chan_dung-ke_si

MA MÈO - Truyện ngắn Phong Điệp

04-07-2023

Lượt xem 1903

Đánh giá 2 lượt đánh giá

Chia sẻ

  truyện ngắn hay Phong Ðiệp

MA MÈO - Truyện ngắn Phong Điệp

Nhà văn Phong Ðiệp

   Nụ cười trên môi lũ trẻ tắt ngấm khi tiếng chuông gọi gắt gao của người bố vang lên. Hai cái xe đẩy nối đuôi nhau chạy dọc theo đường hành lang hẹp và tối om. Con mèo già rên gừ gừ ở lối nhỏ rẽ vào nhà kho. Hai vệt sáng xanh lẹt, bất động mở trừng trừng về phía chúng.

   "Anh bảo có chuyện gì không? Bố về sớm hơn mọi khi đấy".

   "Tiếng chuông còn rất tức giận nữa".

   "Thế anh bảo..."

   Hai chiếc xe cùng bẻ bánh về phía nhà ngang. Tất cả đèn điện đều được bật sáng một cách bất thường. Sàn nhà bóng loáng. Cánh cửa gian chính mở rộng. Bên cạnh chiếc giày to sù của người cha là một đôi xăng đan nhỏ nhắn.

   Hình như chủ nhân của nó bước vội nên làm xô một bên mép thảm lót trên bậc cửa.

   "Anh nghĩ cha muốn chúng ta vào trong đó chứ? Ðã lâu lắm rồi..." Thêm một lần chuông nữa, ngắn và đanh. Hai đứa trẻ tần ngần đẩy xe đến trước cánh cửa. Một người phụ nữ đang đứng căng thẳng giữa nhà, chỉ chực đợi chúng đến để nhìn. Khuôn mặt lạnh lẽo và buồn. Nước da bà ta trở nên trắng ốm trong ánh đèn điện quá chói.

   Người cha ngồi lặng ngắt trên chiếc phô tơi. Chiếc gạt tàn trên bàn đầy những đầu mẩu thuốc lá.

   "Từ nay cô Bội sẽ dạy dỗ các con".

   Người cha im lặng giây lát và nhìn chúng nghiêm khắc.

   "Không một ai được phép cãi lại cô Bội. Các con rõ rồi chứ" Không được phép, đúng thế. Bây giờ thì hãy về phòng của mình đi".

   Người đàn bà mệt mỏi giơ tay chào chúng. Bàn tay dài với các ngón khô khan.

   "Chúng ta sẽ gặp lại nhau vào sáng mai".

   Hai cái xe vòng trở về đường hành lang hẹp, dài hun hút. Con mèo già vẫn ngồi ở lối rẽ vào nhà kho, hai chấm mắt xanh lét. Những lùm cây trong vườn nghiêng ngả vào nhau. Gió thổi ràn rạt.

   "Anh ạ, em thấy sợ".

   "Bố sẽ đi vào sáng mai. Vẫn những chuyến đi dài ngày".

   "Và rất nhiều quà".

   "Nhưng chẳng bao giờ bố nói chuyện với hai anh em mình".

   "Vì bố rất bận. Bố về nhà để nghỉ ngơi".

   "Em thấy thương bố. Nhỡ lúc nào đấy bố trở nên mệt mỏi vì cứ phải chăm sóc hai anh em mình thì sao?".

   "Em huyên thuyên rồi đấy!"

   Tiếng chuông đánh thức lũ trẻ kéo rền vào lúc bảy giờ. Chúng vội vã mặc quần áo và lết người đến cái xe đẩy đặt sát giường. Tiếng xăng đan của cô Bội nện lạch cạch xuống nền đá hoa. Cánh cửa phòng chúng bật mở ngay trong chớp mắt. Thậm chí lũ nhỏ không nghĩ đến việc khóa trái cửa khi đang ở trong phòng.

   Trong ánh sáng ban ngày nhìn cô Bội gầy và xanh xao hơn chúng tưởng. Hai hố mắt sâu trũng nhìn chúng lạnh lẽo. Bộ quần áo bằng vải dày bó chặt lấy thân hình lép kẹp. Thường những người phụ nữ ở tuổi cô người ta không ăn mặc như thế.

   "Chúng cháu chào cô Bội ạ."

   Những đứa trẻ gượng gạo mấp máy môi. Cô Bội dường như không có ý đáp lại lời chúng. Cô đi thẳng đến những chiếc giường. Ðống chăn màn lùng bùng được thu dọn trong giây lát. Hai cái ga giường được kéo phẳng phiu lại.

   "Cô Bội, hôm qua cô ngủ có ngon không?

   Ðứa con gái hít một hơi dài, lên tiếng làm quen. Thằng anh nó bắt tay vào bánh xe, đẩy dần ra cửa.

   "Cháu định đi đâu đấy?"

  Cô Bội quay phắt người ra, hỏi bằng giọng kim hơi gắt.

   "Cháu muốn ra vườn".

   "Không được. Hãy đi rửa mặt mũi và ngồi vào bàn ăn sáng. Sau đó chúng ta sẽ học".

   Ðứa con gái lo lắng nhìn thằng anh đang giãy giụa một cách khó chịu trên xe đẩy.

   "Anh sao thế?"

   Cô Bội im lặng đẩy từng chiếc xe ra ngoài và khép cửa lại. Bữa ăn sáng bắt đầu trong trật tự. Cô Bội ăn rất nhanh và hầu như không gây ra một tiếng động nhỏ nào. Lũ trẻ nhai nuốt chậm chạp, miễn cưỡng. Cô Bội phải ngồi đợi đến hơn mười phút cho chúng kết thúc xong xuôi phần ăn sáng của mình.

   "Tất cả đều là những chất bổ dưỡng giúp nuôi cơ thể khỏe mạnh".

   Cô dọn bàn ăn và giải thích.

   "Tại sao cháu ăn không hết?"

   Ðĩa của đứa con gái còn thừa đến một phần ba.

   "Còn con Két nữa cô ạ"

   "Ðó là con mèo già bị điên". Thằng anh vừa lau mồm vừa giải thích.

   "Một con mèo già bị điên ư?" - Giọng cô Bội loãng ra

    - "Nó sẽ gào vào ban đêm và cắn xé tất cả những người nào mà nó gặp".

   "Không đâu cô ạ. Nó đã già lắm rồi. Lông rụng từng mảng. Nhưng nó không bỏ đi như những con mèo khác".

   Cô Bội im lặng thả chùng người xuống ghế. Lũ trẻ lặng lẽ rời bàn ăn và đi sang phòng bên ngổn ngang sách vở. Một túm lông mèo đậu lơ phơ trên thành cửa sổ.

   Cô Bội bắt đầu bài mới bằng vẻ mặt nghiêm trang.

   "Những con ma mèo thường hiện về gào thét trong đêm. Chúng gọi nhau thê thiết và rầm rập đi thành từng đàn..."

   Ðứa con gái lo lắng đưa mắt nhìn anh. Nhưng chúng vẫn tiếp tục lắng nghe và không nói một lời nào.

   Giờ học kết thúc khi cô Bội trở nên phờ phạc. Khuôn mặt cô trắng bệch, vô hồn.

*

   Con mèo không xuất hiện vào những bữa ăn sau đó. Từng đám lông thưa thớt mầu tro của nó vương vãi khắp nhà.

   Lũ trẻ bị cấm thức khuya. Kết thúc giờ học buổi tối chúng phải lập tức về giường và tắt đèn đi ngủ. Ðiều ấy làm cho đứa con gái áy náy.

   "Anh nghĩ nó sẽ chết chứ?"

   "Ai cơ? Cái con Két hôi hám đó à? Thì nó đã già quá rồi còn gì".

   "ý em không phải vậy". Ðứa con gái ấm ức giảng giải

   - "Chẳng ai cho nó ăn cả. Kể từ mấy ngày hôm nay. Nó đâu có làm hại ai".

   Cô Bội sẽ tiếp tục kể chuyện về lũ ma mèo nếu em còn tiếp tục nói thế" - Thằng anh nó hào hứng đe em - "Cô Bội luôn có rất nhiều chuyện về chúng".

   "Nhưng em không thích chúng".

   Ðứa con gái thở dài và trùm hụp chăn qua mặt.

   "Nó sẽ chết mất thôi".

   Thực ra con mèo chưa chết bởi nửa đêm, khi chợt tỉnh giấc thằng anh nghe thấy tiếng nó kêu bải hoải ở phía sau nhà kho. Nó lần gọi em thì con bé đang đau bụng dữ dội, chân tay co quắp lại, mồ hôi tứa ra đầm đìa.

   Ngoài hành lang tối om. Tiếng kêu của con mèo lịm dần đi. Thằng anh lần xe đẩy đi ra. Phòng cô Bội ở phía đầu nhà kho vẫn sáng choang như không có động tĩnh gì. Ðứa nhỏ hít một hơi thật sâu và cất tiếng gọi:

   "Cô Bội ơi! Cô Bội ơi..."

   Bây giờ thì nó đã đứng trước cửa phòng. Gió phần phật thốc vào giường cô Bội. Không có người trên đó.

   - Cô Bội ơi! Cô Bội ơi! Có tiếng đất đá rào rào ở vườn sau rồi đột nhiên im bặt. Ðứa nhỏ cố quay trở về thật nhanh. Tự nhiên nó thấy sợ những tiếng bánh xe xiết lên nền đá hoa vang lên lạc lõng giữa đêm khuya. Khi thằng anh về đến nơi thì cô bé đã đờ người lại. Hai bên mép nó nước dãi nhều ra. Thằng anh lôi con em xuống xe, đẩy ra ngoài vườn theo lối tắt.

   Người đàn bà hốt hoảng ra mở cửa cho những đứa trẻ. Có tiếng trao đổi xì xụp ở nhà trong. Tiếng chân người chạy thình thịch ra lối cổng. Tiếng nước xối xèn xẹt. Con bé em được xốc lên giường. Có rất nhiều người quây lại. Cái xe đẩy của thằng anh bị xô vào tít góc tường. Muỗi bay vè vè qua mặt. Nhưng mệt mỏi làm đứa trẻ thiếp đi.

   Buổi trưa có ba người đàn ông và một người phụ nữ đẹp tìm cô Bội. Sau đó tất cả cùng kéo lên chiếc xe Zép cũ kỹ có tiếng nổ phành phạch như máy xát.

   Ba... tiếp tục sang nấu ăn cho những đứa trẻ. Lúc ra vườn sau hái rau thì phát hiện cả một khoảng đất đã bị quần nát. Lũ trẻ nằm trong phòng đọc sách cho mãi tới khi tiếng chuông báo giờ ăn kêu lên.

   Người cha trở về sau những chuyến đi dài ngày. Da ông đen sạm lại và gò má hốc hác.

   "Rốt cuộc là đã có chuyện gì xảy ra vậy?"

   "Con không biết bố ạ. Nhưng lúc ấy con nghe có tiếng mèo kêu ở sau nhà kho".

   Người đàn ông thở dài:

   "Ðã có những chuyện mèo điên. Chúng cắn người và họ đã chết vì không biết. Cô Bội có một đứa con như vậy"

  Những đứa trẻ ngồi lặng ngắt. Rất lâu sau con bé mới thốt lên:

   "Bố ạ. Chúng con muốn cô Bội".

   Người cha mệt mỏi đứng dậy.

   "Các con về phòng đi. Từ ngày mai các con sẽ học ở trường".

   Hai đứa trẻ im lặng đẩy xe về phía hành lang tối om.

   "Anh ạ, con Két không bị điên"

   "Nhưng chúng ta lại nói khác".

*

   Năm học mới bắt đầu và những đứa trẻ phải dậy sớm hơn thường lệ. Chuông kêu rền dọc hành lang hẹp, chói chang ánh nắng. Bà cụ hàng xóm đã đợi chúng sẵn ở dưới sân.

   "Con chào bố!"

   Cánh cửa phòng khách vẫn đóng im lìm. Tấm đệm lót được đẩy quá ra phía hành lang, một bên mép bị xô lại.

   Ở gần trường, luôn có một người phụ nữ trong bộ quần áo bằng vải thô bó sát lấy thân hình lép kẹp, chờ chúng đi qua rồi lặng lẽ bỏ đi.

Hà Nội 8 - 1996

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.