chan_dung-ke_si

CHIẾC ÁO RÁCH - Truyện ngắn Yến Lan

10-10-2023

Lượt xem 1021

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Yến Lan

CHIẾC ÁO RÁCH - Truyện ngắn Yến Lan
Nhà văn Yến Lan (phải) và nhà văn Nguyễn Khải
 
Chân Dung Kẻ Sĩ: Yến Lan (1916-1998) sáng tác thơ từ sớm, cùng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn ngồi chót vót riêng một  nhóm gọi là Bàn thành tứ hữu nổi tiếng trên thi đàn. Tác giả của Bến My Lăng cùng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên làm thơ theo trường Thơ loạn (còn gọi là Thơ điên) với những trăng, xương, máu với hồn ma...
 
Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác văn xuôi với các tác phẩm mang tính hiện thực phê phán, tiêu biểu như Chiếc Áo Rách, Chó Củi...
 
Năm 2007, Yến Lan được trao giải thưởng nhà nước với các Tập thơ: Những ngọn đèn, Tôi đến tôi yêu, Lẵng hoa hồng.
 
Tôi ngồi ở bóng cây Ké yểu điệu như dáng thư sinh, lắng nghe con chim lạ đậu trên cành, đang dường quên tất cả những sóng nắng chạy quanh mình, thả từng tiếng kêu ngọt như những lời thơ hay, rơi bừa bãi ở các chòm cây không động. Những khi chim ngừng giọng, tôi nhìn xa, nhìn xa, toàn trưa, toàn nắng.
 
Đã năm năm tôi trở lại đất này, những rừng núi kéo giăng trùng trùng điệp điệp quanh tôi không có gì thay đổi, cũng không có gì cũ kỹ, cây cỏ vẫn xanh tươi và mát như hồn một thiếu nữ đầy xuân.
 
Vải hoa lau, tơ đã sẩm ra màu lụa cũ, nhưng vẫn dài và vượt ra ngoài đám lá, theo gió, khẽ lắc đầu và yểu điệu và mơ mộng như Nàng.
 
Ồ! Sao nàng lâu ra quá thế ?
 
Từng lúc, tôi lắng nghe, nhưng trong dòng suối khuất bên kia hàng sậy, không có tiếng chân người lội. Đã mấy lần tôi được thấy Nàng nhẹ nhàng qua dòng nước trong như hồn trinh bạch ấy, và đã mấy lần tôi cảm thấy hồn tôi đầy hương lạ của hoa rừng.
 
Tôi bâng khuâng ngắm những chỉ mây mờ dợn sóng trên cao, trên tấm trời xanh nhàn nhạt, màu xanh như khao khát bóng hồng!
 
Có lẽ hôm nay Nàng bận, hay Nàng nghi ngờ tôi! Rồi tôi tiếc, tôi ân hận! Về nơi này làm gì để cô độc với những ý nghĩ phiền phức của mình?
 
*
 
Bốn hôm trước, kèm ngựa ở gốc suối Vối, tôi tình cờ ngắm Nàng đang đưa tay ngắt một cành sim dại. Những cánh hoa màu cánh sen nhạt nắng đang rung rinh như nũng nịu với bàn tay nhỏ bé, trắng trẻo, xinh xắn của Nàng.
 
Tôi là người thiếu đủ các thứ tình, gặp Nàng, sao tự nhiên hồn tràn ngập cả những gì đã đầy đủ quá, đầy đủ cho đến như phải trào ra ở đằng miệng bằng lời yêu đương nhẹ như tơ nhện, trào ra ở đằng mắt bằng những tiếng nói thầm kín như cô phòng những cung nữ đang xuân. Có bao giờ tôi còn được như thế hay không, hỡi Thượng Đế ? Và tôi mến Nàng, lần đầu tiên tôi không dám tin ở lòng nhân loại.
 
Tôi với Nàng đứng yên ở đó lâu lắm, mãi khi nghe tiếng bò rống ở bên kia gộp đá, Nàng mới e thẹn bước đi! À thì ra Nàng là một nàng đi chăn!
 
Những khoảng rừng nhỏ mọc lém trong các rặng núi nhô cao, mà tôi đứng ở ven chân, trong nắng hấp, đã nổi bật lên và ra lắm màu sắc như là lạ lùng, như là huyền ảo!
 
Tôi cũng lải rải bước theo Nàng. Nàng thẹn thùng quay mặt đi, dừng lại, lấy chân xỏa lên mặt cỏ xanh dìu dịu và khẽ cựa mình.
 
Tôi nhận thấy như có những lượn sóng bồi hồi đang nhẹ ẩy Nàng ra gọp đá mà Nàng đang tựa.
 
- Cô có nước?
 
Nàng nghe hỏi, không dám day mặt lại, má Nàng đỏ ửng lên, có bao giờ tôi đê mê hơn, man mác hơn ? Tôi hỏi tiếp:
 
- Cô có, cho tôi xin nhờ một hớp nước, đi cô!
 
Nàng ngồi xuống cỏ, dáng lanh lẹn như chim vành khuyên, nhưng vẫn thẹn thùng không nói.
 
À thì ra nàng đang mặc một manh áo rách. Tay bên phải đã cụt lên tới vai, và vạt trước , vạt sau tước từng đường dài.
 
Nàng nhìn tôi như van lơn cho tôi đi, cho tôi đừng thấy cái tơi tả trên thân hình ngả ngọc của một kiếp sơn nhân!
 
Đôi dép mo Nàng mang khẽ động từng tiếng khô khan trên gôp đá, rồi vội vàng Nàng đứng lên, lảng tránh vào lùm cây mà hoa chỉ nở một màu...
 
Tôi vẫn thong thả vọng theo: - Tôi khát lắm, xin cô một hớp nước.
 
Một chốc Nàng hiện ra, như một ánh sao sa, như một đường tràng lạc, tất cả rơi vào hồn tôi với những ý bất diệt của một tình yêu đang nhốm.
 
Nàng đem nước ra cho tôi uống. Nàng chỉ giúp cho một con người đang khỏi khát mà thôi.
 
Nàng là Tiên vì sắc đẹp, là nắng vì Hồng, là rừng vì Mát. Uống nước xong thân hình tôi nhẹ nhàng dường như có thể lâng lâng bay đến quảng không nhạt nắng. Tôi ngây ngất, đê mê, chẳng còn biết gì đã có quanh mình.
 
Nắng rây kia ư ? Với tôi đó là ánh trăng một đêm thu sạch.
 
Ve gọi kia ư ? Là bản đàn của một tối tân hôn. Rồi tôi lên yên, tôi ghi nhớ nơi gặp gỡ, sự gặp gỡ thiêng liêng thứ nhất trong đời.
 
*
 
Người đi chăn tôi gặp hôm nay là một lực điền! Tóc anh ta đã lâu chưa cúp, mọc chỉa xuống cổ áo, mọc vượt ra mang tai, làm rõ bật cái cằm vuông dưới cặp môi mím vào và sóng mủi gãy!
 
Chiếc áo rách mà anh ta mặc trông kỳ cục và thô bỉ làm sao. Ánh nắng hôm nay khác với hôm gặp Nàng, vàng cháy như hung ác thiêu đốt muôn loài.
 
Nước anh ta đưa cho tôi uống, có vị gì mằn mặn, có vị gì chua chua. Tôi thất vọng nhìn đó đây trong khi anh ta chất phác nhìn áo quần tôi mặc.
 
Cánh mây tang bay trên nền trời lam, tưới qua ánh mặt trời, đi đến đâu, cỏ cây râm mát đến đó. Những đầu núi xa, vẫn hùng dũng vươn cao trong sức oi ả của nắng vàng hanh.
 
Tôi hỏi người đi chăn ấy:
 
- Anh ở đồng nào về chăn đây?
 
- Tôi ở ấp Thượng An.
 
- Xa?
 
- Không, gần đây, qua hai dòng suối là tới !
 
- Sao lâu nay tôi không gặp ?
 
- Tôi đi chăn thế cho một người chứ thường vẫn ở nhà!
 
Bao nhiêu ý nghĩ lắng trong hồn tôi đều bùng dậy! Lúc bấy giờ, tôi nhớ nhìn ra đàn bò đang ăn cỏ ở dưới đồi kia là đàn bò của Nàng. Của Nàng, và vò nước nhỏ tôi đang uống đã thường được gần gụi với khuông miệng tươi như đào non kia nữa!
 
Nàng ơi Nàng! Sao Nàng không ra? hay đó là một sự thử thách! Tôi muốn hỏi ngay người đàn ông cục mịch này, tôi muốn xẻ hầu anh ta trước khi anh ta thốt lên tiếng nói để uống lòng anh, uống sự thật của tâm can anh.
 
Bỗng anh ta tự nhiên hỏi tôi:
 
- Thầy đi ngang đây, lúc nãy có thấy một đám ma?
 
Có gì lạnh lẽo, lạnh buốt tê tái thổi vào tôi. Hồ mắt tôi như bị sa mù làm vẩn, tôi không thấy được gì . Có phải trước mặt tôi có ánh nắng hay không, hay là tấm màn đỏ chói phản chiếu nên vì một bó đuốc đưa ma? Tôi không đứng vững được nữa, bể đầu tôi đang có sóng dậy, tôi há hốc miệng ra để nghe người đi chăn kia tiếp:
 
- À quên thầy thấy làm sao được, đám ma đi sớm lắm kia mà, tội nghiệp!
 
Tôi rú lên:
 
- Ai, đám ma ai? Có lẽ anh ta ngạc nhiên lắm, sao mà tôi ghét anh ta, tôi ghét cái vẻ chậm chạp, rù rờ của anh ta quá thế ? Anh thong thả để vò nước xuống, thong thả chỉ vào xóm xa, thong thả lắp bắp nói: - Ông Phó làng Cửu An !
 
Còn Nàng, tôi lại nhớ đến Nàng ngay:
 
- Có lẽ anh đi chăn thế cho một người con gái ?
 
Anh ta trố mắt nhìn tôi:
 
- Sao thầy biết ?
 
- Vì tôi thường xin nước cô ta, cũng như đã xin anh !
 
Anh ta gật đầu rồi vu vơ đưa tiếng hát, những bài hát chiều chiều xinh như màu da thiếu nữ! Tiếng vang vọng thung lũng phản dội lại, thon lỏn như tiếng động của những quả cây chín vào trên mặt bông đá có âm thanh. Tôi hỏi tiếp :
 
- Sao cô ấy hôm nay không đi chăn ?
 
Anh ta lại lơ đểnh và ngớ ngẩn quá, đưa mắt nhìn đường cong của núi, những đường đèo nho nhỏ vắt ngang rồi hỏi lại tôi :
 
- Thầy ở đâu về đây ?
 
- Tôi ở phố !
 
Cũng một câu hỏi như Nàng hôm nọ, nhưng khác Nàng, anh ta reo:
 
- À ở phố vui lắm thầy nhỉ, và sang trọng lắm nhỉ? Thảo nào!
 
Tôi bực mình hỏi:
 
- Cô ấy hôm nay sao không đi chăn? Anh ta tự nhiên đáp!
 
Chả biết mà dường như cô ta ở nhà may vá gì ấy.
 
À thì ra Nàng không muốn mang mãi chiếc áo trước mặt tôi. Nàng không muốn cho tôi thấy sự nghèo đói bao phủ rõ ràng lên trên cái Đẹp !
 
 
Viết theo hồi ký của anh XK
 
TTTN số 22
Yến Lan

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.