Đánh giá
Năm 2022, đoàn liên ngành và các đội liên ngành, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông địa phương đã tiến hành 1.833 cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ sở in, cơ sở phát hành, cơ sở photocopy. So với năm 2021 là 722 cuộc, tăng 154%.
Các đoàn, đội ban hành 76 quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt trên 1,2 tỉ đồng (tăng 53% so với năm 2021). Trên 130.000 ấn phẩm và bán thành phẩm không rõ nguồn gốc bị thu hồi, tiêu hủy.
Một số địa phương có kết quả nổi bật về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Ví dụ, Hà Nội tiến hành 493 cuộc, xử phạt vi phạm hành chính 12 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền xử phạt là 341,5 triệu đồng, buộc tiêu hủy 1.425 xuất bản phẩm, 7.270kg bán thành phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Trong hội nghị, đại diện các địa phương Hà Nội, Quảng Ninh, TP.HCM, Quảng Ngãi, Bắc Kạn… phát biểu về những thành quả và khó khăn trong phòng, chống in lậu.
Bà Hồng Hạnh, đại diện đơn vị Hà Nội, đưa ra vụ việc phức tạp, mức độ vi phạm lớn, điển hình như: cơ sở phát hành xuất bản phẩm của bà Nguyễn Thị Khoái có dấu hiệu sản xuất, buôn bán sách giả với số lượng 40.318 cuốn (ước tính trên 11 tấn).
Cơ sở in Công ty cổ phần In và Truyền thông Kết Thành và Công ty TNHH Thương mại in công nghệ Cao Thuận Phát thực hiện in và gia công sau in xuất bản phẩm không có quyết định xuất bản và xuất bản phẩm không được cấp phép phát hành.
Đoàn thanh tra tạm giữ 8 đầu xuất bản phẩm với tổng số 4.400 xuất bản phẩm, ước tính gần 21 tấn thành phẩm và bán thành phẩm.
Cơ sở phát hành Nhà sách Ngoại Ngữ có dấu hiệu sản xuất, buôn bán sách giả. Đội liên ngành phòng chống in lậu đã tạm giữ 393 đầu xuất bản phẩm với tổng số 74.636 cuốn sách (ước tính 40 tấn) không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc xuất xứ.
Hồ sơ các vụ việc được chuyển đến Công an Hà Nội để tiếp tục điều tra.
Còn ở tỉnh Bắc Kạn, vào năm 2022, đội liên ngành tiến hành kiểm tra tại 25 cơ sở in, cơ sở photocopy trên địa bàn tỉnh; đã ban hành ba quyết định xử phạt vi phạm hành chính với ba cơ sở in/photocopy.
Tổng số tiền phạt là 6 triệu đồng với hành vi như "lưu giữ không đầy đủ hồ sơ nhận in xuất bản phẩm" và hành vi "thực hiện dịch vụ photocopy nhưng không khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền".
Ông Nguyễn Văn Dòng - chủ tịch Hiệp hội in Việt Nam, cho biết mình đã làm trong nghề được 50 năm và bức xúc về vấn nạn này.
Ông cho rằng dùng từ in lậu là chưa đủ, in chỉ là một khâu thôi. "Cần nhận diện đúng việc in lậu. Ai mới là đối tượng. Giám đốc của một nhà in mà nhận tiền công thì chẳng ai in lậu làm gì bởi in không có lời. Đối tượng hàng lậu phải là những kẻ đầu nậu, chủ mưu", ông nói.
Ông Dòng nhấn mạnh: "Bây giờ cái gì cũng giả. Sách giả, tem giả, nhãn hàng cũng giả…
Tôi cho rằng biện pháp chế tài của Việt Nam chưa đủ mạnh. Nếu chế tài theo kiểu xử lý hành chính chỉ phạt vài ba chục triệu đồng không giải quyết được vấn đề gì.
Chúng ta phải làm sao đưa vấn đề này vào Luật Sở hữu trí tuệ để có biện pháp chế tài mạnh, như ở một số nước".
Ông Nguyễn Nguyên - trưởng đoàn liên ngành phòng, chống in lậu toàn quốc, cho rằng vấn nạn in lậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sáng tạo.
Ở các quốc gia, việc phòng chống vấn nạn này được chú ý đặc biệt. Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Làm sao để chống buôn lậu, tội phạm xuất bản vẫn còn là câu hỏi lớn cần tìm câu trả lời.
Theo tuoitre.vn
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com