chan_dung-ke_si

MỘT BUỔI CHỢ - Truyện ngắn Phan Tứ

19-10-2023

Lượt xem 1255

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Phan Tứ

MỘT BUỔI CHỢ - Truyện ngắn Phan Tứ

Vợ chồng nhà văn Phan Tứ

Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Phan Tứ, nổi tiếng với tác phẩm Mẫn và Tôi, là cháu ngoại của chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh. Năm 2000, ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II.

Một buổi chợ là truyện ngắn từ tập truyện Về Làng xuất bản năm 1964 của ông.

 

Đi tới cách cổng chợ chừng trăm thước, chị Hai Phước bưng mủng cá rẽ sang con đường hẻm, định lọt vào chợ chỗ hàng rào gãy mé sau. Nhưng vừa bước qua mấy cây tre rào đổ ngang, chị gặp ngay thằng Phùng thu thuế chợ lù lù đứng chực sẵn, tay ôm cái kẹp vé thuế, tay chống ba toong:

– Ê, chị kia, trốn đâu? Dám đạp rào chợ nữa chớ!

– Dạ không… Tôi ghé thăm bà con, tiện đường tắt mới vô đây bán mớ cá vụn. Dạ anh cho đi.

Chị vội đi ào qua tránh hắn, nhưng bị túm nón lôi lại. Hắn thọc cây ba toong xuống cát, càu nhàu:

– Có vài đồng bạc thuế mà cứ ráng trốn quanh cho mất công. Mà sao chị mặc rách xác xơ vầy, ai cho vô chợ hử?

– Dạ tội quá anh, bộ quần áo lành tối qua giặt chưa kịp khô… Đây anh coi giùm, không giấu gì anh, mới tát được nắm cá vụn đem bán mua gạo cho con. Giỏi lắm được mười đồng chớ mấy.

Thằng Phùng liếm đầu ngón tay gỡ xấp vé thuế.
– Chị cầm tôi như con nít sao chớ? Chợ ít cá, chị bán không được bốn chục chớ kể tôi là người. Ba đồng thuế!

– Chết, anh nghĩ lại cho…

– Nghĩ rồi đó, thôi cho chị bớt một đồng còn hai. Hai đồng thuế, dụng tâm trốn thuế phạt gấp ba thành sáu đồng, thêm cái sự mặc rách rưới đi chợ làm xấu quốc gia phạt chị vi cảnh nhẹ mười lăm đồng, vị chi hăm mốt đồng, tính lại thử đúng chưa?

Nhanh như làm trò ảo thuật, hắn vừa nói vừa xé toạt một khúc giấy đỏ trong tập vé thuế và một mảnh giấy biên lai phạt vi cảnh, trong khi chị Hai há miệng kinh hoảng chưa kịp kêu.

– Xỉa tiền ra đây, hăm mốt đồng!

– Ôi chao, anh nghĩ thương giùm, không có lấy một xu…

– Biên lai xé rồi, bộ tôi bỏ tiền nộp thay cho chị sao. Chánh phủ buộc vậy chớ tôi muốn phạt làm gì mang oán. Xuân đâu, xách cái nón đem bỏ trạm thuế đi em.

Mặc chị Hai kêu thét, giằng co, đứa em trai thằng Phùng giật cái nón mới quai thao chạy thẳng. Thằng Phùng gạt chị ra, nạt:

– Muốn vô đồn công an nữa hả? Cầm biên lai, chút nữa tới chuộc nón… Ê ông già gánh chiếu, lại đây! Cha chả, nhảy rào rúc bụi dữ hè!

Chị Hai van xin một hồi, rồi đành bỏ đi vào chợ, chửi lầm bầm: “Mẹ tổ cha cái bọn chặn đàng cướp chợ, ăn dơ ăn dáy”. Nó cướp không của chị một buổi chiều đi tát vũng, sáng nay mất đèo thêm một buổi chợ. Trưa về con chị lại rướn cổ nuốt khoai chấm muối… Chị đặt mủng cá xuống góc lều chợ, mặt hầm hầm. Trong cơn tức của chị còn pha lẫn xấu hổ, tủi nhục, chị muốn hắt mủng cá vào mặt thằng Phùng mà không dám, sợ bị tù không ai nuôi hai đứa con dại. Bây giờ ai chọc chị một câu là chị đánh xé ngay giữa chợ cho biết mặt.

Chợ đông dần. Biển hôm nay được cá, từng chục gánh kĩu kịt chạy qua cổng. Các chị buôn rỗi cãi qua lại với thằng Phùng mấy câu rồi móc túi đưa tiền mau kẻo nó giữ lại lâu cá ươn, để nó quệt tí hồ vào nón hay đòn gánh, dán lên đó một khúc giấy đỏ dài hay ngắn tùy từng gánh nặng nhẹ. Người mua không có mấy. Dạo này loa thúc thuế cử tri kêu om ngày đêm, mấy nhà đã còn tiền đi chợ, không phải bán đổ tháo heo giống gà ấp đi là coi như may phước rồi. Đôi bà mặc sang đi qua, buông một tiếng thờ ơ: “Bảy đồng hử…. Thách ba chục thì ai dám trả!”. Chị Hai xốn xang trong bụng, không lẽ chị mất cái nón chị mượn đi chợ sao, ít ra cũng phải đủ hăm mốt đồng nộp cho nó chứ.

Phía cổng chợ bỗng nổi lên tiếng xôn xao. Bà con tránh dạt ra rất nhanh. Chị Hai vơ mủng cá kéo vào lòng, rồi ngấp nghé dòm. Hôm nay ráp chợ soát giấy, hay biệt động quân ra ghẹo gái kiếm ăn? Không phải. Một thằng công an quận đội mũ lưỡi trai trắng đi trước, cầm một cái loa. Hai thằng dân vệ theo sau, xốc nách một người mặc áo trắng quần đen đi chệnh choạng như say rượu. Thằng công an đưa loa lên, nói ồm ồm từng loạt ngắn:

– Nè, đồng bào chú ý. Nghe đây. Tập trung lại đây hết. Nghe cộng sản chánh hiệu hô đả đảo Hồ Chí Minh. Thôi lại đây, mua bán gì bỏ đó đã, mau!

Bọn dân vệ xách súng đi lùa từng người một. Thằng Phùng cũng khua cây ba toong, chạy lăng xăng: “Bác kia, điếc sao? Bà con học tố cộng miết, thấm nhuần rồi chớ! Con nít cũng tới nghe, tới hết!”. Mọi người càu nhàu xếp gánh, dồn lại thành một vòng vây rộng chung quanh tên công an. Chị Hai tránh né một lúc rồi cũng bị đẩy vào chỗ đông, một tay ghì chặt mủng cá, một tay nắm biên lai phạt và vé thuế. Thấy cái thế không trốn được, chị chen vào nhìn cho bõ công đứng may nhờ chị cao nên trông thấy rõ.

Cộng sản đây là một cô gái thấp nhỏ trạc độ hai mươi đến hăm hai, mặt xanh nhợt, môi dưới sưng trễ xuống, mặc cái áo trắng dính mấy vệt máu đã khô đen. Hai thằng dân vệ xốc cô ta đứng lên một thềm nhà gạch, ấn cái loa vào tay. Thằng công an nói nhẹ nhàng: “Thôi em, ráng hô ít tiếng rồi anh thả. Tội nghiệp”. Chị Hai thấy rõ cô gái rùng mình một cái mạnh. Đôi mắt cô đã to, trên khuôn mặt xanh gầy trông càng to quá, nhìn trừng trừng qua đầu mọi người như đang tìm một cái gì, nương theo một tia sáng gì ở đâu xa lắm. Cô dựa lưng vào tường, từ từ đưa loa lên miệng, rồi hạ xuống. Thằng công an đằng hắng, sờ tay vào bao súng ngắn. Cô lắc đầu, gạt mớ tóc xõa hất qua vai, giơ loa nói nhanh, giọng khản đặc và hổn hển:

– Tôi là đảng viên Cộng sản. Tên là Út, Trần Thị Út ở gần chợ Đồng Trầu. Tôi bị bắt về học tố cộng ở quận bốn tháng nay…

Thằng công an nói át đi:
– Đồng bào hô theo cho to, nghe không? Được đó, làm đi em.

Chị Hai quay mặt đi, “hừ” một tiếng khinh bỉ thật nhỏ trong mũi. Lần trước chính mắt chị thấy một anh đảng viên cũ ra trước mít tinh xưng tên họ rồi xé cờ búa liềm. Lần này cũng cái trò ấy. Chị không phải đảng viên, nhưng chị nghĩ thân con người đã theo bên nào thì chí quyết theo trọn một bề mới phải, đồ úy tử tham sanh vô Đảng làm gì cho xấu cả mặt mình mặt người. Tiếng hét trong loa làm chị giật mình, chưa kịp hiểu.

– Đả đảo Mỹ – Diệm!

– Ủa…

– Đảng Lao động Việt Nam muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!

Thằng công an chồm lên thềm nhà:
– Thôi! Câm họng! Ai hô theo đó?

Đám đông thét dậy lên một loạt tiếng “muôn năm” lộn xộn, rồi vỡ chạy tán loạn. Chị Hai chỉ kịp hô vớt theo một tiếng, nép vội vào góc nhà bên cạnh. Bốn năm tiếng súng nổ cắt ngang tiếng loa. Chị Hai kêu rít trong miệng: “Chao ôôôi!” Mủng cá và hai mảnh giấy buột rơi khỏi tay chị lúc nào không biết. Mắt chị hoa lên, chỉ thấy chập chờn những lưng người nhốn nháo. Một lúc sau, chị nhìn kỹ lại chỗ nền nhà trống trơn. Một vũng máu trên nền gạch, một vũng nữa loang tím trên bãi cát trước thềm, và một chuỗi giọt tím nối dài lấm tấm chạy ra phía cổng. Chợ tan nhanh, kẻ mua người bán táo tác ra về. Các bà các chị lén đưa tay áo quệt mắt, có người kêu thành tiếng: “Trời ơi là trời!”. Không một dấu chân nào giẫm trên các vết máu.

Chị Hai từ từ đi như người mất hồn, bước tới chỗ cát thấm máu, cúi xuống bốc một nắm cát ướt dẻo, cầm khư khư trong tay đi ra cổng. Chị không hiểu mình đang làm gì và có ai nhìn theo mình không. Trong óc chị nhảy nhót chờn vờn những câu hò liên hoan nhận ruộng, ánh đèn chai đêm học bình dân, tiếng hò reo của trẻ em chơi trăng Trung thu, những thứ chị tưởng đã quên từ lâu nay vụt hiện về quay cuồng như một vòng lửa nung đốt chị sau khi nghe những câu khẩu hiệu quen quá.

Hồi đó, hồi còn chánh phủ Cụ Hồ, chị hô khẩu hiệu hồn nhiên như đứa trẻ chỉ biết kêu mẹ mỗi khi vui buồn chứ không kêu ai khác. Đã đảng Lao động với Hồ Chủ tịch thì tất nhiên là muôn năm ba lần không thể nào khác được. Chị không thể ngờ rằng sau khi ngừng tiếng súng chồng chị lại bị đánh hộc máu chết vì một chữ ký đòi hiệp thương, và phần chị lại bị bắt quỳ sám hối một tháng tới hai chục đêm, hô những câu quái gở trước cái mặt heo luộc của một thằng ai cũng biết là bán nước cho Mỹ. Sau mấy năm bầm giập, chị đuối sức dần. Chị bắt mình phải quên hình ảnh cô Hai Phước, nữ du kích hay hát hay cười, lén lấy mìn của chồng đi ăn lẻ kiếm súng giật chết một thằng Tây đi chợ ngay gần chỗ thằng Phùng chặn phạt chị hôm nay. Chị muốn cắt cả đoạn đời ấy đem đào sâu chôn chặt đi cho dễ sống. Chị nén từng cơn giận, bịt lấp từng tia hi vọng mơ ước, cố tập cho mình chai đi, trơ đi, thành câm điếc đi, không còn biết yêu ghét gì nữa, để có thể yên phận làm ăn nuôi hai đứa con mất cha. Nhưng khổ cho chị, chị vẫn đau đớn, căm hờn, hi vọng. Dù muốn hay không, dòng máu trong thân chị vẫn là máu đỏ. Những hòn than chị nuốt trong lòng vẫn cháy ngún, gặp cơn gió hôm nay thổi vào lại bốc lửa. “Chao ôi, các đồng chí ở đâu, các anh chị ở đâu hết đi, sao mãi không về”. Chị kêu thầm những tiếng dài nức nở. Đứa con của Cách mạng vẫn y nguyên một lời gọi Mẹ.

Chị Hai đi thất thểu trên đường ruộng, đầu không nón, đôi vai gò xuống nặng nề, cái áo cộc rách cùi tay phủ thân hình cao gầy, lưng khom khom như đã quá quen đứng chờ đón trước mặt các ban khai thác xã, quận, tỉnh. Cổng nhà chị đây, hằn một chữ A đen đánh dấu gia đình tình nghi loại A. Chị đi thẳng lên nhà trên, đẩy phên liếp cho sáng. Tấm ảnh người chồng điểm một chấm trắng vuông nho nhỏ trên bàn thờ khuất tối. Chị cầm bát hương trút ra phản, bỏ nắm cát tím dẻo vào bát, bốc tro đổ lên trên. Chị đánh bật lửa châm mấy nén hương, rồi cầm hương đứng trước bàn thờ chắp tay định khấn. Chị vừa hé miệng thì tiếng khóc trào ra không cầm nổi, chị ngồi thụp xuống đất, tay úp mặt, khóc rung hai vai không thành tiếng.

7-1958

Phan Tứ

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.