chan_dung-ke_si

ÔNG VÀ CHÁU - Truyện ngắn Đỗ Kim Cuông

14-07-2023

Lượt xem 720

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  truyện ngắn hay ĐỖ KIM CUÔNG

ÔNG VÀ CHÁU - Truyện ngắn Đỗ Kim Cuông
Nhà văn Đỗ Kim Cuông
 
ị tướng ấy đã ngoài tuổi bảy mươi, nhưng vóc dáng còn khỏe mạnh, da đỏ au. Từ Hà Nội vào Nha Trang ông không đi bằng máy bay theo đoàn, chỉ mất có hơn hai giờ đồng hồ mà ông lại ngồi tàu xuyên Việt. Thời gian đi có dài hơn, những hai ngày một đêm. Miền Trung lại đang mùa mưa bão. Lụt trắng Huế, cầu đường bị hư hại nhiều chỗ. Cùng đi với vị tướng còn có một cô bé cũng đã ngoài tuổi đôi mươi xinh đẹp và nhí nhảnh: "Sao không đi máy bay hả ông?". Ông tướng cười nhìn cô cháu gái, giọng bình thản: "Biết còn có dịp nào ông lại được đi trên con đường này, hả cháu. Tuổi ông già rồi... Như cái bóng...". "Cháu xin lỗi ông... Cháu cũng thích đi tàu được nhìn ngắm phong cảnh. Đi máy bay thì chẳng thấy gì hết". Ông như không nghe thấy lời cô cháu gái, trôi trong niềm suy tư. "Người già sống bằng kỷ niệm, cháu ạ. Có đi như thế này, ông mới nhìn thấy những đỉnh núi Trường Sơn, nhìn thấy dòng sông Bồ, sông Hương, sông Thu Bồn, sông Trà, Đèo Cả... Tuổi trẻ của ông gửi lại ở đấy cháu ạ. Ôi, cái thời "Nam tiến". Ông và đám bạn trai Hà Thành cất vang câu hát "Ta đi, ta đi mang hồn sông núi..." Và ngâm hoài câu thơ: "Từ thuở mang gươm đi mở nước. Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long".
 
Tàu hỏa đến Nha Trang vào một buổi chiều. Tàu dừng, hai ông cháu hòa vào dòng người đi ra cửa ga. Không ai đến đón ông cả. Vả chăng, vị tướng cũng muốn thế. Ông đã cố ý đi tới trước một ngày theo như giấy mời của Ban lễ tân "23 tháng Mười". Và ông cũng đã tự chọn cho cả hai ông cháu một khách sạn rẻ tiền - đúng hơn là một nhà khách của một cơ quan. Nhưng từ chỗ ở, ra biển chỉ có hơn trăm bước. Ông cảm thấy mình có lý khi chọn phương án đi sớm một ngày. Chiều mai ông sẽ gặp bạn bè từ trong Nam ngoài Bắc đổ về đây. Lại những cái bắt tay, những lời hỏi thăm và câu chuyện sẽ cuốn hút ông vào những vại bia quanh bàn tiệc.
 
Sau bữa cơm chiều, trời còn sáng, vị tướng dắt cháu ra biển. Cô cháu gái có dịp trút bỏ bộ quần áo đi tàu và diện một chiếc váy hoa sáng, đẹp ngời ngợi. Lần đầu cô gái đến Nha Trang, đứng trên bờ cát chỉ cách có mươi bước chân đã là những đợt sóng trắng luôn tung bọt trắng xóa. Chiều biển động, nhưng lại tạo ra một vẻ đẹp mê hồn. "Nửa thế kỷ trước, đây là chiến địa đấy cháu. Máu đổ, chết chóc, khói bụi mịt mù và cả bầu trời râm ran tiếng đạn pháo... Này cháu, cháu có thấy cái mỏm đồi có mái nhà ngói đỏ nhô lên kia không?". "Dạ có ạ!". "Gọi là đồi La San. Lúc ấy, ông ở đấy với hai khẩu sơn pháo 75 ly. Đứng từ đấy, ông có thể quan sát tới tận Cầu Đá. Có lúc ông lại leo lên đỉnh Tháp Bà nhìn qua sông để xác định điểm chuẩn cho pháo bắn...". "Chiến tranh là bắn giết nhau hở ông?". "Phải, bắn giết nhau - nhưng là một cuộc chiến đấu có mục đích. Một bên là những người giữ đất, còn phía bên kia là những kẻ cướp nước". Mai sớm, ông sẽ đưa cháu lên chơi Tháp Bà và sẽ đưa cháu xuống thăm một cái xóm chân cầu". "Có gì lạ lắm không ông?..." "Không có gì lạ với mọi người, như ngàn vạn xóm chài khác. Có chăng, chỉ riêng ông...".
 
- Ông kể cho cháu nghe đi!
 
Cô gái cầm tay vị tướng và dìu ông ngồi xuống một chiếc ghế đá lạnh băng.
 
- ờ thì ông kể. Dù chả mấy người biết chuyện này, kể cả bố cháu. Bố cháu là một nhà khoa học, chỉ quen nhìn cuộc sống theo những lo-gic của toán học. Ngọn núi là ngọn núi. Rừng cây là rừng cây, mà ít chịu hiểu rằng trong đất còn có cả máu. Trong mỗi thân cây còn có cả mầm mống luôn động cựa... cháu ạ, ở cái xóm chân cầu giữa những ngày lửa máu ngút trời ấy, ông đã yêu và được yêu.
 
Vào mỗi buổi tối, khi tiếng súng tạm ngưng, chiến sự im ắng, ông và vài chiến sĩ xong ca trực lại xuống chân đồi trú trong những nhà dân. Dạo ấy, ông mới chỉ là anh lính pháo thủ. Trẻ khỏe, yêu đời, vô tư. Người con gái ông quen và yêu ngày ấy là con của một chủ tiệm tạp hóa nhỏ. Cha cô có một con thuyền đi đánh cá, còn bà mẹ và cô con gái vừa lo việc nội trợ vừa bán hàng. Vào những ngày chiến tranh bùng nổ, cả xóm chân cầu trở thành nơi đóng quân của bộ đội, tự vệ. Những trái đạn pháo từ tàu chiến của Pháp ngoài biển bắn vào, đạn moóc-chi-ê từ các phòng tuyến của địch ở trong phố bắn sang đều rơi xuống triền đồi phía tây hoặc vào bãi cát ven biển. Dân trong xóm Cầu, trai tráng khỏe mạnh thì đi dân công vác đạn, gánh gạo, tải thương. Các bà các chị thì nấu cơm, vắt cơm cho bộ đội.
 
Cháu ạ! - Vị tướng già im lặng trong giây lát nhìn vào khoảng không gian bao la của biển cả trong ánh hoàng hôn của buổi chiều tà. Mặt biển đang dần sẫm lại. Trong lúc ở vùng trời phía tây vẫn le lói lên những ánh vàng. Ông lại tiếp: Ông đã nhớ không rõ mình được gặp cô gái bán hàng xén mấy lần. Không có những cuộc dạo chơi. Không thư từ hò hẹn. Điểm duy nhất để ông có thể gặp gỡ trò chuyện cùng với cô ta là ở khoảng sân dưới tán cây trứng gà xanh um, sai trái. Ông ngồi xay bột. Cô gái ấy ngồi bên vừa đổ nước vào chiếc cối vừa trò chuyện vui vẻ.
 
Phải mất 6 năm sau, ông và người con gái ấy mới chính thức được là vợ chồng... Đám cưới được tổ chức trong rừng, ở một bản người Ê Đê dưới chân đèo Ma-đơ-rắc. Không biết ai báo tin cho cô gái. Cô đã cải trang làm người buôn hàng chuyến và đi tìm ông. Và ông cũng chỉ sống với "bà ấy" được vừa đúng ba đêm, rồi chia tay nhau. Dạo ấy, Pháp đang đổ quân lên càn Tây Nguyên. Đơn vị ông phải đi chiến dịch.
 
Thêm 5 năm nữa, vào năm 1955, ông mới nhận được tin tức của vợ con. Người ta dẫn đến cho ông một đứa trẻ 5 tuổi, gầy yếu. Những dấu sẹo ghẻ lở in đầy trên hai bàn tay và cặp chân nó. Chỉ nhìn đôi mắt, khuôn mặt của đứa trẻ ông biết chắc đó là con mình. Đó cũng là bố của cháu bây giờ, cháu ạ.
 
- Còn người con gái ông yêu...?
 
- Là bà nội cháu. Vị tướng nói chậm rãi - Chỉ tiếc rằng bà nội không còn sống. Những đồng chí cán bộ ở vùng này tập kết ra Bắc, bảo với ông rằng: sau lúc sinh con được vài tháng, bà đã mất vì băng huyết.
 
- Vậy mà ông sống chừng ấy năm để nuôi bố cháu? - Cô cháu gái như muốn chia sẻ nỗi vất vả của người ông.
 
Vị tướng như không nghe thấy điều thắc mắc của đứa cháu nội, hoặc giả ông tránh trả lời - Cháu ạ! Đời người thực ngắn. Nhưng với ông lại là quá dài... Chỉ từ ngày có cháu, niềm vui mới trở lại với ông... Cháu mang hình bóng của bà.
 
Mặt biển đã sẫm lại và vô số những con thuyền đánh cá ngoài khơi đã tỏa sáng ánh đèn, kéo thành một dãy dài như một đường phố nổi. Vị tướng hít từng hơi dài không khí trong lành của biển cả. Ông cảm thấy sảng khoái và dễ chịu. Ngày mai "hội quân", ông sẽ gặp lại vô số bạn bè từ thời trai trẻ. Nhưng tự trong sâu thẳm của lòng mình ông biết rằng dù có vui bao nhiêu đi chăng nữa, ở ông vẫn len vào một khoảng trống vắng không có gì bù đắp nổi.
 
Lấp lánh trên bầu trời là những vì sao.
Gió thổi ào ạt trên những chòm lá dừa.

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.