chan_dung-ke_si

Người đánh trống ngũ liên - Truyện ngắn Trần Chiểu

01-06-2023

Lượt xem 4335

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

Người đánh trống ngũ liên - Truyện ngắn Trần Chiểu

CHÂN DUNG KẺ SĨ - Nhà văn Trần Chiểu (1938-2014) là một trong số các nhà văn có nhiều tác phẩm bao gồm thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết viết về Vùng Mỏ - Quảng Ninh.

Người đánh trống ngũ liên là một trong những truyện ngắn hay của ông. Tác phẩm từng được Nhà viết kịch nổi danh Miền Bắc Thanh Đạm chuyển thể sang kịch bản sân khấu, sau đó Đoàn kịch Lam Sơn dựng thành vở diễn dự Hội diễn sân khấu kịch nói toàn quốc 2009.

 

Người Đánh Trống Ngũ Liên

Trần Chiểu

 

Trưởng Công an huyện về làm việc với Ban Thanh tra Nhân dân. Đô ra oai mình là Chủ tịch xã bắn tin dọa những người không ăn cánh có mồm thì cắp có nắp thì đậy. Trước khi Đại hội Thanh tra mở rộng ra toàn dân bàn luận về việc thực thi Luật đất đai, Chủ tịch Đô xin nghỉ công tác để kiểm tra sức khỏe. Đô vắng mặt, nhưng không ngăn cản được tiếng nói trung thực và bất bình của những người nông dân mất ruộng đất bị đói khó cột chặt vào bờ dậu gai.

 

Thầy thuốc Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển chẩn đoán Đô bị bệnh gút, một thứ bệnh thừa đạm, tứ chi đau nhức, đi không vững. Bác sĩ điều trị Tô Hạnh là chỗ thân tình với Đô, chỉ định những loại thuốc đặc hiệu, nhờ vậy bệnh tình của Đô nhanh chóng thuyên giảm.

 

Ở bệnh viện điều trị, Đô có điều kiện và thời gian lo công việc riêng. Là một người biết phải đến đâu khi cần thiết, biết nên làm gì khi cần làm, Đô không khó khăn trong việc tiếp cận phu nhân Trưởng Ban Tổ chức Huyện uỷ. Đó là một người đàn bà đứng sau lưng chồng can thiệp vào công việc của chồng, vượt cả quyền ông. Bà thường thay mặt chồng thực hiện những việc thuộc phạm vi tổ chức của huyện. Việc đề bạt người này, chuyển người kia, hoặc cho đi học dài hạn, đến xử lý kỷ luật cán bộ, không ít trường hợp do ý kiến của vợ ông trưởng ban quyết định. Bà nhận quà biếu của những người được ban ân huệ.

 

Đô có ý định xin chuyển công tác về huyện để thoát khỏi những bê bối. Trực tiếp gặp trưởng ban không được, phải mua đường sang cậy cửa bà. Bà hứa sẽ điều Đô về Ban kinh tế huyện, nếu điều được ông phó ban sang Công ty Xổ số, Đô sẽ lên thay ông ta. Đáp lại thịnh tình của bà, Đô hứa nhận được quyết định về Ban kinh tế huyện sẽ biếu bà 2.000 USD. Đấy mới chỉ là lời hứa. Khi nào cầm quyết định trong tay, Đô thề có trời đất không dám đơn sai.. Bà rất sành sỏi, biết phân biệt tiền thật, tiền giả như máy. Một lần, lấy uy chồng bảo Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản vay ba tỷ đồng. Dự án vay tiền được duyệt, bà buộc Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản lót tay 3000 USD. Ông này ma lanh kẹp 10 tờ 100 USD giả lẫn vào xấp bạc thật, đưa bà. Rất nhanh, bà loại ngay được 10 tờ tiền giả và điện gọi Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản sang. Hai người to tiếng, không ai chịu nước mắm thối cả. Rốt cuộc hòa cả làng. Bà chợt nhớ câu nói bất hủ của Brecht: Nếu dũng cảm là mẹ đẻ của thành công thì thận trọng là người thầy của nó. Bà bảo Đô:

 

- Hồi này đô Mỹ giả nhiều lắm. Ông phải cẩn thận, kẻo mang vào nhà tôi những tờ giấy lộn.

 

Tuy đã ngã giá với phu nhân Trưởng Ban Tổ chức Huyện uỷ nhưng nguyện vọng của Đô không thực hiện được do đang bị theo dõi sát sàn sạt về những vi phạm Luật đất đai.

 

Thua keo này bày keo khác. Nghĩa là, phải bằng mọi cách, sau khi xuất viện, dứt khoát Đô thoát khỏi cái cổng làng tăm tối, dù có phải tốn kém bao nhiêu cũng không xá!

 

**

 

Thời gian điều trị ở Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển, Đô may mắn làm quen với Tị, cán bộ thanh tra huyện. Theo lời bác sĩ nội khoa, ông cán bộ thanh tra có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim. Ông này gặp Đô. Hai người mới gặp nhau lần đầu đã tỏ ra tâm đầu ý hợp như đôi bạn tri kỷ.

 

Đô nhận xét:

 

- Ông là một người lịch lãm, biết cách nói và biết lúc im lặng.

 

Ông cán bộ thanh tra nói:

 

- Tôi cũng thấy ông là một người tinh ý, dễ gần, dễ mến, có thể kết thân được.

 

Ông cán bộ thanh tra Tị đưa Đô về chơi nhà thăm cảnh điền viên chim hót, cá lượn, tùng bách giao duyên trong khuôn viên xanh. Họ uống trà tuyết nước Tàu chế xuất chính hiệu vào buổi sáng dưới tán cây thoang thoảng hương nhài, điểm tâm bánh mì với pho mát, bơ và gan cá thu sau khi khai vị một ly rượu thuốc ngâm theo bài thuốc Minh Mạng nổi tiếng.

 

Sáng hôm sau, Đô ngồi xe máy ông cán bộ thanh tra Tị lên gặp Giám đốc Ban Dự án Tiến. Đô không hay biết bạn này đang có chuyện lục đục. Lãnh đạo chia làm hai phe kiện cáo, nói xấu, lật đổ nhau để giành lấy cái ghế hái ra tiền. Giám đốc Tiến. ỷ vào thế bà Giám đốc Sở Công Thương, lại còn dựa vào thế ông Đảng ủy Dân chính nữa. Gớm thật. Tả có bà giám đốc Sở Công thương, hữu có ông Đảng uỷ Dân chính thì Giám đốc Tiến chắc chắn mãi mãi giữ cái ghế Giám đốc Ban Dự án như chuột chui chĩnh gạo.

 

Khổ người vạm vỡ, nước da trắng, khuôn mặt hồng hào, tuy đã vào tuổi ngũ tuần, Giám đốc Tiến chưa thấy xuất hiện một vết nhăn trên trán. Biết Đô có nguyện vọng xin chuyển công tác về Ban Dự án, ông ra điều kiện:

 

- Chắc là ông rõ, thời buổi bây giờ, nhận một người ngành khác về, không có chuyên môn dễ bị dị nghị, thậm chí kiện cáo lôi thôi lắm.

 

Đô đi ngay vào vấn đề:

 

- Trước hết tôi cảm ơn đã có nhã ý giúp tôi được chuyển về giúp việc ông. Ông có thể bố trí tôi làm bất cứ việc gì cũng được. Còn điều kiện thì, xin ông cứ dạy, tôi sẵn sàng. Tôi hiểu thời buổi cơ chế thị trường bây giờ khắc nghiệt, muốn có công việc làm, không thể nói suông.

 

Giám đốc Tiến đỡ lời:

 

- Thôi được. Ông cứ nộp hồ sơ về phòng tổ chức. Trong hạn một tháng, tôi sẽ ra thông báo tiếp nhận ông. Nhưng tôi cứ phải nói trước với ông, nếu trường hợp đặc biệt mà bản thân tôi không thể vượt quyền tôi được thì ông cũng phải thông cảm vậy.

 

Đô ra về, lòng khấp khởi mừng. Một tháng sau có trong tay 2.000 USD, Đố nóng lòng chờ cú phôn của Giám đốc Tiến, một cú phôn đưa Đô từ một cán bộ quèn đang bị săn lùng, rất có thể bị loại ra khỏi biên chế, khi chính người làng Đông rờ đến những việc làm khuất tất bỗng nhẩy phốc lên vị thế hái ra tiền. Nhưng sự đời thật lắm éo le. Giẫm mòn ngõ nhà bà Trưởng Ban Tổ chức Huyện uỷ mất cả chì lẫn chài không ăn giải gì lại giẫm phải vết xe đổ khác.

 

Lưng Đô đã còng, đôi chân tuy mới dặt dẹo, nhưng đã phải nằm liệt giường cả tuần lễ, cứ tình trạng này tiếp diễn không khéo chân Đố phải đóng đinh trên cái phản ông cố nội hắn để lại, thì vô vàn cực nhọc. May được con mẹ vợ hai lấy chui hồi làm Bí thư Đảng uỷ xã chăm ẵm không thì ngoẻo lâu rồi

 

Tới nơi, Đô mới biết Giám đốc Tiến đi làm bằng ô tô bốn chỗ màu én bạc, đến đâu cũng có kẻ đón người đưa vì lệnh chi, lệnh xuất bất cứ lúc nào, bất cứ đâu, khiến Đô cứ cuống lên. Nhưng mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, cái thông báo tiếp nhận Đô, Giám đốc Tiến chưa kịp ký để giáp con triện đỏ vào thì đã có lệnh dừng, không được báo lý do. Thế là Đô lại lần nữa thất vọng.

 

Bị thất vọng tâm bất an, lại ăn uống nghỉ ngơi không điều độ, đặc biệt là những vụ việc ở làng xã đang bị phanh phui, lên án khiến cho sức khỏe Đô suy kiệt rất nhanh. Vốn người nhàng nhàng, da lúc nào cũng tái xám, mặt lúc nào cũng cau cau có có trông hom hem thiểu não đến tội nghiệp, Đô bị hạn chế đi lại và bắt buộc phải tuân thủ các chỉ định của thầy thuốc về chế độ thuốc men, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi để chờ hội chẩn. Đô rất khổ tâm vì chẳng mấy ai đến thăm hỏi động viên kể cả những kẻ Đô cắt đất công cho nuôi tôm càng xanh phất lên giàu có, kể cả những kẻ Đô cho ức này chức nọ quyền uy cả làng phải nể sợ.

 

***

 

Thuở cơ hàn, vô gia cư, bữa đói bữa no bị người đời khinh như mẻ, dân làng Đông gọi Chủ tịch huyện là Cu Bần. Cu Bần thuở ấy vật vờ đầu đường xó chợ lang bạt kỳ hồ kiếm sống bằng đủ mọi thứ việc nặng nhọc. Tuy không phải cái khố kéo háng như cha, nhưng áo vá vai, quần xắn móng lợn, làm quần quật cũng chỉ tay vày lỗ miệng. Giữa lúc ngặt nghèo ấy, Đô đã giang tay ra đỡ. Vốn là người nhạy cảm với nỗi khổ của cha của mẹ, Cu Bần nung nấu ý chí rửa hận cho ông, cho cha để lập nghiệp giàu có nhất làng Đông, thề không chịu lép vế bất cứ người làng Đông nào.

 

Năm đến tuổi đoàn, Đô nói với mẹ cho Cu Bần về ở nhà mình, cho sinh hoạt trong Chi đoàn xóm Nam. Đô dìu dắt Cu Bần từ phong trào làm phân xanh mà lên. Người thanh niên sức vóc ấy đã làm một việc kỳ diệu: Đưa bèo dâu đan cánh vào đồng ruộng làng Đông. Thời ấy, làng Đông chưa ai biết làm bèo dâu để bón ruộng. Cu Bần đã đi đầu phá kỷ lục năm mẫu bèo dâu đan cánh, trở thành kiện tướng làm phân xanh của huyện, được ghi tên vào bảng vàng danh dự của Huyện đoàn. Mặc cảm thấy với cái tên Cu Bần, bị bọn con gái trêu chọc, anh kiện tướng bèo dâu lên Uỷ ban nhân dân tỉnh xin đổi tên, và từ đấy dân làng Đông gọi Cu Bần là đồng chí Chiến Thắng. Chiến Thắng đi vào lịch sử làng Đông từ cánh bèo dâu đan cánh cho đến bây giờ thì sáng danh Chủ tịch huyện.

 

Đô giới thiệu Chiến Thắng vào Đoàn và cũng là người đầu tiên nặng ký giới thiệu Chiến Thắng vào đảng. Sự giúp đỡ của Đô, Chiến Thắng ghi sâu trong tim trong óc, nhưng khi thuộc câu danh ngôn bất hủ: “Nếu bạn thi ân thì đừng nhớ nó, nếu bạn thọ ân thì đừng quên nó,” mặc dù biết rõ Đô bị tứ chứng nan y, đang nằm điều trị tại Bệnh viện Việt Nam-Thuỵ Điển, Chủ tịch huyện Chiến Thắng không sang thăm hỏi để cảnh báo ân nhân đang bị xem xét trách nhiệm về vấn đề vi phạm Luật Đất đai. Vả lại Chiến Thắng không muốn dây vào của hủi bởi gần đây dân làng Đông mới khui lại chuyện mười lăm năm trước, hồi ông còn làm Chủ tịch xã. Nghe Đô nịnh nọt, ký toẹt vào văn bản gạt ông Phạm Kha, người có công lớn trong phong trào hợp tác hóa, người duy nhất trong xã bán mười tấn thóc lấy tiền mua công trái xây dựng đất nước ra khỏi danh sách Chiến sĩ thi đua để suy tôn Dương Thị Thé, càng khiến dân làng Đông bất bình. Có người bạo mồm bảo:

 

- Nhà chị Dương Thị Thé vốn tự có phây phây ra thế, làm gì mà chẳng đậu Chiến sĩ thi đua.

 

Ông Phạm Kha bị thiệt đơn thiệt kép do một chữ ký của Chủ tịch xã. Mất danh hiệu Chiến sĩ thi đua, năm năm sau, ông Phạm Kha mất thêm khoản kinh tế lớn, khi được thanh toán tiền công trái mười tấn thóc đong không nổi một tấn.

 

Chị Dương Thị Thé chẳng mài danh hiệu Chiến sĩ thi đua ra mà ăn, đã thế, cuối năm ấy, lại treo cổ tự tử vì trót có bầu với ông cán bộ nào đó, xấu hổ không muốn sống. Không hiểu cái danh Chiến sỹ thi đua và cái chết của nhà chị Thé có liên đới đến Đô không, nhưng chuyện đã vùi sâu dưới bãi tha ma mười lăm năm rồi, bỗng bị khui lên.

 

Trần Đố sớm hiểu ra điều ấy, không trách cứ Chủ tịch huyện Chiến Thắng không tới thăm hỏi là vì sự bất tiện đối với ông. Bấy giờ Đô thực sự hiểu mình đang ở vị trí nào, càng sinh nghĩ ngợi về mọi mối quan hệ với họ hàng, làng xóm, với đồng chí, bạn bè. Chỉ tiếc là khi nhận ra cái chân, cái thiện thì đã quá muộn. Lần đầu tiên Đô sám hối về lỗi lầm của mình đối với dân làng Đông.

 

Đô ở trong ngôi nhà hai tầng bề thế. Tầng dưới có phòng khách sang trọng đủ bộ tứ: tủ chè, sập gụ, bộ tràng kỷ và một cái gương lớn khung chạm long chầu nguyệt; tầng trên là phòng nghỉ của vợ chồng hắn khép kín, buồng tắm nóng lạnh lúc nào cũng sẵn nước hoa, xà phòng hảo hạng. Ở làng Đông này chẳng mặt nào sánh được, nhưng không biết tại đâu, lâu nay Đô chẳng thiết tha gì đến nhà cửa, vợ con. Ông Pháp Đáy bảo người mà dửng dưng với tổ ấm gia đình là điểm báo gở. Đô quên đi thì thôi, hễ nghĩ đến giọng nói như dao chém vào gỗ của lão nông dân choăn choắt trong cuộc họp nhân dân xây dựng Đảng và Chính quyền thì lòng dạ lại như ràu muối.

 

- Nhà tôi và nhà ông Đô số nhân khẩu bằng nhau. Ruộng cấy lúa, trồng màu nhà tôi đều nhích hơn nhà ông Đô năm thước cả thảy. Sản lượng lương thực năm ít nhất nhà tôi cũng thu được hơn tấn, hơn đứt nhà ông Đô. Còn khoản thu về chăn nuôi thì nhà ông Đô thua xa nhà tôi. Nhà tôi lúc nào cũng có năm con lợn cấn, hai con lợn sề, năm xuất chuồng ít ra cũng được mười triệu, cho là bằng khoản lương cán bộ huyện tăng cường ba cọc ba đồng của ông Đô. Thế mà nhà tôi không lát nổi cái sân, vợ chồng con cái đầu tắt mặt tối. Nhà ông Đô thì cả nhà nhàn nhã. Bà vợ ngày hai lần đánh cầu lông rồi đi bộ nhanh để giảm béo, còn ông Đô đi làm bằng cái Dream II, con ông đi học bằng cái ISUZU mới toanh. Thử hỏi, ông Đô làm gì mà có thu nhập cao, ăn chơi sắm sửa khiếp thế? Chả trách người ta bảo: Chỉ có nghề làm quan là giàu nhanh thôi. Ông Đô làm quan cách mạng chứ đâu phải là người Nhà nước lấy việc điều hành công việc của dân thông qua hệ thống pháp luật?

 

***

 

Đô cảm thấy đau lòng nhất, vì không nói được điều gì để lý giải cho dân làng Đông biết cách làm giàu. Đô thở dài tự thán: Ta mất tất cả rồi ư? Vì sao vậy?

 

Dân làng không ai không biết Đảng bộ xã có nhiều cán bộ đảng viên không giữ được phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính. Bọn thoái hóa biến chất, mất lòng tin của nhân dân vẫn nghiện hành dân.

 

Trong các cuộc họp phê bình và tự phê bình, cán bộ, đảng viên đều khẳng định khuyết điểm nghiêm trọng, nhưng việc sửa chữa khuyết điểm lại rất chậm vì không quy rõ được trách nhiệm người vi phạm và thiếu biện pháp chỉ đạo khắc phục.

 

Bí thư Đảng ủy tự kiểm điểm thiếu đi sâu đi sát cơ sở, ít lắng nghe ý kiến cán bộ, đảng viên và quần chúng trung kiên góp ý xây dựng một cách thiết thực, việc điều hành xử lý công vụ thiếu kiên quyết, tình trạng nể nang dẫn đến kéo bè kéo cánh vẫn còn tồn tại.

 

Cuộc đấu tranh chống tham nhũng nổ ra, người làng Đông mới có nơi, có chỗ để nói ý nguyện của mình với vị lãnh đạo cao nhất huyện do mình bầu ra. Chủ tịch huyện Chiến Thắng thay mặt đoàn đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện tiếp xúc với cử tri làng Đông với thái độ nghiêm túc, cầu thị, cẩn trọng ghi đầy đủ ý kiến phản ảnh sự không minh bạch của những người đứng mũi chịu sào gây thất thoát tài sản của Nhà nước và của nhân dân. Tại sao cán bộ làng, xã thì ngày càng giàu sụ lên, mà dân thì vẫn nghèo đói? Chủ tịch huyện Chiến Thắng hứa sẽ cử ngay cán bộ có trách nhiệm về xem xét từng vụ việc và sử xử lý những cán bộ vi phạm đạo đức, vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính. Nhưng ông về huyện rồi, mọi chuyện ở làng Đông lại đâu vào đấy. Người làng Đông lo ngại cho cái Re khổ vì thằng chồng khốn nạn ruồng bỏ để lại cho nó một nách hai đứa con ăn chửa no, lo chửa tới đang ở yên ở lành trong cái nhà chẳng ra nhà trên thổ đất do bố Re vật ruộng phần trăm mà thành, cho con lấy chỗ nương thân ấy vậy mà mấy tay cán bộ làng, xã lại thúc bọn tay chân đến lẳng cho bằng hết những viên gạch xỉ nó ki cóp để có cái đổ nồi. Hỏi ra mới biết, lệnh trên xã bảo cái Re chiếm đất của làng, phải dỡ bỏ nhanh để làm gương cho những kẻ lấn chiếm đất công. Cái Re dắt díu con lên xã kêu oan. Đô bảo lên huyện! Cái Re không lên huyện mà nó vác cái trống đại treo giữa cổng Uỷ ban Nhân xã đánh năm hồi vang vọng khắp làng. Dân làng Đông đổ ra chật cả đường gây ách tắc giao thông. Đô đề nghị Trưởng Công an huyện bắt cái Re, nhưng ông công an này không chấp hành mà chỉ thuyết phục nó về và hứa sẽ giải quyết yêu cầu của nó trong một tuần rồi cho nó hai triệu đồng về làm vốn khỏi tắt bữa. Cái Re về. Bà con dân làng Đông tự giải tán, ai về nhà nấy chờ cách giải quyết của công an huyện

 

Trưởng Công an huyện biết bố nó hồi kháng chiến 9 năm đi làm Việt Minh giết tên tay sai Pháp là tổng Hường, giết cả thằng cai Sáng ở đồn Lân chuyên vào làng bắt gà, hiếp đàn bà con gái. Vậy ông là người có công với cách mạng, con ông phải được ưu đãi. Công an huyện lập chuyên án điều tra vụ án phá hoại tài sản công dân. Đã tìm ra tung tích những tên làm theo lệnh Đô xông vào nhà cái Re lấy đi của mẹ con nó từ cái chổi cùn, rế rách. Mấy cây chuối đang ra hoa cũng bị chặt phá. Ổ gà mới nở mấy con nhiếp bị đập chết tươi. Mẹ con Re bị đuổi ra khỏi mảnh đất của bố nó là một Việt Minh gốc bị Tây treo giải thưởng một nghìn tiền Đông dương cho kẻ nộp đầu ông. Dân làng Đông mừng cho mẹ con cái Re gặp ông công an tốt bụng sẵn lòng cứu người dân oan ức. Nhưng còn bao nhiêu chuyện oan khuất khác của người này, người kia đã trình cả lên xã, lên huyện, lâu lắm rồi không thấy hồi âm. Làng khác thì họ đã kéo lên gặp Chủ tịch huyện Chiến Thắng. Dân làng Đông thì không làm vậy. Họ tin là mọi chuyện sẽ được giải quyết thấu tình, đạt lý.

 

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN CỦA NHÀ VĂN TRẦN CHIỂU: 

 

  1. Lễ rước cụ Thượng (tập truyện ngắn)

 

  1. Con trời (tập truyện ngắn)

 

  1. Cái giá phải trả (tập truyện ngắn)

 

  1. Ngã ba chia tay (tiểu thuyết)

 

  1. Người đi thầu đất (tiểu thuyết)

 

  1. Phố lắm người nghèo (tiểu thuyết)

 

  1. Chủ tịch tỉnh tôi (tiểu thuyết)

 

  1. Ma ở đất (tiểu thuyết)

 

  1. Người đàn bà đuổi gió (tiểu thuyết)

 

  1. Một trăm và Chín chín (tiểu thuyết)

 

11.Tiểu thuyết chọn lọc

 

12.Người cõi âm (tiểu thuyết) - Giải C mảng văn học do Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao tặng năm 2010.

 

13.Một đời tri kỷ (tập ký viết về bạn bè)

 

14.Mắt Biển (tập bút ký)

 

15.Chân Đất (tập thơ)

 

16.Thơ Bốn Câu (tập thơ)

Bài liên quan
  • Ở XỨ VÔ LOÀI – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    Ở XỨ VÔ LOÀI – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ở xứ vô loài là truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Đình Tú in trong tuyển tập Hoa Cúc Vàng, gồm các truyện ngắn hay đăng trên Tạp Chí Nhà Văn, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2007.
  • XÓM CHUỒNG NGỰA – Truyện ngắn Nguyễn Đức Sơn

    XÓM CHUỒNG NGỰA – Truyện ngắn Nguyễn Đức Sơn

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Nguyễn Đức Sơn (bút danh Sao Trên Rừng - 1937-2020), một trong ba kỳ nhân của làng văn, tức ba người có cá tính kỳ dị bậc nhất làng văn, gồm Nguyễn Đức Sơn, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện. Về tài năng, giới văn chương xếp Nguyễn Đức Sơn cùng với Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên là tứ trụ thi ca miền Nam. Đang học Đại học Văn khoa Sài Gòn, Nguyễn Đức Sơn nghỉ ngang và tuyên bố: "Nếu trường Đại học Văn khoa Sài Gòn sản sinh ra được một nhà văn nhà thơ nổi tiếng tôi xin chịu chặt đầu." Năm 1979, Nguyễn Đức Sơn đưa vợ con lên đồi Phương Bối, Bảo Lộc, Lâm Đồng lập nghiệp. Trên quả đồi do nhà sư Nhất Hạnh tặng, ông trải qua bốn mươi năm cùng vợ con sống như những sơn nhân. Năm 2020, ông ra đi và để lại cho Bảo Lộc một đồi thông Phương Bối tuyệt đẹp rộng 15ha do chính tay ông trồng, canh giữ, và thậm chí đổ máu để bảo vệ.
  • NGÔI ĐỀN VÀ ÔNG GIÀ CÂM - Truyện ngắn Trần Tâm

    NGÔI ĐỀN VÀ ÔNG GIÀ CÂM - Truyện ngắn Trần Tâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngôi đền và ông già câm là truyện ngắn trong tập truyện Khuyển Đế của nhà văn Trần Tâm xuất bản năm 2017.
  • SỐNG NHỜ - Mạnh Phú Tư - Phần cuối

    SỐNG NHỜ - Mạnh Phú Tư - Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Sống Nhờ là tác phẩm của nhà văn Mạnh Phú Tư in trên Phổ Thông Bán Nguyệt San năm 1942. Giữa những nhà văn hiện thực xuất sắc khác trước năm 1945, Mạnh Phú Tư tạo ra một thế giới riêng với các tác phẩm cất lên tiếng nói phê phán mạnh mẽ các lề thói cũ, ông dùng cây cọ văn chương, đưa những nét vẽ, rồi ở đấy, trong thế giới của ông, đã để lại những nhân vật, những cảnh đời đẫm máu và nước mắt.
  • SỐNG NHỜ - Mạnh Phú Tư

    SỐNG NHỜ - Mạnh Phú Tư

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Sống Nhờ là tác phẩm của nhà văn Mạnh Phú Tư in trên Phổ Thông Bán Nguyệt San năm 1942. Giữa những nhà văn hiện thực xuất sắc khác trước năm 1945, Mạnh Phú Tư tạo ra một thế giới riêng với các tác phẩm cất lên tiếng nói phê phán mạnh mẽ các lề thói cũ, ông dùng cây cọ văn chương, đưa những nét vẽ, rồi ở đấy, trong thế giới của ông, đã để lại những nhân vật, những cảnh đời đẫm máu và nước mắt.
  • TÔI KÉO XE - Phóng sự Tam Lang

    TÔI KÉO XE - Phóng sự Tam Lang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Tôi kéo xe là thiên phóng sự mẫu mực của nhà báo Tam Lang, in lần đầu trên Hà Thành Ngọ Báo năm 1932. Dù đã gần một thế kỷ trôi qua, giá trị văn học của tác phẩm vẫn nóng hổi cho tới tận ngày nay, thời mà truyền thông, mạng xã hội bùng nổ chưa từng thấy. "Nghề viết văn viết báo ở xã hội VN là nghề bạc bẽo và bấp bênh nhất. Đâm đầu vào nghề mà không có được người vợ đảm đang tháo vát, tần tảo nuôi nổi gia đình trong thời gian mình thất nghiệp vì bất mãn, vì báo bị đình bản có giới hạn hoặc thu hồi giấy phép thì chuyện treo niêu gác bếp là chuyện rất thường" - Tam Lang.
  • MŨI TỔ - Truyện ngắn Lý Văn Sâm

    MŨI TỔ - Truyện ngắn Lý Văn Sâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Trong suốt năm mươi năm cầm bút, nhà văn tài hoa của Miền Đông Lý Văn Sâm đã để lại một số lượng tác phẩm khá đồ sộ, bao gồm nhiều tác phẩm được độc giả yêu thích như Kòn Trô (1941), Nắng bên kia làng (1948), Sương gió biên thùy (1948), Sau dãy Trường Sơn,... Năm 2007, nhà văn Lý Văn Sâm được trao Giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật cho các tác phẩm; Sau dãy Trường Sơn, tập truyện ngắn Sương gió biên thùy và Toàn tập Lý Văn Sâm.
  • CHUỒNG NUÔI NGỰA – Truyện ngắn Như Phong

    CHUỒNG NUÔI NGỰA – Truyện ngắn Như Phong

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chuồng nuôi ngựa là truyện ngắn của nhà văn Như Phong in trên Báo Mới số 2 (ngày 15-5-1939) và số 3 (ngày 1-6-1939). Nhà văn Như Phong được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 2 Năm 2007.
  • NGƯỜI THÀY THUỐC - Truyện ngắn Thanh Châu

    NGƯỜI THÀY THUỐC - Truyện ngắn Thanh Châu

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Người Thày Thuốc là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên của nhà văn Thanh Châu, Tân Dân xuất bản năm 1938. Ông chính là tác giả của truyện ngắn Hoa Ti-gôn, vốn là khởi đầu cho một cuộc tranh luận bất tận cho tới tận ngày nay về bài thơ  “Hai sắc hoa Ti-gôn”, của nhà thơ “bí ẩn” T.T.Kh.
  • ÔNG CẢN NGŨ – Truyện ngắn Kim Lân

    ÔNG CẢN NGŨ – Truyện ngắn Kim Lân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Từ lời khuyên của nhà văn đàn anh Vũ Bằng: “Ông viết về nông thôn không bằng cụ Tố (Ngô Tất Tố), Nam Cao, ông nên viết về nông thôn kiểu Đôi Chim Thành.", nhà văn Kim Lân đã viết một loạt truyện ngắn phóng sự rất thành công in trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy về nông thôn,  Ông Cản Ngũ, như loạt truyện khác của ông, đã lưu giữ cho đời sau biết được rằng; vào thời bị thực dân Pháp cai trị, dân ta dù bị áp bức bóc lột, vẫn có những hoạt động văn hóa, những kiến thức dân gian vô cùng sâu sắc.