chan_dung-ke_si

TẬP LÀM NGƯỜI - Truyện ngắn Dương Thanh Tùng

14-07-2023

Lượt xem 984

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  truyện ngắn hay Dương Thanh Tùng

TẬP LÀM NGƯỜI - Truyện ngắn Dương Thanh Tùng

Tôi, kẻ luôn hoài niệm ưu tư về quá khứ, luyến tiếc tất cả những gì đã một thời tồn tại, đã mất đi. Nỗi quay quắt tâm tưởng vô hình biến tôi thành gã cô đơn- cô đơn trong lòng đồng loại, với những người sống và trở thành bạn của những người chết ở thế giới bên kia... dưới ba thước đất.

   Như gã hành khất trên sân ga chìa tay xin mấy cuộc chia ly, tôi có mặt ở nghĩa trang này từ lúc nó chỉ lèo tèo vài ngôi mộ cho đến khi trở thành rừng mộ bạt ngàn. Và, lúc ấy những người sống phải chạy chọt trước cả tuần, cả tháng để mong có được mấy thước đất vừa ý cho người quá cố yên nghỉ. Trong vô số những cuộc chia ly ấy, tôi đã trở thành bạn tri ân của bạn - gã đào huyệt. Nói một cách ví von bóng bẩy thì gã là người bẻ ghi mở lối cho con tàu đưa người ra vào cõi vĩnh hằng.

   Hắn từ đâu đến, không ai biết, vì có ai hỏi han hắn bao giờ. Ngay cả cái tên của hắn cũng chẳng ai hay. Dẫu tôi đã trở thành bạn bè tri ân cũng không biết gọi hắn là gì. Nhậu với nhau vài lần trên cái mả xây tôi tự đặt cho hắn cái tên - thằng Ðịa, vì dù sao hắn cũng là kẻ sống nhờ đất, đào đất mà sống. Cả cái giang sơn nghĩa địa này là của thằng Ðịa, một mình hắn cai quản, không kẻ đào đất nào dám cạnh tranh với hắn. Một ngày hắn đào có tới vài chục cái lỗ huyệt. Ai trả công nhiều ít bao nhiêu hắn cũng lấy, chẳng kêu ca phàn nàn, chẳng cò kè thêm bớt nhưng lấy rồi hắn cất đi đâu chỉ có hắn biết, trời biết. Thằng Ðịa có bộ mặt nhăn nhúm. Trong một lần chếnh choáng, hắn có nhắc đến cái tai nạn nào đó, hình như là cháy nhà. Khi ấy, thằng Ðịa mới chập chững biết đi, không hiểu sao hắn bò ra được từ cái đám cháy rừng rực, vục mặt xuống một vũng bùn cho đến khi người ta tìm đến lôi hắn dậy. Tôi đã cố gắng chắp vá, suy diễn mãi để cuối cùng có thể hiểu được na ná cái tiểu sử của thằng Ðịa là như vậy... Và cũng chỉ có vậy, nó đơn giản như cái thân hình cao nghêu nghêu với đôi tay chân dài quá khổ lêu đêu, những ngón tay to bè cứng như cái móc sắt của hắn. Mới đầu thằng Ðịa đến đây để ăn vét những nải chuối, cái bánh, xôi quả hương hoa của người chết. Rồi người ta thuê hắn đào huyệt, hắn đào thật nhanh vì con người hắn sinh ra để làm mỗi công việc này. Và cũng từ đó, thằng Ðịa chọn hẳn nơi này làm chỗ trú thân. Túp lều của hắn chỉ có mái mà không có phên che - bốn mùa nắng mưa thông thốc, nền lều là một ngôi mả xây lâu ngày được tấm thân trần trụi của hắn chà cho bóng láng. Quanh năm suốt tháng chỉ thấy hắn ở trần: xuống chợ mua rượu hắn ở trần, đứng trước ngôi mộ vừa lấp đất hương khói nghi ngút cũng ở trần - chẳng có thứ quần áo nào thích hợp với hắn bằng cái quần lửng đến đầu gối mà phía trên cạp được ở đâu đó thôi. Thằng Ðịa chẳng bao giờ tắm, ngứa thì chà chà vào thành mả xây, không đào huyệt nữa thì uống rượu, uống xong rồi thì lăn kềnh ra làm một giấc cho đến khi người lay dậy. Rất ít khi thằng Ðịa nấu nướng, trong túp lều của hắn lúc nào cũng đầy rẫy xôi quả, đôi khi còn có hẳn con gà luộc hoặc một cái đầu heo còn nguyên vẹn, tất cả là của người sống cúng cho người chết, mà người chết không ăn thì hắn ăn, thậm chí ăn không hết hắn còn phải đem cho, cho ai thì tôi chịu. Sau này, tôi mới biết rằng thằng Ðịa không cô đơn. Có một người đàn bà thường lui tới ngôi mả xây với hắn, trời đất công bằng đưa thị tới làm bạn tình với hắn, cho hắn được nếm mùi đàn bà. Nhà thị ở cánh đồng dưới kia. Thị cũng ở một mình, để giữ vịt cho cả làng. Và, cả cái làng nổi lềnh bềnh giữa vũng nước trũng quanh năm ấy cũng chẳng ai dám đến gần thị. Thị biết điều đó. Thị không oán trời, trách đất. Nhưng, còn cái chất đàn bà ngày đêm giẫy giụa trong con người thị, tự thị, thị không sao kìm giữ nổi. Ðã bao lần thằng Ðịa lếu đếu xách chai đi mua rượu ngang qua cái chòi vịt của thị. Thị thèm, thèm lắm. Ðể rồi, đến một hôm, lúc trời chạng vạng đỏ ối trên nghĩa địa mênh mông, thị lần mò tìm lên ngôi mả xây... Mới đầu thằng Ðịa còn ngơ ngác nhưng rồi thì hắn hiểu, hiểu tất cả. Hắn ghì lấy thị, đè ngược xuống nền mả xây... Ðêm mênh mang, nghĩa địa cũng mênh mang nhấp nhô như ảo ảnh. Hắn - thằng Ðịa và người đàn bà chăn vịt quấn chặt lấy nhau, quằn quại. Cái miệng toàn răng lởm chởm của hắn cạp lấy cạp để, ngấu nghiến trên thân thể tanh nồng và đang hừng hực lửa tình của người đàn bà chăn vịt... sau cùng, hắn làm thị vừa lòng bằng cách của hắn, như lúc hắn hùng hục đào đất. Thị rên rỉ còn hắn thì sung sướng vô ngần. Hắn và thị, hai con người, hai sinh vật bị chối bỏ gắn vào nhau, hòa quyện với nhau như thể tạo hóa sinh ra là để như thế rồi. Cuộc tình của thằng Ðịa và người đàn bà ấy được cả đất trời, cả vô số những vì sao đêm và hàng vạn ngôi mộ im lìm chứng giám, chẳng cần đến nghi lễ rườm rà. Hắn là của thị và thị là của hắn. Cứ vài ba bữa, người đàn bà lại lên với thằng Ðịa một lần, khi thì xách theo chai rượu, khi thì vài chục trứng vịt luộc sẵn. Thằng Ðịa ăn không hết thì dồn vào góc mả xây để đến ngày hôm sau. Bao giờ cũng vậy, sau một lần tình tự, thằng Ðịa ngồi tu rượu và ngắm nhìn người đàn bà, hắn thấy đời thật sung sướng. Ðời này mấy ai được bằng hắn. Có một lần, người đàn bà bảo hắn thôi đừng đào đất nữa, xuống dưới kia ở hẳn với thị, chăn vịt đủ sống thừa thãi thì hắn lắc đầu quầy quậy, hắn trỏ tay đuổi về lập tức. Giang sơn của hắn là ở đây, những người chết không xua đuổi hắn. Người sống, từ đứa con nít lên đây cũng không dám nói một lời làm hắn giận. ở đây hắn được là người xuống dưới kia hắn không còn là người nữa vì chẳng ai chấp nhận cho hắn làm người. Hắn biết vậy, nghĩ vậy nên rất tức tối khi nghe người đàn bà kia nói ra cái điều mà hắn không bao giờ muốn.

   Bên cạnh túp lều của thằng Ðịa có một ngôi mộ lúp xúp không xây. Trên ấy có một cụm hồng lúc nào cũng mơn mởn vài búp hoa đỏ thắm, cũng lạ, đất sỏi đá đến cỏ tranh còn mọc không nổi thế mà hoa hồng lại mọc được. Mỗi ngày, sau khi xong công việc, thằng Ðịa lại đem xẻng ra vun đất xung quanh ngôi mộ, hắn làm nhẹ nhàng như sợ người nằm dưới đất giật mình. Và, chiều nào cũng thế, thằng Ðịa xách chai vào tận trong núi hứng lấy từng giọt nước trời về tưới cho khóm hoa trên mộ. Nhiều lúc gió hanh quất ràn rạt, cả vùng đất khô cằn đến người dưới đất còn khát cháy nhưng cụm hồng của thằng Ðịa lúc nào cũng đẫm nước. Bàn tay to bè đen đúa của hắn nâng niu từng nhánh hồng cứ run lên lập cập - hắn sợ gãy. Tôi hỏi thì hắn kể rằng đây là nấm mộ của một người con gái. Cái đám tang ấy rất buồn, chẳng có ai khóc, lấp đất xong người ta vứt lại mấy bông hồng, thoạt đầu thằng Ðịa không để ý, đến hai ngày mà không khô quắt lại. Cho đến một hôm, khi đào đất về, hắn thấy trên mộ vẫn còn một cái cuống hồng tươi xanh. Cuống hồng đã bén rễ vào đất và từ đó nhú lên  một cái mầm. Thằng Ðịa rùng mình, hắn nghĩ đến người con gái nằm dưới kia... và cũng từ đó hắn tự đặt ra công việc chăm chút cho cây hồng, cho ngôi mộ. Ngày nào cũng thế, hắn thấy người nhẹ nhàng lắm, sau khi làm xong việc ấy...

   Tôi có việc phải đi xa, cuộc đi xa chưa hẹn trước ngày trở lại. Một buổi khi chiều sắp tàn, tôi lên để giã từ thằng Ðịa. Ðêm ấy, tôi và hắn uống nhiều lắm, rượu cứ vơi đầy. Hắn nói gì, tôi không thể nào nhớ hết. Chỉ biết rằng khi tôi chìa tay chào hắn để ra về thì hắn bảo:

   - Chờ một chút!

   Cái bóng lêu đêu của thằng Ðịa đổ dài dưới trăng hạ huyền, nhấp nhô, nhấp nhô trên từng dãy bia mộ đen kịt cho đến khi mất hút. Thật lâu sau đó thằng Ðịa trở lại, dúi vào tay tôi một cục tiền giấy nhơm nhớp đất. Hắn khóc, khóc thành tiếng, vừa khóc hắn vừa nói:

   - Cầm lấy, cầm đi, đừng trả lại. Khi nào không còn việc đào đất nữa tôi sẽ tìm anh nhưng biết tìm ở đâu.

   - Không sao đâu anh Ðịa - tôi cố ghìm những giọt nước mắt cứ chực trào ra - đến một nơi nào đó tôi sẽ viết thư về... Nói đến đó thì tôi òa khóc thực sự, tôi biết mình lỡ lời. Thằng Ðịa không biết chữ đã đành rồi, nhưng ai công nhận sự tồn tại của hắn ở nghĩa trang này với tư cách một con người... Thằng Ðịa không cha, không mẹ, không một dòng địa chỉ cư trú. Chẳng có thứ giấy tờ nào của nhà chức trách ghi là: có hắn, trừ khi hắn làm chuyện bậy bạ. Mà, cái thằng người đi đến đâu cũng bị xua đuổi như hắn thì có thể làm được gì bậy bạ ngoài chuyện đào đất?! Chắc chắn sẽ chẳng có ai chuyển thư tôi đến cho hắn được. Tôi quay người lao thật nhanh xuống đường để lại sau lưng tiếng khóc tồ tồ của thằng Ðịa giữa chập chùng hoang mộ.

   Thời gian rồi cũng qua đi. Khoảng khắc từ lúc tôi chia tay với thằng Ðịa hôm ấy cho đến ngày trở lại vừa đủ cho một đứa trẻ kịp sinh ra, lớn lên và biết cắp sách đến trường. Cảnh cũ thay đổi nhiều. Trước nghĩa trang, nhà cửa mọc lên san sát, hàng quán buôn bán sầm uất. Nghe nói sắp tới người ta sẽ dời cả nghĩa trang này đi để xây dựng khu chế xuất hay siêu thị gì đó. Tìm mãi mới thấy lối vào nghĩa trang, lối đi nhỏ hẹp chỉ còn vừa đủ cho chiếc xe tang. Ngay ngã ba, một ngôi nhà hai tầng lầu có vẻ như mới vừa được xây dựng cách đây chưa lâu. Trước cổng ngôi nhà treo tấm biển xanh đỏ lòe loẹt.

"Công ty Dịch vụ mai táng Gò Cát.

Tên giao dịch: Matagoca.

Nơi đáng tin cậy của quý khách.

Rất hân hạnh được đón tiếp

Tel...Telex...Fax..."

   Trong sân, người ra vào tấp nập. Mấy chiếc xe tang loại vừa, cũ mèm đang sửa máy, phun khói mù mịt. Trước cửa ra vào, dưới mấy bậc tam cấp, một chiếc xe bốn chỗ, đời mới, choáng lộn đậu nghênh ngang, xoay mũi ra cổng sẵn sàng lao đi bất cứ lúc nào chứng tỏ chủ nhân của nó là người rất đỗi sang trọng và hay phải đi công án. Tôi quyết định: chưa vội lên nghĩa trang thăm thằng Ðịa.

   Người bảo vệ già sau khi xem xét kỹ giấy tờ của tôi, ngẩng lên nói một hơi:

   - Quý anh nhà báo, anh liên hệ xin đất, mướn xe hay có việc chi?

   - Tôi muốn gặp giám đốc công ty.

   - Dạ, anh chờ cho một chút. Dạ, giám đốc đang bận. Dạ khách khứa của ổng nhiều lắm.

   - Nhờ chú nhắn giùm, tôi xin gặp ổng sau mười lăm phút nữa. Nếu không được thì tôi sẽ hẹn ông khi khác vậy.

   Sau cú điện thoại của người bảo vệ già, tôi được hướng dẫn vào phòng đợi... Máy lạnh chạy ro ro, ghế xô-pha mềm lún. Một cô gái từ phòng trong đi ra, tay ôm chồng giấy tờ dày cộm. Cô gái nhẹ nhàng bảo tôi chờ, giám đốc Trương Thiên sẽ tiếp ngay bây giờ. Phải công nhận, cô gái có cặp đùi thon thả và dáng đi uyển chuyển đầy hấp dẫn. Tự nhiên tôi nảy ra cái ước mơ hão huyền: Giá như mình được làm giám đốc, chỉ một ngày thôi...

   Cánh cửa lại khẽ mở ra. Mùi nước hoa thoang thoảng. Một cô gái khác nhẹ nhàng trong tà áo dài xanh dịu bảo tôi:

   - Mời ông vào, giám đốc Trương Thiên đang đợi.

   Ôi trời ơi! Tý nữa thì tôi té ngửa. Thằng Ðịa. Ðúng nó rồi!

   - Ðịa, phải anh đấy không Ðịa?!

   Hắn nhe răng - phải, vì miệng của hắn chỉ toàn có răng, hềnh hệch cười. Càng cười mặt hắn càng dúm dó lại, quái đản.

   - Anh, anh về từ bao giờ? Chà lâu quá - Vừa nói hắn vừa đường bệ đứng dậy đưa cái tay dài ngoằng níu tôi ngồi xuống ghế.

   Lại một cô gái nữa xuất hiện, tay bưng cái khay đựng mấy lon bia, ba ly đá lạnh. Ðặt nhẹ cái khay xuống bàn, cô gái gật đầu chào tôi rồi quay sang nhoẻn miệng cười tình với Ðịa. Rót đầy bia vào ly xong, cô ta vén gấu váy, ngồi xuống, nép vào lòng hắn. Thằng Ðịa nhìn tôi, cười, lại cười. Hắn bảo:

   - Hôm nay anh ở lại đây với tôi. Ngày hôm nay tôi nghỉ làm việc. Ai chết mặc kệ. Tôi với anh uống một trận rồi anh muốn gì, tôi, Trương Thiên này sẵn sàng chiều hết.

   Chuông điện thoại leng reng. Cô gái nhoài người, với tay cầm ống nghe:

   - Alô, ai đấy? Dạ Hải Yến thư ký giám đốc Công ty MATAGOCA đây, ông cần gì ạ? Dạ, giám đốc, ông Trương Thiên...- Cô gái bịt tay vào ống nghe, đưa mắt liếc nhìn thằng Ðịa - hắn xua tay.

   - Dạ, ông Trương Thiên đi vắng, ông cần đất ạ, giá cả sẽ thỏa thuận sau, mà có lẽ hơi cao. Ông nên đến làm việc trực tiếp với công ty chúng tôi vào sáng ngày mai để nhận phần đất như ông muốn, à, đáng lẽ định chôn vào chiều nay thì ông phải liên hệ sớm hơn chứ. Ông, ông cũng là giám đốc, giám đốc công ty hữu hạn? Dạ, dạ được, dạ ông có quen giám đốc Trương Thiên...

   - Ai đấy? - Thằng Ðịa hỏi.

   - Thằng cha xưng là giám đốc cái công ty hữu hạn gì đó. Chả nói có quen biết anh.

   - Xin đất chôn người hay đất cho chả làm nhà.

   - Ðất chôn.

   Thằng Ðịa sầm mặt xuống, không nói năng gì. Mấy ngón tay dài ngoẵng, to bè của hắn quặp cứng vào nhau. Thật lâu, sau khi ngửa cổ nốc cạn ly bia, thằng Ðịa quay sang tôi:

   - Anh, anh có muốn một miếng đất làm nhà không?

   - Ðất làm nhà ở đâu?

   - Kia, ngoài kia, nếu anh muốn, tôi sẽ bảo chúng nó cắt cho anh vài trăm thước - hắn nói và chỉ tay ra nghĩa trang trập trùng, mênh mông. Tôi rùng mình, một cảm giác lành lạnh chạy dọc sống lưng.

   Thằng Ðịa tiếp tục:

   - Một trăm thước đất ở nghĩa trang này bữa nay giá cả chục cây vàng rồi đấy. Dân thành phố đổ xô lên đây, giành giật, căng thép gai, cắm cọc gần hết rồi. Tôi vẫn giành lại được ít đất tốt cho người quen...

   - Nhưng, mồ mả người ta còn đầy ra đấy - Tôi bảo hắn.

   - Còn, không những còn mà mỗi ngày có thêm hàng trăm cái mả mới. Nhưng, có luật pháp nào ngăn cản cấm đoán người sống tranh giành đất của người chết đâu?

   Tôi bàng hoàng thật sự khi nghe Ðịa nói ra điều ấy. Hắn, cái thằng vốn không tên tuổi, chẳng biết gì hơn ngoài việc hùng hục đào đất giờ đây đã thực sự là chủ nhân ông của cả một vùng nghĩa địa mênh mênh béo bở mà hàng trăm ngàn con người sống ở dưới thành phố đông đúc đến nghẹt thở kia đang thèm khát. Hắn, bây giờ nghiễm nhiên thành kẻ ban phát, gia ân, gia ân cho cả người sống, lẫn người chết. Tên của hắn - giám đốc Trương Thiên được nhắc đến thường xuyên trong các cuộc họp của Hội đồng tỉnh lỵ.

   Người nghèo nhìn hắn như ông thánh, kẻ giàu sang chờ chực đưa rước. Và, không biết từ bao giờ, để củng cố cho cái quyền lực đất đai, thằng Ðịa đã kịp trang bị cho mình cái lý lẽ đầy ấn tượng nhưng cũng đầy thuyết phục. Phải, luật pháp có đủ cả mọi điều nhưng còn điều duy nhất là "cấm người sống và người chết không được tranh giành đất của nhau" thì luật pháp lại vô tình bỏ quên. Và cũng như một thiên mệnh, chính cái điều ấy nghiễm nhiên củng cố thêm sự vững chắc của thằng Ðịa ở vùng mồ mả mênh mông này. Nghĩ cũng buồn cười, tôi gọi hắn là Ðịa thì hắn lại là Thiên, lại còn thêm cái họ Trương nữa - tự hắn nghĩ ra hay không biết ai đặt cho hắn? Cái tên Thiên có vẻ thích hợp lắm với cương vị của Ðịa bây giờ. Qua khung cửa sổ gắn kính màu, tôi lặng yên, đăm đăm nhìn vào khoảng mông lung chập chờn bia mộ, lỗ chỗ cọc ngắn, cọc dài của người sống cắm xuống giữ đất. Xa tít trên kia là nơi có túp lều liêu xiêu ngày nào của thằng Ðịa. Nhưng biết có còn không? Cả người đàn bà đen đúa bẩn thỉu lúc nào cũng tanh mùi vịt là bạn tình của hắn. Còn gì nữa nhỉ... ừ, phải rồi! Tôi quay vào hỏi hắn:

   - Cái cụm hồng dạo nọ trên ngôi mả không xây có còn không anh Ðịa.

   - Chết rồi! Tôi cho người bưng về đây trồng nhưng sống không nổi. Ðất này mà trồng gì được.

   - Còn người đàn bà?

   - Vẫn ở dưới đó, chăn vịt nhưng tôi không gặp nữa. Mà thôi anh đừng hỏi nhiều. Uống đi cứ tiếp tục uống đi. - Hắn nói và ngửa cổ dốc trọn vào miệng ly bia đầy ự.

   Tôi và hắn không gặp nhau nữa, từ hôm đó. Mãi cho đến một lần, khi cụ thân sinh của một người bạn làm cùng cơ quan qua đời. Không nỡ từ chối sự nhờ vả của anh, tôi tìm đến thằng Ðịa. Vẫn là ngôi nhà cũ, vẫn tấm biển to tướng treo trước cổng...

   Tôi hỏi thăm một người vừa trong đó bước ra:

   - Giám đốc Trương Thiên có nhà không anh?

   - Hả? Anh hỏi ai? Giám đốc nào, Thiên nào?

   - Thiên, Trương Thiên.

   - á, à, à, cái thằng đào đất đó hả, lên trên đó mà tìm, nhà hắn ở trên đó - Người ấy chỉ tay bâng quơ vào một góc nghĩa trang xa vời.

   Người bảo vệ già nhận ra tôi. Ông kể lại rằng cái cơ ngơi này là do một mình thằng Ðịa bỏ vốn ra gây dựng nên. Nghe nói có một ông lớn nào đó cảm kích trước việc thằng Ðịa chăm sóc chu đáo ngôi mộ của con gái ông khi ông đi xa nên đã lo toan giúp đỡ các khoản giấy tờ cần thiết để hình thành công ty mai táng. Sau mấy năm làm giám đốc, với cách toan tính của một thằng người chỉ biết đào đất, một nửa cái chữ bẻ đôi cũng không biết, thằng Ðịa không những trắng tay mà còn thêm nợ nần chồng chất. Ðám con gái đông đúc bu quanh hắn thi nhau vét sạch những đồng tiền bán đất cuối cùng còn sót lại rồi lặng lẽ chia tay mỗi người một ngả. Bao nhiêu chủ nợ ngao ngán nhìn thằng Ðịa lững thững rời bỏ cái cơ ngơi đồ sộ để trở lại với túp lều xưa, trên nghĩa địa. Kiện hắn ư? Thân xác hắn đấy. Ðòi nợ ư? Mênh mông đấy, mà đất đai của nhà nước còn mồ mả là của thiên hạ, ai muốn đòi chia thì cứ đem cọc lên đấy mà cắm. Còn hắn, không làm giám đốc nữa thì lại về đào đất. Dư luận ồn ào xôn xao, nhiều vị chức sắc đau đầu vì hắn một thời gian rồi rốt cuộc đâu lại vào đó. Công ty Matagoca do hắn lập giờ đây đã có người khác đảm đương. Nói tóm lại, người ta lại bắt đầu coi như không có hắn trên cõi đời này như từ bao lâu nay vẫn thế.

   Tôi thẫn thờ theo lối mòn xưa dẫn lên túp lều của thằng Ðịa, lòng không khỏi chạnh buồn. Thế là hắn, thằng Ðịa, bạn tôi đã lại về với cái công việc xưa cũ, biết người ta có còn thuê hắn như xưa nữa không!? Nhưng đống tiền mà hắn chắt chiu chôn giấu sau bao nhiêu năm trời đào đất đã tan theo giấc mộng bọt bèo. Ðịa ơi! Tôi hiểu cái gì đã thôi thúc anh. Bao nhiêu năm hùng hục đào đất, chôn giấu nâng niu từng đồng tiền còm cõi để mong có ngày đổi đời, được ngửa mặt, được làm người - thì đấy, anh đã có tất cả, đã mua được tước vị làm người!! Dẫu chỉ là trò phù du nhưng cũng đáng để cho anh mở mặt suốt mấy năm trời...

   Túp lều xiêu vẹo trống không. Gió trái mùa đang ra sức giật nốt mấy miếng tôn mục nát còn sót lại. Thằng Ðịa nằm đấy thẳng thớm với chiếc quần lửng cột dây dừa. Vị linh mục già khẽ cúi xuống nới đầu sợi dây thòng lọng quấn quanh cổ hắn. Sợi dây đã được tháo hẳn ra để lại trên cổ thằng Ðịa một vòng tròn sâu hoắm. Sau khi vị linh mục già đọc bài kinh dài rửa tội cho hắn, cầu mong cho hắn được nương náu dưới cánh tay che chở của Chúa trời, một tăng ni của nhà Phật bao lần lui tới tiễn đưa người chết ở nghĩa trang này cũng không ngần ngại ban cho thằng Ðịa những dòng kinh siêu thoát lê thê, bàn tay lần tràng hạt mơ hồ những mong linh hồn hắn thanh thản mà lên cõi niết bàn với Ðức Phật. Nghi lễ của loài người tiễn đưa thằng Ðịa về cõi vĩnh hằng xem ra trọn vẹn vô cùng. Hắn kẻ duy nhất trên thế gian ra đi đã cùng một lúc đón nhận hai đặc ân của Chúa Trời và của nhà Phật. Nếu như ở nghĩa trang này hôm ấy có sự hiện diện của thánh A-la nữa thì chắc ngài cũng không ngần ngại giang tay ra đón hắn. Tôi đăm đắm nhìn xuống vết tròn sâu trên cổ thằng Ðịa, lòng mênh mang buồn, buồn vô tận. Phần hồn thằng Ðịa có lẽ đã được tắm gội sạch sẽ nhưng còn cái vết hằn sâu trên cổ là dấu ấn trên thân xác của kiếp người đa mang thì thằng Ðịa vĩnh viễn phải đem theo vì không ai xóa nổi.

   Người đàn bà chăn vịt, hôm ấy, không có mặt để khóc chia tay thằng Ðịa. Nhưng, thật lâu, lâu lắm, khi tôi trở lại, có người kể với tôi rằng trong một đêm mưa, nước từ nghĩa trang tràn xuống đen kịp cả cánh đồng, dân làng nghe trong gió tiếng hú gào thảm thiết của người đàn bà vốn là bạn tình chung thủy của hắn. Sáng ra cả cánh đồng ngập trắng xác vịt. Tự tay người đàn bà ấy đã bóp chết tất cả rồi bỏ đi. Thị đi đâu thì không ai rõ.

   Khi ở nghĩa trang ấy đã thấp thoáng bóng dáng của những tòa cao ốc lộng lẫy, một rừng mộ bạt ngàn chỉ còn lại vài ngôi lèo tèo vắng chủ. Với số tiền ít ỏi trong tay, tôi mong tìm thấy mộ thằng Ðịa để cùng người ta đưa hắn đi nơi khác yên nghỉ, chừa đất cho thiên hạ làm nhà. Nhưng, có còn gì nữa đâu mà tìm. Dưới bóng hoàng hôn sậm đỏ, tôi lại nhìn thấy người đàn bà chăn vịt. Thị đứng như trời trồng giữa vùng đất phẳng lỳ gào lên từng chuỗi, từng chuỗi âm thanh ai oán, não nề. Tiếng gào mơn man chập chờn thổn thức quắt quay của thị đến với hắn - thằng Ðịa. Mấy đứa trẻ chăn trâu bảo với tôi rằng chiều nào cũng thấy người đàn bà ấy đứng đấy, gào lên thê thảm cho đến khi đêm xuống...

   Ðịa ơi! Tôi thắp ba nén nhang lạy anh để viết lại chuyện này. Dưới suối vàng kia mong anh hãy ngậm cười vì trên cõi đời này còn có người đàn bà điên cuồng gào gọi tên anh trong mỗi buổi chiều tà.

   Người ta bảo rằng trước khi chết, suốt mấy ngày trời anh ngồi bó gối trên cái mả xây, thẫn thờ nhìn xuống tòa nhà lộng lẫy khang trang được tạo dựng lên từ sau chuỗi ngày lê thê hùng hục đào đất, chắt chiu chôn giấu từng đồng tiền còm cõi... Anh đã bỏ tiền ra mua được kiếp người ba năm trời trong cái tòa nhà ấy. Nhưng anh có biết đâu rằng suốt ba năm đằng đẵng anh mới chỉ đang là kẻ tập làm người giữa một bầy người hoàn hảo - ấy là tôi nói về những đứa con gái xúm xít quanh anh hàng ngày, những bạn hàng, khách hàng của anh, cả người sống lẫn người chết. Thôi thế cũng đành anh Ðịa nhỉ! Làm người không được thì làm cái thây ma. Mà cái thây ma của anh đã được người ta gột rửa sạch sẽ mọi tội lỗi trần gian thì còn gì nữa đâu mà tiếc nuối. Tiếc làm gì phải không anh Ðịa. Sau này, khi cả nghĩa địa mênh mông biến thành phố phường sầm uất, nhiều người, lúc rảnh rỗi lục tìm trong ký ức và nhắc đến anh như một món nợ khó đòi. Có thể anh còn nợ người ta. Nhưng, đòi từ lúc anh còn sống trên cõi đời đã khó, huống gì...

   Trước cửa mỗi ngôi nhà khang trang của khu phố mới ấy thường có cái khóm thờ nhỏ nghi ngút khói hương, đầy rẫy xôi quả vào ngày rằm, mồng một. ở đâu đó trong cõi hư vô, anh có linh thiêng xin hiện về chứng giám lòng thành của con người mà phù hộ cho họ làm ăn phát đạt.

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.