chan_dung-ke_si

MÙA HÈ KHÔNG HOA PHƯỢNG -Truyện ngắn tuổi mới lớn Nguyễn Đức Bình

02-02-2023

Lượt xem 7471

Đánh giá 3 lượt đánh giá

Chia sẻ

MÙA HÈ KHÔNG HOA PHƯỢNG -Truyện ngắn tuổi mới lớn Nguyễn Đức Bình

MÙA HÈ KHÔNG HOA PHƯỢNG

 

Bân cắm cúi bước thấp bước cao dọc con đường đầy đá xanh. Hai tay nó cầm cái cặp màu đen che sau lưng quần. Ngọc đạp xe phía xa xa, vai khoác một chiếc cặp vải màu hồng thêu hình một chú mèo lười sưởi nắng. Ngọc vừa tới chỗ Bân thì một chiếc xe tải chở cát phầm phập lao tới. Miếng bạt xanh bạc màu che tạm bợ trên thùng xe bay phần phật rồi thả xuống vô số đất cát làm Bân cuống quýt dạt vào lề đường.

 

Chiếc xe tải xấu xí còn tạo nên một cơn lốc bụi mù làm Ngọc loạng choạng rồi té rầm xuống đất. Chiếc xe đạp đổ nhào đè lên chân Ngọc. Bân đứng như trời trồng, hai tay vẫn che cái cặp sau lưng quần, mắt mở thô lố nhìn Ngọc nhăn nhó.

 

Bánh chiếc xe đạp quay tít. Ngọc bặm miệng chống tay lảo đảo đứng dậy nhưng lại té xuống đất một lần nữa. Ngọc ôm gót chân, một dòng máu đỏ tươi trào ra ướt đẫm hai bàn tay nhỏ.

 

Bân đứng chết trân, hai tay vẫn che cái cặp sau lưng quần.

 

Bân đứng đực mặt ra cho đến khi bánh chiếc xe đạp quay chầm chậm, rồi dừng hẳn. Mồ hôi Bân thấm rịn hai bên má. Làm sao bây giờ, không lẽ cứ đứng yên đây bỏ mặc không đỡ Ngọc dậy, Bân suy nghĩ.

 

Tim nó đập loạn xạ. Đột nhiên, Ngọc thét lên rồi òa khóc. Tiếng con gái khóc luôn làm Bân sợ. Nó rón rén đi tới chỗ Ngọc, đôi mắt láo liên đảo trước đảo sau như một đứa trẻ có lòng tự trọng bị lạc mẹ đang quặn thắt cái bụng rỗng chuẩn bị thò tay ăn cắp thức ăn.

 

Một tay Bân vẫn giữ cái cặp đen sờn rách sau lưng quần, tay kia vận hết sức bình sinh dựng chiếc xe đạp của Ngọc đứng dậy. Mồ hôi Bân túa ra ướt đẫm hai vai áo. Bân nghe “khục” một cái, vai phải của nó đau điếng như bị trẹo khớp.

 

Bân gắng chịu đau, đá chân chống chiếc xe đạp, đôi mắt vẫn láo liên. Ngọc mở đôi mắt to long lanh những giọt nước không lời. Những giọt nước tuôn chảy xuống khóe môi Ngọc mặn chát.

 

*  *  *

 

Nhà Ngọc ở kế bên nhà Bân, cách có một bức tường thấp sơn màu xanh loang lổ những vệt rêu xanh, nhưng hai đứa chưa bao giờ qua nhà nhau chơi mặc dù cùng học chung một lớp nữa. Hai đứa học chung lớp đã mấy năm rồi, bắt đầu từ năm lớp sáu. Bây giờ cũng đã đến năm cuối cấp hai, nhưng Bân hầu như chưa nói chuyện với Ngọc lần nào. Cậu chỉ dám lén nhìn Ngọc từ thật xa sợ ai đó bắt gặp.

 

Nhà Bân có một gốc me rất bự và nhiều trái. Từ khi gia đình Ngọc chuyển đến đây, Ngọc đã thấy gốc me này. Trời ơi, ai bứng gốc me qua nhà mình dùm đi, Ngọc thầm ao ước.

Ngày ngày, Ngọc dõi theo gốc me, chờ nó trổ bông, chờ nó vẫy tàn lá xanh mời gọi. Rồi một ngày, tàn me lao xao, từng chùm me non mướt mắt lúc lỉu trên cành.

 

Nhưng Ngọc chưa kịp thèm thuồng thì Bân đã hái đầy một bịch lén treo trước cổng nhà Ngọc.

Ngọc vui lắm, vì kèm theo bịch me non bao giờ cũng có một gói muối ớt xinh xinh.

Bạn gì đâu đến lạ! Sao hắn biết mình thích me non chấm muối ớt nhỉ, Ngọc đã thắc mắc như vậy khi lần đầu tiên lén thấy Bân treo bịch me trước cổng.

Ngọc mi gió trái me non, quệt nhẹ vào tay áo rồi chấm ngập trái me vào gói muối ớt. Đôi môi Ngọc mấp máy thèm thuồng, những lọn tóc mượt như nhung lắc lư, ánh mắt cười long lanh, cánh mũi phập phổng hít hà vị chua cay tươi ngon của hỗn hợp me muối ớt.

 1529652941_3059745293_95a7bfdc0f-min

Bao giờ cũng vậy, Ngọc phải dùng hết năm giác quan để cảm nhận trái me xanh ngắt cho đến khi nỗi thèm khát bùng cháy dữ dội, nước miếng tứa ra. Trời ơi, ngon hết biết, Ngọc khẽ thốt lên rồi đến lúc đó mới nhè nhẹ cắn “rốp” một miếng me non. Vị chua thanh thanh chát chát của me, cay xè của ớt trộn lẫn vị mặn của muối biển khiến Ngọc rùng mình lâng lâng.

 

Cám ơn Bân nghe, Ngọc thầm thì. Chợt Ngọc thấy sau gáy nóng bừng. Ai ngó mình vậy ta, Ngọc ngước mắt lên nhìn tàn me. Cành me rung rinh trong gió, bóng Bân thoăn thoắt tụt xuống. Hứ! Đồ vô duyên, lại lén nhìn trộm người ta nữa nghe. Ngọc nhoẻn cười, rồi đắm chìm với những trái me non...

 

*  *  *

 

Bân quăng chiếc cặp xuống đất rồi cúi xuống đỡ chân Ngọc. Bân lôi từ trong cặp ra một cuộn băng y tế băng chân cho Ngọc.

Nhìn cái mặt thấy ghét, tớ hổng thèm nhờ cậu à nha, Ngọc thầm nghĩ. Nhưng rõ ràng là Ngọc đang nép mình dựa vào Bân.

Mình chở Ngọc về nha! Bân ngượng ngùng. Ngọc khẽ gật đầu.

Ngọc quay mặt đi dùm tớ nha, Bân nhặt chiếc cặp che sau lưng quần rồi lúng túng nói. Ngọc tròn mắt nhìn Bân rồi quay nhìn sang phía khác. Bân vội vàng đặt chiếc cặp lên giỏ xe, nhảy tót lên yên.

Được rồi, đi nè, Bân dè dặt.

Ừa, Ngọc vịn vai Bân trèo lên xe. Sao hắn cứ che cái cặp vậy ta, Ngọc nhăn trán lòng đầy thắc mắc.

 

Bân dừng xe trước cổng nhà Ngọc. Ngọc bước xuống đỡ tay lái chiếc xe đạp.

Cám ơn Bân nha, Ngọc nghiêng nghiêng những lọn tóc mượt như nhung thì thầm.

Ngọc vào nhà trước đi, Bân nheo nheo mắt nói. Ngọc nở một nụ cười rồi đẩy cổng dắt xe vào nhà. Hên quá, Ngọc hổng biết mình mặc quần thủng đít, Bân thở phào rồi bỏ chiếc cặp đen, đưa tay ra sau lưng quần.

Trời ơi... cái gì vậy? Bân ngoái nhìn lưng quần thì đột nhiên la lên. Một con mèo lười nằm sưởi nắng đang nheo mắt nhìn Bân đầy tinh nghịch.

 

*   *   *

 

Ngọc đi đi lại lại trong sân, tàn me vẫn lao xao thì thầm treo những trái me xanh ngắt mời gọi. Ngọc đi ra cổng ngó nghiêng tìm kiếm. Chẳng có bịch me nào hết vậy, Ngọc thốt lên tiếc nuối rồi đứng lặng ngắm những chùm me. Ngọc nhắm nghiền mắt cố ngăn lại cơn thèm đang bùng cháy dữ dội. Bân đi đâu, Ngọc xụ mặt tự hỏi. Mình phải qua đó hỏi tội hắn mới được, Ngọc quả quyết.

 

Ngọc ngập ngừng đứng trước cổng nhà Bân. Tiếng dép lẹt xẹt đi ra, Ngọc vội vàng chạy biến vào trong nhà rồi đứng dựa lưng vào bức tường có những vệt rêu xanh. Vài chiếc lá me vàng li ti xoay xoay rồi đậu xuống sân nhà Ngọc.

 

Không, đừng nhanh vậy chứ, Ngọc xòe tay hứng một chiếc lá thảng thốt.

 

Ngọc ngước nhìn tàn me gầy xơ xác. Một cơn gió lướt tới, tàn me lao xao thả những chiếc là vàng li ti vương đầy mái tóc Ngọc. Gốc me già buồn thiu, những trái me nâu căng tròn cúi đầu im lặng. Ngọc phăm phăm mở cổng rồi mạnh dạn đứng trước cổng nhà Bân. Tiếng dép lẹt xẹt lại đi ra. Can đảm lên mày ơi, Ngọc vỗ vỗ lên ngực trấn an trái tim đang đập thình thịch.

Tìm ai vậy nhóc? Một anh trai ló đầu ra hỏi.

Ủa, anh là ai? Ngọc giật mình.

Con nhỏ này vô duyên, đến nhà người ta mà hỏi anh là ai là sao trời? Anh trai bực dọc.

Em... em... em muốn kiếm Bân, Ngọc lúng túng.

Bân nào? Làm gì có ai tên là Bân ở đây nhỏ? Anh trai trố mắt nhìn Ngọc.

Anh nói sao? Ngọc chợt tối sầm, hụt hẫng.

Là không có ai tên là Bân ở đây hết trơn, hiểu chưa nhỏ?

Mà nhóc là ai? Anh trai gắt gỏng.

Em là Ngọc nhà kế bên đây nè, nhà Bân ở đây mà, Ngọc phụng phịu sắp khóc.

À... là Ngọc à, nhà thằng Bân chuyển đi chỗ khác cả tháng nay rồi, nhóc không biết thiệt hả? Anh trai ngạc nhiên.

Em... em... tháng trước em về quê.., mắt Ngọc nhòa đi.

Hèn chi, chắc lúc nhóc về quê thì nhà nó dọn đi. Tội nghiệp thằng nhỏ, nó cứ bần thần trèo lên cây me ngó qua bển hoài, ai kêu cũng không chịu xuống. Thì ra là đang trông nhóc đó hả? Anh trai mở rộng cánh cổng nhìn Ngọc, tủm tỉm cười.

Cái này là của nó để dành cho nhóc nè, anh trai kéo Ngọc đến gốc me. Một đống luôn, ngày nào nó cũng hái một bịch me treo ở cổng nhà nhóc đấy. Nhưng vì nhóc không lấy nên nó lại đem về đây nè, anh trai thở dài nhìn đống me lắc đầu.

 tamarind-450w_650x

Ngọc ôm những bịch me vào lòng, ánh mắt long lanh nhìn anh trai vẻ cầu khẩn.

Ừa, nhóc lấy đi, làm gì cũng được. Thằng nhỏ nhất quyết bắt anh không được đem bỏ cho đến khi có một người tên Ngọc đến lấy. Hên quá, cuối cùng thì nhóc cũng tới rồi. Anh trai cười, sao mà Ngọc thấy vô cảm quá chừng.

 

Ngọc đứng im nhìn chăm chăm vào gốc me, đôi mắt đỏ hoe. Sao hắn lại dán con mèo lười của mình ở đây, Ngọc đăm chiêu.

A...! Ngọc bóc con mèo, chợt reo lên mừng rỡ.

Cám ơn anh... anh.., Ngọc líu ríu. Kêu bằng anh Hai đi, anh trai cười to.

Dạ, em cám ơn anh Hai, Ngọc lặp lại giọng xúc động.

 

Ngọc bày những trái me khô quắt queo ra bệ cửa, rồi thả chú mèo lười nơi tia nắng sớm đang rọi xuống. Dưới chân chú mèo lười một dòng chữ nguệch ngoạc “Tớ học trường cấp ba Phan Bội Châu, tiếp tục làm bạn học cấp ba của tớ nha Ngọc”. Ừa, tất nhiên rồi, tớ sẽ là bạn học của cậu, nhưng tốt nhất là nhà mới của cậu cũng trồng me nghe, Ngọc tựa gối thì thầm với chú mèo lười. Chú mèo rung rinh sưởi nắng rồi cùng thì thầm “meo meo, nhưng chị đừng dán mèo vào quần Bân nữa đấy nhé”.

 

Truyện ngắn tuổi mới lớn Nguyễn Đức Bình

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.