Năm 2023, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhạc sĩ Văn Cao, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật Đàn chim Việt nhằm tôn vinh tài năng của người nghệ sĩ lớn. Chương trình diễn ra lúc 20h00 ngày 20/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, truyền hình trực tiếp trên VTV1, đồng thời được livestream trên kênh YouTube, Website, Fanpage của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Chương trình Đàn chim Việt tập hợp những tác phẩm được biết đến của nhạc sĩ Văn Cao ở cả ba thể loại: Tình ca, hành khúc và trường ca như Thiên thai, Buồn tàn thu, Trương Chi, Làng tôi, Mùa xuân đầu tiên, Trường ca sông Lô, Tiến quân ca, Tiến về Hà nội, Chiến sĩ Việt Nam…
Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh cho biết: "Đêm nhạc Đàn chim Việt vượt qua chương trình nghệ thuật thông thường, là sự kiện nghệ thuật để người hâm mộ, người dân tưởng nhớ về chân dung người nghệ sĩ tài hoa ở nhiều lĩnh vực văn chương, nghệ thuật. Tài năng sáng tác của Văn Cao cũng như thành tựu nghệ thuật, đặc biệt là bài Tiến quân ca - Quốc ca của Việt Nam đã làm giàu có thêm cho kho tàng nghệ thuật dân tộc.
Đây là chương trình lớn, có chỉ đạo và phối hợp tổ chức của 5 đơn vị: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhằm tôn vinh tài năng của người nghệ sĩ lớn này".
Nhà thơ, hoạ sĩ Văn Thao - con trai nhạc sĩ Văn Cao - xúc động tại buổi họp báo: "Nhạc sĩ Văn Cao có nhiều tác phẩm được các chương trình dàn dựng. Chương trình nào làm về ông, gia đình đều rất tự hào. Đối với chương trình Đàn chim Việt, thực sự là 100 năm mới có một lần. Ông làm nhiều nhưng ở lĩnh vực nào cũng tìm tòi, sáng tạo, vươn lên cái đẹp, đi tìm cái đẹp trong giai điệu, ca từ và hội hoạ. Ba cái này kết hợp đã tạo nên một Văn Cao trong lòng quần chúng. Mỗi lần nghe các bài hát của bố vang lên, tôi đều xúc động".
Giám đốc chương trình - bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh - cũng là hàng xóm thân thiết của nhạc sĩ Văn Cao - chia sẻ rất tâm huyết với chương trình vì "vô cùng đặc biệt".
"Ông là người hàng xóm vĩ đại của chúng tôi. Chính vì thế, tôi yêu Quốc ca vô cùng. Lần nào nghe hay hát Quốc ca vang lên, tôi cũng khóc. Vì thế, tôi quyết tâm làm chương trình này", Giám đốc chương trình chia sẻ.
Giống như nhiều ca sĩ, Đào Tố Loan yêu và ngưỡng mộ âm nhạc của nhạc sĩ Văn Cao bởi "ẩn sâu bên trong những lời ca lãng mạn du dương, mơ mộng là những triết lý sâu sắc".
Tại họp báo, Đào Tố Loan bày tỏ vinh dự được ban tổ chức chương trình lựa chọn thực hiện album mang tên Mùa xuân đầu tiên nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhạc sĩ Văn Cao (15/11/1923-2023).
"Với tôi, đây là dịp để bày tỏ tình yêu và sự ngưỡng mộ dành cho âm nhạc và con người nhạc sĩ. Thật may mắn khi tôi đã được ca sĩ Tùng Dương tiếp thêm sức mạnh của người đàn anh đi trước, song ca cùng một ca khúc khiến tôi thêm tự tin hoàn thành album này”, ca sĩ Đào Tổ Loan chia sẻ.
Chương trình Đàn chim Việt có sự góp mặt của ê-kíp bao gồm: PGS.TS.Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chỉ đạo nội dung; Thiếu tướng, Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh - Chỉ đạo nghệ thuật; Tổng đạo diễn Phạm Hoàng Nam; Giám đốc âm nhạc Đỗ Bảo... Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Dàn Quân nhạc Đoàn Nghi lễ Quân đội, Dàn nhạc MUCA Trường Đại học VHNT Quân đội.
Các nghệ sĩ tham gia: NSND Quang Thọ, NSND Quốc Hưng, NSƯT Thanh Lam, NSƯT Đăng Dương, ca sĩ Ánh Tuyết, Mỹ Linh, Hà Trần, Tùng Dương, Lan Anh, Phúc Tiệp, Đào Tố Loan, Ngô Hương Diệp, Vũ Thắng Lợi, Nguyễn Thăng Long, Đào Mác, Yvol, Đỗ Tố Hoa, Thu Hằng, Bùi Trang...
Nhạc sĩ Văn Cao sinh ngày 15/ 11/1923 tại Lạch Tray, Hải Phòng, xuất thân trong một gia đình viên chức. Thuở nhỏ, Văn Cao học tại Trường tiểu học Bonnal, sau lên học trung học tại Trường Saint Josef, là nơi ông bắt đầu học Tân nhạc. Cuối những năm 30, Tân nhạc Việt Nam ra đời. Ở Hải Phòng khi đó tập trung nhiều nhạc sĩ tiên phong như Đinh Nhu, Lê Thương, Hoàng Quý… Văn Cao tham gia vào nhóm Đồng Vọng của Hoàng Quý cùng Tô Vũ, Canh Thân, Đỗ Nhuận… và bắt đầu sáng tác ca khúc đầu tay Buồn tàn thu vào năm 16 tuổi. Sau đó là một loạt các ca khúc lãng mạn khác: Bến xuân, Suối mơ, Thiên thai, Trương Chi… đều trở nên phổ biến. Năm 1942, Văn Cao rời Hải Phòng lên Hà Nội. Ông thuê căn gác nhỏ số 171 phố Mongrant – nay là 45 Nguyễn Thượng Hiền – và theo dự thính tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Văn Cao căn làm thơ, viết truyện trên Tiểu thuyết thứ 7. Năm 1943 và 1944, Văn Cao hai lần xuất hiện trong triển lãm Salon Unique tổ chức tại nhà Khai Trí Tiến Đức, Hà Nội với các bức tranh sơn dầu: Cô gái dậy thì, Sám hối, Nửa đêm. Tại căn gác số 171 phố Mongrant Văn Cao sáng tác Tiến quân ca. Tiến quân ca được in trên trang văn nghệ của báo Độc Lập tháng 11/1944. Ngày 13/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt Tiến quân ca làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Văn Cao làm phóng viên cho báo Lao Động. Sau đó, ông tiếp túc sáng tác các ca khúc nổi tiếng khác như Làng tôi (1947), Ngày mùa (1948), Tiến về Hà Nội (1949)... và đặc biệt là Trường ca Sông Lô năm 1947. Ông nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt I (năm 1996). Theo Vietnamnet |