chan_dung-ke_si

GIẤC NGỦ NƠI TRẦN THẾ - Truyện ngắn Nguyễn Thị Ấm

25-10-2023

Lượt xem 1558

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Nguyễn Thị Ấm

GIẤC NGỦ NƠI TRẦN THẾ - Truyện ngắn Nguyễn Thị Ấm

Một buổi sáng mùa đông nắng ấm, có một con chim nhỏ lao vút vào trời xanh. Nó vừa đập cánh vừa kêu những tiếng thất thanh. Con người bất giác nhìn theo thảng thốt. Không hiểu sao có chuyện lạ như vậy. Bóng chim đã tan trong trời xanh, nhưng tiếng kêu còn vọng lại ai oán.

Ở những phố vắng, cạnh những bến tàu bến xe thường là nơi tụ hội của những kẻ lang thang. Những người này, họ kiếm sống vừa lương thiện vừa bất lương. Nghề lương thiện như đi bốc vác thuê, gánh nước, đạp xích lô. Còn bất lương thì khỏi phải kể. Những người này họ thường mê cờ bạc. Đàn ông thì ba cây, tổ tôm, xóc đĩa... Đàn bà đánh tam cúc. Giấc mơ của những canh bạc thường lớn hơn giấc mơ nơi cuộc đời. Vâng !.... Họ mê cũng phải. Con người ở môi trường nào cũng vậy. Chúa sinh ra con người, loại nào cũng phải có tình yêu. Lẫn trong những kẻ lang thang có những bé thơ nhem nhuốc, chập chững chạy theo họ. Một buổi chiều, tại một phố vắng, gần bến ôtô.

Ba người đàn bà đứng tuổi ăn mặc lem nhem đương chúi đầu vào một cỗ tam cúc.

- Tao kết tốt đen - Bà béo nhất vừa cười vừa đặt đôi tốt đen xuống đống bài.

- Đen quá - Một bà gầy lên tiếng.

- Tại mày ăn non... không chặn kết - Bà còn lại mặt rỗ làu nhàu nói. Hai bà gầy cáu kỉnh móc tiền trong cạp quần ra trả. Ván tam cúc lại tiếp tục. Cạnh đó, một đứa trẻ cởi truồng mặc một cái áo xỉn màu, khoảng một tuổi đương ngủ. Tiếng cãi nhau của những con bạc khát nước làm cho nó khóc thét lên. Nó cũng chẳng phải vừa.

Giữa hai cặp giò đen đủi là một con chim nhỏ bằng quả táo. Con chim nhỏ cũng giận dữ, nó tức giận phun nước hình cầu vồng. Tiếng khóc của nó làm ba con bạc khó chịu. Bà béo nói :

- Này, mày dỗ con đi. Đau đầu chết khiếp.

- Kệ nó - Bà mặt rỗ lên tiếng.

Thằng bé không được đoái hoài, nó khóc càng to hơn. Ván tam cúc bị gián đoạn. Bà mặt rỗ cáu kỉnh nhìn nó, nhưng thằng bé đâu biết. Nó khóc tím tái cả người. Tiếng khóc nghe như tiếng của xe cấp cứu. Bà mặt rỗ vừa thua bạc. Bà quay lại đưa bàn tay gầy gò đen đủi, nhưng móng tay lại được để dài và sơn màu hoa mười giờ tươi rói, nghiến răng phát vào đít nó một cái. Lần này thằng bé rú lên. Hai bà kia khó chịu nhìn bà rỗ cau có :

- Hay mày gọi cho thuê đi. Để nó kêu thế này, không chơi được đâu.

Bà béo lên tiếng. Bà mặt rỗ quay mặt hét vọng về phía sau :

"Này Thuỷ ơi... Tao cho thuê này..." Vừa nói, bà đưa tay vẫy. Gần đó, có một đám người đương lúi húi nấu ăn trên mấy chiếc nồi méo. Một cô gái khoảng hai mươi tuổi lếch thếch vừa đi vừa xốc quần tiến lại. Đầu cô úp một chiếc mê nón rách. Cô ẵm thằng bé lên. Cô nói :

- Chị còn Xêduxen không ?

- Còn.

Bà mặt rỗ vừa trả lời, vừa móc cạp quần. Ở trong bao tiền thò ra một vỉ thuốc ngủ đang dùng dở. Bà đưa vỉ thuốc cho cô gái. Cô gái bóc lấy một viên thuốc ngủ, rồi trả vỉ thuốc cho bà. Thằng bé vẫn khóc ngằn ngặt. Cô bế thằng bé ra máy nước công cộng gần đấy. Máy nước chỉ còn rỏ tong tỏng như nước giọt gianh. Cô quỳ xuống chụm tay hứng nước. Lâu quá, chẳng ăn thua. Cô đưa tay cậy mồm thằng bé. Viên thuốc màu trắng được tọng vào họng nó. Tay kia cô vớt nước ở dưới vũng vòi máy, đưa vào họng thằng bé. Thằng bé sặc nước, nhưng rồi viên thuốc ngủ cũng trôi vào ruột. Cô bế nó đi.

Bà mặt rỗ từ nãy tới giờ chúi đầu vào ván tam cúc, bây giờ mới ngẩng mặt lên. Tiếng bà vọng theo :

"Này !.... Năm nghìn đấy nhé. Bao giờ nó tỉnh, nhớ mua cho nó đồng cháo". Cô gái không nói gì.

Cô Đi về phía đầu phố...

- Kết mã đen - Bà mặt rỗ vừa nói vừa vỗ đùi đánh đét một cái.

Hai bà kia sững sờ móc tiền ra trả. Thằng bé lúc này đã bị ngấm thuốc. Nó ngủ trên tay cô gái như một chiếc tã rách. Trời tối dần. Một cô gái quê với đứa con như vậy, nó làm động lòng trắc ẩn của con người. Bà mặt rỗ sực nhớ ra điều gì. Bà đứng dậy hét với theo :

- Này khoảng mười hai giờ về nhá. Năm nghìn đấy !....

Giá cả được nhắc lại lần nữa. Cô gái ngoảnh lại gật đầu. Cô bước đi, trời bắt đầu nổi gió. Những cơn gió nắng vàng đã biến mất tự lúc nào. Mây đen kéo đến, mưa nhỏ bắt đầu rơi. Những hạt mưa rơi xuống đường nhựa tung toé. Cô gái bế thằng bé đi trong mưa. Cái mê nón chỉ che cho cô từ phần ngực trở lên. Tất cả người cô, đùi thằng bé bắt đầu bị nước mưa chảy. Bên hè phố có những người trú mưa ái ngại gọi cô vào. Cô không vào. Mọi bi kịch cuộc đời đều cần có mưa. Cô cũng vậy...

Ga Hà Nội. Kim đồng hồ điện tử chỉ sáu giờ kém mười lăm. Giờ khắc của buổi tối bắt đầu. Mỗi ngày của thành phố có hàng vạn người đi qua. Trong hàng vạn người đây, có hàng trăm người chưa được xem bi kịch. Cô gái len lỏi giữa những người dân ngồi chờ tàu. Trời bây giờ đã tạnh mưa. Cô vừa đi vừa khóc. Nước mắt cô chảy chầm chậm... Thỉnh thoảng qua chỗ đông người cô lại đứng lại. Một ông già thấy cảnh như vậy không chịu được, quay mặt đi. Mấy người dáng thành phố trông thấy cô, họ cười. Cô không thèm xin họ. Dân thành phố sống với nền văn minh, họ lạ gì vở của cô. Không khéo, họ còn bóc vở của cô cho những người khác xem. Tuy vậy, với hành trang như vậy, cô hy vọng. Một người đàn ông đứng tuổi ăn mặc quân phục nhà binh, tóc hoa râm, khỏe mạnh, nhìn cô ái ngại. Ông hỏi :

- Sao cô không thay quần áo cho khô đi, ướt thế !.... Bị cảm lạnh chết.

- Vâng. Hai mẹ con cháu năm nay mất mùa. Cháu chẳng có gì để ăn. Mẹ con cháu gắng xin ít tiền để sống.

- Chồng cô đâu?

- Anh ấy hy sinh tại Campuchia.

- Thế còn gia đình cô?

- Gia đình cháu nói làm gì... - Cô khóc.

Người đàn ông ái ngại. Nghĩ một lúc ông nói :

- Tôi cho cô ít tiền đây. Mua cho cháu bộ quần áo mặc. Cho cháu ăn kẻo nó cảm lạnh.

Ông mở cặp da của mình. Lấy ra một xấp tiền nhỏ. Ông tách đôi đưa cô hai chục ngàn. Cô gái chùi nước mắt đưa tay đỡ.

- Cảm ơn ông - Cô gái nói.

Cô đi ra cửa. Người đàn ông châm thuốc hút. Lòng thoáng buồn. Cô gái này trạc tuổi con gái đầu lòng của ông. Sao số phận nó vậy.

Năm phút sau, tại một phòng đợi tàu bên cạnh. Một cụ già, dáng vẻ nhà giàu xứ quê, mở hầu bao cho cô năm nghìn.

Một tiếng sau. Tại cửa đón khách vào ga, mấy anh lính trẻ về phép cho cô năm nghìn nữa.

Hôm nay trời sụt sùi, lúc mưa lúc tạnh. Hai cô gái "bán hoa" ở ga ế khách. Các cô vừa hút thuốc, vừa nói chuyện với nhau bằng giọng ghen tị.

- Mẹ kiếp !... Con nhà quê kiếm bẫm thật.

- Từ tối đến giờ, tao để ý, có lẽ nó kiếm gần một trăm nghìn.

- Từ giờ tới sáng, có lẽ nó phải kiếm được hai trăm nghìn.

Trời lại bắt đầu mưa. Cái giờ khắc lao động quên mình trôi đi nhanh lắm. Chiếc đồng hồ trên nóc nhà ga dạo một khúc nhạc. Ba kim đồng hồ chập một chỉ vào số mười hai. Giờ làm việc đã hết. Cô hốt hoảng rời khỏi nhà ga trở về. Thằng bé bắt đầu tỉnh. Lần này nó quá mệt vì đói và ngấm thuốc ngủ. Nó mở mắt thao láo nhìn cô. Cô định bế nó vào một hàng cháo hoa ban đêm. Nhưng cô lại sợ muộn.

Cho nó ăn xong mới về thì con mụ mặt rỗ kia lại phạt tiền cô. Cô đi về qua những phố vắng tìm đến một mái hiên. Ở đó, còn có bóng hai người trùm áo mưa kín mặt ngủ. Cô khẽ tóm chân họ lay lay. Áo mưa động đậy. Người đàn bà mặt rỗ thò đầu ra.

- Tiền đâu ? .. Sao về muộn thế ?

Cô gái đưa tờ năm nghìn đã cầm sẵn trong tay.

- Cho nó ăn chưa ? - Bà mặt rỗ hỏi tiếp.

- Có... Em cho nó ăn rồi.

Thằng bé đưa mắt nhìn mẹ nó. Mặt nó chẳng buồn chẳng vui. Cạnh mụ đàn bà là một gã đàn ông. Vẻ mặt của dân dao búa. Hắn càu nhàu vì bị mất giấc ngủ. Thằng bé được bà mặt rỗ đưa tay đón lấy. Nó được đưa vào nằm giữa hai người. Và ngủ ấm áp trong vòng tay của mẹ, và của gã kia.

Cô gái bước đi. Mảnh áo mưa được trùm kín. Họ lại tiếp tục ngủ.

Thời gian vẫn trôi đi. Một giờ... Hai giờ... Ba giờ... Năm giờ sáng. Trời thành phố sáng dần. Bà mặt rỗ lục đục trong cái áo mưa rồi tỉnh dậy. Bà bế thằng bé. Thằng bé thõng thượt. Nó đã chết. Người nó xám đen. Người mẹ nào mất con mà chẳng đau khổ. Bà rú lên như tiếng chó dại.

Một người... Hai người... Rồi ba người... Những người dân xúm quanh xem cái sự cố đặc biệt. Hai người cảnh sát tò mò tiến lại.

Họ giải tán đám đông và gọi một chiếc xe xích lô đưa bà mẹ và đứa trẻ bất hạnh đến bệnh viện.

Con chim xanh lúc nãy chính là linh hồn thằng bé. Những linh hồn đau khổ nơi trần thế thường được lên thiên đàng. Thằng bé lên tới thiên đàng và kể với bạn nó rằng :

"Hơn một năm nó sống dưới trần gian, nó toàn được ngủ. Giấc ngủ liên miên nơi trần thế..."

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.