chan_dung-ke_si

CON NGƯỜI SỞ KHANH - Truyện ngắn Phạm Duy Tốn

13-08-2023

Lượt xem 1131

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Phạm Duy Tốn Truyện ngắn hay

CON NGƯỜI SỞ KHANH - Truyện ngắn Phạm Duy Tốn

Từ trái qua: Phạm Duy Tốn, Phạm Quỳnh (chủ bút Nam Phong), Nguyễn Văn Vĩnh (chủ bút Đông Dương Tạp Chí) - Paris, Pháp năm 1922

Chân Dung Kẻ Sĩ: Phạm Duy Tốn (cha nhạc sĩ Phạm Duy) là một trong những trụ cột của Đông Dương Tạp Chí, tờ báo Tiếng Việt đầu tiên xuất bản ở Hà Nội do Nguyễn Văn Vĩnh phụ trách. Ông cũng là một trong những thành viên sáng lập của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, giảng dạy Pháp văn và Việt Văn trong phong trào này.

 

Thầy thông Ất làm việc ở sở... tỉnh, mới kết duyên với cô Giáp, là lệnh ái ông bá hộ Ðinh. Hai bên lấy nhau cũng là xứng đôi phải lứa. Thiên hạ chẳng ai chê cười điều gì. Thầy Ất đẹp trai, mặt mày nhẵn nhụi. Chàng vừa trạc tuổi thanh xuân; hình dung chải chuốt, áo quần bảnh bao. Cô Giáp, người mũm mĩm, trông cũng xinh xinh. Nàng đương xuân chỉ nhị đào, rượu nồng dê béo, ai nào chẳng ưa!
Nhà ông bá, bà bá cũng có, cho nên đám cưới to. Ðồ tư trang sắm đủ: vòng, xuyến, hột, hoa, mớ ba, mớ bảy, chẳng thiếu thứ gì. Giá người không kể, chỉ những đồ vàng cô dâu đeo ở trong mình, cũng đã ngót nghìn đồng bạc. Lại còn tiền hồi môn, kẻ đồn một nghìn, người nói năm trăm; nhưng thực sự thì chỉ có bốn gói mà thôi, mỗi gói là năm mươi nguyên (Ðồng, tiếng Hán) chẵn. Quý hóa lắm thay! Thầy Ất được cả người lẫn của! Thật là chuột sa chĩnh gạo...
Cưới xong, hai vợ chồng mới, dọn nhà ở riêng. Trừ lúc nào thầy thông đi làm việc thì thôi, còn khi ở nhà, hai người cứ bám chặt lấy nhau, không chịu rời ra một phút. Ngày đêm đóng kín cửa lại, vợ chồng hú hí với nhau: Loan ôm phượng, phượng bồng loan. Miệt mài trong cuộc truy hoan, trai tơ gái nõn, xuân đang mặn mà. Tha hồ vui chữ "nghi gia"!...

*

Cách ít lâu, một hôm chồng bảo vợ rằng:

- Mình ơi, mình với tôi, ta lên Hà Nội chơi một phen cho phỉ chí. Tôi sẽ đưa mình đi coi hát tuồng, đi ăn cao lâu; lên xem Quán-thánh, trại Hàng-hoa, xuống chơi Bôn-be, hồ Hoàn-kiếm. Thuê xe cao su dạo khắp nơi cho thỏa thích. Mình có ưng không ? Vợ hớn hở vui mừng, hỏi:

- Thế thì hôm nào đi?
- Ðể yên xem... Hôm nay thứ mấy?... Thứ tư, có phải không?... Vậy thì mai tôi xin phép, đến thứ bảy ta đi.
- Thật chứ?
- Thật.
- Ừ, thế thì nhẤt định thứ bảy đi, nhé!
- Nhất định.

Tối thứ sáu, vợ bảo chồng rằng:

- À này, mình ạ. Hai trăm bạc, tôi đem gửi thầy đẻ, nhé? Mang đi làm gì cho nó phiền, nhỉ?

Chồng đáp:

- Ừ, đem cả đi làm gì!... Ơ! Thế nhưng mà ngộ mình còn muốn mua bán sắm sửa gì nữa chăng? Bất nhược cứ đem quách cả đi cho tiện.
- Ừ, mà phải. Mấy khi lên Hà Nội, tội gì chẳng sắm? Ðể mai đổi cả lấy giấy, mang đi cho khỏi nặng.

Chiều hôm sau, lúc sắp ra tàu, bố vợ dặn rằng:

- Trong mình mang nhiều tiền bạc, đi đường phải cẩn thận lắm mới được. Tôi chỉ lo vợ chồng trẻ, mê ăn mê ngủ, mà ở tàu thủy, thì kẻ cắp như rươi.

Chàng rể thưa:

- Xin thầy đừng ngại. Con ở sở, lắm khi chủ giao cho bạc nghìn, giắt ở trong lưng, một mình con còn chẳng hề gì, huống hồ nay lại có cả nhà con nữa, thì thầy còn lo sợ gì!

Bà bá bảo rằng:

- Ấy ở nhà không sao, chứ đi tàu thì phải giữ. Tiền đã bỏ cả trong ví, mà để vào va-lít cẩn thận rồi, có phải không?... Thế thì những hoa, hột, vòng, xuyến, nhẫn của chị thông, cũng nên tháo hết ra mà cất vào trong va-lít ấy. Người ngồi đâu thì để liền ngay bên cạnh; hễ nằm thì gối đầu lên trên, nhé.

- Vâng, vâng.

Vội vàng miệng nói tay làm, bao nhiêu bộ cánh thu cả vào va-lít, chỉ để lại đôi hoa đeo tai mà thôi.

*

Tàu xúp-nê (Tiếng Pháp souffler: thổi còi), kéo neo, xịch xịch chạy. Hai giờ đêm, đến bến Hà-thành. Ðèn hiệu sáng trưng, cô thông nom cũng choáng mắt. Chồng bảo vợ rằng:

- Ta thuê xe cao su vào ô-ten (Tiếng Pháp hôtel: khách sạn) cho tiện.

Vợ ưng:

- Ừ, đi đâu cũng được. Nhưng mà có xa không?

Chồng nói:

- Không. Chỉ năm xu xe, chạy nhoáng một cái đến nơi ngay.

Rồi gọi:

- Cao su!... Hai cái!

Vợ lên một xe, chồng lên một xe. Xe vợ chạy trước, xe chồng chạy sau. Xe kéo rập rình, qua hết phố này sang phố khác. Ðêm khuya, đường sá vắng ngắt, thiên hạ ngủ im. Ðến Hàng-đào, phu xe hỏi:

- Ði cà-phê nào đây, cô?
- Tôi cũng chẳng biết nữa. Anh thử hỏi xe sau xem.

Phu xe ngoảnh lại, chẳng thấy bóng cao-su nào. Cô thông thò đầu ra, bảo quay xe lại; nhìn mãi cũng không thấy gì. Hai bên hàng phố, cửa đóng kín mít; bốn bề im lặng như tờ. Dãy đèn điện sáng choang, thăm thẳm một dải đường dài trắng xóa... Cô thông giật mình:

- Ô, hay! Xe kia đi vào đường nào?... Ðây là phố gì, hử bác?
- Phố Hàng Ðào.
- Bác có biết xe sau chạy ngả nào, không?
- Không biết!
- Chết chửa! Coi khéo chẳng lại lạc, nhé!...

Cậu cu-li (Tiếng Pháp: coolie: phu) giở giọng ngay:

- Ơ, hay! Có lẽ bây giờ cứ đứng giữa đường này, ư? Cô bảo tôi kéo đi đâu, chứ?
- Hãy khoan đã, bác. Thử đợi tí nữa, xem sao. Ngộ xe nhà tôi đi chậm chăng, vì còn mắc cái va-lít nặng.

Cu-li bèn nạc mỡ rằng:

- Thôi, mất câu rồi. Ðừng mong người với va-lít nữa. Hụt món này, ta lõng món khác vậy.
Cô ta nghe nói, lạnh gáy cả người; những lo ngay ngáy, bụng bảo dạ rằng: "Chết nỗi! Bây giờ làm thế nào đây? Bơ vơ phận gái, đêm khuya một mình ở nơi đẤt khách, biết nương vào đâu?... Mà chồng thì đi đường nào? Sao lại có lạc được? Lẽ đâu vô ý thế!...".

Còn đang lúng túng, thì có phu-lít (Tiếng Pháp: police: cảnh sát) đi qua hỏi: "Cái gì?" Cô kia vừa buồn, vừa hãi, thấp cao kể rõ sự tình. Phu-lít bảo: "Ði lên bóp!" ấy mới rầy rà! ấy mới thật là chết! Làm thế nào được bây giờ. Trời ơi?...May sao, giữa lúc ấy, có một thầy ra dáng làm việc Tây, cũng đi qua đó, thấy lôi thôi, đứng lại gần, xem. Thốt nhiên, thầy ta giương mắt trừng trừng, nhìn vào tận mặt người đàn bà mà hỏi:

- Có phải cô Giáp đấy không?

Cô Giáp ngạc nhiên, đổi lo ra mừng:

- Phải, tôi đây... Kìa, thầy Bính!...
- Chết rồi! Cô lên đây bao giờ?... Lên làm gì trên này?... Ði với ai?... Ðêm hôm khuya khoắt, sao lại chỉ có một mình thôi?
- Tôi vừa ở tàu thủy lên với nhà tôi...
- Vậy... thầy đâu?
- Xe tôi đi trước, xe nhà tôi đi sau. Bây giờ trông lại, không thấy đâu nữa. Dễ thường lạc rồi, thầy ạ.
- Hừ!... Lạ thật! Sao lại lạc được?

Thầy Bính nghĩ một lát, rồi lại đoán rằng:

- Hay là gặp anh em, còn đứng lại nói chuyện, chăng?... Nhưng cũng không có lẽ... Ai lại bỏ vợ bỡ ngỡ, đi một mình trong thành phố đêm khuya như vậy!... Thôi, để tôi nói với thầy đội. Xin mời cô hãy về tạm đằng nhà, nghỉ ngơi với mẹ cháu cho tiện. Rồi sáng mai ta sẽ liệu.

*

Mai cũng chẳng thấy gì; kia cũng chẳng thấy gì. Trong hai ba ngày, tịnh vô âm tín. Cô Giáp sốt gan sốt ruột. Hai vợ chồng thầy Bính trong lòng cũng áy náy mà phân vân: "Ô, hay! Tìm hết nơi này, hỏi hết chỗ kia, sao mà chẳng thấy tăm hơi đâu cả, là nghĩa làm sao? Kỳ thật!..."
Ðến ngày thứ tư nhân ngồi nói chuyện việc cưới mình, cô Giáp mới thuật lại cả đầu đuôi: "Chồng tôi nghe đâu như người ở tỉnh X (nguyên in: XXX). Cha mẹ mẤt sớm, mồ côi một mình, trước sau chẳng có ai cả; thân lập lấy thân. Thầy đẻ thương tình mà gả, chứ nào có phải rằng là tham của tham cải gì đâu! Vả chưng chồng tôi vốn là thanh bạch. Thôi thì nhờ trời, nhờ quan trên, có lẽ nay mai cũng lo được bổ vào làm việc Nhà nước. Tiền của bây giờ chẳng ngại, chỉ cốt lấy chút công danh với họ hàng làng nước. Nay hai vợ chồng đem nhau lên Hà Nội chơi. Có mang cả mấy trăm bạc đi nữa..."
Thầy Bính bèn hỏi rằng:

- Thế thì bạc ấy đâu?
- Ấy, nhà tôi giữ. Bỏ ở trong va-lít... Va-lít nhà tôi mang... Lại bao nhiêu đồ vàng của tôi, cũng để cả trong va-lít ấy.

Thầy Bính lắc đầu, thở dài nhìn cô Giáp mà nói rằng:

- Thôi, cô mắc lừa rồi, cô ạ.

Cô Giáp không hiểu:

- Mắc lừa ai?... Thầy bảo tôi mắc lừa ai?...
- Mắc lừa thằng bợm, chớ mắc lừa ai?... Nó cuỗm cả vàng lẫn bạc, nó tếch lên ngàn rồi... Sao lại tin cái đứa vu vơ, trên không chằng dưới không rễ thế?!...
- Nhà... nhà... nhà tôi ấy, ư?
- Chứ lại gì!

Cô Giáp chết điếng người. Ngồi lặng im một lát, rồi bưng mặt khóc òa lên:

- Trời đất ôi! Ngờ đâu con người thế, mà xỏ lá ba que!...
- Cô ơi, đời bây giờ thiếu gì những giống tốt mã dài đuôi, làm nghề cậu Sở!... Thôi đà mắc lận thì thôi, đi đâu chẳng biết con người Sở khanh!...

*

Cách hai ba tháng sau, dò la mãi, quả nhiên biết rõ tin rằng: cậu Sở ấy đồng mưu với một ả giang hồ, để lập cái kế tàn nhẫn này, mà lấy của và hại một đời người đờn bà đầu xanh tuổi trẻ. Xong rồi, hai đứa đem nhau đi trốn sang đâu Xiêm, Lào, để cùng vui hưởng cái của bất nhân bất nghĩa.

Phạm Duy Tốn

(tháng 2 năm 1919)

Cùng tác giả: SỐNG CHẾT MẶC BAY - Truyện ngắn Phạm Duy Tốn

Bài liên quan
  • KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ký sự Cao Lạng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được ghi nhận là một trong những tác phẩm dài hơi đầu tiên của nền văn học kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp, đại diện xuất sắc cho thể loại ký sự trong văn học sử Việt Nam thời hiện đại. Tác phẩm như một thiên sử thi, ghi lại những diễn biến lần đầu tiên Quân Đội Nhân Dân Việt Nam tiến công quân xâm lược Pháp, do đích thân Hồ Chủ Tịch ra trận chỉ đạo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đảm nhận trọng trách chỉ huy trưởng chiến dịch. Ký Sự Cao Lạng cùng với một số tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh (giải thưởng diễn ra 5 năm một lần) trong lần đầu tiên giải thưởng này được tổ chức năm 1996.
  • MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mùa Gụ là truyện ngắn trong tập Ngày mai sẽ nắng của nhà văn Trần Tâm, Nxb Kim Đồng in năm 2002.
  • ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chuyện của nhà văn gốc Cà Mau, về miền sông nước...
  • CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    Chuyến xe lửa đêm ra Bắc hôm nay có vẻ hấp tấp vội vàng như người đi trốn nợ. Thỉnh thoảng đầu xe lại thét vội giữa quãng đồng không, xa xa. Nghe như hơi thở của đêm vắng.
  • LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Làn gió chảy qua là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016.
  • THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Tháng Bảy là truyện không ngắn như những truyện ngắn khác mà nhà văn Phan Thị Vàng Anh thường viết, nó dài hơn hẳn. Truyện được viết khi tác giả tham dự chương trình viết văn của Đại học Iowa, Mỹ, đăng trên TTCT năm 1996.
  • HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn quê gốc Chợ Gạo Trần Kim Trắc, còn được biết đến với tên gọi Ông Thiềm Thừ, theo tên một truyện ngắn xuất sắc của ông, là một trong những cây đại thụ của văn chương Nam Bộ. Truyện nào của ông, cũng như gieo những cơn mưa Nam Bộ, thấm đẫm từng trải và bạt ngàn vốn sống lên văn đàn.
  • ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn Đảo của dân ngụ cư của nhà văn Đỗ Phước Tiến in trên báo Văn học và Dư luận năm 1992, ngay lập tức đã gây chú ý  tới đông đảo độc giả yêu mến văn chương. Năm 1994, Đảo của dân ngụ cư đã được dịch sang tiếng Pháp với tựa Terre des éphémères và được lấy làm tên cho một tập truyện xuất bản ở Paris. Truyện cũng được dịch sang tiếng Anh với tựa The Way Station trong tuyển tập Night, Again xuất bản tại New York năm 1996. Đến năm 2016, tại Việt Nam, nó được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên do Hồng Ánh đạo diễn.
  • THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH của Nhà văn Cà Mau Nguyễn Trọng Nghĩa in lần đầu trên báo Tuổi trẻ chủ nhật sau đó in trong tuyển tập Truyện ngắn hay Tuổi Trẻ Chủ Nhật, nhà xuất bản Trẻ 2005.
  • ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Nguyễn Đình Tú đến với văn chương từ cuộc thi Tác Phẩm Tuổi Xanh của Báo Tiền Phong năm 1995, với giải thưởng cho truyện ngắn Niềm vui của một dòng họ. Nhưng phải tới khi đạt giải nhì cuộc thi văn chương của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1999, anh mới chính thức rẽ vào làng văn và trở thành một trong những nhà văn thế hệ 197x viết nhiều và đa dạng thể loại thành công nhất hiện nay.