Đánh giá
Học lớp 3 rồi nhưng M.T., một học sinh tiểu học tại TP.HCM, có rất ít bạn bè vì em không nói tốt tiếng Việt. Trong lớp, em hầu như rất ít nói chuyện với các bạn do có nhiều từ tiếng Việt em không hiểu 'các bạn nói gì'.
Học sinh tiểu học TP.HCM trong một hoạt động ngoại khóa về tiếng Anh - Ảnh: BẢO TRÂN
M.T. không phải là trường hợp cá biệt. Do cha mẹ coi trọng việc cho trẻ nói tiếng Anh mọi lúc mọi nơi và bằng mọi giá chỉ giao tiếp bằng tiếng Anh, nhiều đứa trẻ sinh ra và lớn lên tại TP.HCM vào học trường công nhưng khó hòa nhập vì không thể nói sõi tiếng Việt.
Tôi nghĩ việc cho học sinh tiếp cận tiếng Anh sớm là tốt. Nhưng là người Việt, các em nên nói tốt tiếng Việt bên cạnh việc học tiếng Anh. Điều này sẽ mang lại lợi thế cho học sinh trong hòa nhập vào môi trường học tập. Cô Trần Ngọc Hoàng Uyên (giáo viên Trường tiểu học Võ Trường Toản, quận 10, TP.HCM) |
Chị Nguyễn Thị Nhung, mẹ bé M.T., kể rằng với mong muốn con có thể nói tiếng Anh như người bản xứ, ngay khi M.T. mới 2 tuổi, chị đã tạo một môi trường hoàn toàn bằng tiếng Anh để em bắt đầu làm quen với ngôn ngữ tiếng Anh.
"Tôi chỉ mong con nói tiếng Anh như người bản xứ, không học ngược như tôi nói tiếng Anh theo kiểu tiếng Việt, nên tôi chỉ cho con tiếp xúc với ngôn ngữ tiếng Anh bằng các video, học với giáo viên người bản xứ, ở nhà cha mẹ cũng nói tiếng Anh với con, sau một thời gian khoảng 6 tháng thì con bắt đầu thấm tiếng Anh. Sau đó, tôi cho con học ở môi trường có các bé nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh, từ đó con rất ít nói tiếng Việt", chị Nhung kể.
Cứ như thế, M.T. lớn lên trong môi trường bằng tiếng Anh và chơi với các bạn cũng nói tiếng Anh. Nhưng khi bắt đầu vào lớp 1 ở một trường công, dù theo học lớp tích hợp, M.T. bắt đầu phải đối diện với thực tế là nhiều lúc bé không biết cô giáo nói gì. Đáng nói hơn, em trở nên khó kết bạn.
Chị My, một phụ huynh cũng có con "rành" tiếng Anh hơn tiếng Việt, nói rằng con chị phải mất 5 năm tiểu học để "bồi dưỡng" tiếng Việt sau 6 năm đầu đời chỉ tiếp xúc với tiếng Anh, coi tiếng Anh như ngôn ngữ mẹ đẻ.
"Giờ đây con tôi vẫn suy nghĩ bằng tiếng Anh, đọc sách và xem phim, giải trí cũng bằng tiếng Anh. Con không thích môn tập làm văn, đọc chính tả vẫn sai nhiều, con đặc biệt không thích đọc bằng tiếng Việt. Ngay cả nhiều bài toán bằng tiếng Việt, con đọc cũng không hiểu đề. Đó thực sự là hạn chế của con", chị My tâm sự.
Một giáo viên có gần 30 năm dạy lớp 1 tại TP.HCM cho biết trường cô đang dạy chứng kiến khá nhiều trường hợp học sinh vào lớp 1 nói sõi tiếng Anh hơn tiếng Việt.
"Thực tế các em sẽ mất thời gian rất lâu để hòa nhập với môi trường, để kết bạn, để tham gia các hoạt động học tập ở trường. Vì không rành tiếng Việt, nhiều học sinh không có kết quả tốt khi học tập trên lớp dẫn đến việc các em tự ti, thu mình lại", giáo viên này tâm sự.
TS Dương Minh Thành, trưởng khoa giáo dục tiểu học Trường đại học Sư phạm TP.HCM, cho hay ông cũng biết có hiện tượng những học sinh đi học chỉ rành tiếng Anh không giỏi nói tiếng Việt. Trong trường công, tỉ lệ này rải rác nhưng hiện tượng này phổ biến hơn ở các trường quốc tế.
"Giáo viên từng dạy các học trò này chia sẻ rằng họ đã gặp những khó khăn và thách thức khi dạy tiếng Việt và các môn học khác cho học sinh, cũng như sự hòa nhập của bé vào tập thể lớp và vào cộng đồng.
Chẳng hạn tất cả các môn học (trừ tiếng Anh) thì tài liệu, bài giảng, các hoạt động dạy - học đều bằng tiếng Việt; các hoạt động vui chơi, trao đổi, nói chuyện giữa học sinh với nhau hay giữa giáo viên - học sinh hoặc học sinh với đa số mọi người đều bằng tiếng Việt...
Nói chung là gần như toàn bộ thế giới xung quanh bé dựa trên sự giao tiếp tiếng Việt, nhưng bé chỉ rành giao tiếp bằng tiếng Anh, thì có thể hình dung là bé sẽ gặp vô vàn khó khăn để hòa nhập", ông Thành nêu.
Cũng theo ông Thành, để đưa những học sinh này hòa nhập tốt hơn vào lớp học, trường học, nhà trường, giáo viên cần hỗ trợ dạy tiếng Việt thêm cho học sinh.
Giáo viên có thể chủ động nhờ một số học sinh làm quen, kết bạn và thường xuyên nói chuyện với bé (chọn những học sinh có trách nhiệm, khá tiếng Anh và giải thích rõ nhiệm vụ cho học sinh, tất nhiên là giáo viên theo sát nhóm bạn này).
Về phía gia đình thì giáo viên cần gặp, trao đổi về vấn đề của bé để thống nhất cách phối hợp hỗ trợ. Dù gì thì việc phát triển ngôn ngữ của bé phụ thuộc khá lớn vào việc giao tiếp/giúp đỡ trong phạm vi gia đình.
Tóm lại là để những trẻ như vậy cân bằng, hòa nhập với xã hội thì cần sự tác động và phối hợp cả hai phía gia đình và nhà trường.
Loạn ngôn, chậm nói Một số cha mẹ thì phụ thuộc vào các trường mầm non trong việc dạy ngôn ngữ cho con mình, trong khi các trường mầm non công lập thường có trên 20 trẻ trong một lớp. Các cô giáo phải chăm sóc việc ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh, dạy trẻ cả kiến thức và các kỹ năng; việc dạy ngôn ngữ chỉ chiếm một phần trong thời lượng các buổi học của trẻ ở trường. Do vậy, trong những năm gần đây xảy ra hiện tượng khá phổ biến là nhiều trẻ quá 3 tuổi vẫn bị loạn ngôn hay bị chậm nói. Nhiều trẻ có thể bật ra được các từ tiếng Anh nhưng khi hỏi bằng tiếng Việt và đề nghị nói tiếng Việt thì trẻ nhất định không chịu giao tiếp bằng tiếng Việt dù trẻ vẫn hiểu người lớn đang nói gì. |
Theo tuoitre.vn
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com