chan_dung-ke_si

NHỮNG MẢNH VỤN - Truyện ngắn Ngô Ngọc Bội

05-05-2023

Lượt xem 1652

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  truyện ngắn hay ngô ngọc bội

NHỮNG MẢNH VỤN - Truyện ngắn Ngô Ngọc Bội

Ngô Ngọc Bội

   Truyện đã cách đây hơn hai mươi năm. Trong một buổi chiều trời bắt đầu se lạnh, từ cơ quan Mơ ôm về chiếc vỏ chăn tiết kiệm. Nét mặt cô vừa sượng sùng vừa hân hoan, giơ trước mặt chồng.

   - Em vừa mua được cái này. Cũng phải bình nghị mãi, nhà mình "hoàn cảnh" nhất mới được ưu tiên.

   Biền đỡ cái vỏ chăn vội vàng giơ lên xem. Ðây là cái vỏ chăn hai lớp, can từ hàng trăm những mảnh vải vụn, mầu xanh công nhân. Những mảnh vụn từ xí nghiệp may nào đó, rồi một lớp người nào đó chắp vá thành chăn. Biền mừng và thốt lên:

   - Thế nhà ta "hoàn cảnh" gì mà được ưu tiên?

   Nét mặt Mơ chợt xịu xuống, dằn dỗi:

   - Anh còn không biết hoàn cảnh gì à?

   Biền sực tỉnh liếc nhìn vợ: Ôi... Mơ đã sắp tới ngày.

   - Anh xin lỗi em. Hoàn cảnh công tác của anh. Cái nghề phóng viên quèn trong chiến tranh này, suốt năm, suốt tháng lang thang, hết Quảng Bình, Vĩnh Linh, lại Hàm Rồng, Long Ðại, ở nhà em tự lo như vậy, thật cảm ơn.

   Nhưng còn nét mặt ỉu xìu trầm lắng của Mơ, không chỉ hàm chứa giận chồng về mặt vô tâm, nó còn khắc sâu nhiều điều khác nữa. Trong đó có một điều, từ khi vợ chồng cưới nhau, cho tới nay đã hai năm, việc sắm sửa đầu tiên cho cái tổ ấm sáu mét vuông này chính là cái vỏ chăn tiết kiệm. Nó cũng trị giá bằng một phần tư số lương tháng của vợ anh. Biền an ủi vợ:

   - Thôi, đừng buồn nữa em. Có cái vỏ chăn này chúng mình cũng đỡ lo một phần.

   Bốn tháng đi phục vụ chiến dịch Quảng Trị, khi quay về thì Mơ đã sinh cái Lợi được hai tháng. Lúc ấy trời vẫn còn lạnh. Biền ôm chiếc vỏ chăn ra bàn làm việc của cơ quan căng màn ngủ. Anh thầm nghĩ: nếu không có cái vỏ chăn này không biết tối nay anh sẽ chui vào đâu.

   Chẳng biết cái vỏ chăn có bao nhiêu mụn vải, mụn lớn nhất bằng bao diêm, nhỏ nhất bằng lá lúa. Có lúc lẩn mẩn Biền đã đem ra đếm thử, nhưng lẫn lộn lung tung, nó chẳng ra hàng lối gì. Nó chỉ là cái vỏ chăn, nhưng nhờ những mép vụn còn ùn lại phía trong tạo thành một lớp mền dày, giữ hơi ấm tuyệt vời. Nó nặng tới bốn cân. Nó chẳng mỏng manh như vỏ chăn "con công" của các cô gái. Không đếm được rành mạch từng mảnh vụn, Biền lại nghĩ tới người nào đó, chẳng biết ở hoàn cảnh nào đã kỳ công khâu thành? Có phải là một cô gái đang "phục hồi nhân phẩm", hay một bà già không có công ăn việc làm. Người ấy chắc phải có tính kiên trì lắm. Khéo tay và sắt se lắm mới làm nổi. Ðây là một công trình lao động. Công trình mỹ thuật, chứ không còn ở phạm trù "tiết kiệm" nữa.

   Sống trên mặt bàn làm việc của cơ quan và cái buồng xép sáu mét vuông, vợ chồng con cái Biền cũng trụ được tới chín năm. Vì cơ quan xa, sáng ra Mơ phải đi rất sớm. Còn Biền trở dậy ôm tất cả chăn màn về buồng vợ. Nhưng rồi anh phát hiện ra ngay ở những kẽ tủ, kẽ bàn làm việc có thể nhét chăn màn vào đấy và khẽ nói với bà phục vụ cho anh để nhờ. Rồi anh tình nguyện riêng buồng này anh sẽ chịu trách nhiệm làm vệ sinh. Khi anh em trong phòng đến làm việc, thì Biền đã chững chạc ngồi tại bàn mình. Anh em khen: "Ông Biền lúc nào cũng là người giờ giấc nghiêm túc nhất!". Biền chua chát: "Tôi nhập được cách sống của loài chuột, loài gián đấy, ông ạ".

   Thế rồi năm thứ mười vợ chồng Biền dùng cái vỏ chăn tiết kiệm, anh được cơ quan phân phối cho căn hộ mười tám mét vuông trên tầng năm - một ngôi nhà tập thể lớn, cạnh cái hồ nước mới đào của thành phố. Về nhà mới, hai năm đầu chưa có điện nước. Vợ đi làm xa, ngày nào Biền cũng phải đem quần áo của cả nhà xuống hồ giặt giũ, và gánh bảy gánh nước lên tầng đổ vào thùng phuy cho vợ con dùng.

   Sống như thế nhưng đời đâu hết hoạn nạn. Mơ lâm bệnh tim. Ba năm trời anh đèo vợ đi hết bệnh viện Tây y lại sang Ðông y. Rồi Mơ qua đời. Chôn cất vợ xong anh không dám hủy bỏ thứ gì vợ chồng đã dùng. Kể cả những bộ quần áo tàu tàu của Mơ, anh đều giặt cẩn thận rồi gấp cất đi. Anh muốn giữ hơi hướng của Mơ mãi mãi. Cũng có thể những thứ ấy sau này cái Lợi sẽ phải dùng. Nếu không thì cho người thân của anh, của Mơ còn muôn vàn thiếu thốn. Cha con sống quá khổ cực thiếu thốn như vậy, Biền chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ bước đi bước nữa. Anh chỉ nghĩ chăm lo học hành cho con gái.

   Mười bảy năm Biền dùng cái vỏ chăn tiết kiệm cũng là cái Lợi vừa 17 tuổi, cái Lợi vừa học chữ lại vừa học máy khâu, đi khâu thuê. Một hôm nó ôm về cái vỏ chăn hoa vải Nam Ðịnh. Mặt cái Lợi tươi hơn hớn, chứ không ỉu xìu như mặt mẹ nó ngày xưa ôm cái chăn tiết kiệm về. Nó đưa cho Biền:

   - Thôi, hôm nay thì bố phải vứt cái vỏ chăn đi, con biếu bố cái này.

   Nó sầm sập ôm vỏ chăn tiết kiệm lao xuống cầu thang. Biền ngồi lặng đi, chẳng ra đồng ý cũng chẳng phản đối. Khi cái Lợi qua khỏi nhà, Biền quay ra ban công nhìn xuống bãi rác ở ven hồ. Nơi đó có hai ba người đang bới rác bằng cái cời sắt. Khi thấy cái Lợi ôm rác ra họ đều ngừng tay, ngóng chờ. Ðứng trên nhà Biền cũng thấy hồi hộp. Khi cái Lợi vứt cái vỏ chăn xuống bãi rác, mọi người xúm lại lấy cời bới tung tung ra. Biền nghĩ thế nào cũng có người nhặt. Dầu sao thì vẫn còn dùng được. Nếu không đem bán cho hàng giẻ rách cũng có giá. Nhưng lạ chưa, họ lại lấy cời cời lại lẫn với rác bẩn. Họ chỉ nhặt giấy vụn, ni-lông và những mảnh nhôm. Biền thấy ruột quặn đau. Khi cái Lợi quay lên, Biền khẽ nói với con:

   - Con ạ, con vứt đi bố thấy băn khoăn lắm. Vì dầu sao nó vẫn còn dùng được. Hai nữa nó đã đi gần suốt cuộc đời của bố mẹ. Khi con mới là hòn máu trong lòng mẹ con.

   - Thì dùng mãi rồi bố cũng phải "hóa kiếp" cho nó chứ?

   - Không, nhưng mà bố còn một băn khoăn lớn nữa, bố chưa được gặp cái người khâu ra nó.

   - Ôi dà, bố hay cả nghĩ. Coi chừng, bố lẩn thẩn rồi đấy. Cái người khâu ra nó chắc cũng đã được hóa kiếp rồi.

   - Không, con phải xuống mang về cho bố. Nếu không bố sẽ không chịu nổi.

   - Thế bố định giữ tới bao giờ?

   - Bao giờ bố xuống lỗ thì con chôn theo cho bố. Về dưới ấy bố mẹ sẽ lại đắp chung.

   Cái Lợi chạy xuống ôm vỏ chăn về, nó giao hẹn với Biền:

   - Ðem về thì đem nhưng bố không được đắp nữa. Nhà mình trống trải chẳng có buồng, chẳng có màn gió. Bố đắp, khách khứa đến chơi, người ta cười con.

   Vụ rét tiếp theo Biền đem trải lên chiếu nằm. Cái Lợi sắm thêm cho bố cái ga bằng vải hoa, mầu hoa cà phủ lên vỏ chăn cho khuất. Nó ý tứ vì biết bố rất yêu mẹ nó. Bố dùng mầu hoa cà mới hợp.

   Con gái Biền học giỏi. Tốt nghiệp đại học nó được phân công đi phụ giảng ở trường Ðại học sư phạm hai. Cách chỗ ở hơn ba mươi cây số. Thế là niêu cơm của hai bố con Biền phải chia đôi. Lúc này Biền đã ở tuổi năm mươi, sức khỏe thuộc loại B. Mỗi lần về thăm bố, cái Lợi tỏ ra sốt ruột:

   - Thế bố vẫn chịu sống thế này thôi à bố?

   - Thế con bảo bố sống thế nào?

   - Chắc phải hóa kiếp cái vỏ chăn kia đi thì rồi bố...

   Nói thế, nhưng không bao giờ cái Lợi dám "xúc phạm" tới cái vỏ chăn tiết kiệm. Biền nói với con:

   - Thôi thì con cố ở trên ấy vài năm, rồi dần dần xin chuyển về gần bố. Mà có yêu thằng nào cũng phải yêu cái thằng nó có hộ khẩu ở nội thành. Rồi đưa nhau về đây mà ở.

*      *      *

   Thế là lại qua đi vụ rét thứ hai mươi hai Biền dùng chiếc vỏ chăn tiết kiệm. Hôm nay trời nắng to, anh mang nó ra hồ giặt. Vừa mới xát bàn chải lên  chăn thì từng đường chỉ khâu mủn tung ra. Hai mươi hai năm rồi còn gì nữa. Nhưng anh vẫn không chịu bỏ. Anh gượng nhẹ giặt cho sạch, rồi giăng lên bức rào gần đấy, phơi. Làm xong mọi việc vệ sinh trong nhà để đón mùa nắng ấm thì đã một giờ chiều. Anh hạ lưng nghỉ và chợp đi một giấc. Chợt có tiếng gõ cửa. Tiếng gõ vừa rụt rè, nhút nhát vừa hấp tấp. Biền rút chốt hé cửa. Trước mặt anh là người đàn bà rách rưới bẩn thỉu. Ðầu đội nón mê, tay xách bị cói. Thấy Biền chị ta lắp bắp, sợ sệt:

   - Em làm phiền bác quá!

   - ăn xin chứ gì? Biền đang định quay vào lấy ví thì người đàn bà nói nhanh:

   - Vâng, em đi ăn xin, nhưng lúc này lên với bác em không phải để ăn xin. Bác là bác Biền có phải không ạ?

   - Phải. Thế có chuyện gì?

   - Cái vỏ chăn phơi ở dưới kia là của bác ạ?

     - Ðúng. Thế thì sao?

     - Có phải bác đã dùng hơn hai mươi năm nay?

   - Ðúng. Làm sao mà cô biết?

    - Chính tay em đã khâu ra nó!

    - A...a... a! Thật à! Thế thì mời cô tạm vào trong nhà.

    Người đàn bà len lén bước vào góc nhà.

    - Cô ngồi xuống kia, tôi pha nước cô uống.

    Người đàn bà trấn tĩnh dần. Và cố tranh thủ thanh minh để cho chủ nhà chóng tin:

   - Nhìn thấy cái vỏ chăn ấy, người em sửng sốt nóng bừng bừng. Cứ thấy như cả cuộc đời đã qua của mình hiện lên. Em đi gõ cửa từng nhà, từ tầng một đến tầng ba. Có một bà già phúc hậu bảo vỏ chăn ấy là của bác Biền trên tầng năm, nên em mới tìm  lên chỗ bác.

    Biền cảm thấy có cái gì như mộng ảo, như huyền thoại. Nhưng anh vẫn chưa dám tin và đang nghĩ cách thẩm tra:

    - Có gì chứng minh là cô đã khâu cái chăn ấy?

    - Em làm thì em nhớ, mặc dầu đã hơn hai mươi năm rồi. Bác đem về bác đếm nó sẽ là 1.534 miếng vụn. Không đúng thì bác có quyền lột xác em.

    - Làm sao mà đếm được, nó sẽ lẫn lung tung.

    - Nếu vậy, em sẽ đếm cho bác coi.

    - Chuyện lạ đấy. Vậy cô ngồi uống nước, tôi sẽ mang lên ngay.

   Nhờ trời nắng to, cái vỏ chăn đã khô cong. Người đàn bà ôm vỏ chăn vào lòng nước mắt dàn dụa:

   - Bác cho em xin một viên phấn.

   Biền mở ô kéo chiếc máy khâu của con gái, đưa cho người đàn bà viên phấn  mầu. Người đàn bà đứng lên:

   - Bác cho em trải cái vỏ chăn lên giường của bác. Em cứ đếm đúng một trăm thì bác gạch một gạch vào mảnh giấy của bác.

   Biền lấy giấy bút ra. Người đàn bà vạch phấn lên từng mụn vải một. Miệng đếm một, hai, ba, bốn... một trăm. Hiểu ra cách đếm của người đàn bà, Biền òa lên sung sướng. Người đàn bà thấy chủ nhà vui cũng hồ hởi dần:

   - Ngày xưa khâu xong cái nào em cũng đều phải đếm như thế này để ghi công. Tý nữa đếm xong em sẽ dở cho bác xem con số mà em đã ghi ở trong lần trái cái chăn này, sợ lâu ngày thế, nó có còn nhìn thấy hay không. Xong rồi! Bác thử cộng xem có đúng với con số em nói với bác không?

   - Cô bảo là bao nhiêu nhỉ?

   - 1.534, bác ạ!

   - Ðúng. Chịu "thầy"!    

 Người đàn bà lại hăm hở lật trái chiếc chăn. Tít mãi tận góc cuối cùng có miếng mụn bằng con tem vẫn còn ghi nguyên con số trên, bằng mực cửu long, khá rõ. Hai người nghỉ tay và cùng uống nước. Biền nhìn người đàn bà, trầm ngâm:

   - Ở hoàn cảnh nào mà cô chịu ngồi khâu cái vỏ chăn như thế?

   - Chuyện dài lắm chẳng biết bác có chịu nghe hay không?

   Lúc ấy trời đã gần tối. Nỗi băn khoăn của Biền hàng chục năm nay, lần này có cơ tháo gỡ.

   - Thôi được. Nếu vậy thì hôm nay cô nghỉ lại đây. Chắc bây giờ cô cũng chẳng còn biết đi đâu.

    - Ở lại đây rồi bác gái về bác ấy xé xác em!

    - Vợ tôi mất từ lâu rồi. Hôm nay thứ tư, con gái tôi nó cũng không về. Cô ở lại với tôi không vướng bận gì. Rồi cô kể cho tôi nghe câu chuyện của cô. à, hàng ngày thì cô ở đâu nhỉ? Tên cô là gì nữa?

   - Tên em là Xuyến, Minh Xuyến. Quê em ở dưới đồng bằng. Dưới quê em có một túp nhà, mẹ em để lại, và ba sào ruộng khoán. Nhưng mẹ em đã chết lâu rồi. Quê em có tập quán xấu. Rỗi rãi là hay rủ nhau đi ăn xin. Ði ăn xin người ta bịa ra đủ mọi hoàn cảnh: Bị bão lụt, bị hỏa hoạn, bị nhỡ đường, bị trấn lột. Bị con ốm  nằm bệnh viện lâu, bây giờ ra viện không có tiền về quê... Nghĩa là nói thế nào cho người ta xiêu lòng.

   - Thế cô cũng đi "hành nghề" lâu rồi à?

   - Cũng đã sáu bảy năm nay.

   - Nhưng ở hoàn cảnh nào thì dễ xin nhất?

   - Dễ nhất là có con  mọn ôm trên tay.

    - Thế lần này lên không có con thì cô nói thế nào?

   - Cứ bảo là bệnh tật, là đi kinh tế mới, bị trấn lột ngang đường, cũng tùy cơ ứng biến. Nhìn từng đối tượng mình xin mà bịa ra cho hợp.

   - Cô cũng nhiều kinh nghiệm đấy.

   - Vâng. Nhưng lần này em lên là vì có con bạn nhắn lên. Nó tên là Thu. Bạn từ ngày còn ở thanh niên xung phong chống Mỹ. Nghe nói nó mới có con. Nhưng lên tới nơi thì buồng nó khóa cửa. Hỏi người ta bảo Thu bế con về thăm bà ngoại, em mới lang thang tới đây.

   - Thế cô là thanh niên xung phong?

   - Vâng. Cả cái Thu nữa. Chúng em đi đợt năm 1966. Hết đợt một, năm 1969 cái Thu quay ra đi học. Em đăng luôn đợt nữa đến năm 1972.

   - Thế cô khâu cái chăn ấy vào dịp nào. Nhưng thôi, để đến tối kể.

   - Ðời cái Thu cũng khổ cực lắm, anh ạ. Nhưng nó hơn em là có con và được  ở thành phố. Hơn bốn mươi tuổi mà có con được thì mừng lắm. Nhưng nó có con rồi lấy gì mà nuôi con. Cái cơ quan của nó suốt ngày "đoán gió dò mưa" nghèo như xơ mướp.

   - Thôi được. Cô đi tắm đi. Tôi chạy ra chợ kiếm thức gì về thổi cơm.

   - Em không có quần áo thay. Ði ăn xin em chỉ mặc thế này thôi. Về với cái Thu em thay bằng quần áo của nó.

   - Gớm ghiếc lắm, bẩn thỉu lắm. Người đã may cho tôi cái chăn tôi đắp hai mươi năm nay, không được bẩn thỉu thế này. Vừa nói Biền vừa mở hòm lấy ra bộ quần áo của Mơ - Ðây là quần áo của vợ tôi ngày xưa, cô mang thay. Trong buồng tắm có xà phòng, có nước bồ kết. Cô tắm  gội cho sạch, tôi đi một lúc tôi về.

   Ðường từ nhà ra chợ, trong lòng Biền khấp khởi: biết đâu đây chẳng là số kiếp. Ra phố, Biền cố ý loăng quăng để cho Xuyến có nhiều thì giờ. Khi về, Xuyến đã mặc bộ đồ của Mơ đang đứng trước gương chải tóc. Trông Xuyến đã thay đổi hẳn. Xuyến nguyên là một cô gái đẹp. Nhưng nay thì đã quá tàn tạ. Nhìn thấy Biền về, Xuyến tỏ ra bẽn lẽn:

   - Trông em có giống chị ấy ngày xưa chút nào không anh?

   - Chỉ giống đều là đàn bà thôi. Vợ anh ngày xưa đậm người, còn em thì mỏng như tờ giấy.

   - Em ngày xưa to khỏe lắm, anh ơi. Ngày xưa em năm mươi ba ki-lô, bây giờ em chỉ còn bốn mươi ba ki-lô thôi.

   Cũng là một cử chỉ rất tự nhiên, khi hai người khác giới cô đơn sống bên nhau, lại có những hoàn cảnh rất thuận lợi. Biền đi lại phía Xuyến, quàng vai Xuyến cùng ghé vào gương - "Chúng mình cũng vừa đôi đấy chứ nhỉ". Xuyến liền ngả đầu vào Biền, hai người dìu nhau lại giường. Xuyến trơ ra như một khúc gỗ mục.

   - Em làm sao thế?

   - Em chẳng làm sao cả.

   - Như khúc gỗ mục thế này à?

   - Em không biết. Có bao giờ em...

   Chợt có sự thức tỉnh của đạo đức, Biền buông Xuyến ra. Xuyến vùng lên ôm ghì Biền xuống:

   - Em van anh, em lạy anh, anh đừng khinh em, đừng bỏ em. Gần chót đời em chưa biết thế này là thế nào. Anh cho em được làm đàn bà với. Chả nhẽ chết đi em vẫn là... Cái Thu nó đã có con. Nó đã mãn nguyện. Em tội lỗi gì mà đời hắt hủi em.

   Thực tình Biền cũng không phải là người tuyệt đối đứng đắn. Các cụ bảo rằng: "Rắn đến nhà chả đánh cũng quái..." Anh lại ôm Xuyến và lăn lộn xoay xở đủ vành. Nhưng Xuyến vẫn cứ trơ trơ.

   - Khốn khổ, em không còn là đàn bà nữa rồi.

   - Ai bảo anh thế, em còn tất cả.

   - Ðúng, nhưng nó chỉ còn là cái xác thôi. Không có cái hồn nữa. Ngực của em đã teo hết. Chỉ rõ hai cái núm nhỏ như ngực đàn ông. Nó vô dụng.

   - Thế là hôm nay em được đắp chung với anh cái chăn tự tay em khâu. Ðây là cả đời con gái của em... Biết đâu trời phật đang định trả công cho em. Ðời em vất vả lắm, anh ơi. Bố em chết trẻ. Khi bị truy bức, bố em tự sát. Mẹ em ở vậy nuôi em ăn học. Bà ngầm thu vén em nên người để trả nợ cho đời. Năm mười lăm tuổi em đang học lớp tám nhưng người em đã phổng phao đầy đặn . Giữa lúc phong trào đi thanh niên xung phong, phục vụ chiến trường nổi lên rầm rộ. Em xin đi, mẹ em buồn nhưng không ngăn cản. Ông cậu ruột em lúc ấy là chủ tịch xã, khai tăng cho em hai tuổi để em được đi. Lúc đầu  ra đi chúng em đóng quân ngoài Quảng Bình, sau dần dần chuyển vào tuyến trong. Những năm đầu em rất khỏe. Ba năm liền  không phải thuốc thang. Nhưng từ năm thứ ba trở đi thì em ốm quặt quẹo. Mái tóc rụng gần hết, kinh nguyệt thất thường. Thế rồi mất hẳn. Hồi ấy bọn nữ chúng em một trăm phần trăm mất kinh nguyệt. Nhưng tuổi thanh niên đang hăng hái chúng em cứ ào đi. Không thấy có kinh nó lại giúp mình đỡ phiền hà. Vì ở chiến trường đâu đâu cũng thiếu nước, thiếu điều kiện làm vệ sinh. Em đã mất tới gần một năm. Rồi một chị bác sĩ vào khám sức khỏe. Chúng em nói ra chuyện ấy, chị bác sĩ nghe nét mặt cứ tái xám. Vội vàng đề nghị với cấp trên cho chúng em lui ra Quảng Bình điều trị. Hồi ấy chúng em gồm mười bốn chị em. Vì chúng nó mới bị nên chỉ vài tháng là phục hồi. Riêng em vẫn cứ trơ trơ. Trạm xá chuyển em ra điều dưỡng dài hạn ở đồng bằng. Trạm điều dưỡng toàn là người què cụt, hay thần kinh. Riêng em chẳng sao cả, chỉ thấy người dần dần khô đi. Ðiều dưỡng gần một năm thấy em ngán quá. Suốt ngày chỉ chực hai bữa ăn, lại ngủ, lại đánh tú lơ khơ. Nhiều lần em đòi ra viện, nhưng chị trạm trưởng nhất định không nghe. Chị động viên: "Em cứ phải kiên tâm. Nhiệm vụ thanh niên xung phong là vô cùng cao quý, và đầy sự hy sinh. Người chết thì đã chết rồi, ai thành thương tật thì đã có sở Thương binh ghi thương tật. Còn em, em xin ra chị chẳng biết ghi cho em thế nào. Lương tâm chị là phải trả lại quyền làm đàn bà cho em".

   Ðể cho chúng em đỡ nhàn rỗi dễ sốt ruột, chán nản, chị trạm trưởng bày cho chúng em tập máy khâu. Nhưng rồi lấy đâu ra vải mà khâu, trong chiến tranh cái gì cũng khan hiếm. Chị trạm trưởng liên hệ với xưởng may cũng sơ tán gần trại. Người ta cũng chẳng có vải cung cấp cho chúng em khâu. Xưởng may này chuyên  may quần áo bảo hộ lao động, họ cung cấp cho chúng em những mụn vải, hướng dẫn cho chúng em can thành những cái vỏ chăn, cái áo gối... bán cho người tiêu dùng. Chính là cái vỏ chăn này đây.

   Em ở trạm điều dưỡng hai năm, bệnh tình cũng chẳng khỏi. Hòa bình năm 1973, trại điều dưỡng giải thể, em xin về với mẹ em. Vì lúc đó mẹ em đã già yếu, mà chỉ có một mình em.

*   *   *

   Thế rồi em nhận được thư của cái Thu gửi về qua địa chỉ của mẹ em. Nó cho biết, nó đã ra trường từ lâu. Về công tác ở cơ quan "Ðoán gió dò mây". Nhà riêng ở khu tập thể X. Nó mong nếu em còn sống thì phải tìm lên chơi với nó. Ðường từ quê em lên Hà Nội là 90 cây số. Con gái nông thôn như em nói tới lên Hà Nội có khác gì như tìm đường lên cung trăng. Sáu bảy năm trời em không dám thò mặt đi. Thế rồi trận bão lụt năm 1988. Mấy bà trong xóm em rủ nhau lên Hà Nội ăn xin. Em đòi đi theo, lúc đầu thấy em lành lặn mọi người không cho đi. Em kiếm được cái bị rách và mấy bộ quần áo rách của mẹ em để lại. Hình như ngày em còn đi vắng mẹ em cũng đi ăn xin. Ðoàn chúng em đi có bốn bà già và con mẹ Soạn có con nhỏ vừa tám tháng. Con bé cũng kháu khỉnh. Mẹ Soạn thì mới vừa ba mươi hai tuổi. Người nhẹ nhõm chắc lẳn da dẻ hồng hào. Nó vào loại "gái một con... mẩy mày sây hạt". Nhưng ra đi nó chuẩn bị rất chu đáo. Trong bị nó toàn đồ rách rưới. Nó mang theo cả nghệ, lá han, phẩm xanh, nhựa xương rồng...

   Từ nhà lên Hà Nội chúng em đi tập thể. Ðến nơi trụ lại ở gầm cầu Long Biên. Trao đổi hội ý xong mỗi người đi mỗi hướng. Em chưa thuộc thung thổ Hà Nội thì đi theo mẹ Soạn, em đóng vai chị gái Soạn đi trông nom cháu ở bệnh viện. Cháu gái được mẹ Soạn hóa trang băng hai mảnh băng. Riêng mặt thì mẹ nó xoa mỏng một lớp nghệ. Vào nhà ai cũng thiểu não kể lể: Trận bão lụt vừa qua con nó bị tai nạn. Lên nằm bệnh viện nhi hơn tháng nay, giờ ra viện hết sạch tiền gạo chẳng thể về được. Bà con "lá lành đùm lá rách, xin sinh phúc..." Thế là gần như một trăm phần trăm người ta cho. Có người cho vài trăm. Có người hào phóng cho cả ngàn đồng. Tối về lại tụ nhau ở gầm cầu. Em và mẹ con nhà Soạn chủ yếu hoạt động ở các khu vực bệnh viện. Hết Bạch Mai, rồi Việt Ðức, Thanh Nhàn... vẫn cứ cái giọng điệu như thế.

   Lần mò mãi em cũng tìm đến được chỗ cái Thu ở. Ðấy là một khu tập thể ba tầng. Tầng dưới là các gia đình. Hai tầng trên là độc thân. Mỗi gian mười sáu mét, ở bốn người. Bốn cái giường một, bốn cái hòm gỗ, bốn cái bếp dầu. Những thứ nồi niêu, thùng gạo thì lèn dưới gậm giường. Ðến bữa thổi nấu thì tíu tít. Bốn cái bếp dầu đốt bốn góc, khói bốc lên mù mịt sặc sụa. Em đã mò được tới buồng cái Thu. Nó ở một mình dưới gầm cầu thang lên tầng ba. Hôm ấy em nép vào một chỗ theo dõi nó. Ðã xa cách nhau mười chín năm nhưng cái Thu là loại xinh gái, lại biết ăn diện nên nó cũng chẳng già đi bao nhiêu. Hôm ấy em không ra mặt mà lại quay về gầm cầu Long Biên.

   Hoạt động ở Hà Nội hơn 10 ngày. Cuối cùng bà nào cũng được một bọc tiền. Các bà rủ nhau về làm mùa, em xin ở lại ít ngày. Riêng mẹ Soạn bọc tiền càng lớn thổ lộ với em: "Lần này về nó em sẽ mua thêm ít sắt thép đổ nốt cái mái bằng. Từ sang năm trở đi thì không còn lo lụt bão nữa". Em đưa tiễn mọi người ra bến xe, mẹ Soạn đưa cho em ba mươi ngàn đồng, bảo đấy là công của em. Số tiền ấy em đi sắm một bộ áo cánh cũng tạm tạm. Mua ít quà bánh, thuê xích lô đi thẳng tới chỗ cái Thu. Hôm ấy cái Thu đang hí húi thổi cơm, em luồn tay qua đằng sau bịt mắt nó lại. Nó không cựa mà cũng chẳng kéo tay em ra. Nó hỏi:

   - Ai đấy nhỉ?

   Em ghé sát vào tai nó:

   - Mày có còn nhận ra ai không?

   - ối cha mẹ, mày có phải là con Xuyến không? Tiếng mày thì thầm vẫn y như hồi còn ở Trường Sơn! - Thu giật bung tay em ra, nó quay lại ôm chầm lấy em. - ối trời đất, con Xuyến nó còn sống thật. Hôm kia nó đã giả làm ăn mày đến đây mà. Con Hảo nó nói: có một đứa ăn xin đến đây hỏi thăm tao. Con Hảo tả hình dáng, tao đoán đúng là mày. Ðã đến đây thì thế nào mày cũng quay lại.

   Hồi ấy em ở lại chơi với chị Thu ba ngày. ở cái khu tập thể này còn tới mười sáu chị em luống tuổi chưa chồng. Cái ngành "Ðoán gió dò mưa" này cũng có những thời kỳ lãng mạn. Ðào tạo ở trường xong nhiều chị em xung phong lên Mèo Vạc, Lũng Cú, Sa Pa... rồi thì hải đảo xa xôi, hết tuổi thanh niên trở về già người ta mới cho về xuôi. Cái Thu cũng là người "tốt" số. Vì có đôi chút nhan sắc, được ông trưởng phòng tổ chức bao thầu cho về công tác ở Hà Nội. Tưởng là nên vợ nên chồng. Ai ngờ anh ta bị tai nạn giao thông, chết. Cái Thu héo hắt mấy mất năm.

  Thời nào thì con gái có nhan sắc cũng hay gặp cuộc đời lận đận. Xong đận người yêu bị tai nạn giao thông, Thu vẫn còn được nhiều chàng trai dòm ngó. Nhưng các chàng trai đến nhà chơi cứ thấy bốn cô gái độc thân nằm bốn góc nhà, anh chàng nào cũng ngán ngẩm bỏ đi. Cho đến năm ba chín tuổi, tuổi càng cao, má đào phai nhạt dần. Thấy nguy to Thu mới giở quẻ phá bĩnh, gây mâu thuẫn với mấy cô cùng buồng. Cày cục mãi ban quản lý cơ quan mới xếp Thu ở dưới chân cầu thang. ở một mình Thu lại trở nên đắt khách. Có một anh kỹ sư trạm trưởng trạm điện, tên là Sới tìm đến. Người anh ta thấp lùn cục mịch nhưng chân thực, thiết tha yêu Thu. Hai người đã cam kết. Sới đưa bạn đến, ra mắt người yêu. Anh này tên là Thắng. Thắng hào hoa phong nhã, đẹp trai, tiêu tiền như rác. Không ngờ  Thắng bập ngay được Thu. Ðạp thẳng Sới ra ngoài. Hai người đã sắm sửa quần áo chuẩn bị làm lễ cưới, thì công an đến xích tay Thắng lôi đi. Một tên tù trọng án vượt ngục lẩn trốn mấy năm nay. Truyện ấy xảy ra Thu bị chị em chê bai hắt hủi cho là Thu "thả mồi bắt bóng", đáng đời.

    Nhưng rồi mới đây em lại nhận được thư của Thu báo Thu đã có con. Nhận được thư nó em khóc rưng rức. Ðời cái Thu thế là toại nguyện, còn đời em thì sao đây. Em chuẩn bị vội vàng lên với nó. Nghĩ là dịp may hiếm có này vì nhờ có trẻ con, em  sẽ bắt chước mẹ Soạn, bế nó đi ăn xin. Thế nào cũng kiếm cho cái Thu một khoản vốn. Ai ngờ lên đến nơi thì cái Thu lại vừa bế con về thăm mẹ mất rồi. Em mới lang thang ra đây lại gặp ngay cái vỏ chăn của anh phơi.

   Lần ấy, Thu cũng hỏi em về hạnh phúc gia đình. Em kể hết đầu đuôi, nó bĩu môi chê em là phong kiến, là cù lần. Em kể về bệnh tật, nó bảo như thế là chả có bệnh gì. Nó bảo cơ thể mình cũng giống như cỗ máy để rỉ lâu ngày, bây giờ phải tìm cách lau dần mà "khởi động" lại. Em hỏi thế khởi động bằng cách nào? Nó phá lên cười ngặt nghẽo. Nó hỏi lại em: Thế mày có biết ôtô người ta khởi động bằng gì không? Em trả lời là khởi động bằng bình ắc quy. Thế chẳng nhẽ lại đem bình ắc quy mà cắm vào người mình. Nó ấn ngón tay vào trán em mà dằn dỗi:

   -Sao mày ngu thế? Gần bốn chục tuổi đầu rồi mà còn ngu lâu. Mày là phải khởi động bằng những thằng đàn ông. Những thằng đàn ông hám gái: cổ to, ngực nở, lưng gù...

   - Nhưng tao làm sao mà có được đàn ông?

   - Chuyện đó là ở mày.

   Nhưng nào em có được như các chị. Ðôi lúc em cũng dùng đôi mắt để lườm liếc. Nhưng ánh mắt của em nó vô hồn. Muốn dùng nụ cười để quyến rũ. Những nụ cười của em nó méo mó gượng gạo. Muốn dùng lời nói ý nhị, thì câu nói của em cái giọng ồm ồm, sống sượng, vô duyên. Thế mà tại sao anh lại bỗng nhiên...

   Có thể vì em mặc bộ của vợ anh. Lúc đó anh tưởng là vợ  anh hiện hình.

   Biền cùng nằm với Xuyến, đắp chung cái chăn do Xuyến khâu. Mà  cũng chẳng thấy có tác dụng gì. Cái chăn cũng là thứ vô sinh, đối với Xuyến. Nam nữ cùng nằm chung mà Biền thấy hoàn toàn nguội lạnh, y hệt như nằm với người bạn trai. Nhưng tình thương cảm của Biền đối với Xuyến lại càng dâng cao. Thấy mình phải có trách nhiệm đối với Xuyến. Phải thực sự đóng vai trò như một "Bình ắc quy", hay như một thầy thuốc.

    Thế rồi hai người sống với nhau tới bảy tám ngày, Biền đã sử dụng hết khả năng nhưng vẫn không giúp gì Xuyến được.

   Thôi đành vậy em ạ. Chúng ta chẳng được làm vợ làm chồng thì làm người thân trong nhà, như các cụ ta nói: "Chuyến đò nên nghĩa, buổi chợ nên quen". Cuộc sống của anh cũng là cuộc sống cô đơn. Từ nay em sẽ về với anh như tình ruột thịt".

   Xuyến khóc và hứa với Biền: Xuyến sẽ đưa cái Thu đến, để cùng nhận anh, nhận em với Biền.

   Cái Lợi về nhà nghỉ hè với bố. Nó cảm thấy có điều gì khác lạ trong nhà này. Thứ nhất nó thấy bố nó thay đổi tươi tỉnh, vui vẻ hơn. Nhà cửa gọn gàng ngăn nắp hơn. Nó thấy chiếc máy khâu của nó có ai sử dụng. Nó phát hiện ra cái vỏ chăn can hàng trăm miếng vụn đã có ai khâu lại từng đường chỉ đã mủn nát, gói gém cẩn thận, xếp gọn gàng trong ngăn tủ. Lợi gợi hỏi thì bố nó sẵn sàng kể lại hết. Lợi vội vàng bỏ thời gian đi tìm hiểu kỹ chuyện này. Thế rồi Lợi đề nghị với bố: cho mời cả dì Xuyến, dì Thu đến chơi. Lợi tổ chức bữa liên hoan. Trong bữa ăn Lợi đem chiếc vỏ chăn tiết kiệm ra, nghiêm chỉnh nói: "Mọi chuyện con đã biết hết cả rồi. Cảm ơn dì Xuyến đã khâu nên cái vỏ chăn này. Nó đã đắp cho bố mẹ con. Cả khi con còn là hạt máu trong lòng mẹ con. Con xin suốt đời giữ gìn cái vỏ chăn này. Con nhận dì Xuyến là mẹ kế của con". Vừa nói, mắt cái Lợi vừa cháy bỏng lên, vì niềm hạnh phúc bất ngờ đem đến cho bố nó. Nhưng Biền thì não lòng. Biền không thể nói mọi điều sâu kín với con gái, vì nó còn ngây thơ quá. Nó chưa đến tuổi để nói hết những chuyện của đàn ông, đàn bà. Nó đang hồn nhiên dồn bố nó vào một bi kịch. Nhưng Xuyến đã đánh ánh mắt sang cho Thu, gỡ bí cho Biền. Nét mặt Thu cứ dần dần đỏ tấy lên.

   Biền đứng lên nhận những lời tốt lành của con gái.

Hà Nội, tháng 3 năm 1992. 

Cùng tác giả: BỘ QUẦN ÁO MỚI - Truyện ngắn Ngô Ngọc Bội

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.