chan_dung-ke_si

CHIẾC QUAN TÀI – Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan

10-01-2024

Lượt xem 1335

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Nguyễn Công Hoan

CHIẾC QUAN TÀI – Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan

CHIẾC QUAN TÀI – Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan

Chiếc quan tài ấy đặt trên tấm phản, giữa một túp nhà xiêu. Một người đàn bà, quần áo nâu bạc, ngồi phệt ở bên, úp mặt vào cánh tay khoanh cạnh ván thiên, thỉnh thoảng hé vuông vải nhỏ mới, ghé ra ngoài xỉ mũi xuống nước. Gần đó, một thằng bé con, chỉ mặc một manh áo rách, thò cái gậy tre vừa đẵn, nghịch với những tăm bọt sủi trên mặt lượt bùn.

Bỗng bốn người đóng khố, lực lưỡng, đẩy chiếc mảng chuối áp đến hè, rồi cùng nhau vào, khỏa chân để rửa, nói mấy câu, và đứng lên phản, bắt tay vào cỗ ván.

Họ còng lưng, ưỡn ngực, để khênh cho thăng bằng. Song, họ không thấy nhọc nhằn, vì chiếc áo quan ấy nhẹ quá. Nó bằng gỗ tạp, lỗ chỗ những vết mọt đen, mỏng vừa một đốt ngón tay. Họ chép miệng, phàn nàn với nhau, thương hại anh Cu xấu số, khổ cho đến lúc chết, chết ngay vào độ trời làm vỡ đường.

Mảng chuối chở chiếc quan tài lềnh bềnh theo tay bốn người đẩy ra cổng. Chị Cu trùm khăn lên mặt, khóc thảm thiết. Cứ cả quần áo thế, chị lội bì bõm, đi sau chồng.

Giá không có mảnh vải trắng che mặt, đố người lạ nào bảo chị là người nhà người chết. Và giá không có tiếng khóc, đố ai đoán là ngoài đường có đám ma. Thằng Cu thì chẳng biết gì. Nó thấy người ta ghé lưng, bảo nó ôm cổ để cõng. Nó ngơ ngác làm theo, hình như thích chí vì được đi lội.

Bốn người đẩy mảng, dò từng bước. Đi dưới nước đã chậm, thế mà đường lại trơn. Những bọt nước tóe bắn lên, làm tắt cả hương. Mấy cây nến cắm trên khúc chuối, bị gió, không sao cháy được. Người ta đã nhiều lần thắp lại cả hương lẫn nến, nhưng vẫn tắt như thường.

Xung quanh, làn nước đỏ mênh mông, từ sáng đến bây giờ, mỗi lúc lên một cao. Chị Cu gào mãi nên rát cổ. Chị phải thôi khóc. Và cố bấm đầu ngón chân xuống đất, cho khỏi ngã.

Mực nước chỗ thấp thì đến bẹn, chỗ cao thì đến thắt lưng hoặc đến ngực. Cả làng chỉ còn có mỗi một nơi cao nhất, là khu giữa vườn nhà ông Lý, may quá, chưa bị ngập. Cho nên ngay từ khi anh Cu ngáp cái sau cùng, chị Cu phải kiếm cơi trầu lên xin với chủ đất, để nhờ chỗ chôn chồng. Ông Lý thương hại, vui lòng nhận lời, lại khuyên chị nên đưa ngay anh Cu "ra đồng" kẻo chỉ một giờ nữa, vườn ông cũng tràn nốt. Thật thế, cả làng, hiện nay chỉ có khu vườn ấy là hở. Còn thì từ ngoài đồng cho đến khắp các xóm, chỗ nào cũng những nước là nước. Nói đúng ra, giữa đồng cũng còn vài ba cái gò là còn nổi lên. Nhưng những đường ra đấy, từ khi mới có tin vỡ đê, tuần đã chặt tre rấp ngang lối, vít kín cả lại rồi. Chỉ còn một lỗ con con chui khe luỹ, người ta vẫn đánh trâu qua để thả cho nó bơi đến các gò, đứng nắng và ăn bèo Nhật Bản, thì lối ấy nhỏ quá. Vả trừ trâu ra, ai dám bơi qua những nơi ruộng sâu đến một con sào.

Chiếc mảng lênh bênh độ một lát, thì quàng vào ngõ xóm Trung. Tuy đường hẹp, nhưng lối đi cao dần. Nước đến thắt lưng, sau đến bẹn, rồi sau đến đầu gối. Rồi sau cùng, mảng chuối chịt lại, mắc cạn, không đi được nữa.

Người ta ghé tay bê áo quan. Chị Cu vác vồ cuốc lên vai, đi theo. Nước rẽ qua những cẳng chân đen thủi, kêu rào rào, tóe bọt trắng sang hai bên.

Chị Cu giục mọi người mau tay lên, vì chị lo ngại quá.

Quả nhiên, mới từ nãy đến giờ, nước đã láng gần khắp vườn nhà ông Lý. Chỗ đất vừa đào cách đây độ một giờ đã có những dòng nước ngòng ngoèo bò theo nơi thấp, và rỉ vào, ngập đến lưng huyệt.

Bốn người rảo cẳng, rồi đặt quan tài xuống. Họ nhảy vào hố, hai tay bốc nước, thoăn thoắt tát ra. Nhưng vô ích. Nước ra bao nhiêu, lại vào bấy nhiêu. Mà nước vào lại mạnh hơn nước ra. Tát cũng không kịp.

Bốn người thất vọng, bảo nhau khênh bốn góc cỗ ván. Hai người tiến, hai người lui, rồi cùng đứng ngay ngắn ở hai đầu huyệt. Họ cúi lưng, đưa thấp dần dần tay xuống. Chiếc quan tài hạ từ từ. Cảnh đau đớn làm chị Cu đứt từng khúc ruột. Chị muốn khóc cho hết nước mắt, gào cho hết hơi, để được chôn theo chồng. Nhưng bỗng chiếc quan tài đứng sững lại, không xuống được nữa. Nước ở dưới đội nổi lên. Tiếng khóc im bặt.

Bọn người nhìn nhau lo sợ. Lúng túng. Làm thế nào? Bàn tán hồi lâu, hai người nhảy xuống, đứng ở hai đầu áo quan để lấy sức nặng, thì nó mới chìm được. Nhưng nước vào huyệt đã nhiều, nên khi người ta vừa nhảy xuống, nước ở dưới dềnh lên, tràn qua ván thiên. Quan tài như chiếc thuyền đáy phẳng, nó bập bềnh. Hai người mất thăng bằng, ngã khuỵu, thụt cẳng xuống huyệt.

Cách ấy không được. ỳ ộp, mỗi người nói ra một kế. Chỉ làm sao thắng nổi có mỗi một tí nước, mới chôn được dễ dàng. Chị Cu tưởng tượng đến chồng bị ngâm sũng, chị thút thít, kể lể, thương con người đến chết còn vất vả.

Chẳng mấy chốc, chiếc quan tài vì nhẹ, lại tự nhô lên đến gần mặt đất. Cả huyệt đầy những nước mất rồi. Bây giờ mới là lúc khó khăn. Họ vẫn luẩn quẩn bàn bạc.

Sau hết, ba người phải lấy lưỡi cuốc, hếch kẽ ván cho nước ồ vào thực nhiều và cùng nhau đứng về một đầu cho sức nặng đủ dận được xuống đất. Một người lấy vồ chêm vào thành huyệt, ghì chặt lấy. Một người cuốc đất, và chị Cu khuân vội vàng, vứt xuống hố. Thấy thây chồng đầu cao đầu thấp, chị đau đớn lắm. Nhưng biết làm thế nào?

Họ lèn đất vào thành huyết và áo quan, rồi quẳng những tảng to lên trên. Cho đất đủ sức dìm một đầu quan tài, họ lại đứng sang đầu bên kia. Và cũng làm như trước. Họ thở ì ạch, khó nhọc như một cuộc vật lộn. Khi cỗ ván đã bị chèn chặt hai đầu, họ bèn rủ nhau lên, để hết sức đào đất cho nhanh chóng mà quẳng xuống. Nhưng họ vừa bước chân khỏi, cỗ áo quan đã bềnh lên theo. Song, được cái nó không nổi cao quá. Biết rằng sức phấn đấu có công hiệu, họ huỳnh huỵch làm một lúc nữa thật mau. Chiếc quan tài lần này chịu nằm gí xuống tận đáy huyệt.

Bây giờ họ đã đỡ vất vả. Chỉ còn việc đắp đất lên cho thành nấm mà thôi. ấy thế mà khi ngôi mả đắp vừa xong, nước đã láng vào khắp vườn, không còn hở một chỗ nào nữa.

Những con giun đất màu đen to bằng ngón tay út nổi lềnh bềnh, dập dềnh theo đà sóng, trôi với đám bọt rác.

+ +

Một giờ, lại một giờ. Mực nước lên cao dần, cao trông thấy.

Xung quanh mả anh Cu, có những lá tre khô bám vào. Rồi có bèo Nhật Bản. Rồi có cả bọt rác nữa. Thứ này bám vào chốc lát, rồi bị sóng lôi đi. Thứ kia ôm lấy nhau, nhảy nhót, chạm óc ách vào nấm đất mới đắp. Nước dập dờn liếm mãi vào khe những mảng đất, làm cho nó mủn ra. Rồi nó lở thành những cục con con, lả tả rơi từng tí một.

Độ nửa ngày, nước tràn qua mặt mả.

Gió hiu hiu. Bụi tre cót két như nghiến răng. Những lá vàng rào rào bay xuống, chạy trên mặt nước như thuyền buồm thuận chiều. Lúc nào sóng cũng dập dờn làm ải đất mả đắp dối. Hòn to không mấy chốc thành hòn nhỏ. Hòn nhỏ không mấy chốc bị cuốn đi. Nấm mồ bị vẹt dần. Rồi nó không cao hơn mặt vườn nữa. Rồi chẳng bao lâu, tự nhiên, ở dưới, nhô lên một tầng đất mới.

Tầng đất này cũng mỗi lúc một tý, bị sóng đánh, bị ải, và bị cuốn đi. Rồi hết lượt này đến lượt khác, đất ở dưới cứ nhô lên và cứ bị cuốn đi từng hòn nhỏ cho đến hết. Rồi sau hết, ục một tiếng, cả chiếc quan tài tự nhiên nổi bềnh lên. Nó nghiêng đi, hất tảng đất cuối cùng trên mặt ván trơn bùn như mỡ. Tảng đất rơi tõm xuống nước. Cỗ áo quan tròng trành, rồi đứng yên trên huyệt như chiếc thuyền bị cạn.

Chiếc quan tài nổi theo mực nước lên cao dần. Sóng bập bềnh cứ vỗ mãi vào thành nó như cố đẩy nó đi. Rồi sau, nó không bị vướng gì nữa. Nó quay đầu, lừ lừ theo chiều gió và chiều nước, lênh đênh, lúc trôi ngang, lúc trôi dọc.

Độ nửa ngày, chiếc quan tài đã tự đến góc vườn, cạnh bờ lạch. Đến đây, nước phía ngoài chảy xiết, hút nó bạt ngang vào rặng tre. Nó mắc ở đó. Rồi một bè ngổ bám cạnh nó. Rồi một cụm bèo bám cạnh nó. Rồi cả một mảng vừa ngổ, vừa dừa, vừa bèo. Cả tảng bị nước đẩy ra lạch, nhưng không nổi.

Chiều gió đổi làm nhích dần mọi vật, mỗi lúc một tý. Nhưng cỗ ván gặp cành giong tự nhiên, rúc đầu vào bụi. Rồi lái ngang, hẩy mảng bèo ra cho nó chui qua khe rặng tre và theo dòng lạch trôi nhanh như mũi tên. Rồi một mình chiếc quan tài cựa quậy, như cũng muốn tìm lối ra chỗ rộng. Nhưng nó nặng nề, nên hết xoay dọc lại xoay ngang. Nó tiến rất chậm chạp, vì thỉnh thoảng có gióng tre cản lại.

Nắng gay gắt làm cho khô đất bết trên mặt cỗ ván và cong vênh một phần nắp lên. Cả người nằm trong, trương phềnh ra, cũng hình như không chịu được chỗ quá chật hẹp.

Chiếc quan tài như con thuyền không chủ, bập bềnh, lách theo lũy tre. Lúc nó dừng lại. Lúc nó nhích đi. Lúc nó giúi nghiêng, lại bạt vào bụi. Rồi sau hết, nó tới một chỗ có khe rộng. Tự nhiên, nó lao một cái, thích hai cạnh vào tre hai bên, rồi đâm thẳng ra giữa lạch chảy xiết. Đến đây, nó quay mấy vòng, rồi lừ lừ, nó trôi dọc theo dòng nước...

Tiểu thuyết thứ bảy số 180; 1937.

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.