chan_dung-ke_si

NHÀ BÊN KIA - Truyện ngắn Đỗ Đức Thu

28-09-2023

Lượt xem 1425

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Đỗ Đức Thu

NHÀ BÊN KIA - Truyện ngắn Đỗ Đức Thu

Quý dùng thời giờ nhàn rỗi một cách kỳ khôi: uống cà phê, hút thuốc lá và nhìn sang nhà trước cửa. Anh chàng lại nhiều thì giờ rỗi, nên lúc nào cũng thấy ngồi cạnh chiếc bàn sát cửa sổ trông ra đường, trước cốc cà phê lạnh đen hơn nước thuốc bắc, mặt bàn đầy tàn thuốc lá, thành các đống con lổn nhổn như cồn cát ngoài bãi bể.

Quý ngồi trầm ngâm hàng giờ. Anh chàng thường cầm một tờ báo, hay một quyển sách mà không bao giờ đọc. Cầm lấy cớ, cho không ai ngờ mình. Người vô ý chỉ cho Quý là một hạng nhàn rỗi, hút thuốc đọc sách tiêu thì giờ. Và nét mặt Quý hiền lành lắm, không có vẻ tư lự gì, lắm lúc mắt lim dim như ngủ gật. Nhưng đó là giấc ngủ của con mèo già trước cái hang chuột.

Anh chàng ngồi rình nhà trước cửa. Hai nhà chỉ cách nhau một con đường vừa hai chiếc xe tay tránh nhau. ở trong ngõ sâu nên ít người qua lại. Trông sang rõ lắm: hai cái cửa thường mở để thấy rõ hết các đồ đạc trong nhà. Quý biết từ chỗ cái đồng hồ báo thức, cái lọ hoa và trong cái khung lớn trên tường, Quý biết là hình một người đàn ông đứng tuổi, có bộ râu cong như tay lái xe đạp, những lúc im lặng Quý nghe thấy cả những tiếng tích tắc đồng hồ bên kia.

Có người cho đấy là một tính tò mò đáng chê. Các ông khó tính quá. Tại sao mà đáng chê? Hay tại các ông thấy đời mình có nhiều điều muốn giấu? Cuộc đời bao nhiêu chuyện hay, mà chỉ vì vô tình với việc quanh mình nên bỏ mất. Quí, một tâm hồn đã chán chường, ngồi cửa sổ trông sang bên kia, như ngồi trong chiếc ghế nhà chiếu bóng, xem một cuốn phim theo với thời gian, không bao giờ hết.

Những người ở bên kia, một hạng người mà cách sống thường biểu lộ cả ra ngoài cử chỉ, không ngờ có cặp mắt tò mò mà ranh mãnh vẫn nhìn mình.

°     °     °

Người đàn ông, anh chồng dắt xe đạp đi. Cánh cửa khép lại. Quý đoán cô vợ đang thay quần áo để đi chợ, như mọi sáng. Nhà bên ấy có ba người, một đôi vợ chồng trẻ và một con ở. Theo cách ăn mặc thì anh chồng như làm ở một nhà buôn nào. Vợ như một cô gái nhảy, nhí nhảnh và cười suốt ngày. Họ như yêu nhau lắm. Những lúc cả hai vợ chồng ở nhà, là lúc Quý ưa ngồi nhìn sang nhất, chàng phải kéo cái màn cửa sổ để họ khỏi thấy mình. Có khi đang ăn họ cũng buông đũa bát nô giỡn, vật nhau xuống cái đi văng gần đấy, cô vợ cười như có người cù. Nhìn họ yêu nhau, Quý cũng thấy vui vẻ, cái vui thanh cao của người không vị kỷ, chỉ cần thấy hạnh phúc ở người khác.

Cửa sổ mở: cô vợ mặc cái áo mạ non, đi lăng xăng trong nhà, lắm lúc bị che khuất vì vào nhà trong hay ra ngoài khung cửa. Quý đoán cô đi lấy tiền. Một lát sau, cái nắm cửa ra vào động đậy; cô con gái vừa ra thì gặp ngay một người đàn ông đi đến. Người này Quý đã thấy đến chơi bên ấy nhiều lần, có lẽ là bạn người chồng. Người con gái không đi chợ nữa, họ quay cả vào nhà. Quý thấy hai nửa người nói chuyện, cách nhau một cái bàn. Họ nói nhỏ quá như nói thầm. Cô con gái vào nhà trong một lúc, rồi thấy người ở xách giỏ mây đi.

Có lẽ người con gái không đi chợ vì có khách. Nhưng sao họ lại đóng cả cửa? Một bàn tay vừa thò ra kéo cánh cửa sổ. Cánh cửa đập một tiếng gỗ khô, cái nhà kín mít, lạnh lùng. Im một lúc, rồi Quý nghe thấy tiếng cười chàng vẫn thường được nghe, lúc vợ chồng họ đùa nhau, nhưng lần này tiếng cười bị bịt ngay lại. Rồi im.

Đúng một giờ sau, cánh cửa mở hé, đầu người đàn bà thò ra nhìn quanh rồi người đàn ông ban nãy chạy vội ra, đi khỏi mấy nhà, anh chàng mới từ từ bước, huýt sáo coi bộ ung dung lắm. Lúc người ở xách giỏ về thì mọi cửa đã mở. Chị chàng ngồi đan len, trong nhà như không có chuyện gì.

Quý vừa trông thấy, hay nói cho đúng hơn, vừa "nghe" thấy một chuyện ngoại tình. Từ đấy, Quý thấy vẻ mặt người đàn bà "gian" lắm. Chàng ngạc nhiên sao không thấy vẻ đó từ trước. Biết được câu chuyện ấy, Quý cũng tự thấy mình gian nữa. Nhưng biết sao? Mách người chồng? Viết thư nặc danh? Quý mỉm cười vì những ý nghĩ ngốc nghếch. Ai mượn chàng làm những việc ấy? Người ta yêu nhau thì liên can gì đến chàng, một anh chỉ ngồi ro ró trong cửa sổ uống cà phê nguội, và đốt thuốc lá? Người có quyền nhất là người chồng. Họ không giữ được hạnh phúc của họ thì... mặc!

Nghĩ vậy, nhưng Quý vẫn thấy tưng tức thương hại anh chồng bị tình phụ. Quý thấy anh ta ngu ngốc lạ. Anh chàng vẫn yêu Quý vợ, họ vẫn đùa nhau, vật nhau, cô ả vẫn cười. Ngồi bên này, qua tấm màn cửa mỏng, Quý vẫn trông thấy những cử chỉ âu yếm. Quý muốn kêu to bảo người chồng: "Vợ anh có nhân tình đấy, nhân tình với người bạn anh, người vẫn đến đây chơi. Anh trông mặt nó xem, có phải gian lắm không? Ngay sáng nay tình nhân nó còn đến ngay đây. Anh nhìn đệm, gối xem, có khác sáng ngày, lúc anh đi không? Nó giả dối lắm, con người ấy thì yêu làm gì, nên đánh cho một trận rồi đuổi đi."

Quý thấy như những đồ vật trong nhà trước cửa đều có ý mách người chồng lỗi của cô vợ. Gối đệm, ghế ngồi, ấm chén, vật nào cũng như có giữ lại một ít tang chứng. Nhất là cái gương soi, như chàng đã lặng lẽ nhìn cặp nhân tình. Cái gương treo chênh chếch trên tường ngay cuối đi văng chắc còn biết nhiều chuyện kín đáo hơn.

Quý đoán thấy câu chuyện sắp đến lúc hay. Không lẽ anh chồng gà mờ mãi. Trong những trường hợp này, người chồng bao giờ cũng biết sau cùng, nhưng thường thế nào rồi cũng biết. Tấn kịch càng dài, càng hay, Quý càng thấy nhiều cảm giác lạ. Chàng chỉ việc mua một gói thuốc lá ngon, ngồi chờ.

Một ý tưởng lạ và ngộ nghĩnh ấy nảy ra trong trí chàng: chàng thấy mình như là đồng đảng của đôi nhân tình, không những chỉ ngồi nhìn, chàng lại còn như về hùa với họ để lừa dối anh chồng xấu số. Những hôm người tình nhân không đến, Quý bực mình như chàng đã bỏ phí mất một ngày có lẽ chàng mong hơn người đàn bà mà mới mấy hôm trước đây chàng còn cho là bất chính. Bây giờ chàng không thấy gì là bất chính cả; người nhân ngãi mới là người đáng cô yêu. Vì lẽ gì, Quý không biết, chàng chỉ lờ mờ thấy có thiện cảm với người tình nhân hơn với người chồng. Khi cặp trai gái ở trong nhà, cửa đã đóng kín, Quý như ngồi canh cho họ, mắt dán vào cánh cửa, chàng đếm từng phút, từng giây, để ý đến hết thảy mọi người đi qua, như những người này có thể làm phiền được họ. Có lúc gặp người con gái ở lối đi mắt chàng như nói: "Tôi biết rõ cả, nhưng cô đừng lo. Cứ yêu nhau đi, đã có tôi che chở cho".

Sự che chở của Quý cũng không ngăn được, câu chuyện vỡ lở, vỡ lở giữa lúc Quí, cũng như đôi kia, không ngờ đến. Sao anh chồng biết, có ai mách? Thiên hạ thiếu gì người ăn không ngồi rồi, những "ông Ký Cóp"1 chỉ quen can thiệp đến những việc không dính dáng tới mình. Họ còn cho là bổn phận của họ thế: dẹp những nỗi bất bình giữa đường như Đôngkisốt.

Người chồng đi làm, con ở đi chợ; anh nhân tình đã lộn vào. Bên này Quý đã châm thuốc lá, ngồi canh cửa. Mười lăm phút sau anh chồng dắt xe đạp về.

Hắn đi vội lắm, cái xe chệch choạc không thẳng đường. Quý đứng phắt dậy, như muốn ra ngăn lại. Không kịp. Hắn đã đến trước cửa, vứt cái xe đạp vào tường, đến xoay mạnh nắm cửa. Một phút yên lặng: Quý thấy mạch máu căng ra, và nghe tiếng trái tim mình đập. Bọn kia làm gì trong nhà? Chắc người đàn bà mắt lạc đi, nói không ra tiếng: "Thôi chết! Nhà tôi về..."

Người chồng một tay quay quả nắm, một tay đấm mạnh vào cửa. Thằng khả ố tệ, làm rầm rầm, không nể gì hàng xóm. Chừng không đợi được nữa. Hắn hích mạnh vai phá cửa, vào trong nhà.

Quý đã đứng dậy, đứng sát mũi vào cửa kính, điếu thuốc lá đã cháy đến ngón tay. Một tiếng ầm như cái bàn đổ, lẫn tiếng ấm chén vỡ xuống gạch, một người đàn ông, mặc quần đùi, tay ôm một đống quần áo chạy vọt ra, chạy nhanh đến nỗi Quý không nhìn rõ mặt, chỉ thấy cái sơ mi dài bay đằng sau như cái đuôi. Người chồng chạy ra sau nhưng không đuổi kịp lại quay về.

Thế rồi mọi người ở đâu kéo đến. Bắt đầu là trẻ con; chúng đứng đầy trước cửa, rồi đến người nhớn quây vòng ngoài. Quý chỉ còn thấy lố nhố những đầu người che kín hai cái cửa, nghé xem tấn kịch diễn trong nhà. Nhiều khi đi xem kịch, cảnh trên sân khấu lại không hay bằng cảnh dưới: những người xem. Quý ngắm họ và nghe. Những tiếng gầm ghè, gào thét như trong một nhà thương điên. Anh chồng ghen có lẽ điên thực. Tiếng quát tháo nhỏ đi lui vào phía trong. Quý đoán người vợ vào nhà trong, anh chồng theo vào. Rồi tiếng ấy lại dồn ra ngoài, mạnh hơn. Bát đĩa choang choang đập vào tường, tiếng đánh đập huỳnh huỵch. Chị vợ không thấy kêu một tiếng nào. Quý phục cái can đảm ấy. Phải, việc gì mà kêu? Mình phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Quý cũng không chê anh chồng: hắn có quyền giữ gìn hạnh phúc, trừng phạt người vợ có tội. Nhưng Quý thấy hắn vũ phu quá, sao không dùng cách khác, lịch sự, kín đáo hơn?

Buổi chiều hôm ấy, chỉ thấy một mình anh chồng ngồi ăn cơm. Anh chàng chỉ ăn một bát rồi đứng lên đi chơi. Một lát sau mới thấy chị vợ ra, mặt mũi thâm tím, chị chàng sai con ở đi mua quà, rồi ăn rất ngon lành. Lúc chồng về họ giáp mặt nhau. Quý thấy buồn tẻ ngắt. Hai người dưng nhìn nhau cũng không đến nỗi lạnh lùng như thế. Cái lạnh lẽo như tràn cả sang bên này. Quý thấy khó chịu không muốn nhìn nữa. Chàng mặc áo đi xem chiếu bóng.

Hai hôm sau, họ đã cùng ngồi ăn với nhau.

Trên bàn thấy có bát đĩa mới, và họ cười, vật nhau xuống đi văng. Cô gái cười như có người cù. Có lẽ chỉ còn Quí, người làm chứng lặng lẽ, nhớ lại câu chuyện vừa qua. Và anh chàng mặc quần đùi, ôm quần áo chạy...

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.