chan_dung-ke_si

ĐÔI CHIM THÀNH – Truyện ngắn Kim Lân

17-12-2023

Lượt xem 2123

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Kim Lân

ĐÔI CHIM THÀNH – Truyện ngắn Kim Lân

Nhà văn Kim Lân

Chân Dung Kẻ Sĩ: Đôi Chim Thành là truyện ngắn mở đầu cho loạt sáng tác về các thú chơi dân dã của người Việt xưa. Khác với các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Tuân với các thú chơi đầy chất nghệ sĩ của những người lạc thế trong Vang Bóng Một Thời, Kim Lân viết về những thú chơi đồng quê đậm chất văn hóa dân gian, và, mãi mãi ghi dấu như những trang sử bằng văn học về một thời làng quê Việt dù thiếu thốn nhưng đầy tài hoa.

Cái tiếng quần chim của Trưởng Thuận ăn khao "liên tam trúng" (ba ngày ăn ba giải liền) nức cả hàng phủ. Thật là một thành tích vẻ vang chưa từng có.

Nhân vào ngày không có hội nào, các tay ăn chơi sành sỏi đến chơi nhà ông Trưởng rất đông. Họ cười nói xôn xao cả năm gian nhà khách. Ai cũng tỏ ý bất mãn về quần chim của ông Trưởng bị đánh hỏng ở hội Đại Đình hôm vừa qua.

Trưởng Thuận phân trần:

- Các ông tính: hôm ấy vừa gió to vừa xấu trời, cả hàng phủ không ai dám mở; thế mà tôi mở đấy, các ông ạ. Vì tôi tin ở tông chim này, càng gió to bay càng hay.

Ai lại gió to là thế, mà đàn quả, chết, đẹp quá. Vừa tròn trặn, vừa đông đen. Chẳng vòng việc gì cả, cứ dựng con chim mà ngoi ngoi lên.

Vừa nói, ông vừa giơ ngược bàn tay lên lắc lắc, tả dáng điệu con chim đang bay. Uống một hụm nước chè, ông nói tiếp:

- Từ trung đến thượng ở thăng bằng giữa sới, không qua có tội gì có thể đánh được. Mãi đến lúc đàn chim "vần thượng" (bay rất cao) cơ chừng gió to quá nên có một con bật ra bằng chiếc quạt này này. Tôi đã chắc mẩm họ đánh "trung chính, thượng tiểu tùy" (bay ở dưới thẳng ngay giàn sới, lên cao có một con lật ra đằng sau đàn không xa mấy). Có phải không các ông? Thế mà rồi họ đánh "đại tùy" (một con lật ra đằng sau đàn rất xa), bỏ đấy có ức không?

Hương Thi rít một hơi thuốc lào, nói vội trong khói đặc:

- Thế sao ông không hỏi cho ra nhẽ?

- Có! Tôi vào tận trịch trong tôi bảo: "Các ông cầm trịch thế thì còn nhầm lắm. Chim bay như thế mà các ông nỡ đang tâm đánh 'đại tùy' được! Tôi chỉ sợ gió này 'trung khứ' (bay hãy còn thấp đã bỏ về) đánh 'đại biên' (bay chệch sới nhiều quá) cho người ta lấy giải thôi". Thế mà y như rằng đấy, các ông ạ.

Ngay lúc ấy có tiếng nói ngoài sân vọng vào:

- Thì lão vẫn khen Trưởng Thuận chơi sành rồi mà.

Thì ra cụ Tú bên Trang Liệt sang chơi. Tuy tuổi tác, nhưng cụ vẫn còn tráng kiện. Cặp mắt vẫn tinh anh dưới hàng mi dài. Nước da hồng hào càng làm tôn bộ râu trắng muốt phất phơ trước ngực. Một tay chống gậy trúc, một tay cầm quạt thước che nắng, xúng xính trong chiếc áo lụa trắng dài, cụ trông có phong độ một vị tiên.

Trưởng Thuận chạy ra hiên, đon đả:

- Nắng nôi thế này, cụ cũng chịu khó sang chơi.

Cụ Tú vuốt râu cười khanh khách:

- Có hề gì. Nhân thằng chánh Quyền nhà tôi bảo bên ông có quần chim hay, nên muốn sang xem.

Ông Trưởng cười nhũn nhặn:

- Xin rước cụ vào trong nhà nghỉ ngơi cho mát đã.

Sau một tuần nước chè tàu mới pha, Trưởng Thuận bắt vào đôi chim:

- Đôi này thành đây, cụ ạ.

Cụ Tú thận trọng đỡ lấy con đực. Cầm gọn gàng trong tay, cụ nâng đầu con chim lên, nhìn mắt, nhìn mỏ, tấm tắc khen:

- Tinh lắm, mắt ướt thế này tinh lắm.

Rồi cụ sẽ sàng xòe cánh chim ra. Ngắm nghía hồi lâu mới đưa trả con đực, xem đến con cái. Khi xem xong cả đôi chim, cụ nở một nụ cười khoan khoái:

- Tinh! Trưởng Thuận tinh lắm! "Cào, bị" (cào là lông cánh ở ngoài, bị là lông cánh ở gần nách chim) ấy kháp với nhau không tách được.

Ngừng một chút, cụ nói tiếp:

- Phàm giả cái giống chim văn giàng (chim bồ câu) này, cứ con nào "cào" nhọn là bay cao, con nào "bị" to là đông đen. Nhưng mấy con được hoàn toàn cả cào lẫn bị. Cào thì "sơ, tràng" (sơ; bay thưa; tràng: bay dài) mà đông đen thì lại không "vần thượng". Đôi chân này được cả cào lẫn bị.

Rồi cụ quay lại hỏi Trưởng Thuận:

- Tông này ông Trưởng lấy ở đâu thế?

- Dạ, thưa cụ, của Đội Tùng ở Hạ Dương đấy ạ!

Cụ Tú kinh ngạc:

- Của Đội Tùng! Làm thế nào ông lại lấy được của hắn?

- Thưa cụ, cứ kể hồi còn mồ ma ông ta thì lấy thế nào được. Nhưng ông ta chết đi, con cháu không biết chơi, đem ra chợ bán. Ngày ấy tôi ngồi chơi ngoài cửa. Chợt có con bé xách lồng chim đi qua tôi gọi lại xem chơi, thấy đẹp hỏi mua, có bốn hào chỉ thôi mà. Hỏi nó là con cái nhà ai thì nó trả lời là cháu ông Đội Hạ Dương.

- Ô! May thế đấy!

Tư Khả dĩ (vì câu nào ông cũng đệm hai chữ "khả dĩ" vào nên người trong làng đặt cho ông cái tên ấy) nghe chừng nóng ruột, nhắc nhỏm:

- Khả dĩ đã trưa rồi đấy! Ông Trưởng mở chim cho, trên có cụ Tú, dưới có anh em chúng tôi thưởng thức.

Như chợt nghĩ ra, cụ Tú sốt sắng:

- Ừ phải đấy? Mở đi cho chúng tôi xem với.

Trưởng Thuận ngần ngại:

- Tôi cũng chẳng dám tiếc cụ với các ông làm gì. Nhưng hôm nay xấu trời lắm: vừa oi, vừa gió tây. Tôi e hơi giông.

Cửu Phúc chạy ra sân, ngửa mặt nhìn lên trời, nói vào:

- Đẹp trời lắm, ông Trưởng ạ. Vẩy tê tê thế này, cứ gọi là chọc cũng chả mưa được...

Ông Tư thủng thẳng chọc thêm:

- Khả dĩ được, được mà?

Mỗi người mỗi tiếng, không lẽ từ chối mãi, Trưởng Thuận đành gọi con:

- Cu Tạm đâu rồi?

Ở trong bếp chạy ra, cu Tạm thắt chiếc lưng xanh nhiễu điều - giải chim - lòng thòng quá đầu gối.

- Con xách lồng chim ra cầu bò để thầy mở cho các cụ xem.

Cu Tạm lại gần vựa thóc, xách chiếc lồng chim kiểu trái hồng sơn quang dầu để ở bóng mát đi ra công, Trưởng Thuận thong thả theo sau.

Đặt lồng chim xuống vệ đường, ông Trưởng cởi dây, rút ống nước đâu đấy, rồi mới quài tay ra sau lưng rút chiếc quạt giắt cạp quần, se sẽ đập vào nan lông. Đàn chim xô về một phía. Đập mạnh thêm mấy chiếc nữa, ông mở bật nắp lên. Đàn chim bay ra một loạt, cánh vô phanh phách. Bỏ lồng đấy cho cu Tạm, ông tất tả ra về.

Trong sân, dưới bóng mấy cây na, cây bưởi, mỗi cụ một chiếc quạt xòe ra che mắt, nếu không có quạt thì úp hai bàn tay vào nhau, ngửa mặt lên trời, nhìn qua kẽ tay cho đỡ chói.

Trưởng Thuận vừa về đến sân mọi người đã khen:

- Ông Trưởng mở đàn chim lên "tươi" quá.

Đàn chim bay hãy còn thấp, lượn vòng quanh trên mắt mọi người. Có tiếng sáo trứng kêu vo vo, Hương Thi hỏi:

- Cái nào đóng sáo thế ông?

Vẫn nhìn chăm chăm vào đàn chim, Trưởng Thuận trả lời:

- Cái đực "rơi lạc phao" đấy ông ạ. Nó khỏe lắm, hôm nào cũng dẫn "tiên hành". Tôi dò mãi đem đóng sáo vào mới thôi đấy.

Đàn chim bay đã "tít đuôi". Rồi cứ cao dần... cao dần. Thỉnh thoảng có người khen:

- Đàn quả đẹp quá.

- Nó đánh cái vòng nghịch khéo không này!

- Còn là ăn nhiều giải, các ông ạ.

Họ ngồi ngửa mặt lên trời xem mê man, quên cả sức nóng thiêu người của trưa mùa hạ.

Đàn chim đã "vần thượng" bé bằng quả cau. Rồi bằng hột nhãn. Rồi chỉ còn thấp thoáng in trên những gợn mây trắng.

Cụ Tú hỏi:

- Đàn chim ở chỗ nào, các ông nhỉ?

Cửu Phúc vừa chỉ vừa nói:

- Thẳng chóp nhà lên cụ ạ. Nó vòng lại đằng cây bưởi, gần đám mây xanh xám ấy.

- Lão chịu, chả nhìn thấy gì cả.

- Khả dĩ cũng cao lắm rồi. Cụ chả nhìn thấy nữa, chỉ còn bằng hạt đậu xanh thôi mà.

Đàn chim chìm vào mây, mọi người mới chịu bỏ vào nghỉ ngơi trong nhà, một lát ai về nhà nấy.

Trời mỗi lúc một thấp thêm. Thỉnh thoảng lại có luồng gió tây tràn vào như lửa đốt. Ánh nắng chói, ở chỗ râm mà nhìn ra ghê cả mắt. Trưởng Thuận lấy chiếu treo vào sợi dây thép ngoài hiên che cho nóng đỡ hấp vào trong nhà. Cu Tạm vào tít mãi gậm giường thờ nằm cho mát.

Đột nhiên trời sầm tối lại. Mây đen từng lớp vần vũ từ phía đông tiến lên. Gió ở đâu ùa tới quét sạch cái không khí nặng nề khó thở đi. Bụi bốc mù đường, xoắn lại thành từng cơn lốc. Cây cối quằn quại rú thét lên.

Ông Trưởng đang thiu thiu ngủ trên võng, giật mình choàng dậy:

- Thôi chết? Cơn giông rồi. Đàn chim đến trôi mất.

Mưa lộp bộp lia mạnh xuống sân những hạt to bằng miệng chén. Hơi nóng bốc lên thành khói. Ông Trưởng như mê man:

- Cu Tạm đâu rồi!

Nó vẫn ngủ li bì trong gậm giường thờ. Ông gào to hơn:

- Thằng Tạm đâu rồi!

Mắt nhắm mắt mở, cu Tạm vùng trở dậy. Đầu cộc đánh chát vào hương án. Nó bưng đầu xoa xuýt chạy ra.

- Cất lồng đi chứ mưa để thế kia à?

Cu Tạm luống cuống chạy xuống bếp, lại luống cuống chạy ra nhà ngang.

- Ô hay, cái thằng này mê ngủ đấy à?

- Con tìm cái nón.

Ông Trưởng nghiến răng quất cho nó một chiếc giáo quạt:

- Tìm nón thì nó mục lồng đi chứ còn gì.

Trời mưa ào ào, như trút nước xuống, cống rãnh kêu ô ô. Trưởng Thuận hết ra lại vào, luôn mồm kêu:

- Khổ quá? Cả nể một tí mà trôi tiệt cả đàn chim. Gió lật lá thế kia, không khéo bão mất thôi.

Chiều tôi, ông Trưởng lên cơn sốt. Bà Trưởng đánh gió cho chồng, phàn nàn:

- Chim với chả cò. Đày nắng suốt ngày, không trách cảm được.

° ° °

Trưởng Thuận lừ đừ sốt đã năm hôm nay. Xem chừng ông tiếc đàn chim lắm, nhất là đôi chim thành. Thỉnh thoảng ông lại gọi cu Tạm hỏi chim đã về được con nào chưa.

Qua đến ngày thứ sáu. Bà Trưởng đi chợ. Có mỗi mình cu Tạm ở nhà trông nom ấm thuốc. Nó ngồi ủ rũ ở đâu thềm, nheo mắt lại, ngán ngẩm nhìn ánh nắng ngoài sân. Trưa mùa hè im ắng và vắng vẻ. Chốc chốc lại có tiếng gà gáy trưa nghe đến là buồn. Chả bù mấy hôm nọ còn đàn chim, lúc nào cũng có tiếng gụ nhau, con bay lên, con bay xuống, sao mà nhà cửa vui vẻ thế!

Ý nghĩ của cu Tạm nhạt dần, chập chờn theo giấc ngủ. Bỗng nó mơ hồ nghe như có tiếng chim bay. Vun vút phanh phách, mỗi lúc một rõ. Nó tỉnh dậy, cố nhướng cặp mắt ngái ngủ nhìn ra sân. Một bóng... rồi hai bóng chao đi chao lại trên nền sân nắng. Nó chạy xồ ra. Đôi chim đã bay sà xuống nóc nhà. Cu Tạm mừng rỡ cuống quít, gọi:

- Thầy ơi? Đôi chim thành đã về!

Ông Trưởng đang rên hừ hừ, vùng trở dậy, run lẩy bẩy chạy ra sân, miệng hỏi:

- Đâu! Thật không?

Ông dụi mắt nhìn lên nóc nhà. Quả đôi chim quý báu của ông thật. Chúng nó đang há hốc mỏ ra thở; lông cánh phờ phạc, nom gầy tọp đi. Hai mắt sáng lên vì sung sướng. Cặp môi héo của ông nở một nụ cười:

- Tao biết tông chim này tinh lắm, mất thế nào được. Còn về nữa cho mà xem.

Cu Tạm bỗng giật mình kêu:

- Thôi chết, trào ấm thuốc rồi.

Ông Trưởng ngọt ngào:

- Mặc thuốc đấy. Hãy lấy thóc cho chim ăn đã, con.

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.