chan_dung-ke_si

THA THỨ - Truyện ngắn hay

14-07-2023

Lượt xem 559

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  truyện ngắn hay Trần Diệu Linh

THA THỨ - Truyện ngắn hay

 Tranh của Nguyễn Đức Dụ

Nước mưa vẫn ào ạt chảy trên máng xối vào cái thùng phuy phía đầu hồi, Trang nghiêng người, chong mắt nhìn ra đường qua chiếc cửa sổ con tí xíu trổ trên tường. Qua màn mưa mờ mịt, cái bóng đèn đường hắt vào chị một vầng sáng nhạt nhòa hơn thường ngày. Mọi đêm, Trang vẫn thường đọc sách dưới cái ánh sáng "chùa" này chừng nửa tiếng trước khi ngủ. Nhưng đêm nay thì không. Chị không thể ngủ được dù cái kim ngắn trên chiếc đồng hồ treo tường đã nhích đến số mười hai và những tiếng lao xao của đám người tan xuất chiếu cuối ở rạp đã tắt từ lâu. Bỗng chị thèm ngắm anh đến lạ lùng. Trang trở mình, quay nhìn chồng và giật mình khi bắt gặp đôi mắt anh đang mở to.

- Em sao vậy? Có chuyện gì thế?

Vội vàng co lút cổ vào đám chăn gối, Trang cố nặn ra một câu trả lời:

- Đèn hôm nay sáng hơn mọi khi thì phải. Sáng quá, em không ngủ được.

Rồi nhận ra sau câu trả lời của mình, cái ánh nhìn dò hỏi kia lại càng bừng lên, chị cố ngáp thật to và nhắm mắt lại. Người chồng vòng tay ôm lấy vợ, trong đầu vẫn còn đôi chút ngạc nhiên nhưng cơn buồn ngủ đã xua nó đi thật nhanh và chỉ năm phút sau, tiếng ngáy của anh đã vang đều trên căn gác nhỏ.

Bình minh thuần khiết trào qua những giò lan không bao giờ trổ hoa ập vào đôi mắt của người đàn bà. Cùng với nó là những tiếng chim loét choẹt vọng sang từ những dãy lồng chim treo đầy ban công những nhà gần đấy.

- Một buổi sáng đầy phong lan và tiếng chim. Trang giật mình quay ra. Anh đã dậy từ lúc nào, nhẹ nhàng tới sau lưng chị và giờ đây đang nhìn chị bằng ánh mắt đêm qua.

- Thế mà anh không biết là em cũng thích ngắm lan và nghe chim hót. Tiếc là chúng không thể có hoa.

- Như ngày xưa của anh, phải không?

Trang bật hỏi, không nhận ra nổi giọng mình. Người chồng bật cười. Anh hơi ngạc nhiên song đã từ lâu, anh vẫn coi chị như một đứa trẻ cần được chiều chuộng. Sự nhường nhịn ấy có thể được giải thích bởi sự cách biệt tuổi tác khá lớn giữa họ, nó khiến cho quan hệ của cặp vợ chồng này có cái gì đó giống như mối quan hệ cha con hay chí ít cũng là anh cả - em út. Vì vậy, vẻ gây gổ trong câu hỏi vừa rồi của chị cũng không làm anh bực mình. Ngược lại là khác. Anh ngắm nghía chị với vẻ thú vị ra mặt và điều này, rút cục, làm chị nổi cáu. Sập mạnh cánh cửa sau lưng, chị lại lao lên giường và thiếu chút nữa thì oà khóc. Cứ như thể anh muốn giễu cợt chị và thay vì kể với chị về lá thư ấy, như họ vẫn làm trong bao nhiêu năm trời nay, anh lại giấu biệt nó đi và để mặc kệ chị với nỗi tò mò muôn thuở của phụ nữ. Nếu những dòng chữ trên phong bì không đẹp mềm mại đến thế thì có lẽ Trang sẽ không băn khoăn về nó nhiều như vậy. Nhưng điều khiến chị lo lắng hơn nữa là vẻ vui buồn bất chợt của anh kể từ khi đọc những gì trong đó. Chưa bao giờ chị thấy anh ở trong trạng thái bồn chồn đến thế, hình như anh có một việc quan trọng cần phải quyết định mà lại e dè, hoặc giả anh có một điều bí ẩn kinh khủng thèm được thổ lộ mà lại không đủ gan. Dù gì thì gì, linh tính phụ nữ báo cho Trang biết rằng Hải của chị đang có chuyện. Nếu anh không muốn nói trước, thì tự chị, chị sẽ tìm ra sự thật.

Khi Hải trở về từ bệnh viện vào lúc sáu giờ chiều, anh thấy hai chiếc túi du lịch đặt gọn gẽ cạnh nhau trên sàn nhà, bên chân bàn nước; lá thư bí mật nằm phấp phới dưới chiếc tách trà màu xanh nhạt yêu thích của Trang. Bần thần ngồi xuống ghế, Hải cầm lá thư lên, đọc lại một lần nữa những dòng chữ anh đã thuộc lòng. Khi ngẩng lên, anh bắt gặp đôi mắt Trang đang chăm chú nhìn mình. Bước lại gần anh, chị thì thầm lời xin lỗi:

- Đáng ra em không nên làm thế. Nhưng em chỉ muốn giúp anh đưa ra quyết định. Nếu anh đồng ý, em sẽ đi cùng anh.

Nắm chặt bàn tay lạnh ngắt của Hải, Trang tự hỏi phải chăng mình đã làm đúng điều cần làm? Yêu anh, chị đã chấp nhận biết bao phiền toái không nhỏ của vợ một người nặng lòng quá mức với quá khứ. Anh không tiếc công tiếc của để giúp cho những người đồng đội cũ đã đành, mà cả chị nữa, chị nghĩ mình sẽ bớt yêu anh nhiều lắm nếu anh không hành động như vậy. Nhưng đây là lần đầu tiên chị chủ động bước vào thế giới ấy của anh, đúng vào trường hợp mà chính anh tỏ ra ngần ngại. Có một điều gì đó mách bảo chị rằng anh muốn làm điều này vô cùng mà không đủ can đảm. Chị đã tin là mình làm đúng mặc dù đến khi ngồi bên anh trên chiếc xe đang lướt êm trên đường cao tốc, chị lại không hiểu tại sao mình lại quyết định đi cùng anh và liệu làm thế này có nên không. Và cũng vậy, đến tận lúc này, chị vẫn chưa hết bối rối. Ngôi nhà thờ họ cũ kỹ âm u như trong Liêu trai và người đàn bà đứng tuổi mà vẫn đẹp óng ả kia thật giống như một ả hồ ly tinh hiện hình. Một thoáng bối rối ban đầu đã qua mau và họ nói chuyện với nhau như những người thân thiết. Trang kinh ngạc nhận ra giọng nói của người ấy thuần khiết Hà Nội. Một phụ nữ Hà Nội chuẩn ở giữa một vùng quê cách Hà Nội ngót ngàn cây số, đó không phải là điều đáng ngạc nhiên hay sao. Bắt gặp vẻ ngạc nhiên trong mắt Trang, người đàn bà kín đáo mỉm cười. Dầm tay trong chậu nước giếng mát lạnh, Trang để mặc trí tưởng tượng lôi kéo mình đi ngược lại tuổi trẻ của người ấy, nơi chẳng biết đã có chuyện gì xảy ra giữa họ: Hải và Bích.

Bữa cơm tối trôi qua trong một bầu không khí thân mật và vui vẻ nếu không kể đến vẻ bồn chồn của Hải. Dường như anh đang chờ đợi một điều gì đó.

*          *          *

Đêm cuối tháng mịt mù, khu vườn trước nhà chìm trong bóng tối. Im lặng ngự trị cả vùng quê. Không có gì ngoài tiếng cây xì xào trong gió. Ngay cả lũ ve cũng đã tắt tiếng sau một ngày khản giọng hòa ca. Bâng quơ, người đàn bà thả một tiếng thở dài vào im lặng. Có vẻ như sẽ không gì khuấy động sự yên tĩnh kỳ diệu này nếu từ phía cổng tre không vang lên những tiếng lốc cốc tựa tiếng mõ trâu và chỉ ít phút sau, từ bóng đêm, hiện ra một con người kỳ dị với bộ râu tóc rậm rạp bao quanh một khuôn mặt nhăn nhó đễ sợ cùng đôi mắt hấp háy trẻ trung như bị đặt nhầm chỗ. Người đàn ông này chống một chiếc nạng gỗ sần sùi, chính nó là nguyên nhân của những tiếng lộc cộc kể trên.

- Anh Bình! - Người đàn bà reo lên với vẻ vui mừng vô hạn. - Làm sao anh tới được đây, tối tăm thế này mà chân tay thế kia. Ôi em mừng quá. Anh vào đây. Cả vợ chồng Hải cũng đang ở đây. Anh đi bằng gì...

Người đàn ông mới tới giơ cao chiếc nạng lên, phác một cử chỉ cắt dứt dòng lũ hỏi han của Bích. ông ta nghiêm mặt, làm bộ tức giận:

- Dù có phải đi bộ cả đêm thì tôi cũng phải tới. Cô coi tôi là loại người gì? Thằng Hải đâu, gọi nó ra đây!

Hải bước ra. Anh im lặng đứng trước người đàn ông đáng sợ. Ông ta cũng im lặng nhìn anh, một cái nhìn săm soi khó chịu. Họ nhìn thẳng vào mắt nhau một lúc lâu, rồi bất ngờ, người đàn ông cất liếng cười ha hả.

- Được lắm! Mày dám nhìn thẳng vào mắt tao nghĩa là mày đã sống có ích những tháng ngày vừa qua. Lại đây!

Ông ta quẳng chiếc nạng sang một bên và dang rộng hai tay. Hải bước nhanh đến, anh ôm chầm lấy ông và khi anh quay ra, Trang thấy mắt anh nhòe lệ. Thoáng qua khóe mắt chị thấy người đàn bà đưa tay gạt nước mắt. Bất giác, một nỗi xúc động sâu sắc trào đến Trang. Người đàn ông tên Bình lại gần Trang, đưa tay ra cho chị. Chính vào giây phút nắm vào bàn tay chai sần ấy, Trang bỗng thấy như mình đã quen biết con người này từ lâu lắm rồi, như thể bao lâu nay chị vẫn mong ngóng đến giây phút gặp gỡ này đây. Nặng nhọc ngồi xuống ghế, ông hỏi ngay về công việc ngày mai.

- Cháu Nam sẽ đưa hài cốt anh ấy về, chắc là vào khoảng năm giờ sáng. Mọi thứ em đã chuẩn bị đủ cả.

- Họ hàng cậu ấy còn ai không?

- Không còn ai cả. Sẽ chỉ có em và cháu Nam để trở thôi.

Ông Bình gõ gõ lên mặt bàn, chậm rãi nói:

- Cô cho tôi một cái khăn. Tôi là anh em của cậu ấy, tôi cũng có quyền trở.

- Dạ...

Tiếng dạ mênh mang của người đàn bà khiến Trang nao lòng. Chị tự hỏi tại sao anh vẫn im lặng. Tại sao anh không đề nghị được để tang. Nếu đó là một người thân thiết với anh đủ để anh vút bỏ mọi việc để về đây dự lễ nhận hài cốt thì lẽ ra anh nên làm vậy mới phải; nhất là khi người ấy chẳng còn họ hàng thân thiết nào. Mang trong lòng những thắc mắc không dễ hỏi, Trang thao thức trằn trọc đến tận hai giờ sáng và rốt cuộc, chị quyết định trở dậy. Sẽ sàng để khỏi làm người đàn bà thức giấc, Trang xuống giường, rón rén đi ra phía gian chính và giật mình khi nhận ra Hải đang ngồi im như tượng trong ánh đèn dầu lờ mờ hắt xuống từ ban thờ. Môi anh mấp máy, có lẽ anh đang nói chuyện một mình.

Trang lặng người. Chị hiểu ra những âu lo vô cớ của mình mấy ngày qua là có lý. Nửa muốn chạy đến ôm chặt lấy anh, nửa muốn tránh mặt, chị đứng phân vân trong vùng tranh tối tranh sáng. Không biết Trang sẽ đứng đó đến bao giờ nếu một tiếng chim lợn không bất thần xẹt qua khu vườn, làm tan đi vẻ vô hồn trong mắt anh và hướng nó về phía góc nhà, nơi chị đang đứng trong dáng vẻ mờ ảo của một ru hồn.

- Bích à? Có phải Bích không?

- Em đây - Trang trả lời, chậm rãi tiến về phía chồng với dáng cứng nhắc gượng gạo - Sao anh chưa nghỉ?

- Trang à - Giọng anh mừng rỡ - Sao em cũng không ngủ?

- Em không ngủ được. Ta ra ngoài đi.

Hải nhẹ nhàng đứng dậy, nắm lấy tay chị. Họ cùng ngồi xuống bậu cửa gỗ trông ra màn đêm mịt mù. Những tấm phướn ngoài vườn bay phần phật trong gió, nhác trông như những bóng người đang nhảy múa cuồng loạn trong tấm vải liệm. Bất ngờ với cả chính mình, chị hỏi:

- Anh yêu chị ấy phải không?

Anh im lặng, xiết chặt tay chị đến đau tức.

- Anh đã từng yêu cô ấy.

- Đáng ra anh phải nói với em - Chị rút tay về - Em có quyền được biết chứ!

- Anh biết. Nhưng anh sợ. Đây là một câu chuyện xấu hổ.

Trang bất lực tìm kiếm trong bóng tối những biểu hiện của khuôn mặt anh, phải chăng người đàn ông chị yêu đã thốt ra điều đó.

- Xấu hổ? Vì đã yêu ư?

- Không, không phải vì đã yêu. Tình yêu không bao giờ là đáng xấu hổ. Chỉ có điều.

Anh lại im lặng, đầu gục xuống, đôi tay trống trải xòe ra rồi bất ngờ bóp chặt lại, những ngón tay trắng nhợt ngọ nguậy trong một cơn giận dữ cố kìm nén. Trang thoáng hoảng hốt, nhưng rồi chị nén mình lại, và cũng như anh, chị im lặng. Chị đợi.

*          *          *

Đó là một mùa hè kinh khủng, kinh khủng ở khắp chốn, ở chiến trường ác liệt đã đành, nhưng cả ở đây nữa, trạm quân y tuyến giữa của Hải. Tất cả những gì xảy ra xung quanh, bom đạn, thiếu thốn, cái nóng như nướng người cùng mùi hôi thối của những vết thương đang lở loét từng ngày do thiếu thuốc men cùng phương tiện cứu chữa của hàng chục con người ngổn ngang quanh trạm phẫu dã chiến chỉ rộng vài trăm mét vuông này làm Hải như muốn phát điên. Anh chưa từng chuẩn bị tinh thần để gặp những tình huống này dù rằng tự anh, chứ không phải ai khác, đã cứa con dao mổ sắc lém vào tay để lấy máu viết đơn xin vào chiến trường.

Hai từ "tuyến lửa" ngày ấy vang lên trong đầu Hải, chàng sinh viên y khoa, chỉ đơn thuần như một thứ mỹ từ mà anh đã mường tượng ra cái khung cảnh đẹp như mơ của rừng già Trường Sơn, nơi anh sẽ lập rất nhiều kỳ tích, cứu sống được không biết bao nhiêu con người và trở thành anh hùng trong mắt của bao cô thanh niên xung phong xinh đẹp. Và hãy để con người đẹp nhất trong số các cô gái quanh đấy phải nhìn nhận anh đúng với những gì anh có - dũng cảm, tài năng và cao thượng - chứ không phải là một anh chàng thư sinh non nớt và yếu đuối. Dù gì thì ý nghĩ này cũng an ủi được Hải đôi chút trong những phút ngã lòng và làm anh bớt áy náy khi nghĩ đến vẻ mặt rạng rỡ tự hào của cha khi ông nghe tin anh xung phong ra trận. Ông đã cúi gầm mặt mấy năm trời, không dám nhìn mặt họ mạc xóm giềng kể từ khi Sơn, anh trai Hải, không hiểu vì cớ gì được miễn gọi nhập ngũ với một lý do không ai tin nổi - bệnh tim. Nói không ai tin nổi là vì Sơn to khỏe như một con gấu. Mùa đông anh ta vẫn đứng bên cái bể nước chung của cả khu tập thể dội nước tắm ầm ầm, làm bắn lung tóe lên các bà già đang ngồi nhặt rau vo gạo quanh đấy, mồm huýt sáo vang lừng. Người ta nói rằng tờ chứng nhận bệnh tim đó là do ông Liên, giám đốc một bệnh viện lớn nhất nhì Hà Nội, đồng thời là cha của người yêu Sơn, cấp cho. Đó là họ nói ra nói vào như thế, còn trong nhà Hải không một ai nhắc tới điều này, kể cả cha anh. Ông thuộc típ người yếu đuối và sợ sệt con cái như nô lệ sợ ông chủ. Một năm sau khi Hải vào mặt trận, ông chết trong một đợt ném bom của Mỹ, ngay bên bức tường Đại sứ quán Pháp, nơi ông vẫn ưa đi dạo ngày ngày với một sự an tâm rất trẻ thơ rằng đấy thực sự là nơi an toàn nhất giữa cái thành phố lỗ chỗ bom đạn này. Hải không bao giờ tìm thấy mộ ông, nó đã thất lạc sau bao lần vật đổi sao dời và cả bởi sự vô tâm đến vô hình của Sơn. Ông Liên đã chết, chết trong cô đơn và ân hận, như Hải đã được biết qua những người hàng xóm của ông.

Suốt cái đêm kinh khủng ấy, Hải giấu mình trong bóng tối, má vẫn nguyên cảm giác bỏng rát sau cái tát của Bình, tim nhức nhối một cảm giác nhục nhã đến nỗi chỉ muốn chết đi, tan biến hẳn đi để không bao giờ còn phải nhìn vào mặt bất kỳ ai nữa. Bích đã trở về từ xẩm tối, đi lướt qua lều anh như một bóng ma, khuôn mặt bệch bạc màu xác chết. Trong ánh sáng hoe hoắt cuối ngày, Hải vẫn kịp nhận thấy bàn tay cô nhuộm một màu đỏ bầm của máu và đất. Vậy là anh hiểu. Chằm chằm nhìn vào khẩu súng lục từ nãy vẫn nắm chặt trong bàn tay ướt nhoét mồ hôi, Hải nghĩ về sự giải thoát sẽ đến chỉ sau một động tác đơn giản và gọn ghẽ. Chỉ một cái gập của ngón tay trỏ, thế là sẽ không còn ân hận, giằn vặt, không còn cả Bích, cả Vinh nào ám ảnh nổi anh nữa. Chẳng gì dễ chịu hơn thế, xin lỗi và vĩnh biệt!

Rất có thể Hải đã làm thế nếu không có một sự tình cờ can thiệp: Chính khi Hải nhắm mắt, há mồm hớp lấy ngụm dưỡng khí cuối cùng, nòng súng lạnh tanh áp sát thái dương thì đồng thời vang lên những tiếng lao xao từ phía con đường mòn, tiếng quẹt diêm và bừng lên trước mắt anh, trong quầng sáng nhỏ nhoi của que diêm là khuôn mặt tái dại của Bích. Không nhìn thấy vẻ giật mình lúng túng của Hải, Bích chỉ nói ngắn gọn "Thương binh" rồi quay lưng bước vội đi. Bao nhiêu năm sau, mỗi khi nhớ tới khoảnh khắc đó, Hải lại tự hỏi không biết cô ấy sẽ làm gì nếu biết anh định tự tử. Anh tin là cô sẽ ngăn anh lại, nhưng không biết điều này có ảnh hưởng gì tới thái độ của cô sau đó không; liệu cô, dù một chút thôi, có tha thứ cho anh không? Hải không thể nào tìm được câu trả lời. Loang loáng trong sân trại, những ánh đèn pin quét nhoang nhoáng trên mặt đất, cùng với nó là những tiếng chân rầm rập đập vào não Hải, nhanh chóng lôi anh ra khỏi cơn u uất. Không có thời gian để nghĩ đến bất cứ điều gì, ngoại trừ những con người ngoài kia đang cần đến anh. Hải lao ra khỏi lều, nhập vào công việc hối hả và tất cả lại lập lại cái guồng quay trước đó, như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Những mệnh lệnh ngắn gọn của anh được thi hành một cách nghiêm chỉnh và chính xác. Không có những cái nhìn giận dữ, những vẻ mặt lạnh lùng khinh miệt. Cuộc chiến của những người áo trắng diễn ra liên tục suốt đêm và khi bình minh ló rạng trên khu rừng nhiệt đới, báo hiệu sự trở lại của mình bằng những giọng chim thánh thót mỗi lúc một mau thì mọi việc cơ bản đã xong. Họ cố thể nghỉ ngơi đôi chút để chuẩn bị cho một ngày làm việc mới. Đây thường là thời khắc kỳ diệu nhất đối với họ, khi được mỉm cười với nhau trong một sự mệt mỏi đầy thỏa mãn của những người tự tin rằng mình đã làm tròn nhiệm vụ. Đôi khi họ đau buồn vì thấy bất lực trước bom đạn và số phận, nhưng chưa bao giờ họ phải xấu hổ. Hải đã từng yêu giây phút ấy, cũng như giờ anh sợ nó. Khi khoác chiếc áo trắng trên người, họ là đồng đội, nhưng khi cởi nó ra, anh trở lại là kẻ tội đồ trong mắt mọi người và chính bản thân. Dù rằng tất cả mọi người, kể cả Bích, đều tin Hải sẽ không khi nào cho phép Vinh lên đường trở về đơn vị vào cái ngày định mệnh ấy nếu anh biết cái gì đang chờ Vinh trên đường, song không vì thế mà anh vô can. Chỉ cần sử dụng một lập luận vô cùng đơn giản rằng Hải, người bác sĩ chính, trực tiếp mổ và theo dõi điều trị cho Vinh, tất nhiên phải nhận thấy rằng Vinh chưa thể đủ sức trở lại chiến đấu, thậm chí là trong vòng một tháng nữa, vậy mà lại ký giấy cho phép xuất viện, đủ cho thấy đây là một hành động thiếu trách nhiệm và vô lương tâm, dù là xét trên phương diện nghề nghiệp hay con người thuần tuý. Cho dù Vinh thoát khỏi quả bom năm tấn ấy thì cũng chẳng ai dám chắc rằng anh sẽ không gục ngã trên đường tìm về đơn vị. Một cái tát của Bình là sự trừng phạt quá nhẹ nhàng cho tội ác đó. Hải mong muốn tự sâu trong thâm tâm rằng Bích hãy trừng phạt anh, thậm chí giết anh cũng được. Hay chí ít, cô hãy gào khóc và rủa xả anh, hãy nhiếc móc và căm thù anh. Tất cả, miễn là đừng đối xử với anh bằng vẻ im lặng khinh bỉ này.

*          *          *

Bích ngồi lặng trong bóng tối, lắng nghe những lời tâm sự của Hải. Chị biết anh đã từng rất ân hận và dày vò, nhưng chị không ngờ rằng anh đã định tự tử. Thật may là điều ấy đã không sảy ra, nếu không, lòng chị làm sao đủ sức chứa thêm một niềm ăn năn nữa. Bích tin mọi việc đã không xảy ra tồi tệ thế nếu trước đó chị chưa tỏ ra thân thiện hơn với Hải. Chính điều ấy đã khiến anh ta bị tức khi Vinh tới. Quả thật, vào đến nơi này, Bích mới hiểu ra rằng Hải khác rất nhiều so với anh trai anh ta, người yêu của chị gái Bích. Nếu Sơn tầm thường, thực dụng và cáo già bao nhiêu thì Hải lại ngây thơ, yếu đuối bấy nhiêu. Bấy nhiêu chưa đủ để Bích yêu anh nhưng cũng đủ để biến sự coi thường trước đây thành một tình bạn chân thành từ phía cô. Còn Hải, chưa bao giờ anh muốn coi Bích là bạn. Bích hiểu rõ điều đó qua những cái nhìn như có lửa của anh. Chị dám tin rằng chưa bao giờ mình có chủ ý khiến anh hiểu khác đi về mối cảm tình giữa họ, song rừng xanh núi đỏ và nỗi cô đơn vắng vẻ chắc gì đã không khiến chị có đôi ánh mắt khác thường và những nụ cười không kiểm soát. Nếu Hải có nảy sinh lòng ghen tức quá đáng ấy thì lỗi lầm cũng không chỉ thuộc mình anh ta.

Từ ba hôm trước, Vinh đã có vẻ nóng lòng sốt ruột muốn đi. Anh là một chàng trai dũng cảm và rất giàu sĩ diện. Anh không chịu nổi cái ý nghĩ rằng mình sẽ còn phải lay lắt ở đây đến tháng trời nữa trong khi những đồng đội đang xông pha nơi chiến trường. Ý nghĩ rằng mình hèn kém và lẩn trốn nhiệm vụ cứ đeo bám anh như đỉa, chỉ trừ những lúc có Bích ở bên. Cứ có người ở ngoài trạm tạt qua là anh cuống quít hỏi xem đơn vị mình đang ở đâu rồi cả đêm ấy lại trằn trọc thở than.

- Anh ấy sinh ra để làm trai thời loạn. Bích nên hiểu cho anh ấy.

Bắt gặp Bích đang giận giữ ngồi vặt cỏ bên suối sau một hồi khóc lóc thuyết phục Vinh, Hải đưa ra một lời khuyên. Lời nói ấy ở miệng người khác thì đã an ủi được cô rồi, đằng này lại là của Hải. Thất kinh nhìn ánh mắt trợn trừng giận dữ của Bích, Hải vội vã rút lui. Ngày hôm sau, lợi dụng lúc Bích vào rừng hái rau, Vinh tìm Hải. Anh đòi ra viện. Nếu Bích ở nhà, nhất định cô sẽ không cho phép và rất có thể, cả anh cũng không muốn ra đi. Đầu tiên Hải kiên quyết phản đối. Anh biết Vinh còn rất yếu chưa thể đủ sức ra viện và anh cũng thừa biết dù anh có từ chối thì Vinh cũng không từ bỏ ý định xin về đơn vị. Viện cớ rằng phải chờ hội ý với bác sĩ Bình, anh yêu cầu Vinh chờ đến ngày mai. Đúng thật, Vinh không phải là người đễ từ bỏ ý định, anh ta bám sát lấy Hải, nì nèo nửa ngày trời. Vinh quá trực tính và phóng khoáng, anh không hề biết về mối quan hệ tế nhị giữa Bích và Hải, càng không biết rằng Hải ghét anh như đào đất bỏ đi, vì vẻ hăng hái đầy nam tính và quyến rũ một cách tự nhiên của Vinh đã khiến Bích phải xiêu lòng. Hải thẳng tay ký cái roẹt vào tờ giấy ra viện. Thế là Vinh khoác ba lô, chào mọi người, hớn hở ra đi. Anh nhờ Hải chuyển lời chào Bích.

- Tôi sẽ viết thư cho cô ấy. Nhờ anh nói hộ Bích hãy chờ tôi?

Nếu lúc ấy Hải có ý định giữ Vinh lại, thì lời nói ấy cũng đã làm nó tan thành mây khói. Mười lăm phút sau Bích về. Cô lao theo Vinh không chậm trễ. Năm phút sau, một tiếng nổ lớn phát ra từ phía con đường, có lẽ một quả bom nổ chậm bị sót đã phát nổ. Đất rung nhẹ dưới chân Hải.

*          *          *

Hải không nghĩ đến chuyện tự sát nữa vì anh hiểu rằng làm việc tốt là cách duy nhất để chuộc tội. Nhưng trong những giờ yên tĩnh, nhìn trộm Bích lặng lẽ như cái bóng qua khe thủng hẹp tí của tấm bạt căng trước cửa lều, Hải lại muốn một phát súng vào đầu. Khoảng hơn nửa tháng sau cái chết của Vinh, Hải tình cờ bắt gặp Bích nôn oẹ sau tảng đá lớn gần con suối cạn. Bằng hiểu biết của một bác sĩ cộng với linh tính của kẻ đang yêu, anh nhận ngay ra sự thật. Từ hôm ấy, anh cố gắng chăm sóc cô một cách thầm lặng, nhưng Bích đã nhận thấy và từ chối những đặc cách anh dành cho với một vẻ kiêu hãnh lạnh lùng.

Trong suốt thời gian ấy, Bình cảnh giác trông chừng Bích. Anh cũng thầm yêu Bích nhưng khác với Hải, anh không nuôi trong lòng mối ghen tuông đối với Vinh - chàng trung đội trưởng may mắn ấy. Kể từ khi nhận ra Bích yêu Vinh, Bình đã chấp nhận trở thành người bạn trung thành của họ. Anh đã cố gắng hết sức để giữ cho mối tình đơn phương ấy mãi ở trong bí mật. Anh không muốn Bích phải áy náy cho mình. Với anh, chỉ cần cô vui vẻ là đủ. Chỉ Hải nhận ra mối tình si ấy và đấy cũng là một lý do khiến anh không ưa anh chàng cục súc và nhiều khi vô cùng lỗ mãng này. Bình không phải là một mẫu người đáng yêu cho bất cứ cô gái nào. Nhưng để bù lại phần chưa hoàn thiện ấy, anh lại là một con người vô cùng trung thực và cao thượng. Không bao giờ anh có thể hiểu nổi tại sao có những kẻ sẵn lòng làm bao điều độc ác đê hèn nhân danh tình yêu. Anh gằn giọng, cười khinh bỉ "Yêu ư? Vì yêu ư?". Cái giọng cười nức nở trong họng của anh vẫn ám ảnh Hải cho mãi đến những năm sau này, khi cánh rừng cháy rụi vì bom napan và khét lẹt mùi thịt cháy đã đi vào dĩ vãng. Thật may là hôm trận bom đổ xuống trạm, Bích đi vắng. Hải đã không biết bao lần thắp hương khấn tạ ông trung đoàn trưởng, người đã khăng khăng kỷ luật Bích bất chấp sự bênh vực của Bình và Hải, người chịu trách nhiệm chính ở trạm. Nếu hôm ấy cô không phải lên trung đoàn làm kiểm điểm thì chắc gì đã còn sống sót và cái mầm sống nhỏ nhoi kia cũng sẽ mất cơ hội hưởng ánh sáng mặt trời. Cầu cho ông yên nghỉ, người trung đoàn trưởng vô cùng nguyên tắc nhưng cũng vô cùng dũng cảm và tài năng ấy. Hai năm sau mùa hè khốn khổ của Hải, ông đã hy sinh trong một trận đánh lớn ở Quảng Trị. Trong tất cả những việc ý nghĩa ông đã làm được trong đời, có bao giờ ông biết được một việc tưởng chừng như rất nhỏ nhưng lại xiết bao vĩ đại - nhờ có ông, một đứa trẻ đã thoát khỏi hàng trăm tấn bom đạn Mỹ.

Phải có một sự thần kỳ can thiệp thì Hải mới có thể sống sót qua trận bom này, khắp người xây xát, phủ đầy bụi, bụi ở cả trong mồm, trong mũi, trong tai, điếc đặc nhưng không có một vết thương nào đáng kể, thậm chí là ở phần mềm. Loạng choạng chui lên từ đống đất cát lỏn nhỏn, giữa những đám lửa ngủn ngút cháy, Hải gào thét gọi tên mọi người. Anh chạy như điên từ đống đá này sang đống đá khác, bới tìm bằng mười đầu ngón tay, nước mắt lã chã tơi hòa lẫn với mồ hôi túa khắp mặt, khắp người. Im lặng ngự trị trong đầu anh, làm trí não tê liệt trong một nỗi sợ hãi không gọi được tên. Không còn gì. Không còn ai. Trong cơn tuyệt vọng, Hải đập đầu vào tảng đá ven suối, không hiểu sao, cũng may mắn như anh, nó chưa bị xé nát thành những mẩu vụn. Qua dòng máu túa đỏ giàn giụa trên mặt, Hải nhận thấy một bàn tay quờ quạng chui lên từ mặt đất, ngay dưới chân anh.

Sáng hôm sau, khi Bích trở'lại, ở chỗ trước kia là trạm quân y tuyến giữa Suối Cam, cô thấy hai người đàn ông đang nằm bất tỉnh bên nhau, giữa đống hoang tàn vẫn đang lên khói nghi ngút.

Một tháng sau, cô cùng Bình được lệnh ra Bắc. Hải ở lại chiến trường. Rất nhiều người lính mãi sau này vẫn nhớ tới một bác sĩ Hải lận tâm và nhiệt tình, người đã cướp lại mạng sống của họ từ tay bom đạn, sốt rét bằng một ý chí ngoan cường và một bàn tay vàng. Tiếc là anh không thích những cô em gái của họ, vì có biết bao người muốn gả em gái cho vị ân nhân cứu mạng này! Phải tới hơn chục năm sau, sự ngây thơ trong sáng và dịu dàng của Trang mới xoa dịu trong anh nỗi day dứt về cái mùa hè ấy. Nhưng anh vẫn chưa bao giờ lấy lại được sự thanh thản. Nó đã nằm lại cùng Vinh trong cây và đất Trường Sơn.

*          *          *

Trang bàng hoàng nhìn ra ngoài xa, trên rặng tre, rạng đông đã đến tự lúc nào trong dải áo lụa hồng và đánh thức lũ gà trống trong xóm dậy khoe giọng râm ran. Làng quê thanh bình và hạnh phúc đến nỗi Trang ngờ rằng câu chuyện vừa rồi chỉ là lời thì thầm của thán mộng. Lẽ nào những con người bình dị này đã phải trải qua những giây phút kinh khủng đến vậy. Lẽ nào anh đã phải sống trong ăn năn bao nhiêu năm qua. Tại sao chị lại không nhận ra, hay chị yêu anh chưa đủ? Cuộc tìm kiếm sự tha thứ của anh bao giờ mới chấm dứt đây, anh đã làm tất cả để chuộc lỗi, đến bao giờ họ mới tha thứ cho anh? Hàng loạt những câu hỏi dồn dập hiện đến, Trang vặn vẹo đôi tay trong tuyệt vọng. Bất chợt chị quay ngoắt đầu lại, nhìn vào trong nhà như tìm kiếm câu trả lời. Trong ánh sáng mờ nhạt của buổi bình minh, Bình và Bích đã đến bên họ tự bao giờ, Bình đang giơ bàn lay sần sùi đặt lên vai Hải.

Trang thấy mình mê đi trong niềm hạnh phúc được tái sinh, khi những con người bình thường mà cao thượng ấy bước ra khu vườn đã tắm mình trong một buổi sớm tinh mơ đẹp nhất trần gian.

Bài liên quan
  • KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ký sự Cao Lạng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được ghi nhận là một trong những tác phẩm dài hơi đầu tiên của nền văn học kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp, đại diện xuất sắc cho thể loại ký sự trong văn học sử Việt Nam thời hiện đại. Tác phẩm như một thiên sử thi, ghi lại những diễn biến lần đầu tiên Quân Đội Nhân Dân Việt Nam tiến công quân xâm lược Pháp, do đích thân Hồ Chủ Tịch ra trận chỉ đạo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đảm nhận trọng trách chỉ huy trưởng chiến dịch. Ký Sự Cao Lạng cùng với một số tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh (giải thưởng diễn ra 5 năm một lần) trong lần đầu tiên giải thưởng này được tổ chức năm 1996.
  • MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mùa Gụ là truyện ngắn trong tập Ngày mai sẽ nắng của nhà văn Trần Tâm, Nxb Kim Đồng in năm 2002.
  • ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chuyện của nhà văn gốc Cà Mau, về miền sông nước...
  • CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    Chuyến xe lửa đêm ra Bắc hôm nay có vẻ hấp tấp vội vàng như người đi trốn nợ. Thỉnh thoảng đầu xe lại thét vội giữa quãng đồng không, xa xa. Nghe như hơi thở của đêm vắng.
  • LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Làn gió chảy qua là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016.
  • THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Tháng Bảy là truyện không ngắn như những truyện ngắn khác mà nhà văn Phan Thị Vàng Anh thường viết, nó dài hơn hẳn. Truyện được viết khi tác giả tham dự chương trình viết văn của Đại học Iowa, Mỹ, đăng trên TTCT năm 1996.
  • HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn quê gốc Chợ Gạo Trần Kim Trắc, còn được biết đến với tên gọi Ông Thiềm Thừ, theo tên một truyện ngắn xuất sắc của ông, là một trong những cây đại thụ của văn chương Nam Bộ. Truyện nào của ông, cũng như gieo những cơn mưa Nam Bộ, thấm đẫm từng trải và bạt ngàn vốn sống lên văn đàn.
  • ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn Đảo của dân ngụ cư của nhà văn Đỗ Phước Tiến in trên báo Văn học và Dư luận năm 1992, ngay lập tức đã gây chú ý  tới đông đảo độc giả yêu mến văn chương. Năm 1994, Đảo của dân ngụ cư đã được dịch sang tiếng Pháp với tựa Terre des éphémères và được lấy làm tên cho một tập truyện xuất bản ở Paris. Truyện cũng được dịch sang tiếng Anh với tựa The Way Station trong tuyển tập Night, Again xuất bản tại New York năm 1996. Đến năm 2016, tại Việt Nam, nó được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên do Hồng Ánh đạo diễn.
  • THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH của Nhà văn Cà Mau Nguyễn Trọng Nghĩa in lần đầu trên báo Tuổi trẻ chủ nhật sau đó in trong tuyển tập Truyện ngắn hay Tuổi Trẻ Chủ Nhật, nhà xuất bản Trẻ 2005.
  • ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Nguyễn Đình Tú đến với văn chương từ cuộc thi Tác Phẩm Tuổi Xanh của Báo Tiền Phong năm 1995, với giải thưởng cho truyện ngắn Niềm vui của một dòng họ. Nhưng phải tới khi đạt giải nhì cuộc thi văn chương của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1999, anh mới chính thức rẽ vào làng văn và trở thành một trong những nhà văn thế hệ 197x viết nhiều và đa dạng thể loại thành công nhất hiện nay.