chan_dung-ke_si

'Mắt bão' - tình người thời oằn mình chống Covid-19

15-10-2023

Lượt xem 636

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

\'Mắt bão\' - tình người thời oằn mình chống Covid-19

Hình ảnh trong phim "Mắt bão". Ảnh: DFS

Cộng đồng Hồi giáo, người lao động nghèo, y bác sĩ sát cánh bên nhau thời Covid-19 tại TP HCM, trong phim tài liệu "Mắt bão".

Tác phẩm do Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Quang Tuấn - Chủ tịch Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương - thực hiện, đoạt giải Quay phim xuất sắc tại Cánh Diều Vàng 2023. Mắt bão được hội đồng thẩm định đánh giá cao về ý tưởng, bố cục, cách kể chuyện, tái hiện xúc động cuộc sống người TP HCM trong những ngày oằn mình chống dịch. Hiện êkíp gửi tác phẩm tranh giải tại Liên hoan phim Việt Nam vào tháng 11.
Trích đoạn phim tài liệu 'Mắt bão'
 Trích đoạn phần cuối phim "Mắt bão". Video: DFS

Phim mở đầu với tiết tấu chậm, nhiều cú máy dài, ẩn dụ về cuộc sống đơn điệu, nhiều nỗi buồn trong tâm bão. Tác phẩm không có lời bình, được dẫn dắt, kết nối bằng câu chuyện của những người trong cuộc. Bối cảnh trải dài từ một hộ gia đình, một xóm lao động của người dân đến bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức cấp cứu, các đơn vị quân đội.

Nhân vật đầu tiên người đàn ông trung niên, có bố và mẹ già đều mắc Covid-19. Mẹ qua đời trong lúc thành phố giãn cách xã hội, anh giấu bố rằng bà vẫn điều trị ở bệnh viện. Đám tang bà không thể tổ chức, chỉ lập bàn thờ đơn giản với quả trứng, bát cơm.

Cộng đồng Hồi giáo An Giang ở TP HCM, gặp nhiều khó khăn khi phải duy trì cuộc sống. Dù nhận được lương thực tiếp tế từ cộng đồng, họ lại chia sẻ cho người khác vì không phù hợp. Những người sống phải hỏa táng thân nhân, bởi người theo đạo Hồi chỉ chôn cất dưới nước hoặc lòng đất. Dù phạm giới luật, họ chấp nhận tuân thủ quy định phòng chống dịch để cùng xã hội vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhiều tín đồ đạo Thiên Chúa, đạo Cao Đài, khi qua đời, được đưa về chùa làm lễ cầu siêu, thờ tự. Lúc này, khoảng cách tôn giáo được xóa nhòa, chỉ còn tình yêu, sự đùm bọc giữa người và người.

Với các cảnh quay ở nhiều điểm "nóng" thời dịch như Trung tâm Hồi sức tích cực của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, êkíp tái hiện không khí làm việc hối hả của các y bác sĩ, những phút yếu lòng của họ khi chứng kiến bệnh nhân qua đời. Trong một cảnh quay, nữ y tá giữ bình tĩnh gọi điện cho người nhà từng người đã khuất, an ủi, hướng dẫn họ làm thủ tục nhận tro cốt người thân. Hình ảnh các nhân viên y tế quấn bệnh nhân đã mất vào bao, dán kín băng dính, khiêng lên xe điện trong lặng lẽ, gây ám ảnh.

Tiến sĩ Lưu Quang Thùy, trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Việt Đức, là một trong những bác sĩ ở tuyến đầu, xuất hiện. Ngày chủ nhật hiếm hoi được nghỉ, anh đến chùa, cùng các tăng ni cầu siêu cho những người xấu số. Khi bệnh nhân không có người thân bên cạnh, bác sĩ thay người nhà đưa tiễn họ.

Đạo diễn cũng sử dụng nhiều hiệu ứng âm thanh, tác động mạnh đến cảm xúc người xem. Tiếng violin trầm buồn của một nghệ sĩ xuất hiện ở đầu phim, nhiều lần trở đi trở lại trong tác phẩm. Bản nhạc như khúc ca tiễn đưa những người đã khuất, vừa như động viên những người ở lại. Tiếng tim ngừng đập, tiếng kinh cầu siêu cũng gợi liên tưởng về cái chết, sự mất mát. Sau khi Mắt bão hoàn thành, êkíp mời một số nhân vật xem nhưng họ từ chối. Những người này cho biết vẫn chưa vượt qua được nỗi đau quá khứ và đang học cách chấp nhận thực tại.

Vượt lên bi lụy, đau thương, phim truyền tải thông điệp về tình yêu cuộc sống, sự kiên cường của con người qua một số chi tiết, như hình ảnh về những em bé chào đời nơi bệnh viện dã chiến. Nhiều trẻ sơ sinh ở bệnh viện cả tháng vì gia đình nhiễm bệnh nặng, được các y tá yêu thương. Có em may mắn hơn được bố mẹ đón về sau vài ngày chào đời. Trên phố, người dân trở lại nhịp sinh hoạt bình thường. Trong mỗi gia đình, những người còn sống dành góc tưởng niệm người đã mất. Tông màu ở phần cuối tươi sáng, rực rỡ hơn.

Ca khúc kết phim - Khi thương đau qua đi (Nguyễn Như Huy) - buồn man mác, mang thông điệp chữa lành: "Khi thương đau đi qua, là khi người biết yêu thương người hơn. Khi thương đau đi qua, là khi người thấy sâu nơi tim người, mệt rồi. Một tình yêu tựa khúc than không chấp nhận tàn lụi".

Êkíp chọn các nhóm yếu thế trong xã hội như các cộng đồng tôn giáo, người lao động nghèo, người cao tuổi mắc bệnh nền, làm nhân vật trung tâm. Họ lên khung kịch bản, nhưng liên tục phải thay đổi do diễn biến bất thường của dịch. Đạo diễn từng quay hai vợ chồng người công nhân, nhưng không thể bám theo nhân vật khi người bệnh vào khu cách ly. Nhân vật bác sĩ đã ghi hình, từ chối lên sóng tiếp do trầm cảm, khi thấy bệnh nhân liên tục qua đời.

Biên kịch Nguyễn Ánh Ngọc cho biết êkíp làm phim chỉ có đạo diễn Nguyễn Quang Tuấn và anh, là hai người đã được tập huấn phòng chống lây nhiễm bệnh, có kinh nghiệm làm phim thời dịch. Khi vào TP HCM, họ được vài người trong nghề hỗ trợ. Nhiều phân đoạn, đạo diễn Quang Tuấn một lúc điều khiển ba máy quay: Flycam từ trên cao, một máy cầm tay, máy cố định bắt cảnh toàn. Biên kịch Ánh Ngọc hỗ trợ quan sát, thu tiếng hiện trường.

So với các phim tài liệu cùng đề tài như Ranh giới, Không sợ hãi, Mắt bão có tiết tấu chậm hơn. Đạo diễn không đi sâu miêu tả cuộc chiến khốc liệt của các y bác sĩ, bệnh nhân, chủ yếu gợi mở từ câu chuyện nhỏ của từng số phận, để lại khoảng trống cho người xem suy ngẫm. "Êkíp khắc họa nỗi đau bằng ngôn ngữ bình dị, đời thường nhất, để thấy trong nỗi đau luôn có tình người", biên kịch Nguyễn Ánh Ngọc nói.

Theo Hà Thu - vnexpress.net

Bài liên quan