chan_dung-ke_si

HƯƠNG CỎ MẬT - Truyện ngắn Đỗ Chu

15-10-2023

Lượt xem 2551

Đánh giá 2 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Đỗ Chu

HƯƠNG CỎ MẬT - Truyện ngắn Đỗ Chu

Nhà văn Đỗ Chu

Chân Dung Kẻ Sĩ: Hương cỏ mật là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên của nhà văn Đỗ Chu được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2001.

Hồi cô tôi là thiếu nữ, lúc đó, tôi còn nhỏ. Cô thường rủ tôi lên bờ đê tìm cỏ mật. Tôi và cô mê mải đi dọc triền đê. Tôi nào có để ý gì đâu, chỉ loay hoay với mấy đám cỏ gà xù xì, gai góc trong khi cô tôi thì tư lự kiếm tìm.

Chợt như có gì bùng cháy trong mắt cô:

- Khảm ơi, Khảm - cô tôi gọi như reo - tìm được rồi, tìm được rồi nè!

- Đâu đâu - tôi nói rồi chạy vụt lại phía cô tôi gọi - mà chẳng biết cái cỏ đó thế nào mà cô cứ tìm mải miết thế không biết.

- Lại đây mau đi

- Chờ cháu

Tôi nói rồi đi như chạy trong khi cô tôi ngồi thụp cả xuống đất, hai tay gỡ gỡ túm cỏ mềm mượt, xanh rì.

- Này nhé! Cỏ mật, Khảm thấy không?

- Cháu thấy nhưng cháu không thấy mùi thơm gì của mật cả.

Cô tôi cười lớn rồi nâng túm cỏ mật lên tay, nâng ngang mũi tôi rồi cười:

- Này nhé! Nhắm mắt lại đi!

Tôi từ từ nhắm mắt.

- Thở thật nhẹ đi, thở nhẹ rồi hít thật nhẹ!

Tôi làm theo lời cô tôi chỉ. Lần thứ nhất.

- Cháu chẳng nghe mùi gì - tôi nhắm mắt tít.

- Thở nhẹ lần nữa đi!

- Cháu cũng chẳng nghe!

Cô tôi không nói nữa, vùng vằng ra chiều giận dỗi. Tôi vội vàng mở mắt, trong lúc vội vàng đó tôi ngửi thấy mùi hương rất ngọt, thoảng qua nhưng không sai được. Tôi hét toáng lên:

- Có một mùi thơm rất lạ!

- Nó thế nào?

Cô tôi thảng thốt ghé sát vào tôi khi tôi đang từ từ khép mí mắt. Tôi biết cô tôi chờ đợi một điều khẳng định rằng, tôi đã ngửi thấy được mùi hương cỏ mật nhưng tôi lại đang cố để nghĩ ra một sự so sánh nào đó để làm cô tôi thỏa mãn:

- Nó rất lạ!

- Đúng rồi - cô tôi nói như reo!

- Rất khó nắm bắt!

- Đúng rồi - cô tôi lại reo lên lần nữa - hay quá, Khảm nói đi, cho cô nghe cảm giác của Khảm khi ngửi hương cỏ mật!

- Cháu nghĩ nó như dâng lên từ trong lòng đất, nhưng rồi lại cũng nghĩ nó lắng xuống từ trên trời, một vị ngọt như có thể uống được!

Tôi nói rồi nằm ngửa ra đất, gối tay nhìn lên bầu trời. Cô tôi cũng vậy, hai cô cháu lặng im nằm bên nhau cho đến khi ánh mặt trời tắt hẳn. Cô đem búi cỏ mật về, ép vào những trang sổ tay mà cô cất giữ.

Hương cỏ mật
Hương cỏ mật như dâng lên từ trong lòng đất, như lắng xuống từ trên trời, một vị ngọt như có thể uống được! Ảnh Intrernet

***

Chiến tranh ác liệt nổ ra. Cô tôi xung phong đi bộ đội. Ngay lập tức cô phải vượt Trường Sơn sang Lào rồi lộn về đánh nhau ở Khe Sanh. Những bức thư cô tôi viết về ướp đầy hương cỏ mật. Bà nội tôi cầm bức thư - đã đi qua hàng trăm nơi, qua tay bao nhiêu người mới về đến đúng địa chỉ nhà tôi - khóc ngất:

- Không biết nó sống chết ra răng, chiến trường bom đạn, đã nói ở nhà lấy chồng cho tôi nhờ, cứ khăng khăng đòi ra trận.

- Thôi đi nội - tôi đón bức thư từ nội - nội đưa con đọc cho.

- Ừ, đọc đi con, đọc đi coi hắn đang ở chỗ mô con, không biết có khỏe không để mà lo chiến đấu!

- Dạ.

Tôi đón bức thư cô tôi gửi, một mùi hương cỏ mật thơm thoảng qua trong tôi. Cô tôi viết thư, chữ con gái nắn nót và có phần điệu đà:

“Gửi mẹ và Khảm!

Con đang ở Khe Sanh mẹ ạ, sau khi vượt Trường Sơn sang Lào, chúng con lại ngược về Khe Sanh. Ở rừng vất vả lắm nhưng rất vui mẹ ạ. Các anh chị ở đây luôn yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Ngày đêm ngày, chiến tranh cứ thế dai dẳng không dứt. Con làm cứu thương, chăm sóc thương binh ở đoạn rừng này. Các anh bị thương nhiều lắm. Nhiều đêm nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ Khảm, con lại viết thư nhưng không biết những bức thư con gửi có đến được tay mẹ hay không. Nếu nó đến được tay mẹ thì hãy tin rằng, con bình yên mẹ nhé. Mùi hương cỏ mật của quê nhà luôn bên con, nghe ngọt như mùi trầu của mẹ và mùi mồ hôi của Khảm.

Khảm cố gắng học tốt cháu nhé. Lớn lên cháu sẽ là nhà văn. Cháu sẽ được đi học và không phải ra trận như cô bây giờ nữa”.

Hương cỏ mật
Cô tôi đi bộ đội, để lại nơi quê nhà nỗi ngóng trông của nội. Ảnh Internet

Tôi gấp bức thư lại rồi bỏ vào trong chiếc hộp sắt gọn gàng. Hộp thư chứa đầy những bức thư của cô tôi. Trong mỗi bức thư gửi về nhà, cô toàn kể chuyện chiến trường, chuyện bom đạn gầm rú... nhưng từ lá thư của cô lại tỏa ra thứ hương thơm của sự bình yên, của cuộc sống vĩnh cửu, của đất đai mùa màng và cả của sự hứa hẹn trở về... Điều đó khiến tôi tin là cô tôi không bao giờ hy sinh cả.

***

Một buổi chiều bình yên. Hôm đó, nắng quái ráng đỏ cả bờ đê và đám cỏ may cháy vàng. Tôi thả trâu ven đê và nằm dài riu riu mắt, gối đầu lên đám cỏ mật vừa tìm được. Chợt tôi nghe tiếng gọi đò thất thanh từ bên kia sông:

- Đò ơi! Đò ơi! Đò ơi!

Tôi vùng dậy bàng hoàng. Như không tin vào mắt mình nữa, bên kia sông là hai người bộ đội đang vẫy gọi đò. Một nam và một nữ. Người đàn ông đi nạng tập tễnh bước ra ngoài mép nước. Con thuyền chòng chành sang sông.

Tôi đứng trân trân mất một lúc. Búi cỏ mật trên tay trở nên vụng về. Rồi như có ai xúi, tôi chạy ngay xuống bến:

- Cô Thao.

- Khảm, Khảm ơi!

Tiếng kêu vọng lại của cô làm tôi chùng lòng. Nội tôi ốm lâu rồi, nằm mê man cứ ngóng tin cô hằng ngày. Những bức thư của tôi gói đầy cỏ mật bặt tin không trở lại. Sợ nội buồn, ngày nào tôi cũng lấy lá thư cũ, đọc đi rồi đọc lại cho nội. Giờ thì thôi không cần nữa, cô tôi đã thật sự trở về. Không phải tưởng tượng đâu xa xôi, rõ ràng hương cỏ mật đang tan nhanh trong không khí rất ngọt. Hình như nó lửng lơ từ trên tóc cô tôi tỏa ra vậy.

Đỗ Chu

Cùng tác giả:

MỘT LOÀI CHIM TRÊN SÓNG

Bài liên quan
  • KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ký sự Cao Lạng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được ghi nhận là một trong những tác phẩm dài hơi đầu tiên của nền văn học kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp, đại diện xuất sắc cho thể loại ký sự trong văn học sử Việt Nam thời hiện đại. Tác phẩm như một thiên sử thi, ghi lại những diễn biến lần đầu tiên Quân Đội Nhân Dân Việt Nam tiến công quân xâm lược Pháp, do đích thân Hồ Chủ Tịch ra trận chỉ đạo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đảm nhận trọng trách chỉ huy trưởng chiến dịch. Ký Sự Cao Lạng cùng với một số tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh (giải thưởng diễn ra 5 năm một lần) trong lần đầu tiên giải thưởng này được tổ chức năm 1996.
  • MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mùa Gụ là truyện ngắn trong tập Ngày mai sẽ nắng của nhà văn Trần Tâm, Nxb Kim Đồng in năm 2002.
  • ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chuyện của nhà văn gốc Cà Mau, về miền sông nước...
  • CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    Chuyến xe lửa đêm ra Bắc hôm nay có vẻ hấp tấp vội vàng như người đi trốn nợ. Thỉnh thoảng đầu xe lại thét vội giữa quãng đồng không, xa xa. Nghe như hơi thở của đêm vắng.
  • LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Làn gió chảy qua là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016.
  • THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Tháng Bảy là truyện không ngắn như những truyện ngắn khác mà nhà văn Phan Thị Vàng Anh thường viết, nó dài hơn hẳn. Truyện được viết khi tác giả tham dự chương trình viết văn của Đại học Iowa, Mỹ, đăng trên TTCT năm 1996.
  • HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn quê gốc Chợ Gạo Trần Kim Trắc, còn được biết đến với tên gọi Ông Thiềm Thừ, theo tên một truyện ngắn xuất sắc của ông, là một trong những cây đại thụ của văn chương Nam Bộ. Truyện nào của ông, cũng như gieo những cơn mưa Nam Bộ, thấm đẫm từng trải và bạt ngàn vốn sống lên văn đàn.
  • ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn Đảo của dân ngụ cư của nhà văn Đỗ Phước Tiến in trên báo Văn học và Dư luận năm 1992, ngay lập tức đã gây chú ý  tới đông đảo độc giả yêu mến văn chương. Năm 1994, Đảo của dân ngụ cư đã được dịch sang tiếng Pháp với tựa Terre des éphémères và được lấy làm tên cho một tập truyện xuất bản ở Paris. Truyện cũng được dịch sang tiếng Anh với tựa The Way Station trong tuyển tập Night, Again xuất bản tại New York năm 1996. Đến năm 2016, tại Việt Nam, nó được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên do Hồng Ánh đạo diễn.
  • THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH của Nhà văn Cà Mau Nguyễn Trọng Nghĩa in lần đầu trên báo Tuổi trẻ chủ nhật sau đó in trong tuyển tập Truyện ngắn hay Tuổi Trẻ Chủ Nhật, nhà xuất bản Trẻ 2005.
  • ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Nguyễn Đình Tú đến với văn chương từ cuộc thi Tác Phẩm Tuổi Xanh của Báo Tiền Phong năm 1995, với giải thưởng cho truyện ngắn Niềm vui của một dòng họ. Nhưng phải tới khi đạt giải nhì cuộc thi văn chương của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1999, anh mới chính thức rẽ vào làng văn và trở thành một trong những nhà văn thế hệ 197x viết nhiều và đa dạng thể loại thành công nhất hiện nay.