19-09-2023
Lượt xem 1117
Đánh giá 0 lượt đánh giá
Mẹ hối hả đến tìm tôi với bức điện: "Em chuẩn bị lên tàu, chiều mai sẽ về đến nhà".
- Đi đi con, có nhẽ bây giờ tàu đã về đến ga rồi - mẹ tôi giục.
Tôi cắm đầu cắm cổ đạp. Chiều lưng lửng buông từng giọt nắng hanh vàng qua kẽ lá, rơi xuống con đường làng lát gạch nghiêng. Nắng leo reo như những vụm lửa nhảy nhót trên tay tôi.
Từ đằng xa, tôi đã nhìn thấy cô. Cô đứng bên túi đồ đạc to tướng, ngóng lên đường. Sân ga tấp nập kẻ đưa người đón.
- Cô - tôi hét tướng, vừa chạy vừa dắt xe qua cửa ga, lao đến cô.
- Lê, bà sao rồi? - Cô hỏi hấp tấp.
- Bà đỡ nhiều rồi cô ạ. - Tôi nói nhanh để cô yên tâm.
- Có thế chứ - cô thở phào - Ngồi trên tàu cô cứ nhấp nhỏm như ngồi đống than. Chỉ sợ... về không kịp.
Nhìn cô bơ phờ, mắt đỏ hoe, tôi hiểu rằng cô đã khóc rất nhiều.
- Cô ra đây thì nhà cửa với các em thế nào? Hai mươi nhăm tết rồi!
- Anh em nó lên bà nội ở, ngày ngày các chị đưa đi học. Nhà thì cô khoá, thi thoảng bà nội qua lại trông nom. Lê này, bà ốm đã lâu chưa?
- Dạ, đã vài tháng. Đợt rét vừa rồi bà qụy hẳn, tưởng đi. Bố mẹ cháu bảo điện cho cô về. Hai hôm nay nắng ấm, bà khá nhiều, bữa ăn được lưng bát cháo.
- Lạy trời bà qua được mùa rét năm nay. Cô tính ở nhà lâu lâu chăm cho bà khoẻ hẳn. Sang xuân ấm lên là yên chí được rồi.
Tôi đèo cô đi lối tắt cho gần. Đến ao sen đầu làng cô bảo dừng xe để cô rửa chân tay. Nước trong văn vắt lên bắp chân cô trắng ngần. Cô đứng lâu, lâu lắm, ngắm nghía dậu cúc vàng rực, vấn vít những tơ hồng.
- Cô Hay về, chúng mày ơi, cô Hay về - Bọn trẻ con vừa hò reo, vừa chạy theo cô cháu tôi. Chả hiểu ai bảo mà chúng nó biết tên cô nhanh thế!
- Ô, cô Hay phải không? Gớm, u cô mong mãi, về mau đi - bà Hoè đon đả.
- Chào các bà, các bác, chào ông... cô tôi luôn miệng cười tươi.
- Cô ấy cứ đẹp ra, trẻ reo rẻo, trẻ hơn hồi năm kia đem thằng con về, các bà nhẩy! - Thím Xèng hể hả.
Bà mừng quýnh, đôi mắt mờ đục rớm nước, ánh lên những tia sáng. Cả xóm kéo đến chật nhà. Cô tôi chia kẹo khắp lượt cho bọn trẻ.
Cô tôi bây giờ là Huê - Thanh Huê. Hay là tên ngày xưa, trước khi cô tôi đi Nam. Bố tôi, cô tôi, chú tôi đều là anh em ruột, nhưng không phải là con đẻ của bà tôi.
Trước khi lấy bà tôi, ông tôi còn nghèo lắm, chỉ được cái đẹp giai, lành nhất xóm, ai cũng quý, thường gọi là cu Tiếu. Bố mẹ ông tôi không lấy một tấc đất cắm dùi, suốt đời đi cày thuê, cuốc mướn. Bà tôi sắc sảo khôn ngoan mà cao lớn, trắng trẻo. Bà mê ông tôi lắm. Bao nhiêu đám ngấp nghé, bà chả thèm đếm xỉa, một mực chỉ lấy anh Tiếu! Cụ tôi bực lắm, gả bán qua quýt, gần như để bà theo không ông tôi. Sau sợ con gái đói khổ, cụ cho hai sào ruộng, bà tôi nhất quyết không nhận. Có đôi khuyên tai tích cóp làm vốn từ thời con gái, bà bán phăng, sắm một con thuyền gỗ, vợ chồng quanh năm rong buồm dọc sông Đáy, nước trong leo lẻo, len lỏi qua Kẽm Trống, Kiện Khê, Chùa Bà Đanh..., tháng giêng nước xanh như ngọc, vào tận Nho Quan (Ninh Bình), Thanh Hoá. Khi vào thì chở muối, đường, mật, gạo, tương, cà, mắm tép... Khi ra thuyền chất đầy củi, sắn, ngô, khoai, đỗ, lạc, măng... Dọc triền sông, vô số chợ quê sầm uất, trên bến dưới thuyền. Hàng hoá sẵn đấy, cái gì đắt thì bán, cái gì rẻ thì mua... lãi trông thấy. Thỉnh thoảng ông bà mới lên bờ về nhà nghỉ ngơi.
Làm ăn lên như diều, bà trích tiền mua dăm sào ruộng, mua cho ông chức Lý trưởng. Từ anh cu Tiếu, ông tôi trở thành ông Lý Tiếu. Một tay bà tôi gây dựng cơ đồ, sinh được mụn con giai, xóm giềng ai cũng khen. Nhưng bà tham việc ra đồng sớm, bà tôi bị sản hậu thập tử nhất sinh. Cậu con thiếu sữa sài đẹn, chưa đầy một năm đã bỏ ông bà mà đi. Bà tôi ngất lên ngất xuống. Sau chạy chữa mãi thì khỏi ốm, nhưng thầy thuốc bảo bà không thể sinh nở được nữa. Nhiều người khuyên ông bà xin con về nuôi, bà không chịu. Bà thương ông lắm.
- Ông ơi, ông nghe tôi, lúc thày u khuất núi đã dặn vợ chồng mình phải cố gắng cho được thằng con giai nối dõi tông đường. Nay tôi không may đành phận, nhưng nhà ta quyết không thể tuyệt tự được.
- Đã bảo không là không. Vợ nọ, con kia, rồi sinh chuyện này chuyện nọ, làng xóm người ta cười vào mặt cho!
- "Nuôi con chồng hơn bồng con người", ông không nghe các cụ nói à. Ông yên chí, xưa nay chỉ có chuyện "Dì ghẻ con chồng", chứ tôi... tôi là mẹ già cơ mà!
- Bà chỉ vẽ chuyện! Không nói lôi thôi! - Ông khăng khăng.
- Tôi sẽ tìm vợ cho ông. Ông mà không chịu, tôi về nhà bố mẹ ở cho mà xem! - Bà khóc tấm tức.
Rồi bà làm thật. Cuối cùng ông cũng nhượng bộ, cưới bà Hai tôi. Bà Hai con nhà nghèo, không xinh lắm nhưng thuỳ mị, nết na, được bà tôi bảo ban như em gái. Chị em thân nhau lắm, ăn ở không có điều tiếng gì.
Về nhà chồng chưa đầy năm thì bà sinh bố tôi. Bà tôi quý hơn vàng, ôm ấp nựng nịu như con đẻ ngày xưa. Bố tôi rúc đầu vào ngực bà, mút chùn chụt, tia sữa của bà tôi thông trở lại.
Chăm bẵm mẹ con cứng cáp, bà tôi bảo:
- Nhà khan tiền, tôi với ông ấy đi thuyền vài chuyến, chờ đến vụ gặt, dì ở nhà chăm con, ruộng đồng tốt xấu cứ mặc tôi. Đừng sốt ruột tham làm, rồi sản hậu như tôi ngày xưa thì khổ!
Một năm sau, Bà Hai lại sinh cô tôi, đặt tên là Hay. Đợi con gái cứng cáp, ông bà tôi lại lên thuyền, bồng theo bố tôi. Người chống sào, người bẻ lái và trông con. Đêm đêm, bố tôi lại rúc vào ngực bà. Dòng sữa tuy ít nhưng vẫn ngọt ngào. Bà tôi ứa nước mắt vì hạnh phúc.
Cứ hết một thuyền hàng, ông bà tôi lại lên bờ. Bà tôi bảo ông ở nhà với bà Hai, trông nom ruộng vườn, còn bà thì rủ bà em họ, bồng bố lên thuyền. Khi cô tôi được 6 tuổi, bà Hai tôi mới sinh thêm chú Sơn. Bố tôi đã lên bảy, ở nhà giúp mẹ trông em và đi học, còn cô tôi theo ông bà đi thuyền.
Cô tôi xinh xắn, ngoan ngoãn, được bà tôi yêu lắm. Cho đến tận bây giờ, cô vẫn nhớ như in những khúc sông lấp lánh đầy sao, gió nồm thổi mát rượi. Trong lòng bà tôi, cô thiêm thiếp ngủ. Sáng dậy, bừng mắt thấy mênh mông sông nước, đôi bờ vàng rực màu hoa cải. Những khi thuyền neo bến lở, sung si lúc lỉu ngang đầu. Thú nhất là cô được bà tôi bế đặt lên mui thuyền, với tay hái những quả duối chín mọng, vàng óng, quả mâm xôi đỏ rực, tha hồ nhấm nháp. Những khi theo bà tôi lên chợ, hoa mắt ngắm nghía các bà, các cô dân tộc mặc váy xanh đỏ sặc sỡ, hàng hoá đủ các màu sắc, ăn đủ loại bánh trái, hoa quả.
Song những tháng ngày thần tiên ấy chẳng được bao lâu. Bà Hai tôi bị cảm, mất đột ngột, để lại chú Sơn mới có năm tháng tuổi. Ông bà tôi quyết định bán thuyền, tập trung làm ruộng, nuôi nấng các con. Chú Sơn lớn lên bằng nước cháo và những hạt sữa cuối cùng của bà tôi. Chú vừa mút vừa khóc ngằn ngặt, sữa chỉ rớm môi, còn ngực bà tôi thì rát bỏng.
Vậy mà chẳng được bao lâu, ông tôi lại bỏ bà tôi vì ngã nắng giữa buổi cày. Bà tôi khóc cạn nước mắt. Nếu không vì 3 đứa con thơ dại thì bà đã liều mà đi theo ông tôi.
Từ đó, một mình bà tôi vật lộn với cuộc sống. Ban ngày làm đồng quần quật, tối về xay lúa giã gạo, cám bã lợn gà, cùng cực đến nửa đêm mới ngủ. Gà gáy canh ba đã vội vã thức dậy. Cực nhất là vào vụ gặt, ban ngày cắt lúa ngoài đồng, tối về đập lúa, sàng sảy thâu đêm suốt sáng.
Năm ấy, hai mươi chín Tết. Tối nhọ mặt người, bà Ba xưng reo réo ngoài ngõ:
- Hớn ơi, u mày bảo cứ cho các em ăn trước đi, u mày còn cầy cố.
- Thím thấy u cháu còn mấy đóm mạ nữa? - Bố tôi vội vàng chạy ra.
- Ôi dào, tao lên bờ giời đã nhá nhem, rét cóng cả người, để ý gì. Nom như còn nửa lối cấy nữa cơ!
Bố tôi quay vào, giục cô tôi xới cơm bón cho chú Sơn. Mâm cơm nguội tanh nguội ngắt, có mỗi đĩa rau muống luộc đỏ quạch chấm tương. Chú tôi khóc èo ẹo đòi u.
Khoảng 8 giờ tối, có tiếng ông Hai Hoè hổn hển ngoài cổng:
- Thằng Hớn đâu, mau mang ôm rơm lên đây đốt cho u mày... sưởi!
Nhìn ông Hoè còng lưng cõng bà tôi, bố tôi run bắn người, vừa mếu máo vừa lập cập ra đống rút rơm.
- Đốt nhiều vào, để tao chạy về lấy chai rượu gừng.
Chưa giập bã trầu, cả xóm kéo đến chật nhà. Người bà tôi tím tái, lạnh giá. Xoa hết chai rượu gừng, đốt mấy ôm rơm, bà tôi mới hồi dần. Mọi người thở phào, ông Hai Hoè oang oang:
- Bà á, có lẽ đến chết bà cũng không hết chứng tham. Rét cắn thịt, tối bưng mắt, nhìn thấy gì mà cấy với chả hái. May mà con bé nhà tôi để quên cái bồ cào, tôi sợ nhỡ sáng ra có đứa nào thuổng mất, vấp phải bà ấy đang gục ở bờ ruộng, chứ không hôm nay bà ấy đi tong rồi.
Bà tôi cười nhợt nhạt:
- Vâng, tối quá, em chả nhìn thấy gì, cứ cấy phỏng chừng. Nhưng mà cũng đều ra phết đấy bác ạ. Nhận ruộng rồi, cố cho xong. Mai đã là ba mươi tết rồi, em đã mua sắm được gì đâu!
- Thằng Hớn, hôm qua tao thấy u mày giã gạo nếp, mang rá vào buồng xúc cho tao dăm bơ, sáng mai tao gói bánh ninh cho một thể, nồi dương rộng. Đỗ nhà tao vô khối, nhân tha hồ ngon.
Bà Tuất bưng nồi cháo gừng thơm phức từ dưới bếp đi lên, đỡ bà tôi dậy:
- Nào, thím ăn cháo đi, húp thật lực mới lại sức. Còn thịt lợn, nếu thím chưa đụng với ai, bên tôi hẵng còn nửa đùi đấy. Tiền thì không phải lo, giêng hai hay lúc nào giả chẳng được. Khoai tây, măng miến, rau cỏ, mai tôi đi chợ mua hộ một thể, thế là được chứ gì? Cứ yên trí mà nghỉ ngơi nhá!
Bà tôi cảm động ứa nước mắt. Khi mọi người về cả, bà bảo bố tôi dọn dẹp qua loa rồi lên giường. Bà quàng tay ôm cả 3 đứa con vào lòng, nước mắt giàn giụa, bụng khấn: "Ông ơi, giời còn để mắt đến nhà ta, cho tôi được sống nuôi các con nên người. Ông khôn thiêng cố phù hộ cho mẹ con tôi, ông nhá!".
° ° °
Rồi thì các con của bà tôi cũng theo nhau mà lớn lên. Lao động cật lực cùng nỗi đau đã vắt kiệt sức lực bà tôi. Chưa đến 40 tuổi mà bà tôi tiều tụy quá. Năm bố tôi 16 tuổi, bà tôi cưới vợ cho con trai để thêm người đỡ đần việc nhà. Tôi là đứa con đầu lòng của bố mẹ tôi.
Giải phóng miền Nam, ông cậu ruột (em trai bà Hai tôi) từ miền Nam ra, xin bà tôi được đưa cô tôi vào thành phố Hồ Chí Minh rồi xin việc làm trong đó "để khỏi chân lấm tay bùn". Vào Nam, cô phụ giúp bà mợ bán hàng. Phố xá làm cô tôi mau nõn nà. Mấy tháng sau, cô tôi lấy chồng - con một thiếu tá nguỵ đã sang Mỹ dạo 30-4. Cưới được ít lâu, mẹ chồng cho cả hai ra ở riêng. Nhà mặt phố, cô bán lặt vặt cũng đủ sống, dư dật lại gom góp gửi về biếu bà và bố mẹ tôi. Bà bảo dành dụm để sửa nhà, và ngôi nhà lợp ngói nam mấy chục năm dột nát đã được sửa lại, thay bằng ngói ta đỏ tươi. Bà tôi về già lại béo khoẻ, hồng hào hẳn ra. Cả làng ai cũng bảo bà tôi hồng phúc, có được những đứa con hiếu thảo.
Được hai đứa con, ông bố bảo lãnh cho chồng cô tôi sang Mỹ và ở hẳn bên đó, thỉnh thoảng gửi tiền về. Cuộc sống sung túc trở nên nhạt nhẽo, cô tôi gửi thằng con lớn cho mẹ chồng, đem thằng nhỏ ba tuổi về quê chơi. Lần ấy, cô tôi cứ nấn ná mãi, không muốn đi. Cô bảo ở quê bây giờ sướng thật. Ngày xưa, nửa làng là nhà tranh, bây giờ toàn nhà ngói. Đường làng trải đá răm sạch sẽ, không còn lầy lội nữa. Mùa gặt, đồng được tháo kiệt nước, máy tuốt lúa mang ra tận ruộng. Ngày xưa, gặt lúa, ruộng bùn sút đến ngang lưng, ì ạch gánh từng gánh, đập lúa thâu đêm suốt sáng. Vậy mà còn mừng vì có hột ăn, mất mùa thì trắng tay. Tháng ba ngày tám đói dài, ăn củ đeao, củ chuối là chuyện thường. Ngày xưa... Cô tôi cứ xuýt xoa mãi.
Rồi cũng phải đến lúc phải lên tàu về Nam. Tôi theo cô vào đó hai năm. Cuộc sống nhàn hạ, nhưng tôi thấy buồn nhớ quê, nhớ khung thêu da diết: "Nó bảo một lòng chờ con về, gái làng chả có ai vừa xinh vừa thêu giỏi như con" - mẹ tôi viết thư và bảo thế. Vậy là tôi về. Cô tôi khóc nhiều lắm! Ngày cưới tôi, cô tôi không về được, gửi đôi hoa tai làm quà mừng, nói là để hai vợ chồng làm vốn.
° ° °
Hội làng năm nay mở đúng rằm tháng giêng. Gần như suốt ba ngày, cả nhà ngoại tôi có mặt ở ngoài đình. Bố tôi là chủ tế, mẹ tôi chỉ huy việc nước nôi, nấu nướng... Em gái tôi trong đội múa (gồm hai mươi cô trinh nữ), em trai tôi ở trong đội rước kiệu. Bà nắm tay cô tôi đi trong đám rước. Nét mặt bà tôi rạng rỡ, trông trẻ ra vài tuổi.
Đình làng tôi thờ ba vị tướng tài thời xưa, là ba anh em ruột có công giúp vua đánh giặc giữ nước. Vì thế, lễ rước gồm 3 cỗ kiệu lớn: Kiệu ông Cả, kiệu ông Hai và kiệu ông Ba. Dẫn đầu là đội rồng - lân múa mở đường, khoan thai uyển chuyển, múa lượn trong nhịp trống trầm hùng. Đoàn rước đông nghìn nghịt, dài hàng nửa cây số, màu sắc cờ áo rực rỡ, dập dìu trên đồng lúa xanh non, rước về miếu Hai cô, rồi vòng trở về đình trên con đường chính giữa làng được lát gạch nghiêng. Có những lúc cả ba cỗ kiệu tự dưng quay tít trên đầu người khiêng rồi lướt nhanh như bay làm đội kiệu chạy bở hơi tai, mặt người nào người nấy đỏ lựng, lấm tấm mồ hôi. Mọi người chạy theo ào ào, thầm thì: các ngài vui quá, đang đùa với con cháu đấy! Có lúc kiệu dừng hẳn, đội kiệu cố sức cũng không nhích được bước nào. Lại tiếng thì thào: Ông Ba đùa đấy, ông Ba nhỏ tuổi nhưng thông minh, nghịch ngợm nhất mà! Chả biết việc kiệu quay, kiệu dừng diễn ra trước mắt tôi có thật hiển linh hay không, hay là do tài nghệ "điều binh khiển tướng" của các cụ nhà ta đối với đội khiêng kiệu! Song sự thực thì chính điều đó làm cho lễ rước trở nên vừa trang nghiêm long trọng, vừa tưng bừng náo nhiệt đến tột độ, làm nên phút thăng hoa trong tâm thức của cả một cộng đồng, gắn bó mọi người trong vẻ đẹp lộng lẫy mà tinh khiết, thánh thiện.
Kiệu dừng trước sân đình. Đội rồng, lân trình diễn những điệu múa ngoạn mục nhất, mời ông Cả, ông Hai, ông Ba vào đình.
Nhìn hai mươi cô trinh nữ má đào, yêm thắm, áo dài tứ thân bằng lụa hồng, thắt lưng hoa lý rộn ràng, uyển chuyện trong điệu múa xênh tiền, bà tôi thì thầm:
- Hay này, trông con Lụa giống hệt con và mẹ đẻ con ngày xưa!
- Vâng, may mà ngày ấy con may mắn được chọn vào đội. Nhưng mà bây giờ quần áo sắc màu đẹp hơn, lễ rước to hơn nhiều - cô tôi bồi hồi, se sẽ đáp.
Suốt ba ngày hội, không khí trong làng lúc nào cũng ồn áo, náo nhiệt. Hết phần tế lễ là phần hội: ban ngày thi bơi chải, kéo co, bắt vịt, vật, đánh cờ...; buổi tối các cụ đọc thơ, thi hát chèo, hát trống quân, hát đối... Cô tôi say sưa trong hơi ấm của hội làng.
° ° °
Bà tôi không qua được vụ rét năm ấy. Người ra đi thanh thản giữa một chiều tháng hai rét ngọt. Lo gọn ghẽ lễ cầu siêu 49 ngày rước vong hồn bà lên chùa, cô tôi mới lên tàu vào Nam.
° ° °
Hơn mười năm sau, vào độ cuối tháng chạp, bố mẹ tôi nhận được thư của cô tôi: "Em đã bán nhà để ra Bắc ở hẳn với anh chị và các cháu. Các con em đã ở bên Mỹ cả. Chúng nó cũng nhất trí với quyết định của em. Tiền của bố con nó gửi về sống dư dật, nhưng em ở trong này buồn lắm. Em sẽ về trước Tết, còn kịp dự hội làng".
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com