chan_dung-ke_si

NGHỆ THUẬT BẬC THẦY - Truyện ngắn Nguyễn Nhật Ánh

27-10-2023

Lượt xem 1029

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Nguyễn Nhật Ánh

NGHỆ THUẬT BẬC THẦY - Truyện ngắn Nguyễn Nhật Ánh

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Hắn cười khì khì khi nghe tôi vấn kế.

- Cậu ngốc lắm. Chỉ có nai tơ ngơ ngác mới ứng xử như thế. Việc quái gì phải run!

Tôi nuốt nước bọt:

- Nhưng vấn đề là lúc đó tớ cảm thấy mình có lỗi.

- Không một người chồng nào không có lúc có lỗi với vợ - Bạn tôi nhún vai như một triết gia, đến nỗi khi nghe hắn phán như thế, tôi không kềm được một cái liếc mắt xem gần đây hắn có bị hói đầu hay không?

- Chỉ khi nằm dưới mồ rồi, người chồng mới trở thành hoàn hảo - Hắn nói sao mà đúng quá - Gì chứ lỗi với vợ thì tôi có hàng đống. Có khi hắn sắp trở thành triết gia thật cũng nên. Tôi ngước nhìn hắn bằng ánh mắt cảm phục:

- Cậu nhận xét đúng ghê!

Tôi nói tiếp bằng giọng của một cậu học trò không thuộc bài:

- Nhưng không hiểu sao cứ mỗi lần đi chơi với bạn gái về, tớ cứ thắc thỏm thế nào. Vợ tớ chỉ trừng mắt một cái, tớ cảm tưởng mọi chuyện đã tung tóe hết ra.

Bạn tôi đúng là người độ lượng. Hắn chẳng quở trách gì, chỉ gật gù thông cảm:

- Tớ hiểu. Và tớ hoàn toàn có thể hình dung được lúc đó cậu lúng ta lúng túng, ngọng ngà ngọng nghịu như thế nào. Mặt cậu tím tái, người cậu run rẩy, chốc chốc lại giật bắn lên trước những câu tra khảo của vợ. Thậm chí có lúc cậu có cảm giác như mình vừa tè ra quần.

Hóa ra bạn tôi không chỉ là triết gia mà còn là một nhà tâm lý sâu sắc. Hắn mô tả tình trạng thảm hại của tôi chính xác đến từng ly, cứ như thể lúc đó hắn đang rình ngoài hè và thô lố mắt nhòm qua khe cửa.

Thấy tôi đực mặt ra ngắm hắn như ngắm một kỳ quan thế giới, bạn tôi cao hứng lắm. Hắn khoa tay trước mặt như diễn giả vén màn khi tiến ra sân khấu và nói bằng cái giọng như thể đang diễn thuyết trước công chúng chứ không phải nói với riêng tôi:

- Toàn bộ vấn đề là ở chỗ tâm lý. Khi chúng ta cảm thấy có lỗi, vô tình chúng ta tự đặt mình vào thế yếu. Và một kẻ yếu thế bao giờ cũng gánh trên vai những thứ đáng ra phải vứt đi: rụt rè, lo lắng, mặc cảm, bứt rứt, hối hận, tất cả những thứ ngu ngốc này chẳng có một tác dụng gì ngoài việc làm tăng thêm nỗi nghi ngờ trong mắt người đối diện, hay nói cách khác, làm tăng nguy cơ bị lật tẩy của chính mình.

Những lời vàng ngọc của bạn tôi thật đáng đóng công-te-nơ gửi vào tương lai cho hậu sinh học tập. Tôi xoa hai tay vào nhau:

- Tớ chưa từng nghe ai phân tích vấn đề một cách thỏa đáng và rõ ràng như cậu. Cậu đúng là một thiên tài. Các chuyên gia tư vấn hiện nay chỉ đáng là những học trò tội nghiệp của cậu.

Tôi đang cố tìm kiếm thêm những lời có cánh để tán dương hắn, chợt nhớ tới một chuyện, liền khựng lại như va phải tường:

- Ơ, nhưng trong trường hợp đó chúng ta thực sự là những kẻ có lỗi kia mà. Làm thế nào một kẻ có lỗi lại có thể nghĩ rằng mình không có lỗi...

Có vẻ như bạn tôi đang rình câu hỏi này từ lâu. Hắn chộp lấy thắc mắc của tôi với cái vẻ hăm hở của một con cọp vồ mồi:

- Đấy! Nghệ thuật chính là ở chỗ ấy đấy thưa ông bạn thân mến. Một nghệ thuật bậc thầy.

  1. Hắn kể:

Tớ bước vào nhà với những bước chân phải nói là hiên ngang chưa từng có. Mặt vợ tớ lạnh tanh như ướp đá, đến nỗi tớ ngờ là cô ta vừa từ tủ lạnh chui ra. Nhưng tớ phớt lờ, thậm chí tớ vừa đi vừa hát líu lo. Cậu nên nhớ, tiếng hát thường biểu hiện cho một tâm hồn lành mạnh, thư thái. Do đó, hát là bước đầu tiên. Phải gián tiếp cung cấp cho vợ bằng chứng ngoại phạm của mình: Những người vừa làm một việc sai quấy không ai lại hát hò ông ổng như thế.

Tất nhiên vợ tớ cũng không phải hạng người dễ bị xỏ mũi. Cô ta bỏ ngoài tai những âm thanh du dương vờ vịt đó. Cô ta chủ động điếc đặc để không bị tớ mê hoặc.

Cô ta đóng chặt tai, nhưng mở to mắt. Cái nhìn đầu tiên quét lên chiếc đồng hồ trên tường:

- Anh biết bây giờ là mấy giờ rồi không?

Không cần nói chắc cậu cũng biết là giọng vợ tớ lúc đó khô khốc như bầu trời bị vắt hết nước. Nhưng tớ tỉnh khô và trả lời lịch sự như trả lời câu hỏi giờ của khách qua đường:

- Mười hai giờ kém mười.

- Anh đi đâu mà giờ này mới mò về?

Ánh mắt vợ tớ liền xoáy vào mặt tớ, hỏi độp một câu. Có thể thấy rõ cô ta bắt đầu thiếu kiềm chế, lời lẽ rõ ràng là không được chọn lọc. Phụ nữ thường rất dễ mất bình tĩnh.

Dĩ nhiên trả lời câu hỏi này cho suôn sẻ, cho vợ tin không phải dễ. Hãy tạm thời để yên đó. Phải đánh mất sự tập trung của đối tượng trước đã. À, đây rồi: Chữ "mò".

- Cô nói ai là "mò" hả? Tôi đâu phải là kẻ cướp hay kẻ trộm!

Tớ gầm lên, cố lấy hơi rống to hết mức, trước đó tớ cố hít một hơi thuốc thật đẫy để khi quát, tớ điều khiển cho khói phun có vòi qua lỗ mũi. Tiếc là cậu không nhìn thấy tớ lúc đó. Chắc, phải nói là trông tớ giận dữ ra trò.

Vợ tớ nhanh chóng nhận ra sơ suất của mình. Quyết không để rơi vào cái bẫy của tớ, lần nào cô ta cân nhắc từng từ:

- Anh nói cho tôi biết đi, anh vừa đi đâu về?

- Đi uống bia với mấy đứa bạn chứ đi đâu.

Vợ tớ chồm mặt vào sát mặt tớ, tất nhiên không phải để hôn tớ. Không quan tòa nào hôn bị cáo khi chưa xác định được hắn ta có phạm tội hay không. Cô ta chun mũi hít hít như con Tôtô nhà tớ vẫn làm như thế với cục xương:

- Hừ, đi uống bia mà chả nghe mùi bia.

Tớ chưa kịp phân trần, vợ tớ đã bồi ngay:

- Anh đi chơi với con nào phải không?

- Làm gì có con nào! - Tớ gân cổ - Sao cô giàu tưởng tượng thế.

- Chẳng tưởng tượng gì ở đây cả! - Vợ tớ quả quyết với cái vẻ cô ta sẵn sàng nuốt luôn cả lưỡi nếu cô ta nói sai - Bao nhiêu người bắt gặp anh đi với con X, tôi nghe đầy cả tai đây nè.

Tin tức tình báo của vợ tớ phải nói là không kém gì CIA hay KGB. Quả là tớ vừa đi chơi với X về thật. Tớ thóp bụng lại như cố tránh một lưỡi kiếm vô hình, đầu xoay như chong chóng còn miệng thì bù lu bù loa:

- Trời ơi là trời! Oan ức ơi là oan ức! Bất công ơi là...

- Im ngay! - Vợ tớ quắc mắt, cô ta vốn biết thừa trò ăn vạ này của tớ - Anh tru tréo lên làm gì thế hả? Tôi nói cho anh hay, bàn tay anh bé lắm, không che được mặt trời đâu! Bộ anh tưởng tôi không biết anh quen với con X từ hồi cả hai đi công tác chung với nhau ở Nha Trang hả? Thậm chí tôi có thể nói chính xác mối quan hệ này kéo dài đã được sáu tháng tám ngày...

Bản cáo trạng chi tiết của cô ta không khác nào những nhát búa nện vào ngực tớ. Tớ như muốn nghẹn thở. Nếu là cậu, có lẽ cậu đã xỉu rồi. Dĩ nhiên cô ta không học được phép thần thông như Tôn Ngộ Không để biến thành con nhặng bay vo ve bên cạnh tớ. Cô ta chỉ nghe những lời đồn thổi. Ác một cái, trong trường hợp này, những lời đồn kia không sai trật mảy may. Tớ lấp liếm bằng cách giơ hai tay lên trời, cố để tay đừng run:

- Thiệt tình! Tôi không hiểu cô nhặt nhạnh được những tin tức vớ vẩn này ở đâu!

Kiểu chống chế chắc là trông rất yếu ớt của tớ giúp cô vợ tinh quái của tớ biết rõ cô ta đang nắm chắc công lý trong tay. Cô ta nhìn tớ như nhìn một con thú sa bẫy, đang run rẩy chờ giết thịt, và nói bằng giọng đắc thắng, có phần hơi khoe khoang:

- Anh nên nhớ rằng nhất cử nhất động của anh đều nằm trong tầm kiểm soát của tôi. Tôi còn biết anh vừa chở con X từ Thanh Đa trở về...

"Đôi khi con người ta chết vì sự tự tin quá mức. Vợ tớ đang rơi vào tình huống đó. Sự thật là tớ thường chở X đi Thanh Đa. Khung cảnh sông nước bao giờ cũng trữ tình, rất thích hợp cho sự rủ rỉ rù rì. Nhưng tối nay thì không. Tối nay tớ cùng X dung dăng dung dẻ ở Văn Thánh. Vợ tớ đã liệt kê chính xác hầu hết mọi tội lỗi của tớ, riêng địa điểm thì cô ta nói sai. Địa điểm đó đúng với 99 lần hẹn hò trước đây, nhưng lần này, nhờ trời, đã không còn đúng nữa.

Tớ vớ được sự sai sót cỏn con này với vẻ hoan hỉ của người chết đuối vớ được cọc. Đây rồi! Tớ tí tởn nhủ bụng. Mình đã bị vu khống. Mình đã bị chụp mũ. Mà người bị vu khống, bị chụp mũ thì không thể nào bình tĩnh được. Đầu tớ lập tức nóng phừng phừng. Môi tớ giật giật. Vì tớ thấy giận quá. Giận hết sức là giận. Văn Thánh mà cô ta dám bảo là Thanh Đa. Như thế này thì không còn chân lý gì nữa ở trên đời. Ngay lập tức tớ quên phắt những tội lỗi tày đình của tớ. Tớ thấy tớ bị oan ức quá. Bị hiếp đáp quá.

- Cô chỉ giỏi tài bịa đặt! - Mắt long sòng sọc, tớ bắt đầu phản công - Đừng có thấy tôi nhượng bộ mà muốn nói gì thì nói. Hừ, chỉ toàn là ghen bóng ghen gió!

- Chứ không phải sao...

- Không phải! Trăm phần trăm không phải! - Tớ nói, giọng uất ức, tiếc là vội quá nên không nặn ra được giọt nước mắt nào - Tối nay tôi mà đi chơi với cô X ở Thanh Đa thì tôi là con chó.

Niềm tin của vợ tớ bắt đầu bị lung lay. Vì thấy tớ phẫn nộ ghê quá. Người không bị oan khiên tày liếp không bao giờ có phản ứng quyết liệt như vậy.

- Tôi có thể thề trên đầu các con tôi! - Không để vợ tớ kịp trấn tĩnh, tớ quạt thêm một tràng liên thanh - Nếu những điều cô nói là đúng thì tôi chết không nhắm mắt, chết không được đầu thai... Tới lúc này thì chỉ có tớ nói, còn vợ tớ chỉ biết thộn mặt ngồi nghe. Tớ nói đến gân cổ nổi vằn, đến sùi bọt mép, có lúc nước bọt văng bắn vào mặt vợ. Thế mà cô ta vẫn ngồi im thin thít, không dám lấy tay chùi.

Chỉ trong tích tắc thôi, mà cuộc đời thay đổi đến chóng mặt. Bây giờ tớ nghiễm nhiên đóng vai quan tòa, còn vợ tớ trở thành bị cáo. Tớ tha hồ quát thét, nạt nộ, đao to búa lớn. Tớ ngây ngất phát biểu, lời lẽ càng lúc càng diêm dúa. Chỉ tiếc là tớ không đủ sức để bô lô ba la suốt đêm.

Vợ tớ ngồi nhìn tớ, mặt chảy dài như thỏi kem bị nặn quá tay, cảm thấy tội lỗi ngập đầu. Ờ, vu oan giá họa cho một anh chồng đứng đắn thế kia, đến nỗi anh ta phải minh oan đến rách cả cuống họng và chấm dứt bằng những tiếng khò khè mệt nhọc như trâu kéo cày thì đúng là hành vi của một mụ vợ chẳng ra gì. Chắc là vợ tớ đang tự lên án mình như thế hoặc hơn thế. Cho nên, cô ta mới gằm đầu hổ thẹn và kết thúc cuộc tranh cãi bằng những lời ngọt ngào như trét mật ong:

- Anh đừng giận em. Cho em xin lỗi...

Hắn toét miệng cười với tôi:

- Cậu thấy chưa! Vấn đề then chốt là phải biết xoay chuyển tâm lý. Tâm lý là bánh răng truyền lực chính của cỗ máy gia đình. Khi tâm lý đã xoay chuyển, mọi thứ sẽ tự động xoay chuyển theo. Muốn vậy, phải biết nắm lấy cơ hội. Phải tận dụng triệt để bất cứ một sơ suất, một nhầm lẫn nhỏ nào của đối phương. Để lấy cái bộ phận che lấp cái toàn thể, dùng tiểu tiết trấn áp đại cục, đưa cái phụ thuộc lên thành cái chính yếu. Cậu thấy đấy, một khi cảm thấy mình bị oan, tâm lý chúng ta sẽ bị kích động, ngôn ngữ chúng ta hùng hồn thái độ chúng ta quyết liệt. Rất nhanh chóng, chúng ta từ kẻ yếu trở thành kẻ mạnh, còn đối phương từ chỗ thượng phong lập tức rơi vào thế yếu. Cái tuyệt diệu là ở đây chúng ta không hề vờ vịt, chúng ta bị oan thật, mặc dù cái oan đó nhẹ như lông hồng và bé như cái mắt muỗi.

Bây giờ thì bạn tôi không chỉ là kỳ quan, mà còn là một kho báu. Một kho báu vô giá. Đặc biệt với những kẻ nghèo kinh nghiệm như tôi.

- Bàn tay chúng ta không thể che mặt trời, nhưng có thể che được một phần ánh sáng? -Bạn tôi kiêu hãnh tổng kết - Chỉ cần chừng đó thôi, chúng ta có thể sống sót qua những giờ bão tố.

  1. Như mọi bà vợ trên đời, vợ tôi lia mặt lên đồng hồ:

- Anh biết bây giờ là mấy giờ rồi không?

- Mười hai giờ kém mười.

- Anh đi đâu mà giờ này mới về?

Cuộc đối thoại giữa hai vợ chồng tôi mở đầu giống y chang kịch bản ở nhà thằng bạn tôi. Chỉ tiếc là vợ tôi không nói chữ "mò".

- Ờ... ờ đi uống bia với bạn bè.

Tôi đáp qua loa, đầu đang nghĩ cách dẫn dắt câu chuyện làm sao để dồn mình vào chỗ bị oan ức, bị xúc phạm, bị tổn thương.

Vợ tôi túm lấy vạt áo tôi để kéo tôi lại gần. Ánh mắt cô ta bám cứng trên người tôi, rà qua rà lại quét lên quét xuống như ra-đa dò sóng.

- Cô làm gì thế?

- Tôi phát hiện ra vết son môi nào là anh chết!

Trước khi về nhà, tôi đã cắm mắt vào tấm kiếng trong toilet nhà hàng xem xét kỹ lưỡng rồi, chả dại gì mà vác ba cái thứ độc hại đó về nhà. Hơn nữa, trước đó tôi đã đề phòng cẩn thận. Hễ lúc nào cô bạn gái của tôi không ngăn được tình cảm đang trào dâng trong lòng, âu yếm sà vào ngực tôi là tôi lập tức nắm đầu cô ta đẩy ra. Suốt buổi tối, có đến chục lần tôi tách cô ta ra khỏi tôi, cương quyết hệt như trọng tài quyền Anh tách Tyson ra khỏi Lewis vậy. Cho nên chiếc áo của tôi lúc này chắc chắn là trắng tinh như bản lý lịch của trẻ sơ sinh, chưa nhuốm một vết đen tội lỗi nào. Ơ, thế mà vợ tôi vẫn chưa chịu buông tay ra là cớ làm sao nhỉ? Cô ta còn ôm lấy tôi xoay tới xoay lui như người ta vần một chiếc cối xay thóc, thế thì có bẽ mặt tôi không. Như vậy thì xúc phạm đến tôi quá.

Lập tức tôi nhớ đến bạn tôi, đến những lời vàng ngọc của hắn và lập tức đầu tôi nóng lên như bản lề cửa sắt.

- Cô làm gì thế hả? - Tôi rít lên the thé - Chắc cô tưởng tôi là con cô chắc?

- Tôi đang kiểm tra.

- Lại thế nữa. Kiểm tra với chả kiểm soát! Tôi đâu có phải là tội phạm. Vợ chồng đối xử với nhau như thế này thì đúng là chẳng còn chút xíu tôn trọng nào. Kiểu này thì tôi phải xoay chuyển tâm lý thôi. Phải lấy cái bộ phận che lấp cái toàn thể lẹ lẹ cho rồi.

Tôi liền thấy tôi bị oan quá. Son môi có dính vào người cái nào đâu mà phải è cổ ra cho người khác săm soi lâu lắc lâu lơ vậy không biết.

- Đủ quá rồi! Buông ra? - Tôi gân cổ quát, cố nhớ lại bạn tôi đã hùng hồn như thế nào - Cô coi thường tôi vừa vừa chứ! Có một tý son môi nào trên người tôi thì tôi là con chó. Tôi sẽ chết không nhắm mắt, không được đầu thai...

Tôi vừa nói vừa liếc vợ, xem những lời thống thiết của tôi có quét lên mặt cô ta được chút xíu mầu xanh nào không. Ờ, mặt cô ta có tái đi thật. Cô ta nhìn tôi và nói bằng đôi môi run run:

- Anh nói phải giữ lời đấy nhé.

Còn thế nữa. Đã chịu lún vào thế yếu rồi, đã cảm thấy hối hận vì đã nghi oan cho chồng rồi mà vẫn chưa chịu từ bỏ giọng lưỡi khiêu khích. Thật là quá đáng.

Tôi cảm thấy hơi nóng ngùn ngụt trong đầu. Như một hỏa diệm sơn đến giờ phun lửa, tôi giật phăng chiếc áo ra khỏi người, cúc văng tung tóe như sao sa, và cuộn chiếc áo trong tay như một nùi giẻ, tôi giang thẳng cánh ném thật lực ra ngoài cửa sổ:

- Kiểm tra nè? Kiểm soát nè!

Tôi rống lên như con thú bị thương:

- Trời ơi, muốn làm người đàng hoàng sao khó quá vậy nè trời?

Phản ứng hung hăng như thế thì bạn tôi chỉ có nước bái phục. Và vợ tôi chỉ có nước quỳ xuống xin tạ tội. Nhìn ánh mắt cô ta chằm chằm dõi theo chiếc áo của tôi, kẻ kém tưởng tượng nhất cũng biết được cô ta ân hận và sợ hãi như thế nào.

Tôi khoái trá nhìn theo ánh mắt của vợ tôi.

Chiếc áo không chịu bay ra cửa sổ. Vừa thoát khỏi tay tôi, nó bung ra như một cánh dù, chao liệng một lúc trong không trung rồi tảng lờ đáp xuống nền gạch hoa.

Chiếc áo nằm đó, trải rộng ra như bởi một bàn tay vô hình, và tôi chết điếng người khi phát giác trên lưng áo một vệt son môi đỏ chói.



Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.