13-07-2023
Lượt xem 3891
Đánh giá 2 lượt đánh giá
Ðã mấy ngày nay lão lần mò khắp các ao chuôm bờ bãi mà không được gì. Bụng đói, miệng khát, vẫn gắng gượng vừa đi vừa hát.
Tiếng hát đều đều, buồn buồn, có lúc như tiếng cầu kinh, có lúc thầm thì như nói chuyện một mình. Dân làng Ðà gọi lão là Thoán ếch, Thoán Ðiên - có điên khối lão! Thoán là tên cha mẹ đặt cho, còn ếch và Ðiên là do người làng đem cái nghề và cái tính cách để gọi ra cái đặc điểm con người lão. Lão đi bắt ếch, lang thang khắp đó cùng đây, ngày đêm, mưa nắng, đói ăn, khát uống, mệt thì ngơi giấc dưới mái cầu mái quán hoặc một gốc cây nào đó, chẳng bận sự đời chẳng tham danh vọng, ngay đến vợ con cũng ít khi quan tâm săn sóc. Hàng ngày lão gắn bó, thiết tha với ếch. Ôi những con ếch xanh, ếch vàng, ếch cốm ếch cụ... sao mà gần gũi thân thương! Nào phải cao sang hiếm lạ gì đâu? Có ở khắp mọi nơi. Bờ tre, bãi mía, ruộng lúa, ao chuôm... chỗ nào cũng có. Mắt lồi, lưng gù, da ướt lạnh... chứ có cao sang đẹp đẽ gì đâu mà sao gắn bó, thân thương đến thế? Phải chăng vì cái uy khiến loài cua khiếp vía mà rúm cẳng? Hay vì cái sang trong tiếng ếch kêu uôm uôm cho ao chuôm đầy nước? Có lẽ vì cái e thẹn của đôi lứa khi đang ân ái bị người đời trông thấy nên phải đưa tay lên che mặt. Nhưng cũng có thể vì tính ham mê hoa mướp vàng đến quên cả sống. Từ thuở lên năm, lên bảy lão đã theo cha ra đồng bắt ếch, cho đến bây giờ hơn 70 tuổi, có con có cháu, thành nội thành ngoại, vẫn giữ cái giỏ bên người. Nó là cái nghiệp, cái phận và cũng là cái duyên một đời của lão.
Vậy mà đã mấy ngày nay lão mò mẫm sục khắp các hang cùng ngõ hẻm cũng không tìm đâu ra được một con ếch. Dù mệt nhọc, nhưng lão không lùi bước. Chiều qua ném câu ở ao làng, hoa mướp vàng nhảy nhót trên mặt bèo, rõ ràng có con ếch đuổi theo ăn mồi, giật lên đã thấy trĩu nặng, bụng ếch trắng hếu, vậy mà đến khi giơ tay ra định bắt lấy, chút nữa thì tóm phải con rắn. Lại đến sớm nay, lật viên đá chắn cầu mương, rõ ràng một con ếch cụ ngồi chồm hỗm như cái bát úp ở trong hõm đất, liền giơ tay chộp lấy, hí hửng vì con ếch to cạng bàn tay, nhưng khi đưa lên nhìn, hóa ra là một nắm rêu xanh nhớt. Thực thực hư hư, là ếch thật hay chỉ là ảo ảnh? Y như là có ma. Ðồng quê đã hết sạch ếch, chỉ còn có ma ếch về trêu lão chăng? Trêu cợt nhau làm gì, ơi hồn thiêng những chú ếch? Hay là hồn còn bơ vơ phiêu bạt chưa có chỗ nương dựa nên hiện về đây trêu lão. Nếu vậy thì cứ về...
Lão Thoán lang thang khắp nơi tìm gọi hồn ếch. Bước chân xiêu vẹo, loạng choạng, nhưng miệng lão vẫn không ngừng ngân nga...
Lão gọi hồn ếch như người ta hát kinh. Tiếng hát đưa lão về những ngày xa xưa.
Những ngày xưa ấy, cơ man nào là ếch.
Ðêm tháng ba sấm chớp mưa rào, sáng ra ruộng khoai ruộng đỗ, từng đôi ếch nằm rạp mình lên nhau, hai tay xấu hổ che mặt là lão chỉ việc nhặt cho vào giỏ. Rồi đến tháng mười, sau mùa gặt hái, trời thu se se lạnh là ếch làm mà để ngủ đông. Hầu hết ếch đồng làm mà ở dưới gồi rạ. Giở rạ lên, tha hồ mà bắt. Có khi tới ba, bốn cái mà ếch ở dưới một gồi rạ. Gặp những khi ếch đàn ếch lũ như vậy, phải những kẻ tham, những đứa thô, sẽ nhét đầy bao bố này sang bao bố khác. Nhưng với lão Thoán, chỉ lấy một giỏ là vừa đủ dùng cho ngày hôm ấy, thiếu một con chưa thôi, thừa một con cũng không thèm lấy.
Những khi khan hiếm, hoặc là ruộng đang lúa không thể lội vào, hoặc là đông giá ếch đi tránh rét, bắt được con ếch hết sức khó khăn, người khác có thể về không, nhưng lão Thoán đã ra đi là bắt được đầy giỏ. Một cút rượu thủ vào trong bọc, một cái giỏ toòng teng bên hông, tay cầm thuổng móng, móc sắt, cần câu là đủ để cho lão soi tìm bờ bụi ao chuôm, lang thang ngày này tháng khác, tối đâu là nhà, ngã đâu là giường, chẳng cần hay biết trong làng động trời động đất ra sao. Ðối với lão, ngoài vợ con ra, chỉ còn có ếch. ếch vui buồn sướng khổ với lão. Vì kế sinh nhai mà phải đi bắt ếch. Nhưng bao giờ lão cũng lấy việc nâng niu gìn giữ làm chính. Không bao giờ bắt những con ếch nhỏ bé. Và khi, bất cứ ở đâu, trông thấy một con ếch chết thì dù bận đến mấy lão cũng đào hố, mồ mả cho nó chu đáo. Ngày nào lão cũng làm thịt ếch. Trước khi chặt đầu, lột da, bao giờ lão cũng hát:
Bắt sâu bắt bọ
ở hang ở mà
Vẫn bị đem ra
Phán quan xét hỏi
Rằng mi nhiều tội
Nên phải chặt đầu
Sang đến kiếp sau
Ðừng làm thân ếch!
Lão hát như khóc. Giọng đều đều, buồn buồn như khóc thương cho chính mình. Lời hát làm nhịp cho những thao tác của lão. Hát xong một lượt là lão cũng chặt đầu, lột da, moi ruột... một con ếch vừa xong.
Dân làng Ðà cho là lão nghiện thịt ếch. Chỉ ngoa truyền! Cái món thịt thơm ngon, thanh mà đượm ấy, chưa ăn thì thôi, ăn vào nhớ mãi, ăn mãi không chán, nhưng không phản ứng cơ thể để tạo thành thói quen thì làm sao mà nghiện? Chỉ có những kẻ không được ăn, không biết ăn thì ghen tức mới tuyên truyền là lão nghiện. Lão tiếc cho ai một đời không được ăn thịt ếch. Có được con ếch mà đem chặt nhỏ rồi xào nấu là không biết làm, không biết ăn. Ðến như băm viên làm chả mà thiếu gia vị, rán chưa chín hay quá lửa khô xác thì thôi đi cho khỏi xấu hổ thịt ếch. Xào mướp cũng vậy, phải chọn quả mướp bao tử, không bị ong châm, ruột còn đặc chắc. Xào vừa chín tới, ăn nóng, vừa ăn vừa thổi, xuýt xoa trong hương vị ngọt ngào nồng thơm của ếch, của mướp và của gia vị. Thói đời chuộng lạ, chuộng sự cầu kỳ, tưởng như thế là sang, là ngon, có biết đâu đã làm mất đi hương vị ngọt thơm rất đặc biệt của ếch. Ví như ếch tẩm bột và ếch tần. Công phu, cầu kỳ, đắt tiền, xài sang thật, nhưng còn đâu hương vị thanh sạch, đậm đà thịt ếch nữa? Ðối với lão, không gì ngon bằng ếch nướng. Con ếch vừa bắt được, lấy bùn đắp vào, chất rơm chất rạ mà đốt. Bao giờ đất khô, có mầu trắng là được. Khi bóc đất, từng miếng da cũng tuột theo, để lộ thịt ếch trắng tinh. Một mùi hương thơm ngào ngạt bay lên. Rút be rượu thủ trong bọc ra... Sự đời quên hết, chỉ còn ta với ếch với rượu! Thường khi tháng năm, tháng mười vừa cắt lúa xong, gốc rạ còn nồng nàn hương lúa, cánh đồng nhiều ếch, sẵn rạ thì mới nướng ếch. Thịt ếch nướng phải nhắm rượu ở giữa cánh đồng mới thật là lên tiên. Ngồi giữa cánh đồng sau mùa gặt hái, tu một hớp rượu với thịt ếch nướng, có cảm giác như ngửa cổ tu vào người cả đồng quê và thân xác ta cũng ngào ngạt hương quê. Tỏm vào trong miệng miếng thịt ếch nướng, chiêu một hớp rượu, để cho hương vị ngọt ngào nồng thơm chạy ran khắp cơ thể rồi ngửa cổ, khà một tiếng, như lại quả cho đời hương vị ngất ngây mà đồng quê đã trao tặng cho ta. Lúc ấy, đầu lão ngất ngơ, đôi chân loạng choạng, tay bẻ tay ếch giang ra, trong lòng lâng lâng thanh thản, tưởng chừng như chỉ cần giơ tay cao hơn chút nữa là có thể bay lên trên trời uống rượu với các tiên ông. ếch nướng thật ngon, nhưng có lẽ đậm đà hương sắc đồng quê thì phải là món da ếch. Những người không sành, thường vứt da ếch đi. Có biết đâu là đã vứt đi phần đặc sắc nhất của con ếch và cũng là phần ngon nhất của đời. Da ếch nhầu muối, rửa sạch, nướng lên, lại rửa và thái ra thành miếng. ếch xào chín tới, bắc xuống, cho da vào đảo, tự nhiên sẽ thấy một mùi hương thơm thanh sạch, quyến rũ đến nao lòng. ếch xào vừa bắc xuống , còn nóng nguyên là phải cho da vào đảo ngay, nếu để nguội không đủ độ nóng, da ếch sẽ dai và kém hương thơm. Nhưng nếu đảo ngay trên bếp, miếng da quá nước, quá lửa, vừa nhạt vừa nồng, còn gì là da ếch nữa! Ðảo qua cho vừa mắm muối, hương vị, rồi gắp riêng ra đĩa. Ðĩa da ếch là một phần của đồng quê kết tụ lại. Những miếng da ếch phồng lên, cong queo, vừa trong vừa trắng, lấm tấm như hoa cà hoa cải, nhìn kỹ hình như có cả bờ tre ruộng lúa, bãi mía, nương dâu lặn vào trong đó. Hớp một ngụm rượu nồng say, nhai một miếng da ếch, sẽ thấy giòn ngon, thơm nức đồng quê. Có mía ngọt khoai bùi, có hoa thơm cỏ mật. Vị đậm, hương nồng, tưởng như trên đời không còn có món ăn nào ngon mà thanh hơn thế.
Nhưng bây giờ còn đâu?
Những ngày vui, lão đeo giỏ ra đi, cái đầu ngấc ngấc, cái chân liêu xiêu, be rượu thủ trong bọc, lòng đầy kiêu hãnh như một viên dũng tướng chỉ còn những kỷ niệm.
Bây giờ... Lão đã đi bốn ngày rồi, lùng sục hang cùng ngõ hẻm, chui rúc bờ bụi, chịu đói chịu rét mà không bắt được con ếch nào. Họ hàng nhà ếch đã bị tuyệt chủng rồi chăng? Ðời đã mất đi món ăn mang hương vị đồng quê, những món ăn đã trở thành nét đẹp văn hóa rồi hay sao? Lão đi gọi hồn ếch. Lão sẽ vẫn còn đi...
Lão đi lang thang, vật vờ cuối bãi đầu soi không phải vì lão không có nhà cửa, con cháu. Lão có ngôi nhà cổ năm gian to đẹp giữa một khu vườn cây cối sum xuê. Con cháu lão ăn nên làm ra, nhà tầng nhà hộp ở thành phố, đứa nào cũng muốn rước lão về nhà mình phụng dưỡng. Lão cũng đã lên phố, được chăm sóc chu đáo, sống những ngày nhàn, cơm bưng tận mặt, nước mời tận tay. Lão biết con cháu thật lòng phụng dưỡng, không như con cháu người ta quan to chức trọng, giàu có cao sang mà sợ bạn bè chê cười bố mẹ quê mùa cổ lỗ. Nhưng ở phố lão cảm thấy ngày dài lê thê, đi ra đi vào, lên lầu xuống trệt hàng bao nhiêu lần mà vẫn không tối. Cao lương mỹ vị, món nọ món kia mà không ăn được, không muốn ăn. Mãi sau mới hiểu ra rằng, lão đã là người của đồng quê thôn dã, bây giờ xa nó, nhớ ruộng nhớ vườn, thèm một tiếng chim kêu buổi sớm, thiếu những tiếng gà tao tác lúc chiều hôm, khát khao một vầng trăng lạnh buốt sương đêm, một làn khói lam chiều bảng lảng. Ðôi bàn tay chơi không, nhớ dao nhớ dựa, nhớ cái thuổng móng, nhớ chiếc cần câu nên buồn bã, lóng ngóng không biết để vào đâu. Tiếng ếch gọi sấm tháng ba, cánh diều chiều thu bay bổng, cây đa đầu làng, bến sông cuối xóm... tất cả đã nhập vào lão, thành hơi thở, thành máu thịt lão rồi, nên lão phải về với chính bản thân mình. Lão đi tìm ếch, lão gọi hồn ếch cũng chính là gọi hồn lão về với thân xác lão. Hơn 70 tuổi, nhưng lão còn khỏe chân khỏe tay chưa phải nương nhờ vào con vào cháu. Mảnh vườn, bờ tre, chiếc thuổng... thênh thang ngày tháng, câu hát nghêu ngao, bạn bè với be với ếch... như thế không phải là cảnh tiên, người tiên hay sao? Lọ là gấm vóc mới ra con người? Lão có cuộc sống riêng của lão. Ra khỏi cuộc sống đó, còn đâu là lão Thoán nữa!
Chiều nay, bầu trời ụp thụp, núi đùn ra một trời mây. Lão Thoán cảm thấy khắp người đau mỏi, sống lưng như bị dần. Cơn đau nhắc lão là đã sang tháng ba, tiết trời thay đổi. Lão thở dài ngao ngán. Buồn! Chưa bao giờ lão thấy trống trải, cô đơn như bây giờ. Cảm giác hẫng hụt, thiếu vắng một cái gì đó. Ðang lang thang, bỗng nhiên lão đứng lặng giữa đường đi, đôi mắt chớp chớp, bàn tay đưa lên rứt chỏm tóc. Chợt lóe lên điều gì đó, lão vội đâm bổ về nhà. Không biết vì đường xa sức yếu hay vì khí trời oi bức mà lão mệt mỏi rã rời, về đến nhà là nằm lăn ra giường. Ðịnh bụng nằm lấy sức một lát rồi sẽ ra vườn. Nhưng rồi thiếp đi, ngủ một giấc quên trời quên đất.
Ðang ngủ, bỗng giật mình choàng thức. Trời đang sấm chớp mưa rào. Ngoài vườn òa vỡ ra hàng trăm tiếng ếch kêu. Ðã lâu lắm, bây giờ mới được nghe bản nhạc đồng quê rộn rã thân quen. Lão Thoán vội nhỏm dậy, dụi mắt, lắng tai... Rõ ràng không phải mơ. Thực đó mà cứ như là trong mộng. Lão nhớ ra rồi. Lũ cháu con của đôi ếch mả.
Có lần lão Thoán đi một đám cải táng. Trời chưa sáng rõ, mở nắp quan tài, nghe lõm bõm, biết là có nước nhưng lại tưởng là hòn đất rơi. Ðổ rượu xuống được một lúc thì toàn bộ hài cốt nổi lên. Những xương ống, xương sườn, những đốt tay, đốt chân... Nhưng, ô hay, làm sao thế kia? Lạ lùng chưa! Hộp xương sọ tự chuyển động, xoay xoay, dập dềnh, nhấp nhô trên mặt nước. Y như có quỷ thần ma chi đây. Trong ánh chập chờn đuốc lửa, dưới làn khói hương nồng nặc mịt mờ, chiếc sọ người bơi trong quan tài nước, lúc ẩn lúc hiện , thực thực hư hư khiến mọi người chết lặng. Sửng sốt ngạc nhiên quá đỗi. Không thể nào giải thích được hiện tượng hết sức lạ lùng này. Hẳn là oan trái chi đây nên trời phật bắt tội. Hay là ma đói ma khát, quỷ quái, yêu tinh đến quấy nhiễu? Vội vàng khấn vái, kêu cầu trời phật độ trì cho tai qua nạn khỏi. Người cứng bóng vía cũng phải ngoảnh đi hoặc nhắm mắt lại. Không dám nhìn. Chỉ có lão Thoán là không sợ, vẫn chăm chú vào hộp sọ đang bơi. Thì đã bảo lão là Thoán điên mà! Người điên còn biết gì là sợ? Lúc đầu lão cũng sửng sốt ngạc nhiên, nhưng một lúc sau thì lão đã hiểu ra. Vội vàng cúi xuống cầm hộp sọ lên. Trước con mắt kinh hoàng của mọi người, lão lần lượt lôi ra hai con ếch sụ. Mọi người đồng thanh một tiếng "ồ' và cùng thở dài như trút được gánh nặng.
Lão Thoán đem đôi ếch về nuôi ở ao nhà. Một năm, hai năm, rồi ba năm...
Bản đồng ca của hàng trăm con ếch nhắc lão phải đứng dậy đi làm nốt công việc còn dang dở. Mặc dù lão đang đau mỏi khắp người, những tiếng ếch - khúc nhạc đồng quê đã tiếp sức cho lão, thôi thúc lão phải làm một cái gì. Lão Thoán mở cửa nhìn ra, hơi mưa mát rượi ùa vào. Trời đất đang được tắm gội, đang rung lên trong một bản nhạc... ếch!
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com