chan_dung-ke_si

HOA VÔNG VANG - Truyện ngắn Hồ Thị Hải Âu    

06-05-2023

Lượt xem 1254

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

HOA VÔNG VANG - Truyện ngắn Hồ Thị Hải Âu    

 Hồ Thị Hải Âu    

    Chiều đã chuyển sang đen nhiều hơn tím. Mặt biển sẫm lại đầy bí hiểm và đe dọa. Bên vách núi dựng đứng, vươn lên bầu trời một đốm đỏ nhưng nhức... chưa chịu tắt trong hoàng hôn. Cô gái chun chun chiếc mũi hếch về phía anh, bướng bỉnh :

    - Em bảo đấy là hoa vông vang...

 * * *

   ... Ðã lâu lắm rồi mà anh vẫn luôn bị ám ảnh bởi chiếc mũi chun chun hơi hếch của em. Em mặc áo màu trắng. Cổ khoét hơi rộng, để lộ cả đường hõm chân ngực. Rất đàn bà, anh bảo: "Em lẳng lắm". Em toét miệng cười. Anh hỏi: "Có thích anh không?" Em gật đầu: "Thích" rồi lại toét miệng cười. Ngày ấy, anh cứ nghĩ: "Cô ả nông choen hoẻn". Anh nào biết, bên khóe mắt em đọng những giọt nước mắt to, tái nhợt nỗi buồn...

    - Ê, anh trai! Dạo bờ biển một mình... quê quá.

    Một dúm dăm sáu em từ các bar ào tới. Hót chũm chọe bên tai anh như yểng. Anh thương lượng: "Các em xinh quá. Ðợi anh chút nghe, đang bận". "Bận gì? Tụi em giúp?". "Anh đang tìm". "Tìm gì?". "Gì hả? Cái cuộc tình cũ rích mà anh đánh mất ấy mà". "Ôi, thằng này bị điên! Mả mẹ mày, đ... có tiền thì nói cho các mẹ mày chờ, lại còn giở giọng văn chương bốc mùi". Anh nhếch mép, cười. Ðấy, em thấy không? Anh đang tìm em giữa ký ức và cuộc đời. Giữa thiêng liêng và trần trụi, bẩn thỉu. Dù biết chẳng để làm gì?

 

   Mà sao hôm ấy em cứ bướng bỉnh cãi bay rằng: "Ðó là hoa vông vang!".

 

* * *

 

   Hoàng hôn thứ nhất

 

   Chúng ta cùng dạo chơi trên bờ biển. Anh hỏi em: "Có ngửi thấy gì từ biển không?" Em bảo: "Có", "Gì". "Mùi tanh", "ừ, tanh thật. Mẹ kiếp toàn là xác chết trương phình dạt lên bờ. Tởm quá!" Không ngờ em phản đối quyết liệt: "Ðừng nói thế. Ðấy là mùi của sự sống đang quẫy đạp trong nước biển". Anh cười: "Văn hoa chảy tồ tồ". Em cong cớn: "Chứ còn gì!". Lúc ấy môi em cong lên, trông đanh đá, mãi đến bây giờ anh mới hiểu em cũng nhân hậu biết bao.

 

   - Cây gì mà hoa đỏ thế nhỉ? - Anh hỏi vu vơ.

 

   - Vông vang!

    - Nhầm rồi. - Anh cười chế giễu.

    - Ðúng là hoa vông vang. Anh phải tin thế! - Em bắt đầu đỏ mặt vì tự ái.

    - Kìa, anh đã phản đối gì lắm đâu... Sao em hiếu chiến thế? - Anh chọc tức.

    - Ðúng - Em nhướng đường chân mày, nói quả quyết. Em hiểu nó hơn anh.

    "Này nhóc, ta không thèm chấp mi đâu nhé!" - Anh độ lượng nghĩ vậy.

    "... Hồi bé, tụi con gái bọn em toàn rủ nhau ra gốc cây vông vang đầu làng để chơi chuyền, chơi chắt. Em chơi giỏi như thần. Tay nhặt thẻ mềm như mưa. Dẻo hơn cả mấy bà cô lên đồng cơ đấy. Chơi dưới gốc chán bọn em hê nhau trèo cây. Hái những chùm hoa đỏ lựng. Mút chùn chụt như con chó bú để tìm chút vị ngọt, nhân nhẩn đắng. Rất hay. Bà em vẫn dạy: "Hoa có mật ngọt là hoa lành...".

    Miệng em nói líu ríu.

    Chả biết từ lúc nào, mắt anh bị hút chặt vào cái miệng em mấp máy. Nó chả đẹp. Hơi dày so với khuôn mặt. Nhưng có một nốt ruồi rất đậm ở môi dưới. Khi em nói, nó ẩn hiện, tinh nghịch. Anh cảm giác mình bị thôi miên. Anh muốn nhặt nó ra để lên lòng bàn tay. Cho nó nhảy tí tách. Anh muốn đặt lên đó một cái hôn. Em biết không lúc đó anh thèm được hôn em một cái.

    Ðến bây giờ vẫn là khát vọng đau đớn trong anh.

 * * *

    Hoàng hôn thứ hai

    - Này, bảo thật, anh bắt đầu quý em rồi đấy!

    - Thật không?

    - Thật.

    - Chắc không?

    - Chắc. Còn em?

    - Quý chứ. Người như anh ai mà chẳng quý. "Lại hớ hênh rồi em gái ơi. Em nhẹ dạ quá đấy. Ðời nó sẽ lừa em vỡ mặt ra". Anh thầm nghĩ. "Ðừng nghĩ em là đứa nông cạn". Em nheo mắt nhìn, cái nhìn có vẻ đo đếm. Giọng như một mụ nạ dòng: "Anh là thằng đa cảm", em nói thế. Anh máy móc hỏi: "Biết xem tướng đấy hả ?" Em cười buồn: "Anh lên gân bỏ mẹ. Cái bề mặt lạnh lùng, tàn nhẫn của anh... trông đểu lắm". Anh muốn giễu em một câu thật ác: "Biết đếch gì mà hót như bà già". Nhưng anh không nói thế, anh bảo: "Cái bộ mặt thỏ non, với giọng nói líu ríu oanh vàng của em chắc là lừa được ối thằng. Quần áo, giày dép, nước hoa... chắc cũng bọn ấy cung phụng cả chứ ?" Em nhổ một bãi nước bọt vèo qua mặt anh, dẩu mỏ: "Tưởng người tử tế hóa ra cũng chỉ toàn ý nghĩ đen tối". Em vùng vằng bỏ đi. Anh giữ lại. Xoay mặt em về phía anh, thấy hai hòn nước mắt tròn, từ khóe mắt em ứa ra: "Ðồ lừa dối". Anh dịu dàng: "Ðừng giận, ai lừa em". "Ðàn ông?". "Tiền à?". "Không! Tình". Anh cười ngất: "Ai lừa ai trong chuyện yêu đương được?". "Lừa tốt ! Ðàn ông rót mật vào tai đàn bà để chỉ làm mỗi một việc là lùa được lưỡi của họ vào miệng đàn bà và đôi tay của họ quờ quạng lung tung" - Em nói chua chát.

    Anh thương em. Thứ tình thương của con diều hâu với chú gà non ngơ ngác. Em thật thà một cách giả dối. Anh như kẻ đứng bên bờ vực chênh vênh. Vừa thích vừa sợ.

    Thích được khám phá. Và sợ vì hiểu biết.

    Trên mặt em chan hòa nước. Mặt anh cũng vậy. "Em khóc à?" Chỉ im lặng. Mưa nữa. "ừ, đúng rồi. Mưa". Anh dìu em, hay là bế em chạy trên bờ cát. Nước làm cho da thịt em mềm lại, đúng là em.

    Nước mưa ở biển mặn mòi như nước mắt.

 * * *

    Hoàng hôn thứ ba

    - Em đang buồn.

    - Sao buồn?

    - Biển cứ lặng sẫm như đang đeo tang ai...

    - Em nói kinh quá!

    Em chỉ cười, ngậm ngùi. Hoàng hôn loang lổ. Ðậm nhạt không đều. Trên mặt em có cả hoàng hôn, chia thành hai phần đậm nhạt. Mắt em buồn như đêm ba mươi tết. Hoang hiu. Lại hơi ma quái. Anh không dám soi vào, chỉ nói vu vơ: "Em thất tình hả?". Em gọn lỏn: "Ðúng". "Nó bỏ em!". "Không, em bỏ nó". "Tại sao?". "Nó đểu lắm... Có nghe không em kể cho mà nghe?".

    ... "Em yêu nó ba năm, trung thành như một con chó cái. Mẹ em trợn mắt : "Mày bước qua xác tao mà đi theo nó". Ba em bảo: "Tao coi như mày đã chết lúc mới đẻ". Còn anh trai thì vác dao đuổi: "Con khốn nạn kia, mày cướp công bố mẹ". Em nói với nó: "Càng hay, chúng mình càng yêu nhau hơn. Ðêm đến, khi mẹ em xoay mặt vào tường, ngủ kỹ, em dậy len lén ra khỏi nhà và chạy đến với nó. Hai tay em nâng đầu nó đặt lên đùi mình và bắt đầu ru - ngớ ngẩn và u mê như một kẻ hát xẩm mà bụng đói rỗng:

    "Ru anh ngủ những đêm khuya..., ru anh ngủ tháng âm u...".

    ... Cho đến khi nó ngủ mềm, em lặng ngắt quay về, nằm vào chỗ cũ...

    Tiếng biển oàm oạp vỗ vào bờ. Ðôi ba cánh buồm nhỏ nhoi, khắc khoải xa xa. Em nói:

    - ồ kìa, vông vang đỏ cháy như sắp gục xuống mà chết. Ðỏ quên mình. Nhiều khi em nghĩ. Thế là ngu xuẩn.

    Mắt em nhìn đâu đâu. Anh bồn chồn.

    - Rồi sao nữa?

    - Chẳng sao cả, chúng em vẫn yêu nhau như lửa. Nó bị ốm, em lấy cắp cả hộp nhân sâm quý giá của mẹ em đưa cho nó dùng. Sau đó, ba em ốm. Mẹ em tìm mãi không thấy, cụ nói run run: "Tôi già lẫn mất rồi, hộp sâm biến mất đâu mà không biết". Em cúi gằm mặt trong bát cơm ăn dở. Nước mắt chan chứa... Với mọi người, em là đứa mất dạy, hư đốn, xấu xa. Nhưng em là đức mẹ đồng trinh thống khổ và nhẫn nhục của nó... Nó bảo em: "Hãy chiều anh...". "Vâng!". Em vui vẻ chứ không khóc lóc, vật vã. Mà thật là như thế. Không phải vì em thích. Cũng không phải là em trơ trẽn, chai lì... Em thấy tất cả đều thiêng liêng. Em tin nó, hạnh phúc khi thấy nó hài lòng... Em tắc nghẹn trong câu nói dang dở. Thoắt nhìn em, thấy gương mặt lênh láng nước. Người đàn bà u tối, mong manh ngồi còm cõi bên bãi biển. Ðá thì cứ sừng sững. Mặc sóng. Mặc gió. Mặc thời gian.

    ... Một lần, nó cởi cúc áo của em. Rồi nó nheo nheo mắt. Cười nửa miệng. Nó ngả người ra sau duỗi thẳng tấm thân trần. Nó bảo: "Ðàn bà như em... dễ chơi nhỉ". Em trừng mắt, vớ đại bình pha lê trên bàn, ném vào tường. Vỡ tan. Em nhảy vọt xuống đất, rồi đi. Không thèm ngoái lại nhìn mặt nó. Cho đến tận bây giờ...

    - Tại sao anh lại giật mình?

    - Anh không biết?

    Anh giận dữ ôm một hòn đá to, thét lên một tiếng rồi ném nó xuống biển. Ðá va vào đá, kêu lục cục như tiếng nấc nghẹn. Em cười "Ðiên à ?". Anh nhếch mép bảo em: "Ðiên...". Rồi hất hàm: "Ngu ! Cho nó lừa, là phải". Em từ từ khép mắt lại. Trong anh sôi lên thứ tình cảm dữ dằn. Yêu thương. Căm ghét. Kính phục. Khinh bỉ. Anh muốn ôm ghì em mà hôn tới tấp. Anh muốn là người nâng niu nỗi đau của em, lại thèm muốn được tát vào mặt em mấy cái. Còn em, tai họa khốn nạn nằm trong đứa con gái ngây thơ, trong sáng, và người đàn bà đạo đức, lẫn vô đạo đức...

    Anh cười hiền: "Thôi, chuyện cũ ấy mà... Em quên đi mà sống... hy vọng vào ngày mai". Anh nhẹ nhàng vuốt tóc em. Anh nói đùa: "Tóc em cũng lả lơi ra phết". Em không cười. Mắt nhìn nhoi nhói như xát muối.

    Ðến lúc ấy thì màu hoa đỏ đến nhức nhối cũng đã tắt vào đêm.

     Trăng đang ngoi lên từ lòng biển.

 * * *

    Hoàng hôn cuối cùng

    - Anh nghĩ gì thế?

    - Nghĩ đến cái vô hạn và hữu hạn.

    - !!!

    - Sự sống là vô hạn, còn chúng ta là hữu hạn. Cái của ngày hôm nay, mai đã mất rồi. Vô lý quá!

    - Anh hay triết nhỉ?

    Không, em không biết đâu! Thói ghen tuông khủng khiếp. Ðầy đoạ kiếp người. Anh gọi: "Ngần này, mắt em dài có đuôi". "Ô thế á ! Thì sao ?". "Ðàn bà mắt ấy, khổ một đời. Lại đĩ nữa". Em cười phá lên, anh cũng cười. Chợt gặp ánh sáng dằn dỗi và tức giận trong cái nheo cười của em.

    - Thôi nhé, anh hỏi thật... Em có yêu anh không?

    Em lặng phắc. Biển rì rầm. Rừng xao xác. Anh thấy sợ khi đôi bờ vai em cứ đẩy lên tận cùng theo nhịp thở. Anh gặng hỏi: "Sao em ?". Em ngước nhìn anh, khẽ khàng: "Có..." Nhưng anh không làm gì cả. Không hôn em. Không âu yếm. Hình như em chờ đợi. Còn anh không vượt qua được chính mình. Anh vuốt nhẹ tóc em, nói :

    - Anh đùa thôi, một vợ hai con rồi.

    Anh nghĩ là em sẽ khóc, vì đôi mắt em bao giờ cũng như chực khóc. Vì anh nghĩ, em nông nổi. Nhưng mắt em chỉ to thêm, sẫm màu biển chiều. Lặng lẽ... cười.

    Cuối cùng, em gửi anh mẩu thư này.

    "Biển Hạ Long...

    Em biết là anh chưa có vợ. Anh là người thợ săn tìm con chim mồi, mãi mãi là thế. Cảm ơn anh về lời nói dối và chúc anh may mắn...

 Em : Ngần"            

    Trên bãi biển. Một cô gái mặc áo trắng. Tóc dài lả lơi. Cô đi lững thũng với hai bàn tay đầy sắc đỏ của loài hoa đốt cháy.

    - Ngần!

    Anh chạy theo níu áo:

    - Anh tìm em mãi.

    - Ô, cái ông này... làm trò gì đấy?

    - Anh đây, Phương đây mà.

    Ðúng là em rồi. Cái mũi chun chun hơi hếch. Chiếc nốt ruồi ở môi dưới hơi dày. Chiếc áo trắng cổ khoét hơi rộng... "Ðúng em rồi" - Anh giữ tay cô gái.

    - A, cái thằng này... Tưởng là điếm hả? Tiên sư thằng đểu!

    Cô gái cong cớn, giọng oanh vàng, anh ngạc nhiên:

    - Kìa, ngày xưa em vẫn cãi anh là hoa vông vang mà?

     Cô gái lu loa:

    - Cút mẹ mày đi, thằng dê đực!

    Nhanh như chớp, "Roạt" một cái, cả bó hoa đỏ ối tới tấp ngang người anh. Dáng cô gái xa dần. Anh nhận thấy, ngày xưa, mỗi khi bước dáng em hơi vươn lên, chứ không chùng thế kia. Anh không dám chắc...

    Những cánh hoa bị dập nhàu, nổi trôi theo sóng dưới chân anh.

 Hà Nội, mùa mưa 1992           

 

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.