chan_dung-ke_si

CHỊ PHƯỢNG - Truyện ngắn Chu Quang Mạnh Thắng

05-04-2023

Lượt xem 1627

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

CHỊ PHƯỢNG - Truyện ngắn Chu Quang Mạnh Thắng

Nhà văn, Nhà biên kịch, Đạo diễn điện ảnh Chu Quang Mạnh Thắng sinh năm 1973 tại Bắc Giang, hiện đang sinh sống và làm việc tại TP HCM. Tốt nghiệp ĐH KHXH & NV TP HCM và ĐH SKĐA TP HCM. Từng tham gia chương trình viết văn Quốc tế lần 2, tại Bắc Kinh, Thượng Hải, do Hội nhà văn Trung Quốc và Học viện văn học Lỗ Tấn tổ chức. Hội viên Hội Nhà văn TP HCM, Hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội viên Hội Điện ảnh TP.HCM. Tác phẩm văn học đã xuất bản: Hương Hoa Lý (Tập truyện – Nhà xuất bản Kim Đồng 2003, tái bản 2005, 2010); Chiếc Bình Cổ (Truyện vừa – Nhà xuất bản Kim Đồng 2003); Từ Khi Không Còn Mẹ (Truyện dài – Nhà xuất bản Kim Đồng 2004); Như Những Bài Ca (Truyện dài – Nhà xuất bản Kim Đồng 2004); Mùa Vải Chín (Tập truyện – Nhà xuất bản Kim Đồng 2005); Cậu bé Miền Xuôi (Truyện dài – Nhà xuất bản Kim Đồng 2006); Chị Phượng (Tập truyện – Nhà xuất bản Hội Nhà Văn 2006); Những Giọt Nắng Quê Ngoại (Truyện dài – Nhà xuất bản Văn Hóa Văn Nghệ 2015); Kẻ trộm bất đắc dĩ (Truyện dài – NXB Kim Đổng 2022); Scene di vita in Vietnam (Tập truyện – NXB Fiori d’Asia Italia dịch và in ấn, phát hành trên toàn cầu 2022); cùng nhiều tác phẩm in chung… và nhiều kịch bản phim đã được sản xuất và công chiếu rộng rãi…

 

 

Hơn tôi có ba tuổi, vậy chứ cái gì chị cũng tỏ ra hơn hẳn. Chị với tôi chẳng bà con họ hàng gì. Chỉ gần ngõ nên thân thiết, thế thôi. Ngay từ hồi nhỏ tôi đã chơi thân với chị. Lúc đó tôi chỉ là một thằng bé con hiền lành, lúc nào cũng được chị che chở. Chị đanh đá tới mức cả xóm phải nể. Cũng chỉ vì quá đanh đá nên chị ít bạn. Cóc cần!

Chị chỉ cần một thằng bé con bên nhà là tôi làm bạn đủ rồi. Chị học trên tôi ba lớp, đến năm lớp 10 thì chị bỏ học vì theo bố chị, con gái học lắm mà làm gì! Lêu têu thêm vài năm, chị mới ra khỏi làng, theo người ta đi buôn bán làm ăn ở dưới thị xã. Chị lanh lẹ, tính tiền nhanh hơn máy và dữ hơn cả gà mái mẹ. Thế nên chẳng mấy chốc tên chị đã vang danh khắp cái thị xã nhỏ bé.

Lần nào về, chị cũng sang tìm tôi và kể cho tôi nghe đủ thứ chuyện. Hầu hết những câu chuyện chị kể đều liên quan tới công việc làm ăn buôn bán. Khi thì chị khoe đã làm quen được với ông công an này, lúc thì khoe đã chơi thân được với ông thuế vụ kia… Hình như tất cả những người mà chị quan hệ lúc này đều là đàn ông và làm… quan.

Nhờ có chút nhan sắc, lại trẻ nên chị rất dễ chiếm được cảm tình của những tay đàn ông mà chị thường khoe với tôi. Chẳng bao lâu sau tôi nghe thiên hạ đồn chị cặp bồ với một gã lái buôn rất giàu có. Rồi họ xì xầm, xì xào với nhau mỗi khi nhìn thấy chị. Ghét mồm miệng thiên hạ, chị ít về nhà. Có về thì một loáng lại đi ngay. Lần nào về chị cũng nhắn tôi qua nhà, hỏi han đôi ba câu rồi khen: – Dạo này chú mày có phổng phao và đẹp trai hơn! Cứ thế, lần sau tôi đẹp trai hơn lần trước. Và chị cũng vậy, lần nào về cũng đổi mới, lắm lúc tôi cũng chẳng nhận ra.

oOo

Tôi lên Hà Nội học, ít gặp chị Phượng. Bẵng đi một thời gian, bỗng dưng một ngày chị Phượng xuất hiện ở cửa phòng, nơi tôi cùng ba tên sinh viên khác cùng trọ. Ngỡ ngàng một chút trước sự xuất hiện đột ngột của chị, tôi hỏi: – Làm sao chị biết chỗ ở của em?

Không trả lời vội, chị ngồi xuống chiếc ghế đẩu tôi đưa, gật đầu chào cả bọn một cách thản nhiên trước sự luống cuống của bốn tên con trai mới lớn đang bận quần đùi, áo ba lỗ. Chị rút bao thuốc trong túi xách ra mời cả bọn: – Hút thuốc, mấy chú!

Rồi chị rút một điếu đưa lên môi, bật lửa châm rồi rít, rồi thả bằng hai lỗ mũi khiến mấy thằng bạn tôi chưa kịp hết ngạc nhiên này lại tới ngạc nhiên khác. Chúng quay sang tôi, vẻ dò hỏi. Tôi bèn giới thiệu: – Đây là chị Phượng, người cùng làng!

Mấy thằng bạn tôi khẽ gật đầu rồi kiếm cớ chuồn hết. Còn tôi vẫn chăm chú nhìn vào hai ống khói trên khuôn mặt đẹp đẽ của chị. Dạo này, chị có phần phốp pháp và ra vẻ sành sỏi hơn trước nhiều. Nhìn chị, đố ai biết được trước đây chị là một cô gái nông thôn. Trên người chị bây giờ là những thứ trang phục còn “môđen” hơn cả những cô gái sành điệu nhất trong giới ăn chơi chốn Hà thành.

– Sao? Ngắm xong chưa? Mặc quần áo dài vào, ra phố với chị – Chị nói rồi lại thả khói thuốc qua hai lỗ thông hơi phía trên cái miệng xinh xắn. – Ra phố làm gì hả chị?

Chị đứng dậy, đi quanh căn phòng nhỏ như cái chuồng chim câu của tôi rồi khép cánh cửa sổ lại: – Đã lâu, chị em mình không gặp. Ra phố uống nước, tâm sự một chút!

Thế thì được. Tôi đóng nốt cánh cửa chính rồi theo chị ra phố, vào một quán cà phê. Vừa nhấm nháp cà phê như một gã đàn ông thực sự, chị vừa chửi rủa một gã nào đó mà tôi không hề biết mặt. Có lẽ hắn ta đã làm phật lòng chị… Dạo này chị bỏ hẳn cái thị xã xưa cũ ấy rồi. Chị theo người ta lên biên giới làm ăn lớn rồi đánh hàng về Hà Nội. Dạo này chị đang trúng quả, đời chị đang lên hương. Chị còn khoe đã làm quen được mấy thằng cha hải quan cửa khẩu X, cửa khẩu Y… và công việc của chị có tương lai lắm! Chị còn xổ ra cả một tràng tiếng Hoa khiến một thằng được học hành hẳn hoi như tôi cũng cảm thấy chóng mặt. Rồi chị khoe hiện đang ở trong một khách sạn sang trọng gần đây, mấy ngày nữa mới “ngược”. Có điều nằm một mình ở khách sạn cũng buồn nên chị đến tìm tôi.

Chị bảo cả Hà Nội chỉ có mỗi mình tôi là thân thiết, là hiểu chị nhất dù bao lâu nay tôi không hề có một chút thông tin gì về chị. Chẳng cần đợi tôi hỏi, chị đã thổ lộ hết. Cả những câu chuyện giao dịch, luồn lách thuận lợi bằng cách cặp bồ với những “thằng cha người Tàu” và những “thằng cha cán bộ” này nọ… chị cũng chẳng giấu giếm, cũng chẳng thấy ngượng ngùng khi kể. Không hiểu sao chị lại tin tưởng và kể cho tôi nghe hết những chuyện như thế. Rồi chị ngửa cổ lên trời, kết luận: – Đàn ông bây giờ, đối với chị, chỉ còn là một… ví dụ!

Im lặng một lúc, chị vỗ đùi đánh bốp: – Chết, quên mất! Nãy giờ chị nói hơi nhiều mà không hỏi han chú mày được một câu – rồi chị đẩy gói thuốc sang phía tôi – hút đi rồi chị hỏi chuyện. Tôi lắc đầu, xua tay rối rít. Chị chép miệng nhìn quanh: – Trong quán này có đến cả chục thằng đàn ông, lại chỉ có mỗi mình chị hút thuốc! Ngược đời quá phải không?

Rồi chị hỏi: – Chừng nào học xong? – Dạ, hai năm nữa. – Học xong, về đâu? – Em chưa biết. – Chừng nào học xong, đi buôn với chị. – Em không biết buôn bán. – Chị sẽ huấn luyện cho. Ai chứ chú mày thì chị bảo đảm có thể buôn bán, làm ăn được!

Tôi bèn cười xòa: – Thôi, chuyện ấy để sau! Chị lại ngửa cổ định than vãn một điều gì đó, tôi bèn hỏi trước: – Chừng nào chị mới định lấy chồng? – Chồng à? …

Chị có vẻ buồn khi nghe nhắc chuyện chồng con. Lại rút thuốc châm lửa, rít một hơi dài, chị lắc đầu: – Chưa biết! Rồi chị cố xua tay khi những nét buồn chưa kịp tan hẳn: – Ôi, đời còn dài mà, lo gì! Với lại đàn ông bây giờ đối với chị…- Chỉ còn là ví dụ! Chị nhếch mép cười: – Đúng vậy! Cuối buổi, chúng tôi chia tay nhau. Chị móc bóp, dúi vào tay tôi một nắm tiền: – Chú mày cầm lấy mà tiêu xài!

Tôi ngăn lại nhưng chị gạt phăng: – Chị biết sinh viên bọn mày còn rách hơn chị Dậu, cầm lấy mà xài! Dạo này chị đang làm ăn nên, chú mày đừng nghĩ ngợi… Tôi vội dúi trả lại xấp tiền vào trong bóp của chị rồi nhanh chóng nói lời chia tay. – Đồ sĩ! Chị quăng vào mặt tôi một câu rồi ngúng nguẩy bước ra khỏi quán. Cặp mông căng tròn của chị cứ nẩy tanh tách khiến tôi rối cả mắt. Lần đầu tiên trong đời, chị quăng vào mặt tôi một câu “quan trọng” như thế! Khoảng một thời gian sau, chị lại đến tìm tôi. Chị chép miệng: – Đã lâu không được ăn một bữa cơm gia đình. Lắm lúc, ngồi trước những bàn tiệc, lại thèm vài quả cà chấm mắm tôm… Chậc! Ước gì…

Tôi bèn rủ chị đi ăn cơm bụi. Chị đồng ý ngay. Gì chứ cơm bụi thì bọn sinh viên xa nhà chúng tôi ngày nào mà chẳng ba bữa. Chúng tôi dừng chân tại một hàng cơm trong một con hẻm nhỏ. Bàn cơm của tôi và chị có đủ đậu phụ, thịt luộc chấm mắm tôm, bát canh rau muống tương gừng và đĩa cà pháo giòn giòn, chua chua… đặc những hương vị dân dã, quen thuộc ở quê tôi. Cắn những quả cà pháo giòn rôm rốp, chị gật đầu: – Ngon!

Những kỷ niệm thời xa xưa lại ùa về trong tôi và chị. Chúng tôi vừa ăn, vừa ôn lại những tháng ngày khó quên ấy. Cái vẻ đanh đá, sành sỏi thường ngày của chị bỗng biến mất. Trước mặt tôi chị là một phụ nữ khác. Có lẽ hôm nay chị vui lắm. Tôi ăn như nhấm nháp cả những niềm vui cùng chị. Sau bữa cơm, tôi rủ chị đi ăn kem ở Tây Hồ. Chị đồng ý ngay. Cuối buổi, chị nắm lấy vai tôi lắc mạnh: – Cảm ơn chú mày! Cảm ơn một ngày thật đẹp! Rồi chị về khách sạn. Hôm sau thì chị “ngược”.

Chuyến ấy chị bị “sập cầu”. Trở về Hà Nội chị lại đến tìm tôi. Khác với lần trước, chị không thèm một bữa cơm gia đình mà thèm có một thằng bạn rượu! Tôi không uống được rượu nhưng cũng không thể từ chối được chị. Bởi cả Hà Nội lúc này cũng chỉ có một mình tôi đáng tin tưởng để chị tìm đến, giãi bày tâm sự. Chị cầm chai rượu tây, mở nắp rồi bảo: – Dùng cái này để tạm quên đi một ngày không nên nhớ!

Lúc đã ngà ngà, chị lại hằm hằm chửi một vài thằng nào đó vừa phản bội chị… Tôi ngồi sượng sùng trong quán rượu trước người phụ nữ sành sỏi, một tay cầm cổ chai và một tay cầm điếu thuốc, miệng chửi túa lua… Mặc kệ, chị vẫn bô bô như đang muốn tìm cách trút hết những bực dọc trong lòng: – Bây giờ, chị chỉ còn tin mỗi chú mày thôi! – Chị lại thêm một câu sau khi kết thúc một tràng dài.

Tối. Tôi phải dìu chị về khách sạn. Chị đi như dựa hẳn vào người tôi. Toàn thân chị nóng phừng phừng, tôi cảm thấy thế. Bước vào phòng, chị nắm hai vai tôi rồi kéo sát lại gần. Ngắm tôi một hồi, chị kết luận: – Trông chú mày khá đẹp trai, hơn cả lúc chưa uống rượu! Rồi chị áp sát bộ ngực căng tròn, nóng hổi vào người tôi. Hơi thở của chị cũng gấp gáp lạ thường… Ngượng ngùng, tôi khẽ lùi lại rồi quyết định chia tay với chị. – Cái thằng chết nhát! Chị lại quăng vào mặt tôi một câu “quan trọng” nữa rồi đóng sầm cánh cửa lại. Bước ra khỏi khách sạn, trống ngực tôi vẫn đập thình thình. Không ngờ đó là lần cuối cùng tôi và chị gặp nhau ở Hà Nội.

Tốt nghiệp, tôi vào Sài Gòn làm cho một chi nhánh công ty có trụ sở ở Hà Nội, mấy năm không về thăm nhà. Bỗng một ngày tôi lại gặp chị Phượng tại Sài Gòn – điều mà tôi không thể tưởng nổi. Chị đến tìm tôi và cho biết chị đang buôn trái cây từ Trung Quốc vào Sài Gòn. Rồi lại buôn trái cây từ đồng bằng sông Cửu Long sang Trung Quốc. Mới có một thời gian ngắn mà cả chợ Cầu Muối đã biết đến uy danh của chị. Họ còn gọi chị bằng một cái tên rất giang hồ: “Phượng Ó!”. Vẫn thói quen ở khách sạn như cũ. Vẫn hay hút thuốc và uống rượu. Vẫn đanh đá chanh chua hơn cả gà mái mẹ. Cái tên Phượng Ó xem ra rất hợp với con người của chị.
Công việc buôn bán làm ăn thuận lợi. Tiền bạc dư giả, chị tậu nhà ở Sài Gòn rồi ngồi một chỗ điều khiển việc bán buôn. Thỉnh thoảng chị lại đến tìm tôi và rủ đi ăn một bữa cơm quê có món cà pháo chua giòn. Vì theo chị, cả Sài Gòn lúc này cũng chỉ có mình tôi là thân thiết và hiểu chị hơn cả. Rồi chị lại khoe đã làm quen được với ông này, ông nọ ở tại đất Sài Gòn này… Tôi phục chị sát đất. Phục ở cái tài ăn nói, ngoại giao và cả những sự liều lĩnh, bạt mạng của chị, một người đàn bà học hành chẳng được là bao.

Vậy mà không hiểu vì lý do gì chị bỏ luôn cái nghề buôn bán đầy may rủi. Chị gom tiền, góp vốn làm ăn với một công ty nọ. Chị lại gặp thời và càng ngày càng lắm tiền nhiều của. Rồi chị lấy chồng “thật”. Chồng “thật” của chị cũng là một tay có máu mặt trong giới kinh doanh buôn bán. Chỉ được vài năm thì họ chia tay. Chưa có mụn con nào nên cũng dễ dàng giải quyết mọi vấn đề. Họ chia tay lặng lẽ, không chút ồn ào, ầm ĩ… Mãi về sau này, tôi mới được biết nguyên do dẫn đến việc ly hôn của họ. Hơn nửa đời người, bây giờ chị mới cảm thấy những nỗi cô đơn, trống trải mặc dù chị chẳng thiếu gì tiền của.

Tôi cũng lấy vợ khá muộn so với đám bạn bè cùng lứa. Khác với chị, cuộc sống của tôi khá chật vật. Chị thường cho rằng đấy là do tôi cả. Rồi chị chép miệng: – Giá ngày xưa mày theo tao đi buôn thì khác rồi! Có thể là như vậy, nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy hối hận trước những lựa chọn của mình. Ngày vợ tôi sinh con đầu lòng, chị mừng như chính mình vừa mới sinh ra nó vậy. Chị bảo: – Sinh tiếp một đứa nữa cho tao! Vợ chồng tôi còn chưa kịp hiểu thì chị đã tiếp: – Tao nuôi! – Chị thích trẻ con, sao không đẻ lấy một đứa mà nuôi? – Tôi buột miệng hỏi. – Tao đẻ được thì còn nói làm quái gì! – Chị có vẻ hơi cau có. Tôi thật sự không hiểu được hết câu nói của chị. Mãi về sau này tôi mới được biết. Thì ra chị không thể sinh con được nữa. Nguyên nhân vì sao, chính bản thân chị cũng không biết rõ. Có thể đây chính là hậu quả sau một thời oanh liệt của chị. Nó cũng là lý do khiến vợ chồng chị phải chia tay nhau.
Tôi vẫn vô tư lắc đầu: – Thôi, một đứa thôi chị ạ! – Không đẻ nữa thì mai mốt tao bắt đứa này vậy! Sau này, nó sẽ là… con của tao!

Từ đó chị cũng thường xuyên ghé qua nhà tôi. Lần nào đến chị cũng vồ lấy đứa con tôi mà hôn hít, mà ghì chặt, ngay cả lúc thằng bé đang say ngủ khiến nó sợ hãi khóc thét lên và oằn người như muốn tìm cách thoát ra khỏi hai cánh tay nhiệt tình quá mức của chị. – Im nào! Tao có ăn thịt mày đâu mà sợ!

Chị quắc mắt quát khẽ rồi lại nựng. Rồi chị ầu ơ hát. Không hiểu chị biết hát ru từ lúc nào? Những tiếng hát của chị cũng có vẻ thành thạo, trôi chảy, có lẽ còn hơn cả vợ tôi – một người mẹ trăm phần trăm…

Từ khi có thêm thằng bé gia đình tôi bỗng đông vui và đầm ấm hơn. Chị Phượng cũng thường xuyên qua lại. Những bữa cơm quê gồm rau, đậu, cà… của gia đình tôi cũng thỉnh thoảng có sự tham gia của chị. Mỗi khi có dịp ngồi chung, cắn những quả cà muối giòn tan, quê hương lại tràn về đầy ắp trong tôi và chị… Và tôi biết, chị lại đang thèm khát một gia đình nhỏ bé nhưng đầm ấm, tràn đầy tiếng trẻ thơ và những phút giây hạnh phúc như gia đình của tôi.

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.