chan_dung-ke_si

GIÓ LẠNH ĐẦU MÙA - Truyện ngắn Thạch Lam

25-04-2023

Lượt xem 3699

Đánh giá 5 lượt đánh giá

Chia sẻ

  truyện ngắn hayThạch Lam

GIÓ LẠNH ĐẦU MÙA - Truyện ngắn Thạch Lam

Thạch Lam - tranh của họa sĩ Đinh Cường

Buổi sáng hôm nay, mùa đông đột nhiên đến, không báo trước. Vừa mới ngày hôm qua giời hãy còn nắng ấm và hanh, cái nắng về cuối tháng mười làm nứt nẻ đất ruộng, và làm ròn khô những chiếc lá rơi. Sơn và chị chơi cỏ gà ở ngoài cánh đồng còn thấy nóng bứt, chảy mồ hôi.

Thế mà qua một đêm mưa rào, trời bỗng đổi ra gió bấc, rồi cái lạnh ở đâu đến làm cho người ta tưởng đang ở giữa mùa đông rét mướt. Sơn tung chăn tỉnh dậy, nhưng khôg bước xuống giường ngay như mọi khi, còn ngồi thu tay vào trong bọc, bên cạnh đứa em bévẫn nắm tay ngủ kỹ. Chị Sơn và mẹ Sơn đã trở dậy, đang ngồi quạt hỏa lò để pha nước chè uống. Sơn nhìn thấy mọi người đã mặc áo rét cả rồi.

Nhìn ra ngoài sân, Sơn thấy đất khô trắng, luôn luôn cơn gió vi vu làm bốc lên những màn bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lạo xạo. Trời không u ám, toàn một màu trắng đục. Những cây lan trông chậu, lá rung động và hình như sắc lại vì rét.

Sơn cũng thấy lạnh, vội vơ lấy cái chăn trùm lên đầu rồi cất tiếng gọi chị. Mẹ Sơn nghe thấy, đặt chén nước chè xuống, bảo chị Lan:

- Con vào buồng lấy thúng áo ra mẹ mặc cho em, đi.

Rồi quay lại bảo Sơn:

- Con sang đây mà ngồi cho ấm. Bước khéo để cho em bé ngủ.

Sơn kéo chăn lên đắp cho em, ngồi xếp bằng bên khay nước. Mẹ Sơn rót cho một chén, Sơn cầm lấy chén chè nóng ấp vào mặt, vào má cho ấm, rồi để mặt vào miệng chén cho hơi bốc lên. Bà Sơn thường vẫn bảo làm thế cho tỉnh mắt.

Người vú già xù xù cái áo bông cánh rách, xách siêu nước từ dưới nhà lên, vừa xuýt xoa vừa nói:

- Rét quá! Múc nước cóng cả tay.

Vú giơ tay hơ trên hỏa lò. Mẹ Sơn hỏi:

- Năm nay rét sớm hơn mọi năm vú nhỉ?

Người vú già ra vẻ nhớ lại, đáp:

- Cũng chả bằng cái năm mợ đi cân gạo bên Sông. Gớm, mới rét làm sao! Sáng tôi dậy, bà sai đi chợ, cứ run lên cầm cập.

Sơn cũng nhớ cái rét năm ấy rõ rệt lắm, như mới đây thôi. Buổi sớm hôm ấy, mẹ Sơn cũng ngồi uống nước chè như sáng hôm nay và cũng lấy áo rét ra mặc.

Chị Lan từ trong buồng đi ra, khệ nệ ôm cái thúng quần áo đặt lên đầu phản. Mẹ Sơn đặt cái vỉ buồm lục đống quần áo rét. Sơn nhận ra cũng những cái áo Sơn đã mặc năm ngoái, năm kia: một cái áo vệ sinh màu nâu sẫm với một cái áo dạ khâu chỉ đỏ. Sơn cầm giơ những cái áo lên, thấy mát lạnh cả tay. Từ bộ quần áo thoảng ra hơi mốc của vải gấp lâu trong hòm, làm Sơn nhớ lại những buổi đầu mùa rét từ bao giờ, lâu lắm, ngày Sơn còn nhỏ.

Mẹ Sơn giơ lên một cái áo bông cánh đã cũ nhưng còn lành lặn, nói:

- Đây là áo của cô Duyên đây.

Duyên là đứa em gái bé của Sơn, chết từ năm lên bốn tuổi. Mẹ Sơn nhắc đến làm Sơn nhớ em, cảm động và thương em quá. Vú già là người đã nuôi Duyên từ lúc mới đẻ, với lấy cái áo lật đi lật lại ngắm nghía,tay mân mê các đường chỉ:

- Giá bây giờ em nó có còn cũng chả mặc được.

Mẹ Sơn yên lặng không nói gì. Nhưng đến lúc nói với Sơn lại để mặc áo, Sơn thấy mẹhơi rơm rớm nước mắt.

Sơn đã mặc xong áo ấm áp: cả cái áo dạ chỉ đỏ lẫn áo vệ sinh, ngoài lại mặc phủ cái áo vải thâm dài. Sơn đứng trên giường trước mặt mẹ, đã quay đi quay lại ba, bốn lần để mẹ Sơn ngắm áo. Sau cùng, mẹ Sơn vuốt các tà áo cho phẳng phiu, rồi đẩy Sơn ra, bảo:

- Thôi, con đi chơi.

Sơn xúng xính rủ chị ra chợ chơi. Nhà Sơn ở quay lưng vào chợ, cạnh một dãy nhà lá của những người nghèo khổ mà Sơn quen biết cả vì họ vẫn vào vay mượn ở nhà Sơn. Sơn biết lũ trẻ con các gia đình ấy chắc bây giờ đương đợi mình ở cuối chợ để đánh khăng, đánh đáo.

Không phải ngày phiên, nên chợ vắng không. Mấy cái quán chơ vơ lộng gió, rác bẩn rải rác lẫn với lá rụng của cây đề. Gió thổi mạnh làm Sơn thấy lạnh, và cay mắt. Nhưng chân trời trong hơn mọi hôm, những làng ở xa Sơn thấy rõ như ở gần. Mặt đất răn lại, và nức nẻ những đường nho nhỏ, kêu vang lên lanh tanh dưới nhịp guốc của hai chị em.

Đến cuối chợ đã thấy lũ trẻ đang quây quần chơi nghịch. Chúng nó thấy chị em Sơn đến đều lộ vẻ vui mừng, nhưng chúng vẫn đứng xa, không dám vồ vập. chúng như biết cái phận nghèo hèn của chúng vậy, tuy Sơn và chị vẫn thân mật chơi đùa với, chứ không kiêu kỳ và khinh khỉnh như các em họ của Sơn.

Thằng Cúc, con Xuân, con Tý, con Túc sán gần giương đôi mắt ngắm bộ quần áo mới của Sơn. Sơn nhận thấy chúng ăn mặc không khác ngày thường, vẫn những bộ quần áo nâu bạc đã rách vá nhiều chỗ. Nhưng hôm nay, môi chúng nó tím lại, và qua những chỗ áo rách, da thịt thâm đi. Mỗi cơn gió đến, chúng lại run lên, hàm răng đập vào nhau.

Thằng Xuân đến mó vào chiếc áo của Sơn, nó chưa thấy cái áo như thế bao giờ. Sơn lật vạt áo thâm, chìa áo vệ sinh và áo dạ cho cả bọn xem. Một đứa tắc lưỡi, nói:

- Cái áo này mặc thì nóng lắm. Chắc mua phải đến một đồng bạc chứ không ít, chúng mày nhỉ.

Đứa khác nói:

- Ngày trước thầy tao cũng có một cái áo như thế, về sau bán cho ông lý mất.

Con Túc ngây ngô giương đôi mắt lên hỏi Sơn:

- Cái này cậu mua tận Hà Nội phải không?

Sơn ưỡn ngực đáp:

- Ở Hà Nội, chứ ở đây làm gì có. Mẹ tôi còn hẹn mua cho tôi một cái áo len nhiều tiền hơn nữa kia.

Chị Lan bỗng giơ tay vẫy một con bé, từ nãy vẫn đứng dựa vào cột quán, gọi:

- Sao không lại đây, Hiên? Lại đây chơi với tôi.

Hiên là đứa con gái bên hàng xóm, bạn với Lan và Duyên. Sơn thấy chị gọi nó không lại, bước gần đến trông thấy con bé co ro đứng bên cột quán, chỉ mặc có manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay. Chị Lan cũng đến hỏi:

- Sao áo của mày rách thế Hiên, áo lành đâu không mặc? Con bé bịu xịu nói:

- Hết áo rồi, chỉ còn cái này.

- Sao không bảo u mày may cho?

Sơn bây giờ mới chợt nhớ ra là mẹ cái Hiên rất nghèo, chỉ có nghề đi mò cua bắt ốc thì còn lấy đâu ra tiền mà sắm áo cho con nữa. Sơn thấy động lòng thương, cũng như ban sáng Sơn đã nhớ thương đến em Duyên ngày trước vẫn cùng nói với Hiên đùa nghịch ở vườn nhà. Một ý nghĩ tốt bỗng thoáng qua trong trí, Sơn lại gần chị thì thầm:

- Hay là chúng ta đem cho nó cái áo bông cũ, chị ạ.

- Ừ, phải đấy. Để chị về lấy.

Với lòng ngây thơ của tuổi trẻ, chị Lan hăm hở chạy về nhà lấy áo. Sơn đứng lặng yên đợi, trong lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui.

Nhưng cái vui của Sơn không được bao lâu. Bữa cơm về tới nhà, Sơn không thấy mẹ đâu cả, hỏi vú già:

- Mợ tôi đi đâu hở vú?

- Chị Lan và cậu cứ ăn cơm trước đi. Mợ còn đi ăn giỗ đến trưa mới về.

Rồi vú già nhìn rõ vào mặt Sơn, hỏi:

- Có phải cậu đem cho con Hiên cái áo bông cũ phải không?

Sơn ngạc nhiên đáp:

- Phải. Nhưng sao vú biết?

- Con Sinh nó nói với tôi đấy-Sinh là đứa em họ của Sơn, vẫn hay nói hỗn với vú già, nên vú ấy ghét-Nó lại còn bảo hễ mợ về nó sẽ sang mách với mợ cho cậu phải đòn.

Sơn lo quá, sắp ăn, bỏ đũa đứng dậy, van:

- Thế bây giờ làm thế nào, hở vú? Mợ tôi biết thì chết.

- Ai bảo cậu dại dột đem cho áo nó? Bây giờ cậu sang bảo cái Hiên trả lại thì không việc gì.

Sơn vội vàng ra chợ tìm cái Hiên nhưng không thấy con bé ở đó. Đến nhà cũng không thấy ai, mẹ nó cũng không có nhà. Hai chị em lo sợ, đi ra cánh đồng tìm cũng không gặp. Gần đến buổi chiều, Sơn và chị chưa đòi được áo. Lan trách em:

- Sao em lại nghĩ đem cho nó cái áo ấy, có phải bây giờ me mắng chết không.

- Ai bảo chị về lấy? Nếu chị không về lấy thì em biết đâu.

Chị Lan đấu dịu:

- Thôi, bây giờ phải về nhà vậy chứ biết làm thế nào.

- Nhưng mà em sợ lắm.

Chị Lan thở dài, nắm chặt lấy tay em, an ủi:

- Đằng nào cũng phải về cơ mà. May r a có lẽ me không mắng đâu.

Hai chị em lo lắng dắt nhau lẻn về nhà. Đến cửa, Sơn nghe thấy tiếng mẹ nói ở trong với tiếng một người đàn bà khác nữa, nghe quen quen. Lan dắt tay Sơn khép nép bước vào, hai chị em ngạc nhiên đứng sững ra khi thấy mẹ con Hiên đang ngồi ở cái ghế con trên đất trước mặt mẹ, tay cầm cái áo bông cũ.

Thấy hai con về, mẹ Sơn ngửng lên nhìn rồi nghiêm nghị bảo:

- Kìa, hai cô cậu đã về kia. Thế áo bông của tôi đâu mà tự tiện đem cho đấy?

Sơn sợ hãi, cúi đầu lặng im, nép vào sau lưng chị. Bác Hiên vừa cười vừa nói:

- Tôi về thấy cháu nó mặc cái áo bông tôi hỏi ngay. Nó bảo của cậu Sơn cho nó. Tôi biết cậu ở đây đùa, nên tôi phải vội vàng đem lại đây trả mợ. Thôi, bây giờ, xin phép mợ tôi về.

Mẹ Sơn hỏi:

- Con Hiên không có cái áo à?

- Bẩm nhà cháu độ này khổ lắm, Chẳng để dành được đồng nào may áo cho con cả. Thành thử vẫn cái áo từ năm ngoái nó mặc mãi.

Mẹ Sơn với cái âu đồng, lấy tiền đưa cho bác Hiên:

- Đây, tôi cho mượn năm hào cầm về mà may áo cho con.

Khi bác Hiên bước ra khỏi cửa, mẹ Sơn vẫy hai con lại gần, rồi âu yếm ôm vào lòng mà bảo :

- Hai con tôi quý quá, dám tự do lấy áo đem cho người ta không sợ mẹ mắng ư?

 

Cùng tác giả: HAI ĐỨA TRẺ -Truyện ngắn Thạc Lam

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.