chan_dung-ke_si

CÂU CHUYỆN DƯỚI TÁN LÁ RỢP - Truyện ngắn Nguyễn Thị Ngọc Tú

01-09-2023

Lượt xem 2356

Đánh giá 2 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Truyện ngắn hay Nguyễn Thị Ngọc Tú

CÂU CHUYỆN DƯỚI TÁN LÁ RỢP - Truyện ngắn Nguyễn Thị Ngọc Tú

Từ tái qua các nhà văn nhà thơ; Nguyễn Thị Ngọc Tú, Nguyễn Thị Như Trang, Lâm Thị Mỹ Dạ, Xuân Quỳnh

 

Chân Dung Kẻ Sĩ: Nguyễn Thị Ngọc Tú là nhà văn nổi danh trên văn đàn Việt Nam vào những thập kỷ 60, 70, 80 của thế kỷ trước. Bà viết CÂU CHUYỆN DƯỚI TÁN LÁ RỢP năm 1980, sau này được dựng thành phim Dưới tán lá rợp. Năm 2001, bà đã đoạt Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt I. Bà cũng có một con gái theo nghiệp văn chương và nổi tiếng không kém mẹ là nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ.

Phần 1

Làng Yên Hạ ai có lần đến hẳn sẽ không thể quên. Đó là những xóm nhỏ hiền hoà nằm bên những vườn cây và hồ nước rộng thả đầy sen. Trong vườn, ngoài rau và hoa ra hầu như trồng toàn doi. Có những thân cây hai người ôm không hết. Tán lá che rợp vùng đất, vùng trời. Có lẽ không ở đâu có nhiều màu xanh đến thế. Màu xanh đầm ấm như những vòm lá dày, màu xanh dịu mát trong trẻo của hồ nước, và màu xanh mềm mại của cỏ.

Chúng tôi đến Yên Hạ vào một ngày tháng Tư. Đây là địa điểm chúng tôi dừng lại trước khi lên đường ra mặt trận. Ngay buổi đầu mới đến, chúng tôi ai cũng vui thích trước một thiên nhiên rộng lớn lung linh như thế này. Tháng Tư, những cây doi nở đầy hoa trắng và trên mặt hồ những chiếc lá sen đã xoè rộng một vài búp hoa đầu mùa như những đốm lửa nhỏ thắp lên làm sáng cả mặt hồ. Chim rất nhiều, suốt ngày không lúc nào ngớt tiếng hót. Chúng tôi đóng quân trong làng, ở nhờ nhà dân. Tôi và Mạc ở trong nhà một bà cụ có hai con trai đang chiến đấu ở ngoài mặt trận. Nhà bà cụ cũng có một khu vườn và những cây doi to kề bên một hồ nước rộng. Có lẽ đây là cái hồ rộng và trong sạch nhất xóm vì chiều nào cũng có nhiều người ra tắm.

Hôm mới đến, sau khi thu xếp xong chỗ ở, Mạc đã cởi quần áo ngoài chạy ra hồ, nhảy xuống bơi tít ra ngoài xa để mặc tôi ngồi với bà cụ. Bà cụ chủ nhà là người hay chuyện. Mỗi khi tôi hỏi chuyện gì ở trong làng thì bà cụ lại kể ra một loạt những chuyện tương tự. Mỗi cây doi trong vườn nhà cụ đều có một sự tích. Có cây trồng kỉ niệm người con đi xa, có cây trồng vào ngày đứa cháu đầu tiên ra đời… Nhìn những con gà đang bới rác trong vườn bà cụ nói:

- Cáo mới bắt mất của nhà tôi một con gà mái tơ đấy, anh ạ! Con cáo ấy rất dữ, nó từ phía miếu Hai Cô bên bờ sông, đêm nào cũng vào làng bắt gà, cũng có khi nó vào làng từ lúc chập choạng.

- Sao không giết nó đi ạ?

- Chẳng ai dám động vào nó đâu, anh bộ đội ạ! Ban đêm, người yếu bóng vía mà nhìn thấy nó lại không sợ chết khiếp đi ấy chứ anh. Hai mắt nó xanh lè như con đom đóm ma, lúc thì đỏ rực như cục than hồng. Chân nó chạy nhanh như gió cuốn, vừa thấy nó ở chỗ này, chớp mắt đã thấy nó ở đằng kia. Có người bảo có thể đi được cả ở trên mặt nước nữa ấy chứ.

- Con cáo ấy từ đâu đến, hả cụ?

- Nó ở trên rừng về năm động trời, năm có bom B52 ấy.

Bà cụ đang say sưa kể chuyện về con cáo với những tình tiết nhuốm vẻ huyền thoại, kích động tính tò mò của tôi thì từ đâu vẳng đến một tiếng hát. Tiếng hát hơi yếu nhưng sao nghe dịu dàng đến thế. Những âm thanh trong trẻo lúc vút lên cao quấn quýt trên những vòm lá xanh rợp nơi bóng tối trú ngụ, lúc hạ thấp xuống và lẫn mất trong tiếng sóng hồ vỗ nhẹ. Tôi thấy mình trở về quê hương với tuổi thơ trong tiếng ru của mẹ và con sông Hồng đỏ ngầu phù sa mỗi mùa lũ.

Tôi thấy lại cái dốc sỏi dựng đứng bên hồ, mỗi lần chạy xuống chơi tôi thường ngồi xệp trên sỏi rồi lấy chân đạp mạnh. Những hòn sỏi trượt lên nhau đưa tôi xuống tận bãi cát mềm mại sát bờ nước. Tôi mê mải chơi đùa với sỏi cát và những làn nước mát không biết đến bao giờ nếu như không có tiếng mẹ tôi gọi ở trên bờ.

Quần áo tôi ướt và lấm vùi. Mẹ hiền dịu không bao giờ mắng hoặc nói nặng tôi một câu. Nhưng mẹ tôi không còn nữa. Mẹ bị bệnh tim. Mùa đông năm ấy rét dữ dội và sương mù dày đặc, một đêm mẹ tôi ngủ và không bao giờ dậy nữa.

Những ngày ấy tôi tưởng chừng như không thể sống nổi. Nhưng rồi tôi vẫn sống và đến trường học. Bố tôi lấy vợ khác. Tôi được gửi lên tỉnh ở với cô ruột. Đó là một người đàn bà lạnh lùng, nghiêm khắc nhưng tốt bụng cực kì.

Cô đã thay anh nuôi dạy cháu theo những khuôn phép mẫu mực của một nhà sư phạm nhiều kinh nghiệm.

Tiếng hát trong khoảnh khắc đưa tôi trở lại quá khứ xa xăm và buồn dâng lên xiết chặt trong lòng. Tôi đứng lên đi đến gần tiếng hát. Trong những tia sáng mặt trời vàng đang tắt dần trên mặt đất và bóng tối màu xanh lá cây thẫm, tôi nhìn thấy bóng một người con gái gầy gò nhỏ di động giữa những luống rau, tiếng nước rơi trên lá rào rào.

Tôi không nhìn rõ mặt cô nhưng theo dáng người tôi hình dung ra khuôn mặt cô – một khuôn mặt tròn, nước da trắng hồng, đôi mắt đen láy và hai lúm đồng tiền trên má – Nghĩa là tôi tưởng tượng ra cô theo khuôn mẫu một người con gái khác mà các truyện hay tả, tất nhiên là còn cả hàm răng khểnh và mùi lá sả, hương nhu thoang thoảng trên tóc nữa.

- Này, làm gì mà đứng ngây ra trong bóng tối thế?

Mạc từ đâu chạy đến, đập tay lên vai tôi và cười rất hồn nhiên.

- Có cô nào ở bên kia hát hay quá – Tôi nói và cảm thấy lúng túng.

- Người có đẹp không? – Mạc hỏi ngay.

- Cô ấy có giọng hát đẹp, còn người thì không biết.

- Chiều nay tớ bơi sang bên kia hồ, thấy mấy cô đang giặt xinh lắm. Mai tớ với cậu sang bên ấy chơi đi. – Mạc nói và nhảy lò cò, đầu nghiêng nghiêng lắc qua lắc lại cho nước từ trong tai chảy ra.

Chiều hôm sau, hết giờ luyện tập, Mạc lại ra hồ và bơi về phía bên kia. Còn tôi, thơ thẩn ngoài sân và chờ nghe tiếng hát. Nhưng cho đến tối, chẳng có tiếng hát nào mà chỉ có tiếng trẻ con học bài. Bà cụ chủ nhà cho tôi biết, đó là cô Thảo, một cô gái trẻ vừa đầy hai mươi tuổi đã học hết lớp mười từ hai năm nay. Vì mồ côi cả cha lẫn mẹ, một mình phải nuôi hai đứa em nên cô đành bỏ học, ở nhà nhận việc làm thêm và trồng trọt, chăn nuôi. Bà cụ không ngớt lời ca ngợi cô gái làm tôi cảm động.

Một buổi tối, trong lúc tôi đang cắm cúi đọc sách bên cửa sổ thì lại nghe tiếng hát ấy cất lên. Tiếng hát xen lẫn tiếng dao băm trên thớt gỗ đều đều. Tôi lặng lẽ ra ngoài đi về phía có tiếng hát và vùng ánh sáng ấy. Cô gái trước mặt tôi hoàn toàn khác với cô gái trong tưởng tượng của tôi. Khuôn mặt cô thon thả, da ngăm đen, đôi mắt màu nâu. Cô mặc chiếc áo cũ và mái tóc ngắn buộc ra phía sau bằng một sợi dây vải. Cô đang băm rau cho lợn. Hai bàn tay đầy nhựa rau. Cô không biết có người đang đứng nhìn nên cô vừa làm vừa hát, từ bài nọ cô nhảy sang bài kia, không cần chuyển tiếp hoặc ngừng nghỉ gì cả.

Tôi đứng lặng dưới bóng tối của một gốc cây, trong lòng như dâng lên một tình cảm thương xót ái ngại. Tôi bỗng ao ước được làm đỡ cô một việc gì đó để cô bớt một phần nặng nhọc vất vả, nhưng tôi có thể làm gì được khi vừa mới biết nhau như thế này?

- Húi! – cô gái bỗng kêu lên khi cầm ngọn đèn soi vào chuồng lợn. Cái bóng tối đổ trên sân làm cô giật mình. – Anh bộ đội, mời anh vào nhà chơi! – Cô nói và cười. Cô không có răng khểnh và lúm đồng tiền nhưng nụ cười hiền hậu biết bao! Tôi hơi luống cuống trước nụ cười ấy.

- Cô Thảo có việc gì đưa tôi làm đỡ với nào? Tôi nói và ngồi xuống cầm con dao băm chuối. Cô gái để cái đèn xuống đất vào trong bếp bưng nước chè ra mời tôi.

Từ hôm ấy, tôi và Thảo quen nhau. Riêng tôi, một tình cảm tha thiết đã buộc tôi vào với người con gái ấy. Vì lẽ gì tôi không biết nhưng tôi chỉ cảm thấy yêu mến và gắn bó với cô như thể tôi và cô đã thân thiết với nhau từ bao năm rồi. Còn cô gái cũng tỏ ra quyến luyến tôi một cách tự nhiên không chút màu mè. Cô vẫn mặc những bộ quần áo cũ giản dị như trước và mỗi khi tôi sang nhà, cô đều xếp cho tôi việc gì đó để làm. Thảo nói cho tôi nghe nhiều chuyện và những ước mơ về tương lai. Cô mong muốn trở thành một bác sĩ nhưng chắc chắn chẳng bao giờ cô đạt được.

- Sao lại không ? – Tôi kêu lên với vẻ bực tức và liền bày ra cả một kế hoạch để cô thực hiện. Tôi động viên cô cố gắng và những lúc nghỉ ngơi tôi lần mò đi tìm sách để cô tự học thêm.

Nói chung, tình cảm hai đứa tôi ngày một gắn bó, thân thiết. Chúng tôi nói với nhau nhiều chuyện, duy có điều cần nhất thì tôi lại không nói được đó là tôi đã yêu Thảo.

Những diễn biến tình cảm của tôi hình như Mạc cũng biết. Một hôm, tôi vừa sang nhà Thảo về thì Mạc cười nói:

- Ông bạn đang tính chuyện nghiêm chỉnh hay chỉ đùa chơi thôi đấy?

- Không ai đùa chơi với tình cảm của mình cả! – Tôi đáp.

- A! Hay đấy, để tớ xem xét hộ nhé. – Mạc nói và lại bỏ đi ra hồ tắm như mọi chiều ở sân bóng về, mồ hôi đầm đìa trên ngực.

Tôi đi theo Mạc, chỉ sợ nó làm điều gì tổn thương đến Thảo. Nhưng nó chỉ lao xuống nước và bơi tít ra ngoài xa. Thoáng cái đã thấy nó sang đến bờ bên kia – nơi có những cô gái xinh đẹp mà nó quen biết. Tôi thấy nó chạy trên cát một lúc rồi mất hút trong những vòm cây xanh rậm.

Vừa lúc ấy thì Thảo cắp chậu quần áo ra hồ giặt.

- Hai đứa em đang muốn nhờ anh giảng bài toán, anh vào nhà giúp em nhé! – Thảo nói, mắt long lanh ướt (cô vừa tắm sau khi lao động về, nom tươi tắn như cây hoa sau cơn mưa).

Tôi vội vã quay vào nhà. Trong khi tôi đang hí húi vẽ hình trên tờ giấy cho hai chú bé học thì nghe tiếng chân chạy thình thịch và Thảo, mặt đỏ bừng, quần áo ướt lướt thướt lao vào trong nhà. Trong chậu quần áo cô cắp trên tay có một bông hoa sen đỏ rực.

- Không có gì cả đâu, tại em nhát đấy thôi. – Thảo nói và cười, nét mặt vẫn còn nguyên vẻ hồi hộp, xúc động. – Em đang lội dưới hồ giặt quần áo thì bỗng thấy mặt nước chuyển động và một đầu người sừng sững nhô lên. Em sợ quá, định chạy nhưng không sao nhấc chân lên được. Cát thì cứ như lún xuống, em ngã lăn ra, anh ấy đỡ em dậy và đưa cho em bông hoa này. Anh ấy lặn giỏi quá! ôi chao, trống ngực em còn đập đến tận bây giờ! –Thảo vừa nói vừa nhìn tôi và cười.

Tôi giận Mạc quá. Tôi đi về nhà định mắng cho nó một trận, và bắt nó hứa sẽ không bao giờ còn có cái kiểu đùa nghịch như thế đối với Thảo và với bất cứ cô gái nào. Nhưng Mạc không có nhà. Bà cụ chủ nhà bảo Mạc đi xuống phố rồi. Tận khuya đêm ấy Mạc mới về, lúc ấy tôi nghe nó kể chuyện về trận bóng đá ở sân vận động Hàng Đẫy, nó vừa đi xem. Nó đã đổi cái bút máy rất đẹp ai tặng trước ngày lên đường để lấy một cái vé. Nỗi tức giận trong lòng tôi đối với nó bỗng tiêu tan. Tôi thấy nó chẳng phải là người có tâm địa gì, nó cũng chẳng có ý định phá tôi, và có lẽ nó thích đùa nghịch thế mà thôi. Có lẽ nó cũng đã quên cả câu chuyện buổi chiều với Thảo. Thôi cầu mong cho nó quên đi đừng nhắc gì đến Thảo của tôi nữa.

Nhưng không phải như ý nghĩ của tôi. Mạc tỏ ra không những chỉ chú ý đến Thảo mà còn thích Thảo nữa. Điều ấy thật đáng sợ đối với tôi. Tôi thấy nó hay sang nhà Thảo và thường chạy qua sân nhà Thảo để xuống bến tắm. Tôi thấy ngượng thay cho nó, mỗi khi ở sân bóng về, trong nắng xiên khoai đỏ rực, nó phơi ra bộ ngực trần nhễ nhại mồ hôi, đôi bắp chân dài ngoằng cố tình chạy trước mắt Thảo, mồm huýt sáo rồi lao xuống nước.

- Con bé ấy nom kháu đáo để. – Một hôm, nó bỗng nói.

- Cậu đã có bao nhiêu cô xinh đẹp ở bên kia hồ rồi cơ mà. – Tôi nói và cố kìm nỗi bực tức đang dâng lên.

- Bao nhiêu cô, ăn thua gì! Cô thì đã có chồng có con, cô thì có người yêu đang chuẩn bị cưới. Cái Thảo vừa đẹp người vừa tốt nết, nó mà được ăn mặc diện vào thì phải biết.

Tôi đắng người trước những câu nói tự nhiên, cử chỉ ồn ào, vồn vã của Mạc. Những điều nó nói, tôi đều đã nghĩ nhưng chẳng bao giờ nói ra. Còn nó, nghĩ sao nói vậy, cứ tự do phô bày những điều mà người ta thường kín đáo, giữ gìn.

- Người hơi gầy và xanh chắc là ăn uống kém. Tóc ấy mà uốn cao lên thì đẹp phải biết. – Một lúc khác, tự nhiên Mạc lại nói như vậy.

- Cậu nói về ai thế? – Tôi hỏi.

- Nói về cái Thảo chứ nói về ai nữa? Cậu chỉ giả vờ! Giá ông bà già đừng theo nhau mà đi cả thì em không đến nỗi vất vả bỏ học dở chừng như thế. Hồi đi học, nó thông minh, văn nghệ giỏi. Tiếc thật, nếu không bây giờ là sinh viên rồi thì đâu đến lượt mình.

- Đến lượt mình?

Tôi hỏi và nhìn Mạc. Mạc không trả lời, huýt sáo rồi bỏ đi. Tôi tìm Thảo. Tôi quyết định nói thật mọi chuyện với Thảo. Nhưng khi gặp em, nhìn đôi vai gầy trĩu nặng lo toan tôi lại thấy ngập ngừng khó nói. Một người lính trên đường ra mặt trận chưa biết ngày về, tình yêu của tôi có khi không đỡ được gánh nặng mà lại chất thêm lên đôi vai gầy ấy những lo âu nữa cũng nên. Vì thế tôi chỉ lặng thinh và lo làm đỡ Thảo những gì cần thiết. Có lúc tôi thấy Thảo rất yêu tôi, nhưng có có lúc tôi lại thấy Thảo chỉ coi tôi như một người bạn, hơn thế một chút, coi tôi như một người anh – ấy là khi Thảo nhắc đến Mạc với tất cả sự chú ý của mình:

- Anh Mạc là một người hồn nhiên vui tính, thoải mái dễ chịu thật! Anh ấy khác hẳn anh.

- Vậy thì em thích ai? – Chỉ một chút nữa thì câu hỏi ấy bật ra nhưng tôi đã ghìm lại được. Tôi quyết định viết thư cho Thảo. Những gì tôi không nói ra được bằng lời tôi sẽ nói bằng giấy. Viết có lẽ dễ hơn nói. Nhưng sự thực lại không phải như thế. Viết một bức thư tỏ tình yêu với một người như Thảo và trong hoàn cảnh của tôi cũng chẳng phải dễ dàng nên tôi cứ viết rồi xé. Trong khi tôi chưa viết xong được cái thư khó nhất đời ấy thì ngay cạnh tôi, bên cái bàn nhỏ, đôi vai của Mạc căng rộng, cái đầu tóc cắt cao, cúi xuống trên một tờ giấy mầu hồng. Trời ơi, phải chăng Mạc cũng đang làm cái việc mà tôi làm mãi không xong ấy? Nó say sưa mê mải viết đến nỗi không biết là tôi đang đến gần.

Viết một hồi, nó quẳng bút, ngẩng lên nhìn tôi nhoẻn miệng cười:

- Thơ lục bát dễ làm nhưng không khéo nó giống như vè.

- Cậu đang làm thơ à? – Tôi giật mình, sửng sốt nhìn Mạc.

- Cậu đọc đi rồi góp ý cho tớ! – Mạc nói và đưa tờ giấy cho tôi rồi đứng dậy vươn vai, ngáp:

Anh yêu quá làng Yên Hạ sạch sẽ

Nơi sinh ra một người con gái trẻ

Xinh như hoa và đẹp như thơ

Loăn xoăn bay dăm sợi tóc tơ

Cười tủm tỉm đôi môi hồng mọng đỏ

Anh yêu em muốn như tắt thở…

Tôi đưa tờ giấy trả Mạc và bỏ đi. Mạc giữ tôi lại hỏi dồn:

- Sao? Được không?

- Được thôi, nhưng câu đầu và câu cuối nên sửa lại, thế nào ấy. Trong thơ tình người ta không nói về vệ sinh của làng xóm. – Tôi nói và không giấu được vẻ khó chịu trên nét mặt. Như thế là con người này đã thực sự nhảy vào giữa chúng tôi rồi. Mạc như bất cần đến thái độ của tôi, anh ta cứ thích gì làm nấy.

Và một điều tệ hại nhất là hình như Thảo cũng có cảm tình với Mạc. Thảo hay nhắc và hay hỏi chuyện về Mạc. Một lần, đang ngồi nói chuyện với tôi, chợt mặt Thảo ửng đỏ. Tôi nhìn thấy Mạc đi đến.

- Anh Mạc có bà mẹ thật tuyệt vời. Goá chồng từ ba mươi tuổi, đứng vậy nuôi con! Em phục bà thật đấy! Thảo nói, một lần đang chuyện trò với tôi.

Tình cảm trong lòng tôi như có nước lạnh dội. Tôi đối với Thảo tốt đẹp biết bao nhưng hình như Thảo chưa biết tình cảm của tôi. Tại tôi chăng? Tại tôi mỗi lần gặp Thảo chỉ biết ngồi nghe em kể chuyện hoặc vội vã làm những việc mà em cần, còn những gì về mình thì tôi nén lại! Thật là ngu xuẩn! Tôi tự mắng nhiếc mình. Nhưng thôi, điều đó có lẽ cũng chẳng quan trọng gì nếu như Thảo không yêu Mạc. – Tính Thảo và Mạc trái ngược nhau như hai mặt đen trắng của cuộc đời, làm sao có thể kết hợp được. Tôi tự an ủi mình và yên tâm với ý nghĩ sớm muộn thì em cũng nhận ra tình cảm chân thành thiêng liêng của tôi đối với em thôi. Tình yêu đó là thứ tình cảm thiêng liêng và tự nguyện nhất trên đời, nó như quả, như hoa, chẳng thể nào bắt buộc nó gượng chín, gượng nở.

Một buổi, tôi đang đứng sau gốc cây doi nhà Thảo nhìn những cánh hoa phủ trắng trên mặt thì thấy Thảo từ trong nhà vội vã đi ra. Trống ngực tôi đập rộn lên. Chắc Thảo nhìn thấy tôi? Nhưng không phải, Thảo đứng lại dưới một gốc cây ổi bóc phong bì kéo ra một tờ giấy màu hồng (cái tờ giấy có bài thơ Mạc đưa tôi xem), cúi xuống chăm chú đọc, vừa đọc vừa mỉm cười. Đọc xong, Thảo gấp tờ giấy lại bỏ vào túi áo rồi đi ra hồ. Ở dưới nước, Mạc từ từ bơi đến, bộ ngực đỏ au giàn giụa ánh mặt trời xoải rộng ra trên sóng. Mạc cười, bọt nước trắng xoá bao bọc xung quanh nụ cười của Mạc, làm cho cả khuôn mặt rạng rỡ giống như người ta kết hạt cườm quanh ảnh một người chiến thắng. Ở trên bờ, Thảo cũng bật cười. Hai nụ cười bắt gặp nhau.

Mạc kéo từ dưới nước lên một cái gì và giơ tay ném vào chỗ Thảo đứng. Một con cá chép vẩy sáng lấp lánh đập mình trong cỏ.

- Bắt được cá ở đâu thế? – Thảo cúi xuống nhặt con cá rồi hỏi vóng ra ngoài xa.

- Ở dưới nước!

- Giỏi thế nhỉ!

- Đang bơi nó lao vào ngực mình, tội gì mà không bắt?

Thảo rút một ngọn cỏ rồi xâu cá xách về, nét mặt Thảo sáng rỡ. Thảo lại đi qua chỗ tôi nhưng cô vẫn không trông thấy tôi.

Tôi đi thẳng từ gốc cây doi – vườn nhà Thảo, lang thang đến đêm mới về nhà ngủ. Mạc cũng chưa về.

Bà cụ chủ nhà bảo tôi:

- Hôm nay không chắc cậu ấy về đâu. Cậu ấy đi bắt con cáo. Đêm nay cáo lại về. Mới nhập nhoạng tối chó bên nhà cô Thảo đã sủa ầm lên. Cô ấy lo lắm. Cậu Mạc bảo sẽ giết con cáo ấy trong đêm nay.

Tôi cười một mình. Thuật của những thằng đàn ông mê gái là thích tạo ra những chuyện hấp dẫn để lao vào làm. Thôi được, cứ để cho Mạc đi bắt con cáo. Tôi đi ngủ. Khuya lắm, lúc tôi đang ngủ say bỗng giật mình choàng tỉnh dậy vì tiếng súng nổ rất gần. Tôi mở cửa chạy lao ra ngoài. Bên nhà Thảo đèn sáng rực. Trên đất một con vật lông vàng thẫm nằm dài. Máu đỏ lòm. Hai đứa em Thảo đứng nép sát vào Mạc, hãi hùng nhìn con vật đã chết nhưng mắt vẫn mở trừng trừng.

- Chị Thảo đâu? – Tôi hỏi và tránh cái nhìn ngạo nghễ của Mạc.

Chú bé chỉ vào trong nhà. Thảo đang thắp hương cắm trên bàn thờ. Bàn tay cô run run và đang nói gì lầm rầm trong miệng. Cô đi thẳng tới chỗ Mạc và đứng sát bên cạnh Mạc.

Một lần nữa cô đi ngang qua tôi mà không nhìn thấy tôi.

Trước ánh đèn đỏ rực, trong khoảnh khắc tôi cay đắng phải công nhận một điều rằng họ trông thật đẹp đôi. Mạc cao lớn sừng sừng, còn Thảo thì nhỏ nhắn dịu dàng, mềm mại trong chiếc áo cánh xanh biêng biếc. Cô đứng gần Mạc và ngẩng nhìn Mạc với ánh mắt thật khó tả, nó như mắt người dân vùng địch chiếm nhìn người chiến sĩ giải phóng quê hương vừa thân thiết vừa trìu mến, biết ơn.

Con cáo bỗng giẫy mạnh, đám lông trên mình nó sởn lên, chân sau đạp nhè nhẹ rồi nằm im phắc. Thảo giật mình đứng sát vào Mạc như cầu sự che chở.

- Không sợ. Nó giẫy chết đấy, cô bé ạ. – Mạc đập tay lên vai Thảo rồi cười vang.

Tôi bỏ đi… Và đêm ấy, tình yêu trong lòng tôi cũng giẫy lên lần chót rồi chết hẳn. Tôi không nghĩ đến Thảo nữa mà lo tập trung mọi sức lực chuẩn bị lên đường.

Những lúc rảnh rỗi tôi đi thăm bạn bè. Ngày nghỉ tôi ngồi lì trong thư viện. Những cuốn sách cũng như bạn bè, cũng giúp tôi quên đi bao điều cũ và cũng cho thêm bao điều mới. Nhưng tệ hại thay, trong lúc tôi tìm cách để quên đi thì Mạc lại bắt tôi phải nhớ. Ngày nào nó cũng bắt tôi nghe chuyện gì đó về Thảo. Đại loại như thế này:

- Cô Thảo thật tốt hết chỗ nói. Rất giỏi nữ công nhé! Hôm qua nhà cô ấy có giỗ, cậu đi đâu mà mình tìm không thấy? Cô ấy cho mình xem một bó thư của các anh chàng gửi cho cô ấy. Thôi thì đủ các bác sĩ, kĩ sư. Nhưng cô ấy lại chọn mình. Một thằng lính nghèo! Thế mới hay!

- Mừng cho cậu! – Tôi đáp.

Như thế là Mạc và Thảo đã chính thức yêu nhau. Các buổi chiều ở sân bóng về, Mạc không chạy ra hồ tắm mà sang bên nhà Thảo. Tôi thấy nó cuốc đất bổ củi, tưới rau và thỉnh thoảng nó lại bắt một con cá trong khi bơi làm Thảo thích thú. Rồi một buổi, tôi thấy hai người hì hục đào đất ở bờ hồ đắp một cái nền nhà.

- Mai kia về tớ sẽ làm thêm một ngôi nhà ở chỗ này. – Mạc nói và vẽ lên giấy một ngôi nhà trong tương lai.

- Ông bạn định tính chuyện nghiêm chỉnh hay chỉ đùa chơi thôi đấy? – Tôi nhắc lại câu hỏi của Mạc hôm nào.

- Ai lại đùa như thế? – Mạc lườm tôi.

Ngày lên đường sắp tới gần. Tôi thấy Mạc có vẻ suy nghĩ, lo lắng. Một hôm, nó bảo tôi:

- Hay là tớ báo cáo đơn vị cho tớ làm lễ cưới với Thảo trước khi đi?

- Sao vội vã thế?

- Phải cưới tớ mới yên tâm. Nếu không, mình đi xa, em ở nhà gặp phải đứa nào sạch nước cản hơn lại lấy béng thì sao? – Mạc nói và thở dài. – Cưới ngay cũng khó khăn lắm vì chưa chuẩn bị được gì cả. Bà cụ ở quê chưa hay biết, có đánh điện cũng không kịp.

Mạc nói và có vẻ suy nghĩ nhiều. Mạc gặp Thảo và không biết hai người bàn bạc với nhau như thế nào mà lúc về nó có vẻ bình tĩnh, không thấy nhắc gì đến chuyện cưới xin nữa.

Khi ấy khắp nơi trên đất nước sôi nổi chuẩn bị tổng tiến công giải phóng miền Nam. Ngày đêm những đoàn quân lần lượt lên đường ra mặt trận. Thảo và Mạc đã vẽ lên trên đất một nền nhà hình chữ nhật. Họ chuẩn bị cho tương lai thật đẹp: ngôi nhà sẽ xây lên dưới bóng rợp của một cây doi lớn, phía trước là vườn rau và hoa. Phía sau là hồ nước. Mùa hè này Thảo chuẩn bị thi vào trường Y khoa.

Càng gần đến ngày chia tay thì quan hệ giữa hai người càng thân thiết, gắn bó. Nhiều bữa Mạc ăn cơm bên nhà Thảo và có lần tôi thấy Thảo đem quần áo của Mạc ra hồ giặt. Mỗi lần gặp tôi, Thảo lại chào hỏi rất lễ phép. Tôi cố giữ vui vẻ và bình thường trong quan hệ với Thảo. Nhưng mỗi lần gặp cô, tôi thường nhìn sâu vào mắt cô và hỏi rằng không biết cô có yêu Mạc thật hay không. Những khi ấy cô thường tránh cái nhìn của tôi, đôi khi trong mắt còn thoáng vẻ trách móc nữa.

Tôi không hiểu sao cô lại có ánh mắt như thế.

Chả lẽ cô tiếc thương người này nhưng lại chấp nhận người kia sao?

Ngày lên đường đã đến. Mạc bảo tôi:

- Cậu cho tớ vắng mặt cả ngày hôm nay nhé. Sáng mai, tớ đảm bảo tập trung đúng giờ. Cậu thông cảm cho tớ, tớ có nhiều việc cần phải bàn với Thảo trước khi chia tay.

Nhìn vẻ mặt của nó thật thương, tôi đành bằng lòng để cho nó vắng mặt, nhưng bắt nó phải về ngủ trước 12 giờ đêm để còn đủ sức khoẻ ngày mai lên đường. Nhưng cả đêm Mạc không về. Mờ sáng, nó rón rén mở cửa vào nhà và lên giường nằm. Khi cái đồng hồ báo thức reo lên một hồi chuông thì nó vùng dậy vươn vai y như thức dậy sau một giấc ngủ dài. Trên khuôn mặt phờ phạc vì thiếu ngủ của nó thấp thoáng những nụ cười khó hiểu.

Tôi không hỏi gì và cũng không chú ý đến nó nữa. Có biết bao điều háo hức sôi nổi của ngày lên đường cuốn lấy chúng tôi.

Và tất cả cùng ra mặt trận.

 

img_20230901_023000_929

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú bên con gái nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, hai mẹ con cùng là nhà văn nổi tiếng bậc nhất làng văn và hai cháu ngoại

Phần 2

Chiến trường là nơi thể hiện phẩm chất người lính rõ ràng nhất. Mạc chiến đấu rất dũng cảm. Tôi cùng một tiểu đội chiến đấu với Mạc và được thấy nó trước tất cả mọi thử thách. Không một lần nào nó tỏ ra chần chừ, ngần ngại trước một trận chiến đấu. Hơn thế nữa nó gan dạ và mưu trí. Nó có một vài thành tích và được khen thưởng. Những điều đó làm tôi lấy lại trong mình tình cảm quý mến bạn bè ngày trước và quên dần đi những gì nó đã không phải đối với tôi.

Sau những trận đánh và truy kích địch, chúng tôi lần lượt giải phóng những thành phố. Như các bạn biết đấy, nhân dân các đô thị miền Nam đón chúng tôi rất nồng nhiệt. Mạc bị cuốn hút vào những hoạt động sôi nổi của thành phố. Màu sắc sặc sỡ của nhà cửa đầy tiện nghi, lối ăn mặc của đủ loại người, những tiếng động của các loại xe gắn máy, tất cả đều hấp dẫn Mạc. Nhưng nó thích nhất xe Honđa. Nhiều lúc, tôi bắt gặp nó đứng ngây người nhìn những chiếc xe lướt trên đường phố.

- Thật là một tốc độ thích thú! Mình rất thích một tốc độ như thế. Sau này nhất định mình sẽ mua một cái xe Honđa. – Mạc nói và không ngày nào là không nhắc đến chiếc xe nó mơ ước. Ít lâu sau anh em đặt ngay cho nó một biệt hiệu là Mạc Honđa. Mạc rất thích thú với cái biệt hiệu này.

- Sau ngày giải phóng miền Nam mình sẽ ra Bắc bốc Thảo vào đây. Yên Hạ là cảnh của người già, cảnh về hưu, buồn không chịu được.

- Liệu Thảo có bằng lòng không? – Một người hỏi.

- Cái đấy thì cầm chắc. Tớ thích là Thảo thích! Thảo rất ngoan và biết chiều theo mọi ý muốn của tớ. – Mạc nói một cách khẳng định.

Chúng tôi cũng chẳng cần biết những điều đó có thành sự thật hay không vì nó còn quá xa. Những trận đánh vẫn diễn ra ác liệt và chúng tôi tiến nhanh như vũ bão. Những thành phố miền Nam được giải phóng liên tiếp. Chúng tôi tiến vào Sài Gòn. Tôi bị thương ngay từ ngày đầu giải phóng thành phố nên phải vào bệnh viện.

- Xui xẻo quá, hà! – Mạc kêu lên vẻ thương cảm tôi.

Đối với Mạc, Sài Gòn là thành phố mà mơ ước đêm ngày được đặt chân đến. Vì vậy, việc tôi bị thương phải nằm viện trong khi Sài Gòn vừa giải phóng Mạc cho rằng không có bất hạnh nào lớn hơn. Kể thì cũng đáng tiếc là những gì diễn ra trong thành phố những ngày đầu tôi không được chứng kiến. Mạc bị thương lại ở phần mềm, chỉ gần một tháng nó đã khỏi. Trong thời gian chờ theo dõi kiểm tra lại nó được nghỉ công tác, và một ngày được phép đi chơi bên ngoài vài giờ.

Tôi nghe tin nó tìm được người nhà. Việc nó có người nhà trong này trước đây tôi chưa hề nghe Mạc nhắc đến bao giờ, mặc dù chúng tôi đã ở chung với nhau khá lâu và tôi cũng biết rõ những người ở trong gia đình Mạc. Vì vết thương khá nặng, tôi phải nằm viện lâu. Bạn bè thường đến thăm tôi trừ Mạc, mặc dù nó đã ra viện từ lâu và rảnh rỗi hơn nhiều anh em khác. Tôi lo lắng không hiểu vì sao. Một hôm, tôi hỏi thăm một người khá thân với Mạc. Cậu ta cười bảo:

- Cậu ấy bận với chiếc Honđa mới.

- Honđa mới? Ở đâu ra vậy? – Tôi ngạc nhiên hỏi.

- Người nhà cho! Cậu ấy tìm được một bà thím goá. ông chú không còn nữa, bà thím đã lấy chồng khác rồi nhưng dù sao hai bên cũng đều cần nhau. Người vật chất kẻ thích tinh thần. Hai bên cùng có lợi. Bà ta có cô con gái út khá đẹp. Cô này ngoài ba mươi nhưng nom còn trẻ lắm. Hôm chúng mình đến chơi thấy cô ta đang dạy ông anh tập Honđa.

- Cô ta có chồng chưa? – Tôi hỏi và chợt nghĩ đến Thảo.

- Chưa chồng nhưng có một đứa con gái nhỏ.

- Con ai vậy?

- Sao hỏi kĩ vậy? – Người bạn kêu lên.

Tôi lặng đi trong một linh cảm đau lòng. Lâu nay, tôi đã quên hẳn con người tôi trước tình yêu của Mạc và Thảo. Tôi chỉ mong muốn sao cho họ hạnh phúc. Hạnh phúc ấy tuỳ thuộc ở Mạc. Mà Mạc lại như ngọn lửa rơm dễ bùng cháy, nhưng lại chóng tàn. Điều ấy bọn con trai chúng tôi nhìn rõ lắm. Nhưng trước đôi mắt của con gái thì ngọn lửa rơm rực rỡ có sức thiêu đốt họ. Ít lâu sau, tôi nhắn Mạc vào gặp nhưng chẳng thấy tăm hơi nó đâu. Bạn bè cho biết nó đã ra ở ngoài và thỉnh thoảng bạn bè lại gặp nó vi vu trên đường phố với chiếc Cúp 50 và cô em họ.

Tôi không thể chịu nổi khi nghe những chuyện ấy. Tôi xin ra viện và đi tìm Mạc. Tất nhiên là tôi đã gặp Mạc ở nhà người thím goá của nó. Biệt thự nằm chìm trong vườn cây. Tôi ngạc nhiên khi thấy trước nhà này có hai cây doi nhỏ (ở trong này gọi là cây mận) có những chùm quả màu hồng. Đám trẻ con đang trảy doi và cười đùa ầm ĩ. Chẳng hiểu chúng là con cái nhà ai mà nhoai nhoai đủ loại. Có đứa tóc quăn tít môi dày, mắt to trắng dã, có đứa da trắng mắt xanh, lại có đứa mặt bị xị, mắt nhỏ xíu và những cái nhìn bỡ ngỡ.

- Cô Liễu ơi, nhà có khách nè! – Một đứa bé kêu lên và tiếng chuông cũng kêu lên.

Trong nhà buông ra một tiếng đanh đảnh:

- Ai đó, mời vô!

Có cái gì làm tôi bỗng thấy rụt rè ngần ngại trước những bậc đá hoa bóng loáng, rèm cửa xanh biếc, những ô kính nhiều màu.

Một người đàn bà còn trẻ đang ngồi trước bàn, chân bắt chéo ngước nhìn tôi. Phút chốc, tôi như bị choáng ngợp trước vẻ kì ảo của đôi mắt tô xanh và màu sắc rực rỡ của quần áo, mùi thơm của nước hoa và mùi son phấn… Một nụ cười của đôi môi mỏng nở rộng, bàn tay có những móng dài đỏ chót chìa ra trước mặt tôi:

- Chào anh Hai, mời anh Hai vô nhà. Chắc anh Hai đến tìm anh Mạc phải không? Anh Hai chờ chút xíu anh Mạc ra liền đó. Anh Hai ngồi đây. Bay đâu, lấy hai li trà đá…

Tôi ngồi ra trên ghế nhìn căn phòng tiện nghi sang trọng với những tủ, những gương và tranh ảnh. Nhưng thu hút sự chú ý của tôi hơn cả là người đàn bà đang đứng trước mặt tôi. Sau một phút định thần lại tôi mới thấy rõ là mình đã lầm. Cô ta không hề đẹp. Khi cô ta cúi xuống đặt cốc nước trước mặt tôi, tôi nhìn rõ những lớp phấn cứng trên da mặt, son bết trên môi và những vết sẹo ở đuôi mắt đã được che đậy bằng những vệt xanh biếc tô chung quanh.

- Anh Hai ở cùng một phân chủng với Mạc? – Người đàn bà hỏi và lúng liếng nhìn tôi, cặp lông mi chớp chớp.

- Vâng, tôi với anh Mạc cùng đơn vị.

- Sao lâu nay em không hân hạnh được đón tiếp anh Hai? Hay anh Hai mới ở ngoài Bắc vô?

- Tôi bị thương ngay ngày đầu vào thành phố này, phải nằm viện, hôm nay mới ra viện và đến đây thăm Mạc.

- Tội nghiệp quá. Anh Hai bị thương ở đâu vậy? Tội nghiệp, cách mạng vất vả gian khổ quá hà!

Mạc đẩy chiếc Honđa ra ngoài, bàn tay nhem nhuốc dầu mỡ giơ ra bắt tay tôi:

- Tớ đang dở tay một chút xíu, xe kẹt xăng, tệ quá! Ồ mà cậu ra viện hồi nào thế? Khoẻ hẳn chưa. Ờ, nom cậu gầy đi đấy! Mấy hôm tớ bận quá chưa vào thăm cậu nhưng vẫn hỏi thăm luôn đấy. Nhớ cậu nhiều hôm tớ cứ nhắc luôn làm cả nhà kêu toáng lên. – Mạc vừa nói vừa ngồi lên cái xe và mở máy. Một làn khói đen phụt ra từ ống xả. Sau những tiếng nổ giòn, chiếc xe chồm lên. – Được rồi! Chà, xài thì thích nhưng khi nó hỏng thì bực hết muốn.

Mạc dựng xe, chùi tay vào cái giẻ rồi đến ngồi trước mặt tôi. Tôi nhận thấy nó béo hơn nhưng khuôn mặt lại phờ phạc và cái nhìn của nó chờn vờn ở đâu đó, tránh mặt tôi. Những câu nói tuy vồn vã mà lạnh lẽo, thân thiết mà thờ ơ… Tôi cảm thấy nó có vẻ miễn cưỡng khi gặp tôi ở đây.

- Bà thím đâu? Tôi hỏi.

- Bà đi chợ bán đồ chứ có nhà đâu. Bà có một cửa hàng ở Chợ Lớn, thỉnh thoảng mới về nhà. – Mạc đáp lờ phờ và ngáp, tay tiếp tục chùi vào mớ giẻ.

- Cô vừa ngồi đây là con gái bà ấy à?

- Ờ, cô út. Út Liễu đấy. Con bé tội nghiệp, dễ thương đáo để. Cậu thấy thế nào?

- Bố cô ta đâu?

- Ai mà biết! Ông bà buôn bán rồi đụng nhau sinh ra cô ta.

- Cậu đã nhận thư của Thảo chưa? – Tôi hỏi.

- Thảo à. Chưa. Ừ nhỉ, tớ chưa nhận được gì cả, mà cũng bận quá chưa viết thư được. Sao, thế nào, cậu có nhận được tin tức gì của Thảo không? – Mạc vồn vã hỏi và nhìn quanh như sợ ai nghe tiếng.

Tôi ngồi lặng, lòng giận sôi lên nhìn vào cái thân xác to lớn đã bắt đầu có bụng của Mạc mà thấy thương Thảo vô cùng. Bởi vì tôi biết chắc giờ đây ở nơi xa xôi dưới những tán lá rợp, Thảo đang mong chờ Mạc.

- Nghe đâu cậu có chuyện gì mới phải không? – Tôi tấn công.

- Chuyện gì? – Mắt nó sửng lên nhìn tôi. – Đứa nào lại dư luận tầm bậy? Đấy, tệ thế đấy. Ai mà sống nổi được cơ chứ.

- Sao cậu không ở với anh em mà lại chuyển ra ngoài?

- Mình ốm, cậu hiểu chưa. Ở với anh em ăn cái quái gì?

- Ốm đi bệnh viện, tớ nghĩ rằng…

- Ô, ô, tôi chán ngấy bệnh viện rồi. Tôi chiến đấu giải phóng cái thành phố này, không phải để vào bệnh viện. – Mạc kêu lên và đứng dậy mở tủ lấy chai bia lạnh ra, cứ thế tu – Hôm nay, cậu phải ở lại đây với tớ, ta kiếm cái gì nhậu lai rai nhé!

- Mình phải về!

- Làm gì mà cậu cứng khô như vậy? Đời được mấy gang tay mà khắc khổ quá vậy? Cậu thử nghĩ xem cậu cần gì nào. Cái gì cậu cũng có rồi kể cả cái khổ cậu cũng khổ nhiều rồi, bây giờ phải biết tận hưởng lấy phút hạnh phúc ở đời chứ!

Từ phòng bên nổi lên tiếng nhạc xập xình của một chiếc Akai và một giọng sướt mướt tiếp theo. Mạc liếm môi rồi đứng dậy mở tủ lấy ra một chai rượu màu xanh.

- Cậu cẩn thận không bị đánh giá đấy! – Tôi nói. Thực ra không biết nói thế nào cho đúng.

- Tớ có giá rồi chẳng ai đánh được! – Mạc đáp và cười thoải mái. Vừa lúc ấy người đàn bà có tên Liễu bước ra. Cô ta đã thay bộ đồ khác, cái túi da cầm tay và hình như khuôn mặt đã được tô vẽ khác.

- Ta đi chứ không má mong anh Hai! – Cô ta nói với Mạc rồi quay về phía tôi. – Dạ cảm phiền anh Hai ngồi chơi một lát em đi chút xíu rồi về ngay mà. Anh Hai cứ tự nhiên như ở nhà…

Tất nhiên là tôi không ở lại và Mạc vừa nói những câu vồn vã đãi bôi vừa đẩy xe ra. Rồi cả hai lên xe phóng đi trước mắt tôi.

Tôi trở về nhà viết thư báo tin cho Thảo biết Mạc đang ở Sài Gòn. Nghĩ đến Thảo tôi lại tự trách mình bất lực trước cuộc sống bắt đầu hư hỏng của Mạc. Tại sao tôi không tìm cách ngăn Mạc lại trước cái dốc mà Mạc đang trượt xuống? Người bạn cùng tổ tôi hình như cũng biết tâm trạng tôi, nói:

- Thủ trưởng cũng nhắc nhở phê bình mãi rồi, cứ để nó bị kỉ luật may ra nó mới chừa được. Nó đang xin nghỉ phép đấy! Giữa lúc bận như thế này không biết nó xin phép nghỉ để làm gì nhỉ?

Những lo nghĩ của tôi bị công việc cuốn đi, tôi ít gặp Mạc và nhiều khi không nghĩ đến nó nữa. Còn Mạc, tất nhiên nó tìm cách tránh mặt tôi.

Thế rồi một hôm tôi nhận được thư của Thảo nhờ chuyển hộ cho Mạc. Tôi rất muốn biết Thảo viết gì cho Mạc, nhưng tôi đâu có quyền bóc thư và cũng không thể không chuyển cho Mạc được. Thế là tôi lại một lần nữa tìm gặp Mạc.

- Thảo gửi thư cho tớ? Kì nhỉ? Sao cô ấy lại biết địa chỉ của tớ? Mạc kêu lên và cầm lá thư tôi đưa để xuống bàn. Khi thoáng thấy bóng Liễu từ trong nhà đi ra. Mạc vội vã bỏ lá thư vào túi và vội nói lảng sang chuyện khác. Tôi bỏ ra về, nhưng Mạc giữ lại với lí do để xem thư Thảo viết gì.

- Điều ấy thì có liên quan gì đến mình?

- Mọi chuyện đều liên quan đến nhau! – Mạc cười một cách khó hiểu và khi Liễu đi khỏi, Mạc vội vã bóc thư và đọc ngấu nghiến.

Xong, Mạc lia cái thư vào tay tôi:

- Cậu đọc đi!

- Để làm gì?

- Để biết! Đời thật là một mớ bòng bong. Tại sao hồi đó… Ờ, mà cũng không sao... Cũng may là chưa cưới – Mạc lúng túng nói và bối rối đứng lên mở tủ lấy ra hai cốc vại, mở nút chai. Bọt sủi lên.

Tôi cúi xuống đọc thư của Thảo. Thư của Thảo ngắn ngủi báo tin Thảo đang học năm thứ hai y khoa. Thảo đã vượt qua rất nhiều khó khăn để nuôi các em và học tập. Một đứa em của Thảo sau khi tốt nghiệp 10 đã đi bộ đội và hiện nay cũng đang ở xa. “Những ngày tháng vừa qua em sống và làm việc được như vậy là nhờ anh – tình yêu của anh là sức mạnh của em. Em và… chờ anh. Sao anh không viết thư cho em?

Chắc anh bận lắm phải không? Nếu bận anh cố viết cho em vài chữ. Bao giờ nhận được thư của anh, em sẽ viết dài và kể tỉ mỉ cho anh nghe”.

- Cô ấy và ai đó đang chờ cậu? – Tôi trả lại thư cho Mạc.

Mạc có vẻ nghĩ ngợi. Nó ngồi im lặng với cốc bia sủi bọt cứ vơi rồi lại đầy. Mắt nheo nheo, đôi lông mày nhạt nhíu nhăn một cách khổ sở.

- Cậu không thích cô ấy đợi cậu sao? – Tôi hỏi.

Mạc thở dài vò lá thư bỏ vào túi, rồi đứng lên đi đi lại lại trong nhà, rồi nhìn tôi chăm chăm. Hình như Mạc muốn nói với tôi điều gì.

- Cô ấy mà lấy mình cô ấy sẽ khổ suốt đời, vì mình không có những thứ cô ấy mong muốn, – Mạc vừa nói vừa đi quanh. – Cô ấy cần một người khác nhưng cô ấy lại nhằm vào mình, thật tội nghiệp! Tình cảm là một cái gì không thể buộc được. Mình biết làm sao bây giờ?

- Sòng phẳng, đó là điều tốt nhất! Cậu không nên làm khổ người khác. Cậu không còn yêu người ta nữa sao không nói ngay?

- Không đơn giản như thế nữa đâu, ông ơi? – Mạc kêu lên và vò tóc. – Trời hại tôi rồi!

Mạc có vẻ đau khổ vì một điều gì đó mà tôi không thể hiểu được.

- Cậu ngại Thảo biết sự thật à? Cậu ngại viết thư thì để tớ viết hộ nhé.

- Ấy, đừng, phải từ từ, dần dần để cho Thảo quen với sự mất mát chứ không thì cô ấy chết mất! Vả lại…

Mặt Mạc thuỗn ra và tôi bỗng thấy lại hình ảnh nó đêm nào ngạo nghễ đứng bên con cáo chết. Lúc ấy, nó đẹp bao nhiêu thì bây giờ xấu bấy nhiêu.

- Cậu đã yêu cô Liễu rồi chứ gì? – Tôi hỏi.

- Cái chính là cô ấy yêu tớ, cô ấy cưa tớ, tớ đổ… – Mạc đáp và lại thở dài. – Đó là một tình yêu nóng.

- Còn Thảo?

- Thảo là một tình yêu lạnh. Thảo là quá khứ trong sạch như tuổi thơ của con người.

Mạc đã say, mắt đỏ lên và nói lảm nhảm. Tôi bỏ đi ra ngoài đường, lòng tràn ngập một nỗi buồn.

Từ đó, tôi cố tìm cách tránh Mạc. Rồi công việc lại cuốn tôi đi. Mặt trận phía Tây lại mở. Và tôi lại lên đường.

Qua nhiều chiến dịch, tôi gần như quên hẳn chuyện của Mạc. Tôi và nó không còn ở chung với nhau như trước nên không hiểu mọi chuyện diễn biến ra sao.

Ba năm sau, do sức khoẻ sút kém, tôi được điều ra Bắc an dưỡng và chuyển ngành. Tôi được trở lại với nghề dạy học của tôi, chỉ có điều chưa biết tôi sẽ dạy học ở đâu?

Tôi trở lại Sài Gòn và chuẩn bị ra Bắc. Tôi hỏi thăm và được biết Mạc đã xin ra khỏi quân đội chuyển về làm ở một cơ quan thương nghiệp của quận hay phường gì đó. Mạc đã lấy Liễu…

Về Hà Nội, người tôi đến thăm đầu tiên là Thảo. Tình yêu của tôi và Thảo đã chết từ lâu. Trong tôi chỉ còn một tình thương như đối với một người sa cơ lỡ bước. Biết đâu trong những năm qua Thảo vẫn chung thuỷ chờ đợi một con người bội bạc. Tôi nghĩ rằng lần gặp này dù Thảo có đau khổ đến đâu tôi cũng vẫn nói sự thật về Mạc…

Tôi hồi hộp biết bao khi lại nhìn thấy những tán lá rợp xanh ngắt trên bầu trời Yên Hạ. Những hồ nước rộng, trong veo, những con sóng nho nhỏ thì thầm như bao lời tâm sự. Một không khí dịu dàng trìu mến bao quanh và làm tôi như tiêu tan đi bao nhiêu nhọc mệt và bụi đường xa. Tôi ngồi trên mô đất và cố tìm nhận ra trong cái vùng xanh đậm của những tán lá ấy đâu là cây của nhà Thảo. Và tôi theo những ước đoán lần tìm nhà Thảo. Nhiều người chào hỏi và nhận ra tôi. Chắc rằng chỉ cần vài lời thăm hỏi là tôi biết được tin tức về Thảo, nhưng tôi lại không hỏi một lời. Tôi muốn tận mắt được thấy một cuộc sống mà chắc rằng sẽ thay đổi. Biết đâu Thảo lại không đi lấy chồng và đã ở nhà khác.

Ngôi nhà vẫn nhỏ nhắn và nép dưới cây xanh. Nền nhà cũ mà Mạc cùng Thảo đắp lên ngày trước giờ đã tôn cao hơn lở lói vì mưa nắng. Ngực tôi đập thình thịch khi nghe tiếng trẻ con trong nhà vọng ra. Một chú bé chừng ba tuổi đang chơi quả bóng cao su trên nền đất dưới mái hiên với con mèo. Quả bóng lăn ra hè, thằng bé chạy theo nhặt, và nhìn thấy tôi. Nó đứng ngây ra một lúc rồi mới nói:

- Cả nhà cháu đi vắng rồi!

- Cho chú vào chơi một tí có được không? – Tôi nói.

- Cháu không có xìa khoá – Thằng bé đáp và chỉ vào cái khoá treo ngoài cổng gỗ.

Tôi thoáng nhận ra trên khuôn mặt nhỏ bé ấy những nét quen thuộc: vầng trán xanh xao và nụ cười ngượng nghịu.

- Cháu là con ai thế – Tôi hỏi và hồi hộp nhìn thằng bé, cầu mong được nghe từ đôi môi nhỏ xinh ấy một cái tên xa lạ.

- Cháu là con mẹ Thảo… – Nó nói.

- Thế bố cháu đâu? – Tôi hỏi và ngồi xuống một mô cỏ.

- Bố cháu không có ở đây đâu, bố cháu đi xa lắm, bố cháu đi đánh thằng Mỹ cơ...

- Bố cháu tên là gì?

- Bố cháu tên là anh bộ đội...

- Cháu ra đây chơi với chú đi!

- Mẹ cháu không cho cháu ra ngoài đâu.

- Chú quen mẹ cháu, cứ ra đây với chú! – Tôi dỗ dành thằng bé và trong tôi nổi lên một mong muốn đến khao khát được ôm nó vào lòng. Thằng bé cũng muốn ra với tôi nhưng có lẽ sợ mẹ mắng nên nó cứ đứng ngây ra tì trán vào những chấn song. Tôi giơ tay qua chấn song cổng xoa lên tóc nó. Mái tóc nó thưa hoe hoe, cái cổ gầy và hai bàn tay nhỏ bé dính đất.

- Ngày nào cháu cũng bị nhốt như thế này à?

- Cháu phải trông nhà, cả nhà có một mình cháu là con trai. Bao giờ bố cháu về cháu mới không bị nhốt. Mẹ cháu bảo thế – Thằng bé nói và nhìn tôi đăm đăm. – Bố cháu có về không hả chú?

- Chú làm sao mà biết được.

- Thế làm sao chú lại về được, chú về với em bé của chú à? Em bé của chú có phải nhốt không?

Tôi không kìm giữ được lòng mình nữa, tôi vịn những chấn song gỗ leo lên và loáng cái tôi đã ở trong sân. Thằng bé không nói một lời khi tôi ôm gọn nó vào lòng. Nó lấy tay quệt những giọt nước mắt lăn trên má tôi, nép vào tôi, tiếng nói hơi lạc đi:

– Chú ơi, thế chú cũng quen cháu à?

- Chú quen cháu, quen từ lâu lắm rồi. Cháu còn bé cháu không biết chú, còn chú vẫn nhận ra cháu. – Tôi nói và không cầm được nước mắt. Tôi cũng không hiểu vì sao tôi lại khóc, nhưng cùng với nước mắt tôi cảm thấy người bỗng vơi nhẹ đi.

Có một cái gì đó đang tan rã trong tôi. Phải chăng đây là “ba dấu chấm lửng” cùng với Thảo chờ mong Mạc về?

- Chú ơi, xìa khoá đây. Mẹ cháu bảo không được đưa cho ai nhưng chú quen thân với cháu, chú mở cửa vào nhà đi, có nước xi rô mẹ cháu để cho cháu, cháu mời chú. – Thằng bé nói và kéo áo lên. Tôi nhìn thấy một chiếc chìa khoá to đeo trước ngực nó. Nó cúi đầu gỡ chiếc chìa khoá đưa cho tôi, rồi kéo tôi lại bên chiếc khoá.

- Chú không mở đâu, mẹ cháu mắng cháu – Tôi nói.

- Không, mẹ cháu không mắng cháu đâu, nhưng mà chú không được làm bừa nhà cháu, chú không cho bánh vào nước chè nhé!

- Thế cháu hay bỏ bánh vào nước chè à? – Thằng bé toét miệng cười – Đó là nụ cười đầu tiên từ lúc tôi gặp nó. Những cái răng sún cười với tôi. Tôi không mở khoá vào nhà. Tôi ngồi chơi với thằng bé cùng con mèo, rồi đi quanh vườn. Tôi đi ra sau hồ và ở đâu sự thiếu vắng đôi bàn tay của người đàn ông cũng hiện ra rất rõ. Cỏ rêu phủ mờ các lối đi và trên nền nhà dãi dầu mưa nắng. Tôi muốn hỏi thằng bé con nhiều chuyện nhưng rồi tôi lại không biết hỏi gì. Thằng bé có tôi thì vui hẳn lên ríu rít kể hết chuyện nọ đến chuyện kia, bàn tay bé nhỏ nằm gọn trong tay tôi thỉnh thoảng lại giật mạnh để bắt tôi chú ý vào câu chuyện của nó.

Bỗng nhiên nó kêu lên:

- Chú ơi, mẹ cháu về rồi đấy!

Tôi giật mình nhìn ra ngoài, không thấy ai.

- Tiếng xe đạp của mẹ cháu đấy! Mẹ cháu đang xuống dốc đấy. Chú ơi chú không nghe thấy à?

Đúng là trong im lặng có tiếng xe đạp tới gần. Tiếng xích khô rão kêu lên rồi tiếng gọi:

- Tiến ơi, con đi đâu rồi?

Liền theo tiếng gọi, Thảo hiện ra với chiếc xe đạp cũ kĩ đèo nặng những túi và làn, rau và sách vở. Vẻ lam lũ hiện ra trong dáng đi nhanh và tất tưởi, đầu hơi cúi về phía trước. Thảo như gầy và xanh hơn, nhưng vẫn giữ được dáng nét xinh đẹp dịu dàng ngày con gái.

- Ôi! Thảo kêu lên rồi đứng sững một lúc sau mới lắp bắp: Anh đã về! Anh đã về!

Chiếc xe đạp bỗng đổ xuống đất và người Thảo như cũng muốn khuỵu xuống theo. Tôi chạy lại đỡ Thảo và đặt thằng Tiến vào tay Thảo.

- Về đến đầu làng đã nghe bà con nói có anh bộ đội đến nhà, không ngờ lại là anh! Em không ngờ anh vẫn còn nhớ đến em! – Bàn tay Thảo run lên khi mở khoá và không đợi tôi ngồi xuống ghế, Thảo hỏi ngay:

- Tất cả mọi chuyện về Mạc là thật phải không anh?

- Chuyện gì? Tôi hỏi và bỗng muốn nói dối.

Nhưng rồi khuôn mặt tôi lại không thể giấu được sự thật giữ trong lòng. Khi tôi vừa ấp úng “Không phải như thế đâu, Mạc bận việc nhiều” thì Thảo ôm mặt chạy vào trong nhà và khóc nức nở.

Hôm ấy tôi ở lại nhà Thảo và đến tối khi Thảo đã bình tĩnh tôi mới nói tất cả sự thật về Mạc. Thảo nghe rất chăm chú nhưng không một chút ngạc nhiên vì tất cả những điều đó Thảo đều đã biết.

- Có những điều em nghe người ta nói lại nhưng có nhiều điều em biết bằng linh cảm. Rồi từ những linh cảm em tìm ra sự thật. Lâu nay em chỉ sống vì công tác và thằng bé này. Không có nó, em không thể sống được như thế này dù rằng nó làm em rất cực.

Vẻ bình thản đã trở lại trên khuôn mặt Thảo. Sáng hôm sau, cô lại vào trường và lên lớp học như mọi ngày. Trước đây tôi cứ tưởng rằng tôi sẽ là người an ủi nâng đỡ Thảo, nhưng đến lúc ấy tôi mới thấy hình như ngược lại. Ở người con gái này, tất cả nỗi bất hạnh của một người bị lừa gạt và nghị lực sống của cô đã làm tôi thêm sức mạnh.

Tình cảm cũ thức dậy trong tôi với dáng vẻ tươi mới của sự hồi sinh. Sau mấy tháng an dưỡng tôi xin về Yên Hạ dạy học, và quyết định nói rõ tình thương yêu chân thành với tất cả sự vụng dại của tôi cho Thảo biết.

- Sao anh không nói những điều đó với em cách đây năm năm? Bây giờ thì quá muộn rồi. Em không xứng đáng với anh đâu. – Thảo nói và thở dài. Tôi nghe trong giọng nói có nước mắt đang chảy.

Mọi thứ đều có thể làm được, trừ cái chết. Mà anh thì đã về đây! – Tôi nói.

Thảo chỉ khóc. Để Thảo bình tĩnh suy nghĩ lại, tôi đón thằng Tiến về nhà nuôi để Thảo yên tâm học tập – đợt học cuối cùng chuẩn bị thi tốt nghiệp.

Rồi Thảo ra trường và nhận công tác. Chúng tôi làm lễ cưới vào mùa đông năm ấy. Có thể nói chúng tôi sống rất hạnh phúc. Thảo là bác sĩ của một bệnh viện trong thành phố.

Tôi dạy học. Bé Tiến khoẻ mạnh ngoan ngoãn. Và cuộc sống có lẽ cứ thế mà êm ả trôi đi chẳng có gì đáng kể, nếu như Mạc không trở lại miền Bắc và tìm đến Yên Hạ.

 

Phần kết

Tôi sửng sốt khi nhìn thấy Mạc hiện ra trước cửa. Cái dáng kềnh càng của đôi vai ngang và cặp chân dài làm cho hắn như bị vướng khi để nguyên cả cái túi đeo bên vai, bước vào nhà.

Lúc ấy, tôi đang cắm cúi chấm bài và thằng cu Tiến đang xếp đồ chơi lên chiếc Honđa ba bánh chạy quanh nhà. Hắn vào nhà không báo trước và không hiểu sao hắn đi qua cả khu vườn rộng mà con chó vàng không kêu một tiếng. Tôi đứng lên chạy lại phía thằng bé. Không hiểu tại sao tôi lại làm như thế. Và cũng không biết có phải vì thái độ của tôi mà thằng bé lại bỏ đồ chơi chạy lại nấp sau lưng tôi? Bạn đã bao giờ nhìn thấy bóng tối dưới đôi cánh quạ dang rộng trùm lên một chú gà con chưa? Nhìn bóng hắn sừng sững tôi có cảm giác ấy.

Nhưng hắn chưa nhìn thấy thằng bé, thằng cu con mới hơn ba tuổi nói ngọng líu của tôi. Có lẽ vì hắn cao lớn còn thằng bé lại thấp nhỏ, đứng chưa tới gối. Hắn đưa mắt nhìn những thứ có trong nhà tôi. Từ cái giá sách đến bàn làm việc, cặp báo treo trên tường, giấy viết, chồng vở học trò, bức tranh phong cảnh treo trên tường còn để trần vì chưa có kính, chiếc tủ nhỏ và cái ri đô bằng vải hoa như một bức tường mỏng chia căn nhà làm đôi. Ống đèn tuýp nhỏ trên đầu giường nghiêng xuống bức ảnh hai mẹ con Thảo đang cười với chùm bóng bay. Đôi mắt hắn chăm chú nhìn bức ảnh như muốn cảm nhận một điều gì. Rồi từ bức ảnh hắn đã thấy những đồ chơi vứt lăn lóc cạnh chiếc Honđa đổ kềnh giữa nhà. Da mặt hắn thẫm lại. Cái màu da vốn đã thẫm lại càng thẫm hơn, và từ đôi mắt nhỏ màu thau thấp thoáng những tia sáng man dại. Những ý nghĩ gì đó cháy lên trong đầu làm cho hắn cảm thấy khát. Hắn cầm vội cốc nước trên bàn uống một hơi rồi ngồi xuống ghế, đưa mắt nhìn quanh. Đôi chân nhỏ xíu của thằng Tiến thò ra sau chân tôi và bàn tay nó túm chặt vạt áo tôi làm cho người tôi như lệch đi. Chắc rằng tôi sẽ không bao giờ phải ân hận và mọi chuyện sẽ kết thúc một cách giản dị nếu như tôi đẩy hắn ra ngoài, đóng cửa lại hoặc đi tìm một vị đại diện cơ quan hay chính quyền địa phương đến mời hắn đi. Nhưng tôi lại ngồi im như một cái cột mà bàn tay thằng Tiến như sợi dây níu giữ tôi lại.

Hắn bỗng cười. Tôi vẫn nhớ và sẽ nhận ra ngay tiếng cười vô tư và thoải mái ấy dù ở chỗ đông người. Có lẽ vì tiếng cười ấy mà không ít người lầm lẫn. Sau tiếng cười, hắn giơ tay về phía thằng bé đang rúc mặt sau lưng tôi:

- Lại đây, lại đây cho ba coi mặt chút nào, con!

- Mạc! – Tôi gọi khẽ. Lâu lắm rồi tôi mới lại gọi đến cái tên mà tôi đã quên, lúc này phải gọi lại, môi tôi run lên với nỗi xúc động khó tả. – Cậu ngồi xuống, đừng làm thằng bé sợ.

Những sợi lông mày thưa nhạt của hắn cau lại và từ đôi mắt hiện lên sự chai lì, dày dạn. Tôi kéo thằng Tiến đứng thẳng lên và ôm nó vào lòng, chỉ Mạc:

- Đây là bác Mạc, bạn của bố lâu rồi mới đến chơi. – Tôi nói và vuốt tóc Tiến.

Thăng Tiến đã bớt sợ, đưa mắt nhìn Mạc nhưng hai tay vẫn ôm chặt lấy tôi. Mạc kéo ghế ngồi đối diện với tôi rồi lấy thuốc lá ra hút, nét mặt lạnh lùng và chìm xuống trong những làn khói.

- Cậu đi phép à? – Tôi hỏi.

- Phép tắc gì đâu! Tớ ra hẳn. Từ giờ tớ sẽ ở luôn ngoài này không đi đâu nữa. – Hắn nói và nhìn tôi, mắt nheo lại. Những nếp nhăn xếp dưới đuôi mắt trông như hắn đang cười mặc dù môi hắn mím lại.

Rồi hắn đứng lên đi quanh nhà, mắt nhìn từ cái thùng mì đến cái chạn bát. Đúng ra tôi phải không cho hắn đi lại xem xét nhà tôi với dáng một ông chủ đi xa về nhà như thế. Nhưng tôi để tự nhiên cho hắn. Bởi lẽ tôi không muốn có chuyện gì ồn ào trong nhà. Hơn nữa tôi tin giữa tôi và hắn vẫn còn một mẩu dây nhỏ nào đó của tình bạn, mẩu dây ấy sẽ buộc hắn không thể làm gì hơn những bước chân ấy.

- Thảo đâu? – Hắn hỏi trống không và nhìn như muốn chọc thủng tôi.

- Vợ tôi đi công tác. – Tôi đáp và cố nén sự khó chịu xuống.

- Lúc nào Thảo về? – Hắn lại hỏi, giọng cộc lốc.

- Không biết – Tôi đáp cũng bằng cái giọng trống không như vậy.

- Vợ đi mà chồng cũng không biết bao giờ về, kì hả? – Hắn lại cười rồi giơ tay kéo thằng Tiến – Ra đây với ba. Nè, con nhìn kĩ xem ba nào là ba thiệt, ba nào là ba dởm? Con không nhận ba với con giống nhau như hai giọt nước sao? Lại đây soi gương với ba xem nào?

Giọng hắn mềm mại nhưng tay hắn cứng rắn. Tôi giữ chặt thằng Tiến lại. Mặc dù những vết thương cũ có làm tay tôi hơi yếu đi nhưng tôi đâu có thua hắn. Nếu như tôi và hắn giằng nhau một thứ gì đó chắc chắn hắn sẽ chẳng thể nào thắng được tôi. Nhưng đây lại là một đứa trẻ da thịt mềm mại, chạm mạnh cũng đau, tôi làm sao có thể giành giật?

- Cậu nghĩ sao khi đây là con tớ, vợ tớ, và ngôi nhà này làm đúng ý định ngày ra đi của tớ? – Hắn nói.

- Cút đi! Đồ đê tiện! – Tôi nghiến răng lại và cố ghìm tiếng nói đừng bật to lên để chung quanh khỏi nghe thấy. Cơn bực tức dâng lên làm tôi nghẹt thở. Người tôi run lên.

- Lâu nay cậu là người bình tĩnh sáng suốt cơ mà. Nhẽ ra cậu không nên dính vào chuyện này. Sao cậu lại ở nhà người khác và nhận con tớ là con cậu?

Hắn nói to. Rõ ràng hắn có ý không phải chỉ nói cho mình tôi nghe. Từ trước đến nay hắn vốn như thế – chơi bài ngửa – đó là quan niệm của hắn. Mồ hôi tôi toát ra ướt cả cái áo tôi đang mặc. Máu như sôi lên trong người khi thằng Tiến khóc giãy giụa trong tay hắn để lao về phía tôi.

- Nè, khéo gãy cổ đó, con! – Hắn la lên và xiết thằng bé vào người rồi đi ra ngoài.

- Này, để thằng bé lại, đi một mình, không yên với tôi đâu! – Tôi kêu lên và chạy theo nắm chặt tay Mạc giữ lại.

- Có gì đâu, mình dẫn nó đi chơi chút xíu rồi về ngay thôi mà. Bảo đảm mà. – Mạc nói và cười, vẻ khẩn khoản làm tôi bỗng thấy thương hại hắn và bằng lòng cho hắn dẫn thằng Tiến đi chơi một lúc.

Gần trưa, hắn về. Thằng Tiến đã thôi khóc, nhưng vẫn chưa có thiện cảm gì với hắn. Nó chạy lao vào tôi, ôm tôi vào giữa vòng tay, nó đưa mắt nhìn Mạc vẻ lạ lùng. Còn Mạc thì tự tiện đến nằm dài trên cái giường vải ở góc nhà triền miên hút thuốc.

- Cậu ra ăn cơm – Tôi miễn cưỡng mời và cổ nghẹn tắc không nuốt được khi lại nhìn thấy cách ăn uống ồn ào hối hả của Mạc. Vừa ăn vừa uống vừa cười nói y như giữa tôi và nó vẫn nguyên vẹn tình bạn ngày xưa, nay gặp lại sau bao năm xa cách. “Có lẽ ăn cơm xong hắn sẽ đi”. Tôi nghĩ và cố gắng chịu đựng. Nhưng không phải. Ăn cơm xong, tôi đi ngủ thì hắn cũng lên giường.

- Cô Liễu có ra với cậu không? – Tôi hỏi.

- Cô ta cao chạy xa bay rồi! – Mạc thở dài.

- Mình tưởng rằng cậu sẽ không bao giờ ra miền Bắc nữa vì Sài Gòn đối với cậu là miền đất thánh kia mà.

- Thánh với thần đâu chẳng biết, chỉ thấy xui xẻo! Hút chết đấy!

- Sao lai đến nỗi thế? – Tôi gợi chuyện, cố tìm biết nguyên nhân nào dẫn hắn đến đây phá rối sự yên tĩnh của chúng tôi.

- Đời là một canh bạc đỏ đen? Lên voi xuống chó! Còn chưa kịp sung sướng khi thấy mình sắp thành triệu phú, tay đã gai lạnh vì chạm vào vách đá nhà giam – Mạc nói và ngáp ồn ào, mắt nhắm tít lại.

- Gì mà dữ dội thế? – Tôi hỏi và không giấu nổi nụ cười.

- À, thì đời mà! Thế mới vui! Chứ cứ đều – đều – đều như thế này thì chán lắm. – Hắn vung tay, nói.

- Quan niệm của cậu như vậy sống ở miền Bắc sợ khó.

- Vẫn biết, nhưng… Nhưng, muốn thế phải có, có điều kiện… Vấn đề đầu tiên, cậu hiểu chứ? – Mạc nói và thở dài. – Tớ đã viết thư về quê cho bà cụ. Bà cụ nhà tớ thật kì lạ, cả tháng không dám ăn một miếng thịt nhưng lại có tiền nghìn bạc vạn dành cho con!

- Sao cậu chưa về quê ngay với bà cụ?

- Mình ở đây chờ Thảo.

- Cậu còn dám nhìn mặt Thảo nữa sao? – Tôi gay gắt.

- Sao lại không. – Hắn đáp một cách thản nhiên. – Mình tin rằng Thảo sẽ sung sướng khi gặp lại mình. Mối tình đầu thiêng liêng sâu sắc không dễ gì quên. – Mạc nói và lại châm thuốc.

Tôi cảm thấy như có lửa đốt trong người. Tôi nắm chặt tay, đi đến gần Mạc.

- Cậu định đánh nhau với tớ à? Ích gì! Sự thua được giữa chúng ta đâu phải qua việc đánh nhau. – Hắn nói và lại cười. – Cậu có thể đánh được tớ nhưng việc thằng bé này rất giống tớ (Nó chỉ thằng Tiến đang nằm ngủ) và ngôi nhà này dựng lên theo ý định của tớ ngày ra đi thì cậu làm sao có thể thắng tớ được?

- Nhưng còn Thảo. Thảo là người quyết định trong việc này…

- Thảo à? Nói để cậu rõ. Thảo vẫn còn yêu tớ dù đã lấy cậu. Mỗi lần có người quen vào Nam, Thảo đều hỏi thăm tớ. Như vậy đấy. Cho nên mình mới trở lại đây, mặc dù đối với Thảo cũng còn nhiều điều phải bàn. Nhưng dù sao… trong lúc này.

Tôi buông tay. Mắt tôi bỗng nhiên mờ hẳn. Đau khổ thay dần bực tức, người tôi như tê dại.

- Việc xây dựng ngôi nhà chắc cậu cũng tốn kém ít nhiêu, tớ sẽ bàn với Thảo thanh toán sòng phẳng để cậu khỏi thiệt. – Hắn nói giọng đều đều.

Tôi nhìn hắn cố ghi khắc lấy những nét trên khuôn mặt dài ngoẵng nhợt nhạt ấy. Tôi cảm thấy có gì như tanh tưởi đến phải nhổ nước bọt rồi quay đi.

- Bố ơi, cho con đi với! – Thằng Tiến đã thức dậy từ lúc nào nằm im nghe câu chuyện, chợt kêu lên rồi nhoài theo tôi , bàn tay nhỏ bé chới với.

- Ngồi im đấy! – Mạc la to rồi ghìm thằng bé lại bằng hai cánh tay xiết chặt.

Tôi không thể giằng giật một con người, tôi cũng không thể đứng đây để nhìn và nghe những tiếng nói của hắn.

- Con trông nhà, bố đi một lúc về ngay.

Tôi nói và đi ra ngoài, người muốn điên lên trong nắng trưa. Cổ cháy khát, tôi chẳng biết đi đâu và làm gì. Tôi muốn đi tìm Thảo lại sợ phải gặp em lúc này. Biết đâu lời nói của Mạc không là sự thật? Tôi bàng hoàng, cay đắng. Vả lại, tôi còn phải lên lớp. Bao nhiêu em nhỏ đang chờ tôi và tiếng trống trường đã giục giã.

Trước mắt tôi là những thác ghềnh sâu thẳm của sự đợi chờ. – Tôi chờ sự quyết định cuối cùng của Thảo.

4

Tiếng guốc gõ mạnh trên vỉa hè rạn vỡ. Tiếng guốc quen thuộc mà tôi mong chờ. – Tiếng guốc mà đêm đêm tôi vẫn thường mơ thấy, mà tôi tưởng như không còn được nghe nữa nay lại trở về, tìm đến tôi.

Tôi vội vã quay ra. Thảo! Thảo của tôi đã đến! Tôi vội vã đứng lên chạy ra đón em. Em không cười chào tôi như trước đây mỗi lần đi đâu về. Nét mặt em nghiêm trang và nặng nề trong đôi mắt. Tôi sững người. Thảo đi thẳng tới tôi, nhìn tôi và lặng thinh.

- Em về bao giờ? Em đã về nhà chưa? – Tôi hỏi và đi đến gần Thảo. Tôi cảm thấy hình như Thảo đang ốm, người em xanh xao phờ phạc. Tiếng guốc vội vã đi đến nhưng tới tôi thì dừng lại, đứng sững. - Sao vậy? – Tôi cầm tay Thảo – Em giận anh à?

- Không giận anh sao được? Anh bỏ đi để hắn chiếm nhà, cướp mất con và đuổi em đi…

- Hắn đuổi em đi? Hắn chiếm nhà? Trời! – Tôi kêu lên, sửng sốt. Bàn tay tôi đặt lên vai Thảo đang run lên.

- Anh rất tốt nhưng chỉ bằng lòng tốt thôi không đủ đâu. Trước kia, cũng vì anh quá tốt nên anh đã để mất tình yêu, bây giờ anh đã để mất hạnh phúc. Đối với hạnh phúc chỉ bằng lòng tốt thôi không đủ mà cần phải có sức mạnh. Em về sớm vì sức khoẻ của em. Em không ngờ về nhà lại gặp cảnh này!

- Sức khoẻ em làm sao?

- Em có mang đã ba tháng. Vừa qua em giấu vì muốn tham gia đợt khám tuyển nghĩa vụ quân sự, anh biết đấy, tình hình biên giới rất căng. Nhưng nay các chị ấy biết bắt em phải về. – Thảo nói và nhìn tôi. – Anh là chủ nhưng anh xử sự như một người thuê nhà, bây giờ em biết sống ra sao? Chúng ta đã mất tất cả!

- Em hiểu cho anh, đâu phải anh hèn nhát đến nỗi không thể đuổi được hắn, mà vì hắn nói em vẫn còn yêu hắn…

- Đối với em hắn là một kẻ thù. Hắn làm em đau khổ, hắn lừa lọc, phản bội và huỷ hoại đời em. Bao lâu nay chúng ta sống với nhau tình nghĩa như thế nào anh không biết hay sao mà lại tin lời của hắn? Đáng lẽ anh phải đuổi hắn ra đường, thì anh lại bỏ nhà đi… Anh rất tốt nhưng em không thể sống với anh được! – Thảo nói và bỏ đi, tiếng guốc gõ mạnh trên nền gạch vỡ, quyết liệt.

“Lòng tốt không đủ giữ hạnh phúc! Tôi đã mất Thảo chính vì tôi đã tốt không đúng chỗ. Đối với kẻ thù cần có sức mạnh. Tôi đã thiếu niềm tin nên không có sức mạnh”.

Tôi kêu lên và thay việc chạy theo Thảo tôi trở về nhà – ngôi nhà mà vì yêu Thảo tôi đã dựng lên như ý Thảo trên nền đất mà Mạc đắp. Ngôi nhà có bé Tiến tội nghiệp đối với tôi từ lâu đã gắn bó và yêu mến nhau như cha con, và mấy tháng nữa đứa con của tôi sẽ ra đời! Tôi phải gặp Mạc. Tôi không đi mà chạy. Nỗi căm giận làm bừng lên trong tôi một sức mạnh mà lâu lắm tôi mới lại cảm giác những lần giáp mặt kẻ thù…

Ngôi nhà chìm trong im lặng. Từ cửa sổ mở, ánh sáng vẫn toả ra làm cho khu vườn và những tán lá xanh biếc. Tay tôi run lên khi chạm vào ổ khoá lạnh ngắt. Tiếng động khô khốc vừa vang lên thì từ trong nhà thằng Tiến reo to:

- A! Bố đã về! Bố ơi, mẹ lại nhốt con! Bố đi đâu mãi mới về?

Nó chạy lao vào tôi, ôm lấy hai chân tôi, rúc đầu vào ngực tôi. Tôi bế con lên nhìn quanh nhà. Tất cả vẫn gọn gàng ngăn nắp như xưa: tấm ảnh vẫn nghiêng xuống và trên bàn những sách báo của tôi vẫn xếp gọn gàng.

Không một dấu vết nào của Mạc để lại. Tưởng như nó chưa hề có mặt trong ngôi nhà này.

- Bác Mạc đâu rồi hả con? – Tôi hỏi thằng Tiến.

- Mẹ đuổi đi rồi. – Nó đáp và ôm chặt lấy tôi như sợ tôi lại bỏ đi mất.

- Mẹ làm thế nào mà đuổi được bác ấy?

- Mẹ làm thế này này! – Thằng Tiến vừa nói vừa giang hai tay tát mạnh vào má tôi.

Ai đã một lần được bàn tay non mềm của đứa trẻ tát yêu lên má? Tôi không thấy đau; không thấy đột ngột giận hờn, nhất là tôi đang trong tâm trạng căng thẳng lo âu như thế này. Tôi thấy như mình vừa đi qua một trảng cát nóng bỏng dưới nắng hè thiêu đốt, gặp một bóng cây có chùm lá tươi mát chạm vào da thịt.

- Mẹ dặn con trông nhà, mẹ đi tìm bố về. – Thằng Tiến nói rồi ngước đôi mắt màu nâu tròn ngời ngợi lên nhìn tôi và nhoẻn miệng cười.

Hà Nội, tháng 12/1980

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.