chan_dung-ke_si

CUÔI BA DÙM - Truyện ngắn Vũ Hạnh

17-09-2023

Lượt xem 1404

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  truyện ngắn hayVũ Hạnh

CUÔI BA DÙM - Truyện ngắn Vũ Hạnh

Nhà văn Vũ Hạnh (1926-2021)

 

Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Hạnh cùng với Võ Phiến, Nguyễn Hiến Lê và Lê Văn Siêu là những thành viên kỳ cựu của một tập thể văn chương gọi là “nhóm Bách Khoa”, với Tạp chí Bách Khoa do Huỳnh Văn Lang chủ trương ra mắt năm 1957. 

Võ Phiến, Võ Hồng và Vũ Hạnh là ba gương mặt nổi bật trong mảng văn chương của Tạp chí Bách Khoa với các tác phẩm hướng về đề tài thôn quê và những nếp sinh hoạt bình dị. Tuy không gây tiếng vang nhưng sáng tác đều và bền bỉ của các nhà văn của nhóm Bách Khoa đã gây ảnh hưởng dù chậm rãi nhưng lâu dài tới đời sống văn chương Miền Nam.


Những ngày sắp dời lên mạn Đông Đường, được biết đồng bào Thượng miền ấy có tục Cuôi Ba-Dùm là tôi bắt đầu ăn ngủ không yên.


Thực ra, trong thời gian sống giữa chốn núi rừng hoang vu, lạnh lẽo thỉnh thoảng tôi cũng mơ tưởng đến những hình bóng nhẹ nhàng của các cô gái ở chốn quê hương. Nhưng sau những lần vọng tưởng như thế, kiểm điểm trở lại tôi thấy mình chẳng yêu một cô nào rõ rệt, bởi vì rõ rệt là chẳng cô nào yêu tôi rõ ràng. Tôi biết nguyên nhân sâu xa sự thiệt thòi này là tại những khi đến gần phụ nữ, tôi thường làm bộ ta đây là bậc đàn anh, lên mặt dạy bảo những điều phải trái. Khi người ta là... cấp trên, chuyên môn nói chuyện đạo đức thì thực khó lòng hạ xuống cầu xin cấp dưới một chút ân huệ ái tình. Rốt cuộc, cấp dưới trở thành một thứ cấp trên rất cao, đến nỗi tôi không tin chắc có ngày mình sẽ đạt tới.

Nhưng không phải chỉ mình tôi gây ra cho tôi sự tình cô độc mà còn tại các cô nữa. Hình như hầu hết các cô miền xuôi đều không phát biểu chân thành, giản dị ý nghĩ của mình. Vì vậy, những người không sành về khoa tâm lý như tôi, khó lòng chiều ý các cô cho được lâu dài. Lại thêm, mỗi một cô gái vừa lớn là y như ở hàng xóm và mỗi góc đường đều túc trực sẵn một chàng trai trẻ để mà cười tình và trao những lá thư duyên. Cho nên tôi không chắc rằng con người tôi yêu có thực trong trắng tâm hồn, hay là trong khi yêu tôi nàng vẫn lẫn lộn với kẻ xóm giềng nào đó.

Tôi cứ cho rằng đến nông nỗi này có lẽ mình chỉ yêu được những cô gái Thượng mà thôi, vì tôi nghe nói phụ nữ miền Thượng bao giờ cũng rất giản dị và chân thành. Do những lẽ đó, ngày lên miền núi tôi vẫn ao ước gặp gỡ một cô gái Thượng thật đẹp để mà có dịp báo thù gián tiếp các cô miền xuôi, nhưng hình như tôi lên chốn núi rừng không nhằm mục đích đi tìm đàn bà, cho nên tháng ngày trôi qua tôi chỉ gặp toàn một thứ đàn ông. Thỉnh thoảng có gặp một ít thú dữ.

Đến khi được biết sẽ lên nghỉ ngơi nhiều ngày tại mạn Đông Đường và các cô gái miền này thường cuôi-ba-dùm - nghĩa là ngủ thân ái với người khách lạ - thì tôi bắt đầu nhận thấy núi rừng không phải chỉ là vắt sên hút máu, đèo dốc cheo leo, thác nước ồ ạt tuôn đi không kể tháng ngày.

Lên đường lần này tôi đã tỏ ra hết sức hăng hái, y như một người đeo đuổi trước mắt lý tưởng cao siêu. Nhưng đến cái dốc thứ chín, thì tôi cảm thấy rõ rệt, qua cặp đầu gối, rằng mỗi một món tình yêu chưa đủ khuyến khích con người. Tới lúc bước vào cái buôn đầu tiên, gặp hai cô gái đã già ngồi bên suối nước, phô cặp vú sệ gần chấm cái váy cụt ngủn nhạt màu, giương mắt đục lờ nheo nheo nhìn tôi rồi nở nụ cười ngây ngô giới thiệu cả hai hàm răng đã cà mòn nhẵn thì tôi ngơ ngác, và loay hoay mãi vẫn không nhớ thằng ngốc nào đã từng mơ ước kết duyên với cô gái Thượng.

Chúng tôi hạ trại dưới chân một ngọn núi lớn, cạnh con sông nhỏ nước chảy lờ đờ, luôn luôn chờn vờn những bầy muỗi rừng. Ở lưng chừng núi là một cái buôn khá lớn, điểm những những nét vàng lỗ chỗ giữa nền xanh sẫm. Mỗi sáng, mỗi chiều, khói lam vươn ra từ các đỉnh nóc, quyện trên sườn cao, rồi tan chìm trong sương mờ, y như những nỗi mơ mộng của tâm hồn tôi xóa nhòa trong một ý sầu ngan ngát dâng lên từ khắp núi rừng.

Một chiều, tôi đang lặn lội tìm nguồn một dòng suối nhỏ, chợt nghe tiếng hát vang lên ở giữa rừng sâu. Tôi không biết được câu hát nói gì, nhưng giọng mềm dẻo, thỉnh thoảng ngợ ngừng ngắt quãng, thu hút lấy tôi như chất nhựa cây chập vào một chiếc lá khô. Dần dần tôi quên nguồn suối đi tìm và bước lạc vào một vùng khác lạ có nhiều mô đá cheo leo rải rác dưới chân dốc núi. Khi gặp tiếng hát thì tôi sửng sốt đứng lại. Một cô gái Thượng đang ngồi rửa rau bên một vũng suối. Không biết có người đến gần, cô vẫn say sưa ngồi hát, đầu cúi thấp xuống soi mình dưới nước, lắc lư nhẹ nhàng, hòa nhịp với bàn tay đang chao qua chao lại từng mớ rau rừng. Tôi ngồi bên này dòng suối, gần như đối diện với cô, yên lặng rất lâu như thế để quan sát một hiện tượng chưa từng băét gặp ở trong đời tôi từ trước đến giờ. Cô nàng bé nhỏ, da ngăm ngăm đen, vóc người tròn trịa, gọn gàng trong một tấm dồ và chiếc cà tiu xanh đậm, có một vẻ đẹp hết sức ... núi rừng. Lời hát hình như ứng khẩu tuôn ra do nỗi dào dạt từ trong đáy lòng, theo một khuôn khổ âm điệu có sẵn tự bao nhiêu đời, nên nghe miên man tưởng không bao giờ dứt được. Tôi đã từng nghe nhiều cô người kinh ca hát. Nhưng hoặc con người không hòa hợp với bài hát, hoặc là bài hát không hòa hợp với khung cảnh, và hoặc người hát không giữ được vẻ tự nhiên khiến trong khi nghe, ta có cảm tưởng chứng kiến một sự trình diễn rời rạc về con người ấy còn những bài hát chỉ là cái cớ phụ thuộc. Ở đây, cây rừng, nước suối, gió ngàn và người con gái, và cả tiếng hát đều là một sự hòa điệu thâm trầm. Tôi có cảm giác đứng trước lời ca từ thuở tinh khôi, một sự thổ lộ của núi của rừng như phát tiết ra từ trong hốc đá, khe sâu, từ trong lòng đất mênh mông thăm thẳm... Tôi ngồi lặng yên, cặp mắt mờ dần bóng hình cô gái để cho thính giác đưa về một cõi hoang vu chập chờn sắc màu man rợ, giữa một không khí u uất lá già ủ mục ngàn năm. Rồi những tiếng chim lạ lùng cất lên, dòng thác ồn áo tuôn xuống, tiếng cồng, tiếng mõ, tiếng chiêng từ đâu bừng dậy, le lói ánh hồng bếp lửa rừng khuya ...

Đột nhiên tiếng hát ngừng lại, cả cái sinh hoạt bao la của chốn núi rừng như chìm hẳn xuống hố sâu. Cô gái chợt trông thấy tôi, ngừng tay khuấy nước, cặp mắt bỗng sáng long lanh. Cô hỏi vọng sang :

- Làm gì thế ?

Tôi cười trả lời :

- Ngồi nghe núi rừng ca hát.

Cô hơi ngẩng lên, ngây nhìn giây lát, có vẻ không hiểu tôi muốn nói gì. Rồi cô mỉm cười, cúi xuống quờ tay chao mớ rau rừng, dường như đã quên cả người đang ngồi trước mặt. Xong việc, cô đứng lên, tay xách giỏ rau thoăn thoắt leo lên dốc đá, về buôn. Tôi im lặng đi theo sau một quãng khá dài, rồi dừng bước lại, bâng khuâng tự hỏi đi đâu ?

° ° °

Từ đấy bóng hình người con gái Thượng luôn luôn ám ảnh lấy hồn tôi. Những giấc mơ đã chết tiệt ngày nào bây giờ dần dần sống lại. Tôi tin tưởng rằng một dịp nào đó tôi sẽ gặp người con gái trên buôn, và tôi sẽ ngủ thân ái một đêm với nàng.

Tôi vốn không quen phân tích tâm tư để hiểu vì sao tôi lại khát khao mãnh liệt như thế. Chắc rằng ngoài lòng ham muốn cuồng nhiệt và sự tò mò của tuổi thanh niên, tôi còn bị người lớn tuổi đầu độc bằng cái quan niệm phổ biến cho rằng trình độ từng trải về một nơi nào phải được chứng minh bằng sự tiếp xúc với người đàn bà bản thổ. Đối với số hạng người này, hình như linh hồn của một dân tộc bao giờ cũng bị kẹp trong đôi vế đàn bà. Nếu chưa thật sự mở được quyển sách hai trang ấy ra, thì dù quan sát bao nhiêu thắng cảnh, ngâm đọc bao nhiêu tác phẩm địa phương, cũng vẫn chưa am hiểu gì về địa phương ấy. Do đó, tôi cứ ngại rằng ngày sau, khi về đồng nội nói chuyện đường rừng, lỡ ai sốt sắng hỏi tôi đàn bà miền Thượng thế nào thì chắc tôi sẽ xấu hổ mà ấp úng rằng không biết. Cái ý định ấy càng ngày càng nung nấu ở trong tôi đến một cường độ không sao tả được. Tôi không bao giờ tự hỏi ý định như thế, nếu thực hiện được, sẽ gây tác hại thế nào. Sức mạnh tinh thần của đồng bào Thượng là lòng tin tưởng phong tục. Đồng bào miền Thượng bám vào phong tục như những dây leo bám lấy thân cành, như loài hổ dữ nương vào hang đá. Tôi há chẳng biết kẻ nào xúc phạm tập tục miền rừng là phải chuốc lấy oán hờn trọn kiếp đó sao ? Tôi chẳng đã học từng phong tục một như học hỏi từng ngón võ hộ thân trong rừng phong tục um tùm chằng chịt của đồng bào Thượng đó sao ? Cái gì đối với đồng bào miền Thượng cũng có thể thành cấm kỵ thiêng liêng : một nhánh lá tươi cắm ở đầu buôn trong mùa gặt hái còn có giá trị ngăn cản hơn ngàn lớp cửa gài bằng khóa sắt; một cái xoa nhẹ thân yêu trên đầu đứa bé có thể coi như xúc phạm bàn thờ và làm bật lên bao nhiêu tia mắt thù hằn; một thân cây lụi dùng làm gậy chống trên đường, một chút quế thơm phòng vệ những khi bệnh hoạn, lỡ mang vào tận trong nhà thì chẳng khác gì đã dẫn theo loài ma quỷ, khuấy lên bao nhiêu nét mặt căm hờn...

Tôi đã nghĩ nhiều về điều ấy qua khá nhiều đêm thức ngủ chập chờn. Nhưng lòng nhiệt nồng của tuổi thanh niên khiến tôi hoài nghi phong tục có thể cưỡng lại ý thức tò mò lồng trong sức mạnh dục tình. Từ đấy tôi cố học tập tiếng nói đường rừng. Không biết những người đeo đuổi lý tưởng cao siêu khi học tiếng người thì phải chăm chỉ ra sao, chứ tôi vì chút mục đích xin ngủ một đêm mà đã hết lòng ra công đèn sách. Bạn hữu không biết thâm ý của tôi, đều khen tôi có ý thức "nghiên cứu văn hóa miền Thượng". Còn tôi, tuy đã tự hiểu rõ ràng, tôi vẫn cho rằng mình đang chuẩn bị "tham khảo giá trị nhân bản ở trong phong tục của các chủng tộc đồng bào..."

Nhiều lần, nhân dịp anh em lên tiếp xúc trên buôn, tôi muốn đi theo để mong gặp lại cô gái hôm nào, nhưng vẫn không sao đi được, vì bận nhiều công việc khác. Thế rồi, y như mọi lòng ham muốn và mọi đợi chờ trên cõi đời này đều cũng có dịp toại nguyện, một hôm, vào độ cuối năm, chúng tôi được lệnh lên buôn tổ chức đêm vui.

° ° °

Buôn trông gần gũi nhưng khi đến nơi thì trời tối mịt, mặc dù tôi đã khuyến khích mọi người lên sớm để cho "đồng bào" khỏi phải nhọc lòng chờ đợi.

Một số anh em liên lạc đã lên từ trưa bố trí công việc. Toàn buôn nhóm họp đông đủ chung quanh một đống lửa to bốc cháy ngùn ngụt giữa vạt đất lễ, chiếu sáng một vùng rộng lớn, soi rõ khuôn mặt từng người. Trong khi anh em xếp đặt các màn ca kịch thì tôi len lỏi đi tìm con người bên suối hôm xưa. Khuôn mặt tròn trịa thơ ngây của nàng nổi bật giữa các cô gái nên tôi không phải mất công lùng kiếm. Tôi lại gần nàng, nhìn nàng một phút, cố tình cho nàng có đủ thì giờ để nhận ra tôi. Thấy nàng cứ mải ngây nhìn, tôi hỏi :

- Có nhớ tôi không ?

Nàng bỗng mỉm cười, gật đầu. Nhưng cặp mắt nàng vẫn cứ giương nhìn, tỏ vẻ không hiểu. Tôi bèn hỏi tiếp :

- Xin hỏi... tên là gì à?

Nàng cười :

- Y-Sao...

- Y-Sao ! Tên hay quá há !

Tôi đứng yên, loay hoay lục lọi trong óc tìm những tiếng gì thích hợp để ghép thành câu nói chuyện cùng nàng. Nhưng một hồi chiêng vang lên. Đêm vui bắt đầu. Suốt mấy giờ liền tôi vẫn không quên thỉnh thoảng đưa mắt tìm nàng và thấy nàng vẫn ngồi y một chỗ, vẫn cười hồn nhiên, long lanh cặp mắt ngời trong ánh lửa. Tôi cố đóng trọn vai trò của mình, lòng không được vui vì nôn nao sợ những gì toan tính từ lâu đêm nay không thực hiện được. Đến khi mãn cuộc, ngọn lửa đã tàn chỉ còn trơ lại một đống than hồng to lớn. Thay vội quần áo, tôi chạy đi tìm Y-Sao. Nàng cùng một số chị em xúm xít bên lửa, tíu ta tíu tít đun nước, nướng bắp. Ánh than hừng hực tỏa sáng lên người các cô gái Thượng mướt đẫm mồ hôi, trông có vẻ gì cổ quái lạ lùng. Y-Sao nhanh nhẹn bỏ bắp trên lớp than hồng trải rộng và nàng dùng tay thoăn thoắt lật trở nhịp nhàng từng trái, gan lì thành thạo một cách khác thường. Tôi lại gần nàng, kêu lên :

- Y-Sao ! Dùng cây gắp chứ. Nóng tay lắm kìa !

Nàng ngẩng lên cười rồi lại cúi xuống rất nhanh, tiếp tục công việc và đáp :

- Không có nóng đâu.

Muốn chứng thực thêm lời nói của mình, lần này nàng dừng tay lại rất lâu trên từng trái bắp, trước khi lật trở cho nó chín đều. Rồi nàng chồm sang bên cạnh, đưa hai tay nhỏ nhắn của mình nhắc lấy nồi nước đang sôi sùng sục trên một bếp lửa ngùn ngụt, đặt xuống một bên, rồi lại đặt lên như cũ, giữa những lưỡi lửa dữ dằn như nuốt tay nàng. Tôi kinh ngạc đứng yên tưởng mình chứng kiến những trò biến hóa của bà phù thủy. Cuối cùng tôi lại buồn rầu nghĩ rằng da thịt chai lì như vậy phỏng nàng còn biết xúc cảm là gì !

Lát sau, tôi tự trách mình đã quá lo xa và lại vui vẻ ngồi xuống bên nàng :

- Y-Sao !

- Gì à ?

- Xem kịch thế nào ?

- Hay lắm.

- Thế ai hay hơn hết đấy ?

- Ai cũng hay cả .

- À ...

Tôi lại ngồi im, không biết mình phải nhập đề thế nào. Sau cùng tôi hỏi một cách lúng túng :

- Y-Sao này ...

- Gì á ?

- Nướng bắp để làm gì thế ?

- Để ăn ...

- Cho tôi ăn nhé ?

- Ừ, cho các anh ăn.

- Nhưng cho tôi thật nhiều nhé ?

- Ừ, đói thì ăn nhiều. Có đói lắm không?

- Đói lắm, nhưng này ...

- Gì à ?

- Tôi mến Y-Sao lắm lắm.

Nàng cười vui vẻ :

- Y-Sao cũng mến các anh lắm lắm.

Con đàng gần đến, nếu dừng bước lại thì hóa xa xôi, tôi bèn đánh bạo nói tiếp:

- Đêm nay tôi ngủ nhà Y-Sao nhé ?

Y-Sao gật đầu.

- Cuôi-ba-dùm nhé ?

Y-Sao lại gật, mỉm cười tự nhiên, cúi xuống nướng bắp.

Thế là nàng chịu, cuôi ba-dùm moi măn 1 với tôi rồi ! Không ngờ câu chuyện dễ dàng như vậy. Nhiều khi ta chạy hàng chục vòng tròn vô ích chung quanh chỗ ngồi dọn sẵn từ lâu.

Suốt buổi tiệc bắp vui vẻ thân mật, tôi làm bộ điệu rất là uể oải, đợi khi giải tán ra về tôi bèn báo cáo trong người khó ở xin được ngủ laiï trên buôn. Anh em ai cũng ân cần khuyên tôi ngủ lại để mà giữ gìn sức khỏe. Có người cho rằng tôi vốn nhiệt tâm đối với văn hóa miền Thượng, ngủ lại một đêm cũng là dịp tốt để mà nâng cao trình độ ít nhiều.

° ° °

Nằm bên bếp lửa chờ đợi Y-Sao, tôi đã cẩn thận bôi vào trên mũi nhiều dầu cù-là, nghĩ rằng mỗi dân tộc đều có mùi riêng mà chỉ tiếp xúc vội vàng về mặt vật chất không đủ tạo nên hòa hợp dễ dàng. Một lát, Y-Sao từ một gian nhà bên cạnh bước ra, miệng nở nụ cười tươi vui khác thường. Nàng đã thay chiếc cà-tiu mới tinh còn hôi nồng mùi lá nhuộm, và mặc một tấm áo chẽn may rất đơn giản bằng thứ vải thô điểm những sọc chỉ xanh đỏ còn tươi nguyên màu, chừng đó là áo dùng trong dịp lễ. Nàng trải xuống sàn ghép bằng những ống lồ-ô đập dẹp một tấm chiếu dày dệt bằng các thứ dây sợi lấy trong các vỏ cây rừng và bảo tôi nằm. Xong, nàng nhẹ nhàng nâng đầu tôi lên kê vào một chiếc gối mây thắt rất công phu. Tôi nằm yên, ngoan ngoãn, mặc nàng sắp xếp, y như đứa bé nghe theo lời chị. Nhưng khi nàng lấy một tấm dồ rộng còn mới phủ lên mình tôi, thì tôi kêu lên :
- Y-Sao ngủ với tôi chứ ?

Nàng cười, gật đầu.

- Thế tôi không thích đắp đâu.

- Khuya lạnh lắm mà. Đắp đi. Đắp đi.

Nàng nói dịu dàng, có vẻ như lời nài nỉ.

Tôi đáp :

- Ngủ với Y-Sao, tôi không thấy lạnh.

Rồi tôi gỡ tấm dồ ra.

Nàng lại ôn tồn :

- Đắp đi.

Rồi nàng kéo dồ đắp lại cho tôi.

- Y-Sao chưa đi ngủ à ?

- Ngủ chứ, ngủ chứ. Có đói cái bụng không đấy ?

- Không đói. Không đói. Chỉ ưng ngủ với Y-Sao thôi mà.

Có khát nước không ?

- Không khát. Không khát. Chỉ ưng ngủ với Y-Sao đó thôi.

- Hút thuốc lá chứ ?

- Hút thuốc không thích bằng nằm ngủ với Y-Sao.

Những ngày sống giữa núi rừng tôi đã tìm thấy trong cái thú tút xà reo 2 một nguồn an ủi lớn lao. Đó là lãng quên, vừa là tưởng nhớ, đó là ít nhiều hơi ấm trong cảnh lạnh lùng, ít nhiều khuấy động giữa chốn vắng vẻ... nhưng bây giờ đây khói thuốc làm sao quyến rũ được tôi ?

Y-Sao loay hoay sửa soạn bếp lửa. Nàng tém gọn lại rồi rút một mớ củi khô thêm vào cho lửa sáng hồng rực rỡ hơn lên. Hình ảnh bếp lửa chính là hình ảnh của mối nhiệt tình nung nấu trong tôi.

Bây giờ, có lẽ đêm đã về khuya. Qua khung cửa hẹp tôi thấy bên ngoài tối đen dày đặc mênh mông, thỉnh thoảng lập loè điểm sáng của bầy đôm-đốm. Tôi tưởng nghe trong yên lặng âm thầm núi rừng xao xuyến chỗi dậy gom góp muôn ngàn sinh lực biến đổi sự sống để cho ngày mai dưới ánh mặt trời muôn cành thêm lá tươi, non, muôn vật thêm màu lông mới.

Gia đình Y-Sao có lẽ ngủ yên từ lâu. Ban nãy, khi nàng chưa đến, tôi thấy hai người hiện ra ở phía cuối nhà, một bà cụ già, một người trai trẻ ý hẳn là mẹ và anh của nàng - cả hai nhìn tôi gật chào, cười rất thân mật rồi biến mất sau tấm liếp.

Tôi muốn bảo với Y-Sao hát cho tôi nghe, như tôi đã từng được nghe nàng hát hôm nào, để cho đêm vui thực sự hoàn toàn. Nhưng biết rõ mình không đủ bình tĩnh chờ đợi bất cứ một sự kéo dài nào nữa, tôi hối thúc nàng:

- Khuya rối, Y-Sao !

Y-Sao gật đầu :

- Ừ, khuya rồi. Ngủ đi.

Và nàng nhanh nhẹn nằm xuống bên tôi.

Bây giờ tôi chỉ còn nghe quả tim của tôi liên hồi đập trong lồng ngực và hơi thở tôi gấp rút, nặng nề. Đầu óc vần vũ những mớ cảm giác rối loạn, tôi không biết rõ mình đang nghĩ ngợi những gì. Tôi thoáng nhớ lại những quyển tiểu thuyết mô tả tâm trạng của người đàn ông khi nằm cạnh người đàn bà và tôi nhận thấy không có quyển nào nói đúng tâm trạng của tôi lúc này.

Từ khi Y-Sao nằm xuống bên cạnh thì tôi bàng hoàng nằm yên giây lâu, không chút cử động. Sau cùng, định thần trở lại, tôi mới thấy rõ cái vẻ kỳ dị của việc tôi làm. Nhưng tôi nhớ lại tất cả công trình nghiên cứu, tổ chức, vận động của tôi lâu nay không phải để được nằm yên bên cạnh một cô gái Thượng. Nếu chỉ có thế thì tôi nên lựa bất cứ một khúc gỗ nào thật tốt ngoài rừng đem về ôm ngủ có lẽ yên ổn hơn nhiều !

Tôi bèn bỏ tay qua người Y-Sao, kéo nhẹ cho nàng xích lại thêm gần:

- Y-Sao ...

- Gì à ?

- Tôi thương Y-Sao nhiều lắm.

- Y-Sao cũng thương các anh nhiều lắm.

- Sao lại các anh ? Nhiều thế ?

Y-Sao vẫn đáp nhẹ nhàng :

- Ừ, nhiều lắm.

- Y-Sao chẳng hiểu gì cả ! Tôi bảo Y-Sao ... chỉ thương lấy một mình tôi.

Y-Sao giương mắt ngạc nhiên :

- Sao thế ?

Tôi làm thinh, không biết trả lời cách nào cho Y-Sao hiểu tình yêu là sự ích kỷ riêng của hai người. Nhưng tôi chợt nghĩ giữa tôi và nàng chưa hề có gì để chứng tỏ là tình yêu thì làm sao nói cho nàng hiểu được những điều đơn giản mà phức tạp ấy ? Vả lại tôi không thông thạo tiếng nói của nàng, trình bày những điều khuất khúc tâm tình là việc khó khăn. Mới biết học nhiều ở trường mà thiếu một môn tiếng Thượng cũng có hại thực. Sau cùng, bắt chước ông bà từ đời thái cổ, tôi dùng bàn tay thông ngôn tình ý của mình.

Bắt đầu tôi thử vuốt ve đôi má Y-Sao. Y-Sao mỉm cười hết sức dịu dàng. Tôi hạ lần tay đặt trên ngực nàng. Tôi nghe tim nàng đập mạnh, người nàng tỏa ra hơi nóng khác thường. Khi bàn tay tôi không còn giữ đúng lễ độ con người bình tĩnh thì bị Y-Sao nắm chặt, và nàng kêu trong hơi thở:

- Đừng thế !

Rồi nàng kéo tay tôi xuống, đặt nó cẩn thận ở trên mình tôi và còn giữ chặt như thế rất lâu, ý muốn tập luyện cho nó chịu quen tinh thần kỷ luật. Sau cùng nàng bảo :

- Ngủ đi .

Thở dài, tôi đáp :

- Không ngủ được đâu.

- Sao thế ?

- Nằm bên Y-Sao, tôi ngủ không được.

Nàng nhìn tôi, sửng sốt :

- Thế à ?

- Thực đấy.

Nàng chỗi ngay dậy, có vẻ hơi buồn :

- Y-Sao đi ngủ chỗ khác.

Tôi kéo nàng lại:

- Y-Sao đi ngủ chỗ khác thì tôi càng không ngủ được.

- Chẳng hiểu.

- Gì mà chẳng hiểu ? Y-Sao hãy nằm xuống đi.

Y-Sao ngoan ngoãn nằm xuống. Tôi vuốt má nàng.

- Thương Y-Sao lắm.

- Y-Sao thương các anh lắm.

- Cứ thế ! Không thương tôi à ?

- Thương chứ. Thương nhiều lắm đấy.

- Y-Sao làm vợ tôi đêm nay nhé ?

- Chẳng hiểu.

Tôi ghĩ : "Trời ơi ! Gì mà chẳng hiểu, chẳng hiểu ! Ngốc đến thế này thì thôi!" Và bèn đổi giọng nài nỉ :

- Tôi mở cái cà-tiu nhé ?

- Đừng !

- Không cho thì tôi chết đấy.

- Chẳng có chết đâu.

- Ghét Y-Sao lắm.

Y-Sao không nói. Mặt nàng đọng lại trong dáng trầm ngâm khó hiểu. Thấy dùng văn hóa chẳng ăn thua gì, tôi quyết định dùng quân sự. Tôi vỗ về nàng, rồi thừa dịp nắm cà-tiu của nàng và giằng mạnh xuống.

Lập tức, người đàn bà co lại như bị một sức điện truyền và nàng xô mạnh người tôi, kêu lên hốt hoảng :

- Không được !

Tôi chồm người tới, cố gắng kéo nàng lại gần, nhưng nàng đã ngồi ngay dậy, xếp hai đùi lại và co hai tay trong một tư thế phòng vệ. Trong ánh lửa đêm, tôi thấy mắt nàng long lên sòng sọc, miệng nàng mím chặt, cương quyết lạ lùng.

Những ý nồng nhiệt trong tôi phút chốc đã tiêu tan hết. Nhưng lòng tự ái vội vàng thế vào chỗ trống, khuyến khích đừng nên bỏ cuộc. Tôi liền sán lại ôm choàng lấy nàng, siết chặt trong đôi cánh tay hung hãn cố làm ra vẻ tha thiết yêu đương. Để trợ lực sự chiếm đoạt, tôi bèn phát triển ý thức tò mò bằng cách khuyên mình cố gắng đến cùng để đo xem sức phản ứng của cô gái Thượng có thể chịu đựng đến mức độ nào mới phải đầu hàng. Hình như một thứ mặc cảm tự tôn của kẻ sống ở miền xuôi tự hào văn minh hơn dân rừng rú đã củng cố thêm cho tôi ôm chặt lấy nàng. Y-Sao chuyển hết sức mình cố đẩy tôi ra một cách tuyệt vọng, nhưng không kêu cứu lời nào, hình như nàng phải nhận lấy trách nhiệm đối với chính nàng cho đến phút cuối. Tôi hổn hển bảo :

- Y-Sao nghe lời tôi đi.

Nàng đáp phều phào :

- Không đâu, không đâu, không đâu ...

Nhưng nàng lả người, mềm hẳn cả sức kháng cự. Tôi nới vòng tay, đặt nàng nằm xuống, vừa toan cúi xuống mình nàng thì nhanh như con sóc rừng, Y-Sao đã lộn người lại, nhào tới phía trước. Tôi thấy nàng đứng thẳng dậy, rút vội trên sàn chiếc dáo, quỳ xuống chĩa mũi nhọn hoắt về phía ngực tôi, trợn trừng cặp mắt, nói như tiếng rít :

- Đừng bắt Y-Sao làm xấu cái buôn ... Y-Sao không quen, không biết anh đâu!

Bây giờ nàng không phải là Y-Sao dịu dàng bên suối hôm nào, cũng không phải là Y-Sao hiền lành ban tối vừa qua. Đây là Y-Sao uy nghi của cảnh núi rừng hùng vĩ, Y-Sao dõng dạc của những phong tục ngàn đời giữ vững lấy sự tồn tại con người giữa lòng thiên nhiên hiểm độc. Sự chống đối của nàng không phải là sự phản ứng của một người đối với một người, mà chính là sự bênh vực của nhiều con người tập trung trong cá nhân nàng. Thấp thoáng sau nàng Y-Sao yên lặng, hung dữ như một vị thần Bảo vệ, có cả cuộc sống âm thầm dai dẳng của nhiều dân buôn, và cả màu xanh tươi thắm của rừng núi trùng điệp.

Nàng cứ ngồi yên như thế hồi lâu, sắc diện dần dần dịu lại. Tôi ngồi thẳng dậy, cố nói bình tĩnh với nàng:

- Y-Sao có giận tôi không ?

- Không có giận đâu.

- Y-Sao giận đấy.

- Không giận đâu mà.

- Không phá Y-Sao nữa đâu. Ngủ với tôi, nhé ?

Rồi muốn cho nàng yên tâm, tôi quờ tay lấy que củi bẻ đôi đưa lại cho nàng :

- Tôi đã thề rồi.

Y-Sao lại nở nụ cười hiền dịu, nhẹ nhàng dựng chiếc dáo nhọn nơi liếp rồi nàng ngoan ngoãn nằm xuống cạnh tôi, kéo lấy tấm dồ phủ lên người tôi. Một lát, tôi ngủ thiếp đi.

Không biết ngủ được bao lâu thì tôi nghe lạnh giật mình tỉnh giấc. Tôi thấy Y-Sao đang cúi lom khom thổi trên đống lửa sắp tàn. Ngọn lửa từ từ sáng lại, gieo tỏa hơi ấm khắp nhà. Nàng thêm củi vào rồi nhẹ nhàng, rón rén như sợ kinh động giấc ngủ của tôi đi lấy tấm liếp che cửa để ngăn hơi lạnh rừng khuya ồ ạt ủa vào. Xong, nàng lại rón rén, nhẹ nhàng đi lại bên tôi. Tôi vờ ngủ yên. Y-Sao sửa lại tấm dồ cho tôi, vuốt trên tóc tôi, vỗ nhẹ lưng tôi y như người mẹ, người chị săn sóc giấc ngủ cho con em mình. Cử chỉ âu yếm của nàng thực là vụng về nhưng rất tự nhiên làm cho lòng tôi rưng rưng cảm động. Rồi nàng kéo trải một mí của tấm dồ ra sàn, nằm đè người lên, vòng một tay qua ôm lấy mình tôi. Tôi nằm trong một lớp vải bọc kín, một đầu có người của nàng chèn giữ, một đầu có bàn tay nàng bó lấy. Tin ở lời thề, Y-Sao vẫn luôn luôn phòng vệ cho danh dự nàng !

Tôi nằm yên, tâm hồn trở lại bình tĩnh. Nhìn cô gái Thượng xinh xắn đang nằm bên tôi, nhỏ bé hơn tôi rất nhiều nhưng cố ấp ủ lấy tôi bằng một tấm lòng bộ lạc rộng lớn, tự nhiên tôi thấy xấu hổ. Sự hối hận này của tôi chẳng tốt đẹp gì, đây chỉ là sự phản ứng để hòng vớt vát thể giá sau khi thất bại, một cách che đậy những sự tầm thường trơ trẽn của mình. Nhưng tôi thấy mình trong giây phút này vẫn còn hiểu được phần nào Y-Sao là cả một sự an ủi. Bây giờ Y-Sao là hiện thân sự chiến thắng của phong tục đối với bản năng, hiện thân sức mạnh giáo hóa tập thể đối với sức mạnh hoành hành của con người ích kỷ. Trong khi tôi ép Y-Sao phải chìu theo sự thỏa mãn nhất thời và cố vẽ vời gọi là thương yêu thì Y-Sao vẫn cương quyết bảo vệ lấy danh dự nàng. Và nàng "chẳng hiểu" không phải là nàng ngu ngốc ! Bởi vì bấy nhiêu tôi xem chẳng có nghĩa gì, chỉ là một sự tò mò khoác ở trên mình bộ lông da thú - nhưng đối với nàng lại là tất cả, là danh dự, là cuộc đời, là nếp sống tinh thần, là tập quán cổ truyền.

Một lát, Y-Sao chừng đã ngủ say, nhưng nàng vẫn còn ôm giữ lấy tôi, cánh tay vừa nói lên ý che chở, vừa nói lên sự đề phòng. Đợi cho hơi thở của nàng trở lại điều hòa, tôi khẽ trở mình gỡ nhẹ tay nàng, cẩn thận lật ngược mảnh dồ mà tôi đang đắp phủ lên mình nàng. Y-Sao nằm gọn ở trong tấm vải. Tôi bỏ tay qua, ôm trở laiï nàng, như ôm núi rừng bao la cô đọng trong một thân xác nhỏ bé, và thấy rõ rệt từ trong đáy lòng nỗi niềm vui sướng của người yêu mến núi rừng, yêu mến vì có niềm tin ...

Khi tôi thức giấc thì trên người tôi lại phủ tấm dồ và ở bên mình không thấy Y-Sao. Bên ngoài trời đã sáng rõ. Có lẽ nàng đi xuống suối lấy nước. Tôi vội ngồi dậy, gỡ liếp che cửa. Ánh sáng ùa vào tưng bừng. Núi rừng ngồn ngộn khoe khoang sắc lá tươi non, chim chóc phô màu lông mới trong buổi bình minh dạt dào sức sống của một khung cảnh thiên nhiên vĩ đại.

° ° °

Một thời gian sau, chúng tôi được lệnh lên đường. Anh em rủ nhau lên buôn từ giã đồng bào. Chúng tôi tìm đến Y-Sao, gặp nàng đang giã gạo ở cuối nhà. Thấy chúng tôi, nàng buông chày, chạy ra mừng rỡ kêu lên :

- Đến rồi !

Tôi gọi :

- Y-Sao ơi !

- Gì à ?

- Tối nay tôi ngủ lại nhé ?

- Ừ, ngủ lại buôn đi.

- Y-Sao cuôi ba dùm với tôi một đêm nữa nhé ?

- Ừ, một đêm nữa đấy.

- Cuôi ba dùm ba đêm, năm đêm, nhiều đêm nữa nhé ?

- Ừ, ba đêm, năm đêm, nhiều đêm nữa đấy.

Nàng gật đầu lia lịa trả lời, vừa nhoẻn miệng cười rất vui.

- Y-Sao ơi !

- Gì à ...

- Cám ơn Y-Sao, chúng tôi nói đùa đấy mà. Hôm nay chúng tôi lên chào đồng bào, lên chào Y-Sao, sắp sửa đi rồi ...

Nàng như kêu lên :

- Đi à ?

Rồi nàng đứng yên như thế rất lâu.

- Y-Sao ở lại cho mạnh giỏi nhé !

Y-Sao ngập ngừng :

- Bao giờ các anh về lại cái buôn ?

_ Không biết bao giờ, không biết bao giờ, Y-Sao à ... Nhưng chúng tôi không quên đồng bào, không quên Y-Sao, không quên cái rừng cái núi của chúng ta đâu.

- Y-Sao nhớ hết các anh, nhớ lắm lắm mà.

Khi rời khỏi buôn, chúng tôi gặp nàng đứng đợi ở lưng chừng dốc. Tôi nắm tay nàng :

- Đi nhé, Y-Sao !

Nàng gật đầu, nhoẻn cười, nhưng trên đôi mi long lanh những giọt nước mắt. Nụ cười và giọt lệ, đó là tấm lòng đưa tiễn của Y-Sao.

--------------------------------

1 Ngủ thân ái một đêm.
2 Hút thuốc.

Cùng tác giả:

Bút Máu - Truyện ngắn Vũ Hạnh

 

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.