chan_dung-ke_si

CON CHỊ LỘC – Truyện ngắn Anh Đức

09-01-2024

Lượt xem 1517

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Anh Đức

CON CHỊ LỘC – Truyện ngắn Anh Đức

Nhà văn Anh Đức (1935-2014)

 

Trời đang có mưa.

Những người tù biết trời mưa khi họ vừa bị lùa ra khỏi khám. Họ đón lấy giọt mưa với nỗi sung sướng thầm lặng. Ngót một năm rồi họ bị nhốt kín. Sống với roi vọt và bóng tối, họ thèm ánh mặt trời, thèm mưa, thèm cỏ cây. Họ khao khát mọi thứ tầm thường nhất mà xưa nay thiên nhiên vẫn rộng lòng ban phát cho mọi người.

Quả là ai cũng muốn bước thật chậm. Người nào cũng muốn đặt bàn chân lâu lâu trên đất. Bởi vì họ hiểu rằng chẳng mấy chốc nữa họ sẽ xa đất rất lâu. Và có thể là sẽ xa đất mãi mãi.

Côn Đảo với họ ngày nào còn là một hòn đảo ghê rợn trong tưởng tượng thì bây giờ tất cả mọi hiện thực ghê rợn về hòn đảo ấy đã gần gũi lắm.

Nhưng cái khoảng cách giữa cổng khám và những chiếc xe đợi chờ họ đi đâu có xa. Nên dẫu họ có đi chậm mấy, dẫu họ có nuối tiếc, cuối cùng rồi cũng không thể giữ được mãi hơi hướng của đất dưới đôi bàn chân.

Người tù lê bước đi sau hết là một phụ nữ có mang. Trong bóng tối, chị thu hai cánh tay bị còng lên ngực, ngửa mặt đón lấy hạt mưa. Một người đi trước ý chừng sợ chị té, quay lại hỏi:

- Chị Lộc, chị đâu rồi?

- Tôi đây!

Chị đáp, và đi tới ánh sáng của một chiếc đèn "pin" chiếu thẳng vào mặt chị. Tên lính vừa bấm đèn đó quát:

- Sao đi chậm vậy, hả?

Dĩ nhiên là tên lính ấy không hiểu lý do về sự đi chậm của chị. Hắn đâu hiểu nỗi mừng rỡ của chị khi bắt gặp những giọt mưa rơi xuống. ánh đèn pin vẫn chưa tắt trên khuôn mặt người phụ nữ. Trông chị chưa quá hăm tám. Khuôn mặt trái xoan thon thả và xanh xao kia, cái đôi mắt sáng không chớp kia có cái gì rất đỗi trang nghiêm, vượt lên trên số phận tù tội của chị. Dường như chị không thấy có tên lính cùng tiếng quát của hắn. Tên lính thì lại nhận ra đó là một thái độ bướng bỉnh. Hắn vung khẩu tômxơn lên. Nhưng có tiếng người nói sau lưng:

- Đừng, chị ấy có thai!

Cũng chẳng rõ ai nói. Một người tù nào đó. Sau câu nói, mọi người đinh ninh một trận đòn sẽ xảy ra. Nhưng không, tên lính không đánh ai cả.

- Chị Lộc, chị mệt lắm không?

- Không sao. Giờ tôi thấy dễ chịu hơn. Mưa mát quá!

Xe hơi chở họ chạy đi. Mưa rơi lộp độp trên mui xe phủ vải bạt. Trận mưa đêm gợi cho người đi đày nhiều nỗi nhớ. Người nào cũng im lặng nghĩ đến vợ, đến con, nghĩ đến những người đồng chí thương mến đã cùng sống với mình qua những phút gian lao.

Chị phụ nữ mang thai ngồi bẹp dưới sàn xe. Hai tay chị đặt nơi bụng. Chị nghe tiếng mưa rơi rõ hơn tiếng ù ù của xe chạy. Từng giọt mưa cứ thấm vào lòng chị nỗi lo âu lạnh giá. Chị đang nghĩ đến đứa con. Đêm nay lại bắt đầu những thử thách mới, gian khổ khôn lường. Một câu hỏi luôn luôn ám ảnh chị: "Liệu con mình còn sống được không? Liệu mình còn gìn giữ được nguồn hy vọng tươi sáng mà bấy lâu mình mong đợi không?

Thật mong manh quá.

Sự sống của người đi đày vốn đã mỏng manh rồi, nói chi đến sự sống của đứa bé phải ra đời trong cảnh đi đầy. Cách đây mươi bữa, cơn phong ba ở Phú Lợi đã thổi qua đầu chị. Nay sẽ là biển cả nổi sóng, là hòn đảo chết cứ mỗi lúc một hiện ra, đen sạm. Nay không những chị phải vượt biển mà chị còn phải vượt cạn, vượt qua tất cả những gì tàn bạo nhất của kẻ thù dành cho chị và đứa con của chị. Đứa con! Ôi hai tiếng ấy có những mãnh lực gì, hai tiếng ấy có những tình yêu và hy vọng gì mà tự thuở còn con gái chị đã nghe nó từ xa. Có chồng rồi, chị Lộc nghe tiếng ấy gọi dậy trong lòng. Có lẽ như hầu hết những người con gái Việt Nam khác, trời đã phú sẵn cho chị tấm lòng của người mẹ ngay từ lúc chị chưa biết tình yêu. Chị không thể hiểu được khi nghe nói có những người đàn bà thành phố không muốn đẻ con, nuôi con. Họ chỉ thích kéo dài cuộc sống son rỗi, nhàn hạ. Chị không hẳn là những người phụ nữ thành thị, cũng không hẳn là người phụ nữ nông thôn. Chị có sống ở cả hai nơi. Nhưng bất kỳ ở đâu, sao chị cũng ham bế đứa con trẻ trên tay. Với chị, tiếng khóc của đứa trẻ nào mới sinh chị nghe cũng nô nức. Chị có chồng hơi muộn. Hứa hẹn với nhau thì lâu, nhưng làm lễ cưới chậm. Có chồng được vài tháng, trong một đêm vợ chồng nằm áp mặt vào nhau, chị thủ thỉ bảo chồng rằng: "Anh ơi, nếu có đẻ con nhiều thì hai đứa mình rán nuôi nghe, đừng để sơ sẩy đứa nào nghe!" Anh Lý, chồng chị, chẳng nói sao cả. Nhưng chị biết, dù đêm tối, chị biết anh ấy cười. Người tỉnh ủy viên đó hay có cái nụ cười tủm tỉm như thế. Bây giờ anh ấy ở đâu? Chị cũng không rõ. Đời cách mạng, chồng một nơi, vợ một nẻo. Lúc thụ thai được một tháng chị bị bắt. Trước những miếng đòn khảo tra của bọn công an, chị cố tìm cách tránh né sao cho đừng trúng bụng. Có hai cái chị gìn giữ cẩn thận nhất. Đó là những bí mật của Đảng và đứa con. Nhưng bí mật của Đảng thì chắc chắn giữ được, chớ miếng đòn kẻ địch đánh lên thân thể thì không sao tránh xiết được.

Sau những lần bị tra tấn, chị thường soát lại coi mình có nói câu gì có hại cho đoàn thể không. Rồi chị bình tĩnh để ý nghe coi cái thai có bị hề hấn gì không.

Độ này đứa bé chòi đạp mạnh khiến chị đau lói, choáng váng. Tính ra thì cũng đã gần ngày. Đứa bé đi vào nhà tù khi nó chớm tượng hình người. Thế là những dự định nho nhỏ của chị cũng không thể có được nữa rồi. Một chiếc nôi đan bằng mây, một cái mũ len xanh da trời nếu chị sanh con gái. Cái mũ sẽ đỏ tươi nếu chị đẻ con trai. Làm sao có thể có được trong cái cảnh đi đày này những tấm tã trắng, chùm vải ngũ sắc treo trên nôi, nhịp võng đưa nghe kẽo kẹt, và nhất là nụ cười của chồng khi anh ấy cúi xuống bên con...

Ngồi trên xe dẫn ra cái bến biển đày ải, chị Lộc chụm hai khuỷu tay bị còng lại đặt lên bụng, như giữ lấy đứa con cho nó khỏi bị xốc.

Cơn mưa mỗi lúc một to. Trong xe tối quá, ngột ngạt quá. Chị Lộc ước: "- Phải chi tấm vải bạt kia trụt hở ra một chút thì thật là sướng". Chị muốn thở một cái. Nhưng biết làm sao. Tấm vải bạt nọ móc vào mui xe bởi những chiếc móc sắt rất khít khao. Mà tay người nào cũng bị xiềng cả. Có muốn mở cũng không được.

Lát sau chị Lộc chợt thấy có tay ai quờ quạng chạm lên tay mình. Tiếp theo đó là một giọng nói khàn khàn.

- Con có mệt lắm không?

Chị Lộc nhận ra ngay ông Sáu, người tù cao niên nhất đã ở tù chung với chị tại Phú Lợi. Chị đáp:

- Con hơi ngột... Bác Sáu có ngột không?

Ông già an ủi:

- Rán một chút nữa cháu. Gần tới rồi!

- Tới đâu?

- Chắc là nó đưa mình tới bên Ba Son.

Ông già trả lời. Mấy ngón tay gầy của ông đưa đi đưa lại vuốt vuốt bàn tay Lộc. Một nỗi xúc động kỳ lạ dâng lên trong người chị. Khi những ngón tay gầy guộc khô chai đó rờ rẫm tay chị, và cái còng nơi cổ tay ông già chạm phải cái còng trên cổ tay chị bật lên một tiếng kêu.

Còng số tám U.S.A. Cái nào cũng hệt như nhau. Nhưng hai bàn tay thì thuộc hai thế hệ khác.

"Đứa con trong bụng mình lại là một lớp người sau nữa". Chị Lộc nghĩ.

Trong một chuyến đi đày mà có tới ba lớp người đẻ trước sinh sau. Chị tự hỏi: "Liệu cái còng trên tay mình và tay bác Sáu sau này có còn siết lấy cổ tay con mình nữa không?" Trả lời câu hỏi đó của chị là tiếng xe hãm rít ở phía trước. Rồi chiếc xe chở chị cũng đột ngột dừng lại. Mọi người bị ngã quỵ vào nhau. Có tiếng giày đinh từ trên xe nhảy xuống, giẫm lạo xạo trên đá sỏi.

Tên lính đi ra sau xe mở tầm vải bạt. Mọi người trong xe nhỏm dậy. Tên lính gầm gừ:

- Chưa xuống đâu, đợi đó!

Chị Lộc đã thở được một hơi. Chị thấy trong người dễ chịu hơn. Ông Sáu kêu:

- Đúng là bến Ba Son rồi!

Dưới ánh sáng của những bóng điện mắc trên lưới thép gai giăng quanh, chị Lộc thấy những tên lính gác cắp súng đứng liền nhau. Sóng sông Sài Gòn vỗ ì oạp vào bờ đá. Hai chiếc tàu sắt đậu lù lù dưới bến, mõm há ra. Những xe trước rú lên, ghé đít vào sát bửng sắt của con tàu bây giờ biến thành cái cầu.

Những người tù nhảy xuống, hai tay bị còng cứ thu thu nơi ngực. Chiếc tàu nuốt lấy hết người này đến người khác. Cái mõm tham lam ấy chứa đến bảy tám xe người mà vẫn chưa chịu đóng lại.

Chiếc xe chị Lộc quay đầu, chạy lùi về mõm tàu. Tên lính thét:

- Xuống!

Mọi người đều nhảy, trừ chị Lộc. Chị không dám nhảy. Có hai anh ghé vào đỡ chị xuống. Tên lính liền thúc báng súng vào lưng họ, khiến họ ngã chúi. Họ coi đó là sự thường, lồm cồm ngồi dậy.

Đám người bị lùa xuống tàu sau những họng súng garăng lắp lê sáng loáng. Chị Lộc lần đầu bước lên tàu há mồm. Chạy trên tấm sắt dày, chị nghe lạnh ngắt bàn chân. Xuống đây đèn bật sáng lên, tù được tháo còng, để rồi liền đó họ bị cùm chân vào những thanh sắt dài thượt sơn đen đặt trên sàn tàu. Đó là những thanh quyện văn minh nhất mà người Mỹ đã chế tạo.

Chị Lộc đút chân vào cái quyện sắt ấy rồi, bỗng thấy trong người bần thần khó chịu. Chị khẽ tựa vào lưng một người ở phía sau.

Hầm tàu quả là một cái dạ dày háu đói đến tàn nhẫn. Nó cứ nuốt lấy những người tù bị lùa chạy qua tấm sắt. Đến lúc nó không thể nào chứa thêm được nữa thì hai sợi dây lòi tói lớn bằng bắp tay từ từ móc lôi tấm bửng sắt lên. Mõm tàu khép lại. Tiếng lòi tói, tiếng sắt khua động rền rĩ. Đó là tiếng còi chào giã bến của những tàu loại này.

Đèn trong hầm tàu cũng tắt nốt.

Tàu xình xình lướt đi trên mặt sông Sài Gòn. Chị Lộc cắn chặt môi giữ cho mình khỏi khóc. Bị tra tấn chị chẳng hề ứa một giọt nước mắt. Vậy mà bây giờ chị muốn khóc làm sao. Chị rưng rưng nhớ tuổi nhỏ, nhớ má chị, nhớ tình yêu hé ra trong những ngày đen tối. Giây phút ấy chị thấy lại cái bến sông mà chị thường giặt giũ gội tóc. Chị cảm thấy tay mình như còn ấm nóng cái bàn tay âu yếm vụng về của anh Lý, mới ngày nào vừa cầm dắt chị đi qua một cánh đồng. Chị còn nhớ gió chiều thổi lật những gốc rạ, và phía chân đồng như hãy còn ầm ĩ vọng lại bên tai chị tiếng sấm báo hiệu trời sắp sa mưa.

Con tàu sình sình trườn đi trong đêm tối. Tiếng ồn ào của thành phố im dần. Cuối cùng Sài Gòn chỉ còn dậy lên rào rào như một tổ ong. Sóng nước vã lách chách vào mạn tàu. Cứ mỗi lúc chị Lộc nghe tiếng sóng vỗ mạnh hơn. Tàu bắt đầu bị nhồi lắc.

- Biển rồi!

Một người trong hầm tàu kêu lên.

Tiếng kêu như một lần nữa báo cho những người đi đày biết rằng cái gì ở lại sau lưng đều đã ở lại. Gió lùa qua các cửa sổ tròn. Chị Lộc sợ nhận lầm, nên chị nhổm lên nhìn. Sau cửa, chỉ có đêm đen, với những lượn sóng bổ nhào, đầm đìa ánh sáng.

"Ra tới biển thật rồi!". Chị tự nhủ và ngồi xuống. Nhưng bấy giờ chị thấy bụng hơi đau. Rồi cơn đau bất ngờ oặn lên khiến chị lặng người đi. Hai tay chị bíu lấy thanh sắt quyện chân, mồ hôi vã ra hai bên thái dương. Trạng thái cơ thể báo cho chị biết rằng đây không phải là một cơn đau bụng thường. Chị gắng chịu cho tới lúc không dám im chịu nữa. Chị phều phào gọi:

- Mấy anh ơi!

- Gì đó?

- Tôi đau quá!

- Ai? Chị Lộc hả, sao?

Những đôi bàn chân đưa tới, sờ soạng trong bóng tối tìm chị. Tiếng ông Sáu hỏi:

- Con Lộc hả? Sao đó con?

- Dạ, con đau bụng quá. Có lẽ...

Ông già không đợi Lộc nói nữa, quát luôn:

- Ai ở gần cửa đập cửa kêu tụi nó coi! Nói có người chuyển bụng đẻ...

Tấm cửa sắt ngăn hầm tàu và những căn phòng ở phía trước bị gót chân người giậm rầm rầm. Người giậm cửa có lẽ mỏi cả chân rồi mà cánh cửa vẫn không động đậy.

- Chắc tụi nó ngủ. Đạp mạnh nữa đi!

Tấm cửa sắt lại bị những người gần đấy đạp dữ dội. Lát sau cánh cửa kêu rít lên. Đèn trong hầm tàu bật sáng. Tên lính thò đầu qua khe cửa mở hé, hỏi:

- Làm cái gì om sòm vậy?

- Có một người phụ nữ chuyển bụng đẻ.

Tên lính trố mắt:

- Đẻ hả! Ai đó?

- 1090

- Thiệt là rắc rối quá. Thôi để tôi báo trung úy. Tên lính rụt đầu vào. Những người trong hầm tàu sốt ruột chờ hắn trở lại. Chị Lộc bây giờ đã nằm xuống hầm tàu. Mà chân trái chị vẫn bị giữ trong quyện sắt.

Tên lính đã trở lại. Lần này có cả tên trung úy đi theo. Hai tên lách mình qua cửa. Tên trung úy quay sang nói gì với tên lính. Tên lính liền móc xâu thìa khóa cúi xuống ở thanh cùm bên phía chị Lộc và hất hàm:

- Số 1090, rút chân ra nghe!

Chị Lộc từ từ rút chân mình ra.

Thanh cùm lại đóng khép những bàn chân kia lại. Tên trung úy nói:

- Trên tàu không lo được chuyện chửa đẻ!

- Y tá của các ông đâu?

- Không có y tá!

Giữa đám đông người bỗng có một cánh tay giơ lên:

- Tôi làm việc đó được. Mở cùm cho tôi!

Người vừa nói ngồi tận trong xó tàu. Sự lên tiếng của anh ta đem lại hy vọng cho cả hầm tàu. Tên trung úy ngó lơ chỗ khác một lúc rồi day lại hỏi:

- Thằng nào mới nói đó?

- Tôi, 1212!

- Mày biết làm cái nghề đó à?

- Biết.

Tên trung úy đứng lưỡng lự một chốc rồi bảo tên lính:

- Mở cho nó ra!

Chùm chìa khóa lại khua lên. Tên lính mở thanh cùm sắt trong vách tàu cho người tù số 1212 rút chân ra.

- Chúng tôi xin đi thêm hai người nữa!

Hai anh ngồi cạnh anh 1212 vừa nói vừa rút chân ra luôn. Tên trung úy thét:

- Không, không được!

Tên lính nói nhỏ vào tai tên trung úy:

- Thưa trung úy, cứ cho tụi nó đi. Hai thằng đó có thể nấu nước.

Mọi người lao xao:

- Ông không có y tá thì để chúng tôi giúp đỡ nhau.

Tên trung úy cười gằn:

- Mấy người giỏi gánh vác cho nhau lắm... Thì cứ đi theo mà gánh vác. Nhưng tôi cho hay phải lo chỗ nằm cho chị ta đó. ở trên đẻ thì được chớ không nằm được đâu!

Ba người tù bước ra. Họ tiến đến chỗ chị Lộc, đỡ chị dậy, dìu đi. Sóng biển bây giờ xô mạnh hơn. Con tàu chao lắc quá, nên bước đi của họ cũng rõ là vất vả hơn. Họ miết ngón chân xuống sàn tàu, người nghiêng nghiêng.

Cánh cửa sắt khép lại.

Khi bốn người đã đi, không khí trong hầm tàu có cái gì không giống trước. Đành là tên lính không tắt đèn. Do đó mà hầm tàu có ánh sáng. Nhưng cái khác trước đây là mọi người đều ngồi dậy cả. Những tiếng nói lào xào:

- Cho hai người đi thêm là rất hay!

- Phải rồi, tin tụi nó đâu được.

- Quân khốn nạn quá. Chị em có chửa xin hưỡn lại đẻ cũng không được. Thằng Diệm mà chết thì mả của nó rồi cũng bị trời đánh tét hai như mả ông già nó thôi!

- Tôi sợ thằng nhỏ khó sống. Cô ta bị nó đánh cũng nhiều...

- Trời ơi... Mong sao mẹ tròn con vuông. Ra đảo rồi thì tụi mình cố mà đùm bọc cho hai mẹ con...

Mọi người nguyền rủa, bàn bạc lo lắng. Ngót ba trăm con người ấy đang hồi hộp đón đợi sự ra đời của một con người. Họ chờ cánh cửa nhích ra. Khi mà biển cả trong đêm thâu vẫn gào lên. Và gió rú dữ dội. Gió xát vào mạn tàu, thổi hù hù qua các cửa sắt. Những người đi đày chợt quên khuấy cái hòn đảo khủng khiếp mà con tàu sẽ đưa họ đến trong ngày mai. Bây giờ hầu như không ai nghĩ tới hòn đảo chết chóc ấy nữa. Cả hầm tàu nghĩ tới đứa bé, và người mẹ của nó. Họ hy vọng và họ ngờ vực. Đêm đi đày không im lìm tăm tối nữa. Hình như đêm bị đánh thức, sáng lòa từ lúc ông già Sáu thét người đạp cửa, anh 1212 lên tiếng - "Tôi làm việc đó được!" và hai anh khác tự động rút phắt chân ra khỏi cùm, đứng dậy.

Một người ở cạnh chỗ chị Lộc nằm ban nãy nói:

- Giờ phải sửa soạn chỗ nằm cho hai mẹ con chớ!

Người đó nói đoạn liền cởi áo của mình ra, lặng lẽ trải lên khoang tàu.

Người thứ hai bên cạnh cũng làm y như vậy. Người thứ ba, rồi người thứ tư cởi áo mình chuyền lại. Cứ thế, loáng sau chỗ đó đã lợp thành nệm. Một cái nệm tạo nên bằng những tấm áo tù có in ba chữ tắt C.T.P. Đến lúc người tù trải áo kêu lên: "Thôi, thôi, nhiều quá rồi!" Thì những tấm áo vẫn còn chuyền tới trên tay. Và người ta vẫn còn cởi áo.

Những ai sau khi đã cởi áo của mình ra quả là họ thấy có lạnh hơn, nhưng lại thấy yên lòng hơn lúc còn mặc áo.

Không biết con tàu đã vượt thêm bao nhiêu dặm biển nữa rồi. Thời gian có vẻ đi chậm lại. Ai cũng bồn chồn tự hỏi:

- Sao lâu quá chẳng biết có chuyện gì xảy ra không?

Mọi người nôn nao muốn chạy lại kéo cửa mà tìm tới chỗ chị Lộc. Nhưng thanh quyện sắt giữ chặt chân họ. Làm sao mà chạy đi cho được.

Bọn người ở Bắc Mỹ chế cây cùm phải nói là khéo. Chỉ vài thanh sắt thôi mà giữ được cả trăm con người.

Nhưng những con người ở đây không chạy được thì họ cũng chẳng chịu yên. Họ dùng một chân còn lại đạp cửa. Cánh cửa sắt lại tung lên rầm rầm. Nhưng nó vẫn không mở ra.

Thình lình giữa lúc ấy có tiếng thét từ bên cửa vọng lại. Rồi có ai ngã dúi vào cửa. Mọi người trong hầm tàu đều nhổm lên. Bên kia cửa hình như có tiếng giày đinh nện xuống sàn tàu lốp cốp, tiếng đấm đá huỳnh huỵch, tiếng giằng xé, la lối, gầm ghè. Đột nhiên, cánh cửa mở xịch ra. Người mở cửa không phải tên lính mà là một trong số hai người tù ban nãy. Anh ta rán sức kéo cánh cửa. Còn tên trung úy và mấy tên lính thì đang cố ghì lại. Thừa cơ hội đó, anh tù 1212 bế đứa bé đỏ hỏn chun lòn qua cửa. Anh ta chạy bổ vào giữa đám người trong hầm tàu. Tên trung úy và mấy tên lính lảo đảo rượt theo. Nhưng mọi người đã cản chúng lại. Anh tù 1212 nói qua hơi thở hổn hển:

- Nó... nó tính liệng thằng nhỏ xuống biển.

- Trời...

Cả hầm tàu gầm lên. Tức khắc tên trung úy và mấy tên lính bị lôi té sấp xuống. Chúng bị những người tù đè chặt. Tên trung úy bị một bàn tay siết lấy cổ họng. Hắn kêu ằng ặc. Khi ông già Sáu quay lại thì thấy đôi mắt tên trung úy đã trợn ngược. Ông nói:

- Buông nó ra!

Bàn tay đang bóp cổ tên trung úy từ từ nới nhẹ. Tên trung úy nghẽo vật cổ, lưỡi thè lè trông rất ghê sợ.

Hắn đã tắt thở.

Chiếc tàu đó không bao giờ đi tới Côn Đảo. Cơn phẫn nộ đã đẩy những người tù tới hành động mà họ không tính trước. Sau khi chuồi cái xác tên trung úy qua cửa sổ, những người tù bắt tên lính mở cùm. Họ trèo ra khỏi hầm tàu, bắt hết bọn lính trói lại, rồi kề súng buộc tên cầm lái chạy về hướng mũi Cà Mau.

Đến trưa hôm sau, chiếc tàu rướn vào bãi cạn Viên An, mỏm đất chót vót của Cà Mau. Những người tù đổ xăng đốt chiếc tàu. Họ lùa bọn lính lên bãi đước mới mọc, và bồng theo cả đứa bé oa oa khóc.

- Cho đến bây giờ, đứa bé cũng hãy còn. Nó đã lên bảy, mập mạnh và rất nghịch ngợm. Giá như mẹ nó không nói thì tôi cũng chẳng biết nó được sinh ra trong cái đêm dữ dội ấy đâu.

1964

Bài liên quan
  • KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ký sự Cao Lạng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được ghi nhận là một trong những tác phẩm dài hơi đầu tiên của nền văn học kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp, đại diện xuất sắc cho thể loại ký sự trong văn học sử Việt Nam thời hiện đại. Tác phẩm như một thiên sử thi, ghi lại những diễn biến lần đầu tiên Quân Đội Nhân Dân Việt Nam tiến công quân xâm lược Pháp, do đích thân Hồ Chủ Tịch ra trận chỉ đạo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đảm nhận trọng trách chỉ huy trưởng chiến dịch. Ký Sự Cao Lạng cùng với một số tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh (giải thưởng diễn ra 5 năm một lần) trong lần đầu tiên giải thưởng này được tổ chức năm 1996.
  • MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mùa Gụ là truyện ngắn trong tập Ngày mai sẽ nắng của nhà văn Trần Tâm, Nxb Kim Đồng in năm 2002.
  • ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chuyện của nhà văn gốc Cà Mau, về miền sông nước...
  • CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    Chuyến xe lửa đêm ra Bắc hôm nay có vẻ hấp tấp vội vàng như người đi trốn nợ. Thỉnh thoảng đầu xe lại thét vội giữa quãng đồng không, xa xa. Nghe như hơi thở của đêm vắng.
  • LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Làn gió chảy qua là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016.
  • THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Tháng Bảy là truyện không ngắn như những truyện ngắn khác mà nhà văn Phan Thị Vàng Anh thường viết, nó dài hơn hẳn. Truyện được viết khi tác giả tham dự chương trình viết văn của Đại học Iowa, Mỹ, đăng trên TTCT năm 1996.
  • HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn quê gốc Chợ Gạo Trần Kim Trắc, còn được biết đến với tên gọi Ông Thiềm Thừ, theo tên một truyện ngắn xuất sắc của ông, là một trong những cây đại thụ của văn chương Nam Bộ. Truyện nào của ông, cũng như gieo những cơn mưa Nam Bộ, thấm đẫm từng trải và bạt ngàn vốn sống lên văn đàn.
  • ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn Đảo của dân ngụ cư của nhà văn Đỗ Phước Tiến in trên báo Văn học và Dư luận năm 1992, ngay lập tức đã gây chú ý  tới đông đảo độc giả yêu mến văn chương. Năm 1994, Đảo của dân ngụ cư đã được dịch sang tiếng Pháp với tựa Terre des éphémères và được lấy làm tên cho một tập truyện xuất bản ở Paris. Truyện cũng được dịch sang tiếng Anh với tựa The Way Station trong tuyển tập Night, Again xuất bản tại New York năm 1996. Đến năm 2016, tại Việt Nam, nó được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên do Hồng Ánh đạo diễn.
  • THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH của Nhà văn Cà Mau Nguyễn Trọng Nghĩa in lần đầu trên báo Tuổi trẻ chủ nhật sau đó in trong tuyển tập Truyện ngắn hay Tuổi Trẻ Chủ Nhật, nhà xuất bản Trẻ 2005.
  • ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Nguyễn Đình Tú đến với văn chương từ cuộc thi Tác Phẩm Tuổi Xanh của Báo Tiền Phong năm 1995, với giải thưởng cho truyện ngắn Niềm vui của một dòng họ. Nhưng phải tới khi đạt giải nhì cuộc thi văn chương của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1999, anh mới chính thức rẽ vào làng văn và trở thành một trong những nhà văn thế hệ 197x viết nhiều và đa dạng thể loại thành công nhất hiện nay.