chan_dung-ke_si

Sau Oscar, Dương Tử Quỳnh bỗng thành 'mồi câu' khán giả

20-09-2023

Lượt xem 543

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

Sau Oscar, Dương Tử Quỳnh bỗng thành \'mồi câu\' khán giả

A Haunting in Venice (Án mạng ở Venice) được chú ý vì là tác phẩm đầu tiên ra rạp của minh tinh Dương Tử Quỳnh sau giải Oscar năm 2022. Phim nằm trong loạt phim chuyển thể hoặc dựa theo các tiểu thuyết trinh thám của nhà văn Agatha Christie.

Sau 6 năm, từ bộ phim Án mạng trên chuyến tàu tốc hành Phương Đông (2017), khán giả đã dần quen thuộc với vị thám tử ria mép Hercule Poirot và những vụ án mạng ly kỳ.

Một chiến thuật, ba bộ phim

Có một truyền thống khác của dòng phim này, đó là những sao hạng A đóng vai trò “bộ mặt thương hiệu” của phim, xuất hiện chính trong mọi trailer, poster... lại thường có rất ít đất diễn.

Chẳng hạn, màn trở lại của Dương Tử Quỳnh chỉ vỏn vẹn chưa đến 10 phút.

 
 

Trailer phim 'Án mạng ở Venice'

Dĩ nhiên đây không phải lần đầu tiên chuyện như thế này xảy ra. Trong Án mạng trên chuyến tàu tốc hành Phương Đông, tài tử Johnny Depp vào vai Edward Ratchett, một tên gangster bị gửi thư nặc danh đe dọa mạng sống, cũng chịu chung số phận.

Nữ diễn viên Gal Gadot - nổi tiếng với vai Wonder Woman - cũng chịu chung số phận khi nhân vật của cô trở thành nạn nhân xấu số trong Án mạng trên sông Nile.

Điểm chung của cả ba vai diễn này là họ đang ở trên đỉnh cao sự nghiệp hoặc đang vướng lùm xùm.

Tài tử Johnny Depp trong phim Án mạng trên chuyến tàu tốc hành Phương Đông - Ảnh: IMDb

Tài tử Johnny Depp trong phim Án mạng trên chuyến tàu tốc hành Phương Đông - Ảnh: IMDb

Với Johnny Depp, khi bộ phim ra mắt (năm 2017), anh đang đứng giữa lùm xùm đời tư sau khi ly dị cô vợ Amber Heard. Còn Gal Gadot, cô là bộ mặt của DC với vai Wonder Woman và trở thành sao hạng A của Hollywood chỉ sau vài năm ngắn ngủi.

Với thời lượng dành cho nhân vật, có thể thấy lựa chọn Dương Tử Quỳnh của nhà sản xuất có phần mang tính thu hút khán giả nhiều hơn, nhất là sau tiếng vang của siêu phẩm Everything Everywhere All at Once.

"Bóng ma" nào đang ám căn biệt thự?

Bàn về bản thân bộ phim, đây không chỉ là một tác phẩm trinh thám bình thường. Ngoài đi tìm hung thủ, ta còn phải đối mặt với những hiện tượng siêu nhiên chưa rõ thực hư.

Sau sự kiện phần trước, Hercule Poirot (thủ vai bởi đạo diễn Kenneth Branagh) giờ đây đã "rửa tay gác kiếm" tại Venice năm 1947.

Một lần, ông được Ariadne Oliver (Tina Fey), một tiểu thuyết gia bí ẩn xuất hiện và mời tham dự buổi "lên đồng" đêm Halloween của bà đồng Reynolds (Dương Tử Quỳnh), nhằm gọi hồn cô con gái của một cựu ca sĩ opera. Bối cảnh là một căn biệt thự ma ám.

Trong sự nghiệp phá án, đây là lần đầu Hercule Poirot đối mặt với hiện tượng siêu nhiên không thể lý giải - Ảnh: IMDb

Trong sự nghiệp phá án, đây là lần đầu Hercule Poirot đối mặt với hiện tượng siêu nhiên không thể lý giải - Ảnh: IMDb

Một án mạng bất ngờ đã khiến Hercule Poirot yêu cầu nhốt những người còn lại bên trong tòa nhà để xác định kẻ sát nhân. Lúc này, những sự kiện siêu nhiên bí ẩn bắt đầu xuất hiện trước mắt vị thám tử.

Về thời lượng, bộ phim chỉ dài 1 tiếng 40 phút. Các màn giới thiệu nhân vật có phần gấp rút để nhường đất cho công cuộc phá án. Thế nhưng, việc gợi ý manh mối quá sớm đã khiến cho những khán giả tinh ý có thể đoán được hung thủ là ai, khiến cái kết có phần hụt hẫng.

Tuy nhiên, điểm mạnh của phim lại nằm giữa tương tác của các nhân vật, góc quay và những tầng nghĩa mà phim muốn gửi gắm. Kiến trúc Venice hiện ra trong phim tuyệt đẹp, có phần gợi nhớ đến những thước phim của Wes Anderson, nhưng chật chội, bí bách hơn.

Tận dụng không khí rùng rợn, u ám của căn biệt thự, đạo diễn cũng đã dùng nhiều góc máy Dutch (Dutch angle) làm người xem hồi hộp và lo lắng mặc dù yếu tố kinh dị trong phim chỉ mang vai trò thứ yếu.

Venice hiện ra đẹp như tranh vẽ, nhưng không kém phần u tối, rùng rợn - Ảnh: IMDb

Venice hiện ra đẹp như tranh vẽ, nhưng không kém phần u tối, rùng rợn - Ảnh: IMDb

Về kịch bản, biên kịch Michael Green cũng là người đứng sau những tác phẩm như Blade Runner 2049 (Tội phạm nhân bản 2049) hay American's God (Những vị thần nước Mỹ) nên tính cách và tương tác của các nhân vật trong phim rất "duyên". Càng về cuối phim, ta lại càng hiểu và đồng cảm với họ hơn.

Đặc biệt, có một nhân vật rất thú vị, có thể gợi cho khán giả Việt Nam nhớ tới một vị thám tử huyền thoại gắn với tuổi thơ mỗi người.

Phim cũng mang lại những tràng cười trước khi những trường đoạn căng thẳng và sự im lặng rùng rợn ập đến.

Khi sự thật được vén màn, thứ để lại trong lòng khán giả là câu hỏi: "Liệu những sự kiện siêu nhiên xảy ra có thật không?"; "Phải chăng, thứ thực sự 'ám' xuyên suốt bộ phim và các nhân vật là bóng ma tâm lý mà cuộc chiến tranh thế giới đã để lại trong trái tim mỗi người?".

Bất chấp những điểm yếu, Án mạng ở Venice vẫn là một trải nghiệm điện ảnh đáng xem trước khi những bom tấn điện ảnh cập bến Việt Nam những tháng cuối năm.

Phim đang được giới phê bình đánh giá 6,8 trên IMDb và 77% trên Rotten Tomatoes.

Theo tuoitre.vn

Bài liên quan