05-05-2023
Lượt xem 1857
Đánh giá 1 lượt đánh giá
Trần Ðức Tiến
Chân Dung Kẻ Sĩ: Những con cá cờ cùng với Tiếng gọi là hai truyện ngắn đạt Giải Nhì cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí văn nghệ Quân Đội năm 1987. Nhà văn Trần Đức Tiến lúc vẫn đang là cán bộ ngành Thống kê, được bạn là Trần Quốc Huấn (lúc đó chưa là nhà văn) rủ rê nhóm lại lửa văn chương. Vậy là anh viết,rồi có truyện đăng Báo Văn Nghệ, rồi tới năm 1987, đôi bạn cùng tham gia cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí VNQĐ và chiếm luôn hai giải cao nhất của cuộc thi, để rồi chúng ta có thêm hai nhà văn như bây giờ.
Hàng năm, cứ vào dịp hè là khu khu tập thể này lại ầm ĩ lên được một dạo. Ấy là nhờ có lũ trẻ con. Lũ trẻ từ khắp các miền quê khác nhau theo bố mẹ ra Hà Nội nghỉ hè, đến ở trong khu nhà toàn những hộ độc thân này. Một bọn lau nhau với những bộ quần áo cộc cỡn, ngả mầu cháo lòng suốt lượt, trông đứa nào cũng có vẻ rụt rè, ngơ ngác, thảng hoặc có một vài ông tướng con ngổ ngáo thì cũng chỉ là cái ngổ ngáo nhà quê - vừa chân ướt chân ráo đến buổi sáng, buổi trưa đã có thể tót lên vắt vẻo trên ngọn cây bàng trong sân, nhưng hễ có việc cần qua đường phố lại nhớn nhác mắt trước mắt sau, chỉ chực va vào dòng xe cộ ngược xuôi không ngớt...
Mùa hè năm nay, Chất cũng đưa vợ con ra nghỉ trong khu tập thể. Cả khu nhà có hai cái "buồng hạnh phúc" thì hai cặp vợ chồng khác đã đến ở trước, nên người bạn cùng phòng với Chất phải tạm "sơ tán" sang phòng bên để Chất có thể kê ghép hai cái giường cá nhân với nhau. Vợ con anh ra đây nghỉ có vài tháng hè, không ăn đời ở kiếp gì nên sự chật chội cũng không đáng ngại.
Vợ Chất là một người đàn bà hiền lành, ít nói, và có vẻ hơi chậm chạp. Chị quanh năm sống ở một vùng quê rất hẻo lánh, rất xa Hà Nội, cái vùng mà theo Chất là rất ít ánh sáng văn hoá rọi tới! Ở một nơi như vậy, kẻ khôn ngoan cũng còn là ngu ngơ so với chốn thị thành, huống chi người bản tính thật thà, chất phác... Có lẽ chính vì thế mà hè năm nào, Chất cũng cố gắng thu xếp cho vợ con ra nghỉ ở chỗ mình ít ngày.
Thằng Quang - con Chất - mới tám tuổi, làm quen với bọn trẻ rất nhanh. Nó chơi với cả bọn khá vui vẻ và... biết điều. Một phần do nó cũng là trẻ con nông thôn như những đứa kia, phần nữa, do cung cách ăn ở, sinh hoạt của bố nó cũng giống hệt như những người lớn khác trong khu này. Họ là bạn đồng nghiệp của nhau đã hàng chục năm, hàng vài chục năm, nhiều người tóc đã ngả mầu và vẫn còng cọc trên một cái xe đạp cũ, một cái giường cá nhân, một cái bếp dầu... và căn bản nhất là không khi nào to tiếng! Trong sân khu tập thể, suốt ngày (khi người lớn đi làm vắng vẻ) và suốt cả những buổi tối mất điện (không được xem ti-vi), lũ trẻ la hét, chạy huỳnh huỵch, leo cả lên hiên nhà và bám lủng lẳng ở đấy như những con dơi... Thằng Quang không biết trèo nhưng rất giỏi câu cá. Ở giữa sân khu nhà, vốn là một tòa biệt thự cổ hai tầng được cải tạo và mở rộng, vẫn còn một cái bể xi-măng hình bầu dục khá lớn, giữa bể là hòn non bộ và trong bể lúc nào cũng lưng lửng một lớp nước lưu cữu, đen sẫm như mực. Những chú cá cờ sống trong đó, có vẻ sặc sỡ, nhưng lại lờ đờ ngốc nghếch hơn nhiều so với đồng loại sống ở nơi thông thoáng. Chỉ cần một sợi chỉ, một mẩu dây phanh xe đạp uốn thành lưỡi câu, vài hạt cơm nguội, Quang đã có thể một loáng bắt sống được năm sáu chú. Rửa sạch một cái lọ thủy tinh, đổ đầy nước vào, thả các chú cá vào đó là chúng có thể sống và bơi lăng xăng...
Chất thấy con chơi ngoan, cũng bớt dần đi sự coi sóc, nhắc nhở hay quát nạt. Anh cảm thấy yên tâm, và cái ý định đưa vợ con đi chơi đó đây mỗi nơi một tí cho mở mang tầm mắt cứ nhạt dần. Ngại, rất ngại. Ban ngày bận bù đầu lên ở cơ quan. Buổi chiều về, mâm cơm dọn sẵn, vợ con sạch sẽ phởn phơ thế kia là tốt lắm rồi. Áo quần, xe pháo dăt díu nhau ra đường làm gì nữa cho thêm bụi và thêm mệt? Cái nếp sống không riêng gì của Chất, cái nếp sống của cả khu tập thể này từ xưa tới nay vẫn là như vậy, luôn luôn coi sự yên ổn, chừng mực làm trọng.
Nhưng thằng Quang và bọn trẻ thì không. Tất cả mọi trò chơi, dù hấp dẫn đến đâu, chúng cũng rất mau chán. Chúng dần dà phát hiện ra khu nhà này quá chật hẹp, chật hẹp đến mức thuộc lòng từng chỗ đặt vòi nước, từng cống rãnh, từng gốc cây và mọi xó xỉnh khác. Ngay đằng sau khu nhà là Hồ Tây, một mặt nước rộng mênh mang và ngằn ngặt xanh. Nhưng lũ trẻ chưa tìm được cách chui qua cánh cửa gỗ để có thể nhảy tùm xuống đó mà vùng vẫy.
Ðợt nghỉ hè sắp hết. Trưa nay bọn trẻ ngồi vạ vật với nhau dưới gốc bàng. Mấy quyển truyện tranh nhàu nát vứt lăn lóc bên cạnh. Lăn lóc những xác máy bay, tàu chiến giấy... Một thằng bé trong bọn có tiếng là ngoan, con ông phó tiến sĩ kính trắng lưng gù bên cạnh phòng bố Quang, đã bỏ về từ nãy, đang giở sách ra ôn tập hè. Nó có cái dáng người cần mẫn, nghiêm chỉnh hệt như bố... Thằng Quang đột nhiên quay mặt đi nơi khác. Nó sực nghĩ đến lúc phải theo mẹ về quê, phải tiếp tục đến trường. Chưa bao giờ nó thấy sợ và ngán sách vở đến như vậy.
Ngoài kia phố xá vẫn ồn ào. Leng keng tiếng chuông tàu điện và ầm ầm ô- tô. Những quả bóng bay đủ mầu sắc... Những que kem ngọt lịm và mát lạnh... Công viên, mặt hồ xanh, chiếc xuồng máy lao vun vút tung bọt trắng... Vườn bách thú, nào sư tử, hổ báo, cá sấu, đại bàng và khỉ, đủ mọi loài khỉ... Thành phố rộng lớn còn biết bao nhiêu điều mới lạ, kỳ thú nữa mà nó chưa được biết...
***
Buổi tối lại mất điện. Ðiện hồi này tập trung dành cho việc chống hạn, đôi khi không thông báo trước mà vẫn cứ cắt. Mất điện thì cái hội tổ tôm của Chất không hoạt động được. Vắng đi tiếng đập bàn, tiếng xuýt xoa và thỉnh thoảng là một chuỗi cười vỡ ra, làm giật mình những người đi ngủ sớm... Nhưng mất điện thì lại chưa thể đi ngủ ngay. Trời oi ngột như thế này, nghĩ đến việc phải chui vào màn đã vã mồ hôi, còn mong gì ngủ?
Ngọn đèn dầu được thắp lên, đỏ quạch và ngun ngút muội. Năm sáu người đàn ông, không ai hẹn ai, tụ tập lại trong một căn phòng, vừa nằm vừa ngồi lố nhố. Ấm chè đã tàn, phích nước sôi nhấc lên đã nhẹ bỗng, mấy cái chén uống nước lỏng chỏng bốn góc bàn. Những câu chuyện cũng ông chẳng bà chuộc bởi đề tài quá quen... Lương bổng, cất nhắc... vật giá leo thang... con trẻ hư hỏng vì người lớn...
- Các ông có biết không? Lão Q. bị kỷ luật, không phải vì mấy cái tội ấy đâu nhá?
Trong im lặng bỗng một người nào đó reo lên như vậy. Câu chuyện đổi hướng, những bóng người bất động bắt đầu cựa quậy. Không ai ngồi đây còn lạ ông Q. - vị thủ trưởng cũ của họ. Ngoài thói quan cách, độc đoán, trù úm người này người nọ, kéo bè kéo cánh gây mất đoàn kết trong cơ quan, ông còn mắc cả một cái tội tầm thường mà những người tầm thường lại rất ít khi mắc, vì nhiều lẽ... Một cô nhân viên phục vụ so với ông còn quá trẻ... Một buổi trưa, trong giờ nghỉ, ngay trên chiếc bàn làm việc trong căn phòng dành riêng của ông... Của đáng tội, cái chuyện trăng hoa ấy là người ta đồn thế, chứ nào có ai bắt tận tay day tận mặt. Nhưng mà người ta tin. Cũng giống như trước đây, khi ông còn đương chức, người ta vẫn tin nhất cử nhất động của ông...
Cái người ban nãy đột nhiên reo lên trong căn phòng yên lặng lại reo lên chuyện ấy. Lại tranh cãi rất hăng. Ngọn đèn dầu được khêu to thêm, càng ngun ngút muội. Bóng những cái đầu ngả nghiêng, những cánh tay khua khoắng trên tường nhà. Chất cũng tham gia mạnh mẽ. Ðạo đức hay vô đạo đức? Ðủ mọi thứ tiêu chuẩn được đưa ra. Ðủ mọi thứ lý sự xoay như chong chóng. Chất dường như đã đi xa quá, chính mình cũng không còn tin lắm vào những điều mình đang nói...
Ôi ôi! Thành thực hay giả dối? Cái cô nhân viên phục vụ kia, giờ đã ngoài ba mươi rồi, nhưng trông vẫn còn duyên dáng lắm. Mới đầu giờ làm việc ngày hôm qua, khi mang phích nước sôi đến phòng Chất, cô ta còn mỉm cười với anh. Bỏ cái nón mới mua trên đầu xuống, cô ta nằn nì anh kẻ hộ tên cô ta lên đó. Chữ Chất chả đều tăm tắp mà. Nhưng không hiểu sao, Chất chỉ kẻ được mấy chữ xô lệch và nghiêng ngửa. Hơi thở của cô ta ngay bên cạnh, và cái thứ mùi rất đàn bà từ tóc, từ áo quần, da thịt của cô ta cứ tỏa ra như giăng bẫy anh. Cô ta vùng vằng cầm lấy nón, nhưng lại nhăn mũi lại một cách đáng yêu... Một hy vọng mơ hồ le lói... Một ý nghĩ gần giống như sự phản bội không sao cưỡng lại ... ấy là sự so sánh ngấm ngầm những lần ăn nằm với vợ gần đây... Dường như ở vợ Chất đã cạn hương hoa, đã cạn sức cám dỗ mê muội vốn có ở một người đàn bà khỏe mạnh. Sau những lần như vậy, Chất đã ngạc nhiên thấy mình tỉnh táo một cách lạ kỳ. Thậm chí có thể chui ra khỏi màn để rít một hơi thuốc lào... Vậy thì buổi sáng hôm qua, được người đàn bà đẹp và rừng rực ấy cười với mình, nhăn mũi với mình, Chất thèm khát, mặc dù biết cả đời cũng không dám đi xa hơn cái sự thèm khát vụng trộm ấy. Thì có gì lạ? Vị thủ trưởng kia cũng là một con người, và ông ta...
Chất thở dài, ngao ngán nhìn xung quanh. Câu chuyện đã cũ mèm, đã xảy ra từ mười năm trước mà sao bây giờ vẫn còn gây ra những cuộc tranh luận đầy rẫy những lý lẽ cao siêu. Nó có vẻ giống như cỗ bài tổ tôm vẫn làm náo động các buổi tối, cỗ bài đã dùng quá lâu, những quân bài mòn vẹt cả bốn góc, đen sạm lại, bợt trắng đi rồi lại đen sạm lại, mỗi lần cầm lên tay lại thấy bốc lên một mùi u ám và mục ải...
Ngọn đèn trong phòng vẫn đỏ quạch. Ðêm nay chắc sẽ mất điện cho tới sáng. Cái nóng mỗi lúc một tăng. Không khí như ngưng đọng trong căn phòng. Ai vừa hút một điếu thuốc lào, búng khói đặc như sữa, lơ lửng, lơ lửng mãi chưa chịu tan. Cảnh tượng giống như trong một toa tàu. Một toa tàu đã dừng lại từ lâu lắm. Mà sao khu tập thể tối nay im ắng một cách lạ lùng như vậy?
Giữa lúc ấy, vợ Chất bần thần xuất hiện ở cửa:
- Các anh ơi, bọn trẻ con!...
Tiếng kêu hốt hoảng của chị làm căn phòng lặng đi trong một giây. Một giây đủ cho họ nhận ra: lũ trẻ con đã biến mất! Bất ngờ và kinh hoảng... Ngọn lửa đèn chao nghiêng. Mấy người nằm bật dậy. Cái điếu cày bị chân ai đá phải lăn lách cách. Quát tháo la gọi. Chân người chạy. Khóa xe đạp mở...
Khu tập thể, vì lũ trẻ con, lại một phen nháo nhác...
***
Lũ trẻ đi thành hàng dọc, trên vỉa hè.
Ði đầu là những đứa bé nhất, mỗi đứa níu chặt tay một đứa lớn hơn. Ðích thân thủ lĩnh của cả bọn, một thằng bé chừng mười hai tuổi, rắn rỏi trong cái dáng cao ngồng và mái tóc đỏ cạch trên đầu, đi sau cùng. Thằng này có thể một mình từ nhà quê lên đây với bố, qua một chặng đường dài bằng tàu hỏa, rồi xe điện, những đường phố ngoắt ngoéo và xa lạ của Hà Nội, mà không hề sợ lạc.
Chúng đi, lặng lẽ và hồi hộp như một đoàn thám hiểm...
Không nói cho bố mẹ biết, bởi vì nói ra thì chắc chắn sẽ bị ngăn cản. Người lớn hay sợ hãi đủ mọi thứ chuyện...
Phố đông người quá. Toàn những người lạ. Họ đi lại nhớn nhác vội vã. Xe cộ phóng vun vút. Hình như ở một nơi nào đó, một cái gì đó rất quan trọng, rất to tát đang chờ đợi họ. Không ai để ý đến bọn trẻ. Có một vài chú công an ngoái nhìn theo chúng, nhưng lại quay đi ngay vì nhận ra những bộ quần áo và những dáng điệu hiền lành.
Trong cái tập thể trẻ con này cũng có một kẻ "đào ngũ". Ðấy chính là thằng con ông phó tiến sĩ. Ði được một cây số, thằng này đã tụt lại sau. Nửa cây số nữa, nó dừng hẳn lại và tuyên bố bỏ cuộc. Hình như nó cho rằng cứ tiếp tục a dua với lũ trẻ này thêm đoạn đường nào thì cái đức ngoan ngoãn của nó - đã được người lớn thừa nhận - sẽ bị rơi rụng đi một ít.
- Quay lại! Không tao bắn!
Hoàn toàn không đùa, "thủ lĩnh" chĩa ngón tay trỏ làm súng vào bụng thằng con ông phó tiến sĩ và ra lệnh.
- Mày không có quyền! Chúng mày không muốn học, thích đi lêu lổng thì cứ việc...
- Này ông cụ non, đừng có láo! Không học mà chúng ông lại biết cá cờ là cá cờ, chứ không nhầm là cá vàng như mày. Nhưng thôi, sợ thì cứ chuồn đi. Nhưng nếu mày mách với mọi người là chúng ông đi thì... "Thủ lĩnh" không ngần ngại biến khẩu súng thành cái kìm, xoắn ngay vào tai thằng kia một cái nghiêng cả người - Nhớ đấy, cút!
Sự việc diễn ra không làm cho bọn trẻ mất hứng thú, trừ thằng Quang. Nó tiếp tục đi ở gần giữa hàng, im lặng, vừa ghét thằng quay về, vừa sợ thằng cầm đầu. Giá không có chuyện đó thì vẫn thích hơn.
...Bọn trẻ đã đi được khá xa, qua khá nhiều nơi mới chỉ thấy nói đến trong sách vở. Vì không thạo đường nên có thể cả bọn đã phải đi loanh quanh, nhưng Quang nhớ rất rõ là đã qua Lăng Bác, chùa Một Cột, chợ Ðồng Xuân, hồ Hoàn Kiếm... Và bây giờ, không đứa nào bảo đứa nào, tất cả đứng sững lại trước một tòa nhà cao lớn và rực rỡ như một tòa lâu đài. Những tòa lâu đài trong chuyện cổ tích có lẽ cũng chỉ đẹp đến thế...
- Cung thiếu nhi!
"Thủ lĩnh" hét lên bằng một cái giọng nghe rất lạ, nửa như thán phục, nửa như coi thường. Và nó thọc hai tay vào túi quần rộng thùng thình, nghênh mặt nhìn tòa nhà, vừa ngạo ngược, vừa ngốc nghếch.
Thằng Quang ngồi thụp xuống trên hè, vì hồi hộp hơn là vì mỏi. Cái thiên đường trẻ con có thật ấy đang ở ngay trước mắt nó, chỉ cách có một hàng rào bằng sắt.
Những cầu trượt, cầu bập bênh, đu quay... Cả một vòng quay khổng lồ chạy bằng điện, chở những trẻ con trên ô-tô, máy bay, tàu vũ trụ và những con thú hiền như đất... Những ghế đá xinh xinh, êm ái và mát lạnh... Một vườn hoa chi chít những bông hoa tươi tắn dưới ánh điện xanh như nước mưa... Những câu chuyện thú vị và bí ẩn chắc chắn đang diễn ra trong từng căn phòng có hai cánh cửa sổ mở rộng trên tầng hai. Căn phòng sáng xanh. Một cô bé mặc áo váy xanh đang một tay nâng đàn lên ngang mặt, má tì lên hộp đàn, tay kia đưa nhẹ... Thằng Quang không biết tên gọi cây đàn, nhưng tiếng đàn thì nó nghe như nuốt lấy... Khi cô bé bỏ đàn xuống, đưa tay lên sửa lại cái nơ trắng cài lên tóc, một tình cảm mơ hồ chợt làm se thắt trái tim thằng bé... Nó đoán cô bé đúng bằng tuổi nó. Nó không ghen tị. Nhưng nó thèm muốn...
- Muộn rồi, về thôi! Xem thế chưa chán à?
Cùng lúc với câu nói vang lên, một bên tai thằng Quang bị xoắn lại đau điếng. Khuôn mặt thằng "thủ lĩnh" chập chờn, nhăn nhở. Ðòn trừng phạt của nó lần này không trúng đích, thằng Quang vùng đầu ra, lùi lại, đôi mắt dại đi. Nó hét to, lạc cả giọng:
- Cút đi! Tao không thèm đi với mày nữa... Không thèm!
***
Còn lại một mình nó, trên đường phố. Lòng tự ái, nỗi giận dữ đã nguôi giảm. Bây giờ thì nó sợ. Phố xá về đêm càng có vẻ lạ lẫm. Nó không nhận ra một tín hiệu quen thuộc nào trên đường nhưng vẫn cứ đi, cho đến lúc biết chắc rằng mình đã lạc.
Thằng bé cảm thấy chán nản vì những đường phố rất giống nhau. Nhưng ở mỗi xó tối trước mặt đều có thể xảy ra những chuyện bất ngờ khiến nó hốt hoảng. Và thế nào rồi bố nó cũng tìm thấy nó...
... Rằm trung thu năm ngoái, bó nó về nhà nghỉ phép. Nó vòi vĩnh bố làm cho nó một cái đèn ông sao. Nhưng không biết vì sao bố nó không chịu làm. Gần đến tối rước đèn, thằng bé uất ức bỏ nhà trốn sang bà ngoại, cách xa đến mười cây số. Sang ngày sau, bố nó tìm đến. Cầm chắc được ăn mấy cái bạt tai. Nhưng không. Ông con rể ngượng với mẹ vợ, cả năm về phép được mười ngày mà nằm bẹp ở chỗ vợ hàng tuần chưa thèm vác mặt đến... Bố nó chỉ lấy mấy ngón tay nâng cằm nó lên, nhìn vào mặt cười: "Mày có trốn lên giời"...
Bản năng xúi giục thằng bé trong đêm phải tìm tới chỗ đông người. Nó mừng rỡ dừng lại trước cửa ga tàu hỏa và tìm đến một chỗ có điện sáng rồi ngồi nghỉ, giữa những người đang chờ tàu. Nhưng nó dò xét, nghi ngại. Mấy bàn tay bất giác giữ chặt hơn quai ba-lô, miệng túi xách... thằng bé vừa hãi sợ, vừa bực tức, liền tìm chỗ tối hơn và ít người hơn.
Bây giờ thì thấm mệt. Nó ngồi tựa đầu vào chiếc cột đá, nhắm mắt lại.
... Vẳng đến từ rất xa một tiếng đàn, ban đầu còn bị át đi bởi tiếng còi tàu, tiếng người gọi nhau í ới, tiếng một chiếc xe tải ầm ầm chạy... Nhưng tiếng đàn rõ dần, rõ dần... Một tòa lâu đài lộng lẫy... Không phải những chiếc bóng điện sáng bình thường, mà là cơ man những chiếc đèn ông sao... Những ngôi sao hồng hồng, xanh biếc phơi phới bay... cô bé mặc chiếc áo váy mầu xanh đứng đợi cậu bé ở chân cầu thang. Cô mỉm cười, chìa bàn tay trăng trắng xinh xinh của mình ra cho cậu. Tay kia cô bé vẫn cầm đàn, cây đàn có âm thanh kỳ lạ mà cậu chưa biết tên. Cậu bé nắm chặt miệng chiếc túi giấy bóng, bên trong sóng sánh nước và những con cá cờ... Bàn tay xinh nhỏ và cái bóng áo xanh huyền ảo luôn luôn ở phía trước mặt... Những bậc thang bằng đá loang loáng sáng... Rất nhiều trẻ con... ở đây toàn là trẻ con... Lên cao, lên cao nữa... Chân cậu bé ríu lại, và tim đập, tim đập, tim đập...
Một giọt nước mắt ứa ra, lăn chậm rãi trên má thằng bé. Người cảnh sát khu vực tần ngân hồi lâu, rồi quả quyết đưa bàn tay rắn chắc của mình ra và nắm lấy vai nó, lắc nhẹ...
***
Chất thất kinh đã điên tiết văng tục cả với vợ, đã hoang mang vì đủ mọi thứ mẹ mìn ám ảnh, và bây giờ, khi đã tìm thấy con thì cổ anh cứ ứ lên một nỗi cáu giận không để đâu cho hết. Anh gần như quẳng thằng bé lên chỗ ngồi sau xe đạp, rồi mặc kệ vợ vừa khóc vừa đi bộ từ đồn công an về nhà, nhảy lên xe phóng như điên...
Thằng Quang không đủ thời giờ để bình tĩnh lại và sợ hãi. Quả thật thằng bé đã không sợ hãi, kể cả khi ngọn roi đầu tiên quất vào đít đau quắn lên. Ðôi mắt mở to, nó nhìn khuôn mặt hốc hác và đẫm mồ hôi của bố. Vẻ mặt ấy như muốn nói, nó đã hư đốn đến mức không thể tha thứ được. Nó không biết, như vậy có đúng không, nhưng chắc là bố nó, mấy bác, mấy chú và cả mấy đứa trẻ đã từng là đồng bọn với nó đang nhao nhao ở ngoài cánh cửa kia, không biết được giấc mơ ban nãy của nó...
Chất lại vung roi, trong tiếng ồn ào can ngăn của mấy người đứng ngoài. Và lần này thằng Quang bỗng giật thót người. Giật thót người, không phải vì bị ăn đòn, mà vì một vật gì đó vừa vỡ choang trên nền nhà. Mấy giọt nước lạnh bắn vào chân nó. Trời ơi, cái lọ thủy tinh, cái lọ thủy tinh nuôi cá cờ...
Chất đã hất đổ cái lọ thủy tinh từ trên bàn xuống đất.
Theo phản xạ tự nhiên, thằng Quang sụp ngay xuống. Bây giờ mới thấy nó khóc. Nước mắt thằng bé trào ra, trào ra, rơi xuống và hòa tan ngay vào vũng nước đang loang rộng trên nền nhà. Những con cá cờ quẫy quẫy... Một bàn tay thằng bé xòe ra, nhưng ngón tay kia run rẩy, thận trọng nhặt từng con cá vô tội lên, đặt vào đó.
Chất bàng hoàng nhìn cảnh tượng đang diễn ra trước mắt. Những ý nghĩ thoáng nhanh trong đầu... Ngọn roi của anh... Nỗi lo lắng của anh... Những điều bận tâm của anh, của mấy ông người lớn trong khu tập thể này... Tất cả những thứ đó, lúc này đều trở nên vô nghĩa trước sinh mệnh của mấy con cá nhỏ.
Thằng bé đứng dậy, không nhìn bố, khe khẽ mở then cửa. Nó rón rén đi ra sân, về phía bể nước có hòn non bộ. Nhưng bất ngờ nó dừng lại và đổi hướng, hấp tấp chạy ù về phía sau... Chất sực tỉnh, lao vút theo, rơi mất cả roi. Không hiểu bằng cách nào, thằng bé đã lọt được ra ngoài cánh cổng gỗ... Rõ ràng phải có một lối mòn nào đó mà những người lớn không thể ngờ được. Nếu không thì chỉ một chút nữa thôi, một chút nữa thôi là những chú cá này có thể chết vì mắc cạn. Thằng bé từ từ thả nhẹ bàn tay đựng cá xuống. Nước Hồ Tây mát lạnh. Những con cá vùng bơi đi. Thằng bé hớn hở một cách rất trẻ con quay mặt lại, nhìn mọi người lố nhố đằng sau cánh cổng gỗ.
Cho đến nay, những con cá cờ ấy vẫn còn sống. Chúng may mắn không phải luẩn quẩn trong bể nước dưới chân hòn núi giả. Giờ đây là cả lòng hồ mênh mông...
11 - 1985
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com