chan_dung-ke_si

BẾN THỜI GIAN - Truyện ngắn Tạ Duy Anh

29-07-2023

Lượt xem 1197

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Truyện ngắn hay Tạ Duy Anh

BẾN THỜI GIAN - Truyện ngắn Tạ Duy Anh

Nhà văn Tạ Duy Anh

Bà Hảo bị mù cả hai mắt từ khi tôi chưa ra đời. Tôi và cháu nội bà - cái Hoa - cùng sinh một năm. Bà Hảo đón cái Hoa về nuôi mà không chịu ra thị trấn với bố mẹ nó. Thế là cái Hoa trở thành bạn thân thuở bé của tôi. Chúng tôi quấn quýt với nhau như hai anh em ruột. Hàng ngày tôi đều sang với cái Hoa và hai đứa thường bí mật bày ra đủ trò tinh quái. Bà Hảo ngồi ở bờ hiên và bà luôn luôn tìm được việc gì đó vừa làm vừa canh chừng chúng tôi. Bà biết khi nào chúng tôi đang ở gần bờ ao, gióng lên một câu thật nghiêm:

- Cả hai đứa quay vào! Cấm chỉ ra bờ ao.

Tôi và cái Hoa chỉ còn biết lấm lét nhìn nhau phục tài bà. Có lần chúng tôi vờ im lặng đến cạnh bà. Đang yên trí là bà Hảo không biết thì tiếng bà thản nhiên cất lên:

- Giận gì nhau mà im như thóc thế?

Chúng tôi phá lên cười. Bà Hảo mắng yêu:

- A, gớm cái quân này, định trêu bà phỏng. Chúng mày có độn thổ bà vẫn biết để moi lên như moi khoai ấy.

Chúng tôi bèn mỗi đứa một bên áp vào ngực bà:

- Làm sao bà trông thấy chúng cháu?

- Lớn lên khắc biết - bà Hảo chớp chớp cặp mắt - người ta chẳng ai chỉ toàn gặp rủi đâu.

Chúng tôi chỉ cảm nhận từ lời nói của bà một điều gì đó mơ hồ mà thiêng liêng. Điều chắc chắn là bà Hảo không thể nhìn thấy chúng tôi nếu bà không yêu chúng tôi như những báu vật.

Lớn lên, đứa trước, đứa sau cả tôi và cái Hoa cùng ra thị trấn, cách làng đúng một ngày xe ngựa.

Thời gian đầu chưa quen môi trường mới, cả hai đứa thường xin bố mẹ về làng thăm bà. Khi bác xà ích vui tính và tốt bụng ghìm con ngựa để tôi và cái Hoa nhảy xuống, đã thấy bà Hảo chống gậy chờ sẵn ở đó. Chúng tôi, mỗi đứa một bên dìu bà về nhà. Bà Hảo bảo bà đã nghe thấy tiếng lọc cọc, lọc cọc của chiếc xe ngựa từ trong giấc mơ của bà những đêm trước. Sau này tôi mới biết, chiều nào bà cũng đợi chúng tôi lại nơi chiếc xe ngựa dừng trả khách ở điểm cuối cùng.

Những chuyến thăm bà Hảo của chúng tôi thưa dần. Cả tôi và cái Hoa đều có lũ bạn mới và con đường về làng, vẫn chỉ một ngày xe ngựa, trở nên xa mù mịt. Thảng hoặc có giỗ, tết… chỉ mình cái Hoa theo bố mẹ về. Nhưng nó lại đi ngay. Nó bảo bà Hảo rất nhớ tôi và mong tôi học hành cẩn thận. Ban đầu tôi đón nhận điều đó với một chút ân hận vì không về thăm bà. Nhưng rồi tôi quên dần nhiều thứ trong đó có cái làng hẻo lánh của mình, nơi bà Hảo vẫn ngày đêm nghe tiếng lọc cọc của xe ngựa.

Tôi và cái Hoa cùng đỗ đại học và ra thành phố. Giờ đây nơi chúng tôi trở về hàng tuần, hàng tháng là cái thị trấn nhỏ ồn ào và bụi bặm. Làng nhỏ của tuổi thơ dường như biến mất trong ký ức tôi. Thảng hoặc nhớ về nó, tôi cười bởi một ý nghĩ ngạo mạn rằng, khốn khổ cho tuổi thơ tôi sinh ra ở một rẻo đất tối tăm, nghèo khó làm vậy. Ngay cả cái Hoa cũng không đủ kiên nhẫn khi có lần nó bảo tôi: "Bà tớ lẩn thẩn rồi. Lúc nào bà cũng coi hai đứa mình chỉ bằng củ khoai ấy".

Tôi nhếch mép như muốn bảo: "Người già mà".

… Không ngờ còn có ngày tôi thất thểu trở về làng nhỏ. Dường như khi vấp ngã trên đường đời người ta mới thấy hết niềm hạnh phúc lớn lao của những năm tháng sống trong sự đùm bọc của người khác. Với tôi có lẽ không chỉ có thế. Một cái gì còn sâu xa hơn cả sự che chở. Đó là hành trình đi tìm lại chính mình.

Vẫn bác xà ích năm xưa, thêm vào quãng thời gian hơn 10 năm nhuộm lên mái tóc và chòm râu của bác. Duy cặp mắt bác là vẫn linh hoạt, thấu hiểu và hóm hỉnh như ngày nào. Chỉ thoáng qua bác đã biết tôi đang trong tâm trạng của kẻ vừa nếm thất bại. Bác cười khà khà:

- Cái cậu bé tuấn tú, nhanh nhẹn và đa cảm của tôi ngày xưa đâu rồi nhỉ? Sau hơn 10 năm cậu ta cứng cáp thế này sao?

- Thưa bác - tôi nói nhỏ - xin bác cho xe chạy chầm chậm một chút được không ạ…

- Cũng chả thể nhanh được nếu so với ô tô, máy bay… cậu cứ yên trí. Rồi cậu xem, có những thứ càng nhanh càng hỏng!

Câu nói đầy ẩn ý của bác xà ích càng làm tôi buồn. Chiếc xe lọc cọc lăn bánh, đều đặn như tiếng gõ nhịp thời gian, vang lên một cách da diết. Lạ kỳ thay, y hệt như cậu bé chìm dần vào giấc ngủ bởi lời ru ngọt ngào, lòng tôi cứ dần yên tĩnh trở lại. Tôi hơi khép mắt để cảm nhận được cả mầu thời gian trong suốt, bị khuấy động bởi những đốm nắng tinh nghịch. Tôi đã trở về được với thời gian của ký ức. Sau rất nhiều năm, bầu trời trong xanh trước mắt tôi lại trở nên bí ẩn, đầy vẫy gọi.

Xen vào tiếng lọc cọc, là lời bác xà ích già:

- Tôi chỉ chờ nốt cái ngày này để đưa cậu về. Sau đây tôi xong việc. Tôi muốn dành ra ít thời gian để đếm lại những ngày tháng mình bỏ sau lưng.

Tôi choàng tỉnh.

Vậy ra tôi là người khách cuối cùng trong cuộc đời xà ích của bác. Điều này như đã được định trước khi tôi chợt nhớ ra, có biết bao người vĩnh viễn tôi không gặp lại. Nếu họ không còn lại như một vệt sáng trong ký ức tôi, điều đó nghĩa là tôi thêm một lần cô đơn trước cuộc đời.

- Cậu làm được nhiều việc chứ? - Bà xà ích đột ngột cất tiếng.

- Chả biết thế nào mà nói bác ạ - Tôi đáp.

- Ừ, chả biết thế nào. Phải cơn u mê thì càng làm càng gieo tai hoạ cho người khác. Có những người sống chỉ vì một việc không thể bỏ dở khiến họ phải sống đến cùng - bác xà ích cười khà khà - tôi ít chữ, cậu bỏ qua.

Bác xà ích đột ngột ghìm cương ngựa. Tôi cũng đột ngột nhận ra cái bến nhỏ năm nào. Giờ đây nó trở nên hiu quạnh vì hầu như người ta không còn thích đi xe ngựa. Tiếng ô tô, xe máy… đã gầm réo không chỉ trên những con đường làng gầy giơ xương, mà cả trong niềm khắc khoải của những con người suốt đời tự đóng kín mình, như là tín hiệu của một nền văn minh vừa hấp dẫn, vừa đáng sợ.

Tôi uể oải xuống xe. Bác xà ích nhanh chóng tháo ách xe khỏi vai con ngựa già rồi trịnh trọng tuyên bố:

- Từ hôm nay mày được tự do. Có oán hận gì tạo thì xuống âm phủ tính sổ sòng phẳng.

Bác quay sang tôi:

- Cậu giúp tôi một tay.

Tôi làm theo yêu cầu của bác xà ích, cùng đẩy chiếc xe vào một khu vườn. Bác nói vui:

- Tôi sẽ sửa lại làm cỗ xe chở linh hồn mình về Tây Trúc.

Gần như ngay lúc ấy, tôi nghe thấy một âm thanh rất lạ. Ban đầu nó còn mơ hồ. Càng về sau càng rõ dần để thành tiếng khua gậy tìm đường của ai đó. Bác xà ích cũng dỏng tai rồi cười hồn nhiên:

- Bà cụ lại chậm hơn hôm qua rồi.

- Bác nói ai? - Tôi hỏi cuống cuồng.

- Bà cụ mù. Hôm nào cụ cũng khua gậy ra đây đứng đúng vào lúc xe của tôi dừng bánh. Độ gần một năm nay cụ yếu dần nên mỗi hôm lại chậm một chút.

Tôi lại dỏng tai đón nhận thứ âm thanh giống như dao động tắt dần của quả lắc đồng hồ. Lát sau thì bà Hảo hiện ra ở lối rẽ. Bà dò đường một cách chật vật, toàn bộ tinh lực hướng về bến xe ngựa. Không cầm được, tôi lao như tên bắn về phía bà:

- Bà! - Tôi nghẹn ngào - cháu bị người ta phản bội rồi…

Bà Hảo lần lần từ đầu đến vai tôi như thể xem bà có đang mơ không rồi cười một cách mãn nguyện:

- Bố mày, lớn thế còn khóc như con nít ấy. Dễ thường suôn sẻ cả có khi nó chả thèm biết bà sống hay chết.

- Làm sao bà biết điều đó? - Tôi hỏi bà bằng nỗi sợ hãi.

- Lớn lên khắc biết - bà Hảo vẫn trả lời tôi như từng trả lời hồi tôi còn bé.

Tôi có cảm giác bà Hảo cũng thuộc số người quyết sống chỉ để làm việc không thể bỏ dở. Bởi vì ngay sau đó bà bảo tôi:

- Từ ngày mai bà có thể chết mà không luyến tiếc điều gì.

Tôi đứng chết lặng, cảm thấy vang lên trong lồng ngực tiếng gõ da diết và tàn nhẫn của thời gian. Trước mắt tôi giờ đây là những bến thời gian trắng xoá mà tôi sẽ phải một mình vượt qua…/.

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.