1
Chị Bơ đe tôi:
- Nếu cậu lại đem chuyện của chị với anh ra viết báo thì đừng có vác mặt đến đây chị chị em em nữa nhá!
Khốn nỗi, cái thằng viết lại vốn có tật thích lôi việc của nhà ra viết. Chuyện hay thì giấu đi, còn chuyện dở thì phóng đại lên. Nên anh em họ hàng phải từ bỏ, vợ con phải giận hờn, bè bạn cũng gớm mặt. Nói tốt về mình là người viết hồi ký, là người bình thường với cái tâm lý thông thường mượn bút mực để tự khoe. Còn kể xấu mình, tự bới móc mọi thói tật của mình thì đích thực là anh nhà văn rồi. Tại sao thế! Tôi cũng không hiểu nữa. Có thể là cái nghiệp dĩ của những người cầm bút chăng? Nhưng lần này tôi viết về bà chị tôi với ông anh rể muộn mằn có khác với những chuyện trước. Lần này tôi chỉ có khoe thôi. Tôi khoe cái hay cái đẹp cái phúc đức của dòng họ nhà tôi, nếu như đây đó thấp thoáng một nụ cười, thì cũng là cái mỉm cười hiền lành, vui một chút, nghịch một chút cho câu chuyện được đậm đà.
2
Tức là chị Bơ tôi bằng lòng đi lấy chồng. Lấy chồng lần thứ nhất là chỉ vừa mới năm nọ. Tôi năm nay đã xấp xỉ sáu mươi tức thì chị tôi không còn trẻ nữa. Năm chị tôi nhận lời xuất giá, là vừa tròn bảy chục tuổi. Chị Ðại, cũng là một bà chị khác của tôi, là em dâu ông Nguyễn Thế Truyền, đứng ra mai mối. Trong họ nhà tôi, đàn ông thì hiền lành, nhút nhát, làm gì cũng sợ, chỉ cầu được yên thân, còn phần lớn các bà lại hết sức ghê gớm, ăn nói ghê gớm, hành động táo bạo, còn các trò chơi của mấy bà thì vô cùng quái đản. Chị Ðại bảo tôi với cái giọng thản nhiên nhất:
- Chúng tao định gả chồng cho bà Bơ, mày thấy thế nào?
- Tôi hét lên:
- Sắp xuống lỗ còn đi lấy chồng, các bà tính toán rõ hay!
Chị Ðại vẫn nói dửng dưng:
- Chúng mày đều là quân ích kỷ. Chỉ nghĩ tới mình mà không nghĩ người. Mày sợ xấu hổ à?
- Chứ lại không, thiên hạ họ biết chuyện phải cười đến vỡ bụng.
Ai cười mặc kệ họ. Là việc hay việc tốt chứ có phải việc xấu đâu mà sợ họ cười.
Tôi vẫn vùng vằng:
- Chị tính lại đi, không phải chuyện đùa đâu. Vỡ lở ra là tai tiếng lắm. Chị Ðại đã hơi cười cười:
- Ðể tao tính lại nhá. Mấy chục năm nay chị Bơ chỉ ở với gia đình cô Hoàng. Nay vợ chồng cô ấy đi Pháp rồi thì chị Bơ ở với ai? Hay là xuống ở với vợ chồng mày.
Tôi lắc đầu:
- Nhà tôi như trại lính, bà Bơ không chịu xuống đâu. ở với chị có được không?
Chị Ðại vẫn cười:
- ở thế nào được. Một bà già đã đủ để con cháu nó cằn nhằn rồi, hầu thế nào được cả hai.
Tôi bắt đầu phân vân:
- Cũng khó nhỉ, tuổi già ở chòm chõm một mình là nguy lắm, lúc đêm hôm...
Chị Ðại thủng thẳng tính:
- ở một mình cũng vẫn được, nhưng đêm phải có người đến cùng ngủ. Mày hoặc vợ mày, hoặc con mày phải thay nhau mà đến, lúc khỏe không đến cũng được, nhưng lúc ốm đau là phải đến.
Sự phản đối của tôi đã bớt hăng hái tới già nửa vì cái viễn cảnh phải cắt phiên nhau xuống cùng ở với bà Bơ. Là mẹ thì buộc phải đến rồi, không thích không vui cũng phải đến. Nhưng là chị, là bà chị họ, cũng phiền nhỉ... à, thế mà khó giải quyết đấy. Nói gì thì nói, cách tính toán của chị Ðại là hết sức thiết thực. Nhân nghĩa hão, sĩ diện dởm, người khổ càng khổ hơn vì có ai chịu đưa tay cho kẻ bất hạnh víu lấy đâu. Trong họ nhà tôi có nhiều bà đẹp đẽ hẳn hoi, có học thức hẳn hoi, làm phu nhân cũng còn được huống hồ làm vợ làm mẹ như mọi người mà đành chịu cảnh phòng không chỉ vì những tính toán không đâu vào đâu của các bậc cha mẹ. Thời Mỹ lại đòi chỉ gả con cho những gia đình quan lại, môn đăng hộ đối, là dở hơi hết sức. Ði làm dâu những gia đình đã tàn lụi, với những bà mẹ chồng hút thuốc sâu kèn, nói năng đài các nhưng một xu không dính túi, những ông chồng quen thói ăn chơi nhưng chẳng có nghề ngỗng gì, ra thở vào than vì thời thế đã đổi thay, thì còn khổ cực, nhục nhã hơn con ở. Thà ở vậy mà hóa hay. Chị Bơ tôi sở dĩ muộn chồng vì cả một thời son trẻ chả ai để ý đến chị cả. Là con ông bác họ lên ở với chú thím với các em. Tiếng là người trong gia đình nhà quan, nhưng cô cháu nghèo làm sao dám so bì với các bà em phú quý. Ðã nghèo lại không được đẹp, lại ăn mặc xuềnh xoàng, nói năng rất ít, luôn luôn xuất hiện ở phía sau, là người rất cần thiết cho mọi người nhưng vẫn bị mọi người quên bỏ. Chị bị bỏ quên cũng vì chị không bao giờ đòi, chị cam phận, lại tự khép mình vào cái khuôn khổ lễ giáo đã không còn mấy ai theo nữa. Các bà chị con ông bác tôi vẫn chê chị Bơ là người cổ mà, trời đất ơi, đã nghèo lại còn cổ thì coi như số phận đã được an bài rồi.
3
Cái chuyện vui lúc tuổi đã xế chiều của bà chị tôi được bắt đầu như sau:
Cách đây khoảng bảy, tám năm, một bà chị khác lập nghiệp ở xứ Bờ Biển Ngà có làm giấy bảo lãnh cho chị Bơ sang ở bên đó. Hai bà vốn hợp tính nhau từ thời con gái, về già đều là những tín đồ rất nết na của đạo Phật, có ăn ở với nhau ít năm cuối chắc cũng êm ấm. Ðã nghĩ mọi việc xong xuôi chỉ còn đợi ngày đi thì bà bên kia lại viết thư về báo hoãn, vì nghe đâu chính phủ bên ấy sẽ thay đổi, sẽ đổ hẳn, nên vợ chồng phải di chuyển cơ nghiệp qua Pháp. Nói vậy thì biết vậy, chứ còn cái gì sau đó ai mà biết. Chị Ðại phàn nàn với tôi: "Bà Bơ tuổi Sửu, cái số ấy là vất vả lắm, một đời hầu hạ các ông em bà em, rút lại tay trắng. "Xưa nay chị Bơ chỉ biết sống cho các em, dựa dẫm vào các em, vui buồn hộ mọi người, nay các em kéo nhau đi tuốt tuột, còn trơ lại có một mình, ăn không ra bữa, ngủ không ra giấc, chẳng có cái gì riêng để mà lo mà buồn, đi lại như cái bóng, va vào cái này đụng vào cái kia của hai căn buồng vừa ẩm vừa tối, nghĩ thật tội. Ai cũng than thở là rất tội mà không một ai mở miệng mời bà chị nhất họ tới ở nhà mình để tiện bề chăm sóc, vợ chồng tôi cũng thế. Lúc khỏe đã vậy, lúc ốm thì sao, ốm một trận rồi chết cũng đã vất vả, lại ốm đến vài năm mới thật rầy rà. Cũng may trong họ còn có chị Ðại. Chị có quyền la mắng tất cả mà không ai dám giận vì chị ăn ở rất thật lòng, lại rất thạo việc. Việc người sống và người chết của cả một họ mà không có chị dúng tay vào là y như bê bết. Nói cho đúng chị cũng không dúng tay, một ngón tay cũng không động đậy, mà chỉ dùng miệng thôi, tính giùm cho thôi. Cái việc này thì thủ tục phải như thế này, sự chi tiêu phải như thế này, và chị cắt đặt luôn, một lũ con cháu và kẻ ăn người làm cứ thế mà chạy. Và chị đã lặng lẽ đảo ngược cái vận số của chị Bơ bằng một bài toán đến thần tình. Số là cách đây đã nửa thế kỷ, có một anh thanh niên con nhà nghèo nhưng rất đẹp trai và học cũng giỏi, vừa đỗ bằng Thành chung xong, tới gia đình ông bác tôi làm người kèm học cho mấy ông anh còn nhỏ tuổi. Người ra mở cửa đóng cửa cho thầy giáo trẻ là chị Bơ, năm đó cũng khoảng mười tám đôi mươi. Ði lại được vài năm thì anh giáo trẻ ngỏ lời xin được cưới chị Bơ, vì anh đã tìm được việc làm ở một nhà thương nào đó. Vậy là cả nhà cười, cười lăn cười lộn. Là cười cái táo tợn của một thằng con trai chẳng biết trời cao đất dầy gì, mới dám mở mồm đòi làm cháu rể cụ Thượng. Cháu cũng như con, phải tìm cửa tương xứng để gả bán chứ. Người con trai vì xấu hổ, vì giận thân không đến nữa. Vậy là thôi. Theo chị Ðại, hình như chỉ có một lần ấy, cái lần duy nhất ấy, có một người đàn ông để ý đến chị Bơ, quý mến cái dịu dàng, cái lặng lẽ, cái đảm đang của chị và mong mỏi được mời chị về sống với nhà mình. Rồi anh ta lấy vợ, đẻ một bầy con, rồi góa vợ và lấy một đời vợ nữa, lại thêm mấy đứa con và góa vợ lần thứ hai. Người đàn ông có cái số phận vất vả ấy tên là Phúc, cái năm bắt đầu câu chuyện cảm động này đã bẩy mươi mốt tuổi, hơn bà chị tôi một tuổi. Tôi cũng chưa rõ, do một tình cờ nào mà chị Ðại được biết ông Phúc sắp đi Pháp theo giấy bảo lãnh của con. Cái kế hoạch đầy tính nhân đạo và thực tế của chị lập tức thành hình và lập tức chuyển động. Chị nhờ một cô cháu có quan hệ họ hàng với ông Phúc tới bàn với ông, bằng cách nào đó có thể đưa chị Bơ đi, sang tới Pháp các bà em sẽ tới đón chị về ở nhà họ, vì anh chị em không có quyền đứng ra bảo lãnh nhập cảnh. Ông Phúc bằng lòng ngay và nói thêm: "Nhưng phải làm giấy giá thú mới hợp lệ!". Chị Ðại đã trả lời liền, giá thú thì giá thú, sang tới Pháp là hết giá trị, mà cũng chả cần làm giấy ly hôn, còn lấy được ai nữa mà cần giấy ly hôn. Tôi hỏi chị Ðại:
- Lần đầu chị bàn với chị Bơ cái chuyện này, chị Bơ bảo sao?
Chị Ðại cười:
- Giẫy nẩy như đỉa phải vôi. Mặt mũi đỏ nhừ đỏ tử. Gái chưa chồng nói chuyện hôn nhân ai chả thế.
Tôi cũng phì cười:
- Cái bà này có những sáng kiến đến quái đản.
Chị Ðại lườm nhẹ tôi, nói đay:
- Nếu mày không thích thì mày mời bà ấy về ở nhà mày. Cho tao được rảnh nợ.
Tôi nín lặng. Chị Ðại nói tiếp
- Bà ấy chửi tao một lúc rồi ngồi im. Tao chỉ hỏi lại có một câu: tùy bà, nếu bà không bằng lòng thì bảo tôi để tôi còn có lời nói lại.
- Chị Bơ bảo sao?
- Còn bảo sao! Bảo là tùy cô, cô muốn làm gì thì làm chứ tôi không biết.
- Vậy là xong à?
- Xong chứ, người ta vẫn còn vướng vất cái tình cũ mới đưa vai ra gánh lấy, chứ vui vẻ quái gì.
4
Vậy là chị tôi đi lấy chồng, nói cho đúng là giả đò lấy chồng, về danh nghĩa vẫn có giấy giá thú, nhưng ông ở nhà ông, bà ở nhà bà, cơm ai nấy ăn, giường ai nấy nằm, không có gì khác trước. Chị Ðại với chị Hoàng là hai bà hay nói tục nhất họ, nói những chuyện đến các em, và các cháu ngồi nghe cũng phải đỏ mặt, nên chị Ðại cũng có những lời bình luận về sự ở riêng này, chị nói tục lắm tôi không tiện viết ra đây. Tôi có nghe nói bữa hai ông bà dắt nhau ra phường đăng ký hôn thú, cô ủy viên thư ký phường hỏi bà cụ theo đúng thủ tục: "Thưa bác, bác kết hôn lần này là lần thứ mấy?". Bà cụ cúi gằm mặt không dám trả lời, ông cụ phải nói thay "Lần thứ nhất". Lấy chồng lần thứ nhất mà không có chạm ngõ, không ăn hỏi, không cưới xin gì cả, đến bữa cơm thân mật trong gia đình cũng phải hai tháng sau mới dám làm, nghĩ cũng tội. Mà là con cháu nhà quan hẳn hoi. Tháng đầu chị tôi đi lấy chồng, tôi không dám lại thăm. Sợ chị tôi ngượng, tôi cũng sợ tôi ngượng. Nhưng tôi vẫn thấp thỏm đợi cái bữa ăn mà bà chị và ông anh sẽ mời. Nói cho thật, không phải vì miếng ăn, mà muốn đến để "quan sát" một chút. Chắc là bà chị tôi cũng biết thế nên nhất định bà không mời cái thằng em mất nết, chuyện bố mẹ nó, nó còn chẳng tha, huống hồ chuyện của các bà chị. Chị Ðại gọi bữa cơm đó là bữa cơm đoàn kết, cái từ cách mạng dùng vào trường hợp này thật là khéo quá. Chứ còn biết gọi gì khác. Sau bữa cơm hai họ chừng vài ngày, bà Bơ cũng làm một bữa cơm thân mật chỉ mời riêng có ông Phúc và mấy người con của ông lại ăn thôi. Bà lão nấu ngon quá, nghề riêng mà, nên chỉ mấy ngày sau ông lão lại mò đến xin ăn một bữa nữa. Rồi ngày nào cũng đến đòi ăn, ăn bữa trưa. Rồi ăn cả bữa tối. Rồi đòi ngủ lại, vì say quá, vì trời tối quá, thiếu gì lý do xin được ngủ lại của một ông già đang ngất ngây trước hạnh phúc mới. Tôi toét miệng cười. Chị Ðại trợn mắt nhìn tôi, quát to: "Thằng mất dậy! Mày nghĩ gì mà lại cười, hả!".
5
Phải hơn hai tháng sau tôi mới được gặp cả hai vợ chồng bà Bơ. Là nhân ngày giỗ ông nội tôi, tức ông ngoại bà Ðại, ông chú bà Bơ, tại nhà ông anh trưởng họ. Bà đến trước đã cả giờ rồi mới thấy ông đến. Chả ai chào ai, cứ như người dưng. Tuy ông Phúc đã ngoài bảy chục tuổi nhưng còn đẹp lão lắm, vóc dáng cân đối đi lại nhanh nhẹn, cái miệng và con mắt của ông già khi cười khi nói còn rất là lẳng. Ðàn ông như thế nếu muốn lấy một bà trong ngoài bốn mươi chả có gì là khó. Lại có tiền nữa. Quả tình ông ấy đối với bà chị tôi vẫn còn vương vấn phần nào cái hương vị của mối tình đầu. Là vẫn không ngớt nghĩ về nhau, nghĩ về một cô gái nhút nhát, lặng lẽ, có thể làm người vợ hiền, người mẹ đảm không ngờ số phận lại hẩm hiu đến thế. Khi ông ấy chưa đến, chị Ðại có hỏi bà Bơ: "Bà đã dặn kỹ địa chỉ chưa? Nhà trong hẻm, lối đi lắt léo là khó tìm lắm". Bà Bơ trả lời ngắn gọn: "Ðã bảo rồi". Chị Ðại lại hỏi: "Ông ấy vẫn đi xe đạp à? Ðừng ỷ vào sức khỏe, ngã chết có ngày". Vẫn trả lời rất ngắn gọn: "Nói mãi nhưng không nghe". Tôi nghiêng mặt cười mủm mỉm, vì chợt nghĩ cách xưng hô của những cặp vợ chồng trẻ mới cưới cái thời còn đánh Pháp. Vào bữa ăn, tôi được xếp ngồi cạnh bà Bơ và ông chồng. Bà Ðại ngồi phía đối diện với ông trưởng họ. Ông trưởng họ là người hết sức thật thà, có nghề xem tử vi và tướng mặt, nghe ông ấy nói về vận số, ai cũng vừa lòng, vì mọi cái xui xẻo đã thuộc về năm qua tháng qua, còn tháng tới và năm tới chỉ gặp toàn những may mắn. Ông trưởng họ ngắm nhìn bà Bơ rồi tán: "Khí sắc chị Bơ rất vượng, năm tới là chuyện vui lắm". Bà Ðại buông một câu, nghe muốn nổi da gà: "Năm tới bà Bơ có tin vui, hả?". Tất cả mọi người đều cúi mặt, không ai dám nhếch môi. Mặt bà Bơ tái đi, còn ông chồng thì quay lại nhòm vợ rồi cười hề hề. Cái giống đàn ông thật quá tệ! Ông trưởng họ vẫn tiếp tục tán tụng bà chị hết sức hồn nhiên: "Chị dạo này trông đẹp hẳn ra". Rõ nỡm. Khen một bà lão đẹp ra, vậy mà cũng đòi làm thầy tướng số! Lại vẫn bà Ðại bình luận: "Cái đó đã hẳn, khỏi cần phải cậu nói". Tất nhiên tôi phải tế nhị hơn ông trưởng họ, nên tôi không nói gì cả, cũng không nhìn chăm chú vào một ai, chỉ lắng nghe và thoáng nhìn thôi. Tôi để ý thấy chị Bơ vẹo cổ tay cầm đôi đũa của ông chồng lấy giấy bản lau qua một lượt, rồi lại lau qua cái bát ăn. Chị không nói một lời và mắt vẫn nhìn thẳng. Lúc ăn cơm, chị gắp một miếng thịt gà, dùng tay lọc xương ra, lại xé miếng thịt cho nhỏ, rồi gắp vào bát của chồng. Cái ông chồng đến là nhõng nhẽo, chỉ đợi vợ gắp thức ăn mới ăn, cho gì ăn nấy, không tự đụng đũa vào bất cứ món nào khác. Chị Ðại nhận thấy ngay, chị quát lên: "Cái ông này đại lãn nhỉ, mắt bà ấy đã lòa dở, không hầu vợ thì thôi lại bắt vợ hầu mình". Ông chồng lại há mồm ra cười, hàm răng giả thật đều và thật trắng. Cuối bữa ăn, nhà chủ đưa cho mỗi người một cái khăn tay dấp nước nóng, ông Phúc mở khăn lau mặt rồi đưa cho vợ. Bà vợ cầm lấy cái khăn lau dở của chồng lau luôn mặt mình. Tôi cúi mặt xuống, sống mũi cay xè, chỉ muốn nhỏ ra mấy giọt nước mắt của yêu thương.
6
Lấy chồng được nửa năm thì chị Bơ phải đi mổ mắt. Một mắt bên phải mờ hẳn đi như có màng kéo, bác sĩ bảo phải mổ. Chị đến nằm ở nhà thương Ðiện Biên Phủ, cô gái út của ông chồng xách hai túi to vừa quần áo vừa đồ dùng vặt vãnh theo mẹ kế cùng vào bệnh viện. Mẹ nằm trên giường, cô con chồng trải mảnh ni lông nằm dưới chân giường, mà là con gái nhà giàu, là tiểu thư. Anh trai và chị dâu thì phóng xe máy đưa cơm ngày hai buổi, vợ đưa cơm trưa, chồng đưa cơm chiều, rồi bón cơm cho mẹ, ép mẹ ăn từng thìa, tiền tiêu như nước. Bữa tôi tới thăm chị Bơ, chị đã được tháo băng mắt, nhưng phải mang kính, nhìn mọi thứ vẫn còn mờ mịt. Chị em trò chuyện được một lúc thì ông Phúc tới. Bà đi bệnh viện được vài ngày thì ông ở nhà bị vấp ngã. Ngã nhẹ thôi nhưng đi lại đã phải dựa vào cây gậy. Ông chống gậy lò dò bước vào, cô con gái vội kéo ghế mời bố ngồi kề giường mẹ. Ông kẹp cây gậy trong đùi, đưa tay nắm lấy bàn tay gầy guộc của bà vợ, hỏi nhỏ nhẹ: "Ðêm qua bà có ngủ được không? Con mắt mổ còn nhức lắm không?". Bà Bơ trả lời: "Thưa, đã đỡ nhiều ạ, đêm qua chỉ thức có một lần thôi ạ". Con gái nói thêm: "Ðêm qua mẹ ngủ say lắm, trưa nay mẹ dùng cơm cũng đã được trên lưng bát". Bà Bơ vẫn để ông lão nắm lấy tay mình, than thở: "Thưa, con mắt tuy đã lành nhưng cái nhìn còn kém lắm, chỉ sợ nó kém mãi thì không làm gì được, ông lại vất vả". Một bà nằm giường bên, cũng ngồi gần đó bắt chuyện: "Bà cụ cứ sợ con mắt bị hỏng con cháu phải hầu, thêm bận họ ra". Ông Phúc nói rất to: "Bà nhà tôi cứ hay nghĩ quẩn, mình hầu hạ chúng nó cả một đời, nay chúng nó có phải hầu lại mình cũng chỉ vài năm chứ mấy. Chả là cái tuổi chúng tôi cũng sắp được về hầu các cụ tôi rồi". Tôi nghe ông anh rể nói chỉ muốn bật kêu lên: "Anh ơi, anh là người đàn ông chung tình nhất, rộng lượng nhất. Ước gì bọn em được tốt như các anh".
7
Bà Bơ ở bệnh viện về được vài tháng, con mắt bị mổ sáng lại dần, bà lại đi chợ, lại nấu cơm ngày ba bữa hầu ông, thì ông chồng lại bị ngã lần thứ hai.Là do ông vẫn đi xe đạp, cái chân đau vừa khỏi lại nhảy lên xe liền, rồi vấp té, tuổi già té xe đâu phải chuyện nhỏ, nhưng ông lão khoẻ chỉ nằm viện có mấy ngày, các khớp xương đã hết sưng nhưng phải nằm, như người liệt. Tôi đến thăm thấy ông nằm đọc sách, chăn nệm trắng tinh, vẻ mặt thỏa mãn như rất bằng lòng với số phận. Chỗ ông nằm thì cực kỳ sạch sẽ, nhưng cái chỗ của bà nằm bừa bộn như cái bếp. Ðúng là cái bếp thật với đủ thứ dụng cụ phức tạp để phục vụ cho cái ăn của người nằm phòng trong. Mà hầu hạ một cách tươi vui, như được dịp báo đáp một ơn nghĩa rất khó trả. Lần nào tôi đến thăm, chị cũng bảo: "Anh vừa nhắc đến cậu, cứ thắc thỏm đã lâu không thấy cậu đến". Rồi bắt phải ở lại cùng dùng cơm với anh. "Anh ăn một mình buồn lắm". Bữa cơm hàng ngày do chị tôi nấu vẫn rất ngon, nấu ngon hơn nhiều bà vợ. Miếng bít tết thật mềm, bát canh cá dưa thật ngon, đến đĩa dưa đĩa cà muối cũng thơm ngon lạ thường. Lần nào ngồi vào ăn tôi cũng hỏi: "Thế chúng nó đâu cả?" "Chúng nó" không phải là người của gia đình nhà gái. Không có người nào bên họ nhà gái tới hầu hai ông bà những lần ốm đau, đến thăm thì có mồm mép đỡ chân tay thì có. "Chúng nó" đây chỉ là mấy người con và cháu của ông anh rể tôi thôi, nhưng gọi thế cho nó thân, vừa thân lại vừa khéo, là không phân biệt con ông hay con bà, là con của cả ông và cả bà. Ông anh rể như có biết cái ý tứ ấy nên ông trả lời: "Cậu tính, bây giờ chỉ có hai vợ chồng già hầu nhau chớ trông cậy thế nào được bọn nó. Tôi đau thì bà hầu tôi, bà đau thì tôi hầu bà. Nói dại, bây giờ bà nhà tôi cũng đau nốt, thì tôi phải tự bò ra bếp nấu cháo nấu cơm chứ biết gọi ai". Chắc không chỉ là một câu nói nịnh mà còn là cái tình thực. Bao giờ ông anh tôi nói tôi đều muốn ứa nước mắt cả.
8
Ông anh rể tôi hóa ra phải nằm thật, nằm đã hai năm nay, nằm ở nhà vợ vì ông đã quyết định về ở hẳn với bà. Có một lần tôi than thở với chị Ðại về cái nghiệp báo nặng nề của chị Bơ một đời người vất vả, đã nghĩ về già được thảnh thơi chút ít lại lẩm cẩm đi rước một người đàn ông xa lạ về hầu, cái số kiếp gì lại đen đủi đến thế.
Chị Ðại quắc mắt nạt nộ ngay, theo chị hai năm qua là quãng đời đẹp nhất của bà Bơ, được hai năm ấy rồi có phải chết cũng thỏa. Tôi vẫn nhăn răng ra cười, hơn bảy chục tuổi đầu vẫn phải đi chợ, phải nấu ăn ngày ba bốn bữa, thi thoảng có tạt qua các em, ngồi chưa nóng chỗ đã láo liên đòi về, "vì anh ở nhà có một mình", ngày không được nghỉ mà đêm ngủ cũng không đẫy giấc, sống như thế lại bảo là rất thỏa, có mà điên. Chị Ðại nhìn tôi một cách rất khinh bỉ rồi giảng giải:
- Một đời bà Bơ có cái gì là của riêng mình đâu, đến một thằng đàn ông của riêng mình cũng không có. Bây giờ bà ấy đã có một ông chồng, là của riêng bà ấy, là mon homme, là ông nhà tôi, ông xã nhà tôi, nó vui lắm, hãnh diện lắm, không nói ra nhưng cứ nhìn mặt là tao biết. Hầu hạ một ông già nửa liệt nửa què mà mặt tươi hơn hớn cứ như người vừa bắt được của, mắt mày mù hay sao mà không nhận ra? Còn tao ấy à, tao lại khác, tao lấy chồng từ năm mười bảy tuổi, ăn ở với nhau trên năm chục năm mới dứt được cái nợ đời, ở với nhau lâu quá tức là nợ, hầu một thằng đàn ông trên nửa thế kỷ lắm lúc muốn phát điên lên, nó chán quá, nhàm quá, ngày nào cũng làm từng ấy việc, nói từng ấy câu, giận hờn nhau cũng là trong bài bản đã quen thuộc. Chán muốn chết. Nên đã có lần tao đi mẹ nó sang Mỹ, ở cả năm với con gái và con rể, trông con cho chúng nó, để cho đời nó khỏi nhàm .
ồ, lại ra là thế. Hình như là thế thật vì có thấy chị Bơ phàn nàn gì về những vất vả của chị đâu, mà lại còn vui lắm, lại chẳng ốm đau gì, cứ khỏe ra, mắt như sáng dần, đi lại phăm phăm, nói năng cũng nhiều hơn và hoạt bát tinh tường hẳn. Cái sức mạnh thầm kín nào đã khiến một bà lão trẻ hẳn lại, vui hẳn lại, có vẻ ham sống hơn trước, còn dám tính toán cả những việc của tương lai? Là tình yêu chăng? Này, các bạn trẻ, các bạn chớ vội cười. Các bạn chớ có nghĩ một cách tự phụ rằng chỉ ở lứa tuổi của các bạn mới biết mãnh lực của tình yêu. Không nên chủ quan như thế! Các bà nội cũng vẫn có, nếu như cái ma lực ấy các cụ không tiêu xài quá phung phí lúc thiếu thời.
Trong số các bà chị và ông anh còn đang sống ở thành phố, tôi rất thích đến thăm và tán chuyện với chị Bơ và ông chồng rất tốt bụng của chị. Cũng như trước đây tôi đã nghiền đến chơi với chị Hoàng, dầu rằng mỗi lần gặp, chị đều trêu chọc tôi, chửi thẳng chửi xéo tôi vì tôi là thằng cộng sản rắn mặt như lời đồn đại trong họ. Chị chửi tôi, chửi cộng sản, nhưng chị chửi có duyên quá nên tôi vẫn năng đến. Ðến với chị Bơ tôi lại có một nhu cầu khác. Tôi lặng lẽ ngắm nghía ông anh rể ngồi lom khom trên ghế, cây gậy kẹp trong đùi, vừa nhìn vợ làm cơm, vừa kể chuyện Ðông Tây kim cổ, chuyện vui và cả chuyện buồn, giọng kể ngọt ngào, âu yếm, còn bà vợ chạy lui chạy tới, quay trước quay sau, hai bàn tay không lúc nào ngưng nghỉ, chốc chốc lại quay mặt về phía chồng, hỏi một cách thơ ngây, một cách nũng nịu: "Lại ra thế hả ông?", "Con người đẹp thế, tốt thế mà bạc phận ông nhỉ? "Ăn cơm xong, ông ngồi hút thuốc lá, bà ngồi sát cạnh, đặt bàn tay gầy guộc nhăn nheo lên đùi chồng, ông chồng nắm chặt lấy bàn tay ấy, nắn bóp các ngón và trò chuyện với tôi, thỉnh thoảng lại hỏi vợ, "Ngón tay bà sao lạnh thế, lòng bàn tay cũng lạnh, bà đưa hộp dầu tôi xoa cho". Lạy trời cho anh chị tôi được sống thêm mươi năm nữa, cho đời thêm ấm áp, thêm đẹp. Và tôi thầm cảm ơn chị Ðạt, một bà chị hễ mở miệng nói là ai cũng ngán nhưng ai cũng thương vì khẩu xà mà tâm phật. Chỉ có cái tâm tốt của con người mới làm nẩy nở được những cái mầm yêu thương đang bị thui héo ở đâu đó.
Ngày 27-11-1989
Nguyễn Khải
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com