chan_dung-ke_si

NGƯỜI QUAY TƠ - Truyện ngắn Nhất Linh

12-08-2023

Lượt xem 1006

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  truyện ngắn hay Nhất Linh

NGƯỜI QUAY TƠ - Truyện ngắn Nhất Linh

Chân Dung Kẻ Sĩ: Người quay tơ là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên được Nghiêm Hàn ấn quán xuất bản năm 1927. Đây là một tác phẩm được ít người biết đến trong sự nghiệp văn học lẫy lừng của Nhất Linh – chủ soái Tự lực văn đoàn. Ra đời chỉ một năm sau truyện ngắn đầu tay Nho phong của Nhất Linh, nhưng tập truyện đã đánh dấu sự thay đổi vượt bậc trong văn phong, nghệ thuật sáng tác của ông, báo hiệu một văn tài xuất chúng sau này.

 

Tử Nương là một người con gái thôn quê làm nghề chăn tằm, ươm tơ, ở làng Xuân Nghi huyện Hồng Lạc. Nhà nghèo, cha mẹ đã già, làm lụng để nuôi hai thân. Cô trông xinh lắm, người thanh thanh vừa tầm, hai con mắt êm đẹp, mỗi khi trời nắng, gió lạnh, cô ra sân hai tay ngọc xe sợi tơ vàng dệt lụa là cho người trong làng mặc. Một hôm, đương ngồi quay tơ ngoài sân thời có một người học trò nho đi qua, thấy nàng đẹp quá mê đứt đi, ngày nào cũng hai lần trèo qua cái đồi cao, sang để gặp mặt nàng như thế, được gần một năm. Về sau nàng biết mà cảm thương, đem lòng mến. Mùa đông gió trên đồi thổi mạnh, lắm hôm rét quá mà nàng cũng chịu khó ra ngồi quay tơ ngoài sân cho người học trò được trông thấy mặt.

Tin đi mối lại rồi hai người lấy nhau, lúc ấy nàng mới có mười sáu tuổi. Nhà chồng nghèo nàng vẫn giữ nghề cũ nuôi chồng đi học, năm sau đỗ tú tài. Hai vợ chồng hòa hợp thương yêu nhau lắm, lấy nhau được trên hai năm cũng chưa có con cái gì. Một hôm ông tú gọi nàng đến, khóc và dặn rằng:

- Tôi đi phen này chưa biết bao giờ về, mà tôi cũng không mong đâu trở về nữa, không biết có còn thấy được mặt nhau nữa không?

Nàng nói:

- Thôi tôi hiểu cả rồi, việc cửa nhà tôi xin thay, chàng cứ yên tâm mà đi. Việc gì phải khóc lóc thế. Làm tài trai trong nước mà không được như người con gái quê mùa này ư?

Nhưng nàng nói thế rồi nàng cũng khóc theo. Ông tú lên Hà Nội, rồi đi đâu mất, họ đồn là theo bọn văn thân. Mấy tháng sau có mật thám về bắt bà cụ chánh là bà mẹ ông tú và từ đường lên tra hỏi. Lúc mới đến, nàng biết ngay, mặt tái ngắt, song gượng lại ngay mà nói:

- Các bác cứ để yên tự khắc bà tôi và tôi sẽ lên, chúng tôi không việc gì mà phải trốn, không cần phải xích tay, xích chân gì cả.

Các bác kia thấy người con gái nhà quê mà ăn nói cứng cáp, khẳng khái, bằng lòng để cho hai mẹ con được tự do.

Ông tú phải đi đầy Côn Lôn chung thân: nàng lại đem bà Huấn về quê giữ cái guồng tơ khung củi để lấy tiền phụng dưỡng thay chồng. Như thế được bốn năm trời: từ mẹ chồng cho đến người trong họ ai ai cũng cho phép nàng cải giá, nàng nhất định không lấy ai cả, quyết giữ lời thề với người cũ. Ông tú ở Côn Lôn cũng mấy bận viết thư về khuyên nàng, bắt nàng lấy người khác, lời lẽ thảm thiết thương. Nàng xem thư chỉ khóc rồi có khi nào nhớ chồng, lên tít trên đỉnh đồi cao mà đứng trông, có khi về nhà bố mẹ đẻ ra ngồi quay tơ ngoài sân, tưởng tượng đến lúc gặp gỡ, người thư sinh từ mấy năm về trước; những lúc ấy thời nàng lại đẹp lên bội phần, ai cũng thương mà ai cũng yêu, trong làng nhiều người rắp ranh bắn sẻ: một ông giáo có quen ông tú, góa vợ đã lâu cũng đem bụng yêu nàng, cho mỗi sang hỏi. Lúc mối sang, nàng biết ngay, than rằng:

- Ai ngờ bác giáo mà cũng đến như thế ư!

Nói xong mắng mối đuổi ra. Ai cũng giận mà ai cũng mến nàng hơn trước.
Bà cụ Huấn mất, nàng làm ma chay cho chu đáo, rồi lên tỉnh xin phép đi theo chồng. Xin mãi mới được phép, Nhà nước lại cho cả tiền tầu nữa. Nàng về quê thu xếp, rồi một thân một mình ra đi, đất lạ quê người. Nàng ở bên ấy với chồng khổ sở trong ba năm, sinh được một đứa con trai thời ông tú bảo nàng về:

- Như tôi chiếc thân đầy đoạn đã đành chứ vợ con tôi thời có tội tình gì, nay đã được đứa con để nối dõi thời mợ đem con về nước, cố mà nuôi cho nên người khí khái, chứ ở đây với tôi mãi, thời chỉ thêm phí hai đời người nữa mà thôi. Còn tôi... tôi cũng không định sống lâu đâu, xin đừng tơ tưởng đến tôi nữa!

Nói xong, nắm tay vợ khóc mà từ biệt.

Hôm nghe tin nàng đem con về, cả làng Xuân Nghi ai ai cũng rủ nhau ra quán đón mừng. Lúc nàng bế con ở trên xe xuống hai con mắt ngơ ngẩn đưa nhìn khắp hết người làng, trông nàng có cái vẻ thần tiên: nàng có vẻ cảm động quá ứa nước mắt mà khóc, người làng cũng nhiều người khóc theo.
Nàng thấy ai cũng có bụng kính mến, nên vui lòng mà làm ăn, tậu được cái nhà con ở chân đồi ngày ngày đi buôn hàng tấm. Một hôm nàng đang ngồi chơi với con thời có giấy về báo tin rằng ông tú tự tử mất đã được hơn một tháng rồi. Nàng ôm con vào lòng rồi ngã xuống ngất người đi. Mấy ngày hôm sau mới nhận được bức thư ông tú gởi về từ biệt.
Nàng cũng khuây dần: có lẽ nàng nghĩ mình đã có con cũng đủ, và một đằng sống một đằng chết, sống mà cũng như chết, thời thà chết còn hơn, linh hồn mới có thể về cùng vợ cùng con được.
Năm sau những người phải tội đi đầy chung thân với ông tú được tha cả. Nàng cũng biết tin ấy, thế có ai oán không? Đứa con nàng tự nhiên phải bệnh chết, nàng hóa điên từ đấy; bây giờ cứ đi lang thang, hát nghêu ngao, nhưng thường thường nàng hay về nhà bố mẹ đẻ, lấy cái guồng năm xưa ra quay tơ, quay cả ngày mà không biết mỏi, thỉnh thoảng có hát lên mấy câu.
Mới đầu cũng thương hại, song nghĩ cho kỹ thời thế lại hay cho nàng đấy, có lẽ thế mà lại xong, thật đấy nàng là người sung sướng nhất đời còn chúng mình đây không được như nàng phải đầy đọa chung thân. ừ, thử nghĩ xem sống mà đeo cái đau khổ suốt đời, cái đau khổ không bao giờ khuây được chỉ có một cách là tự diệt mình mới thoát ly, thời cái điên là chẳng nên ước lắm sao? Nàng không biết mình là khổ thời nàng là người tiên rồi. Ôi! Nhưng bây giờ Tử Nương còn biết gì nữa, nàng có nhớ đến chồng con nàng nữa đâu, ai đã yêu nàng, nàng có nhớ đâu mà nàng còn yêu ai nữa, nàng chỉ ngày ngày thơ thẩn một mình lên tít đỉnh đồi cao mà đứng trông... Nhưng nàng trông ai bây giờ?

Đường trần mới đến nửa chừng,
Mà guồng tơ cũ đã ngừng bánh xưa.

 

Nhất Linh
(Người quay tơ - Đời Nay xuất bản, 1927)

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.