nước vào bát, xoa hai ba lần vào bàn tay, cánh tay, cổ tay và xoa lên mặt. Sắm sửa cẩn thận xong xuôi, ông Bỉnh rút trên liếp một cái tù và bằng sừng trâu, thổi lên một tiếng to, rồi buộc tù và bên cạnh sườn. Tức thì ở dưới nhà chạy vội lên một người ăn mặc một cách lạ lùng vô kể. Người ấy trông như một hình nhân bằng rơm hay bằng cỏ, như một thứ bồ nhìn to lớn hơn người thường, và cử động rất lanh lẹn. Người đó toàn thân mặc một thứ quần áo kỳ dị, làm bằng thừng cói, từng vòng tròn một xếp lên nhau.. Ta cứ tưởng tượng thằng người "Michelin" (1) mặc áo làm bằng bánh ô tô ta sẽ trông rõ rệt hình ảnh của người bồ nhìn kỳ dị đó, nếu ta đem thay những bánh cao su tròn bằng những vòng thừng hoặc chão. Người ấy chỉ để lộ ra ngoài có đầu, hai tay và hai chân. Cứ như lời thuật lại của Lầm Khẳng sau này, thì người đó trong có mặc một lượt quần áo bông chẽn nữa, hoá nên to lớn trông như con bò mộng. Trên đầu, hắn ta bịt một vành khăn vải rất dày, che kín cả tai cả cổ, chỉ để lòi ra bộ mặt đen sạm, nhưng hồng hào, cương quyết vô cùng. Chân hắn ta cũng đi một đôi hài cỏ như đôi hài của ông Bỉnh. Cũng như ông Bỉnh, hắn thắt ngang lưng một chiếc thắt lưng sặc sỡ; buộc vào chiếc dây lưng đó, mé bên phải, một cuộn mây rất dẻo và trông vẻ rất bền. Nếu ta không trông thấy hai con mắt tinh anh, rất sáng, và có cái mồm rất duyên, để lộ hàm răng trắng nuột, thì ta không thể đoán biết người vạm vỡ ăn mặc kỳ lạ đó là ai. Nhưng lúc nhìn kỹ, nhận thấy nét mặt rắn rỏi, nước da trơn bóng và vẻ thông minh, sắc sảo từ trong đồng tử chiếu ra, ta biết ngay người đó là Đèo Thắng Mãnh.
Tiếng tù và thổi lên vừa dứt, Mãnh ở dưới nhà nhô lên, cùng ông Bỉnh đi ra ngõ. Duy có Lầm Phá thì không trông thấy tăm hơi đâu cả. Hai cha con Thắng Mãnh cùng lên ngựa đi về mé Phố Cát. Lúc ấy độ hai giờ chiều. Gần đến chiến địa, tức là chỗ cọp hay xuống, đến một quãng đường quặt trên sườn núi, hai cha con nhìn thấy một con dê bị buộc mõm treo trên cành cây cao, một quả gấc sắp chín, cũng buộc lủng lẳng vào cành cây ấy, và trên thân cây, một cái búa sắt cắm sâu vào gỗ. Tức thì, cả hai cùng xuống ngựa, đem ngựa giấu trong một cái hang gần đó, buộc vào chỗ kín; rồi ông Bỉnh treo lên cây bắt con dê xuống, mang nó sang phía bên kia cầu, buộc chân nó vào một cái cọc cắm sát mặt đất, làm hình như nó bị vướng chân ở đó, lại mở dây trói mõm ra, thả cho nó kêu "be be" inh ỏi. Công việc vừa xong, ông Bỉnh vội lủi vào trong bụi ngồi nấp. Thắng Mãnh theo cha, cũng nấp ở gần đó độ vài thước.
Đợi ngót nửa trống canh, vào khoảng giữa giờ Thân, một tiếng gầm inh ỏi, trong lanh lảnh như tiếng khánh, làm tạo hoá phải giật mình kinh hãi. Những loài chim chóc, đương ríu rít kiếm ăn, rào rào vỗ cánh bay đi chỗ khác, những loài chồn, loài thỏ vội chui rúc vào lỗ, không dám lộ đầu ra ngoài. Con nào vô phúc chạy bị vấp, thì đành chổng ngược bốn vó lên trời, kinh khủng đến cực điểm, không lê đi được bước nào nữa, cứ đành run lẩy bẩy mà liều với số mệnh.
Một mùi hôi thối nồng nàn, sặc sụa, xông lên mũi hai cha con họ Đèo, tựa hồ tất cả gầm không khí bao bọc khu rừng toàn bị mùi hổ làm cho nhơ nhớp. Một cái bóng lù lù tự phía Đông Nam đi lại, ở trong một bãi sậy nhô ra. Cái bóng ấy vươn mình mấy lượt; mỗi một lượt vươn tấm hình hài vừa dài vừa to lớn, là một lần cúi gầm mặt xuống đất, ngáp một cái dài. Rồi những tiếng "à uôm" vang trời nối theo những cái ngáp dài ấy. hai cha con Thắng Mãnh nhận biết Thần hổ xám, con hổ đã làm cho cả huyện Thạch Thành kinh sợ hơn sợ Thánh, sợ Trời. Con vật đã làm cho nhân dân huyện ấy không lúc nào làm ăn mà không nơm nớp lo ngại. Hai cha con lại hiểu rằng tục truyền không phải toàn những lời sai ngoa vô bằng cứ. Phàm trong loài cọp, hông con nào lúc ngáp dám ngửa mặt lên trời. Bởi lẽ mồm cọp rất hôi; tung hơi bẩn lên mặt Thượng đế là một sự tối vô lễ; những con mãnh thú trước kia làm vô ý như thế, đều bị Thiên lôi dùng lưỡi tầm sét đánh cho tan nát hình hài. Cho nên ngày nay, những con mãnh thú ấy, - nhất là hổ - rất sợ sấm sét, và không khi nào dám ngạo mạn tuôn ám khí lên mây nữa.
Nhưng đó là một phương diện khác. Lúc hai cha con họ Đèo thấy hổ xám tiến lại, cả hai cùng nép mình yên lặng, thu hết can đảm và nghị lực, ngồi chờ. Hổ từ từ vừa vươn vai vừa đi lại phía Bắc, nghĩa là lại mé đầu cầu. Bên kia cầu, trước mặt hổ, là một rừng cây rậm rạp mọc ven sườn núi, chỗ ẩn thân của hai cha con nhà thiện xạ. Gần đến cầu, hổ đứng dừng lại như bị một mãnh lực gì ngăn cản. Mãnh lực ấy là sự sung sướng bắt được mồi, nó cũng là sự ngạc nhiên. Vì ngay trước cầu, dưới mắt hổ, một con dê rừng con, kinh khủng, đương nhảy cuống cuồng nhưng không thể làm sao giật đứt được sợi dây trói buộc chân vào cọc. Nhảy lồng mãi vẫn vô hiệu, tiểu sơn dương đành phủ phục chịu số mệnh trước mặt chúa sơn lâm, hai mắt như van lơn, mồm tuôn đầy bọt dãi, trông rất thương hại. Hổ đứng yên hồi lâu, nhìn ngang ngửa như e ngại có kẻ lừa dối mình, rồi chú ý trông thẳng vào miếng quà ngon quý. Miếng quà ấy, chịu không nổi mãnh lực thôi miên của đôi đồng tử sáng ngời điện tuyến, mầm nhũn ra như một cái xác không xương. Hổ bèn tiến lại gần, giơ chân trước vả cho một cái, ngửi một lúc, rồi định tha mồi quay trở vào bụi, ngồi thong thả gặm từng tí một cho hả cơn thèm thịt nõn nà. Nhưng, vả chết mồ thì dễ, tha nó đi lại hơi khó một chút.
Bởi lẽ con dê kia bị vướng dây buộc chắc chắn chân sau vào cọc đóng sâu xuống đất đế non ba bốn gang tay. Hổ đành phải cắn chân dê cho gãy, bỏ chân vướng lại ngõ hầu ngoạm xác mang đi. Đương cặm cụi làm nốt việc cuối cùng ấy để được hưởng giờ khoái lạc thì, bỗng đâu, một vật gì rất kỳ dị tự trong bụi nhảy xổ ra, bước qua cầu, vứt vào mặt hổ một miếng quái gì không rõ, tròn như quả bóng màu xanh xanh đỏ đỏ, hay hay. Hổ giật mình, nhả mồi lùi lại phía sau, đứng giương mắt thôi miên vật ấy. Vật ấy như không sợ đôi mắt long lanh của hổ, cứ sấn lại, nhặt lấy xác dê. Hổ vừa điên tiết, vừa tức nỗi bị tranh mất mồi, nhảy chồm lên, xông lại vồ con vật bất nhã ấy. Lạ quá nhảy lại đến gần nó, thì con vật đó lại nhào đi, tránh né rất tài tình. Trông cái thân hình múp míp và tròn trùng trục như cối xay kia, ai bảo con vật quái dị đó lại nhanh đến thế! Nó cứ thoăn thoắt nhảy đi, nhảy lại làm cho hổ càng ngày càng nóng máu, điên cuồng. Hổ hết vồ lại đứng nhìn, hết nhìn lại vồ, nhưng không tài nào cướp được mồ và vả chết được cừu địch. Tranh đấu như thế được ít lâu: sang giờ Dậu thì hổ như hơi chán hơi mệt, bởi lẽ những cái vồ, những cái chồm nặng nề, cố sức của mình đều vô công hiệu cả. Sau cùng, đắn đo lừa miếng mãi, hổ mới nhảy bắt được con vật ăn cắp dê. Con vật đó tựa như bằng lòng để hổ vồ mình; nó cúi đầu chạy tuột vào bụng hổ, cho hổ ngồi đè lên nó gọn thon lỏn.
Con vật ấy là Đèo Thắng Mãnh, người mặc áo kết bằng chão đó.
Thắng Mãnh vừa lừa dịp chui vào ngồi chồm hỗm dưới bụng hổ, trong bụi lại thấy nhảy vút ra một người ăn mặc gọn gàng, thắt dây lưng đỏ choé. Người ấy là ông Bỉnh. Cọp chưa có thì giờ cúi xuống cắn xé Mãnh, thì ông bố mãnh đã nhảy vọt qua cầu, sang tới trước mặt nó. Ra đến ngoài, ông dùng ba con mã tấu sáng quắc, cứ vờn đi vờn lại trước mặt hổ, bắt hổ phải kinh ngạc, sợ hãi nhìn những khí giới sáng loé ấy. Quả nhiên, hổ không dám cúi đầu xuống thật; muốn cúi xuống lại sợ trong khi vô ý, kẻ múa đao kia thừa cơ đâm một mũi mã tấu vào mặt mình. Vì thế, chúa sơn lâm cứ phải đờ mắt chăm chú nhìn ông Bỉnh giữ thế thủ, không dám khai thế công. Trong khi ấy, Mãnh, mặc áo nịt kỹ càng, không sợ gì răng nhọn và vuốt sắc nữa, cứ việc ngồi điềm nhiên thu mình dưới bụng hổ. Đáng lẽ, nhân khi hổ mải nhìn ông Bỉnh, Mãnh phải thừa cơ mở cuộn dây trong người ra buộc lấy hai chân sau loài ác thú. Nhưng Mãnh mặc áo quần nhiều quá đến nỗi người to như cối xay, ngồi trong lòng hổ không tài nào cử động được. Biết việc buộc chân làm không nổi, Mãnh sẽ dịch một chút lên phía trước cố ý làm cho hổ thấy mình cựa. Hổ tuy thấy động nhưng cũng không dám cúi nhìn, lại phải nhổm đít lê lên một tí, nhốt chặt Mãnh vào khoảng giữa bốn chân mình, không cho Mãnh trốn thoát. Ông Bình hiểu ý, vừa múa đao, vừa lùi về mé cầu một bước, Mãnh lại làm ra bộ muốn trốn, tiến lên một vài tấc. Hổ lại xê lên một chút để giữ lấy mồi. Ông Bỉnh cũng lùi lại phía sau một bước nữa. Dần dà cứ thế mãi, cả ba, độ một giờ sau, cùng ở trên mặt cầu. Hổ đến ngồi chỗ vẫn thường ngồi mà không biết. Lúc hổ đã tới chỗ ấy, thì Mãnh chịu khó ngồi yên, không cựa nữa mà ông Bỉnh cũng không lùi nữa. Chỗ hổ ngồi là một lớp sàn, làm bằng tre hoặc luồng, chắp lại như một cái bè dài, dùng làm cầu bắc ngang qua khe suối. Thế tất những quãng giữa hai cây tre chắp lại là một khe hổng dài làm cho ta đứng trên cầu, có thể trông suốt được xuống đến mặt suối. Những đường kẻ ấy, có chỗ bề rộng đến hơn một tấc ta. Chỗ Thần hổ ngồi, có một đường hở to như thế. Hai cha con Mãnh cố ý làm cho hổ ngồi đúng giữa đường hở ấy, Mãnh lại khôn khéo cố lết mãi lên gần hai chân trước của hổ, ép mình sát vào hai chân ấy, chỉ cốt để mé dưới bụng hổ được thành thơi. Mãnh làm như thế, không phải không có ý định. Nguyên xưa nay Thần hổ xám vẫn có một nết rất xấu, là mỗi lần đến ngồi trên cầu tre, thì thường hay ngồi vào chỗ có kẽ hổng, rồi thả dương vật vào cái khe hổng ấy, cọ đi cọ lại cho đỡ ngứa, tự lấy thế làm khoái lạc vô cùng. Đó là một thói thường của hổ, tỷ như thói gãi tai của loài chó, hoặc thói gãi bẹn của giống hầu. Biết được thóp ấy, ông Bỉnh cốt lừa hổ đến ngồi ở chỗ cũ, để bắt nó thế nào cũng phải chết sau khi chịu một phen cực khổ ê chề.
Ông Bỉnh thản nhiên dùng ba con mã tấu liệng lên, tung xuống chập chờn vờn múa trước mặt chúa sơn lâm. Trong khi ấy con trai lớn của ông, Đèo Thắng Mãnh, ngồi thu hình nép vào hai chân trước của hổ. Không mất một phút nào vô ích, khi Mãnh đã biết rõ hổ ngồi đúng giữa kẽ hổng, hắn vội vàng tháo cuộn song trong người, buộc một đầu rõ chặt vào dây lưng mình rồi đo đắn tử tế, lại buộc nốt đầu kia vào một cây luồng lớn giữa sàn cầu. Hắn tính trước: nếu nghiêng mình nhảy xuống khe, tất sẽ ở lưng chừng khe, không sợ đập đầu vào đá. Từ mặt cầu xuống đến khe có hơn hai mươi thước ta ( nghĩa là tám thước tây ) mà khoảng song chỉ có độ già mười thước. Mãnh buộc cẩn thận đâu đấy xong xuôi cả, lại ngồi yên độ một khắc cỏn con. Rồi bỗng hắn nhét hai ngón tay vào mồm, huýt một tiếng còi lanh lảnh. Tiếng còi ấy vừa phát ra, một cảnh kinh hồn táng đởm bỗng theo tiếng còi, hiển hiện trên mặt cầu.
Thần hổ đương ngồi giương mắt, chăm chú thôi miên ông Bỉnh, nghe tiếng còi tự nhiên hoảng hốt, nhảy chồm lên phía trước, tưởng chừng muốn xông vào ông Bỉnh, xé tan ông ra muôn mảnh bằng những vuốt nhọn hoắt và những răng nanh nhe ra một cách gớm ghê. Hổ bắn lên đằng trước mạnh như một quả núi con văng lại, nhanh như một mũi tên bay. Sức mạnh của sự văng mình ấy rất lớn, đà cũng rất khỏe, khiến cho những vật cản đường hổ, không vật nào không phải tan tành. Nếu ông Bỉnh vô phúc đụng phải động lực hăng hái ấy, ông tất không tài gì tránh được nạn ngã vào sườn núi đến nỗi dập óc tan xương. Nhưng, tuy đã già, ông là một người rất lanh lẹn. Không những ông tránh khỏi hổ vồ trúng, ông lại còn đủ can đảm và dũng cảm, đứng cách sự chết chỉ có độ hơn mười bước, ngắm đúng mặt hổ phóng cả ba thanh mã tấu, xong đâu đấy mới chịu nép mình nằm rạp xuống, lộn năm sáu vòng cho xa tầm nanh vuốt của loài ác thú. Ba con dao ông bay lại đều răm rắp như ba mũi tiêu thép, ta chỉ thấy sáng loang loáng, xoang xoảng, trong khi nghe hổ gầm lên một tiếng đau đớn vang trời. Những việc này tuần tự xảy ra chỉ có trong nửa khắc cỏn con, lấy mắt nhìn không trông thấy rõ hết được. Chỉ vụt như một luồng chớp sự vật đã thay cả.
Tiếng còi của Thắng Mãnh vừa thoát, hổ gầm lên dữ dội; nhảy vút lên cao, chụp vào đầu ông Bỉnh. Sáng loáng ba mũi dao. Ông Bỉnh ngã xuống đất lộn mấy vòng. Hổ bay đi, dao bay lại.
Loảng xoảng. Âââ... uôômm. Máu trong mình hổ vọt ra, đỏ ngầu, tia xuống đất. Ngoảnh đầu lại Thắng Mãnh đã ở lưng chừng khe thẳm, bám vào sợi song lủng la lủng lẳng, hai chân lõng thõng giữa trời. Nhìn lên cao, ông Bỉnh đã ngồi chồm chỗm trên một cành cây chót vót từ lúc nào không rõ. Con hổ vồ hụt tức tối lắm, lại gầm lên một tiếng nữa. Nó quay lại nhìn về phía cầu, định chồm lại trả thù ngay cho hả cơn nóng tiết. Nhưng nó không thấy ai cả. Mình nó lúc bấy giờ đẫm máu, trông rất ghê sợ. Dưới bụng nó một vũng đỏ ngầu thay hẳn sắc lông trắng; trên mặt nó vấy đầy những giọt máu tươi. Giữa con mắt bên trái loài ác thú, một con mã tấu vẫn còn cắm chặt vào xương vào thịt. Máu ròng ròng chảy xuống như những dòng huyết lệ. Mồm hổ cũng phun ra dãi đỏ, y chừng nó bị mấy mũi dao làm cho sứt mũi, rụng răng. Nhất là bụng nó trông rất đáng thương; dưới bụng, như tưới cỏ xanh, một tia máu phọt ra không ngớt. Đau đớn quá, tức giận quá, con vật thét lên những tiếng kinh thiên động địa, gầm lên, lồng lên, quay ngang nhảy ngửa đến chín mười vòng để tìm người hại nó, cắn xé cho kỳ tan xác. Nhưng nó không làm gì được. Nó đành đứng trên bờ suối giương con mắt còn sót lại nhìn ông Bỉnh trên cây và Thắng Mãnh giữa khe một cách oán hờn, dữ tợn; nó chiếu thẳng vào hai cha con nhà thiện xạ những tia sáng quắc, đầy ý tưởng căm tức, tưởng chừng nó nguyền rủa hai cha con nhà ấy, và thề có trời đất chứng giám, thế nào nó cũng quyết chí báo thù rất độc ác sâu xa.
Nhưng bị thương như thế, chửa chắc nó còn sống sót! Nó nhảy chồm lên hồi lâu cho hả giận; rồi, biết lúc này lực cùng thế kém, sau khi gầm lên một tiếng cuối cùng rất thê thảm, đau đớn, nó đi thẳng tuột vào rừng.
Ông Bỉnh khi ấy chưa dám xuống vội; ông còn ngồi trên cây một lúc rõ lâu nữa, chờ cho con mãnh thú đi thật xa, trốn biệt tích, bấy giờ ông mới nhìn trước nhìn sau cẩn thận tụt từ trên cây xuống, lại giữa cầu kéo dây song đem Thắng Mãnh lên. Ông vừa đem được con trai lớn lên mặt cầu, thì một bàn tay đen thui thủi, tựa như làm bằng bùn, nhô lên cào chân ông. Điềm tĩnh như không, ông Bỉnh cúi xuống, lấy tay nắm chặt cổ tay bùn ấy, kéo lên cầu một con quái vật trông kỳ dị lạ lùng. Con quái vật ấy không phải ai xa lạ cả, nó tức là Lầm Phá, nhưng một Lầm Phá trát bùn từ đầu đến chân, lại cầm trong tay tả một con dao găm sáng loáng và rớm máu. Thì ra anh chàng con út ấy phải nằm phục dưới cầu, dùng dây buộc mình vào thân cầu, nằm dài theo chiều cầu và áp mặt vào phía dưới sàn. Anh ta phải tắm bùn cho hổ không thấy hơi người nữa, rồi cứ nằm ngửa sát mũi vào những cây luồng, hé mắt qua khe hổng để nhìn lên trên cầu. Đợi khi Thắng Mãnh dử hổ lại giữa khe hổng và buộc xong đâu đấy phân minh, Lầm Phá mới dùng lưỡi dao găm đâm nhè nhẹ vào tay anh, ra hiệu. Khi Mãnh huýt còi cho hổ phải bàng hoàng kinh ngạc, thì Phá đưa lưỡi dao găm cho ngọt, dùng thân luồng làm thớt, cắt mất của ông chúa sơn lâm cái quý vật rơi lòng thòng xuống khe cầu.
Thế là hổ đau quá, nhảy chồm lên; ông Bỉnh chỉ việc phóng dao cho đúng rồi chạy trốn. Công việc hoàn thành đâu đấy, ba cha con vội vã ra về. Cả ba cùng không dám chậm trễ, chạy tuột một mạch vào động lấy ngựa, rồi ra roi phi nước đại, không dám ngoái cổ lại nhìn. Vì lúc đó, một tiếng "ââ uôôm" long trời làm vang động cả một khu rừng núi.
Về đến nhà, ba cha con cùng nhau vui vẻ bàn bạc, đinh ninh rằng loài ác thú kia, bị những vết tử thương như vậy, thì khó lòng sống được ba ngày. Rồi ông Bỉnh vui vẻ vào báo tin mừng cho quan huyện biết.
CHƯƠNG 3
C
Cách đấy non một năm, nhờ ơn cha con ông Bỉnh trừ hại cho dân, quả nhiên huyện Thạch Thành không bị hổ thần làm náo loạn nữa. Thổ dân làm ăn được yên dạ, vui vẻ chắc mẩm rằng con yêu tinh kia đã bỏ thân trong khe hiểm, vực sâu nào đó. Chỉ có một điều đáng nghi ngại là, từ khi con hổ bị một phen đau đớn, tuy nó biệt tích, nhưng không nhà đi săn nào tìm thấy xác chết nó ở đâu. Có lẽ nó chạy sang một quả núi khác ở tận vùng xa để chết.
Sự làm ăn của gia đình họ Đèo, sau khi đánh hổ, vẫn được vui vẻ, cường thịnh mãi đến ngày, không hiểu vì sao, Đèo Thắng Mãnh đi ăn giỗ ở một làng bên cạnh, đi đến quá ba ngày đêm mà vẫn không thấy trở về. Ông Bỉnh sốt ruột sai đầy tớ phi ngựa đi tìm, thì khi quay về, tên đầy tớ bảo rằng chủ nhà làm giỗ nói Đèo tiên sinh về cách đây đã được ba hôm. Hôm ăn giỗ, sau khi cơm nước xong, đến xâm xẩm tối, Mãnh cáo từ về ngay, không nán lại một phút nào cả. Thế thì Mãnh vì sao mà biệt tích? Đi du lịch chăng? Lên tỉnh chăng? Xưa nay Mãnh đi đâu cũng đều về xin phép cha mẹ hẳn hoi, hoặc báo tin cho nhà biết. Lạ thật! hay là hắn bị ám sát? Không có lẽ, vì Mãnh có thù hiềm ai và có ghen tỵ, tranh cạnh cùng ai bao giờ? Có khi Mãnh mê cô nàng nào mà phút chốc bỏ nhà, bỏ cửa? Cái đó lại càng vô lý nữa. Vì, xưa nay, Mãnh là người rất có giáo dục. Từ thuở nhỏ, Mãnh vẫn được học, vẫn được cha dạy cho thế nào là luân lý, cương thường, bình sinh hắn đối với đàn bà, dẫu đối với những cô nàng tuyệt sắc, cũng không khi nào có cử chỉ ra ngoài quy củ. Không lẽ nhất đán, hắn nỡ bỏ cha, bỏ vợ, bỏ con và em đi theo một ả nhân tình? Vậy thì có lẽ hắn bị ám sát thật! Song lẽ, bên nhà người mời ăn giỗ, khách khứa đều là bạn tốt, có ai nỡ lòng giết Mãnh, mà có giết thì để làm gì? Lạ... lạ quá.
Ông Bỉnh cho người đi tìm con khắp bốn phía. Sau ba ngày tìm kiếm, Lầm Phá thấy xác anh nằm trong khe đá, bên cạnh một dòng suối nhỏ, thân thể bị nát bét, ruồi bọ bâu đầy, mùi hôi thối xông lên sặc sụa, ngạt mũi. Khi khám tử thi, Phá rất lấy làm kinh ngạc.
Áo Mãnh vẫn còn lành lặn y nguyên, không rách. Chỉ có quần thì bị cắn nát, tơi tả ra từng mảnh, để lộ nửa người dưới ra ngoài. Nhờ sự rách quần ấy, Phá nhận rõ thấy anh mình bị một loài gì cắn mất hạ bộ. Và không những thế, sau khi vạch làn tóc rối loà xoà phủ kín mặt người chết, Phá lại nhận thấy Mãnh bị mất con mắt bên trái, ai đem móc ra và vứt đi tự bao giờ. Phá đau lòng quá, quỳ xuống thấy anh khóc sướt mướt, rồi không quản hôi thối, cõng anh lên vai chạy một mạch về nhà.
Ông Bỉnh trông thấy xác con, vừa đau đớn vừa lo sợ. Lo sợ, vì ông suy nghĩ, biết ngay Thắng Mãnh thiệt thân không phải tại bị người ám sát, mà chính là bị Thần hổ xám cắn tha đi. Thật là ông vô phúc! Lần này thế nào ông cũng bị vạ diệt môn! Ông Bỉnh cuống cuồng lo ngại quá.
Ông Bỉnh thật là người thông minh, nhanh trí. Ông đoán không sai chút nào. Quả nhiên, con ác thú gần thành tinh kia chưa chết. Nó tuy bị một phen đau đớn cực điểm - mù một mắt, gãy hai ba cái răng, cụt mất dương vật và sứt mất mũi, - song nó khỏe lắm, nó chống cự rất hăng hái với tử thần, với thương tích, nó chạy vào một khe núi sâu thẳm nằm dưỡng bệnh, nó cố bám lấy sự sống. Sau khi lăn lộn mãi trong một thời gian thập tử nhất sinh, nó thoát nạn, thương tích của nó dần dần vá lại, nó đoạt được số phận gần nghiêng ngửa, lung lay. Nó sống. Nó sống là nhờ lòng tận tụy, nghĩa thuỷ chung của một con hổ cái, vợ nó, ngày ngày hết sức rình mồi, săn các dã thú để nuôi nấng nó và hơn nữa, đi lùng trong rừng những thứ lá thuốc đem về cho nó ăn rồi đắp vào những vết thương cho nó. Người ta bảo giống vật không có trí khôn, nhưng mà thực quả trời - đấng hoá công tối thiêng liêng kia - đã phú cho mỗi loài một thứ khí giới riêng để bảo tồn nòi giống. Mỗi một con vật - không ai bảo mà biết - lại có riêng một thứ lá để dùng những khi có tật bệnh. Những thứ lá ấy toàn là vị thuốc rất nghiệm, rất hay. Người Mường tò mò đi theo vết chân khỉ đi hái thuốc, có tìm được một vài thứ lá ấy. Vì thế nên khoa thuốc Mường có nhiều môn bí hiểm nhưng rất tài tình.
Nói tóm lại, con mãnh hổ xám kia nhờ được "hiền thê" nó săn sóc cho khỏi chết. Cũng là bởi số nó chưa đến ngày đoạn tuyệt, hoá nên quỷ thần xui khiến vợ nó không thè lưỡi liếm vào những vết thương của nó, nếu không tất nó bị gai lưỡi làm cho thối da thối thịt mà thiệt thân, không tài gì cứu chữa được nữa. Con hổ xám phải nằm dưỡng bệnh trong hang mất hơn năm tháng. Qua khỏi cơn hoạn nạn, nó lại khỏe mạnh như thường, nhưng nó đâm ra tàn ác không biết thế nào mà kể. Trong lòng nó đeo sẵn một mối thù rất lớn với loài người, mối thù ấy chưa trả được nên tính khí nó sinh ra hung hăng nóng nảy. Vả lại, nay nó đã hoá nên một con vật tàn tật, sống không có sinh thú nữa; bản năng của nó không được trăm phần thoả mãn; khiến vì thế nó thay đổi hẳn cách ăn ở, sinh ra khó tính, dữ dội, ác nghiệt, hơn xưa nhiều. Thậm chí, vợ nó, nó cũng cấu xé, cắn rứt, đánh cho một trận nên thân rồi bỏ hẳn, không nghĩ đến ân tình cũ và tấm lòng hy sinh đáng quý của con vợ ấy trong khi nó còn bị điêu đứng khổ sở suýt nữa phải đi đời. Nó không nghĩ gì cả, nó quên hết, bây giờ nó dã man, bội bạc đến cực điểm rồi. Thì nào có sự gì lạ! Nó là một con vật còn sống, còn khỏe mạnh, nhưng đối với con cái, nó vô dụng đứt đi rồi. Nó không thể vừa lòng vợ nó được nữa, bởi lẽ nó không đủ tư cách làm cho vợ nó được thoả nguyện bản năng. Thế tất con hổ cái phải đi lùng đực để bù vào chỗ khuyết điểm trong đời. Thần hổ xám biết mười mươi mình là phế vật, nhưng cũng vẫn ghen, vẫn tức, vẫn không bằng lòng cho vợ có ngoại tình. Gia dĩ tính nó đã đổi khác hẳn sau trận đòn thập tử nhất sinh; nó không nể nang vợ gì nữa, chỉ nghe tiếng gọi của sự tức giận, ghen ghét, nó nhảy chồm lên đánh đuổi nhân tình vợ nó, và, sau khi con vật kia trốn chạy, nó quay vào xông vồ lấy vợ, rồi nào vả, nào cấu, nào xé, nào cắn, tưng bừng túi bụi, đến nỗi vợ nó hoảng kinh phải cúp đuôi chạy thẳng, không dám cả gan quay lại nhìn chồng.
--------------------------------
1 Hình người quảng cáo của hãng cao su Pháp Michelin
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com