Nhà văn Bùi Ngọc Tấn
Cún là hàng xóm của tôi. Tôi chỉ sống bên cạnh Cún có một năm thôi. Ðó cũng là một năm duy nhất Cún có mặt trên cuộc đời này, là cả cuộc đời của Cún.
Giờ đây Cún đã biến mất, không để lại một dấu vết gì. Số phận Cún như vậy, một số phận đen đủi.
Không được chọn thời, Cún sinh vào những năm gian khổ nhất của nước ta. Không được chọn chủ, Cún sống với người hàng xóm của tôi. Mà trái tim Cún lại mang một tình yêu lớn. Những yếu tố đó khiến Cún là một con chó bất hạnh.
***
Quê Cún ở một làng ngoại thành. Cún đông anh em. Cún là đứa phải phiêu bạt sớm nhất. Hoàn toàn ngẫu nhiên chứ không phải do Cún có bộ lông đẹp hơn hay bụ bẫm hơn anh em Cún. Năm con chó con cùng một gam mầu (tuy sắc độ có chênh lệch nhau). Ðó là mầu vàng của mẹ. Chúng mũm mĩm như nhau.
Chủ Cún là một đội trưởng sản xuất trong hợp tác xã, nuôi mẹ con Cún không đến nỗi nào. Mẹ Cún đủ sữa, Cún bú no, nằm ngủ và nô đùa. Cứ thế cho tới một hôm, Cún cùng anh em đang thơ thẩn chạy chơi trong sân, tập đánh hơi những vết chân người, doạ đàn gà mới xuống ổ thì Cún bị nhấc bổng lên, cho vào cái rọ con. Tất nhiên Cún chưa hiểu ra sao. Cún kêu cứu, Cún gọi mẹ, gọi các anh chị. Bằng cách của Cún.
Buổi chiều hôm ấy thật khủng khiếp với Cún. Cún bị nhốt trong rọ. Cún rên lên vì sợ hãi. Ði đường, nó sợ nhất ổ gà. Ðến thành phố, nó sợ nhất ô tô.
Người đèo Cún là ông "xuất khẩu" ở tầng dưới nhà tôi, anh ông đội trưởng. Ông xách cái rọ lên gác. Trên gác chỉ có hai hộ. Nhà tôi và nhà anh Trung. Cún được mang tới nhà anh Trung. Ông "xuất khẩu" bảo:
- Nó biết ăn rồi đấy.
Chị Thanh, vợ anh Trung hôm ấy cũng từ nơi sơ tán về nhà. Nhìn con chó con run rẩy, chị hỏi: "Hết bao nhiêu tiền đấy hở ông?" Ông "xuất khẩu" đáp: "Tiền nong gì. Tôi góp giống, ông bà nuôi. Coi như chung".
Từ đấy Cún sống với người hàng xóm của tôi, và rồi chính Cún cũng trở thành hàng xóm của tôi.
Tôi, một anh chàng viết báo tỉnh lẻ, có một số bài báo được mọi người để ý đến. Nhà tôi khách khứa nhiều. Tôi giao thiệp với nhiều loại người, do nghề nghiệp và do tuổi trẻ. Từ một giáo viên, tôi quen cả ông chú anh ta. Hai chú cháu cùng đến nhà tôi, chuyện trò tâm đắc. Nhưng lúc ra về, chờ ông chú xuống thang, người cháu nán lại nói với tôi:
- Ông chú tôi gì cũng tốt, nhưng riêng chuyện tiền nong, anh tuyệt đối không tin nhá! Tôi trót nói anh viết khoẻ, nhiều nhuận bút lắm.
Tôi biết vậy. ít lâu sau, tôi ốm nằm bệnh viện. Thời đó nội quy bệnh viện chặt chẽ. Không ai được vào phòng bệnh nhân. Cũng như không ai thắt cravate. Tất cả còn đang thịnh kiểu đại cán. ấy thế mà tôi trông thấy một người thắt cravate, sải những bước dài về phía giường tôi. Từ xa, người ấy đã reo lên:
- C'est toi, Tuấn! (Cháu đấy ư? Tuấn!)
Ðó là ông Vịnh, chú anh bạn giáo viên của tôi. Tay ôm gói quà, ông đến thẳng giường tôi, thoải mái, tự tin, trước bao cặp mắt tò mò, thán phục của các bệnh nhân.
- Sao chú vào được?
- Thế mới tài chứ!
Tôi xúc động vì nhiệt tình của ông Vịnh tuy vẫn nhớ lời dặn của cháu ông.
Tôi xuất viện, ông Vịnh lại đến nhà chơi. Chúng tôi uống trà. Thấy anh Trung đi ngang qua cửa, tôi gọi:
- Anh Trung! Vào uống nước đã.
Anh cười:
- Tý nữa mình sang. Cứ tiếp khách đi.
Và anh trở về nhà anh, cái cửa liền ngay cạnh.
Ông khách của tôi bưng chén nước lên môi sững lại. Dường như toàn thân ông tê liệt:
- Trung, Ðức Trung. Trước làm bên công an phải không?
Tôi gật đầu:
- Vâng.
Ông khách của tôi thè lưỡi dài tới tận cằm. Và đột ngột ông đứng lên chào tôi, vội vã xuống gác. Từ đấy ông vĩnh viễn không quay lại nhà tôi. Tôi đem chuyện ấy hỏi anh Trung. Anh Trung cười ầm lên:
- Vịnh ở Phố C.B. chứ gì? Thằng ấy lạ lắm, nó làm chúng tớ một vố đau.
Và anh kể cho tôi nghe một chuyện lạ lùng. Khi mới tiếp quản thành phố được ít ngày, có một người đứng tuổi đến Sở công an đầu thú. Anh ta nhận là gián điệp của Ngô Ðình Diệm cài lại, có nhiệm vụ tổ chức một màng lưới hoạt động từ phía Bắc sông Bến Hải trở ra. Sở công an đã dành cho anh ta một biệt thự, một ô tô con và tất nhiên rất nhiều tiền để anh ta mời khách. Ðể rồi sẽ cất một mẻ vó tóm gọn. Người đến, người đi. Xe ô tô, xe Vespa, xe đạp. Tiệc lớn, tiệc nhỏ linh đình. Anh ta cũng tự lái ô tô đi các nơi. Hà Nội, Nam Ðịnh, Thái Bình.
- Cuối cùng chúng tớ bắt nó ở Quảng Bình, khi nó định vượt cầu Hiền Lương.
Người đánh lừa Sở công an là ông Vịnh!
- Chính tớ hỏi cung nó. Nó chỉ thích tiệc tùng, ô tô nhà lầu thế thôi. Chẳng gián điệp cái con mẹ gì.
Thảo nào thấy anh, ông Vịnh lè lưỡi dài đến thế.
Anh Trung ít kể về mình mà tôi cũng ngại hỏi. Lĩnh vực công tác của anh có nhiều điều không được lộ ra. Tôi chỉ biết anh là người đã tham gia cách mạng từ trước tháng 8-1945, anh đã bị Tầu Tưởng bắt kết án tử hình. Một đồng chí ta vào tận nhà giam thăm, động viên và hỏi anh có cần gì không. Anh trả lời:
- Chết cho Ðảng không ân hận. Chỉ xin ít thuốc lá hút. ở xà lim buồn lắm.
Anh nhận được chục gói Bastos. Hút chờ chết.
Nhưng rồi anh được chúng tha. Ðảng đem vàng chuộc anh. Người anh từ ấy nhiều sẹo, chúng đã tra tấn anh.
Nhìn anh cởi trần, tôi nói đùa:
- Thật cứ như Grigori(1). Sẹo cũng nhiều. Huân chương cũng lắm.
Cũng như nhà tôi, nhà anh Trung đông khách. Nhưng không như nhà tôi khách tạp, khách tới nhà anh toàn những người bạn trong hàng ngũ của anh, những người đã được thử thách, tôi luyện.
Một ông phó giám đốc, thời trước cách mạng đã nhiều năm sống ở Sở thú Sài Gòn bằng cách ăn chung khẩu phần thịt bò của hổ. Một chủ nhiệm công ty bị phỉ bắt ở biên giới, trên đường chúng giải đi, lăn xuống vực sâu trốn thoát. Hai liên lạc của anh Trung thời chống Pháp chuyên đem báo cáo ra vùng tự do. Báo cáo được cho vào một ống tre. Có lần gặp Tây đón đường, hai cậu liên lạc lúc ấy còn là trẻ con, giả cách đánh nhau. Nghĩa là đấm vào mặt nhau thực sự, lăn xả vào mà đấm. Chung quanh, bọn lính Pháp reo hò cổ vũ: Tapez fort! (Ðánh mạnh vào!) Rồi một đứa thua khóc mếu bỏ chạy. Ðứa kia đuổi theo cho đến... vùng tự do.
Thỉnh thoảng lại có một ông khách to lớn từ Hà Nội về. Ðó là vị xứ uỷ Bắc Kỳ năm 1936, người đã đi thuyền buồm buôn gạo sang Trung Quốc, làm công tác tài chính cho Ðảng và hiện đang giữ một trọng trách ở Thủ Ðô. Rồi ông bà chủ nhà khi chị Thanh tản cư ở nhờ. Cả những người được anh Trung giúp đỡ...
Nhà người hàng xóm của tôi lúc nào cũng vang lên tiếng cười. Anh chị vốn là người hiếu khách. Có một tập quán đẹp: Mời bè bạn ăn giao thừa. Tiệc rượu tới khuya. Trước giao thừa, khách về. Khách sẽ là người tự xông nhà mình, khi tiếng pháo giao thừa nổ.
Cún đến ở với anh Trung vào lúc anh không còn một người nào lui tới. Anh đã thuyên chuyển công tác ba lần, và bây giờ thì nằm nhà gần một năm nay. "Tổ chức chưa bố trí được". Tất nhiên anh vẫn được hưởng nguyên lương.
Chỉ còn Cún. Vắng teo các ông giám đốc, các ông trưởng phòng và những người bạn gắn bó của anh. Trong cái thành phố tỉnh lẻ này, người ta sớm biết mọi chuyện. Người ta biết anh đang bị nghi vấn về chính trị. Thời gian anh bị Tầu Tưởng bắt, tại sao lại được tha? Ðã đành rằng ta chuộc bằng vàng, nhưng có phải chúng tha tất cả đâu. Vẫn còn một số đồng chí bị chúng bắn.
Anh phải chuyển khỏi ngành công an, sang làm trưởng phòng ở Sở N. ở đây, anh vướng mắc với ông giám đốc - là thành uỷ viên - về một số chủ trương công tác. Anh bị chuyển sang Sở K. Tại đây anh không thể chịu đựng được một cán bộ của anh sống bằng cái lưỡi. Nhưng người cán bộ ấy lại là chân tay ông bí thư đảng uỷ. Anh, "có truyền thống mất đoàn kết", được tổ chức gọi lên giao nhiệm vụ xây dựng một công ty mới. Anh tìm đọc sách báo, tài liệu trong nước, ngoài nước. Anh tìm trụ sở. Anh viết chức năng nhiệm vụ, đề cương tổ chức... Ðến khi công ty ra mắt, người ta không mời anh.
Anh nằm ở nhà một mình. Vợ anh đi sơ tán. Anh chị vốn không con. Mọi người quên có anh vẫn sống trên cuộc đời này. Kể cả ông giám đốc đã từng ăn chung thịt bò với hổ. Cả ông chủ nhiệm bị phỉ bắt đã thoát chết một cách thần kỳ. Cả hai người liên lạc cũ bao lần vượt qua họng súng của bọn Pháp. Cả những người được anh giúp đỡ.
Lúc đó, Cún đến với anh.
Ở với anh Trung, Cún làm quen với một thứ mùi mới mà khi còn ở nhà ông đội trưởng nó chưa được biết: Mùi giấy và mùi mực in. Cũng như tôi, anh Trung nằm luôn xuống sàn, chiếc sàn gỗ lim làm từ thời Tây, lau bóng thẫm. Từ ngày nghỉ, anh chỉ còn mấy việc: Lau sàn, đọc báo, nấu cơm. Về mùa nực anh nằm luôn xuống sàn, còn mùa lạnh rải thêm cái chiếu. Sách báo trong nước, ngoài nước đầy chung quanh chỗ anh nằm. Anh đọc hay không đọc nào ai biết. Bởi vì có lúc anh như nửa thức nửa ngủ trước một tờ tạp chí. Mắt anh vẫn mở nhìn vào một trang hàng tiếng đồng hồ. Ðôi mắt bất động. Dáng nằm nghiêng bất động. Bàn tay đỡ tờ tạp chí bất động. Không. Người ta không đọc như vậy.
Cún cứ tha thẩn giữa những mê hồn trận của sách báo, của tư tưởng. Anh như choàng tỉnh khi chợt nhìn thấy Cún. Nét mặt anh trở nên linh hoạt. Anh gọi "Cun... ún!" (Giọng anh âu yếm như 25 năm sau tôi gọi đứa cháu ngoại của tôi. Cháu cũng được gọi yêu là Cún). Con chó đang ngửi một quyển sách mỏng. Vốn khôn ngoan, nó hiểu rằng không được cắn xé những tờ giấy đó, tuy nó rất muốn lấy răng dứt thành những mảnh vụn rồi cào tung lên mà đuổi bắt.
Nó nhìn anh chờ đợi.
- Mang quyển sách lại đây.
Nó làm theo lời anh, nhưng là con chó ham nghịch, lẽ ra phải đem quyển sách đến cho anh, nó lại để quyển sách ở xa, đặt một chân lên trên, mắt long lanh nhìn chủ. Hiểu ý nó mời chào vào một cuộc vui, anh Trung xoài tay về phía con chó.
Nhanh hơn, nó đã ngoạm quyển sách, chạy tạt sang một bên. Nó lại nhún người xuống rất đẹp, tránh cái chộp nữa của anh. Rồi nó lao qua háng anh, vọt ra phía sau, choãi bốn chân, áp cái bụng no căng sát sàn, như sẵn sàng bật đi, mồm ngậm quyển sách mỏng, cái đuôi xinh xinh, bé tí đảo lia lịa. Anh cười như trẻ thơ:
- Cún. Mày trêu bố đấy hở. Ðược rồi!
Anh chơi trò đuổi bắt với nó nhưng chưa bao giờ thắng. Tới lúc mệt, anh ngồi xuống, vẫy nó:
- Thôi. Cún đưa đây.
Nó bước lại phía anh, thả quyển sách vào lòng anh, nằm giơ bốn chân ngắn cũn lên giời. Anh cầm cái chân bé bé của nó vật đi vật lại:
- Mày làm rách quyển sách này, tao phạt, nghe không.
Con chó con thở mạnh vì nô đùa. Nó không hiểu những lời anh nói, cũng như nó không hiểu được nó đã đem lại nguồn vui cho chủ như thế nào. Nụ cười đã thấy nở trên gương mặt buồn chán, trải đời của anh. Nếu có một lúc anh quên được nhiều điều, thì đó là lúc anh chơi với Cún. Chính anh cũng không thể ngờ được rằng Cún lại có một vị trí như thế trong cuộc sống của anh, cuộc sống của vợ chồng anh.
Anh khoe về Cún với tôi, với chị Thanh mỗi khi chị từ nơi sơ tán về. Anh nói đến Cún như nói đến một đứa trẻ. Anh tự hào về tình bạn giữa anh và nó, về những điều anh dạy dỗ nó như khi anh đi vắng, nó cứ nằm nguyên ở cửa đợi anh. Anh đánh mất chùm chìa khoá, nó tìm được ở ngoài vườn, ngậm leo lên gác đưa cho anh.
Chị Thanh yêu Cún theo cách suy nghĩ của chị: Cún là người bạn chung thuỷ của chồng chị, là nguồn vui của chồng chị. "Nó làm anh ấy dịu thần kinh". Ðó là điều chị không làm được vì chị ở nơi sơ tán.
***
Giờ Cún đã là một con chó trưởng thành. Bộ lông mầu vàng nhạt lúc nhỏ, đã thay bằng mầu vàng cháy. Ngực nở, bụng thót, nó lao đi trên sàn và đột ngột khựng lại trước những cái ghế dựa, móng chân cào trên sàn sào sạo. Cái đuôi cong hình trôn ốc mập mạp. Hàm răng trắng nhởn, nhọn hoắt đớp gọn những cái kẹo anh Trung tung ra đang rơi trong không khí.
- Cún! Lại đây.
Cún vẫy đuôi ngoan ngoãn bước đến, ngồi dưới chân anh. Anh kẹp đầu nó vào giữa hai đùi, vuốt dọc xuống sống lưng. Nó lim dim mắt, hít mùi quần áo, mùi mồ hôi quen thuộc. Nó không biết chủ nó buồn, nhưng nó hiểu tính chủ. Anh Trung có thể ngồi hàng giờ nhìn ra bầu trời, bất động. Những lúc ấy nó cũng nằm im chờ anh.
Anh ngồi nhìn mãi trời xanh, tìm ở đó một niềm hy vọng, một lời giải đáp cho cái thực tại đáng buồn và thật không ngờ đến này. Thỉnh thoảng anh thở dài. Ðáp lại tiếng thở dài của anh, Cún quệt đuôi khe khẽ trên sàn gỗ. Nó biết, những lúc anh ngồi như vậy, nó không có chỗ trong anh.
Rồi anh chống tay đứng lên. Cún chỉ đợi có thế. Nó đứng dậy nhẹ nhàng, không một tiếng động, cái đuôi vẫy vẫy như muốn hỏi:
- Chúng ta làm gì bây giờ?
Hình như anh chợt nhận ra Cún. Cặp mắt mệt mỏi của anh vui lên:
- Cún. Tắm.
Thế là Cún lao vút ra ngoài, chạy xuống bể nước, chờ sẵn.
Tình bạn giữa anh và Cún là như vậy. Cả hai đã nhiều lần ngồi dưới hầm trú ẩn. Tiếng máy bay gầm rít và tiếng bom, tiếng rốc két nổ gần. Trời đất như vỡ ra. Anh Trung ôm chặt lấy Cún. Nó run rẩy nép vào anh trong tiếng súng phòng không vang rền và bầu trời rung chuyển.
Tình chó ngựa. Cún không rời anh.
ở Cún có hai bộ phận biết nói: Ðôi mắt và cái đuôi. Chúng thể hiện được mọi tình cảm với chủ.
Bữa ăn của anh Trung thật đơn giản. Chị Thanh theo cơ quan đi sơ tán. Anh luộc mì hoà nước mắm. Anh và Cún ngồi đối diện, dưới sàn. Người bát nhỏ chó bát to. Anh vừa ăn vừa trò chuyện với Cún:
- Ăn nhanh thế?
- Hết tiêu chuẩn rồi đấy.
Tôi, vợ con cũng đi sơ tán, sống độc thân, bị hấp dẫn bởi "câu chuyện" bên hàng xóm cũng bưng nồi ngô bung sang "góp cỗ" cho vui.
- Ăn ngô của chú Tuấn không?
Con chó ve vẩy đuôi, nhìn nồi ngô vàng suộm. Ðiều đó có nghĩa là nó vẫn muốn ăn nữa.
- Thôi nhé. Bụng căng lắm rồi. Ăn nữa bội thực mất.
Nói vậy, nhưng chiều Cún, anh vẫn múc thêm ngô vào bát của con chó và nói với tôi:
- Thì ra cậu vàng cậu ấy ăn khoẻ hơn cả tôi ông giáo ạ.
Chúng tôi cười vang. Ðó là câu nói của lão Hạc trong truyện ngắn Nam Cao. Lão Hạc bạn tôi thời nay không như lão Hạc thời trước. Lão Hạc hàng xóm của tôi không nghèo đến mức không nuôi nổi con chó. Ngoài cơm, mì, ngô những thứ đong được ở cửa hàng mậu dịch, anh còn cho nó nhiều món ăn khác. Khi cái kẹo, khi que kem. Khi quả ổi, quả chuối. Anh mang quà về cho nó như bà mẹ nhớ mang quà về cho con nhỏ. Anh tung lên, Cún đớp chính xác gọn gàng. Tiếng răng va vào nhau khô gọn.
***
Ðã lâu lắm nhà anh Trung mới lại có khách. Ðó là ông chủ nhiệm đã thoát khỏi tay phỉ, một trong những người bạn thân nhất của anh. Hai người đã bao lần cùng nhau nằm hầm địch hậu, phá vây ra vùng tự do, sống chết có nhau.
Thấy ông đến, tôi nghĩ cuộc đời cũng vẫn còn chưa đến nỗi. Vẫn còn có cái gì đó làm cơ sở để ta tin ở cuộc sống. Vẫn còn một chút nổi lên của phẩm giá con người. Ông chủ nhiệm vẫn giữ được nụ cười tự tin và tiếng nói như lệnh vỡ. Cún gầm gừ. Lông dựng lên. Nó chưa từng thấy người này đến nhà chủ nó. Thấy con chó lực lưỡng, dữ tợn, ông chủ nhiệm sững lại, hoảng hốt:
- Nó có cắn không ông?
Anh Trung mắng chó, mời khách vào nhà. Anh chưa đoán được mục đích cuộc thăm viếng này.
- Anh lại chơi, hay có việc gì.
- Lâu quá. Lại thăm anh chị thôi.
Cún nằm ngay dưới ghế anh Trung, mắt khép. Cái kiểu nhìn xéo ấy như muốn bảo: "Tôi vẫn theo dõi ông đấy. Ông đừng quên có tôi ở đây". Một cái nhìn cảnh giác và lãnh đạm.
Biên, hai gói chè Ba Ðình để lên bàn nói xuề xoà:
- Của thằng Tòng nó cho đấy. Ðưa ông hút cho đỡ buồn.
Tôi nhìn món quà hấp dẫn ấy (chúng tôi toàn hút thuốc Trường Sơn hay tắt và đắng ngắt). Rồi lại nhìn anh Trung như muốn mừng cho anh. Rằng tình bạn vẫn là tình bạn. Một tình bạn đã qua thử thách. Nhưng tôi thấy anh Trung nhíu mày, mặt thoáng vẻ cảnh giác.
Thấy câu chuyện có thể đi vào chiều hướng riêng tư, tôi đứng dậy ra về, viết nốt bài bút ký về trung đội tự vệ nữ bắn rơi máy bay Mỹ. Tôi cố tập trung vào đoạn khó nhất. Ðoạn viết về ý Nhi, cô tự vệ đã nói với tôi: "Chiếc F 105 lao thẳng xuống trận địa chúng em. Em cho một điểm xạ dài"(2).
Bỗng tiếng anh Trung quát lên:
- Quay lại. Tôi đã bảo anh cầm về mà.
- Có gì đâu. Biếu anh hút thôi.
Hai người giằng co nhau ở hành lang. Anh Trung ấn tút thuốc, gói chè vào tay khách. Mặt người khách đỏ lên. Còn mặt anh Trung tái lại.
- Anh đến chơi với tôi là quý. Có việc gì cần anh cứ lại. Làm được việc gì tôi sẵn sàng.
Người khách xuống thang. Anh Trung sang tôi, theo sau là Cún, cái mặt hún hởn. Vẫn chưa hết xúc động, anh Trung kéo ghế ngồi. Mặt anh tối sầm, điếu thuốc đã tắt trong tay run run.
- Nó sắp được đề bạt phó giám đốc sở, nhưng có thằng nào tố cáo...
Tôi buông bút, gác lại ý Nhi và trung đội tự vệ nữ cùng chiến công bắn máy bay Mỹ của cô.
- Nó xin mình chứng nhận, chả là...
Dần dần tôi đã hiểu đầu đuôi câu chuyện. Thật đơn giản. Ông chủ nhiệm công ty cùng trong tổ công tác địch hậu với anh. Năm 1949 ông bị địch bắt. Anh Trung được lệnh chuyển hết cơ sở hoạt động đi nơi khác, để đề phòng ông ta không chịu được tra tấn, khai ra với địch.
Nhưng sự đề phòng ấy là thừa. Ông không khai. Bằng chứng là cơ sở ta vẫn nguyên vẹn.
Là một chủ nhiệm công ty có khả năng, tận tụy và tháo vát, ông được đề bạt phó giám đốc sở. Nhưng có những người (có thể vì trung thực hoặc ghen ghét) tố cáo ông đầu hàng địch, khai báo...
- Chỉ có mình và ông Tâm xác nhận được thôi vì cùng trong một tổ. Ông Tâm bị phục kích chết năm 1952. Buộc lòng nó phải đến với mình. Mới đây gặp nhau ngoài đường, nó giả cách quay đi...
Tôi khuyên can anh:
- Cũng nên thông cảm với người ta. Người ta sợ...
- Nó sợ... Mình có nói gì đâu. Nhưng sao lại chè thuốc. Nó trả công mình à. Hừ, bây giờ chúng nó sống theo cách ấy...
Anh vẫn còn giận dữ. Cún lại đã nằm dưới gầm ghế anh ngồi. Mỗi tiếng anh nói to, Cún ve vẩy đuôi như biết lỗi.
Mà Cún có lỗi gì đâu.
***
- Chú trông con chó giúp tôi. Tôi đi Hà Nội vài ngày tôi về.
Anh Trung không nói đi Hà Nội có việc gì, nhưng tôi đã đoán ra: Anh đi gặp những người có trách nhiệm, những người quen biết anh, trình bầy về trường hợp của anh. Mấy hôm nay, thấy anh ngồi viết miệt mài. Rồi anh lục cặp tìm giấy tờ, ngắm nghía những tấm huân chương.
Tôi chúc anh đi gặp nhiều may mắn.
Con chó sang ở với tôi. Nó nhớ anh, mặc dù tôi rất chiều chuộng nó. Nó biết nó đi ở nhờ, cả ngày nằm dưới gầm giường, ghếch đầu lên chân trước, mắt lim dim.
Chiều hôm sau, tự nhiên nó đứng lên. Bốn chân run rẩy, đầu ngẩng cao, hai cánh mũi phập phồng. Bất chợt nó sủa. Mắt nó long lên. Nó rít ấm ức, nhe răng dọa tôi. Và nó lao xuống gác. Tôi chạy theo nó. Nó vọt thẳng ra phía đường. Anh Trung đang bước vào. Nó dựng lên, hai chân trước vịn vào ngực anh, làm anh sững lại.
- Cún.
Không có gì ngăn cản được nó. Nó quay tròn chung quanh anh. Nó lách vào giữa hai chân anh, nó cắn vào ống quần anh.
Nhìn nét mặt anh, tôi hiểu tất cả, nhưng vẫn hỏi:
- Anh đi có được việc gì không?
Anh lắc đầu buồn bã gần như tuyệt vọng:
- Không. Không gặp được ai.
Tôi không biết nói thế nào để động viên anh. Thật xấu hổ khi chỉ đứng nhìn người khác trong cơn hoạn nạn. Cún đã giúp tôi. Nó cọ vào chân anh. Cả nửa thân phía sau đảo đi đảo lại. Cái đuôi cụp xuống, nó vừa ngước đôi mắt long lanh nhìn anh, vừa rên ư ử như đau đớn.
Anh Trung ngồi thụp xuống, ôm lấy con chó:
- Mừng bố về hử. Nhớ bố hử. Ngoan lắm.
Sau chuyến đi đó, anh ngồi nhìn trời nhiều hơn. Và anh có một thói quen mới: Nhìn sẹo. Như một nhà triệu phú bỗng mất hết của cải, ngồi trước những két sắt rỗng không, anh ngắm nghía những vết sẹo của mình. Anh mân mê vết hoắm sâu bên sườn phải, nơi đó có một dẻ xương sườn bị gẫy, kỷ niệm một trận chống càn. Ngón tay trỏ của anh đưa đi đưa lại trên vết sẹo ôm lấy cổ chân bóng và trong như một cái vòng: Kỷ niệm cùm xích xà lim Tầu Tưởng...
Một buổi chiều hè, nóng như sắp bốc cháy tất cả, anh kêu lên:
- Trời ơi! Chịu làm sao nổi.
***
Cái ý nghĩ viết về Cún nẩy sinh trong tôi vào một tối mùa thu.
Cơn bão muộn nhưng tới cấp 10 làm trời đất quay cuồng. Gió hú trên những giây điện và rít lên ngoài cánh cửa. Mưa dò, gió may từ chiều. Về tối gió càng mạnh.
Ðèn điện tắt phụt. May, thời chiến chúng tôi có sẵn đèn dầu. Ðối diện với ngọn đèn dầu vàng vọt, tôi nghe tiếng anh Trung nói với con chó:
- Sợ à. Bão đấy.
- Ðồ cao bồi. Mới tám tháng đã để râu rồi!
Tiếng trò chuyện ấy kéo tôi sang anh. Anh nằm nghiêng giữa sàn nhà, cái chăn sợi đắp ngang, phía trên tới cổ, phía dưới thò ra hai cẳng chân gầy guộc. Tôi nhìn quanh nhà: Không thấy Cún.
- Cún đâu anh?
Thay cho câu trả lời, anh cười và vạch cái chăn sợi. Hai tai nhọn, cặp mắt chớp chớp và cả cái đầu Cún hiện ra ngay trên cánh tay anh. Người và chó nằm đắp chăn ôm nhau trong căn buồng trống.
Tôi se lòng vì sự cô đơn ấy của con người. Trời thì cứ gầm thét, cuồn cuộn sôi sục, như muốn cuốn đi tất cả.
Tôi quyết định phải viết về Cún trung thực như tôi thấy, tuy chưa nghĩ được cái kết cục cho câu chuyện.
Nhưng cuộc đời đã giúp tôi. Cuộc đời bao giờ cũng mới mẻ, không lặp lại.
Anh Trung lại thu xếp một chuyến đi Hà Nội. Anh đi. Rồi anh không về. Mãi mãi không về nữa. Chị Trung với chúng tôi đi tìm anh mấy tháng ròng. Chiến tranh. Bom đạn trên đường. Tai nạn. Cạm bẫy. Cho đến nay anh vẫn chưa trở về. Anh vẫn là người mất tích.
Chị Thanh vẫn chờ đợi và hy vọng. Nhưng gần đây, chị đã lấy ngày anh đi làm ngày giỗ anh.
Anh đi được mấy ngày, Cún không chịu ăn cơm nữa. Cơm nóng có cả thịt. Chị Thanh đưa bát cơm vào miệng nó, dỗ dành:
- Ăn nào, Cún.
Cún quay đi. Rồi Cún bỗng đứng lên, chạy thong thả về phía cái chăn sợi. Nó ngửi. Có thể nói nó ngửi từng phân vuông một. Và nó nằm ghếch đầu lên cái chăn sợi ấy.
Cảnh tượng thật não lòng. Tôi chỉ mong chị Thanh khóc, nhưng nét mặt chị vẫn đanh lại, không cảm xúc.
Ngày nọ qua ngày kia, bát cơm dành cho Cún mỗi bữa đều vẫn còn nguyên vẹn. Cún chỉ uống. Cún uống nhiều nước. Uống xong lại trở về nằm ghếch đầu lên cái chăn sợi. Một sáng, chị Thanh vừa mở cửa, Cún đã lao xuống thang. Cún vẫn xuống vườn đi vệ sinh mỗi sáng nên không ai để ý. Nhưng Cún không lên nữa. Chúng tôi đi tìm. Hoài công. Các nhà, các ngõ chung quanh không ai nói trông thấy Cún. Ông "xuất khẩu" đạp xe đi xa hơn cũng không thấy.
Chúng tôi hiểu rằng Cún đi tìm anh Trung. Cún vượt sao được đường trường. Biết chủ nơi nào mà tìm hở Cún?
Ðiều đó khiến chúng tôi càng thương Cún. Nó sẽ sống với bọn chó hoang. Nó sẽ bị người ta đánh chết. Có thể nó còn bị hoá dại nữa...
Hai hôm sau, vào lúc đêm khuya, khi tôi đang ngủ, bỗng nghe thấy ai đó lên thang. Tôi tỉnh ngay. Hồi hộp đến nghẹn thở. Hay anh Trung về.
Tiếng lên thang không đều, ngắt quãng, nặng nhọc như người lò cò. Rồi có tiếng cào cào ở cửa buồng anh Trung.
Tôi bật điện, mở cửa.
- Cún.
Cún lấm bê bết, bẩn thỉu, nằm ệp xuống đất, lưỡi thè dài đỏ như máu, thở dốc, mắt lấm lét nhìn trộm tôi.
- Chị Thanh ơi! Cún.
Tôi và chị Thanh đứng nhìn con vật khốn khổ. Thấy căn phòng quen thuộc, Cún bật dậy nhưng như có ai đánh mạnh vào vai, nó sập xuống, ngực đập xuống sàn. Ðuôi ve vẩy, nó nhìn chúng tôi như biết lỗi. Nó cố nhoai vào nhà, đau đớn, quằn quại, móng chân cào trên sàn sào sạo. Ôi! Nó đã lê như thế bao nhiêu đường đất để về nhà?
Chị Thanh bế nó lên:
- Giời ơi! Sao thế này hở Cún.
Mắt nó nhắm nghiền. Nó rên. Chị đặt nó xuống sàn. Nó lại cố đứng, lần này hai chân trước đứng lên được, nhưng hai chân sau trượt trên sàn gỗ.
Chị Thanh bưng cho nó bát cơm. Ngửi hơi cơm, nó ve vẩy đuôi. Rõ ràng nó đói. Nó cúi xuống ăn, nhưng lại đổ sập xuống. Có lẽ nó bị xe quệt vào. Hay có ai đánh nó.
Tôi vuốt lớp lông vàng bẩn thỉu của nó. Cặp mắt nó liếc ngang nhìn tôi. Ðó là đôi mắt he hé, cam chịu. Chị Thanh khẽ cầm chân nó. Nhưng nó không chịu đựng được. Nó rên lên vì đau đớn.
Chúng tôi đều hiểu rằng nên để nó yên.
***
Liền hai ngày sau Cún vẫn không ăn. Số phận Cún đã được định đoạt. Ông "xuất khẩu" đưa đến hai anh lái chó. Nằm gối đầu lên chiếc chăn cũ, Cún ngửi thấy người họ, cái thòng lọng của họ sực mùi chó. Cún hiểu. Nhưng Cún không dậy được nữa, dù sau nhiều ngày không ăn, Cún vẫn là con chó to lớn.
Tôi trở về buồng mình, không dám nhìn cảnh Cún bị bắt đi.
Ðứng lặng ở giữa nhà, tôi căng mọi giác quan nghe ngóng, mỗi giây dài như vô tận.
Tiếng Cún kêu lên. Rồi tiếng Cún nghẹn lại vì bị buộc mõm. Và im lặng. Tim tôi nhói lên.
Tôi thấy họ xuống thang. Tôi không thể không nhìn Cún lần cuối cùng. Cún bị trói ngược hai chân trước, cái chân mà chị Thanh vừa chạm vào, Cún đã run lên vì đau đớn. Hai người khiêng Cún xuống. Tôi cảm thấy con ngươi ươn ướt của Cún nhìn tôi đờ đẫn. Ðó là cái nhìn vĩnh biệt.
Ông "xuất khẩu" đi phía sau chép miệng:
- Tiếc quá. Không bán sớm được mấy ngày. Hôm nay mới bán, mất nửa tiền.
Tôi sang chị Thanh. Chị ngồi úp mặt xuống gối, quay về phía lò sưởi, bất động. Tôi ngồi im trên ghế nhìn chị. Nhìn chung quanh. Nhìn cái áo sơ mi cũ của anh Trung vẫn treo trên mắc. Nhìn cái bát Cún vẫn ăn. Rồi lại nhìn chị Thanh vẫn ngồi gục đầu xuống hai cánh tay khoanh trên đầu gối. Lâu lắm...
Chợt chị ngẩng lên. Tôi thấy chị đầm đìa nước mắt. Ngước đôi mắt sưng húp về phía tôi, chị nói:
-Thế là hết cả rồi anh ạ.
28/4/1990 - 10/5/1990
(1) Nhân vật chính trong Sông Ðông êm đềm của Sô lô khôp (Liên Xô). Nô ben văn học.
(2) Một điểm xạ dài: Một tràng súng (liên thanh) dài.
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com