chan_dung-ke_si

NHÀ XÁC – Truyện ngắn Bùi Hiển

10-06-2024

Lượt xem 1463

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Bùi Hiển

NHÀ XÁC – Truyện ngắn Bùi Hiển

Nhà văn Bùi Hiển (1919-2009)

Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà Xác là một truyện ngắn hay của nhà văn Bùi Hiển in trong tập Nằm Vạ. Bên cạnh những truyện ngắn dí dỏm, Nhà Xác đã đưa độc giả đến với một nhà văn Bùi Hiển có lối viết hiện thực phê phán xuất sắc không kém bất cứ một cây bút đương thời nào. Nhà xác, nhưng là cả một gầm trời đen tối của một xã hội thuộc địa do thực dân Pháp tạo ra ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20.

Cuối khu nhà thương tỉnh ở góc rào phía tây có một ngôi nhà nhỏ. Cổng để mở ngày đêm, cửa há hoác cho nhìn thẳng vào trong. Trong nhà trơn trụi, không có gì, trừ một cái bệ hình chữ nhật nằm dọc chính giữa nền. Tường quét vôi vàng, ban đêm ánh đèn điện gây nên một bầu không khí hồng dịu như trong một tổ yêu đương của cặp vợ chồng mới.

Nhưng màu hồng dịu ấm cúng đó chỉ là một lời rủa độc, bởi giữa những bức tường, chất chứa một niềm lạnh lẽo bi ai, và lẩn quất hơi âm rùng rợn. Bởi nhà đó là nhà xác. Đó là nơi quàn của bao nhiêu thi thể tàn tật, đã bị bệnh não cấu xé, ray rứt từng miếng thịt hay cào đục cả bộ phổi lá gan, trạm nghỉ của những linh hồn vừa được giải thoát sau một cuộc dằn vặt đau đớn và nhiều khi dây dưa.

Xa trong kia là nhà điều trị bệnh hoa liễu. Nhà xác chiếm một góc biệt lập, nhưng cứ chiều chiều, bọn gái đĩ đang chữa bệnh lần ra đứng ngó nơi cổng hậu ngay cạnh đấy. áo cộc tay để lộ da thịt béo tròn, môi dày vẫn tô đỏ chót, họ đùa chọc khách qua đường và mua những thứ quà rẻ, khoai chuối, chè xanh. Người ta kể rằng đêm đêm họ thường trèo tường lẻn ra, bán dâm cho một số đàn ông nhiều thèm muốn hơn là nhiều xu.

Năm 193… lòng mang nhiều tuyệt vọng cay đắng, tôi thường lảng vảng chốn này. Bởi một hấp lực ma quái âm u, tôi ưa lui tới nhà xác, để được đắm trong không khí thân thuộc của sự chết, và nghe phảng phất hơi lạnh rợn tia từ những thân thể cóng đờ.

Xác chết phần nhiều vô thừa nhận. Tụ hội nơi đây, một lần cuối, những kẻ ăn mày ghẻ lở, mụ già lang thang cảnh sát bắt được nằm co quắp dưới sương khuya, đứa du đãng nhẩy tầu trốn vé bị đập đầu vỡ óc, thằng bé con chết đuối vớt ngoài sông đào đục ngầu chảy ven tỉnh. Cái chết với họ đã là một sự giải thoát. Trên mặt hom hem, nét mếu của đau đớn còn ghi lại. Đôi người giữ trên môi một cái cười gằn dữ tợn. Có kẻ trưng một bộ mặt dọa dẫm, miệng nhô cách khiêu khích. Phần nhiều trông thiểu não, với những chân tay que củi, những manh quần áo rách tươm để lộ ngực toàn những xương sườn.

Đôi khi, sau một chuyến tầu tới, người ta khiêng vào một kẻ bị nạn, chân bị nghiền nát bét chỉ còn là một cục nhầy nhụa đỏ và trắng, sọ vỡ để thoát chất óc lèo nhèo.

Duy có một lần, tôi trông thấy trên bệ một khuôn mặt trẻ con bình tĩnh. Thằng bé nằm như ngủ, da mặt trắng trẻo, thon và khôi ngô. Nó mặc một cái áo dài đen, một cái quần khá trắng. Lông mi rất dài và rất đen tỏa bóng xuống mắt. Tôi lấy làm lạ vì không có kẻ thân nào túc trực cạnh nó. Cạnh bệ, thấy còn để một cái mũ, và một tay nải nhỏ màu nâu, đợi giờ thiêu hủy. Thằng bé là con nhà ai, và vì cơ sự nào đã rơi rụng chốn này? Mang tay nải lang thang, có phải nó đi tìm mẹ? Hay vì nó ở với một ông chú khắc nghiệt, nó đã bỏ ra đi?

Tôi đến gần, và bỗng giật mình. Một mắt của nó, mắt bên trái, hé mở lờ đờ nhìn tôi. Lúc nãy, vì đứng xa và ngang tầm đầu thằng bé, tôi không nhận thấy điều đó. Đột nhiên nhìn thấy con mắt mở, tôi tưởng như, cảm biết tôi đến gần, nó đã giương một con mắt chết để nhìn tôi. Con mắt nhìn tôi lặng lẽ, rất buồn rầu bởi bóng hàng mi dài và rậm. Người ta chỉ thấy một lát mỏng của con ngươi đen. Thằng bé nhìn tôi, môi cong ngây thơ hơi bìu bĩu. Trong chốc lát, tôi tưởng nó sẽ mở miệng nói với tôi những lời chắc hẳn buồn vô hạn. Con mắt độc nhất lờ đờ nhìn tôi.

Tôi xáp gần hơn nữa, nhẹ đưa tay vuốt làn mi thằng bé. Con mắt như ưng thuận, nhắm lại, nhưng rồi chỉ vài ba giây sau, hàng mi lại nhướng dần, nhướng dần rất nhẹ, và con mắt lại lờ đờ nhìn tôi, rất buồn rầu...

Thường mỗi sáng, nhận giấy báo, một người lính đem hai người phạm dẫn một cái xe bò vào cổng nhà xác. Họ lấy đi quan tài do nhà thương phát, bỏ cái xác vô thừa nhận vào, rồi chở trên xe cải tiến về phía nghĩa địa Tập phúc. Họ làm công việc ấy cách vô tình nên tàn nhẫn. Người chết bị xang đưa nhồi lắc, chắc hẳn có khi qụy gối hay cụp đầu mà tụt hẳn về một phía bởi quan tài nghiêng dữ quá: rồi tiếp tới cuộc hình phạt dài khi cái xe bánh gỗ vừa lăn vừa nhảy lộc cộc trên con đường đá gồ ghề...

Ngày đầu, người lính ngạc nhiên nhìn tôi. Rồi chúng tôi bắt quen nhau, như hai người khách bắt quen vì năng gặp nhau cùng trong một tửu điếm. Và một hôm, trong khi trông coi phạm làm việc, tay cầm chiếc roi nhỏ, bác kể cho tôi một chuyện ghê gớm, mà tôi thuật lại dưới đây.

* * *

"Bữa ấy, tôi nhận phần việc đi chôn một mụ ăn mày, chết hồi đêm tại nhà thương. Theo thói thường, tôi đứng xa xa, để mặc cho hai tên phạm đi lấy xác nhập quan. Mới khoảng chín giờ sáng mà trời bức tối lạ. Mây kéo đen một góc trời. Tôi biết trước cơn giông sắp tới.

Tôi bèn giục hai tên phạm đẩy xe chạy: tôi rảo bước theo sau. Đi chưa được nửa đường, mưa đổ xuống; một trận mưa rất dữ dội, chỉ một lát sau, con đường đã thành dòng suối đỏ ngầu. Chúng tôi vẫn cố chạy: nhưng sau, mưa to quá vuốt mặt không kịp, tôi bảo dừng lại trú cạnh một cây bàng lớn. Tuy bị nước rỏ từ cành lá xuống nón xuống vai lộp bộp, chúng tôi cho còn dễ chịu hơn là tắm mưa ngoài kia. Nhưng mụ chủ cái quán dựng sau cây bàng đã đứng chõ mồm hét mà đuổi chúng tôi quầy quậy. Tôi không chịu đi. Mụ không biết làm sao, bèn chắp hai tay vái lia lịa, xin chúng tôi đi đi cho, đừng để xác chết ám trước cửa hàng mụ. Nghĩ thương tình, tôi lại bảo hai tên phạm đẩy xe chạy một mạch cho đến nhà hội Tập phúc, rồi chúng tôi trú dưới mái hiên. Quan tài làm bằng gỗ xấu lại đóng cẩu thả: gặp nước mưa, ván cong lên, khe hở hoác ra. Nước chảy từ ván ròng ròng, một thứ nước vàng đục. Trong hai tên phạm có một đứa trông thật dữ tợn, chúng tôi quen gọi là thằng Hùm, hoặc Hùm Xám. Hắn nói đùa:

- Coi, mỡ con mẹ chảy ra đó. Hứng lấy thắp đèn được.

Mưa ngớt dần. Tên phạm thứ hai bỗng nói:

- Có ai rên ở đâu đây.

Thằng Hùm bô bô:

- Con mẹ chứ ai nữa!

Hắn nói chơi để dọa, không ngờ lại là chuyện thực. Chúng tôi nhận qua tiếng rên rỉ đưa từ trong áo quan ra, yếu ớt và đứt đoạn. Chắc hẳn người chết gặp nước lạnh giội đã sống lại. Tôi còn chưa biết làm thế nào thì thằng Hùm nói oang oang:

- Bắt chúng ông xe trở lại nhà thương thì chúng ông chả chơi!

Suy nghĩ một chốc, tôi cũng cho không nên chở mụ ăn mày trở về: mụ sống lại cũng chỉ được vài giờ là cùng. Nhưng tiếng rên rỉ cũng làm rối óc tôi.

Tiếng rên đứt. Tôi thầm mong trong bụng: "Lạy trời nó chết!". Nhưng chỉ một giây sau, lại nghe tiếng mụ cào ván.

Thằng Hùm nhặt một cái cọc tre, dùng hàm răng sắt của hắn tước cho hơi nhọn một đầu rồi lèn đoạn nhọn cố thọc vào một khe hở của quan tài. Đoạn hắn đè ngang cái cọc nậy tấm ván lên. Hắn mở thành một khe hở khá rộng, ghé mắt nhìn. Bỗng hắn hất ngửa đầu ra sau. Chúng tôi kinh ngạc thấy ba đầu ngón tay nhăn nheo run run rờ rẫm chuồi ra ngoài quan tài. Thằng Hùm vội rút cái cọc. Khe hở khép lại, mép gỗ cắn lấy ngón tay người nằm trong. Ba ngón tay run rẩy rất khẽ, rồi dần dần đổ xuống yên lặng trong khi tiếng rên rỉ lại nổi lên.

Tôi không giữ được bình tĩnh nữa. Tôi vội hét thằng Hùm:

- Dun tay người ta xuống!

Hắn cầm cái cọc tre thọc thọc vào ba ngón tay.

Tôi lại hét, gần như hoảng hốt:

- Thôi, đem chôn! Đem chôn ngay!

Hai tên phạm khiêng quan tài ra nghĩa địa, tuy trời vẫn còn mưa. Chúng chạy nhanh, nhồi lắc chiếc áo quan rất dữ, làm cho nước lọc bọc trong ấy.

Chúng đào hố rất khổ công. Xẻng vừa xúc được một cục đất thì nước lại tràn ngay vào chỗ trũng mới. Đào xong, chỉ thấy trước mặt một vũng nước vàng đục lợn cợn váng. Hai tên phạm vứt bừa quan tài xuống đó, đoạn cúi xuống cố sức dìm. Nước tuôn vào trong quan tài do những kẽ hở, kêu lóc bóc lóc bóc. Khi nước vào đã nhiều, quan tài chìm xuống, những bọng không khí trào lên vỡ bùng bùng. Tôi giúp hai tên phạm đổ đất lên trên.

Khi về, thằng Hùm nói:

- Lắng tai mà nghe khi ta dìm áo quan; có tiếng con mẹ uống nước ừng ực.

Cõ lẽ hắn nói thật; nhưng tôi cố không tin, bởi điều đó ghê rợn quá!

 

1942

Bài liên quan
  • Ở XỨ VÔ LOÀI – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    Ở XỨ VÔ LOÀI – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ở xứ vô loài là truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Đình Tú in trong tuyển tập Hoa Cúc Vàng, gồm các truyện ngắn hay đăng trên Tạp Chí Nhà Văn, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2007.
  • XÓM CHUỒNG NGỰA – Truyện ngắn Nguyễn Đức Sơn

    XÓM CHUỒNG NGỰA – Truyện ngắn Nguyễn Đức Sơn

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Nguyễn Đức Sơn (bút danh Sao Trên Rừng - 1937-2020), một trong ba kỳ nhân của làng văn, tức ba người có cá tính kỳ dị bậc nhất làng văn, gồm Nguyễn Đức Sơn, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện. Về tài năng, giới văn chương xếp Nguyễn Đức Sơn cùng với Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên là tứ trụ thi ca miền Nam. Đang học Đại học Văn khoa Sài Gòn, Nguyễn Đức Sơn nghỉ ngang và tuyên bố: "Nếu trường Đại học Văn khoa Sài Gòn sản sinh ra được một nhà văn nhà thơ nổi tiếng tôi xin chịu chặt đầu." Năm 1979, Nguyễn Đức Sơn đưa vợ con lên đồi Phương Bối, Bảo Lộc, Lâm Đồng lập nghiệp. Trên quả đồi do nhà sư Nhất Hạnh tặng, ông trải qua bốn mươi năm cùng vợ con sống như những sơn nhân. Năm 2020, ông ra đi và để lại cho Bảo Lộc một đồi thông Phương Bối tuyệt đẹp rộng 15ha do chính tay ông trồng, canh giữ, và thậm chí đổ máu để bảo vệ.
  • NGÔI ĐỀN VÀ ÔNG GIÀ CÂM - Truyện ngắn Trần Tâm

    NGÔI ĐỀN VÀ ÔNG GIÀ CÂM - Truyện ngắn Trần Tâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngôi đền và ông già câm là truyện ngắn trong tập truyện Khuyển Đế của nhà văn Trần Tâm xuất bản năm 2017.
  • SỐNG NHỜ - Mạnh Phú Tư - Phần cuối

    SỐNG NHỜ - Mạnh Phú Tư - Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Sống Nhờ là tác phẩm của nhà văn Mạnh Phú Tư in trên Phổ Thông Bán Nguyệt San năm 1942. Giữa những nhà văn hiện thực xuất sắc khác trước năm 1945, Mạnh Phú Tư tạo ra một thế giới riêng với các tác phẩm cất lên tiếng nói phê phán mạnh mẽ các lề thói cũ, ông dùng cây cọ văn chương, đưa những nét vẽ, rồi ở đấy, trong thế giới của ông, đã để lại những nhân vật, những cảnh đời đẫm máu và nước mắt.
  • SỐNG NHỜ - Mạnh Phú Tư

    SỐNG NHỜ - Mạnh Phú Tư

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Sống Nhờ là tác phẩm của nhà văn Mạnh Phú Tư in trên Phổ Thông Bán Nguyệt San năm 1942. Giữa những nhà văn hiện thực xuất sắc khác trước năm 1945, Mạnh Phú Tư tạo ra một thế giới riêng với các tác phẩm cất lên tiếng nói phê phán mạnh mẽ các lề thói cũ, ông dùng cây cọ văn chương, đưa những nét vẽ, rồi ở đấy, trong thế giới của ông, đã để lại những nhân vật, những cảnh đời đẫm máu và nước mắt.
  • TÔI KÉO XE - Phóng sự Tam Lang

    TÔI KÉO XE - Phóng sự Tam Lang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Tôi kéo xe là thiên phóng sự mẫu mực của nhà báo Tam Lang, in lần đầu trên Hà Thành Ngọ Báo năm 1932. Dù đã gần một thế kỷ trôi qua, giá trị văn học của tác phẩm vẫn nóng hổi cho tới tận ngày nay, thời mà truyền thông, mạng xã hội bùng nổ chưa từng thấy. "Nghề viết văn viết báo ở xã hội VN là nghề bạc bẽo và bấp bênh nhất. Đâm đầu vào nghề mà không có được người vợ đảm đang tháo vát, tần tảo nuôi nổi gia đình trong thời gian mình thất nghiệp vì bất mãn, vì báo bị đình bản có giới hạn hoặc thu hồi giấy phép thì chuyện treo niêu gác bếp là chuyện rất thường" - Tam Lang.
  • MŨI TỔ - Truyện ngắn Lý Văn Sâm

    MŨI TỔ - Truyện ngắn Lý Văn Sâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Trong suốt năm mươi năm cầm bút, nhà văn tài hoa của Miền Đông Lý Văn Sâm đã để lại một số lượng tác phẩm khá đồ sộ, bao gồm nhiều tác phẩm được độc giả yêu thích như Kòn Trô (1941), Nắng bên kia làng (1948), Sương gió biên thùy (1948), Sau dãy Trường Sơn,... Năm 2007, nhà văn Lý Văn Sâm được trao Giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật cho các tác phẩm; Sau dãy Trường Sơn, tập truyện ngắn Sương gió biên thùy và Toàn tập Lý Văn Sâm.
  • CHUỒNG NUÔI NGỰA – Truyện ngắn Như Phong

    CHUỒNG NUÔI NGỰA – Truyện ngắn Như Phong

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chuồng nuôi ngựa là truyện ngắn của nhà văn Như Phong in trên Báo Mới số 2 (ngày 15-5-1939) và số 3 (ngày 1-6-1939). Nhà văn Như Phong được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 2 Năm 2007.
  • NGƯỜI THÀY THUỐC - Truyện ngắn Thanh Châu

    NGƯỜI THÀY THUỐC - Truyện ngắn Thanh Châu

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Người Thày Thuốc là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên của nhà văn Thanh Châu, Tân Dân xuất bản năm 1938. Ông chính là tác giả của truyện ngắn Hoa Ti-gôn, vốn là khởi đầu cho một cuộc tranh luận bất tận cho tới tận ngày nay về bài thơ  “Hai sắc hoa Ti-gôn”, của nhà thơ “bí ẩn” T.T.Kh.
  • ÔNG CẢN NGŨ – Truyện ngắn Kim Lân

    ÔNG CẢN NGŨ – Truyện ngắn Kim Lân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Từ lời khuyên của nhà văn đàn anh Vũ Bằng: “Ông viết về nông thôn không bằng cụ Tố (Ngô Tất Tố), Nam Cao, ông nên viết về nông thôn kiểu Đôi Chim Thành.", nhà văn Kim Lân đã viết một loạt truyện ngắn phóng sự rất thành công in trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy về nông thôn,  Ông Cản Ngũ, như loạt truyện khác của ông, đã lưu giữ cho đời sau biết được rằng; vào thời bị thực dân Pháp cai trị, dân ta dù bị áp bức bóc lột, vẫn có những hoạt động văn hóa, những kiến thức dân gian vô cùng sâu sắc.