chan_dung-ke_si

NGƯỜI BẮT RẮN CUỐI CÙNG – Truyện ngắn Thy Ngọc

22-11-2023

Lượt xem 1276

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Thy Ngọc

NGƯỜI BẮT RẮN CUỐI CÙNG – Truyện ngắn Thy Ngọc

Nhà văn Thy Ngọc (1925-2012)

Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Thy Ngọc dành toàn bộ 70 năm văn nghiệp của mình, bắt đầu từ truyện thiếu nhi đầu tay Vỡ Đê ông viết năm 1942, khi mới 17 tuổi, Nhà xuất bản Cộng Lực in năm 1943, để viết các tác phẩm dành cho trẻ em.

Là thành viên sáng lập Nhà xuất bản Kim Đồng, tác giả của Lớp học của anh Bồ Câu Trắng đã biên tập, thiết kế, làm họa sĩ vẽ bìa hàng trăm cuốn sách thiếu nhi trong thời gian công tác tại Nhà xuất bản này. Thy Ngọc cũng từng cộng tác, làm trợ lý thư ký tòa soạn cho Báo Khăn Quàng Đỏ trong nhiều năm (1987-2001).

Lần ấy, tôi lên tỉnh cùng ông cháu thằng Tiên, bạn học của tôi. Đi chân mười lăm, mười sáu cây số nào có nghĩa lý gì, khi được dịp "lên tỉnh", lại chỉ đeo một cái bị cói trống trơn. Lúc về, bị cói sẽ đựng những thang thuốc bắc, nhưng mùi mẽ gì mấy cái gói lá khô, rễ khô thơm thơm, hăng hắc ấy. Bố tôi bệnh, tự kê đơn, viết mấy dòng chữ Hán loằng ngoằng đưa tôi đến cửa hiệu thuốc "Con trâu vàng" của "chú Sếnh" ở phố tỉnh.

Thằng Tiên hớn hở bảo:

- Thế thì đằng ấy đi với tớ. Ông tớ mai mang hàng đến cửa hiệu chú Sếnh đấy!

- Cậu có đi à?

- ừ! Giỏ nặng, tớ đeo giúp ông vài quãng chứ!

Nói vậy, suốt chặng đường, Tiên đeo giỏ để ông đi tay không. Đôi lúc, thấy ngượng, tôi bảo Tiên nhặt khúc tre vương ở rệ cỏ, xỏ vào quai giỏ, hai đứa cùng khiêng. Thế mà còn nặng lặc lè. Nặng thì tôi không ngại, chỉ có ngán thứ đựng trong giỏ. Vì đó là giỏ đầy các loại rắn.

Ông thằng Tiên chuyên nghề bắt rắn: mật rắn, ông bán cho các hiệu thuốc bắc, còn thịt bán cho các hiệu "cao lâu". Nghề bắt rắn, theo ý tôi, là một nghề rùng rợn. Chụp được rắn bằng tay không, khi đó là một "gã" rắn độc, cắn chết người như bỡn, bạn bảo lý thú à?

- Ông tớ bắt rắn nuôi cả nhà đấy. Chứ bố tớ đi bộ đội suốt, có gửi được đồng nào chớ kể.

Tôi biết hoàn cảnh gia đình Tiên khá rõ. Đúng như vậy. Bà nó, mẹ nó, mấy anh chị em thằng Tiên quả là sống nhờ nghề bắt rắn của ông nó thật. Tuy nhiên, không phải ngày nào cũng có thể bắt được rắn hoặc ngày nào cũng nên bắt rắn đâu. Những ngày ông Tiên nghỉ, vẫn có bà và mẹ Tiên kiếm miếng ăn bằng công kia, việc nọ thôi. Có điều là nhà nghèo, đồng tiền kiếm được cũng hiếm như nắng mưa đông vậy.

Ngồi trong sân hiệu thuốc bắc của chú Sếnh, tôi quên bẵng việc đi mua thuốc cho bố. Bấy giờ, tôi chỉ còn mải mê nhìn ông thằng Tiên với cái giỏ rắn. Ông im lặng, mới khẽ phẩy tay, đã thấy Tiên kéo lui tôi ngồi tránh xa giỏ rắn. Tiên thì thầm:

- Ngồi đây cũng rõ. Gần quá, "nó" mổ hết chạy!

Nhưng Tiên lại đến phụ ông. Tiên đỡ cái đĩa men trắng bóng có hình vẽ rồng phượng xanh xanh chú Sếnh vừa đưa, đặt xuống nền gạch bông. Ông móc túi, lấy cái hộp sắt tròn, vốn dĩ là hộp đựng kẹo ho bạc hà, lúc này đựng thuốc lào, đen thẫm, cho vào miệng, nhai nhai rồi nhả ra lòng bàn tay, xoa xoa xuốt từ khuỷu tay đến mu bàn tay. Mùi thuốc lào sực nức vừa đắng vừa ngái. Xoa tay xong, ông khẽ mở nắp giỏ, luồn vừa lọt có bàn tay, và nhanh đến không kịp nhận ra như thế nào, ông đã lôi phụt một con rắn dài đến phát khiếp. Tôi kịp lùi bật ngửa, nghe rõ con hổ mang đang quằn đuôi, hai nhánh đầu lưỡi liến láu le le, mắt như hai hột đỗ xanh tròn thô lố.

Thoáng, đuôi con hổ mang đã bị bàn chân ông đè nghiến. Cả cái cổ rắn khá to, nằm gọn trong bàn tay trái của ông - nói cho đúng, chỉ có hai ngón trỏ và cái, đang xiết chặt cổ rắn làm cho miệng ngoác rộng đỏ lòm, trông rõ hai bên nanh nhọn hoắt. Rồi, lại thoáng, đã thấy bàn tay phải của ông đưa ngọt một mũi dao lá lúa vào khoảng giữa bụng rắn. Máu rắn chưa kịp ứa ra, ông đã luồn một bọng mật xanh thẫm trông như một cái kẹo bạc hà xanh chưa bóc giấy bóng. Ông đặt chiếc mật rắn vào miệng đĩa men và nhìn chú Sếnh đứng chứng kiến im lặng. Chỉ thấy chú Sếnh gật, còn ông thả con hổ mang quằn quại, trườn vào một cái giỏ không, để ở đấy từ lúc nào.

- à! giỏ của ông tới gửi đợt rắn trước. - Tiên nói cho tôi đỡ thắc mắc - Chốc ông đổi giỏ, đem rắn đã bóc mật, bán thịt cho "cao lâu".

Đến lượt một con cạp nong, khoanh vàng, khoanh xanh, khoanh đen, bị lôi ra. Con này vùng vẫy kịch liệt, nhưng rồi cũng chịu lép. Ông đếm bảy đốt từ tay cầm, lách mũi dao vào, và chiếc bọng mật đã được lôi ra đặt bên cạnh chiếc thứ nhất.

Con thứ ba nhỏ hơn, xanh nâu, đầu thuôn, tôi nhận ngay ra "dân" rắn nước. Nhưng phải đủ "bộ ba" mật của ba loại rắn như vậy, chú Sếnh mới công nhận là đủ tiêu chuẩn cho một đơn vị thuốc "Tam xà đởm" gia truyền của hiệu chú.

- Người ta gọi "Tam xà đởm" là thứ thuốc ho có ba mật rắn. - Về nhà tôi được bố nói cho biết - Ba chiếc mật mà con nhìn thấy là một bộ. Bôi bộ mật và vỏ quýt phơi đã khô, sấy cong, tán ra, thành một thứ bột thuốc, trị bệnh ho. Đó là loại thuốc gia truyền của chú Sếnh đấy!

Có một điều tôi băn khoăn mãi dù thằng Tiên đã nói rõ ông nó không có bùa phép gì cả, chỉ có một cái lọ con đựng thuốc trị nọc rắn nếu chẳng may "nó" bập phải thì bôi vào ngay. Nhưng hiếm xảy chuyện gì với ông thằng Tiên.

- Ông tớ cứ nhắm đâu là trúng đó, tuy có lúc trong hang rắn lại chỉ có cua. Và ở lỗ cua lại tòi ra một chàng rắn to tổ bố! Nhưng có rắn thì đừng hòng con nào thoát!

Những ngày giá rét, rắn núp trong hang, ông đeo giỏ, giắt thêm ông điếu cày, ve vẩy một cái nùn rơm toả khói, men ruộng, tìm lỗ rắn. Rét căm căm, ông chỉ có một manh áo nâu, thắt phía ngoài áo một sợi dây chão.

Trời nóng nực vẫn giỏ, vẫn ống điếu và nùn rơm âm ỉ lửa, quần cộc, không áo, ông đi...

Tiên cũng hay theo ông, cũng "tóm" được rắn, có khi "vớ" phải một con dài cả sải tay, có ông giúp sức mới bắt được.

- Không khiếp à?

- Sợ mất mật ấy chứ! Rồi quen tuốt! - Nó nói ngon như không.

Nhưng, hôm đó, cách một thửa ruộng chỗ ông thằng Tiên bắt rắn, có cái Sen đi mò cua. Mẹ cái Sen mệt, nói thật, là sốt li bì, Sen phải đi bắt cua, kiếm tiền mua gạo nấu cháo. Nó nghỉ học mấy buổi rồi. Bọn tôi cũng định tới thăm mẹ cái Sen và giúp nó một việc gì đó như nhắc lại các bài học nó thiếu chẳng hạn. Ai ngờ, bọn tôi không đến nhà Sen để làm mấy việc như vậy mà chính là thăm nó bị ngã trẹo chân. Nhưng cũng phải thăm nó sau, chứ một việc khác xảy ra buồn thảm hơn lại do cái Sen gây nên chuyện.

Hôm đó, cái Sen đang chọc lỗ cua, vừa thò tay vào toan nhón một con cua đồng thì một con rắn hổ lửa ở chính cái lỗ cua đó vọt ra. Cái Sen kêu rú, bỏ chạy thục mạng.

Ông thằng Tiên ở khoảnh ruộng ngay gần bên, nghe tiếng rú của cái Sen, quay phắt lại và nhảy bổ tới. Ông đã nhìn thấy con hổ lửa đang quăng theo cái Sen. Chỉ cần ba sải chân, ông đã đuổi kịp con rắn độc. Nhưng chúng chính lúc ấy cái Sen ngã sóng soài. Con rắn uốn lên sắp sửa chúc đầu xuống thì ông thằng Tiên chồm tới. Ông chộp ngang cổ rắn, nhưng do quá vội vàng để cứu cái Sen, ông vồ hụt. Con hổ lửa mổ trúng ngay bắp tay ông. Tuy bị rắn cắn, ông vẫn nhoài người, chịt bằng được cổ rắn, bóp chặt. Và ông còn kêu:

- Chạy... đi... cháu!

Cái Sen trật khớp chân, cố đứng lên lại bệt xuống. Nó lê ra xa hơn một chút thôi, và nhìn lại, nước mắt đầm đìa.

Ông thằng Tiên nằm sóng soài trên đất ruộng, người tím tái, một tay vẫn giữ rịt cổ con rắn, cái đuôi rắn còn quật quật, vòng vèo...

Tôi còn lên tỉnh mấy lần nữa để mua thuốc ở cửa hiệu chú Sếnh cho bố tôi. Nhưng chặng đường mười lăm, mười sáu cây số ấy dường như dài gấp bao nhiêu lần, chỉ xách có mấy thang thuốc bắc mà sao trĩu cả tay.

Suốt chặng đường đi và về, lúc nào hình ảnh ông thằng Tiên và giỏ rắn nặng lặc lè cứ hiện rõ trước mắt tôi. Bây giờ muốn khiêng giỏ rắn ấy cũng không được nữa. Thằng Tiên không thích nối nghề ông.

Sau cái chết vì rắn cắn của ông, thằng Tiên biết chính ông nó là người bắt rắn cuối cùng ở cái xã miền trung du hẻo lánh....

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.