chan_dung-ke_si

SAU CHỚP LÀ GIÔNG BÃO - Truyện ngắn Y Ban

13-05-2023

Lượt xem 1811

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  truyện ngắn hay y ban

SAU CHỚP LÀ GIÔNG BÃO - Truyện ngắn Y Ban

Y Ban       
  Thân tặng Hiên.

   Người nàng lâng lâng như bước trên đệm khí. Nhưng những bước chân đặt lên từng bậc thang lại nặng nề biết bao. Ngôi nhà của nàng vẫn còn sáng ánh đèn. Cha mẹ nàng từ quê lên chơi vẫn còn thức. Nàng đặt cái túi xách xuống đất và đưa mắt tìm kiếm. Cha nàng vội bảo:

   - Nó chờ con đến chín giờ không thấy nên nó đem con bé về nhà nội chơi rồi. Ơn trời, thế là anh ấy không có nhà. Nàng thở phào nhẹ nhõm, với chiếc khăn đi vào nhà tắm.

   Nàng yên ả ngả mình trên giường với một ý nghĩ rất đỗi dịu dàng, nàng sẽ nhớ lại. Nhưng cơn buồn ngủ đã kéo đến, thế mà nàng lại muốn thức biết bao. Một giấc ngủ ngon, sâu không mộng mị cho đến tám giờ sáng hôm sau khi mẹ nàng đánh thức nàng dậy ăn sáng. Nàng cảm thấy cực kỳ khoan khoái và tỉnh táo hẳn. Nàng ăn bữa sáng ngon lành.

   Thế rồi thay vì mang quà đến cho chồng con nàng lại lên giường nằm. Nàng lại muốn nhớ lại. Sao nhỉ, người ấy đã ôm lấy mặt nàng. Nhưng thực ra từ trước đó mấy phút nàng đã rất muốn ngả đầu vào vai người ta. Nhưng tại sao nàng lại muốn thế nhỉ? Một cơn buồn ngủ lại ập đến. Nàng cố cưỡng lại để nhớ, dịu ngọt đến thế cơ mà. Và giấc ngủ đã chiếm mất cơ thể, ý nghĩ của nàng.

   Ðến 12 giờ trưa mẹ nàng đánh thức nàng dậy ăn cơm. Nàng cảm thấy sinh lực dồi dào, tuy nhiên nàng vẫn cố bao biện:

   - Ði công tác phải mấy ngày nóng quá.

   Cha nàng đồng ý ngay:

   - ừ mấy ngày qua ngột ngạt thật.

   Nàng lại ăn một bữa cơm rất ngon và nhanh. Xong nàng rửa mặt mũi cho tỉnh táo. Rồi để cho thật tỉnh táo nàng cầm quyển sách để đọc. Ðọc được vài trang ý nghĩ của nàng lại xoay về với sự dịu ngọt. Nàng đã đặt được tên cho sự kiện đó. Nhưng tại sao nàng lại muốn ngả đầu vào ngực người ta kia chứ? Nàng một người đàn bà đã già dặn trong trường đời. Cuộc sống với bao nhiêu đau khổ, hạnh phúc, thất bại và thành công tới tấp bủa vây nàng. Ðể bây giờ nàng nhận ra cái chân của cuộc sống rằng: ở đời chẳng có phân giới nào rõ ràng cho hạnh phúc hay bất hạnh, sung sướng và khổ đau. Những cảm giác đó có một vòng giao thoa rất rộng. Hạnh phúc ư? Rồi thì bất hạnh đấy. Sung sướng ư? Thì sẽ khổ đau ngay. Vì thế nàng rất đỗi yên tâm trong hạnh phúc, bất hạnh, sung sướng và khổ đau của mình. Nhưng cuộc sống đâu để cho nàng được tự do trong cảm giác của mình như thế. Con tạo luôn tạo ra tình huống để thử thách nàng. Nàng lại là một người đàn bà cực kỳ nhạy cảm, yếu mềm nên nàng đã chọn cho mình một thứ vũ khí. Ðó là những chiếc gai nhọn của con nhím. Nàng luôn giơ móng vuốt của mình bằng miệng lưỡi của một kẻ táo tợn, đôi khi bặm trợn. Quả nhiên thiên hạ sợ nàng.

   Nhưng tại sao nàng lại muốn ngả đầu vào vai người ta kia chứ?

   Nếu tính đến thời điểm nàng muốn ngả đầu vào vai người ấy thì nàng chỉ quen biết người ta vỏn vẹn có 40 giờ. Một người đàn ông có gương mặt tử tế nhập vào chuyến đi công tác với nàng. Những người đàn ông đi cùng xô vào tán nàng rào rào. Miệng lưỡi của những kẻ thạo đời hư hư, thực thực làm nàng khó có thể nào đối đáp lại được. Nàng chọn một gương mặt đàn ông tử tế đó để công kích thay vì sự đối đáp lại. Một vài chuyện qua lại hết veo đoạn đường dài hơn trăm ki-lô-mét. Rồi hóa ra đó là những người đàn ông cực kỳ thạo việc và khi làm việc họ cực kỳ nghiêm túc. Nàng cũng nhập vai với một vẻ thạo việc không kém. Tuy nhiên nàng vẫn hết sức đề phòng với những người đàn ông đó bằng cách nàng đi gần với người đàn ông có gương mặt tử tế mà trong thâm tâm nàng coi như một chú bé con để nàng lớn tiếng xưng là chị. Nhưng thực ra bộ mặt tử tế đó cũng chẳng tử tế chút nào khi thi thoảng bên tai nàng lại có những tiếng thì thầm như gió thoảng: "Chị đẹp lắm!" hoặc: "Lần sau đi công tác chị đừng có mặc váy ngắn nhé làm người khác không làm được việc đâu". Nàng không chấp những lời nói trẻ con ấy. Vì nàng nghĩ thầm bộ mặt kia sao trải đời bằng nàng được.

   Nhưng trước khi nàng muốn ngả đầu vào ngực người ta thì đã có một sự đụng chạm rất đỗi dịu dàng.

   Một cơn buồn ngủ lại kéo đến. Khi nàng mở mắt ra và còn đang ngơ ngác xem mình ở đâu, trần gian hay dưới địa ngục thì chồng nàng đang nhìn nàng đăm đăm. Rồi anh ca lại bài ca cũ:

   - Ðàn bà con gái mà không chịu làm việc an nhàn. Cứ thích nhảy thếch lên cơ, cho chết. Nhưng mà mệt lắm à?

   Nàng quay mặt đi ra vẻ hờn dỗi.

   Sau đó dường như để làm lành, chồng nàng ngồi sát vào nàng thì thầm: "Ði về nhà bên kia đi".

   Cũng là tiếng thì thầm mà nàng cảm thấy rùng mình với cảm giác sợ hãi. Nàng đã hiểu tiếng thì thầm đó nói lên điều gì. Rằng chồng nàng đang rất muốn nàng. Thế còn nàng đang chỉ muốn ở một mình mà thôi. Tuy nhiên nàng đã có những kinh nghiệm để ứng xử trong những tình huống như thế này. Tốt nhất là phải nghe theo anh. Nàng ngoan ngoãn đứng lên đi theo chồng.

   Nhà bên kia là nhà cha mẹ chồng. Hai vợ chồng nàng đã ra ở riêng nhưng cha mẹ vẫn để cho một phòng để thi thoảng về chơi. Nàng đưa quà cho cha mẹ chồng, hỏi han con gái dăm câu thì chồng nàng đã lôi tuột nàng vào trong nhà. Chồng nàng hối hả chằm bặp nàng. Mặc dù rất có vẻ muốn yêu nàng ngay nhưng vẫn không quên căn vặn:

   - Ði công tác có phải lòng thằng nào không đấy?

   Mọi bận nghe chồng hỏi vậy nàng sẽ xù ngay những chiếc gai nhím ra để đập lại nhưng lần này nàng chỉ lặng lẽ đẩy chồng ra. Và trong đầu nàng cũng hiện lên một câu hỏi: Liệu nàng đã phải lòng ai đó chưa? Nhưng nàng lại bật ra ngay câu trả lời:

   - Em đã làm vợ anh bao nhiêu năm rồi, vợ anh thế nào mà anh không biết ư?

   Chồng nàng cười xí xớn:

   - ừ thì cứ phòng ngừa trước đi.

   - Nhưng anh có thể ngừa được gì nào khi em có phải lòng ai thì cũng là sự đã rồi.

   - Em mà phải lòng ai anh sẽ biết ngay bây giờ đây.

   Chồng nàng lại chằm bặp nàng với cử chỉ mạnh mẽ hơn như để chuộc lỗi với nàng. Thân thể nàng nhũn ra không một cảm xúc. Nhưng chồng nàng đang rất hào hứng thế kia, nàng không muốn anh mất hứng. Vả lại nàng cũng có kinh nghiệm trong những lúc như thế này. Nếu nàng không có hào hứng với anh, anh sẽ ca lại bài ca cũ. Rồi sẽ cãi nhau, dỗi hờn.

   Trong cuộc sống, vợ chồng nàng có nhiều xung đột, bất trắc nhưng sau đó đã được giải quyết êm ả. Tuy nhiên sự êm ả đó cứ lặp đi lặp lại thành một rãnh mòn, từ lâu đã không còn làm nàng thổn thức được nữa. Chồng nàng đã trở thành một người ruột thịt thân thích như cha nàng, như anh em nàng và như con nàng vậy. Nàng lo lắng, chăm sóc cho anh nhưng nàng không còn xao xuyến mỗi khi anh động chạm đến nàng. Cùng với sự "xơ hóa" ở cảm xúc với chồng thì đêm về nàng hay có những giấc mơ kỳ lạ. Một người đàn ông lạ mặt liếc nhìn nàng, hay động nhẹ vào nàng thôi là nàng cảm giác xao xuyến đến tột cùng. Những đêm nào có giấc mơ như thế thì buổi sáng nàng thức dậy cực kỳ khoan khoái, và cảm thấy sức lực tràn đầy. Tuy vậy nàng không bao giờ có ý định tìm kiếm gương mặt một người đàn ông nào ở ngoài đời giống trong mơ. Nàng nhìn hết thảy mọi người đàn ông với sự vô cảm.

   Vậy tại sao nàng lại để cho sự đụng chạm xảy ra?

   Buổi chiều, khi kết thúc công việc, cả đoàn đi ra biển. Họ giẫm chân trần trên cát mịn và im lặng. Ai còn có thể tán được những lời vụn vặt, vô nghĩa nữa kia chứ khi đang ở bên một sự hùng vĩ nhường này. Rồi mọi người kéo lên bờ đê, ngồi xuống bên cạnh khóm kim trâm đang nở hoa trắng muốt. Nàng cảm thấy mình hoàn toàn là một cô bé con vô tư, chưa từng bận bụi trần gian. Nàng cất tiếng hát Biển hiền hòa lớp sóng đẹp bao la, lòng ta như rộn vang ngàn câu ca. Cả đất nước xanh tươi như mộng đời, lưu luyến trong tâm hồn bao người... Sóng biển đệm đàn cho nàng. Có lẽ từ hồi say sưa hát ru con đến bây giờ nàng mới hát say sưa đến vậy. Ngày còn ở với mẹ chồng, khi nào nàng hứng khởi hát véo von thì bà bảo: "- Cô hát hay đấy, sao không đi hát mà kiếm ăn cho nó nhàn thân". Mỗi lần nàng cất tiếng hát thì mẹ chồng nàng lại bảo thế. Khi sống riêng với chồng rồi cao giọng lên hát thì chồng bảo "- Cô lại ra đường chập điện với thằng nào rồi mà yêu đời véo von thế". Vậy là giọng hát của nàng cứ lịm đi. Khi nàng hát xong cả bọn im lặng một lúc lâu, rồi thì những giọng đàn ông ồ ồ cất lên. Ban đầu còn chệnh choạc sau thì quyện dần. Rồi thì nàng chẳng thể hát một mình được nữa. Nàng hòa giọng vào dàn đồng ca. Dàn đồng ca lắc lư nghiêng ngả, như say trước biển, người nọ ngồi sát vào người kia thân thiện, hòa bình. Nàng chợt nghĩ ra một điều to tát, giá tất cả loài người cùng nắm tay nhau vòng quanh biển để hát thì trái đất này sẽ hết chiến tranh, đau khổ và đói nghèo. Một ý nghĩ to tát như thế để nàng không mấy chú ý đến việc gương mặt tử tế đó đã nép vào người nàng từ lúc nào. Một tiếng nói ấm áp thoảng qua tai nàng: "Hát nữa đi em, em hát hay biết bao". Em ư? Ðiều gì đã xảy ra thế. Sao lại là em nhỉ. Nàng quay lại nhìn thẳng vào gương mặt tử tế. ánh hoàng hôn chạng vạng vẫn đủ để nàng nhìn thấy một đôi mắt đang nhìn nàng đăm đăm. Và đôi môi không ngừng mấp máy những câu tiếng Anh I love you! I love you. Trong đầu nàng cũng xuất hiện những câu tiếng Anh I like you, Ineed you but I don't love you (1). Nàng rất muốn bật ra khỏi đầu những câu tiếng Anh đó rồi phá lên cười để dành lại thế chủ động. Nhưng mắt nàng đã hoa lên và nàng muốn ngả đầu vào vai người ta. Sao nàng lại muốn thế? Nàng cũng không hề biết. Chắc chỉ có biển mới biết. Tuy nhiên chiếc đầu kiêu hãnh của nàng vẫn ngồi im trên cổ. Nàng ý tứ ngồi xa ra.

   Chồng nàng đã thức giấc:

   - Em không ngủ à?

   - Em đã ngủ cả ngày rồi mà.

   - Thôi chết đã bảy giờ rồi cơ à? Em đói rồi phải không? Anh đưa em đi ăn nhé. Hôm nay anh thấy em có vẻ là lạ thế nào và lại xinh nữa. Phải chiều thôi, kẻo không có ngày lại mất vợ.

   Nàng giật mình và vội vàng trở lại bộ mặt hơi câng câng của mình.

   - Gớm chết, vợ anh may mà lấy được anh là phúc to bằng cái đình rồi. Anh cứ bỏ ngoài đường bảy ngày bảy đêm xem có quạ nào nó tha đi không?

   - Nói linh tinh thế, thôi nào ăn đi.

   Chồng nàng khoác vai nàng dịu dàng. Ðó cũng là một sự dịu dàng, nàng cảm nhận được nhưng chỉ có điều nó không giống sự dịu ngọt kia.

   Cảm giác muốn được ở một mình làm nàng ăn không ngon miệng. Thức ăn vào đến đoạn ngang trái tim là muốn nhào trở ra. Chồng nàng ân cần gắp thức ăn cho nàng làm nàng nghĩ ngợi. Rồi bữa ăn cũng qua. Nàng bảo với chồng:

   - Anh cứ ở nhà bà nội với con. Em về nhà ngủ một mình cũng được, cho khỏe mai còn đi làm.

   Chồng nàng không đồng ý. Nàng cảm thấy sự thất vọng vô cùng. Về phòng nàng vớ ngay một quyển sách đọc để yên thân. Một lần nữa chồng nàng đâu có để cho nàng yên thân. Ðã thành lệ mỗi lần nàng đi công tác về dù chỉ một hai ngày anh cũng chằm bặp nàng như là đã xa nhau lâu lắm. Anh tỏ ra quan tâm và rất âu yếm nàng. Lần này cũng vậy. Anh đến bên nằm ấp vào nàng. Anh gối tay để cho nàng đọc sách. Một lần nữa nàng lại thất vọng tràn trề. Thực ra nàng đâu có ý muốn đọc sách, đó chỉ là cái cớ để cho nàng suy nghĩ mà thôi. Dù vậy nàng cũng cảm nhận được bộ ngực của chồng vừa ấm áp, vừa mạnh mẽ. Nàng vùi mặt vào ngực chồng ngủ thiếp đi.

   Ngày hôm sau nàng đến cơ quan làm việc. Thay vì phải xử lý các số liệu của chuyến công tác vừa qua thì nàng lại ngồi dí bên máy điện thoại. Nàng chờ. Nhưng đó là một buổi sáng yên tĩnh. Ðến gần 10 giờ mà chẳng có cú điện thoại nào cả. Ngực nàng căng phồng. Thỉnh thoảng nàng lại trút một tiếng thở dài để tống bớt không khí ở ngực ra ngoài.

   ... Trời tối sẫm mọi người quay về nhà nghỉ. Từng người rải bước đường và chẳng còn ai trêu trọc ai nữa. Chỉ có gương mặt tử tế vẫn đi bên cạnh nàng và vẫn bằng những câu tiếng Anh để khen nàng là một cô gái đẹp. Nàng bảo rằng nàng đã là một người đàn bà. Nhưng người ấy bảo nàng chỉ là một cô bé và I love you, I love you. Nàng trở về phòng với cảm giác sẽ không ngủ được nhưng vừa đặt mình xuống giường nàng đã ngủ ngay.

   Ngày làm việc hôm sau diễn ra với nhịp độ nhanh hơn để có thể kết thúc chuyến công tác sớm hơn dự định một ngày. Ðến sáu giờ tối thì công việc kết thúc. Mọi người cùng đề nghị trở về nhà ngay. Ô-tô đã chuẩn bị sẵn, chỉ có điều gương mặt tử tế bỗng trở thành một nhà đạo diễn. Người đi tháp tùng được chỉ đạo ngồi lên ca-bin cạnh lái xe. Hai người đàn ông được chỉ ngồi lên ghế trên, còn nàng ngồi xuống ghế sau cạnh cửa sổ và gương mặt tử tế thì ngồi cạnh nàng. Xe đi trong màn đêm yên tĩnh. Sau hai ngày làm việc căng thẳng những người đàn ông ở hàng ghế trên đã đi vào giấc ngủ. Trước khi ngủ họ còn cố đùa một câu: Tranh thủ ngủ tí để lấy sức về nhà cho vợ con truy lĩnh. Không gian chỉ còn lại hai người. Nàng lại một lần nữa quên mất hiện tại của mình. Nàng ngồi nghe gương mặt tử tế nói về mình, rằng anh ta đã có bảy bằng sáng tạo. Rằng thì đàn ông phải có chí tiến thủ. Anh ta đã đạt được điều đó. Và đàn ông thì phải biết yêu cái đẹp. Thấy cái đẹp mà không yêu thì không phải là đàn ông. Còn ở người phụ nữ, cái duyên phải cầm đầu. Có đẹp đến đâu mà không có duyên cũng vứt. Mà ở nàng vừa duyên lại vừa đẹp, thế thì tại sao người ta lại không yêu nàng cho được. Sự từng trải trong con người nàng chỉ thốt lên những lời yếu ớt: - Ðừng có lạm dụng sự yêu đến vậy! Reng reng... chuông điện thoại cắt ngang luồng suy nghĩ của nàng. Nàng vồ lấy máy. Ðó là chồng nàng rủ nàng đi ăn trưa. Nàng cảm thấy gần như ốm. Nàng thều thào đồng ý. Trong lúc đợi chồng đến đột nhiên cảm giác của nàng chuyển sang hướng hờn dỗi, rằng người ta đã quên quách nàng rồi. Sự dỗi hờn bóp nghẹt trái tim nàng. Một lần nữa nàng lại không muốn mình chết chìm trong sự dỗi hờn đó. Nàng nghĩ đến một điều rất thật rằng thì là người ta cũng có một người vợ để ôm ấp yêu thương. Sau sự dịu ngọt đến thế với nàng trên quãng đường hơn 100 ki-lô-mét thì ở nhà người ta đang có một người vợ mong chờ. Và như chồng nàng người ta cũng chằm bặp, yêu thương vợ người ta chứ. Bây giờ chẳng hạn, vợ người ta hẹn đi ăn trưa cùng chồng vì thế chẳng thể gọi điện cho nàng được.

   Chồng nàng đến, anh ân cần hỏi thăm nàng rằng nàng có ốm hay không sao mặt nàng xanh xao thế. Anh đưa nàng đến một tiệm ăn ngon, cố ép nàng ăn. Rồi đưa nàng về cơ quan ngồi với nàng cho đến giờ làm việc.

   Buổi chiều, nàng uể oải mang tài liệu ra làm và không còn nghĩ đến cú điện thoại mong đợi nữa. Trời chiều cả phòng ngồi quanh bàn trà chờ hết giờ làm việc, thì bỗng có điện thoại cho nàng. Một giọng nói xa lạ hỏi thăm nàng có khỏe không, và còn nhớ người ta không? Nàng trả lời nàng chưa nhận ra người đang nói chuyện với nàng là ai cả. Giọng nói qua điện thoại có vẻ thất vọng. Rồi giọng nói ấy bảo với nàng rằng: - Trông nàng phúc hậu thế mà lại có ý định giết người kia đấy. Nghe đến đấy nàng bắt đầu run rẩy. Nàng hẹn lúc khác sẽ gọi lại và đặt vội máy xuống. Nàng đảo mắt nhìn mọi người trong trạng thái sợ sệt như nàng vừa có ý định ăn vụng vậy. Nàng ra một góc ngồi, run rẩy trong trạng thái đầy xao xuyến. Thì ra là người ta vẫn nhớ đến nàng chứ không phải là đã quên nàng.

   - Kìa mơ màng gì, đức lang quân đến đón.

   Một cô bạn cùng phòng gọi giật giọng, nàng cuống cuồng đứng lên lấy hai tay xoa mặt, vội vã như kiểu xóa dấu vết. Nàng liếc vội vào chiếc gương to treo trên tường. Mặt nàng đã giãn ra nhưng đôi mắt thì còn ngơ ngác. Chồng nàng vào phòng chào mọi người và dừng lại vài giây ở trên mặt nàng. Trên đường về anh không nói gì cả, còn nàng thì huyên thuyên đủ chuyện.

   Về nhà nàng vừa nấu cơm vừa hát thầm trong họng. Chồng nàng ngồi im lặng đọc báo. Cơm nước xong xuôi nàng bê mâm để lên bàn rồi vào phòng tắm. Nàng trút bỏ quần áo rồi tự ngắm thân thể mình. ý nghĩ của nàng chưa liên hệ gì với thân thể của mình thì chồng nàng đẩy cửa phòng tắm bước vào. Nàng thật sự ngạc nhiên vì đã lâu lắm rồi từ khi sinh con xong thì chẳng bao giờ có chuyện tắm chung với nhau nữa. Chồng nàng để nguyên cả quần áo ôm lấy nàng. Anh định nói gì đó nhưng rồi anh lại cúi xuống hôn nàng. Như có phản xạ sẵn nàng né tránh cái hôn đó, vì cũng từ lâu lắm rồi nàng và chồng cũng không còn hôn nhau. Chồng nàng bê chặt lấy mặt nàng và hôn, rồi anh thì thầm vào tai nàng:

   - Em còn yêu anh nữa không?

   Nàng chết lặng người không biết trả lời chồng thế nào cả. Có còn yêu anh nữa không ư? Nàng cũng chẳng biết nàng có còn yêu anh nữa không. Nàng chỉ biết anh rất là cần thiết trong cuộc đời nàng và nàng thì đang xao xuyến vì một người khác. Nàng lại còn rất thương chồng - điều này là chắc chắn. Và nàng sợ mình sẽ làm tổn thương đến chồng. Nàng chảy nước mắt giàn giụa.

   Chồng nàng ghì chặt nàng vào ngực rồi lặng lẽ trở ra.

   Ðêm ấy nằm cạnh chồng nàng không còn dám nghĩ đến sự dịu ngọt ấy nữa. Nhưng đến sáng hôm sau khi chỉ còn lại một mình thì trống ngực nàng đập rộn rã. Nàng quyết định gọi điện thoại và hẹn gặp mặt. Nàng rất muốn nhìn cho kỹ bộ mặt tử tế đó.

   Sau khi giải quyết xong công việc, nàng gọi điện đến cho gương mặt tử tế và hẹn gặp. Giọng nói ở bên kia đầu dây có vẻ do dự một chút rồi hẹn nàng ra đầu phố. Còn nửa giờ nữa mới đến giờ hẹn. Nàng hồi hộp như lần đầu tiên hẹn hò vậy. Nhưng trong đầu nàng lại tỉnh táo để tự hỏi mình: "Gặp người ta để làm gì nhỉ? Mọi việc diễn ra chẳng quá rõ ràng rồi sao? Ðể dấn thân vào một cuộc tình ư?". Một cuộc ngoại tình, điều này có đến trong mơ cũng chưa bao giờ nàng nghĩ đến. Nàng vội vàng xua ngay khỏi đầu ý nghĩ ấy. Không biết gặp mặt nhau rồi xong để làm gì? Thế thì bẽ bàng hết sức. Nàng thuộc típ người luôn làm việc gì cũng phải có lý do. Việc làm nào không có lý do cụ thể thì nàng xếp vào loại việc ngớ ngẩn, rủi ro.

   Nàng vội vàng bấm máy điện thoại, máy điện thoại, may quá người ta chưa đi khỏi nhà. Nàng xin lỗi là không thể gặp được vì bận. Người ta cũng xin lỗi nàng về chuyện hôm ấy và khẳng định lại một lần nữa là nàng thật đáng yêu!

   Ðã sang ngày thứ mười. Từ trong sâu thẳm nàng muốn một lần nữa thử lại sự dịu ngọt quá ấy. Nàng muốn biết cảm giác thực của nó xem có giống như lúc nàng hồi tưởng lại không. Nàng cho rằng đó không phải là sự ngoại tình, mà đó chỉ là "sự dịu ngọt" quá hay là "sự dịu dàng" quá, mà nhân loại đang rất thiếu mà thôi. Nàng rất muốn nhưng chưa tìm được lý do để thực hiện. Chồng nàng thì đang có điều gì biến đổi chăng? Sao anh lại tỏ ra đặc biệt âu yếm, quan tâm đến nàng. Trước đó anh đã từng nhiều lần thô bạo với nàng. Nếu bây giờ mà anh tỏ ra thô bạo với nàng thì nàng sẽ có ngay lý do để tìm đến sự dịu ngọt. Vì sự giằng co đó mà nàng rơi vào trạng thái gần như tuyệt vọng. Nàng ăn uống rất kém và bỏ bê công việc. Và những cơn buồn ngủ thì luôn ập đến bất ngờ. Những cơn buồn ngủ vẫn luôn đến từ tim khi nàng hồi tưởng về "sự dịu ngọt". "Sự dịu ngọt": - có lúc làm tim nàng căng phồng như sắp vỡ toang ra để nàng muốn hét to lên rằng "sự dịu ngọt" chết người.

   Sau một tháng vật vã với chính những cảm xúc trái ngược, nàng dần cân bằng trở lại bằng chính sự chăm sóc của chồng. Cũng sau một tháng đó nàng đã tìm được lý do chính đáng để gặp mặt ngườt ta. Bạn bè với nhau thì có thể gặp nhau để trò chuyện được chứ. Nhưng lý do thực chất là nàng muốn kiểm chứng lại thái độ của người ta với nàng như thế nào? Ðó có phải là sự đùa cợt không? Nàng hồi hộp muốn tìm câu trả lời.

   Một tháng đó dường như cũng đủ thời gian để chín những cảm xúc. Khi nàng đã không còn run rẩy ấn các con số điện thoại nữa thì điện thoại bên cạnh bỗng kêu reng reng. Gương mặt tử tế gọi điện thoại cho nàng và nói rất muốn gặp nàng. Nàng đồng ý và mỉm cười muốn đùa cợt ngay khi nghĩ lại lần trước người ta đã hẹn nàng ở góc phố.

   Người ta bước vào phòng nàng đầy tự tin với một gương mặt tử tế. Nàng chủ động mời người ta ra quán nước. Khi chỉ còn hai người đối diện với nhau qua chiếc bàn nước, nàng nhìn vào mắt người đó với cái nhìn cực kỳ thẳng thắn. Người ta bảo nàng:

   - Chúng mình là bạn của nhau nhé

   - Tùy thuộc vào ý trời.

   - Nếu đã là ý trời rồi thì mình chẳng thể nào chống đỡ được đâu. Mình là bạn bè của nhau. Bạn bè với nhau thì mang đến điều tốt đẹp cho nhau hơn, phải không?

   - Nhưng tại sao...?

   Nàng định hỏi tại sao lại xảy ra chuyện đó. Người ta như nắm bắt ngay được ý nghĩ của nàng:

   - Chị có bao giờ quan sát bầu trời lúc sắp xảy ra giông bão chưa? Một tia chớp sáng lóa rạch ngang bầu trời đen thẫm, sau đó là bão giông. Chuyện xảy ra giống tia chớp đó, tôi không sao nắm bắt được. Chỉ có điều sau đó là giông bão thật sự ập xuống đầu tôi.

   Nàng chìa tay qua bàn với một cảm giác cực kỳ nhẹ nhõm:

   - Ta sẽ là bạn tốt của nhau chứ.

   - Tất nhiên.

   - Và trái tim nàng cũng cực kỳ nhẹ nhõm: Ơn trời nàng đã vượt qua được cơn bão đó.

7-98     

   (1) Tôi thích anh, tôi cần anh nhưng tôi không yêu anh.

Cùng tác giả: 

NGƯỜI ĐÀN BÀ CÓ MA LỰC - Truyện ngắn Y Ban

Bức thư gửi mẹ Âu Cơ - Truyện ngắn Y Ban

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.