chan_dung-ke_si

NGƯỜI VỢ LẼ Ở PHƯỜNG KHÁNH XUÂN – Truyện ngắn Nguyễn Quang Thân

31-10-2023

Lượt xem 1027

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Nguyễn Quang Thân

NGƯỜI VỢ LẼ Ở PHƯỜNG KHÁNH XUÂN – Truyện ngắn Nguyễn Quang Thân

Nhà văn Nguyễn Quang Thân (1936-2017)

Con chó ốm nhách nghếch mõm ra cổng sủa mấy tiếng. Nó mệt lắm, chán lắm rồi. Khách gì mà đông thế. Mà nào khách có ra khách, toàn lũ nhà thơ ốm đói. Bà u già vốn mát tính là thế cũng nhăn mặt, bước vào buồng cô chủ, bộ xà tích kêu lách cách. Xuân hương đang đính nốt cái giải yếm, ngẩng đầu lên.

"Lại khách hở bu? " - nàng hỏi, buông cái yếm xuống đùi: "Bu đợi em mặc xong quần áo rồi hẵng mở cổng u nhé!"

Bà u già te tát: "Tôi còn phải vào Thọ Xương mượn người ươm tơ, cô thì luộc sen để rồi thiu thối ra đó, e qua Tết vẫn chưa thành mứt. Cứ khách thế này thì hai u con chết đói mất thôi. Hay là tôi bảo người ta là cô đi vắng?"

Xuân Hương nhoẻn cười như là nàng thích được mắng ấy. Từ ngày mẹ nàng đưa nàng ra Thăng Long, rồi mẹ mất, nàng coi u già như mẹ. Sợ nhất là những lúc u giận giọng u cứ ngọt xớt dạ thưa cô, dạ thưa cô như mía lùi. Nàng đứng dậy.

"Thì u đuổi người ta đi cho con nhờ, con đang buồn ngủ díp cả mắt lại đây."

"Thôi đi, nỡm. Tôi mà đuổi khách thì cô ế, cô bắt tôi hầu suốt đời ấy à? " U già đã quay đi nửa bước nhưng vẫn chưa tha:

"Lần này thì liệu mà giữ lấy yếm đấy nhé!"

Xuân Hương nguýt một cái dài: "U ác thế!" Nàng còn năm cái yếm, chẳng cần khâu lại cái giải đứt, nhưng từ sáng đến giờ nàng vẫn lấy cái yếm ấy ra. Ðời nàng tan nát như miếng vải, rách đi vá lại nhiều lần, u già biết, cả thành Thăng Long đều biết. Cái yếm rách chẳng là cái quái gì!

Trước sau chỉ có mỗi u già thương nàng. Còn bọn họ, những kẻ van nài, thề thốt, xin xỏ, khi cơn lên thì quỳ mọp dưới chân nàng như chó con. Cái mớ người lân la đến Cổ Nguyệt Ðường của nàng có đủ loại, học trò, khoa bảng, quan văn lẫn quan võ hai, ba triều vua, già và trẻ, dê cỏn và dê cụ, anh nào cũng biết làm vài câu thơ và tưởng ghép vần được là có thể đánh bạn với nàng, có quyền bắt nàng thù tiếp. Nhưng xem ra thơ phú với bọn họ chỉ để kiếm một chức quan và tán gái. Phong hoa tuyết nguyệt cũng chỉ là giả vờ, anh nào cũng nhằm nhằm vào cái ấy. Chẳng thà họ đến với nàng như đến với một cô gái đang thì, như lũ con trai ngỗ ngược làng Quỳnh trong những câu chuyện mẹ nàng kể khi nhớ lại quãng đời làm dâu xứ Nghệ. Chẳng thà...

Chẳng thà như ông ấy! Tối qua ông ấy đến khi nhà đã lên đèn. U già bảo ngày nguyệt kỵ không tiếp ai. Khách không chịu đi. Lúc đó nàng đang hái nốt mớ dâu gần cổng. Nàng nhìn rõ người khách ngồi trên lưng ngựa dưới trăng. Khách lạ. Không đi xe, không mang theo tiểu đồng, chỉ có tay nải tòn ten bên vai. Và trên lưng một con ngựa chiến. Một chút trắc ẩn, một chút hiếu kỳ, nàng đặt mớ dâu xuống đất, bước lại.

"Thưa, Cổ Nguyệt Ðường không phải nhà chùa, nhưng nếu ông lỡ bước, xin mời xuống ngựa, vào nhà xơi chén trà mọn". Nàng nhấn hai tiếng xuống ngựa như muốn nhắc khéo khách.

Khách đáp: "Kể thì cũng đường đột, nhưng tôi không khát nước, chỉ khát gặp người tài. Tôi xin gặp cô Xuân Hương". Thứ tiếng đàng trong quá quen thuộc với nàng. Cả cái cung cách đến nhà đàn bà con gái vào giờ này, cái vẻ ngang tàng kẹp chân vào hông ngựa"đòi gặp người tài" như một ông quan võ đi thúc thuế làm nàng thú vị.

U già nói: "Cô tôi đang đứng trước mặt ông, thế là ông đã gặp rồi".

Khách không chút kiểu cách, cũng không cúi chào, nhẹ nhàng xuống ngựa, nói:

"Vậy thì may quá, tôi đã được mời vào nhà". Rồi nhanh chân dắt ngựa bước qua cổng. Con ngựa tía ngửi được mùi cỏ trong vườn, rũ bờm, đập đuôi, hý khẽ một tràng.

"Ông cột ngựa vào gốc muỗm. Nhà còn ít ngô vẫn dành cho ngựa của khách, để tôi bảo u già".

Khách bảo: ""Tôi có mang theo thóc đây". Ông rút một bao vải bên yên đưa treo dưới cổ ngựa.

Nàng nói: "Con ngựa của ông làm tôi nhớ câu thơ Lý Bạch. Tuấn mã kiêu hùng đạp lạc hoa. Chỉ tiếc là vườn nhà tôi hoa rụng hết rồi".

Khách nói: "Tôi thì chỉ nhớ thơ của cô. Một đèo, một đèo, lại một đèo... Hôm nay tôi phải phi ngựa qua bốn cái đèo mới được gặp người làm ra câu thơ ấy".

Xuân Hương bảo: "Chết, chắc là ông chưa ăn tối? " Nàng lại mủi lòng. Người ta bảo nàng sắc như dao mà nhẹ dạ. Nàng thương người chứ không nhẹ dạ. Nàng thừa biết đàn bà mà để người đời và lũ đàn ông háu đói biết tiếng thì cầm bằng chim trĩ đẹp ló đầu ra trước cánh cung và mỏ chim cắt. Ông này ở đâu mà thuộc thơ mình nhỉ? Thơ mình đi xa thế ư? Nàng sung sướng vì một con chim cắt đang liệng vòng trên đời nàng khen nàng. Nàng lại mủi lòng rồi.

*

* *

Bên mâm cơm, ông khách chỉ chú mục vào đĩa trám muối, không phải thứ trám mỏng vỏ, chát ngoét của rừng Phú Thọ, Tuyên Quang mà là trám Nghệ. Nhân đó nàng kể cho khách, liễn trám muối này là của một thằng cháu họ Hồ ra kinh thi Ðình biếu nàng. Một tháng trời lều chõng anh ta ăn trám muối, uống trà trắng và đậu tiến sĩ. Nàng trêu cháu: "Nếu mang cá gỗ theo chắc là anh đã đỗ Trạng Nguyên". Nó nói: "Bọn trọc phú nhờ vàng bạc cướp bóc hồi đánh Tây Sơn cho con cái học thêm từ ngày để chỏm vậy mà cô xem, có đứa nào dính bảng đâu". Nàng nói: "Làm gì cũng phải có đức mới nên!" Thằng cháu, tội, người ta truy ra có bà con với tông tổ Tây Sơn, không được cất nhắc gì, ở nhà mở trường dạy học. Nó gửi ra cho nàng một bài thơ, có hai câu: "Ngọc diệp nan tri hà xứ xuất. Công hầu hoan mộng nhượng kim chi". Cái lá ngọc này khó mà biết ở đâu ra, thôi thì mộng công hầu vui vẻ xin nhường lại cho cành vàng. Ông thấy thơ của nó có đau đớn không. Ông khách ăn thêm một quả trám nữa, nói: "Tôi không làm nổi một câu thơ nhưng tôi biết thơ hay. Thơ có đau đớn mới hay, phải không nữ sĩ?"

Lần đầu tiên Cổ Nguyệt Ðường tiếp một người không biết ghép vần. Ðiều này làm nàng thích thú. Những tay xuất khẩu thành thơ thường không ong non dê cỏn thì cũng phường quan lại ẩn ức vì vớ phải vợ xấu vợ già, bị thất sủng. Tâm địa họ thường xấu xa mà lại giả dối. Tâm thế ấy mà ra thơ thì sợ lắm. Thăng Long này được mấy người tài?

Nàng đã chán chuyện thơ, nói: "Chỉ thương thằng cháu, nên danh ông Nghè mà chẳng nên cơm cháo gì!"

Khách bảo: "Cô còn nhớ chuyện đánh đòn bọn Ngô Thời Nhiệm, Phan Huy ích ở Văn Miếu? Thời đã thế, thế thời phải thế... ¡n may là chuyện thành phần".

Nàng bảo: "Kẻ sĩ như hai ông ấy được mấy người. Nọc trí thức ra mà đánh thì thất đức quá, e hậu vận không hay".

Khách cười ha hả: "Chẳng thà đánh đòn hay cho một nhát cuốc còn hơn là đối xử lịch sự mà không cho người ta làm kẻ sĩ. Ðức Thế Tổ làm thế là sòng phẳng".

Nàng thấy khách nói có lý bảo phải, tiếp: "Ðặng Trần Thường rồi cũng lên giảo đài, nhưng Phan Huy ích thì trường tồn vĩnh viễn vì vẫn được làm kẻ sĩ. Tôi không bao giờ bảo ông ấy hèn".

Khách nghiêm mặt: "Chính trị là thứ không muốn làm thì đừng nói tới. Tôi đến đây là để gặp người tài và nghe thơ. Tôi không nói chuyện chính trị".

Nàng nói: "Thiên hạ bảo thơ tôi là dâm thi, không bị đánh đòn là may, ông nghe làm gì?'

Khách trầm ngâm: "Tôi không bảo thế. Cơ thể con người đều của Tạo Hóa, chẳng có bộ phận nào sang hèn thanh tục. Gặp thiếu nữ ngủ ngày thì thiên tử cũng dùng dằng huống gì quân tử".

Ðến lượt nàng: "Còn ông?"

Khách cười, Xuân Hương ít thấy ai cười chân thật mà dễ mến như thế với nàng: "Tôi là kẻ thất phu đi kiếm cơm, tôi cũng thèm lắm, nhưng dùng dằng thì chết đói".

Nàng im lặng một lúc rồi nhìn thẳng vào người đàn ông ngồi trước mặt, hỏi:

"Nhưng ông là ai?"

Khách đáp: "Tôi là Trần Phúc Hiển, Hiệp trấn Quảng Yên".

Nàng đổi giọng: "Thưa quan Hiệp Trấn, xin cám ơn Ngài. Hôm nay Ngài đến đây có gì chỉ giáo cho kẻ hèn mọn này?"

Khách nói: "Tôi thì chỉ giáo cho ai? Mà cô cũng đừng khách sáo. Cha tôi đã dùng kiếm hạ mười hai thành dâng Nguyễn Vương, vậy mà không gạt kịp một mũi tên phản phúc xuyên qua cổ. Nợ áo cơm thế là phải trả đến hình hài. Tôi thì bắt nạt và ăn chặn bọn khố rách. Nợ áo cơm phải trả đến nhân cách. Tôi chỉ giáo cho ai?"

Trước nay thường có ông Hiệp Trấn Sơn Nam thượng Trần Ngọc Quán, Hiệp Trấn Sơn Nam hạ Trần Quang Tĩnh đến Cổ Nguyệt Ðường xin thơ và nghe thơ. Họ thường bị bạn bè văn chương của nàng khinh như rác. Khinh và ghen nữa. Nhưng có thể coi khinh được ông Hiệp Trấn Quảng Yên này chăng? Còn ghen thì... nàng chẳng còn ai để ghen với ông ta nữa. Những người yêu nàng đều thề thốt rồi đều bỏ nàng đi làm quan tân triều, kể cả người nàng quý trọng nhất, yên mến nhất, tài ba nhất: Nguyễn.

Nàng cúi đầu tránh cái nhìn như thiêu đốt của người đàn ông ngồi đối diện, chạnh nhớ tới Nguyễn, mối tình sâu sắc nhất đời nàng. Chàng cũng mê thơ nàng, cũng nói với nàng những lời chân thật, nhưng nàng đã không giữ được chàng trước quyến rũ của thời tao loạn. Ðàn ông là thế. Chàng có những giấc mộng của riêng mình. chàng có một hồn thơ mà nàng hiểu nhưng không sánh ngang được, với tới được. Nguyễn tìm nàng một lần khi nàng đã lấy chồng, lâu lắm rồi, nghe nói đó là ngày chàng đoạn tuyệt với mộng trung quân, về Hồng Lĩnh. Tưởng thế nào, chàng lại đi thờ một ông vua khác. Hay chỉ vì đàn thú săn núi Hồng và đất cát Nghi Xuân không nuôi được chàng với đàn con nheo nhóc? Ðàn ông là thế. Họ chung tình với vua mà bỏ rơi đàn bà, bỏ rơi thơ. Vua đâu có làm họ sung sướng như đàn bà? Vua đâu có làm họ cao cả như thơ? Ðó là điều ngu xuẩn nhất của lũ đàn ông mà nàng không hiểu nổi. Bây giờ thì... tất cả đã thành xa vắng. Nàng khóc.

U già dọn dẹp mâm cơm từ lúc nào, đặt lên bàn một nậm rượu nếp cẩm. U đã có kinh nghiệm nhiều năm. Khách thơ thì phải có rượu. Nhưng u thường không có họ uống rượu nào khác ngoài thứ rượu cẩm nhạt phèo. U vẫn muốn giữ cái hũ rượu tiết hạnh mà trên đời này có lẽ chỉ mình u nhận ra ở nàng. Nhưng hôm nay u đã không biết được những gì đang làm Xuân Hương xao xuyến. U cũng không hay người đối ẩm với nàng chẳng phải khách thơ, còn hơn thế, chưa từng làm một bài thơ. Ông nhấp chén rượu cẩm, đặt xuống liền, nói:

"Ðể xin hầu cô thứ rượu này!" Rồi lấy trong tay nải ra một cái chai nhỏ đựng thứ rượu hồi vàng sánh.

U già bảo: "Cô tôi không uống thứ nào khác rượu nhà".

Xuân Hương nói: "U để khách tự nhiên".

Nàng muốn được say. Từ lâu rồi nàng không được say. Không còn ai đáng mặt làm nàng say. Nàng muốn say khi danh tiếng đang lên chót đỉnh nhưng thể xác nàng đã có dấu hiệu tàn tạ. Và nàng tự biết mình đã già.

Nàng uống với quan Hiệp Trấn đến khuya. Mõ báo canh hai gióng lên từ phía thành nội mới tiễn khách ra về. Tỉnh rượu nàng nhận ra cái giải yếm của mình bị đứt.

*

* *

Quan Hiệp Trấn Quảng Yên không trở lại một mình. Cùng đi với ông có viên tri huyện Thọ Xương Bùi Thế Mẫn và chú tiểu đồng đã quá quen đường đi lối lại Cổ Nguyệt Ðường. Xuân Hương tự tay mở cổng đón khách. Bùi Thế Mẫn đon đả như xưa ông vẫn thế với nàng: "Hôm qua ngày nguyệt kỵ, nhưng hôm nay đã rằm. Chúng tôi xin đến hầu rượu bà cô đây". Bà cô, những người thân thiết nhất thường xưng hô với nàng như thế.

Ðêm ấy chỉ có một chén rượu được rót ra. Ðón chén rượu ấy trên tay quan Hiệp Trấn Trần Phúc Hiển, Xuân Hương nhận lời lấy lẽ ông ta, một người không biết làm thơ nhưng đã làm nàng xúc động. Người rơi nước mắt đầu tiên đêm ấy là u già.

 

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.