chan_dung-ke_si

NGƯỜI SĂN GẤU - Truyện ngắn Cao Duy Sơn

04-05-2023

Lượt xem 1049

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  truyện ngắn hay Cao Duy Sơn

NGƯỜI SĂN GẤU - Truyện ngắn Cao Duy Sơn

Cao Duy Sơn

   Con đường đá rộng hai bước chân nằm nép bên sườn núi. Phía bên phải là vách núi dựng đứng nhìn xuống mặt sông Gâm. Chỗ ngoặt của con sông dưới chân núi, dòng nước lao xuống dừng lại thăm thẳm xanh ngắt gây cảm giác rờn rợn lạnh lẽo. Mặt trời như bị những chàng núi khổng lồ vít xuống sau lưng, nhưng vẫn cố nhô lên rọi xuống mặt sông và con đường những luồng sáng vàng nhạt, thẳng tắp hình rẻ quạt.

   Ông Thim đưa bàn tay to xù xoa lên mái tóc đã điểm bạc, thấy mồ hôi đã khô bỗng giật mình như nhớ ra điều gì đó... Ông vội đưa bàn tay gân guốc sứt sẹo lên túi ngực trái, một cảm giác hồi hộp thúc đôi chân ông đứng dậy. Xốc chiếc ba lô trắng chật cứng thư báo lên vai, ông vội vã sải những bước dài trên con đường đá thấm màu nắng vàng nhạt trong chiều sắp lụi.

   Hơn ba mươi năm làm chân đưa thư lưu động, đôi chân ông hầu như đã đặt đến khắp vùng hẻo lánh trong tỉnh, nhưng không nơi nào ông ở quá ba năm. Chẳng phải vì mâu thuẫn với cơ quan, cũng chẳng phải nơi ông sống có điều gì khó chịu. Tính ông thích vậy. Ngày mới ở quân đội về, với quân hàm chuẩn úy, người ta xếp cho ông vị trí phó phòng hành chính của ty, nhưng ông không thích, ông tình nguyện về huyện làm chân đưa thư lưu động. Vậy là lãnh đạo phải chấp thuận ý muốn kỳ quặc của ông. Thế rồi cứ ba năm một lần ông lại xin chuyển vùng. Mới đầu nhiều người cho ông gàn và dở người. Người ta để ý thấy ông chẳng họ hàng thân thuộc, cũng chẳng vợ con gì cả. Gần đây, khi đã gần sáu mươi tuổi, ông xin về Bảo Lạc, nơi đã sinh ra ông, nơi ông có một thời trẻ trung chát đắng. Ngày ấy ông là chàng trai Thim mồ côi có sức khỏe kỳ lạ, làm nghề săn gấu bằng giáo. Cây giáo bằng lõi nghiến bịt sắt nhọn ở đầu, cách mũi giáo hai gang tay là một thanh sắt vuông xuyên ngang. Với loại vũ khí này bọn có súng đã phải nhìn Thim bằng ánh mắt kiêng nể. Nhưng trong lũ bọn con nhà giàu có đứa giấu trong bụng một ý nghĩ xấu với Thim, đó là thằng Sài Vẳn, con trai của một chức dịch có vị trí cao ở thôn quê, vùng Pác Miều.

   Sài Vẳn cùng lũ con bọn nhà giàu hay đi săn bằng ngựa. Sài Vẳn được bọn đàn em kính nể lắm, nó có thể cưỡi trên lưng ngựa vừa chạy vừa bắn đuổi theo con thú mà viên đạn vẫn trúng vào đầu hay vào con mắt con thú tùy ý. Nhưng Sài Vẳn chỉ bắn được con hươu, con hoẵng thôi, chưa bao giờ nó bắn được con hổ, con gấu, vì đi săn con hổ con gấu không thể cưỡi trên lưng ngựa mà bắn được, mà phải đi bộ, vạch cỏ tranh, vào những khu rừng già, núi đá mới có con thú to. Muốn bắn được con thú to thì cái gan phải to, cái mật phải đầy, cái tay không run thì mới bắn được. Sài Vẳn muốn đi lắm nhưng "Coằng" không cho đi vì sợ trời không phù hộ, con ma rừng sẽ cướp mất đứa nối dõi tông đường của dòng tộc. Mỗi lần thấy Thim mang cây giáo trên vai, cúc áo mở tung để lộ ra bộ ngực vuông vức căng tròn, lưng đeo tấm da bọc xương con gấu, cùng với cái mặt to bằng bát con vẫn còn đỏ máu trên tay đến đổi muối với nhà "Coằng", trong bụng Sài Vẳn như con suối lũ nổi những bọt bẩn. Nó ức lắm! Ngày trước người vùng Pác Miều nói chuyện săn bắn là người ta nhắc đến Sài Vẳn, nhưng giờ người ta lại quay sang nói giọng kính phục về tài săn gấu của Thim. Không được! Sài Vẳn đi ra đường người già người trẻ vùng này thấy nó phải úp mặt xuống đất, để nó đi xa mới dám ngẩng lên, thế mà giờ Sài Vẳn thấy những lời thán phục, khen ngợi không thuộc về nó nữa nó bắt đầu nghĩ đến điều xấu.

   Thim sống một mình trong một túp lều lẻ loi cuối bản, cái gia sản cuối cùng của người cha để lại. Nghĩ đến cái ngày khủng khiếp đó, giờ nhắm mắt lại Thim vẫn thấy hiện ra rõ lắm. Buổi sớm giá buốt của mùa đông năm ấy khi con gà rừng gáy lần cuối cùng gọi ông mặt trời lên thì Thim theo gót cha đến cánh rừng xa nhất, dầy rậm nhất. Hai người bám vào vách đá lưng chừng núi gần như dựng đứng nhìn xuống bên dưới là vực sâu hút đến chóng mặt. Phía trên đầu bỗng hiện ra một cửa hang cao bằng người đứng. Người cha dừng lại, đưa giáo cho Thim, hai tay ông bám chắc vào vách đá đu người lên một cách nhẹ nhàng rồi ông ra hiệu cho Thim nắm chắc vào đốc giáo, ông kéo lên theo. Trước cửa hang, một triền đá thoai thoải rộng bằng chiếc chiếu nan. Một mùi tanh nồng từ trong hang bay ra người cha bỗng hạ giọng: - Cẩn thận con, có gấu đẻ! Thim hiểu những điều nguy hiểm mà cha vừa nói. Con gấu cái khi đẻ bản năng tự vệ và tấn công của nó quyết liệt hơn bình thường. Không một tiếng gầm, chỉ nghe tiếng hộc hộc gấp gáp lao đến, một bóng đen ập xuống như một cơn lốc - Người cha chỉ kịp kéo Thim về phía sau mình thì con gấu đã đến ngay trước mặt. Trong giây lát ngắn ngủi ông hiểu mối nguy hiểm đối với người đi săn ở khoảng cách không đầy một tầm tay với loài thú dữ này. Thim chỉ thoáng nhìn thấy người cha lao lên như một mũi tên, cúi người tránh hai cái tát của con thú, nhanh như chớp ông chộp được hai tay của nó kéo mạnh về phía mình, đầu húc ngược lên dưới cổ, toàn thân ông căng lên, từng bước, từng bước một ông đẩy lùi con thú mỗi lúc một sát mép vực. Hai tay con gấu có những vuốt sắc nhọn cắm sâu vào đôi vai lực lưỡng của ông và nó cũng không chịu buông đối thủ đang đẩy nó dần ra phía vực. Cảnh tượng ấy đau đớn, khủng khiếp suốt đời Thim không bao giờ quên - Người cha đã đẩy lùi con thú bằng sức mạnh kỳ diệu nhưng ông đã không thoát ra được trong những chiếc vuốt cong nhọn hoắt của nó, người và gấu đã cùng lao xuống đáy vực hun hút. Hồi ấy Thim mới mười hai tuổi. Những người tốt bụng cùng làng đã tìm thấy chú bé sau hai ngày đói khát đang lả đi bên cửa hang nhưng đôi bàn tay nhỏ bé vẫn cầm chắc cây giáo nặng chịch của người cha để lại.

   Không ai ngờ mười năm sau đứa con người săn gấu đã nối nghiệp cha. Giờ đã là một chàng trai, cây giáo cha để lại chỉ còn cách đầu Thim hơn một gang tay. Hơn mười đôi tay gấu đã được treo lên vách. Mỗi khi săn được con gấu to, Thim thường gọi dân bản cùng vào rừng khiêng về, xả thịt ra rồi chia đều cho  mọi người. Thim chỉ nhận về mình một phần nhỏ và đôi tay gấu (theo tục lệ người đi săn) còn bộ xương, da và mật phải mang nộp cho "Coằng" và chỉ được trả công một chén muối gạt bằng miệng. Như thế cũng đã là quý lắm! Thiếu hạt ngô, hạt gạo còn có củ nâu, củ mài trên rừng, thiếu hạt muối thì không thể được, người sẽ phù, mắt mờ, chân tay run, yếu đi không làm được việc, không có ăn rồi chết. Nhưng muối chỉ riêng "Coằng" có, "Coằng" có cả hơn mười người ở, luôn đi địu muối từ Nguyên Bình, từ Mục Mã về cho. Ðường xa phải mất hơn mười ngày đi bộ mới về đến nơi, nên hạt muối quý lắm, đi rừng ai cũng đeo bên hông một cái ống nứa, trong đựng mấy hạt muối như một thứ bùa bên mình.

   Một lần khi nhận chén muối từ tay người ở nhà "Coằng" đưa, Thim bỗng thấy lạ - chén muối đầy hơn những lần trước...? Thấy Thim đang lúng túng trước một sự hào phóng lạ lùng đó, người đàn bà đưa mắt nhìn quanh một lượt rồi hạ giọng: " Cô Phón bảo tôi cho thêm đấy! - Nói rồi người đàn bà đó đi vào nhà. Thim đưa mắt nhìn theo thấy một cái gật đầu kín đáo của người ở với một đôi mắt đang nhìn Thim qua ô cửa sổ. Thim biết đấy là buồng của cô con gái "Coằng". Thim chợt cúi xuống thoáng xấu hổ với cách ăn mặc của mình - rách rưới quá, chắc cô chủ thương hại nên bố thí cho mình như bố thí cho một kẻ ăn mày đây. Nghĩ vậy, Thim bỗng thấy bực định quay lại đem trả... Nhưng đôi mắt nhìn Thim lúc ấy, Thim bỗng nhận ra có cái gì đó như một câu nói, như một sự cảm thông như... một điều gì nữa Thim không dám nghĩ đến...

   Một lần, một lần nữa cũng lại thế, và đôi mắt ấy vẫn nhìn Thim qua ô cửa không chớp. Thim lúng túng, Thim không thích như vậy, săn được con gấu "Coằng" trả cho mình một chén muối bằng miệng, thế là được. Việc cho thêm "Coằng" phải nói, nếu không rắc rối lắm, "Coằng" mà biết việc này chắc sẽ không bỏ qua. Thim bỗng thấy lo nhưng mọi việc xảy ra đều không qua nổi đôi mắt một mí của Sài Vẳn, nó đã nhìn thấy hết.

*
*  *

   Rừng động! Ðã hơn năm ngày đêm những ngọn lửa bắt đầu từ đâu đó đang liếm vào những khu rừng già, thỉnh thoảng một cơn gió thổi đến làm cái lưỡi đỏ máu cong tớn bốc cao lên những ngọn cây cao vút, những con thú nhỏ từng bầy, từng bầy kéo nhau về những cánh rừng gần bản. Những đám ngô, đám lúa nương như bị một trận mưa đá làm xơ xác gãy nát. Trong bản có người đã gặp hổ, có người bị gấu tát lật cả da mặt. Không khí căng thẳng trùm lên khắp nơi. Không ai dám ra cửa  lúc trời nhá nhem tối.

   Thim đi vào rừng lúc trời vừa sáng rõ. Cây giáo lên nước đen bóng nằm trên vai. Hai bắp chân đỏ như lõi cây nghiến nhằm hướng rừng trước mặt rảo bước tự tin. Thim nhớ từng lời của người cha để lại về những kinh nghiệm đi rừng. Khi hiểu kỹ từng chiếc lá, ngọn cỏ rừng với con người không còn một khoảng cách xa lạ một sự huyền bí nào nữa. Với đặc điểm của từng loại thú. Thim chẳng lạ, như hổ một loài thú rất tinh, khi tấn công con mồi thường bất ngờ từ phía sau và hai bên cạnh dùng hai chân trước đẩy ngã đối phương, lập tức những chiếc nanh nhọn hoắt cắn ngập vào dưới cổ và hút máu tươi. Với người hổ rất thận trọng, phải thật tinh mới phát hiện ra tiếng động nhỏ và mùi hôi như măng thối và rất khét của nó. Khi đối mặt phải thật bình tĩnh nhìn nó bằng cặp mắt thách thức giao chiến. Khi bị một đòn bất ngờ hổ thường quay đầu bỏ chạy. Khác với hổ, gấu thường chủ động tấn công người từ mọi hướng, khi bị thương gấu không bỏ chạy như hổ mà vết thương chỉ làm nó tăng thêm kích thích và tấn công đối thủ dữ dội. Thợ săn gấu bằng giáo phải có sức khỏe và lòng dũng cảm phi thường. Khi tấn công gấu thường đứng lên bằng hai chân sau và vồ xuống đối thủ bằng cả thân hình nặng nề cùng với những cái tát đứt ra từng mảng thịt. Lợi dụng vào đặc điểm đó, thợ săn phải thật nhanh ghì chắc đuôi giáo xuống đất, hướng mũi giáo về phía trước, khi vồ ập xuống gấu sẽ bị mũi giáo xuyên từ ngực ra sau lưng, thanh sắt ngang cách mũi giáo hai gang tay sẽ là vật cản chắn ngang ngực, lúc đó gấu không thể với đến người được. Thợ săn xoạc hai chân trong tư thế định tấn giữ chắc thân giáo, trong hơn hai mươi phút gấu yếu dần, hai tay cào cấu đã đuối, lúc ấy thợ săn dồn hết sinh lực bất ngờ giật mạnh cây giáo sang một bên - đột ngột bị mất thăng bằng một chân con thú nhấc lên khỏi mặt đất và đổ ngang xuống. Cú thứ hai là cú đâm quyết định tuyệt đối chính xác - rút nhanh mũi giáo phóng thẳng vào hốc mắt xuyên qua óc giữ chắc cây giáo, trong ít phút con thú giãy giụa và chết hẳn lúc đó mới chấm dứt cuộc giao chiến.

   Bầu trời đã hửng nắng, những tia nắng đầu tiên vọt tung ra đuổi bóng râm lạnh lẽo đọng trên những tán lá dày trên ngọn núi cao vút là bốc lên những đụn sương mờ đục. Thim hít căng lồng ngực không khí trong lành của buổi sớm thoảng hương nấm và cỏ rừng ngai ngái dễ chịu.

   Bỗng... rắc!... một tiếng gẫy khô rất nhẹ làm Thim bừng tỉnh. Ðôi tai hướng về nơi phát ra tiếng động... Không phải thú!... Thim khẳng định đây là tiếng chân người: -Ai thế nhỉ! người nào lại vào rừng sớm vậy? Thim bỗng giật mình bàng hoàng: - Phón! -Cái tên khẽ rung lên bồi hồi trong lòng như một tiếng đàn. Phón gạt nhẹ những ngọn cây ngang ngực bước ra con đường nhỏ. Ðôi bàn chân để trần nõn nà đặt nhẹ từng bước trên thảm cỏ vẫn còn ướt sương đang bước về phía Thim. Ðôi mắt có đuôi dài mở to nhìn Thim không chớp, Thim bỗng thấy ngần ngại, do dự, chợt nhớ đến chén muối đầy ngọn và đôi mắt nhìn mình không chớp qua ô cửa sổ... Thim nhìn xuống bộ quần áo trên người, đôi má bỗng nóng bừng, Thim vội rẽ sang lối nhỏ bên cạnh.

   - Anh Thim...! - Tiếng gọi pha chút giận dỗi làm đôi chân Thim chậm lại nhưng vẫn không dám ngẩng lên.

   - Con hổ, con gấu trong rừng anh chẳng tránh, sao anh tránh em? Hay em không đáng cho anh nói một lời thường như nói với người khác?

   Thim không dám tin vào đôi tai của mình. Lời trách móc giận dỗi của Phón như đẩy ra khỏi lòng Thim, một phần ngờ vực... Thim lắp bắp từng lời:

  - Không...! Không... Phón đừng nghĩ sai về tôi như vậy, cho đến giờ tôi vẫn nghĩ rằng mình chỉ là người...

   Chừng như hiểu điều Thim không nói hết, đôi mắt Phón thoáng một nỗi xót xa  thương cảm, giọng Phón đã dịu xuống:

   - Con chim có tiếng hót tìm bạn, lời em nói chẳng rơi vào lòng anh, em muốn được gánh cái nghèo cùng anh nhưng anh chẳng cho...

   Một làn gió nhẹ thổi qua. Có một điều gì đó như ngọn lửa đang bùng lên trong thâm tâm của người con trai mới lớn. Cái ngưỡng cửa của ngỡ ngàng hồi hộp muốn cồn lên ồ ạt như một luồng gió mạnh mẽ làm nghiêng ngả trời đất, nhưng trạng thái hư thực thoáng gợn tự ti như tạo một khoảng trống vô hình níu hờ ý nghĩ của Thim lại. Thim im lặng ngẩng lên nhìn Phón, đôi mắt Thim đã thay tiếng nói của lòng mình, Phón đã đọc được tất cả.

   Khoảng không bình yên của núi rừng bị vỡ ròn từng mảnh trong tiếng vó ngựa dồn dập xuống con đường mòn rải đá khô khốc. Linh tính như báo cho Thim một điều không lành. Ðôi mắt Phón cũng thoáng bối rối lo lắng. Thim khẽ nói qua hơi thở: - Phón về đi! Hình như có người nhà ra tìm đấy!...

   Phón khẽ gật đầu nhưng đôi mắt vẫn nhìn Thim không muốn dứt. Vừa định rẽ vào bụi cây bên đường thì một tiếng quát như hét lên giận dữ:

   - Phón, về ngay!

   Phón giật bắn người, đôi chân như muốn khuỵu. Sài Vẳn nhảy từ trên lưng ngựa xuống. Ðôi mắt một mí của nó ánh lên dữ dội, nó bỏ cương bước về phía Phón:

   - Ai cho mày ra đây?

   Nhìn người anh nét mặt dữ tợn Phón chống chế yếu ớt:

   - Sớm nay.... em muốn vào rừng chơi...!

   - Muốn vào rừng chơi... ! -Thằng Sài Vẳn kéo dài tiếng "chơi" đầy ngụ ý rồi hất hàm nói:

   - Mấy hôm nay rừng báo động có nhiều thú dữ về mày không sợ chết à... ! Bố bảo tao đi tìm mày. Về ngay! Có người bên Bắc Mê sang hỏi mày làm vợ đấy, đi đi!

   Phón ngơ ngác:

   - Làm gì có chuyện đó! Có ai nói gì với tôi đâu?

   - Không nhiều lời, về ngay! - Sài Vẳn dằn giọng.

   Phón đưa mắt nhìn Thim lo ngại như muốn nói điều gì nhưng thấy Sài Vẳn thì lại thôi. Phón bước nhanh quay sang con đường cũ. Sài Vẳn  tiến đến trước mặt Thim, hai chân đứng dạng, nó nhìn Thim trừng trừng rồi đột ngột hạ giọng vui vẻ:

    - Thim! Mày cho tao mượn cây giáo này một lát được không! Từ lúc Sài Vẳn xuất hiện Thim vẫn lo lắng cúi đầu, giờ bỗng giật mình khi nghe nó hỏi, chưa kịp nghĩ Sài Vẳn muợn để làm gì thì nó đã giật nhanh cây giáo trong tay Thim rồi nói: - Tao cũng muốn có một cây  giáo như mày, chờ tao một lát, tao mang về cho bọn thợ xem để bọn nó làm cho, tao sẽ trả mày ngay! - Vừa dứt lời Sài Vẳn nhảy lên lưng ngựa phi thẳng để lại phía sau những âm thanh khô khốc lốp cốp lốp cốp xa dần. Thim ngồi xuống mỏm đá bên vệ đường trong người còn chưa hết bàng hoàng. Chưa khi nào Thim dám nghĩ mình sẽ có một tình yêu, thế mà mới đây thôi, tất cả như vẫn còn ấm nóng. Cái giọng nói trách móc chứa trong đó là cả nỗi lòng chân thật của Phón. Tất cả như vừa qua một giấc mơ kỳ diệu, đã có lúc nào Thim dám nghĩ đến diều kỳ diệu đó. Nhưng cũng nhanh như chớp mắt Sài Vẳn lại mang đến một tin xét đánh: "Có một người đến hỏi Phón làm vợ". Thim thoáng buồn, một nỗi buồn bất ngờ như tình yêu của Thim, một tình yêu mà Thim vẫn chưa được đụng tay, chưa nói được một lời mềm ngọt như gió, bỗng chốc tan đi như làn sương mỏng dưới ánh nắng chói chang. Nhưng rồi Thim tự an ủi: - Cũng phải thôi, đời nào ai lại gả một đứa con gái con nhà quyền quý nhất vùng cho thằng con trai nghèo khổ như Thim! Thôi không nghĩ chuyện đó nữa. Thim bỗng lắc mạnh đầu như muốn xua đuổi những ý nghĩ đó, rồi khẽ nhếch mép cười, một nụ cười chua chát làm khuôn mặt như méo hẳn.

   Tiếng vó ngựa khô khốc lại nổi lên trên con đường rải đá trắng. Thim chẳng buồn để ý. Sài Vẳn đã quay lại, nó nhảy từ trên lưng ngựa xuống, tay cầm cây giáo bước xuống trước mặt Thim:

   - Này trả mày đây! Hai ngày nữa tao cũng có một cây giáo như mầy!

   Thim vẫn im lặng nhìn nó mà vẫn chẳng để ý nó nói gì, chỉ khẽ gật đầu cho qua chuyện. Sài Vẳn nhảy lên lưng ngựa, con ngựa bị ghìm cương một tay quay một vòng tại chỗ móng côm cốp chừng như sốt ruột. Sài Vẳn nhìn Thim rồi tiếp bằng một giọng nói vui vẻ hiếm có:

   - Lần này được con gấu to về, tao sẽ cho mày thêm chén muối nữa, còn chuyện lúc nãy mày đứng với con Phón em tao, tao coi như không có, được chưa? hì hì hì! - Sài Vẳn nhếch môi cười phơi ra ngoài một loạt răng bịt vàng, một kiểu cười đắc ý khó hiểu. Ngoắt một cái con ngựa lại đưa nó quay về bản.

   Thim chẳng còn bụng dạ nào để ý đến những điều Sài Vẳn nói, nhằm hướng rừng trước mặt chân bước đi mà đầu chẳng còn nghĩ đến chuyện săn thú nữa. Bứt một chiếc lá cây bên đường Thim đưa lên môi, một điệu kèn lá như bơi vào giữa cánh rừng bạt ngàn, bầu trời cao rộng ngăn ngắt khe khẽ nghiêng tai lắng nghe cái điệu kèn buồn như làn khói trấu gieo chậm trong nắng vàng lặng. Ðiệu kèn Thim dành riêng cho mình một nỗi buồn mà chỉ riêng mình mới thấm được hết nó mà chẳng muốn rơi vào tai ai.

   Bỗng có tiếng kêu thất thanh từ phía dốc rừng trước mặt. Thim giật mình dừng lại. Trạng thái linh hoạt như khi phát hiện thú dữ đã truyền khắp cơ thể: "Có người gặp thú dữ". Một phán đoán nhanh làm đôi chân Thim đột ngột bật vút đi lao về phía có tiếng người kêu cứu. Thim dừng phắt lại trước mặt một con gấu ngựa đang đuổi theo một cô gái quanh một gốc cây nghiến. Cô gái quần áo tả tơi, vòng khăn đã văng khỏi đầu, tóc rũ xuống không nhìn thấy rõ mặt. Một mảng áo ở lưng đã rách toạc, để lộ ra những vết cào rướm máu trên làn da trắng mịn. Con thú hồng hộc đuổi theo, những cú tát trượt vào gốc cây càng làm cho nó thêm lồng lộn tức tối. Thim hét lên: - Chạy về hướng này! - Cô gái vụt ra khỏi gốc cây, lao về hướng Thim. Thim chằm chằm nhìn con vật đang lao về hướng mình. Ðôi mắt bình tĩnh đến lạnh lùng, từ trong hai đốm lửa đó bật lên ý nghĩ dữ dội và quả quyết. Một khối đen khổng lồ đứng lên bằng hai chân sau bất ngờ lao vào Thim, Thim gồng người, cúi xuống trong tư thế đinh tấn! - Phập! - Mũi giáo đón nhận chính xác vào giữa ức con thú, một tiếng rú lên rùng rợn man dại. Ngay lúc đó Thim cảm giác cây giáo trong tay nhẹ bỗng, con gấu vừa vươn đôi tay cào cấu đã đổ nghiêng sang một bên. Mũi giáo nằm sâu trong ngực con thú đột nhiên gẫy gọn, lộ ra một đường cắt rất nhỏ ngay sát chuôi mũi giáo... Trong đầu Thim bỗng hiện lên bộ mặt Sài Vẳn lúc nó đem trả cây giáo, một nỗi đắng cay giận dữ đến nghẹn thở. Thim đã hiểu ra tất cả. Con gấu chồm dậy rất nhanh, từ ngực nó một dòng máu đỏ sẫm trào ra ướt đẫm mảng lồng ngực. Cây giáo không còn tác dụng nữa. Vừa né người tránh hai cái tát, nhanh như chớp Thim luồn sát ngực chộp nhanh hai tay của nó đẩy ngay ra, đầu húc ngược dưới hàm, bằng tất cả sức lực cùng với miếng võ hiếm bất kỳ thợ săn nào cũng phải biết, con thú bị đẩy lùi từng bước, sát vách núi dựng đứng. Thim dồn sức vào chân phải đạp mạnh vào bụng nó đồng thời hai tay đẩy bật con thú ra khỏi người - một khối đen sì nặng nề vùn vụt lao xuống chân núi sâu hút, một lát sau dội lên một tiếng va đập nặng chịch như tiếng giã gạo. Không gian trở lại yên tĩnh một cách tàn nhẫn, một thứ yên tĩnh giả tạo như ở đây chưa bao giờ  xảy ra điều dữ dội. Chợt có tiếng chim họa mi lảnh lót như căng lại những âm thanh bằng lặng yên ả. Lưng vẫn tựa vào vách đá. Thim lim dim mắt như muốn hút tất cả những âm thanh và ánh nắng của rừng vào bộ ngực vuông vức phập phồng. Cảm giác bàng hoàng như vừa trải qua một giấc mơ khủng khiếp.

   Tiếng rên khe khẽ đâu đây đã kéo Thim trở về với thực tại. Thim  mở choàng mắt chợt nhớ đến cô gái lúc nãy - giờ đang ngồi tựa lưng vào gốc cây, tóc xõa xuống đôi vai áo đã bị rách, lộ ra những vết cào bầm máu. Thim vội vã chạy đến. Vừa cúi xuống bất ngờ. Thim kêu lên:

   - Phón! - Ruột gan Thim như thắt lại. Ðôi mắt Phón từ từ mở, miệng mấp máy:

   - Anh ơi! Em cứ nghĩ là anh đã... có thật là, vẫn còn sống không?

   - Ðừng nói vậy Phón à, tôi vẫn còn sống đây mà!

   Thim quỳ xuống bên cạnh Phón lo lắng, đôi bàn tay gân guốc giờ như thừa thãi, lúng túng  không biết đặt vào đâu, Phón thì thào:

   - Anh ơi, đỡ em dậy đi...

   - Giọng nói khe khẽ như từ một cõi xa xăm vẳng đến truyền sang Thim một cảm giác lo lắng xúc động, phá vỡ tất cả mọi khoảng cách hoài nghi trong lòng. Cái ngỡ ngàng lúng túng đã đi qua, thay vào đó là niềm thương cảm nghèn nghẹn dâng đầy ngực, lấn át những cơ cực cay đắng, những hiểm họa kinh hoàng vừa qua. Thim đỡ Phón trên cánh tay rắn chắc như sợ làm rơi mất điều kỳ diệu, ngay cả trong những giấc mơ cũng không bao giờ dám mơ đến:

   - Em đã quay về rồi cơ mà? - Thim buông tiếng nói của mình ra mà trong lòng vẫn chưa hết cái ngây ngất như mơ... như thực. Phón nhìn vào đôi mắt Thim như cầu cứu:
  - Sao anh nghĩ em về nhà? Anh không nghĩ người ta sẽ bắt em đi làm dâu nhà khác sao... Em không thể... biết anh qua đây nên em đã...

   Tiếng thì thào của đôi trai gái như tiếng lá rừng cọ lưng bỗng bị bẻ vụn ra thành tiếng ngựa hí xé lên từ phía chân dốc. Hai người giật mình nhìn xuống, một đoàn người ngựa dao, súng nai nịt, hối hả lao lên. Ði đầu đám gia nhân là Sài Vẳn, toàn thân nằm rạp trên mình ngựa. Nhìn Sài Vẳn đôi mắt Thim như có cục than đỏ rực, nhưng giọng nói lo lắng cầu khẩn của Phón đã kéo ý nghĩ đang ùn lên trong lòng Thim sững lại: - Anh ơi, đừng bỏ em... đưa em đi với... đi đi, nhanh lên anh! - Thim bàng hoàng nhìn Phón, nỗi lo sợ làm cô gái mỗi lúc như lả đi trên cánh tay Thim. Chừng như đã hiểu tất cả, những điều Phón vừa nói, Thim đứng dậy xốc Phón lên lưng cắm đầu chạy vào rừng. Nhưng cùng lúc ấy bọn Sài Vẳn đã phát hiện ra. Tiếng vó ngựa xen lẫn tiếng ngựa hí cùng với tiếng tù và rúc lên làm rầm rĩ cả khu vừng:

   - Không được giết! Không được giết, phải bắt sống lấy nó!

   Ðạn nổ quanh người cũng không làm đôi chân Thim chậm lại, mặc gai cào vào mặt vào chân. Thim lao về hướng núi trước mặt. Chỉ cần qua ngọn núi này thôi sẽ đến đất Bắc Mê, đến đấy bọn Sài Vẳn sẽ không dám đuổi theo nữa vì vùng đất đó đã thuộc "Coằng" khác. Cuộc sống sẽ ra sao? Thim không cần biết! Miễn sao lúc này thoát khỏi tay Sài Vẳn. Thim biết điều gì sẽ xảy ra nếu lúc này rơi vào tay nó, nhưng đôi chân của Thim đã không làm nổi ý nghĩ trong đầu mình. Như từ trên trời nhảy xuống. Sài Vẳn xuất hiện ngay trước mặt. Bị ghìm cương đột ngột con ngựa hồng đang đà lao bỗng chồm hai vó trước lên như múa trên không rồi bổ mạnh xuống đất. Nòng súng săn đen sì dí vào ngực làm Thim vừa cõng Phón vừa lùi lại: - Thim, mày đã làm gì...? Bỏ em tao xuống! - Sài Vẳn nén chặt câu nói lạnh lùng đầy thuyết phục. Một thằng, lại một thằng nữa nhảy từ trên lưng ngựa xuống, bộ mặt đứa nào cũng dữ tợn.

   Thim quằn quại mê man trong những tiếng quát tháo như từ một cõi hư vô vẳng đến:

   - Muối! muối nữa, bỏ hết ra, cả cái ống của nó nữa... xát mạnh vào chỗ kia, chỗ kia! đấy phải trả cho nó như thế mới xứng.

   Cảm giác bỏng rát như nằm trên ngọn lửa cháy đến tận gan ruột. Thim quằn người ngất lịm. Ðã bao nhiêu chiếc roi song gãy nát Thim không biết. Những hạt muối hiếm hoi đã bao lần phải đánh đổi bằng sức lực và lòng dũng cảm trước cái chết luôn đe dọa mới có được, thế mà chính nó làm cho Thim phải chịu bao đau đớn xé gan ruột.

   - Nó chết rồi, cậu chủ ơi! Một đứa trong đám gia nhân ngẩng lên khúm núm. Sài Vẳn lạnh lùng ra hiệu cho đám gia nhân lùi ra, nó tiến gần cái xác đặt chân đạp mạnh, cái xác bất động nghiêng sang một bên. Ngó nghiêng một lúc nó lên tiếng với lũ gia nhân:

   - Nó chưa chết hẳn đâu, nhưng đêm nay cũng phải để cho thú dữ có thịt tươi ăn!

   Sài Vẳn quay lại, Phón đã ngất lịm từ lúc nào, nó bước đỡ em gái lên lưng ngựa rồi cùng lũ gia nhân đạp ngựa quay về bản.

*
*   *

   Cái đêm ấy đã qua đi hơn hai mươi năm, mỗi khi nhớ lại Thim vẫn cảm giác một nỗi cay đắng, chua chát dâng bừng lên mặt. Ðêm ấy nếu không có trận mưa như trút không biết rồi số phận sẽ ra sao. Mưa đã rửa sạch những hạt muối mặn chát trên mình chàng trai săn gấu như muốn rửa hết nỗi oan trái trong lòng. Hơi đất ẩm ướt và tiếng thì thầm đã làm Thim tỉnh lại. Ðôi mắt mệt mỏi của Thim khi vừa mở thấy mình đang nằm trong một hang đá, giữa hai người đàn ông lạ mặt. Thim ngơ ngác định nhỏm dậy - Một người đàn ông có khổ người to, cao, nét mặt nhác nhìn rất dữ bởi bộ râu quai nón rậm xù đã đưa tay ấn nhẹ Thim nằm xuống rồi nói bằng giọng rất trầm ấm áp:

   - Bọn tao đã nhìn thấy mày ở dốc "Kéo lùm", và đã đưa về đây! Mày thấy trong người khá hơn rồi chứ?

   Thim khẽ gật đầu nhưng vẫn chưa hết ngạc nhiên.  Người đàn ông có bộ râu quai nón với tay lấy bát rượu đặt trên hòn đá đưa cho Thim:

   - Mày uống đi! Cái mật gấu bọn tao tìm thấy trong túi áo của mày đấy! Rượu thôi mà, một phần xoa lên người mày rồi, uống cái này chỉ mấy tiếng nữa là đi được ngay thôi! Xong mày hãy kể cho bọn tao nghe, sao mày đến nỗi này.

   Cử chỉ nhân hậu và tiếng nói trầm ấm của người đàn ông lạ đã làm Thim tan đi mọi nghi ngại. Hơi rượu đã truyền khắp cơ thể làm Thim bớt đi những đau đớn.

   Khi nghe Thim kể xong, hai người đàn ông đã nhìn Thim bằng ánh mắt thông cảm như muốn nói từ trong đó những lời an ủi. Rồi họ cũng cho Thim biết - họ là những người cùng cảnh ngộ đang rủ nhau đi tìm Việt Minh, vì họ được biết Việt Minh là những người cầm súng đánh bọn quan châu, bọn "Coằng" bảo vệ những người nghèo như Thim và tất cả những người nghèo khổ khác. Rồi họ rủ Thim cùng đi. Ba người đã tìm thấy một đơn vị quân đội ở một cánh rừng Nguyên Bình, họ tình nguyện xin nhập vào đơn vị và cùng tham gia các chiến dịch biên giới rồi đến chiến dịch Ðiện Biên. Năm tháng đi qua, tuổi xuân của Thim đã gửi gắm ở khắp các chiến trường nhưng hình ảnh Phón vẫn không sao phai mờ trong tâm trí của chàng trai săn gấu. Mỗi khi nhớ về vùng quê xa ấy, nơi Thim đã có cả một thời trẻ trung chát đắng, nơi có một người con gái yêu mình bằng tất cả tấm lòng trong trắng chân thật. Cô gái ấy như không sinh ra từ cái gia đình quyền quý nhất vùng Pắc Miều, mà sinh ra từ hạt gạo thủy chung, nhân hậu. Tình nguyện đánh đổi tất cả để đến với chàng trai săn gấu nghèo khổ mồ côi, để rồi cùng phải chịu những bất hạnh của chính gia đình giáng xuống mối tình như cánh hoa đầu tiên mới nhú, đã bị dập nát dưới cánh đập phũ phàng của loài chim ác.

   Thim rời quân ngũ sau ngày đất nước hòa bình được bốn năm. Nỗi khao khát được gặp lại người yêu như ngày đông lạnh giá gọi mặt trời đầy nắng. Sau khi nộp giấy tờ chuyển ngành. Thim đi bộ hơn mười ngày ròng rã không nghỉ và về đến bản mình, cái bản Pắc Miều xa xưa giờ đã khác lạ. Dân bản nhìn thấy anh cứ ngỡ như hồn ma hiện về, vì ngày ấy mọi người đều kháo nhau: anh đã bị nhà "Coằng" giết mất xác trong rừng. Nhà nào cũng muốn kéo anh về ăn cơm. Anh vào nhà nào, già, trẻ, lớn, bé trong bản đều kéo nhau đến để được nghe anh kể chuyện về mình. Vui lắm nhưng anh vẫn buồn vì chưa có ai nói cho anh biết về cô gái ấy giờ ra sao? Rồi có người cũng đã cho anh biết - Từ ngày cán bộ và bộ đội Việt Minh đến, bố con nhà "Coằng" đã trốn biệt sang Trung Quốc. Còn cô gái ấy khi đưa từ trong rừng về đến nhà đã tỉnh lại, có người cho cô biết - Thim đã bị giết trong rừng. Suốt hai ngày cô không ăn uống gì. Thế rồi vào một đêm cô gái đã bỏ đi và không bao giờ thấy trở lại nữa. Nhà "Coằng" cho người đi tìm và họ đã thấy xác một người con gái trôi trên sông, xác đã trương phình không còn nhận ra hình thù ai. Nhà "Coằng" đưa về làm ma ba ngày theo phong tục rồi mới đem chôn. Mấy ngày sau đưa ma có người gặp một gia đình ở bản Nà Nu làng trên Pác Miều cũng đi tìm con. Họ cho biết đứa con gái lớn trong nhà ra sông tắm không thấy về. Biết nhà "Coằng" có thế lực nhất vùng, chẳng ai dám vào xem có phải con gái xấu số của mình không?...

   Những câu chuyện như mảnh nứa cứa vào gan ruột, Thim không muốn ở lại nữa. Mấy ngày sau Thim trở lại cơ quan. Nhưng những điều chắp nối khi nghe dân bản kể, Thim linh cảm có điều gì đó trong lòng mình giống như đốm lửa hồng âm ỉ, chờ một luồng gió thổi vào sẽ bùng cháy lên niềm hy vọng bất ngờ. Thế là anh khéo léo từ chối cái chức phó phòng hành chính mà cơ quan giao cho. Thim tình nguyện chọn cái nghề âm thầm vất vả nhất mà chẳng mấy ai muốn nhận, đó là chân đưa thư lưu động đi các làng, xã. Thim giấu trong mình một niềm hy vọng, niềm hy vọng này sẽ vĩnh viễn không thể rời khỏi ý nghĩ mình nữa. Nếu có thể điều bất ngờ tìm thấy bóng dáng xưa sẽ không đến với anh, nhưng dẫu sao như thế vẫn hơn! Anh tự nhủ trong lòng mình vậy, và thế là Thim đã đóng chặt tất cả những cánh cửa của lòng mình và chỉ để ngỏ một lối duy nhất cho tình yêu ban đầu ấy vĩnh viễn tồn tại - lấp ló một đốm sáng vĩnh cửu. Ðã hơn ba mươi năm tìm kiếm qua đi nhưng cái đốm lửa nhỏ nhoi đó vẫn bỏng rát trong lòng.

*
*   *

   Giờ đã là ông già Thim - trầm tĩnh - ít nói - tóc đã điểm sương. Màn chiều đã buông, trời đã bắt đầu nhá nhem. Bản Vạn đây rồi - ánh lửa bập bùng trong bếp nhà sàn, hắt những tia sáng vàng rực qua kẽ liếp. Ông Thim dừng lại, hồi hộp đưa tay lên túi ngực trái rồi từ từ rút ra một lá thư, đọc lại một lượt nữa. Những dòng chữ hiện ra trước mắt ông nhảy nhót, lập lòe như những ánh lửa làm đôi tay bỗng run lên như lúc sáng. Ông cầm nó trên tay khi soạn thư ông đã bắt gặp: Sầm Kim Bảo... Hòm thư. Gửi mẹ: Sầm Thị Phón... xóm bản Vạn, xã Ðồng Mu, Bảo Lạc, Cao Bằng.

   Ông không nhớ là ông đã hỏi, ai đó đã chỉ cho ông ngôi nhà ở phía cuối bản. Nhưng rồi ông lại chợt phân vân nghi ngại: - "Có thể là sự trùng lặp chăng" - Và đứa con nữa, con ai? Sao lại lấy họ mẹ? Con nuôi hay con riêng? - Một loạt những câu hỏi đưa nhau lao vào đầu ông châm chích nhưng vô ích. - Không! Ông không cần biết điều đó, vì trong ông cái linh cảm ông đã nén hơn ba mươi năm nay có gì đó ông tin là sẽ không nhầm. Ngôi nhà hiện ra trước mắt ông, cánh cửa khép hờ như suốt ba mươi năm nay vẫn khép hờ như vậy, chờ ai đó đến mở ra.

Bài liên quan
  • KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ký sự Cao Lạng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được ghi nhận là một trong những tác phẩm dài hơi đầu tiên của nền văn học kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp, đại diện xuất sắc cho thể loại ký sự trong văn học sử Việt Nam thời hiện đại. Tác phẩm như một thiên sử thi, ghi lại những diễn biến lần đầu tiên Quân Đội Nhân Dân Việt Nam tiến công quân xâm lược Pháp, do đích thân Hồ Chủ Tịch ra trận chỉ đạo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đảm nhận trọng trách chỉ huy trưởng chiến dịch. Ký Sự Cao Lạng cùng với một số tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh (giải thưởng diễn ra 5 năm một lần) trong lần đầu tiên giải thưởng này được tổ chức năm 1996.
  • MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mùa Gụ là truyện ngắn trong tập Ngày mai sẽ nắng của nhà văn Trần Tâm, Nxb Kim Đồng in năm 2002.
  • ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chuyện của nhà văn gốc Cà Mau, về miền sông nước...
  • CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    Chuyến xe lửa đêm ra Bắc hôm nay có vẻ hấp tấp vội vàng như người đi trốn nợ. Thỉnh thoảng đầu xe lại thét vội giữa quãng đồng không, xa xa. Nghe như hơi thở của đêm vắng.
  • LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Làn gió chảy qua là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016.
  • THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Tháng Bảy là truyện không ngắn như những truyện ngắn khác mà nhà văn Phan Thị Vàng Anh thường viết, nó dài hơn hẳn. Truyện được viết khi tác giả tham dự chương trình viết văn của Đại học Iowa, Mỹ, đăng trên TTCT năm 1996.
  • HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn quê gốc Chợ Gạo Trần Kim Trắc, còn được biết đến với tên gọi Ông Thiềm Thừ, theo tên một truyện ngắn xuất sắc của ông, là một trong những cây đại thụ của văn chương Nam Bộ. Truyện nào của ông, cũng như gieo những cơn mưa Nam Bộ, thấm đẫm từng trải và bạt ngàn vốn sống lên văn đàn.
  • ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn Đảo của dân ngụ cư của nhà văn Đỗ Phước Tiến in trên báo Văn học và Dư luận năm 1992, ngay lập tức đã gây chú ý  tới đông đảo độc giả yêu mến văn chương. Năm 1994, Đảo của dân ngụ cư đã được dịch sang tiếng Pháp với tựa Terre des éphémères và được lấy làm tên cho một tập truyện xuất bản ở Paris. Truyện cũng được dịch sang tiếng Anh với tựa The Way Station trong tuyển tập Night, Again xuất bản tại New York năm 1996. Đến năm 2016, tại Việt Nam, nó được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên do Hồng Ánh đạo diễn.
  • THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH của Nhà văn Cà Mau Nguyễn Trọng Nghĩa in lần đầu trên báo Tuổi trẻ chủ nhật sau đó in trong tuyển tập Truyện ngắn hay Tuổi Trẻ Chủ Nhật, nhà xuất bản Trẻ 2005.
  • ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Nguyễn Đình Tú đến với văn chương từ cuộc thi Tác Phẩm Tuổi Xanh của Báo Tiền Phong năm 1995, với giải thưởng cho truyện ngắn Niềm vui của một dòng họ. Nhưng phải tới khi đạt giải nhì cuộc thi văn chương của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1999, anh mới chính thức rẽ vào làng văn và trở thành một trong những nhà văn thế hệ 197x viết nhiều và đa dạng thể loại thành công nhất hiện nay.