chan_dung-ke_si

NGƯỜI VỚT PHÙ DU - Truyện ngắn Phạm Hải Anh

14-09-2023

Lượt xem 1162

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  truyện ngắn hayPhạm Hải Anh

NGƯỜI VỚT PHÙ DU - Truyện ngắn Phạm Hải Anh

Nhà văn Phạm Hải Anh

 

Trích trò chuyện giữa hai nhà văn:

- Nhân vật nữ của em bỏ đi rồi.

- Cô ta đi đâu?

- Đi tu. Hoặc là đi theo giai.

- Sao lại hoặc là? Hai cái đó khác xa nhau mà!

- Cũng thế cả thôi. Nếu cô ta theo giai thì sau đó sẽ vỡ mộng, đi tu. Còn nếu đi tu lại thấy nhàm quá, bỏ theo giai. Cô ta cứ phải đi cái đã.

- Phức tạp nhỉ. Hay em giới thiệu cô ta với nhân vật của anh đi. Anh đang viết về một vị thánh tử vì đạo.

- Ông ta theo đạo Hồi à?

- Không. Đạo của ông ta là đạo Tình. Em thử tưởng tượng xem, ông ta lấy rồi bỏ vợ tới 9 lần. Thật là một người phi thường!

- Đồ đàn ông trăng hoa!

- Sao lại trăng hoa? Lần nào yêu ông ta cũng cưới hỏi tử tế, rồi lại ra toà ly dị đàng hoàng. Nhà ông ta ở mỗi năm một bé tí lại vì phải chia cho vợ cũ. Bây giờ ông ta đang ở căn hộ mười hai mét vuông, độc thân. Nếu nhân vật của em chưa biết đi đâu thì có thể đến tạm trú ở đấy. Chắc là an toàn thôi, vì hiện giờ hình như ông ta cũng chán đàn bà rồi.

Hoa đứng lên:

- Thôi em về.

Nguyên bảo, giọng bình thản:

- Em đừng đi. Mưa to lắm.

Ngoài trời, mưa giăng một cái cớ hiển nhiên trắng xoá. Nguyên pha ấm trà mới, như thể mọi chuyện đã quyết định xong. Mà có gì phải băn khoăn, ở lại trong căn buồng khô ráo, nói vài ba chuyện tầm phào, uống một cái gì nong nóng chờ mưa tạnh. Nguyên đưa ra một tập thơ. Thơ của Nguyên hẳn hoi. Con người tài hoa thế. Hoa biết thơ này Nguyên làm cho cô khác, nhưng lại đọc tặng mình. Cũng dễ hiểu thôi, chứ thơ ở đâu ra mà sẵn thế, nấu ăn cũng còn phải đi chợ. Nghe đâu năm trong số chín bà vợ cũ mê Nguyên vì thơ, mà gây lộn bỏ đi cũng vì phát hiện ra thơ ấy chẳng phải tặng mình. Cùng một bài thơ mà làm cho khi sướng khi khổ, thì có nên trách nhà thơ không nhỉ. Cứ biết điều như Hoa thì bao nhiêu thơ cũng chẳng hề hấn gì.

Nguyên kể:

- Anh là người may mắn với phụ nữ...

- May mắn thế, sao giờ anh lại độc thân?

- Đấy cũng lại là một điều may nữa. Em biết rồi đấy, cuộc sống gia đình thật là phiền toái.

- Biết thế, sao anh lấy vợ tới chín lần?

- Vì anh đứng đắn. Anh không thể từ chối người mình yêu. Lạ lắm. Tất cả các bà vợ anh đều mang tên một loài hoa. Cô đầu tên Quỳnh, rồi Phượng, Hồng, Huệ, Lan... Hoa nào anh cũng rước về nhà, chiêm ngưỡng, tưới tắm. Em cứ hỏi mà xem, ai cũng có với anh một thời hạnh phúc.

- Yêu thế rồi sao anh lại bỏ?

- Đời hoa ngắn ngủi, tự nó héo tàn đi. Mà hoa khác lại cần anh chăm sóc. Em bảo anh phải làm sao?

Chồng Hoa cũng từng phát ngôn tương tự thế. Nhưng lúc ấy Hoa không gật gù như bây giờ. Ông chồng bị cấm vận lập tức, xin lỗi muốn long đầu gối. Chẳng phải Nguyên nói hay hơn. Có lẽ khi không bị liên lụy thì người ta có thể thả lòng thông cảm rộng rãi như thể cho vay bằng vốn người khác. Hoa thấy cái lý lịch chín vợ của Nguyên đâm dễ thương. Người đâu mà nhạy cảm, yêu phái đẹp, mà lại có trách nhiệm nữa! Nguyên đang nói gì thêm. Giọng Nguyên trầm, cả cái giọng nghe cũng hay:

- ...Bây giờ anh rất thanh thản. Anh tu.

Hình như Nguyên không đùa. Mặt Nguyên nghiêm trang, mắt nhìn thẳng. Hoa chợt để ý bây giờ đã nửa đêm. Trong một căn buồng hẹp. Mà ngoài trời mưa thế kia. Mà trong này Hoa mơn mởn thế này. Mà không chạm vào nhau lần nào. Khéo Nguyên tu thật chứ chẳng chơi.

- Anh tu đạo gì?

- Không. Anh chẳng theo một tôn giáo nào cả. Chỉ tu cái tâm mình. Không đam mê, không cầu ước gì hết. Có lẽ anh cũng nếm trải đủ rồi.

Ừ, ngày xưa trong Tam Quốc, Khổng Minh trị Mạnh Hoạch cứng đầu bằng cách cứ đánh thắng rồi thả. Bảy lần bắt, bảy lần tha như thế, Mạnh Hoạch tâm phục khẩu phục, vĩnh viễn không bao giờ nổi loạn nữa. Nguyên có ngoan cố lắm thì sau chín lần lấy vợ, cũng tởn tới già, tu là phải. Hoa đổi thế ngồi thoải mái, nếu Nguyên nói sớm hơn, thì bây giờ lưng và cổ Hoa đã không mỏi nhừ vì cố giữ thẳng đơ suốt buổi tối. Nguyên tu được thì tốt quá, thì lại càng có nhiều cái để nói với nhau. Xem bói, người ta bảo Hoa có căn tu. Chẳng biết có phải không, nhưng Hoa gần chồng bấy nhiêu năm vẫn thấy lạnh lẽo, đi làm thì không yêu nghề, thấy tiền không ham, chẳng biết mình thích gì. Những đêm nằm bên ông chồng ngáy như xẻ gỗ bên tai, Hoa cứ mở mắt nhìn mãi vào bóng tối sâu thẳm, tự hỏi thế này có phải là tu tại gia không. Sư thầy chùa Thía quê Hoa đi tu từ năm mười hai tuổi. Hồi ấy đói quá, bố mẹ không nuôi nổi, gửi lên chùa ăn mày cửa Phật, thế là tu. Một đời dưa muối, đến nỗi bây giờ đi ngang ngửi mùi thịt là kinh sợ. Sư thầy không biết chữ, chỉ nghe đọc kinh suốt mấy chục năm mà nhập tâm, kinh nào cũng thuộc làu làu. Sư thầy bịt khăn nâu che cái đầu bạc lởm chởm tóc, đến một lúc chán chẳng buồn cạo nữa. Tu đến bây giờ cũng được hai phần ba cái trăm năm, lâu quá quên cả mình đang tu mà chỉ sống, tự nhiên như công chức thì phải đến sở làm. Lắm lúc Hoa ước được như thầy, những buổi chiều sâm sẩm, ngồi còm ròm trên bộ tràng kỷ, tỉ mỉ nghiền cối trầu thật kỹ cho vào miệng móm nhai nhẩn nha, sau lưng khói hương bình thản toả trên bàn thờ tam bảo. Tưởng tượng Hoa cũng ngồi như thế chân co trên ghế xalông, miệng nhai kẹo caosu bỏm bẻm thay trầu, sao không có tí tị gì thoát tục. Nhưng mà chiều ấy lên chùa, Hoa thấy sư thầy cũng khóc, nước mắt tu hành nhỏ thánh thót xuống bức tranh truyền thần của chính mình ôm trong lòng. Sư trụ trì bảo mai mốt nếu sư thầy có về Tây Trúc thì tranh truyền thần này không được đưa lên ban thờ Tổ, chỉ để ở ghé phía dưới, vì thầy tuy tu lâu năm nhưng chẳng có chức danh gì, nhà chùa cũng phải theo nguyên tắc. Sư thầy khóc mãi, đến phát ốm. Cả làng bàn tán xôn xao về chuyện này. Tu suốt một đời mà vẫn hệ lụy thế, thì biết làm gì để có cái tâm vô sở cầu?

Biết làm gì để suốt đêm ngồi cạnh nhau mà lòng tạnh như mưa ngoài kia. Mưa ngớt hạt đã lâu rồi. Chỉ còn vài giọt gõ tình tang trên ống máng. Hoa chần chừ không biết nên về hay nên đón ly rượu Nguyên mời.

- Em băn khoăn làm gì - Nguyên khoát tay, nói như thể tổng kết cả chín lần yêu, chín lần kết hôn, chín lần li dị - Phù du hết!

Nguyên không biết phù du có khi là thật. Lâu lắm rồi, Hoa đã nuôi hai con cá vàng, đặt tên một là Sân, một là Si. ở với nhau ít lâu thì bụng con Si cứ phình dần lên. Hoa quyết định làm đám cưới cho chúng nó, kẻo Si mang tiếng chửa hoang. Đám cưới cá, chồng Hoa vớt về nhiều tảo xanh, thả đầy bình. Anh gọi đấy là tảo phù du. Những cánh phù du nhỏ xíu như ngàn dấu chấm xanh lục bồng bềnh trên nước, Sân Si ngoi lên đớp lia lịa. ấy là một đêm vui, Hoa nhớ thế. Hai vợ chồng đã đùa giỡn như cá trong bồn tắm. Và trong cơn ngây ngất, Hoa thấy mình chìm đắm giữa ngọn triều xanh lá cây ngăn ngắt, màu của phù du. Sáng hôm sau, thăm bình cá, Hoa thấy con Si nổi phềnh, bụng trướng lên. Không biết có phải vì nó đã ăn quá nhiều phù du. Chồng Hoa chặc lưỡi, đem con Si vứt vào bồn vệ sinh, giật nước. Hoa nhìn thân cá vàng óng ánh quay lộn trong xoáy nước hung hãn rồi hút tuột vào ống cống, chẳng nói gì. Chiều ấy, Hoa đem con Sân đi thả ở công viên Thiên Đường. Cái bình cá rỗng không, chồng Hoa dùng làm gạt tàn. Như thế cũng tiện vì từ ngày ấy, anh hút rất nhiều, chẳng gạt tàn nào đựng vừa những đầu mẩu thuốc.

Đêm dài đằng đẵng, nhắm mắt là thấy con Si trương phềnh trong cống hoặc Sân ngoáy đuôi bơi giữa những con cá không tên ở công viên Thiên Đường. Không bao giờ thấy lại ngọn sóng phù du.

Nguyên bảo bây giờ anh chán chơi hoa, chỉ thích sưu tầm những mẫu sinh vật hoá thạch. Chúng nó mới thật bền, bất biến theo thời gian. Nguyên đưa Hoa xem một mẩu đá xám hình con cá, nhỉnh hơn ngón tay. - Con cá hoá thạch này đã hai trăm chín mươi triệu năm rồi. Hai trăm chín mươi triệu năm, em thử tưởng tượng bao nhiêu cuộc đời mình đã đi qua?

Hoa mân mê miếng đá. Những vẩy cá hoá thạch gợn lên nham nhám dưới ngón tay. Con cá há miệng, giương vây, có lẽ nó chết khi đang săn mồi. Hoa nâng ly rượu. Nhấp từng ngụm. Quên đi hình ảnh con Si vàng ánh trôi tuột vào đường ống toilet. Uống nữa, quên cái bình cá ở nhà không còn cá chỉ có tàn thuốc. Uống thêm nữa, má Hoa hồng như hơ lửa. Nguyên ơi, đừng nhìn Hoa như thế! Nguyên ở lại tu tâm cho tốt, Hoa về đây, thạch ngư này trả lại. Nguyên thì thầm phù du thôi. Phù du chín lần đã qua. Phù du một lần này. Bồng bềnh sóng rượu vang đỏ chát. Thạch ngư rùng mình, trườn trong lòng tay. Hai trăm chín mươi triệu năm từ từ tan chảy. Cá nhỏ ơi, bơi đi. Đớp phù du. Đớp cả bóng mặt trời. Lượn thênh thang, hả hê biết mình không hoá thạch...

Trích trò chuyện giữa hai nhà văn:

- Nhân vật nữ của em đang bất mãn.

- Về chuyện đêm qua ấy à? Nhân vật nam của anh cũng đang buồn.

- Anh ta buồn nỗi gì?

- Cô ta đi, mang theo con cá hoá thạch của anh ta mất rồi. Em phải biết, đấy là vật giá trị duy nhất mà anh ta có trong nhà. Nhân vật nữ của em còn đòi hỏi gì nữa?

- Cô ta bảo anh ta đã biết trách nhiệm chín lần rồi thì lần này phải trách nhiệm nốt. Cô ta cũng tên là Hoa.

- Nhưng anh ta đã nói ngay từ đầu là cạch không chơi hoa nữa mà. Chỉ chơi đồ hoá thạch...

- Mặc kệ. Chơi gì cũng chết.

- Nhưng nhà anh ta chỉ còn có mười hai mét vuông.

- Cũng chẳng sao. Cô ta bảo lần này anh ấy cứ yên tâm, không phải chia nhà nữa đâu mà sợ.

Mọi chuyện cuối cùng cũng dàn xếp ổn cả. Hoa để lại cái nhà rộng cho chồng. Anh ta mới ly dị lần đầu, rất có thể còn phải chia nhà chín lần sau nữa. Hoa dọn đến căn buồng mười hai mét vuông. Có bàn tay phụ nữ chăm sóc, nó cũng gọn gàng. Con cá hoá thạch trở về bơi trên khung cửa màu xanh lơ. Trông nó bóng bẩy, đẹp hơn trước, nhưng Nguyên không hứng thú chơi đồ hoá thạch hay sưu tầm bất cứ thứ gì nữa. Khi người ta còn có mỗi căn buồng hẹp, thì chỉ một vợ cũng đã nhiều.

 

 

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.