chan_dung-ke_si

LÀM NŨNG - Truyện ngắn Mộng Sơn

29-08-2023

Lượt xem 1018

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

LÀM NŨNG - Truyện ngắn Mộng Sơn

Làm Nũng là truyện ngắn đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy (Tập mới) của nữ nhà văn tiền chiến Mộng Sơn (1916-1992). Nhà văn Nguyễn Vỹ kể: Mộng Sơn, bước chân vào làng văn một lượt với Anh Thơ, nhưng lớn hơn tác giả "Bức tranh quê" vài ba tuổi. Lúc đầu, nàng lấy bút hiệu là Sơn Tiên, Vũ Thị Mai, rồi đổi lại là Mộng Sơn sau khi đã đăng vài ba bài thơ khả ái trên báo Đông Phương của Lan Khai... Nàng là con gái thứ hai của một ông quản lý đồn điền ở Chũ (Phủ Lạng Thương), và có một căn bản học thức tạm đầy đủ. Nàng có vẻ đẹp rắn rỏi...Tuy là một gái trẻ trung nhưng thích ở miền rừng núi hoang dã hơn là ở thành thị, thích văn thơ, đọc sách và tư tưởng triết lý hơn là trang điểm và các thú vui vật chất nơi phồn hoa. Mộng Sơn rất thông minh, nhưng không phóng túng, mà cũng không giản dị ngây thơ như Anh Thơ. Nàng không đùa cợt với ái tình và không để tình cảm làm chủ lý trí. Lý tưởng của nàng là đem nữ tính đa cảm của mình ra phụng sự cho nhân loại...Mộng Sơn khác hẳn các thiếu nữ "lãng mạn" của thế hệ tiền chiến là ở chỗ đó.

 

Mùa xuân của Nhân loại đã tới. Không tha thiết yêu đời, không hăm hở làm việc đời thì biết đâu bánh xe lịch sử chẳng nghiến nát mình...

Vừa nói chuyện với vợ, Phong vừa tiếp tục công việc múc nước vào chậu thau đồng. Phong múc cẩn thận như đong từng gáo. Gáo nào hơi vơi một chút, Phong lại vục xuống, múc thêm cho đầy giàn giụa và cả thau nước cũng đầy giàn giụa rồi Phong mới ngồi, trịnh trọng thả từng cái chén nội phủ có in tranh sơn thủy xuống lòng thau. Thả hết chén, Phong thả nốt cả cái ấm Càn Long gan gà xinh xinh. Phong kỳ cọ từng cái. Từ miệng đến đáy chén đều được Phong lấy đầu ngón tay cái miết miết từng tí. Khi rửa xong tất cả Phong lại mất một lúc ngấm nghía cho bốn cái chén đều bằng bặn vào giữa đĩa, không lệch lạc chút nào. Lúc ấy Phong xoa hai tay một cách đắc ý và bộ chén mới được Phong bưng lên đặt trên giường.

Mỗi buổi sáng, đã mười năm qua, từ ngày về nhà chồng, vợ Phong vẫn thấy Phong làm việc ấy. Cả mấy xuân ở phương ngoài, Phong cũng vẫn như cái máy làm công việc rửa chén ẩm. Để làm gì?

Chỉ để sáng nào Phong cũng dậy thực sớm uống chén trà nóng, trông làn khói bốc lên và cầm chén trong tay thực lâu ngồi suy nghĩ. Phải, Phong suy nghĩ đã nhiều. Trong khi miên man theo giòng cảm xúc, Phong còn tỏ ra chàng hết sức đau lòng về thời cuộc.

Phong thường thao thức, ngồi nhẫn tàn canh. Má hóp dần, người gầy nhom trông cao như con sếu vườn.

Có người bảo Phong gàn. Cũng có người cho rằng Phong chớm mắc bệnh thần kinh. Phong càng ngày càng nói nhiều, đi nhiều, thức nhiều. Có khi tự nhiên anh nắm tay đập mạnh xuống bàn. Có khi anh chỏ vào khoảng không rồi làm bầm...... Phong nghĩ ngợi những gì, nào ai biết! Con người ấy thực bí hiểm. Đọc hàng ngàn cuốn sách để rồi không viết ra một câu gì! Giang hồ bao nhiêu năm để rồi ngồi một chỗ. Uống nước trà và suy nghĩ!

Với ai ai, Phong cũng tỏ ra Phong là một người có chí lớn. Chàng rất ghét những cái tầm thường. Người ta chờ đợi cái chí lớn và công việc không tầm thường của chàng, nhưng bao nhiêu năm rồi, chàng vẫn không làm gì.

Năm 1936. Phong trào Mặt trận bình dân Pháp chỗi dậy. Bãi khóa đình công ở các thuộc địa cuốn lên như sóng. Những người quen Phong đều ngạc nhiên vì thái độ thản nhiên của Phong. Phong chờ thời. Vậy thời cơ đã đến. Sao Phong lại để dịp ấy qua đi?

Kìa! Từng tốp một, ba, năm, mười, hai mười người lũ lượt kéo nhau đi. Đi đâu? Người ta đi hội họp, đi thảo luận, đi làm chánh trị. Mỗi người một sở thích. Người thích danh, người thích lợi. Có người chỉ nghĩ đến quần chúng. Phong chẳng ở vào lớp nào cả!

Phong ngồi nhà đọc sách, ngâm thơ, nói đồng và... chờ đợi một việc gì ở “xứng đáng” mới thèm làm. Vài bạn thân ghé tại hỏi thầm về thời cuộc và ý chí của Phong. Phong ra vẻ quan trọng nói lớn: “Phải chờ đợi! Trước hết phải đặt ra những câu hỏi này: Mình là gì? Mình theo ai? Mình làm việc cho ai ? Ai ủng hộ mình ? Ai sẽ biết đến mình ? Mình làm việc với tư cách gì ? Mình... Mình...

Phong đã cẩn thận quá, đã tính toán nhiều quá... rồi không làm gì cả, ngoài cái việc sáng sáng rửa chén, lại cầm chén, để suy nghĩ!

1937-1940 lần lượt qua. Phong  trào xuống dần và lòng người cũng nguôi dần.

Rồi xuân, hạ, thu, đông, Tết ấy đến Tết khác, bao nhiêu năm giời qua đi... rất mau !

Xuân 1945. Phong trào Đại Đông Á sôi nổi khắp Á Châu. Xã hội Việt Nam lại một lần lay động ở những tầng trên...

Phong sớm sớm vẫn ngồi nhấm nháp chén trà và suy nghĩ trong khi người ta hò hét, vận động đủ cách đề làm chính khách, làm bộ trưởng, làm tỉnh trưởng, làm giám đốc Sở nọ Sở kia... bất cứ một chức gì. Hoặc người ta gây một phong trào phản lại tất cả những lớp người đó. Phong vẫn chẳng ở vào lớp nào nhưng Phong cũng vẫn không thích làm một người tầm thường, Phong hết băn khoăn, đau đớn cho sự chia rẽ của đồng loại lại thắc mắc về những sự khủng hoảng lớn nhất của thế kỷ. Họ nhầm cả! Thế thì một mình Phong không nhầm! Nhưng Phong phải làm gì mới được chứ?

Ngày ấy Phong đã có vợ được năm năm. Vợ Phong đã thấy sốt ruột lắm, về cái tính lần mần của Phong nhưng không muốn phạm đến quyền tự do của chồng, nàng chỉ phàn nàn thầm trong bụng :« Sao mèo nhỏ lại không chịu bắt chuột con? Tài thì nhỏ quá, mà chỉ lại lớn quá, làm sao mộng của Phong có thể thành được? Nghĩ? Ai không nghĩ! Nhưng nghĩ mà không làm chỉ đâm ra nghĩ quẩn ! »

Hôm nghe tin trái bom nguyên tử thứ nhất của Mỹ ném tan đảo Hiroshima (Quảng đảo) làm cho Nhật phải đầu hàng Đồng Minh, Phong nói rất sáng suốt: «Nhật đầu hàng Đồng Minh đâu phải vì tính năng nguyên tử, chính vì phong trào quần chúng thế giới đương sôi, báo hiệu một thời kỳ tiền cách mạng ». Nói thế thôi, chớ Phong vẫn không hề động tĩnh.

Vợ Phong hỏi nhỏ chồng : Trái cây đã chín mùi rồi! Anh còn đợi gì nữa ! Không tính làm gì ư ? Tí nữa trái cây sẽ rụng, mà không rụng vào tay ta!...

Phong chỉ khẽ nhún vai. Ngày ngày vẫn uống trà và đêm đêm vẫn đọc sách. Chỉ có thế và mãi mãi chỉ có thế!

Một sớm thu, tiếng quân hô dậy đất, và bóng cờ khởi nghĩa bay rợp đường. Phong chẳng những không tham gia, mà còn trốn tránh. Lần này thì không phải vợ Phong chỉ sốt ruột mà nàng còn thấy khó chịu quá về thái độ chồng. Nhưng, vốn nhẫn nại như những người đàn bà nhẫn nại ở phương Đông, vợ Phong không bao giờ phản đối chồng, nàng chỉ biết cái bổn phận của nàng là phải ngược xuôi đầu sông ngọn nguồn lần tảo, để chồng được tự do theo đuổi lý tưởng.

Đành rằng Phong không hèn, Phong không xu thời. Nhưng sao Phong không có thái độ? Mọi người kêu Phong cầu kỳ và câu nê quá. Cả một dân tộc chỗi dậy. Các đảng phái, tôn giáo, giai cấp, dân tộc gọi nhau « Đoàn ket »! « Đại đoàn kết » ! Thế mà Phong vẫn cô lẻ!.. Lúc nào Phong cũng khăng khăng một mục rằng không có việc gì « xứng đáng cho Phong làm cả! Trong khi bao nhiêu kẻ đem thân ra chiến địa, bao nhiêu người bỏ mình dưới bom đạn, Phong vẫn có thể cứ ung dung sắp từng lá thuốc cuộn vào thái thật nhỏ, tìm cách ướp thế nào cho ngon với cái việc thường ngày rửa chén lại...cầm chén mà suy nghĩ! Qua bốn năm tản cư, Phong giắt vợ con về Thủ đô. Về làm gì? Để lại vẫn ngày ngày mỗi buổi sáng, Phong đem bộ chén nội phủ có in tranh sơn thủy ra cọ rửa, mài miết...

Ai động đến Phong thì Phong hùng hổ nói: « Tôi bốn mươi rồi, còn ngây thơ gì nữa mà bị mê hoặc!

Rồi hoàn cảnh mới sản ra một lớp người mới! Phong vẫn chờ đợi... chờ đợi một thời cơ thuận tiện và không làm gì ngoài việc uống trà suy nghĩ và đọc sách!

Xuân 1950. Hôm nay là ngày đầu năm, Phong uống trà lại lâu hơn mọi ngày. Trinh, người bạn gái rất thân của vợ Phong đến chúc Tết, khẽ hỏi: Anh ấy năm nay ra hoạt động chứ?

Vợ Phong, giọng lạnh lùng: Em biết sao được! Mỗi người có một đời sống tinh thần, lý tưởng riêng, không bao giờ em chạm đến quyền tự do của Phong.

Anh ấy không chịu làm việc, chứ làm gì mà không được! À! Nhưng mà nhà em còn làm nũng! Trinh phì cười vỗ vai bạn :

– Thật anh chị sung sướng quá. Trên bốn mươi cả rồi mà lúc nào cũng như còn son trẻ.

Vợ Phong phá lên cười, cười to hơn Trinh, cười chảy nước mắt và cười rung cả mấy cành mai :

- - - Không ! Có làm nũng em đâu! Nhà em làm nũng phong trào đấy chứ!

 

Mộng Sơn

 

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.