chan_dung-ke_si

NGÀY KHÔNG BÌNH THƯỜNG - Truyện ngắn Phạm Hoa

09-07-2023

Lượt xem 1063

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  truyện ngắn hay

NGÀY KHÔNG BÌNH THƯỜNG - Truyện ngắn Phạm Hoa

 

Đại diện Hội Trường Sơn tặng hoa chúc mừng nhà văn Phạm Hoa tại nhà riêng nhân dịp ông được trao tặng Giải thưởng Nhà Nước về Văn học Nghệ thuật - Ảnh Hội Trường Sơn

Trời đã sắp sáng. Bạo biết thế vì cô đã thức được một lúc lâu. Ðêm qua, Bạo bồn chồn như đứa trẻ ngủ trong đêm ba mươi Tết, chỉ thấp thỏm mong trời mau sáng. Một loạt bom xa xa làm cô chợt tỉnh. Từ lúc đó, Bạo không nhắm mắt được nữa. Cô nằm im một lát mới nhỏm dậy. Căn nhà hầm tối, đen như trong hộp, râm ran tiếng ngáy của đồng đội. Cô rón rén bước ra cửa.

   Bên ngoài, trời sáng lờ mờ mát lạnh. Bạo cảm thấy tỉnh táo và khỏe khoắn. Một cảm xúc háo hức là lạ. Cô muốn chạy vù ra sân. Muốn gọi tất cả mọi người dậy. Bạo dừng lại ngắm những giọt sương đang từ từ tròn hạt. Lúc quay vào nấu cơm ăn sáng, cô đụng đổ cây đèn, rồi lại đụng đổ cả chiếc xoong đựng nước uống trên bàn. Cô phì cười vì sự vô ý của mình.

   Sạp nằm có tiếng cựa mình. Chị Thành quát:

   - Ðứa nào đấy?

   Bạo bịt miệng cười:

   - Em đây.

   Một lát sau, ở góc hầm có ánh lửa cháy bập bùng. Không riêng gì Bạo, ngay sau đó các cô gái khác đều trở dậy cả. Mới năm giờ sáng, họ dậy sớm hơn mọi khi. Căn nhà hầm nhộn nhịp, chứa đựng vẻ khác thường.

   Ðó là một buổi sớm của ngày hai mươi - Ngày không bình thường của tiểu đội thông tin trên đèo Văng Mu, điểm chốt của điểm cao trên một ngàn mét. Là ngày vui của các cô gái. Hôm nay họ sẽ nhận được thư nhà, thư bè bạn, thư người yêu. Mỗi một tháng họ được nhận thư một lần vào ngày hai mươi. Thư gửi đến sẽ dồn về ban chỉ huy đại đội, cơ quan đóng cách họ những mười lăm cây số dưới thung lũng. Dưới đó, anh liên lạc sẽ dần bóc thư của từng người một đọc dõng dạc qua máy điện thoại. Họ không còn cách nào tốt hơn. Chính năm cô gái trên Văng Mu yêu cầu đại đội làm như vậy. Nếu không chờ thư đến tay các cô lại chậm thêm vài chục ngày nữa. Những lần đầu, bao nhiêu bí mật gia đình, bí mật tình yêu bị bóc trần như ban ngày, các cô rất ngượng. Lại có thêm vài anh tủm tỉm cười, chế nhạo, các cô la lối lên. Ðại đội trưởng phải ra lệnh cấm không được ai bén mảng lên nhà đại đội khi cậu liên lạc đọc thư vào máy. Tất cả quen dần thành nếp sống bình thường của năm chiến sĩ thông tin trên điểm cao. Từ đó, ngày hai mươi trở nên gần gũi thân thiết, là ngày mong chờ của các chiến sĩ. Một ngày vui thực sự, ngày họ được hòa nhập vào đời sống hằng ngày của những người thân ở phương xa. Ðó là ngày thiêng liêng và đặc biệt quan trọng đối với những người đang yêu như Bạo. Nhất là chỗ ở của các cô gái lại chót vót trên cao một ngày hàng chục trận bom giội xuống, thiên nhiên lại tàn khốc, là nơi bom đạn ác liệt, là nơi mà nhiều bạn bè không quen biết...

   Bạo vẫn hí húi nấu cơm trong góc hầm. Cô mặc chiếc áo mỏng không có tay, mặt đỏ rực lên vì nóng. Sáng nay  Bạo có vẻ bận rộn và vụng về. Ðánh đổ đèn, đánh đổ xoong là  Bạo. Bỏ quên hộp thịt đã mở dưới đất cho kiến vào cũng là  Bạo. Chốc chốc lại thấy chị Thành hỏi vọng vào:

   - Ðứa nào đổ nước ra cửa hầm tràn cả vào nhà đây?

    Bạo chạy ra cửa xem, tủm tỉm cười:

   - Em.

   - Lại em. Ðãng trí quá em ạ.

   Trong hầm, các cô gái vội vã thu dọn những đống dây điện, đống cuốc, xẻng vào góc. Căn hầm sáng sủa và rộng rãi hơn. Một điều lạ nữa là hôm nay: không ai bảo ai, các cô đều chải tóc soi gương tỉ mỉ như trong ngày sẽ có khách đến chơi.

   Tiểu đội có Minh là nhỏ nhắn, thanh mảnh được coi là đẹp gái nhất. Minh rất hay tỉa tót làm dáng, nhưng cô vẫn thầm ghen với nước da đỏ thau của  Bạo. Minh đẹp một cách yếu ớt,   Bạo đẹp một cách khỏe khoắn và tháo vát. Ðó là một đôi bạn rất thân và cũng rất hay giận nhau. Thế quái nào Minh lại yêu anh đại đội trưởng pháo, to và đen nhẻm.  Bạo lại yêu anh chàng sinh viên có phần yếu đuối, lịch sự và kiểu cách. Anh sinh viên ấy cùng tuổi với  Bạo.   Bạo rất bực với cách xưng hô "tôi" trong mỗi lá thư của anh ta gửi đến. Nhưng đó chỉ là nhược điểm nhỏ thoáng qua.  Bạo vẫn yêu anh ta nhiệt tình và say đắm.

   Cả tiểu đội có năm chị em. Chị Thành không giống các cô. Chị cao và nhỏ người, nắng chiến trường làm nước da chị đen sạm và khắc khổ. Chị hơn các cô một tuổi. ý thức làm chị của Thành rất rõ. Các cô gái ở đây đều rất nể và sợ Thành. Có lẽ chỉ có Bạo là người dám nói đùa với chị. Thành cũng rất mến Bạo. Mặc dù Bạo có ngang tàng đôi chút, nhưng lại dũng cảm, việc phá mìn vướng, cả đại đội không ai giỏi hơn  Bạo.

  Bạo bê nồi cơm nóng hổi đặt ra tảng đá. Cùng lúc đó, chiếc máy điện thoại đặt trên bàn nứa rung lên bần bật. Một hồi chuông dài và gắt. Thành dẹp sổ theo dõi công việc sang bên, chạy tới cầm máy. "Hồng Hà đâu...". Một giọng đàn ông ồm ồm cộc lốc của ông trung đoàn trưởng pháo. Ông nói một câu ngắn của người quen ra mệnh lệnh:

   - Khu vực dê sáu tám (D68) bị mìn vướng, đứt toàn bộ dây. Yêu cầu sáng nay phải nối cho họ trực chiến.

   Thành buông máy nhẩm tính toán luôn. Chị có thói quen sắp xếp công việc ngay sau khi nhận điện. Tổng số dây điện khu vực tiểu đoàn pháo vị chi là hai ki-lô-mét. Vừa phá mìn vướng vừa rải dây, nối dây, mất đứt hai người một ngày vất vả. Sau đó chị giục mọi người đi ăn cơm. Trong đầu Thành thoáng linh cảm thấy rằng: công việc hôm nay sẽ rối mù lên cho mà xem. Nắng đẹp thế này, nhất định nó sẽ đánh mạnh.

   Năm người con gái ngồi xúm quanh chiếc bàn ăn nhỏ. Chiếc ghế buộc bằng ba đoạn nứa võng xuống phát ra tiếng kêu kẽo kẹt. Minh sốt sắng nhất. Nhỏ người nhưng rất nhanh. Ba cô cướp được ba cái bát lành. Bát của chị Thành tất nhiên là không cô nào dám tranh. Còn lại là chiếc bát thủng trôn vì bom bi. Bạo phải dọn bếp núc nên chậm chân ra sau. Cô cầm chiếc bát hỏng lên, nhất định không chịu thua.

   - Hôm nay đến lượt đứa nào ăn bát thủng !

   - Cái Minh.

   - ứ! Hôm qua em ăn bát thủng rồi.

   - Mới có buổi chiều. Phải cả sáng nay nữa mới đủ một ngày.

   - Không.

   - Này.

   - Không.

   - Này.

   Giằng nhau một lúc, Bạo cười:

   - Thế mày gọi tao là chị tao nhường cho.

   - Thì chị. Nào chị Bạo ơi!

   - Dạ đi.

   - Dạ. Ðược chưa.

   - Ðược. Em ngoan ăn cơm rồi đi phá mìn cho giỏi nhé. Chị cưng, chị thương.

   Bạo còn đáo để vuốt đầu Minh mấy cái, chị Thành giục, họ mới bắt đầu bưng bát. Miếng cơm vừa trôi khỏi miệng, lại có điện thoại. Lần này là điện dưới đại đội công binh gọi lên. Ðường dây từ đơn vị gọi lên sở chỉ huy sư đoàn tiền phương bị đứt. Một giờ đêm qua ở dưới đó có một quả bom nổ chậm bất chợt nổ.

   Bữa ăn lại được tiếp tục. Vẫn cái đà vui vẻ một cách khác thường ấy, Bạo dọa sẽ mách tay đại đội trưởng pháo là Minh ghẻ ruồi. Bao giờ Minh cũng yếu lý lẽ hơn. Cô chỉ còn biết chê cái tên của Bạo, cái tên thô như một người lên gân. Ai lại Quang Bạo, Minh Bạo hay là Thành Bạo dù sao nghe vẫn vương vướng. Cái tên này phải hình dung ra một cô gái to béo gân guốc, đáo để...

   Một loạt bom. Rồi một loạt nữa. Ba loạt cả thảy. Cả hầm lắc mạnh như sắp vỡ đôi. Sau đó là tiếng phản lực sà rất thấp, có cảm giác như các ngọn cây cũng bị gió quật tung. Các cô gái nhìn nhau, đoán:

   - Chắc ở cây số mười.

   - Không! Cây số mười bốn.

   - Có khi sát chân đèo.

   Họ còn đang xác định vị trí bom rơi thì có điện. Từ lúc đó, điện gọi tới tấp lên tổ chốt thông tin. Ðơn vị nào cũng la ầm lên đường dây liên lạc của họ bị đứt. Các cô gái phải ăn cơm nhanh hơn. Thành hết nhận điện của đơn vị này lại cắm phích nghe đơn vị khác. Anh nào cũng to mồm đòi phải nối dây ngay tức khắc, Thành phát bẳn lên, quát vào máy:

   - Từ từ đã nào. Làm gì mà các ông hét ầm lên như thế? Phải hiểu cho người ta chứ.

   Thành buông máy sững sờ giây lát. Chị giắt lại mấy sợi tóc vương trên má, nhẩm tính. Dê sáu tám hai người. Ðại đội công binh một người buổi sớm, buổi chiều lên sư đoàn bộ. Xuống lèn đá một người. Rồi chị tặc lưỡi thầm nghĩ: bận mấy cũng chẳng bằng đêm hôm kia. Ba lần B.52 ném bom luôn xuống đèo. Quả nổ, quả không. Vừa rải dây, nối dây mất một ngày một đêm mới xong. Cùng lắm chỉ bằng hôm đó chứ mấy? Các cô gái đã biết trước tình thế. Họ đứng dậy sau bữa ăn. Cô nào cũng trong tư thế sẵn sàng. Có cô đã đội mũ sắt, khoác súng vào người.

    Chị Thành và miếng cơm cuối cùng rồi đứng dậy nốt... Chị phân công việc luôn. Năm người  đều ra mặt đường cả. Bạo và chị sẽ xuống Dê sáu tám. Khi đi mang theo dụng cụ phá mìn vướng.

   Thoắt một cái họ đã đứng ở ngã ba rẽ đi các hướng. Họ vội vã chia tay nhau. Ðến chỗ ngoặt, Minh vẫn còn ấm ức với Bạo. Cô giơ nắm tay nhỏ xíu lên dọa:

   - Tối nay, nối dây về sớm "ông" nhận thư của mi qua điện thoại cho coi, "ông" sẽ nhận là Bạo.

   Bạo cười to:

   - Thách Minh đấy! Thách đấy!

   Bạo khoác tấm lá chắn cao ngang đầu đi trước. Tấm lá chắn là vật che mảnh đạn hình tam giác, được kết bằng những nùn rơm to và chắc như bắp tay. Dụng cụ phá mìn còn có cây sào dài bảy tám mét, có chạc dùng để quơ những sợi dây mìn vướng nhỏ như sợi tóc. Loại mìn vướng này rất nhạy và rất hiểm độc. Một cơn gió thoảng qua cũng có thể làm cho mìn nổ. Hai người còn luồn qua sào phá mìn một cuộn dây điện nặng chục cân.

   Bạo là cô gái siêng năng và chăm chỉ. Khi yêu, tình yêu của cô cũng rất mạnh mẽ. Trong tâm hồn cô gái trẻ này có một khoảng rộng yên tĩnh, đằm thắm và thiết tha dành cho người mình yêu. Vốn sinh ra trên đồng đất trồng màu ven sông Hồng, Bạo rất chân thật và hơi vụng về. Gần như cô không biết viết thư, không biết nói những câu hoa hòe hoa sói. ở giữa điểm cao như vùi mình trong bom đạn, đời sống đơn giản đi nhiều lắm. Công việc bình thường ở đây là ăn ngủ, phá mìn và nối dây điện. Không hề có thứ công việc nào xen lẫn, không khái niệm thứ bảy, chủ nhật. Không có một giờ rảnh rỗi. Vậy mà trong mỗi lá thư bao giờ Bạo cũng mở đề bằng câu: "Hôm nay nhân tiện ngày chủ nhật" hay "Hôm nay nhân tiện trời mưa..."; có hôm cái Minh vớ được mẩu thư viết dở, nó tò mò xem rồi đọc toáng lên. Bạo đứng đực ra nhìn, mặt đỏ gay, một lúc mới biết chạy tới giằng miếng giấy lại. Thế mà Bạo còn làm thơ gửi cho anh sinh viên rất giỏi chữ nghĩa. Ðại khái cũng câu ba câu bảy gập ghềnh như đá dưới lòng suối cạn:

Bèo hợp lại tan
Hoa nở rồi tàn
Nhưng tình yêu giữa đôi ta không đứt
Như sợi dây em nối đêm ngày...

   "Tìm bảy ngày cũng không thấy vần" - Vẫn cái Minh ranh mãnh nó vớ được, đọc xong nó nói như vậy. Từ đó, mỗi lúc hậm hực điều gì muốn trả thù, Minh lại lấy giọng ê a ngâm:

   "Bèo hợp rồi lại tan..." thế là đủ để Bạo toát mồ hôi, chịu thua. Mãi sau này Bạo phải mặc cả đổi chỗ nằm gần cửa hầm cho Minh, nó mới chịu quên cái đoạn thư khổ sở đó đi cho.

   Thế nào chiều nay Bạo cũng có thư. Cô tin rằng lá thư sẽ rất dài. Từ chiều hôm qua Bạo đã linh cảm như vậy. Niềm tin ấy làm Bạo bồn chồn thích thú. Cô vui khác ngày thường. Bạo cảm thấy mình yêu cuộc đời hơn, yêu mảnh đất chiến trường mà cô đang sống và yêu mọi người. Cô tự hứa từ nay cô sẽ dễ dãi hơn đối với Minh. Không kể chuyện ma con khỉ độc dọa nó nữa. Cô yêu cả con đường gập ghềnh này, cả những ngọn cây cỏ xanh này, cho đến con chim đang hót xa xa...

   Hai người đi sâu vào cánh rừng le tốt ngập đầu. ở đó lác đác có những cây cọ rừng mập mạp xanh tốt, lá vươn dài như lá dừa. Thỉnh thoảng mới thấy những cây khộc già nua đầu cành đang nứt những búp lá non tơ. Cho đến lúc nghe tiếng ho của một pháo thủ và con gà cục ta cục tác trong khẩu đội gần đó, thì họ dừng lại. Ðã đến khu vực mìn vướng nổ. Nhiều trái tự hủy, để lại một đám đất nát bét và một khoảng cây cối giập, gãy xơ xác.

   Chị Thành quan sát xung quanh rồi nhận xét:

   - Dây mìn đấy, Bạo ạ! Mắt thường mà cũng trông thấy một quả kia kìa!

   Bạo nhìn theo hướng bàn tay Thành. Một trái mìn mầu xám xù xì nấp dưới một cành cây nhỏ. Cô quạt bằng mũ sắt, tắc lưỡi:

   - Kệ nó chị ạ. Chọc một cái là nó nổ, sợ gì!

   Bạo nói rồi vẫn ung dung ghếch AK lên đùi, cầm mũ sắt quạt. Trời nóng. Trên đôi má đỏ chín của Bạo đã có mấy giọt mồ hôi. Khi đã buộc tóc lại thật gọn, xắn quần xắn tay áo, họ mới đứng dậy bắt đầu công việc. Bạo dựng lá chắn lên, chống thật chắc chắn. Cô ngồi thụp phía sau như một đứa trẻ đi trốn. Chị Thành đứng xa hơn làm nhiệm vụ rải dây. Bạo đưa sào lên phía trước. Cô chỉ cần vung sào, khuấy động cành cây ngọn cỏ, chạm vào bốn sợi dây vướng nổ là trái mìn sẽ nổ. Trái mìn đầu tiên Bạo phá hôm đó lại không phải là trái chị Thành trông thấy. Ðó là quả vùi sâu trong đống lá mục. Cô vừa tung sào bất thần đã có tiếng nổ. Bạo giật bắn người rồi lại cười khanh khách. Bụi chưa tan, cô đã dịch lá chắn về phía trước rồi giải lao một phút. Cô hỏi chị Thành.

   - Sinh viên đại học chắc họ sống sướng lắm chị Thành nhỉ? Ông bạn em ông ấy viết thư, em cảm thấy các ông ấy sang trọng lắm. Có đúng không chị?

   - Ðấy là em cảm giác thế. Họ cũng vất vả lắm. Họ ở một phòng mười hai người cơ đấy!

   Bạo lẩm bẩm:

   - Có thể là như vậy.

   Bạo lại thu mình sau tấm lá chắn. Cô đưa sào về phía trước. Trái mìn lần này gan góc hơn. Bạo phải quơ chục lần nó mới nổ. Tiếng nổ vẫn rất to làm Bạo giật nảy mình, cô đưa ống tay áo quệt mồ hôi trên mặt rồi quay về phía Thành nói chuyện tiếp.

   - Em có một miếng vải hoa rất đẹp. Em sẽ cắt một chiếc áo lót thật nghịch ngợm. Cổ theo kiểu trái tim xoay về vai trái. Hàng khuyết sẽ xẻ bên hông.

    Nói xong chưa kịp nghe Thành trả lời, cô lại ngồi thụp xuống, dịch tấm lá chắn về phía trước. Bạo phá mìn say mê tỉ mỉ và ung dung làm người khác đến phát thèm lên được. Ðó là cung cách phá mìn rất bình tĩnh, thông minh mà chị Thành cũng khâm phục. Công việc này rõ ràng không thể để một người vội vàng, hấp tấp làm được.

   - Ngày còn ở nhà ấy mà, cái "lão" người yêu của em bấy giờ còn nhỏ và yếu hơn em cơ. Có hôm đi chăn bò ngoài bãi sông Hồng, em dọa cho sợ, phải đuổi bò về cơ đấy.

   Thành cười:

   - Thật là đáo để.

   Thành cũng có biết qua người yêu của Bạo. Cái anh chàng quá trẻ ngồi vắt chân qua lan can thềm nhà chụp một kiểu ảnh rất điệu. Thành không chê gì anh ta. Chị chỉ thoáng ngờ vực trong lòng một điều, hình như Bạo sắc sảo hơn anh ta quá nhiều. Trong cuộc đời thực, liệu đôi trai gái này có sánh vai nhau được không? Bạo đã phá đến trái mìn thứ năm, thứ sáu... Họ đã trông thấy khẩu đội pháo xa xa. Rất lạ là hôm nay, Bạo không quen được với tiếng nổ. Mỗi một tiếng mìn dội lên Bạo vẫn giật nảy mình quay lại cười khanh khách. Chị Thành thấy Bạo có vẻ chủ quan quá, quát vọng lên:

   - Bạo! Chú ý vào. Coi chừng đấy!

   Bạo cười, đôi môi đỏ chót rất xinh.

   - Chị yên tâm. Một mình em đã phá hàng nghìn quả mìn rồi.

   Niềm vui ấy lan sang cả Thành. Phải, chị rất tin tưởng Bạo, nhưng điều ấy cũng có thể xảy ra lắm chứ? Công việc quen thuộc của Bạo là phá mìn, nhưng ai biết đâu được, bất cứ một sự chủ quan nào chẳng gây ra tai nạn? Phía trước kia, trong những bụi cây lòa xòa hiền lành, một ụ đất mấp mô, hay dưới đám lá mục, là những cái chết bất thần đang rình núp chờ đón; nhất là hôm nay Bạo lại có vẻ coi thường. Nghĩ như thế, tự nhiên Thành muốn ứa nước mắt. Chị yêu Bạo quá. Chị muốn đối xử dịu dàng với Bạo, muốn cho Bạo cái gì. Ðứng trước những người tốt người ta thường có những ý nghĩ trong lành hơn. Chị Thành đứng ngẩn người ra nhìn Bạo hồi lâu. Cô ấy vẫn cúi lom khom sau chiếc lá chắn. Và hễ cứ sau một trái mìn nổ, Bạo quay lại chuyện trò. Vẫn là dòng suy nghĩ sôi nổi của Bạo về bạn, về người yêu. Sau khi nói xong chẳng cần biết Thành có nghe hay không, cô lại quay về phía trước, dịch tấm lá chắn lên.

   Họ trở lại Văng Mu lúc sương mù đã kết thành từng cụm đặc sánh trên đầu. Bất ngờ lý thú là lúc đi cả tiểu đội chia tay nhau ở chỗ rẽ, lúc về lại gặp nhau đúng chỗ ấy. Ðủ mặt cả năm người, Bạo trông thấy từ xa Minh đi trước. Nó thất thểu vì đói và nhọc.

   Cứ sau một ngày lăn lộn ngoài đèo khuôn mặt đầy đặn của nó lại bị vơi đi một tí. Bạo vẫn tỉnh như không gọi rối rít:

   - Tớ cứ tưởng cậu về lâu rồi!

   - Thì người ta cũng tưởng đằng ấy về lâu rồi.

   - Tớ làm mà cứ nóng cả gan ruột. Chỉ sợ cậu về trước mệnh danh tớ, nhận thư.

   - Tớ mà về trước xem, chả phải bàn.

   - Thôi thôi các cô! Chóng lên. Còn khối việc phải làm ra đấy.

   Họ vào đến trước sân, chị Thành đã buộc xong hai chiếc tăng vào những gốc cây nhỏ. Những chiếc tăng xòe nặng buộc thõng xuống để hứng sương đêm lấy nước dùng. Mỗi đêm một tấm tăng rộng có thể hứng được một lít nước. Mười chiếc tăng hết đêm họ sẽ dồn được mười lít nước. Thứ nước kết tinh từ hơi sương trong ngăn ngắt. Trừ khi bom đánh gần, hơi sương qua khói thuốc đạn sẽ đắng ngắt như pha thuốc ký ninh. Các cô gái lần lượt căng những chiếc tăng ra đón nước. Sương dày làm ướt cả mặt, cả tóc. Khu đèo lạnh hẳn xuống vài độ.

   Tối hôm đó các cô gái ăn cơm rất nhanh chóng. Hầu như ai cũng vội, cũng mong cho đến cái giờ phút mong chờ ấy. Các cô không đùa ầm ĩ nữa. Cái Minh nhỏ bé lại còn tỏ ra chín chắn, nó nói:

   - Biết mình có thư không mà trông. Cái gì đến sẽ đến, cái gì không đến sẽ không đến.

   Bạo vạch mặt:

   - Rõ đồ nói khoác. Có thật không mong thư không? Thế thì cử cậu đi sửa đường dẫn lên sư bộ nhé.

   - ứ, tớ cũng có mong.

   Bạo cười ha hả. Chưa đến sáu giờ tối, các cô đã xúm xít bên tảng đá. Ai cũng tỏ ra bình thản. Chỉ có Bạo vẫn xông xáo đứng trong cùng, là người cầm ống nghe máy điện thoại. Phải đến hai chục phút rồi, Bạo vẫn chưa liên lạc được với đại đội. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng sét nổ sàn sạt, rầm rầm trong máy điện thoại, cầm lấy ống nghe giật nẩy tay lên.

   Bạo sốt ruột gắt:

   - A-lô... Thăng Long đâu. Cắm dây cho chặt vào.

   Cuối cùng sự mong chờ của các cô gái đã được thỏa mãn. Tiếng cậu liên lạc rõ mồn một trong máy. Cậu ta bảo mọi người đều có thư, trừ chị Thành. Tất cả các cô thở phào một tiếng. Thư của Bạo được đọc trước. Mặt cô đỏ ửng lên, cô đứng vào nghe máy, nụ cười bỗng nở trên môi ngượng ngập.

   Mọi người chăm chú nhìn Bạo. Họ không được nghe đọc thư, nhưng tò mò muốn biết Bạo có tin lành hay dữ. Tin buồn hay vui. Bắt đầu mặt Bạo đỏ chín, nghe đọc thư, cứ thế cô tái dần đi. Một tay Bạo buông thõng xuống. Các cô ngạc nhiên sợ hãi nhìn Bạo. Giây phút căng thẳng ấy cũng chấm dứt khi Bạo chuyển ống điện thoại cho Minh. Mặt Bạo chợt đỏ bừng, mấy giọt nước mắt nóng hổi lăn rất nhanh qua má. Cô ấm ức dằn từng tiếng:

   - Hắn vẫn chẳng xưng anh với mình. Cóc cần!

   Các cô gái nhìn nhau rồi phá lên cười. Cứ thế lần lượt từng cô. Họ xếp hàng chờ đến lượt mình vào nghe cậu liên lạc đọc thư. Thời gian vẫn trôi đi. Ở Văng Mu, một tháng lại có một ngày không bình thường như vậy. Nhưng nói cho cùng, cái ngày ấy cũng chỉ là ngày bình thường trong suốt bốn năm trời dài đằng đẵng trên điểm cao Văng Mu của những người lính.

Mùa hè 1980

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.