Có thể nói rằng, hiện nay các nhà làm phim truyền hình Việt đang sản xuất những bộ phim như những nhà thầu thi công các công trình yếu kém về chất lượng, đang rùng mình sập đổ tan hoang từ Nam chí Bắc, từ thành thị đến nông thôn. Người ta chăm chăm chực chờ những đại công trình, tiểu công trình, bất chấp chúng ở đâu, một thành phố lớn hay một xã nghèo vùng sâu để nhảy vào xâu xé.
Phim Việt còn tệ hơn những con đường thi công thiếu xi măng, cát sỏi, những cây cầu ống cống bị ăn bớt sắt thép, hay những ngôi nhà cao tầng bị rút ruột, thi công ẩu...
Một ngôi nhà cần một thiết kế tinh tế của kiến trúc sư cũng như phim Việt cần một kịch bản tinh hoa của nhà biên kịch.
Nhưng rõ ràng các nhà làm phim không cần kịch bản hay chứ không phải phim Việt không có nhà biên kịch giỏi.
Nhà sản xuất phim vắt cổ chày ra nước
Một tập phim hiện nay được nhà đài chốt giá ở 180.000.000 đồng, khiến cho nhà sản xuất phải thắt lưng buộc bụng, vắt cổ chày ra nước nếu muốn có lãi.
Đầu tiên là họ vắt nhà biên kịch. Họ vắt đến nỗi nếu kịch bản có bối cảnh rộng là cắt, có đông người một tí cũng cắt, dẫn tới bối cảnh phim đơn điệu, giả tạo. Đơn cử là bộ phim “Chạm vào quá khứ” phát trên kênh truyền hình cáp SCTV. Nhân vật chính của phim, một anh chàng ca sĩ nổi tiếng, nhưng ra sân khấu biểu diễn thì chỉ thấy có lèo tèo vài khán giả, bối cảnh sân khấu thì chật chội đến nỗi cứ ngỡ là sân khấu của một phòng trà mini.
Để xảy ra điều này là lỗi của nhà sản xuất. Với cách o ép của nhà sản xuất là kịch bản có nhiều nhân vật không mua, cảnh hoành tráng không mua, quay ngoại nhiều hơn quay nội không mua... biên kịch chỉ còn cách tạo ra những kịch bản hời hợt và dần dần bị thui chột tính sáng tạo.
Kế đến là họ vắt diễn viên. Diễn viên được trả cát-sê theo phân đoạn, còn nhà sản xuất thì rất tinh khôn, họ bèn khống chế số phân đoạn trong một tập phim. Nếu như công thức ít nhất một bộ phim phải dài 30 tập để có thể bán phim được cho nhà đài và có lãi, thì công thức dành cho diễn viên là một tập không quá 30 phân đoạn. Thậm chí nhà sản xuất cắt xuống chỉ còn 20-25 phân đoạn. Điều đó dễ nhận thấy khi khán giả phải nhai những cảnh phim dai như sợi thun dài lê thê 2-3 phút. Vắt đến nỗi, Tuấn Hưng, vốn là ca sĩ, khi nhảy ngang sang đóng phim phải than thở: “Tôi thấy đóng phim rất vất vả, để có được một cảnh quay tốt phải trăn trở lăn lộn rất nhiều. Cát-sê một tối đi hát của tôi bằng cát-sê đóng phim trong một tuần…”
Các nhà tài trợ cũng không tránh khỏi bàn tay lực sĩ tham lam của nhà làm phim. Họ mời tài trợ quảng cáo mọi nơi, mọi lúc. Để các sản phẩm, nhãn hàng xuất hiện một cách vô duyên, lộ liễu và phản cảm đúng là không có phim của đất nước nào làm tốt hơn được phim Việt.
Các nhà sản xuất còn vắt ai nữa?
Chính là khán giả. Khán giả yêu phim Việt bị họ, nhà sản xuất phim vắt khô mọi cảm xúc, vắt khô sự kiên nhẫn, vắt cạn thời gian bằng những bộ phim vô bổ từ đầu chí cuối. Bắt khán giả phải ăn những món ăn không thể từ chối từ ngày này sang ngày khác, từ phim này sang phim khác.
Cho dù khán giả chán, tẩy chay, báo chí vào cuộc với hàng loạt bài phê phán, từ báo mạng tới báo giấy..., cũng không thể ngăn được hàng ngày, hàng giờ, vẫn có thêm những bộ phim cả điện ảnh lẫn truyền hình, như những lô cốt mọc lên khắp các nẻo đường đô thị. Khán giả không thể không xem những bộ phim đang bao vây bốn bề như "thập diện mai phục", cũng như không thể không đi ra đường vì vướng lô cốt.
Cho dù đã có những bộ phim vô bổ phải ngừng sản xuất như "Những người độc thân vui vẻ" năm 2009 của VFC, hoặc mới đây đầu năm 2011 phải dừng chiếu là phim "Anh chàng vượt thời gian" của Nhà sản xuất Năng Động Việt..., tất cả cũng không ngăn được ngày càng có thêm những "hậu bối" phim Việt được nêm thêm những gia vị khó ăn khó ngửi không thể nói thành lời.
Ca sĩ Thu Minh trong phim Anh chàng vượt thời gian
Bộ phim "Lời thú tội của Eva" đang phát sóng trên VTV3 là một món mới không phải là nhạt như nước ốc mà là "...chắc phải vừa xem vừa đổ 5 tấn muối với 10m3 mắm vào miệng mới thấy hơi có vị nước ốc mất. Sao lại có cái bộ phim nhố nhăng, kệch cỡm vậy không biết. Không biết chị Chiều Xuân nghĩ gì mà lại nhận lời đóng vai một bà mẹ kiểu teen nửa mùa thế chứ?", thành viên SPL của diễn đàn otofun.net thất vọng nói.
Diễn viên Chiều Xuân trong phim Lời thú nhận của Eva - ảnh: Galaxy
Còn thành viên namtrivn của diễn đàn dienanh.net lại có một lo lắng "bé Min thì khinh rẻ quậy phá - bày cho các em nhỏ học đòi thói cậu chủ nhỏ - cũng may giờ này các bé khác đã đi ngủ không học đòi theo".
Bàn về San, nhân vật chính của phim "Lời thú tội của Eva", một cô gái đang theo đuổi nghề biên kịch, mới thấy rằng chính các nhà biên kịch đang viết về nghề của mình dở như thế nào.
Không thấy nhân vật trau dồi kiến thức về nghề, thay vì tìm tòi sáng tạo các chi tiết trong cuộc sống để đưa vào kịch bản thì chỉ thấy cô ta lập mưu tính kế, truy tìm số điện thoại của nhân vật giám đốc hãng phim rồi ra sức khủng bố anh ta bất kể không gian, thời gian.
Về tình huống kịch bản, "thảm họa mới của phim Việt" đã đẩy khán giả phim Việt xuống tận cùng sức chịu đựng bằng cảnh phim "chân thật đến rùng rợn" khi để cho nhân vật nữ chính không thể phân biệt được nước rửa kiếng với nước rửa bồn cầu. Ít nhất một nhà biên kịch cũng phải biết đọc chứ?
"Nếu tất cả biên kịch Việt Nam giống như cô nàng San trong phim thì việc tạo nên thảm họa giờ vàng là đúng quá rồi còn gì." thành viên ronbt cũng của diễn đàn dienanh.net mỉa mai.
Biên kịch họ là ai?
Một món ăn ngon cần nguyên liệu để đầu bếp nấu nướng, một bộ phim hay thì lại cần kịch bản tốt để đạo diễn, diễn viên cùng "xào nấu" nhằm cho ra một món ăn ngon.
Cung cấp kịch bản cho phim chính là các "nhà biên kịch", mà đội ngũ các "nhà" này hiện nay vô cùng đông đảo. Ai cũng có thể viết kịch bản cho phim. Đó có thể là một bạn trẻ có khả năng sáng tác, một nhà văn muốn chuyển nghề, một nhà báo, thậm chí chỉ là một bác nông dân như trường hợp của anh Bùi Văn Thành với bộ phim 10 tập "Làng ven đô" đã phát sóng trên VTV.
Ngoài ra, có một số các bạn trẻ được đào tạo chính quy từ Khoa biên kịch Trường sân khấu điện ảnh, hoặc mới đây là từ dự án "Biên kịch và lý luận phê bình điện ảnh" của Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội do Quỹ Ford tài trợ.
Nhưng so với yêu cầu 30% thời lượng phát sóng của các nhà đài, tương đương với hàng ngàn tập phim phải là phim Việt, thì rõ ràng nguồn cung này quá ít ỏi, và không phải ai cũng thành công.
Kịch bản được dựng thành phim ngay từ khi mới ra trường như trường hợp của Diệu Như Trang là chuyện cực kỳ hiếm hoi. Cô gái sinh năm 1988 này đến nay đã có các kịch bản Sám Hối diễn tại Sân khấu kịch Phú Nhuận, phim truyền hình dài tập "Thứ ba học trò, phim điện ảnh "Thiên sứ 99"..., nhưng ngành cô được đào tạo lại là đạo diễn.
Chiếm số lượng nhiều nhất, gây xôn xao dư luận nhất, tạo ra nhiều thảm họa phim Việt nhất là một lực lượng khác, không thể gọi bằng tên. Đó chính là những sinh viên đang học hoặc mới tốt nghiệp của các trường nghệ thuật, đặc biệt ở các ngành Khoa học xã hội & Nhân văn.
Các bạn trẻ này không có tiếng tăm, càng ít có cơ hội quen các Nhà sản xuất phim, đạo diễn. Mặc nhiên, khó có chuyện họ đầu tư viết kịch bản với thời gian 4-6 tháng, có khi cả năm mà chỉ để gửi đi rồi dài cổ chờ đợi.
Sự thật thì không phải như vậy. "Các em ấy viết theo đơn đặt hàng. Thường thì khi có đề cương chi tiết một phim nào đó, nhà biên kịch có tên tuổi sẽ đặt hàng các em viết với giá 1-2 triệu tập phim. Còn tác "giả" chỉ xem lại, biên tập qua loa rồi đưa cho nhà sản xuất". T người trong nghề của một hãng phim cho hay.
Nhà biên kịch có một ý tưởng, đề tài, anh ta bắt đầu xây dựng đề cương chi tiết bao gồm tóm tắt nội dung phim, tóm tắt lý lịch, ngoại hình, tính cách nhân vật, xây dựng tình huống, kịch tính, thắt và gỡ nút cho từng tập phim... công việc này phải mất hơn một tháng.
Việc còn lại là giao cho người viết thuê. Những người viết thuê này có thể là đơn lẻ, cũng có thể là một nhóm nhiều người tập hợp và chia nhau ra viết. Cũng chính vì chia nhau ra viết mà không có sự bàn bạc thống nhất, nên có những phim kết cấu rất lỏng lẻo, tréo ngoe về tình huống, lời thoại, nhân vật...
Công thức của một tập phim cho truyền hình hiện nay là: 45 phút = 45 trang giấy = trên dưới 10.000 chữ (200-300 chữ/trang) = 4-5 ngày làm việc > 5 triệu đồng, người viết thuê nhận được 2 triệu, một khoản thu nhập không đến nỗi nào cho một người vô danh. Nhưng chính vì vô danh, những bạn trẻ này đã nghĩ ra những quái chiêu để tăng năng suất lao động cho mình bằng cách copy hàng loạt phân đoạn của tập phim này sang tập phim khác cho đủ số rồi vô tư trao cho người đặt hàng. Người này do nhận quá nhiều đề cương nên xem qua loa rồi đưa cho nhà sản xuất. Hậu quả là biên tập viên của nhà sản xuất lãnh đủ.
Vốn sống ít, lại thiếu trách nhiệm trong công việc, kết quả là những kịch bản từ nguồn này trở thành một thứ "thịt" không đủ chất lượng, ôi thiu, khiến các đạo diễn, diễn viên dù giỏi xào nấu đến mấy cũng chỉ nấu được những món ăn khi dọn lên bàn ăn ai cũng phải bịt mũi quay đi. Chưa kể là thứ "thịt" ấy không may gặp phải đầu bếp là đạo diễn và diễn viên dở thì cái sự "bịt mũi quay đi" ấy lại càng tăng lên gấp bội.
Nhưng mặc kệ bị chê, mặc kệ bị chửi, kịch bản dở vẫn đều đặn ra lò, phim dở vẫn hối hả lên sóng và ra rạp.
Đ, giám đốc một công ty cổ phần chuyên sản xuất phim bán cho các đài truyền hình tiết lộ rằng "sắp tới một nhà đài lớn ở phía Nam sẽ có sự thay đổi sâu rộng về nhân sự và cho ra một công ty cổ phần riêng có chức năng sản xuất quản lý phim. Phim lên sóng chắc sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên..." Đ bỏ lửng câu nói rồi đưa 2 ngón tay lên minh họa một cách ý nhị.
Bài in trên Tạp Chí Thế Giới Mới tháng 6 năm 2011
Tác giả Nguyễn Đức Bình
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com